Sàn forex hoạt động rầm rộ; Dâu tây ồ ạt xuống phố; Sầu riêng bùng nổ; Nhà trong ngõ trung tâm HN tăng giá

Sàn forex vẫn hoạt động rầm rộ

(Ảnh minh họa).

Các sàn forex trái phép vẫn công khai mời gọi người dân tham gia với lời hứa hẹn sinh lời rất cao.

Bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng và việc nhiều người sập bẫy đầu tư chứng khoán quốc tế và giao dịch tiền tệ quốc tế (forex), các sàn giao dịch này vẫn liên tục chiêu dụ người dân tham gia bằng nhiều hình thức. Thậm chí, còn hoạt động rầm rộ hơn khi tổ chức sự kiện hoành tráng, hội nghị đầu tư để thu hút "nhà đầu tư".

Chưa giao dịch đã có lời mời

Cuối tuần trước, tại một khách sạn lớn ở quận 1, TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận hàng trăm người dân tham dự chương trình "Nắm bắt cơ hội đầu tư trong biến động kinh tế 2023" do sàn forex HFM (sàn HFM) tổ chức.

Tại khu vực tiếp khách, những người đến tham dự chương trình được nhân viên sàn HFM hướng dẫn dùng điện thoại quét mã QR, cung cấp thông tin cá nhân để đăng ký mở tài khoản, nhận mã số khách mời mới có "vé" vào khán phòng.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là màn hình lớn chạy quảng cáo sàn HFM là một trong những nhà môi giới forex tốt nhất, hỗ trợ đòn bẩy giao dịch 1:1000, từng có 3,5 triệu lượt khách hàng, đoạt 60 giải thưởng trên thị trường tài chính thế giới, các đối tác chính của sàn trong đó có CLB bóng đá nổi tiếng nước Pháp - Paris Saint Germain (PSG)…

Đại diện sàn HFM giới thiệu tham gia chương trình có 3 người nước ngoài là lãnh đạo cấp cao phụ trách khu vực châu Á của HFM, 2 chuyên gia tài chính người Việt là những người trả lời các câu hỏi từ khách hàng.

Trong chương trình, các chuyên gia tài chính của sàn HFM say sưa trình bày cho nhà đầu tư về những yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới, giải đáp nguyên nhân làm cho USD, euro, yen (Nhật Bản)… tăng, giảm giá, đưa ra một số kinh nghiệm giao dịch forex… Chẳng hạn, khi Mỹ tăng lãi suất, đồng USD thường tăng giá so với đồng euro. Khi đó, nhà đầu tư giao dịch cặp tỉ giá USD/euro với vị thế USD tăng giá sẽ thắng lớn.

Trong lúc chương trình diễn ra, nhân viên sàn chủ động tiếp cận mời gọi khách tham gia đầu tư kèm theo ưu đãi hấp dẫn, như: "từ nay đến ngày 16-3, nhà đầu tư chỉ mở tài khoản, ký quỹ 300 USD sẽ được tặng 30 USD và có cơ hội lọt vào trong 15 người trúng thưởng chương trình may mắn con Mèo vàng tổng trị giá gần 1 tỉ đồng".

Một số người tham gia chương trình cho biết họ không biết nhiều về forex nên nếu có tham gia sân chơi này thì chỉ trông cậy vào mọi thông tin và tư vấn của chủ sàn.

Những người này còn nói hồi cuối tháng 2, họ cũng đã tham gia một ngày hội tài chính rất lớn được tổ chức ở TP HCM và được nhân viên của nhiều sàn như HonorFX, TMGM, Infinox, Land-FX, MiTrade, Lion Brokers... giới thiệu, tư vấn, mời chào chơi forex có mức sinh lời rất cao, lại còn được quà tặng hấp dẫn.

Lập lờ trụ sở

Trong vai khách tham gia chương trình, chúng tôi hỏi văn phòng của sàn HFM ở đâu thì nhân viên sàn cho biết trụ sở chính tại Cyprus, còn văn phòng ở Việt Nam đặt tại TP HCM nhưng chưa thể cung cấp địa chỉ cho khách hàng.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi xin số điện thoại cá nhân của nhân viên này nhưng bị từ chối với lý do chủ sàn không cho phép. Thế nhưng, người này cho biết trong vài ngày tới, sàn HFM sẽ gọi điện thoại cho toàn bộ nhà đầu tư đã đăng ký giao dịch để bổ sung thông tin, tư vấn khả năng sinh lời, hướng dẫn cách chơi forex…

Mặt khác, nhân viên sàn này còn cho biết HFM một công ty đầu tư của Cyprus được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Cyprus. Với tư cách là một công ty kinh doanh quốc tế, sàn HFM được thành lập tại St. Vincent & Grenadine.

Thế nhưng, khi chúng tôi tìm trên Google cho thấy St. Vincent & Grenadine là một đảo quốc nằm ở vùng biển Caribe, dân số hơn 100.000 người, kinh tế phát triển chủ yếu nhờ vào du lịch, nông nghiệp, khai thác mỏ…

Tuy vậy, sàn HFM vẫn cung cho nhà đầu tư hàng loạt thông tin như chủ sàn được ủy quyền và quản lý bởi Cơ quan Dịch vụ tài chính Dubai (DFSA), Cơ quan Quản lý tài chính Anh (FCA), đặc biệt tại Cộng hòa Kenya sàn FHM được Cơ quan quản lý thị trường vốn Kenya ủy quyền với tư cách là nhà môi giới ngoại hối trực tuyến…

Cạm bẫy lừa đảo

Thực tế, chuyện mời gọi đầu tư chứng khoán quốc tế, đầu tư forex tại Việt Nam không phải là mới. Hoạt động này từng nở rộ trong những năm đại dịch COVID-19 bùng phát, các sàn forex trái phép lợi dụng vào đó để dụ dỗ họ tham gia đầu tư, sinh lời cao trong thời gian "rảnh rỗi".

Năm 2021, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội từng cho biết thời điểm thị trường Việt Nam có tới 300 sàn forex trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư.

Phương thức hoạt động của các sàn này là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".

Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.

Là một trong những nạn nhân của forex, chị Nguyễn Thanh Nhàn (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết tuy nhân viên của các sàn forex cam kết không can thiệp vào lệnh mua - bán của nhà đầu tư nhưng sàn thường tung ra những kỹ xảo để "lái" nhà đầu tư giao dịch theo ý muốn của họ.

"Khi tôi đặt lệnh mua - bán các cặp ngoại tệ USD/euro thì nhân viên tư vấn liên tục gọi điện gây áp lực, thuyết phục giao dịch cặp ngoại tệ khác. Tôi làm theo hướng dẫn của họ và kết quả là mất sạch tiền trong tài khoản" - chị Nhàn kể lại.

Gần đây, Phòng An ninh mạng Công an Đồng Tháp cũng khuyến cáo người dân về tình trạng "mất trắng tài sản khi đầu tư forex". Theo đó, để tạo lòng tin nhà đầu tư, chủ sàn forex thường tổ chức các buổi học, tư vấn, tiệc tùng sang trọng khiến nhiều người mờ mắt mà không biết rằng sân chơi đó là cạm bẫy.

Các sàn này được các đối tượng quản trị (admin) thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản khách hàng. Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, "đánh cháy" tài khoản của khách hàng.

Đáng chú ý, nhà đầu tư trên các sàn này thực chất là chơi với chủ sàn. Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an…

Phải hết sức thận trọng

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ đều do tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đủ điều kiện kinh doanh thực hiện.

"Việc tổ chức sàn forex là không đúng quy định pháp luật nên các cơ quan chức năng cần phải xử lý. Người dân đưa tiền vào sàn forex là hết sức rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, nhà đầu tư cần tham khảo, tư vấn thêm từ các cơ quan chức năng và hết sức thận trọng trước những mời chào giao dịch ngoại tệ" - ông Lệnh khuyến cáo.

(Nguồn: Soha)

Dâu tây ồ ạt xuống phố, giá rẻ chưa từng có

Dâu tây Sơn La đang ồ ạt đổ xuống núi, nhuộm đỏ chợ Hà Nội. Từ mức giá cao ngất ngưởng, nay loại quả đặc sản này có giá rẻ chưa từng có. Các cửa hàng rầm rộ bán và chốt đơn xuyên đêm.

Sáng nay vừa đến cơ quan, chị Mai Thị Ngọc Diễm ở Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) nhận được điện thoại của shipper báo giao dâu tây. Chị khoe, đây là 3 hộp dâu tây hana size Vip chị đặt mua vào nửa đêm qua, giá chưa đến 200.000 đồng một set 3 hộp, chia ra chỉ 133.000 đồng/kg.

Theo chị Diễm, đây là mức giá rẻ chưa từng có. Bởi cách đây gần một tháng cũng mua size này nhưng phải trả 450.000 đồng/kg. Còn thời điểm đó, giá dâu Vip lên tới gần 1 triệu đồng/kg.

Hay như dâu bi to, chị trước chị mua 120.000 đồng/kg thì cách đây hai ngày giá chỉ 70.000 đồng/kg. Chất lượng dâu cũng ngon ngọt hơn hẳn đầu mùa.

“Dâu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được vài ngày nên tranh thủ giá rẻ tôi mua nhiều về tích trữ ăn dần. Đợt này mua chưa ăn hết lại đặt mua tiếp đợt sau. Trong nhà lúc nào cũng có dâu tây”, chị nói.

Ghi nhận trên thị trường, dâu tây hana trồng ở Sơn La được rao bán la liệt, đỏ rực chợ. Một số cửa hàng trái cây còn rao bán và chốt đơn khách mua dâu tây online xuyên đêm.

Đáng chú ý, dâu tây dịp này không những đổ bộ chợ với số lượng lớn mà giá còn rẻ chưa từng có. Cụ thể, dâu size Vip quả to như rẻ quạt, giá đầu mùa gần 1 triệu đồng/kg thì nay giảm còn 125.000-150.000 đồng/kg; dâu size to từ mức giá 450.000-500.000 đồng/kg nay còn 100.000-110.000 đồng/kg; dâu bi to giá 200.000-250.000 đồng/kg giảm về mức 60.000-70.000 đồng/kg.

Chị Lê Thị Thu Nga, nhân viên bán hàng tại một chuỗi cửa hàng trái cây lớn ở Hà Nội, cho biết, giá dâu tây Sơn La ngày càng rẻ do rộ vụ thu hoạch. Theo chị, thời điểm này, dâu tây đang có giá rẻ nhất từ trước tới nay.

Cách đây gần một tháng, dù đã giảm mạnh so với đầu vụ nhưng dâu tây size Vip vẫn 400.000-550.000 đồng/kg, nay cửa hàng đang bán 135.000 đồng/kg.

Dâu Vip cũng không hiếm và phải săn mua như trước. Dịp này cửa hàng về số lượng lớn nên lúc nào cũng có sẵn, khách đặt mua sẽ được giao hàng ngay. “Như hôm qua, 15 tấn dâu tây size Vip và size to về kho của cửa hàng. Nhân viên được chia ca chốt đơn khách đặt xuyên đêm”, chị tiết lộ.

Theo chị Trương Thị Cẩm Hương, chủ cửa hàng trái cây ở Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), dâu tây đang chính vụ thu hoạch nên trái chín đỏ, ngọt lịm và thơm. Đặc biệt, giá dâu tây còn giảm mạnh so với tháng 2.

“Tôi bán dâu tây Sơn La đã 4 năm, nhưng đây là vụ dâu có giá rẻ nhất”, chị nói. Nhớ lại khoảng 3 năm trở về trước, dâu tây trồng ở Sơn La hiếm, chị muốn lấy sỉ từ các nhà vườn thì phải “xếp hàng” chờ cả tuần mới tới lượt. Bây giờ diện tích dâu tây tăng mạnh, cung nhiều nên hàng ngày nào cũng về.

Dịp này giá rẻ, khách đặt mua ăn nhiều. Lượng dâu tây chị nhập về cũng tăng mạnh. Từ con số 40-50kg dâu mỗi chuyến, nay chị Hương nhập trên dưới 1 tạ hàng mỗi chuyến. Dâu tây về đều đặn theo ngày, hàng về tới đâu bán hết tới đó.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quý ở Mai Sơn (Sơn La) - thừa nhận, ông trồng dâu tây gần chục năm nay nhưng chưa bao giờ giá rẻ như hiện tại.

“Diện tích tăng mạnh, cung vượt cầu lại đang rộ vụ thu hoạch nên dâu rớt giá mạnh”, ông nói. Theo đó, dâu của HTX thu hái đang bán sỉ với giá 90.000 đồng/kg hàng Vip, dâu to bán 70.000 đồng/kg, cỡ nhỡ 50.000 đồng còn dâu bi chỉ 30.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu vụ, giá dâu tây giảm còn 1/3.

Hôm qua, riêng HTX dâu tây Xuân Quý thu hái được 50 tấn dâu để đổ sỉ cho các đầu mối. Ngoài xuất bán cho các siêu thị, cửa hàng trái cây, dâu được chất đầy lên 15 xe tải chở xuống chợ Long Biên bỏ sỉ.

Dâu tây Sơn La cho thu hoạch đến hết tháng 4 mới kết thúc vụ. Tuy nhiên, thời điểm dâu chín rộ và cho sản lượng cao nhất chỉ kéo dài khoảng 7 ngày nữa. Với diện tích 230ha, sản lượng dâu tây cả vùng Cò Nòi (Mai Sơn) thu hái mỗi ngày có thể lên tới 140 tấn.

“Những ngày này nắng đẹp, dâu chín đỏ căng mọng, ngọt lịm. Đây cũng là thời điểm dâu tây có chất lượng thơm ngon nhất vụ”, ông chia sẻ.

(Nguồn: Vietnamnet)

Sầu riêng Việt Nam bùng nổ sau khi được Trung Quốc cho vào

(Ảnh minh họa).

Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng hàng chục lần sau khi nước này cho phép nhập khẩu chính ngạch, và sầu riêng đang được kỳ vọng sẽ đem lại doanh thu cả tỷ đô la cho Việt Nam, khiến cho cả nhà vườn và thương lái đều ‘phấn khởi’, theo tìm hiểu của VOA.

Trái cây tỷ đô

Sau nhiều năm đi ‘chui’ sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch, lần đầu tiên vào giữa tháng 9 năm ngoái, các xe container chở hơn 100 tấn sầu riêng của Việt Nam đã lần đầu tiên ‘đường đường chính chính’ chạy sang Trung Quốc.
Sự kiện này diễn ra sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc khảo sát để cấp mã số cho vùng trồng và cơ sở đóng gói ở Việt Nam. Từ 113 cơ sở được cấp mã số hồi năm ngoái đến nay đã tăng lên gần 350 cơ sở, báo Nhân dân dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết.
Ở Trung Quốc, sầu riêng được coi là ‘trái cây vua’, được người dân đặc biệt yêu thích nên được tiêu thụ rất mạnh cho dù giá cao. Do đó, việc mở cửa thị trường hơn 1,4 tỷ dân là sức hút khổng lồ đối với cả nhà vườn và doanh nghiệp ở Việt Nam.
Ngay trong tháng 10 năm ngoái, tháng đầy đủ đầu tiên sầu riêng Việt Nam đi chính ngạch sang Trung Quốc, sầu riêng đã đạt kim ngạch 50 triệu đô la, tăng 40 lần so với cùng kỳ năm 2021 và ngay lập tức vượt thanh long trở thành trái cây có giá trị xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc, tờ Tuổi Trẻ cho biết.
Tính tổng cộng trong hơn 3 tháng cuối năm ngoái, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc gần 41 ngàn tấn sầu riêng với tổng kim ngạch 188 triệu đô la Mỹ, cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Như vậy, trong năm 2023, sầu riêng xuất sang Trung Quốc được dự đoán sẽ dễ dàng đạt mốc 1 tỷ đô la.

‘Ai cũng phấn khởi’

Từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, một trong những ‘vựa sầu riêng’ của Việt Nam, ông Võ Tấn Lợi, giám đốc công ty Phương Ngọc-Cái Bè chuyên xuất khẩu trái cây, nói sau khi Trung Quốc cho sầu riêng nhập chính ngạch, từ nhà vườn cho đến các doanh nghiệp ‘ai cũng phấn khởi’.
“Nhà nào có vườn sầu riêng thì săn sóc nâng niu,” ông Lợi nói và cho biết hiện giờ số người vào vườn thu mua ‘tăng gấp đôi’ và ‘sẵn sàng mua giá cao để giựt hàng’
Ngay từ khi chiếc xe công (container) sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc hồi năm ngoái, giá sầu riêng đã tăng cao, có lúc tăng gấp ba gấp bốn lần khi sầu riêng Thái Lan hết mùa, ông cho biết.
Bây giờ một nông dân chỉ cần có trong tay một hectare sầu riêng thì ‘nắm trong tay ít nhất là hai tỷ đồng chắc luôn’, ông nói, trong khi nếu trồng nhãn thì một hectare ‘một năm được 100-200 triệu là hết mức rồi’, còn xoài hay dừa ‘một năm được 100-300 triệu là mừng rơn rồi’.

“Thị trường Trung Quốc là thị trường tỷ mấy dân. Khi họ tiêu thụ sản phẩm gì mà họ thích rồi thì không có bao nhiêu mà cung cấp cho đủ hết. Hiện giờ không đủ số lượng cung cấp cho Trung Quốc,” chủ doanh nghiệp này nói với VOA.

Ông cho biết hiện giờ đã có tình trạng một số nhà vườn đã đốn những vườn cây khác, trong đó có mít, một loại trái cây lâu nay vẫn được nhập chính ngạch sang Trung Quốc nhưng giá không cao bằng sầu riêng, để chuyển sang trồng sầu riêng.

“Phải mất 5-6 năm nữa khi số sầu riêng mới trồng này bắt đầu ra trái thì sản lượng sầu riêng sẽ tăng gấp 3-4 lần.”

Theo lời ông thì mấy tháng qua ở địa phương của ông các thương lái Trung Quốc đã sang tiếp xúc với các doanh nghiệp rất nhiều để tìm bạn hàng và ông vẫn đang cân nhắc lựa chọn doanh nghiệp có tầm cỡ, đáng tin cậy ‘để có thể làm ăn lâu dài’.
Công ty Phương Ngọc-Cái Bè của ông trước giờ chuyên xuất sầu riêng, trong đó có sầu riêng đông lạnh đi Mỹ và sầu riêng tươi đi Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, ông nói bây giờ ông ‘sẽ không đi tiểu ngạch nữa’.
“Nói tiểu ngạch vậy chứ giống như là nhập lậu vậy đó. Trung Quốc xưa giờ đâu có cho nhập sầu riêng. Muốn qua được nước người ta thì phải đi những con đường không phải cửa khẩu chính mà đi qua những hẻm núi, con sông rồi cho cửu vạn bốc xếp qua. Khi chính quyền bắt được họ sẽ tịch thu và hủy hàng,” ông phân trần.

Thêm nữa, chi phí đi tiểu ngạch quá cao, khoảng 600-700 triệu đồng một công, có lúc lên đến 800-900 triệu, cũng theo lời ông Lợi, trong khi chi phi xuất chính ngạch chỉ vào khoảng 100 triệu một công. Phía Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu nông sản còn khi qua Trung Quốc, tiền thuế nhập khẩu do bạn hàng Trung Quốc chịu.

Nâng cao tiêu chuẩn

Ông Võ Tấn Lợi cho biết các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đề ra ‘rất khắt khe’ nhưng nhờ vậy người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam mới nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm của mình.

Ông liệt kê ra một số yêu cầu như phải dùng thuốc sạch, phải bón phân hữu cơ, nhà xưởng phải khang trang, thao tác đúng quy trình…, và cho rằng chi phí phát sinh thêm là có nhưng không đáng kể so với rủi ro lớn của con đường tiểu ngạch.

“Trung Quốc giờ đòi hỏi rất cao chứ không phải như hồi xưa đi tiểu ngạch cứ đóng thùng là đi. Doanh nghiệp chúng tôi đa số ai cũng thích làm cho minh bạch, vả lại trái sầu riêng sạch thì mình cũng đi Mỹ được, đi Úc được, đi Singapore được chẳng hạn, thì mình an tâm hơn,” ông giãi bày.

Theo lời ông thì các sở nông nghiệp địa phương đã cho người xuống tập huấn về kỹ thuật cho nông dân trong khi các doanh nghiệp phải đi tìm vùng trồng sạch để đăng ký mã số với Trung Quốc và nâng cấp nhà xưởng.

“Phải xuống tận vườn kiểm tra trực tuyến cho hải quan Trung Quốc xem, cái nào được yêu cầu mới được cấp mã số,” ông nói. “Riêng nhà xưởng phải quay cho họ xem, phải thao tác cho họ thấy mình làm có đúng không.”

Còn giá cả, ông nói các doanh nghiệp Việt Nam không chủ động được mà phải đợi bạn hàng Trung Quốc nói mức giá nào rồi mới thu mua theo giá tương ứng từ nhà vườn.

Riêng công ty ông đã xuất hàng đi Mỹ từ trước đến nay nên dễ dàng đáp ứng các điều kiện của phía Trung Quốc, ông cho biết.

Xuất Trung Quốc có lợi hơn?

Tuy nhiên, ông Lợi cũng chỉ ra một số ưu thế của thị trường Trung Quốc so với thị trường Mỹ vốn hiện giờ chưa cho nhập sầu riêng tươi mà chỉ cho phép nhập sầu riêng cấp đông của Việt Nam.

“Nói đúng ra sầu riêng sang Mỹ chỉ người châu Á mới ăn thôi nên số lượng không được nhiều.”

Hơn nữa, đường sá sang Mỹ xa xôi cộng thêm chi phí vận chuyển đắt đỏ, ông cho biết, trong khi chỉ cần 3 ngày đã đưa được trái sầu riêng tươi sang các siêu thị bên Trung Quốc, nên công ty ông xuất sang Mỹ ‘là chỉ cho có chứ không đáng kể như xuất sang Trung Quốc’.

“Đi sang Mỹ mất từ một tháng rưỡi đến hai tháng, thời gian ngâm vốn ngân hàng lâu hơn, phải trả lãi nhiều hơn,” ông chỉ ra.

Không những thế, giá sầu riêng bên Mỹ ‘không được giá bằng như bên Trung Quốc’. Theo lời ông thì sầu riêng cấp đông Việt Nam ở Mỹ bán lẻ từ 4 đến 5 đô một pound, tức khoảng 250 ngàn đồng một ký mà phải bỏ chi phí cấp đông hay xử lý các thứ, trong khi sầu riêng tươi xuất sang Trung Quốc mua tại vườn ‘đã có giá 200 ngàn đồng một ký rồi’, qua tới Trung Quốc phải bán hơn 300 ngàn đồng một ký.

Nếu sầu riêng qua Mỹ mà có giá cao quá thì ‘sẽ không có người mua’, cũng theo lời ông, nên nếu giá tăng cao thì ông sẽ ‘ngưng không làm thị trường Mỹ nữa’. “Người Việt hay người Hoa ở Mỹ họ mua sầu riêng với giá cả giới hạn, giá cao quá họ mua không nổi, còn phía Trung Quốc tôi không ngờ họ chịu mua sầu riêng với giá cao vậy,” ông phân bua.

Ông nhắc lại lúc cao điểm dịch bệnh, chi phí vận chuyển cho một công sầu riêng sang California vào khoảng 11-12 ngàn đô la, mặc dù trước đó chỉ có 2 ngàn đô la, còn sang bang Texas chi phí lên tới 15-17 ngàn đô một công.

Khi được hỏi ưa chuộng thị trường nào hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, ông nói ông thích cách làm việc của bạn hàng bên Mỹ hơn (chủ yếu là người Việt hay người Việt gốc Hoa) vì ‘họ nói sao thì y chang như vậy, không bao giờ thay đổi’.

“Phía Trung Quốc thì hay bị trục trặc. Chẳng hạn họ đặt 10 công với giá 200 ngàn đồng một ký, nhưng giữa chừng khi đi mới 5 công mà bị tuột giá thì họ sẽ kỳ kèo không thực hiện hết hợp đồng hay kiếm chuyện này chuyện khác để bớt giá,” ông dẫn chứng.

Nguy cơ khi phụ thuộc

Người chủ doanh nghiệp này cũng chỉ ra những rủi ro từ việc nông dân ồ ạt đốn các loại trái cây khác để chuyển qua trồng sầu riêng và nói rằng ‘Việt Nam đã bị mấy cú như vậy từ Trung Quốc rồi’, từ nhãn, thanh long cho đến mít, những loại cây đã được Trung Quốc cho nhập chính ngạch trước sầu riêng, và nếu lần này bị dính sầu riêng thì ‘hậu quả sẽ rất nặng’.

“Lúc mít lên 60-70 ngàn đồng một ký thì ào ào đốn các cây khác như là cây cam, cây quýt, đốn hết để trồng mít. Khi mít tuột giá và bắt đầu sầu riêng lên ngôi thì họ bắt đầu đốn mít. Bây giờ họ đốn mít nhiều lắm.”

Do trồng sầu riêng bây giờ thì cũng phải 7-8 năm mới có trái. Nếu khi đó thị trường Trung Quốc có biến động khiến sầu riêng mất giá thì coi như người nông dân ‘mất trắng 7-8 năm’. Trong khi nếu giữ lại cây mít chẳng hạn thì năm nào người nông dân cũng có trái bán.

“Nhưng biết sao giờ, người Việt Nam mà. Người nông dân thấy trước mắt cái gì được họ cứ trồng tới. Chính quyền khuyên can họ đâu có nghe. Thí dụ ông trồng nhãn năm nay nguyên hectare thu nhập có trăm triệu còn ông trồng sầu riêng năm nay thu hoạch 2 tỷ thì họ trồng gì đây?”

“Cùng làm nông như nhau, tôi hectare ông cũng hectare mà tôi đi xe gắn máy còn ông kia đi xe hơi cất nhà lầu rồi thì có chết tôi cũng phải làm theo ông kia.”

Để tránh tình trạng này, ông nói ông mong chính quyền Việt Nam đàm phán với phía Trung Quốc để cho nhập chính ngạch các loại trái cây khác của Việt Nam. Khi đó người nông dân sẽ không vì lợi ích trước mắt mà đổ dồn trồng một loại cây nữa, ông nói.

“Chẳng hạn họ cho nhập trái bưởi đi. Vùng Bến Tre trồng bưởi da xanh là ngon nhất. Khi đó họ đã có sẵn vườn bưởi rồi thì họ cứ xuất đi chứ cần chi phải đốn để trồng sầu riêng,” ông lập luận và cho rằng nếu mít ổn định ở mức giá 40-50 ngàn đồng một ký thì họ cũng không bỏ mít mà trồng sầu riêng vì mít cho thu hoạch quanh năm.

Hiện giờ, theo lời ông thì các thương lái Trung Quốc sang tìm mua sầu riêng cũng đã đặt vấn đề với ông là họ ‘chuẩn bị nhập dừa tươi’.

“Họ nói vài tháng nữa họ sẽ nhập được dừa chính ngạch. Họ đưa ra con số không thể tưởng là cố gắng làm sao mỗi ngày có được 5-10 công, 5 công dừa là đến một trăm mấy chục ngàn trái thì doanh nghiệp không thể làm nổi,” ông cho biết.

Người tiêu dùng Việt Nam chịu thiệt?

Một hậu quả của việc Trung Quốc nhập sầu riêng Việt Nam là ‘người dân trong nước không còn sầu riêng giá rẻ để ăn’ và giờ đây sầu riêng ‘đã trở thành mặt hàng xa xỉ đối với dân Việt Nam’.

Ông cho biết, lúc chưa xuất chính ngạch sang Trung Quốc, sầu riêng Ri 6, một trong những giống sầu riêng ngon nhất của Việt Nam, bán ở siêu thị có giá là 80-100 ngàn đồng một ký cho hàng đẹp, ngon. Bây giờ phải 195 ngàn đồng một ký mà là hàng dạt vì hàng đẹp ‘đã xuất sang Trung Quốc hết rồi’.

“Lúc sầu riêng còn ở giá 80-90 ngàn đồng một ký thì thiên hạ bu nhau mua cân ký. Tôi nhớ ở các khu công nghiệp, họ đẩy xe bán những trái sầu riêng nhỏ khoảng 1-2 ký họ để đầy trên sạp bán theo trái mà công nhân mua đầy,” ông nói. “Bây giờ mỗi ký sầu riêng giá gần 200 ngàn mà mỗi trái nặng gần 2-3 ký thì công nhân tiền đâu mà mua.”

(Nguồn: VOA)

Nhà trong ngõ trung tâm Hà Nội có giá ngang ngửa liền kề, biệt thự vùng ven

Mặc dù nhà trong ngõ tại TP. Hà Nội thời gian gần đây có dấu hiệu thanh khoản chậm khiến giá cũng bắt đầu giảm, song vẫn ngang ngửa với nhà liền kề, biệt thự.

Giá nhà trong ngõ ngang ngửa liền kề, biệt thự

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản vẫn duy trì nhịp độ trầm lắng, lượng thanh khoản được đánh giá ở mức thấp. Theo đó, mức giá cũng đã có xu hướng giảm khoảng vài trăm triệu đồng mỗi căn. Tuy nhiên, nếu so sánh với nhà liền kề và biệt thự gần nội đô thì nhà trong ngõ vẫn có mức giá “ngang ngửa”, thậm chí còn nhỉnh hơn.

Hiện nay, giá rao bán nhà trong ngõ 3m tại khu vực Định Công (Hoàng Mai) đang dao động từ 90 - 120 triệu đồng/m2. Cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, giá nhà trong ngõ 2,5 - 3m khu vực Lĩnh Nam đang dao động từ 90 - 100 triệu đồng/m2, những căn nhà nằm ở khu vực ô tô có thể di chuyển dao động từ 120 - 140 triệu đồng/m2, thực tế mức giá này đã giảm từ 10 - 15% so với giữa năm ngoái.

Đơn cử, một căn nhà 35m2 nằm ở mặt ngõ ô tô có thể di chuyển tại phường Lĩnh Nam, thời điểm tháng 5/2022 giá bán là 5,7 tỷ đồng, tương đương 163 triệu đồng/m2 thì nay đã giảm xuống còn 141 triệu đồng/m2. Được biết, căn nhà này đã rao bán khoảng 1 năm nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.

Hay giá nhà trong ngõ ở Phú Đô (Nam Từ Liêm), tại mặt ngõ khoảng 2,5 - 3m thời điểm giữa năm ngoái giá rao bán từ 100 - 130 triệu đồng/m2 thì nay giảm xuống còn 80 - 100 triệu đồng/m2, tương đương giảm khoảng 20%. Tại khu vực Phương Canh, giá nhà ở mặt ngõ 2 - 3m cũng có giá từ 65 - 85 triệu đồng/m2, đã giảm khoảng 15 - 20% so với năm ngoái.

Điều đáng nói, mặc dù giá bán nhà trong ngõ tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã giảm khá nhiều, song vẫn cao hơn giá liền kề và biệt thự. Đơn cử, cách khu vực Phú Đô và Phương Canh không xa, tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn giá bán liền kề, biệt thự đang dao động khoảng 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, các căn liền kề và biệt thự có diện tích rộng nên tổng số tiền người mua chi trả lớn hơn khá nhiều so với nhà trong ngõ.

Thanh khoản thấp nhưng giá vẫn neo cao

Thực tế, hiện nay tính thanh khoản của nhà trong ngõ cũng không cao nhưng mức giá vẫn chót vót. Ông Thanh Tùng, Giám Đốc sàn môi giới bất động sản Thuận Phát (Hà Nội) tiết lộ, hiện nay giá nhà trong ngõ tại một số khu vực tại địa bàn Hà Nội đã giảm trung bình từ 10 - 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức giá của phân khúc này vẫn cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của người có nhu cầu thực.

“Đa phần những người mua nhà đều phải sử dụng đòn bẩy tài chính, không thể xuống tiền một lúc ngay. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất cho vay vẫn khá cao nên ít người mua nhà ở thời điểm này, theo đó tính thanh khoản cũng rất thấp”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho biết, có nhiều căn nhà trong ngõ dù đã rao bán suốt một thời gian dài vẫn chưa tìm được chủ mới. Song, các chủ sở hữu hiện nay vịn vào cớ nguồn cung khan hiếm nên vẫn đưa ra giá bán rất cao. Bên cạnh đó, có một số môi giới còn thông đồng với chủ nhà đặt giá bán cao nhằm ăn chênh.

“Gần đây đã xuất hiện nhiều căn nhà trong ngõ đồng loạt giảm giá nhưng tôi thấy vẫn cao hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm ngoái. Thực tế, đa phần những ngôi nhà trong ngõ đang được rao bán đều chủ xây mới xong bán lại kiếm lời. Một số khác được nhà đầu tư mua gom và xác định phải có lãi mới bán ra”, vị này nói.

Ngoài ra, ông Tùng cho rằng, người mua nhà nên chủ động chia sẻ về mức tài chính có thể xuống tiền khi mua để chủ nhà có thể cân nhắc bán.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, không khó để lý giải về tình trạng trên, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá nhà đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người có nhu cầu cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang