Người Việt hải ngoại: Dạy song ngữ ở Cali; Bán giò chả ở Oklahoma; Giải bóng bàn ở Nga; Nhà nghiên cứu nhận học bổng

Chương trình giảng dạy song ngữ Anh-Việt ở California

(Ảnh minh họa).

Hiệu trưởng, thầy và trò trường tiểu học DeMille thuộc học khu Westminster của tiểu bang California, nơi có đông người gốc Việt sinh sống, sáng sớm ngày 10 Tháng 5, 2023 chuẩn bị tươm tất trong những tà áo dài và trang phục mang đậm nét dân tộc Việt Nam để chào đón các giới chức giáo dục trong học khu và phụ huynh.

Học sinh từ mẫu giáo đến lớp 6 đã tập hát, xây dựng khán đài, tự mang ghế ra sân trường, và tự viết diễn văn bằng tiếng Việt-tiếng Anh để chào đón ngày này, ngày mà Hiệp hội Giáo dục Song ngữ của tiểu bang California trao giải thưởng CABE-Huy chương Xuất sắc 2023 cho trường.

Đây là một giải thưởng danh giá dành cho những trường có chương trình giảng dạy song ngữ ở California. Chỉ có 5 trường mỗi năm trên toàn tiểu bang được trao huy chương này, và DeMille là trường có chương trình song ngữ Anh-Việt đầu tiên nhận giải thưởng này.

Vùng Little Saigon ở Nam California có ba học khu công lập giảng dạy chương trình song ngữ Anh-Việt chính quy theo mô hình hòa nhập 50-50, kết hợp với giáo trình của tiểu bang. Đó là học khu Westminster, học khu Garden Grove, và học khu Anaheim.

Hành trình đưa giáo trình song ngữ vào các học khu công lập ở California

Năm 1998, hơn 60 phần trăm cư dân California thông qua dự luật 227 với lá phiếu của mình, giới hạn các chương trình giảng dạy song ngữ trên toàn tiểu bang, chỉ chú trọng vào các giáo trình dạy bằng Anh ngữ. Phụ huynh nào muốn con em mình được học trong môi trường song ngữ phải ký đơn ghi danh “vào chương trình.” Điều này hầu như dập tắt các nỗ lực đưa chương trình song ngữ vào các trường công lập trong hơn 18 năm.

Cho tới năm 2016, dự luật 58 được hơn 72 phần trăm cử tri California ủng hộ thông qua, và phá bỏ các ràng buộc của dự luật 227, tái lập chương trình song ngữ trên toàn tiểu bang California.

Vì vậy, quá trình đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy chính quy của tiểu bang California là một nỗ lực không ngừng của cả cộng đồng cư dân gốc Việt tại đây.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch ban đại diện các trung tâm Việt ngữ vùng Nam California, hay Liên hiệp Các trường Việt ngữ hải ngoại, một tổ chức với khoảng một ngàn thầy cô thiện nguyện dạy Việt ngữ trên toàn nước Mỹ, chia sẻ với VOA:

“Chính cái ngôn ngữ nó dẫn dắt vào cái văn hoá, giữ được cái sự liên kết trong cộng đồng…và chương trình tình nguyện giảng dạy tiếng Việt trên 100 ngôi trường ở Nam California cũng là một đóng góp rất là lớn. Cái kiên trì đó tác động vào sự quan tâm của các thầy cô giáo và phụ huynh ở trong các trường công lập.”

Trước khi tiếng Việt được đưa vào các chương trình giảng dạy công lập chính quy của tiểu bang California vào khoảng năm 2016, con em trong cộng đồng người Việt ở vùng Little Saigon đã được các phụ huynh quan tâm cho học thêm tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ, nhà thờ, nhà chùa trong các sinh hoạt cuối tuần.

Tiếng Việt trong sáng và tiếng Việt hội nhập

Tuy nhiên môi trường xã hội và chính trị có ảnh hưởng rất lớn vào cách giảng dạy, soạn thảo giáo án và sách giáo khoa của các chương trình song ngữ, đặc biệt là chương trình song ngữ Anh-Việt ở Nam California.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Nam California chủ yếu là những người Việt tị nạn chạy lánh cộng sản sau biến cố 30/4/1975. Họ không chỉ mang theo mình cách sống, hương vị thức ăn, tư tưởng chính trị, mà còn cả ngôn ngữ và cung cách ứng xử giao tiếp hàng ngày. Có nhiều từ vựng được sử dụng thịnh hành ở hải ngoại nhưng hầu như không còn tồn tại ở Việt Nam, và ngược lại. Điều này khiến các thầy cô dạy Việt ngữ ở Mỹ đôi khi bị ‘lấn cấn’ và buộc phải liên tục trau dồi kiến thức và học hỏi từ các bậc trưởng thượng, phụ huynh, và cộng đồng.

Cô Quỳnh Hương dạy song ngữ Anh-Việt ở trường DeMille và cũng là giáo viên đầu tiên dạy tiếng Việt chính quy tại một trường công lập ở California bày tỏ:

“Có ba cái lấn cấn. Thứ nhất là về cái ngôn ngữ thuần Việt không thì ở đây có nhiều cái mình không có hiểu hết, tại vì các cô giáo cũng lớn lên sau này và cũng học tiếng Việt không từ cái gốc. Cho nên có nhiều điều muốn hỏi về tiếng Việt. Lấn cấn thứ hai là tiếng Việt dùng ở Việt Nam và tiếng Việt dùng ở hải ngoại…Và cái lấn cấn thứ ba là giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Có những chữ tiếng Anh như vậy nhưng tiếng Việt không có thể dịch thẳng ra được. Có một phương cách học mới gọi là “Translanguaging.” Nhờ sự hỗ trợ của CABE, họ đưa ra một phương cách là liên kết giữa tiếng Anh và tiếng Việt, để cho mình thấy tiếng Anh có đặc điểm gì, tiếng Việt có đặc điểm gì, mình nối nó lại với nhau.”

Theo nghiên cứu, phương cách “Translanguaging” này giúp các em học sinh nhạy bén hơn khi hoàn thành bài tập, phát triển nhanh hơn trong hai môn toán và đọc, cũng như có nhiều từ vựng và năng động hơn trong lớp học.

Ngôn ngữ và con người có điểm chung là đều thay đổi theo thời gian. Cùng với làn sóng người Việt di dân sang Mỹ từ thập niên 2000 và sự phát triển của mạng xã hội, giao lưu giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại có phần uyển chuyển hơn. Tiếng Việt mà các thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ sau này sử dụng cũng được cập nhật hóa và hoà nhập hơn với tiếng Việt trong nước.

Khó khăn của phụ huynh học sinh

Dù theo học trường công lập từ mẫu giáo tới lớp 12 ở Mỹ là hoàn toàn miễn phí và giáo viên dạy chương trình song ngữ phải có bằng cử nhân, văn bằng sư phạm và chứng chỉ ngôn ngữ, nhưng không phải trường nào cũng giảng dạy song ngữ.

Trong số 17 trường cấp một và cấp hai ở học khu Westminster, chỉ có trường DeMille có chương trình giảng dạy song ngữ Anh-Việt. Cho nên, phụ huynh từ các thành phố cách xa trường có chương trình song ngữ phải nỗ lực để con em mình được đào tạo trong môi trường đa văn hoá, đa ngôn ngữ.

Ông Tạ Khôi, một phụ huynh của trường tiểu học Demille, cho biết:

“Chương trình song ngữ này là ở một trường công lập, và mở cửa cho tất cả mọi người. Khoảng 30 phần trăm các em ở đây là tới từ những thành phố khác. Cá nhân chúng tôi tới từ Anaheim.Có phụ huynh đến từ Orange, Los Angeles, Irvine…nên một trong những cái quan tâm là phụ huynh phải lái xe đưa mấy em tới mỗi buổi sáng và phải đón mấy em về. Thành ra phải có sự hỗ trợ để giúp đỡ lẫn nhau và củng cố chương trình.”

Nỗ lực gìn giữ tiếng Việt của cộng đồng gốc Việt

Giáo dục con em nên người là công sức của cả cộng đồng giáo viên, phụ huynh, nhà trường và xã hội. Chương trình song ngữ Anh-Việt tại vùng Little Saigon được nhận huy chương xuất sắc từ Hiệp hội Song ngữ CABE của California là một vinh dự lớn không những cho học khu Westminster mà cho cả cộng đồng gốc Việt ở Nam California.

Hiện tại, California có khoảng 1,13 triệu học sinh tại các trường công lập có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, chiếm khoảng 19% tổng số học sinh đang học tại các trường công lập.

Tiếng Việt là ngôn ngữ thịnh hành thứ ba tại Hoa Kỳ, sau tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hoa, theo kết quả thống kê dân số năm 2020.

California có hơn 200 ngôn ngữ được sử dụng trong tiểu bang này.

(Nguồn: VOA)

Cô gái gốc Việt bán chả giò gây sốt ở Oklahoma

Quầy bán chả giò theo kiểu pop-up (tạm thời) của chị Vickie Vo tại các hàng quán ở Oklahoma City, thủ phủ bang Oklahoma của Mỹ, đã trở thành một trong những địa chỉ thu hút người dân địa phương gần đây.

Theo tường thuật của trang The Oklahoman, chị Vo, một phụ nữ 27 tuổi người gốc Việt, là chủ thương hiệu OKC Eggrolls chuyên bán món chả giò ở Oklahoma City, ra đời chưa đầy một năm. Trước đó, chị đã làm việc trong lĩnh vực ăn uống nhiều năm, nhưng chị chưa từng nghĩ sẽ bán đồ ăn do mình làm.

"Từ nhỏ đến lớn, nếu bạn bảo tôi làm chả giò để bán, tôi sẽ phản ứng kiểu 'không đâu, người mở quán phải là mẹ tôi'. Và rồi bằng cách nào đó bạn bước chân vào con đường của mẹ bạn", chị Vo chia sẻ với The Oklahoman.

Đến tháng 9 năm ngoái, chị có cơ hội mở quầy bán chả giò pop-up đầu tiên tại một quán bia nhờ sự giới thiệu của bạn bè. "Chuyện đó thật điên rồ và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ, nhưng dần dà sau 10-15 lần mở quầy pop-up như vậy, chúng tôi bắt đầu nắm được cách thức vận hành", chị nói.

Những ngày này, chị mở quầy pop-up hằng tuần và đôi khi thường xuyên hơn, sáng tạo thực đơn phù hợp với địa điểm phục vụ, khả năng và chủ đề mà chị nghĩ ra cho hôm đó. "Mọi người thích chả giò, nhưng tôi cảm thấy họ muốn nhiều hơn một chút và tôi cũng muốn thực đơn của mình đa dạng hơn vì nhiều món trong thực đơn không chỉ là món ăn truyền thống Việt Nam. Tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc khi làm một số món", chị cho hay.

Luôn hiện diện trong thực đơn là chả giò thịt heo và chả giò chay, nhưng gần đây chị Vo bán cả phở, mì ramen, cơm bento, cũng như focaccia, một loại bánh mì kiểu Ý, với các hương vị khác nhau, trong đó có "PHOccacia" (tức focaccia vị phở). Kế hoạch của chị trong tương lai gần là vận hành một xe đồ ăn (food truck) bán đến 2 giờ sáng.

(Nguồn: Việt Nam)

Quyết liệt và sôi nổi giải bóng bàn của người Việt Nam tại LB Nga

(Ảnh minh họa).

Đây là giải đấu thứ hai kể từ khi VRTT ra đời và thu hút được 43 vận động viên đến từ 6 câu lạc bộ ở thủ đô Moskva và Penza tham gia.

Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), trong ngày 20/5, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moskva (Incentra) ở thủ đô Moskva của LB Nga, Ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga phối hợp với Hội người Việt Nam tại LB Nga, Hội Bóng bàn Việt nam tại LB Nga (VRTT) và Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva (Incentra), đã tổ chức Giải bóng bàn cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga “Cúp VRTT - Incentra mở rộng Hè 2023”.

Đây là giải đấu thứ hai kể từ khi VRTT ra đời và thu hút được 43 vận động viên đến từ 6 câu lạc bộ ở thủ đô Moskva và Penza tham gia.

Giải năm nay có số vận động viên đông gấp rưỡi so với giải lần đầu tiên được VRTT tổ chức năm 2022. Để đảm bảo có một sân chơi bình đẳng và hấp dẫn cho những người đam mê môn bóng bàn, giải được chia thành 3 nội dung thi đấu gồm nội dung đánh đơn A và B, cùng nội dung đánh đôi. Mỗi nội dùng chia thành 4 bảng thi đấu vòng tròn, để chọn ra hai người có điểm số cao nhất vào các trận đấu loại trực tiếp để giành giải.

Giải năm nay cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về trình độ kỹ, chiến thuật, với nhiều trận đấu giằng co quyết liệt, phải phân định thắng bại bằng set đấu thứ 5. Đáng chú ý là trận chung kết nội dung đánh đôi, đội được đánh giá cao hơn đã bất ngờ thua 3 set trắng song với tỷ số rất sít sao. Kết quả chức vô địch nội dung đánh đôi đã thuộc về các vận động viên Nguyễn Mạnh Hùng và Đỗ Văn Tiếu. Giải nhất nội dung đơn B thuộc về vận động viên Trương Phú Minh, Giải nhất nội dung đơn A thuộc về vận động viên Vũ Xuân Báu.

Phát biểu tại lễ trao giải, các đại diện VRTT và Hội người Việt Nam tại LB Nga đều cho rằng giải đã kết thúc rất thành công, qua đó tăng cường tình đoàn kết cũng như sự gắn kết trong cộng đồng người Việt Nam ở xứ sở Bạch Dương.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Nhà nghiên cứu Việt nhận học bổng khoa học danh giá

Suong Nguyen, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ người Việt tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT-Mỹ), nằm trong số 32 nhà khoa học xuất sắc trên toàn thế giới được chọn để nhận Học bổng Nghiên cứu sinh Khoa học Schmidt của cựu tổng giám đốc Google.

Người đậu Học bổng Nghiên cứu sinh Khoa học Schmidt nhận được khoản trợ cấp 100.000 USD/năm trong tối đa hai năm nghiên cứu sau tiến sĩ tại một phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới ở bất kỳ đâu trên toàn cầu.

Đây là một trong những giải thưởng nghiên cứu sau tiến sĩ danh giá nhất thế giới, do quỹ từ thiện Schmidt Futures của vợ chồng cựu Tổng giám đốc Google Eric Schmidt trao hằng năm từ năm 2018. Chương trình nhằm hỗ trợ các nhà khoa học và kỹ sư mới vào nghề khi họ theo đuổi công việc nghiên cứu liên ngành và người nhận học bổng phải nghiên cứu chuyên ngành khác với chuyên ngành mà họ đã nhận bằng tiến sĩ.

Ngoài khoản trợ cấp, họ còn được các chuyên gia hướng dẫn và tham gia chuỗi hội thảo toàn cầu của chương trình, được đào tạo, giới thiệu các khái niệm mới, thăm các trung tâm khoa học liên ngành hàng đầu và có cơ hội tiếp xúc với các nhà lãnh đạo thuộc giới khoa học, kinh doanh, chính sách, xã hội, theo tạp chí Forbes.

Suong Nguyen đang là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ trong một phòng thí nghiệm thuộc Khoa Hóa học, MIT. Cô tốt nghiệp cử nhân hóa học tại Đại học Mississippi (Mỹ) vào năm 2017. Năm năm sau, Suong Nguyen lấy bằng tiến sĩ về hóa hữu cơ tại Đại học Princeton (Mỹ), nơi cô đã phát triển các phương pháp xúc tác, điều khiển bằng ánh sáng để tổng hợp hữu cơ, ổn định sinh khối, tái chế rác thải nhựa và chức năng hóa của vật liệu cảm biến lượng tử.

Với việc trở thành nhà nghiên cứu của học bổng Schmidt, Suong Nguyen sẽ chuyển sang nghiên cứu vật liệu nano. Theo trang MIT News, các hệ thống sinh học có thể tổng hợp các đại phân tử với cấu trúc chính xác cần thiết cho chức năng sinh học của chúng. Các nhà khoa học từ lâu đã mơ ước đạt được sự kiểm soát tương tự đối với các vật liệu tổng hợp, nhưng các phương pháp hiện tại không hiệu quả và phạm vi hạn chế. Suong Nguyen hy vọng sẽ phát triển các chiến lược mới để đạt được mức độ kiểm soát cao như vậy đối với cấu trúc và tính chất của vật liệu nano, đồng thời khám phá tiềm năng sử dụng của chúng trong các ứng dụng trị liệu.

"Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và biết ơn khi nhận được Học bổng Khoa học Schmidt. Học bổng sẽ mang đến cho tôi cơ hội độc nhất để tương tác với các nhà khoa học từ nhiều nền tảng nghiên cứu khác nhau. Tôi tin rằng điều này sẽ đóng góp lớn trong việc định hình các mục tiêu nghiên cứu cho sự nghiệp tương lai của tôi", cô nói.

Bà Wendy Schmidt, vợ của ông Eric Schmidt, cho biết: "Lịch sử cung cấp những ví dụ nổi bật về những gì xảy ra khi các nhà khoa học được tự do đặt ra những câu hỏi lớn, có thể đạt được những bước đột phá thực sự trong các lĩnh vực. Các nghiên cứu sinh khoa học Schmidt đang giải quyết vấn đề hủy hoại khí hậu, khám phá các loại thuốc mới chống lại bệnh tật, phát triển các vật liệu mới, sử dụng máy học để hiểu các động lực nâng cao sức khỏe con người. Nhóm nghiên cứu mới năm nay sẽ bổ sung vào di sản này trong việc áp dụng sự khám phá khoa học để cải thiện sức khỏe và cơ hội của con người, đồng thời bảo tồn và khôi phục các hệ thống thiết yếu của hành tinh".

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang