Chuỗi cầm đồ hút vốn ngoại; Cơ hội xuất khẩu thủy sản sang TQ; Rầm rộ rao bán đất rừng; 'Mánh' bán BĐS thời khó

Vì sao chuỗi cửa hàng cầm đồ hút vốn ngoại?

(Ảnh minh họa).

Sự hậu thuẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đang giúp nhiều chuỗi cầm đồ "lớn nhanh như thổi", dòng tiền chảy vào ngành dịch vụ tỷ USD để tìm kiếm suất sinh lời cao.

Công ty cổ phần Kinh doanh F88 đang là doanh nghiệp tâm điểm trên truyền thông sau khi bị Bộ Công An khám xét khẩn cấp trụ sở chính và các chi nhánh để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Đây là công ty đình đám trong lĩnh vực dịch vụ tài chính khi "lớn nhanh như thổi" trong vài năm qua, trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước. Sự phát triển của doanh nghiệp gắn liền với khả năng huy động vốn dồi dào từ tổ chức nước ngoài cũng như trái chủ trong nước.

Suất sinh lời cao

Đầu năm 2018, F88 bắt đầu đón vốn ngoại khi quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) thông báo hoàn thành một gói đầu tư. Đến tháng 6/2018, quỹ Granite Oak đến từ châu Âu cũng rót vốn vào chuỗi cầm đồ này nhưng không tiết lộ giá trị đầu tư.

Vào ngày 2/3 vừa qua, công ty dịch vụ tài chính này thông báo nhận được khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C từ quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Đây là lần đầu tiên VOI đầu tư vào một công ty kinh doanh lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam với giá trị 30 triệu USD (mức cao nhất quỹ này rót cho một thương vụ). Trong khi Mekong Capital đã lần thứ 3 đầu tư vào F88.

Công ty còn huy động nguồn lực khổng lồ từ quốc tế với khoản vay 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited và Lendable Group. Đây là khoản tín dụng đầu tiên của Lendable tại thị trường Việt Nam.

Với thị trường trong nước, F88 đã thực hiện 32 đợt phát hành đã thực hiện từ năm 2019 đến nay, với lãi suất dao động 9-13%/năm. Hiện công ty vẫn còn 8 lô trái phiếu còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.

Chỉ trong hơn 5 năm gần nhất, chuỗi cầm đồ hàng đầu cả nước đã huy động được dòng tiền khổng lồ hàng trăm triệu USD từ nhà đầu tư quốc tế và hàng nghìn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.

Dòng tiền hậu thuẫn cho doanh nghiệp là có cơ sở khi hoạt động kinh doanh và chỉ số tài chính tốt hơn nhiều so với các công ty tài chính. Báo cáo tóm tắt cho thấy F88 lãi gần 17 tỷ đồng năm 2019 và tăng vọt lên 45 tỷ đồng năm 2020.

Theo một báo cáo xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings, mức đòn bẩy tài chính của F88 đo lường bằng tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu khoảng 3,5 lần tại thời điểm giữa năm 2021, cao hơn năm 2020 do tốc độ tăng trưởng nhanh của quy mô hoạt động cho vay.

FiinRatings đánh giá tỷ lệ đòn bẩy tài chính của F88 sẽ tiếp tục được duy trì dưới mức 4 trong trung hạn, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính cũng như các cam kết đối với các chủ nợ nước ngoài (dưới 5 lần).

Nhưng đến 31/3/2022, tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu đã tăng lên mức 3,95 lần. Công ty có thể sử dụng nguồn vốn từ tài trợ ngoại bảng của CIMB với hạn mức tín dụng lớn, nguồn vốn cổ phần phát hành mới năm 2022 và lợi nhuận giữ lại để giữ được đòn bẩy tài chính ở mức phù hợp.

F88 còn chuyển biến mạnh mẽ về khả năng sinh lời và chất lượng thu nhập. Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2021 là khoảng 18% so với mức 13% năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khả năng sinh lời vẫn duy trì ở mức cao bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và việc mở rộng quy mô. Tỷ suất ROE ở mức 11,1%, cao hơn nhiều so với mức trung vị của các công ty tài chính ở mức 6,7%.

Chất lượng tài sản của F88 cũng được duy trì ở mức tốt. Tỷ lệ nợ xấu được công bố ở mức 1,2% cuối năm 2021, so với các công ty tài chính khác đến 9%. Tổng chi phí trích lập dự phòng sử dụng cho xóa sổ các khoản nợ xấu chỉ khoảng 8-9%/ năm, thấp hơn nhiều so với các công ty cho vay tiêu dùng khác đến 20-25%/năm.

Về cơ cấu tài chính, F88 đang hướng tới một cơ cấu tài trợ dài hạn và ổn định hơn. Tính đến tháng 3 năm 2022, nợ dài hạn chiếm 37% tổng nợ vay (cuối tháng 6 năm 2021: 28%). Bên cạnh đó, F88 có thể sử dụng vốn từ CIMB qua chương trình hợp tác với ngân hàng cho các hoạt động cho vay.

Nở rộ cửa hàng tài chính

F88 chỉ là cái tên tiêu biểu cho ngành kinh doanh mới nổi ở Việt Nam, đưa dịch vụ cầm đồ từ bóng tối bước ra ngành dịch vụ tỷ đô. Nhiều cái tên khác cũng đang xây dựng được quy mô lớn, theo hướng các cửa hàng tài chính tiện lợi.

Một nghiên cứu bởi Business Times từng cho thấy khoảng 47 triệu người Việt chưa có tài khoản ngân hàng và chưa từng tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng. Nếu mỗi người có nhu cầu vay 10 triệu đồng, quy mô của các thị trường này có thể đạt hơn 23 tỷ USD.

Thị trường này được xem là còn khá phân mảnh và chưa có thương hiệu nào đủ sức chi phối. Mekong Capital từng nhận xét thị trường Việt Nam được thống trị bởi các tiệm cầm đồ truyền thống với 30.000 cửa hàng, chứng tỏ tiềm năng rất lớn để đầu tư.

Thực tế trong vài năm trở lại đây, ngành dịch vụ cầm đồ trở thành tâm điểm với sự tham gia tích cực và mở rộng thị trường của nhiều tên tuổi lớn, mà hầu hết đều có bóng dáng của nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn.

Chẳng hạn, chuỗi cầm đồ Vietmoney cũng từng hút được vốn ngoại khi hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures. Nhóm cổ đông này nắm giữ 30% cổ phần và có chân trong Hội đồng quản trị.

Probus Group đáng nói cũng là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad (Thái Lan). Srisawad Việt Nam từng có ý định mua lại công ty cho thuê tài chính I của Agribank và đang có 90 chi nhánh cho vay tại Việt Nam; tập trung nhiều vào cầm cố xe máy, ôtô và cho vay thế chấp.

Còn Vietmoney đã mở được 35 cửa hàng ở miền Nam tính đến đầu năm 2022 và đặt kế hoạch mở mới lên 100 địa điểm. Công ty này nhận cầm cố hầu hết loại tài sản, cho ra mắt cả cửa hàng thanh lý đồ công nghệ hay ứng dụng cầm đồ online đầu tiên tại Việt Nam.

Hay quỹ đầu tư John Galt Ventures (Mỹ) rót vốn vào trang điện tử Camdonhanh.vn với tham vọng đưa hình thức cầm đồ trực tuyến trở thành một hình thức cho vay cầm cố tiện lợi, cạnh tranh trực tiếp với các công ty tài chính cũng như các cơ sở cầm đồ truyền thống.

Chuỗi cửa hàng của T99 Group mới ra mắt năm 2021 nhưng cũng "lớn nhanh như thổi" với hơn 100 phòng giao dịch trên 15 tỉnh thành, mỗi tháng phục vụ hơn 18.000/lượt khách hàng và tiếp nhận gần 30.000 hồ sơ tín dụng có nhu cầu cho vay - cầm cố tài sản.

T99 cũng được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi vốn ngoại khi các nhiều cổ đông nước ngoài. Thành viên lãnh đạo nổi bật có ông Bang Min Kyu, Tổng giám đốc UST Vina và ông Simon Chadwick Jinks, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mỹ Việt.

Hướng đến phân khúc cao cấp, chuỗi cửa hàng Người Bạn Vàng cũng đang phát triển nhanh với quy mô 69 chi nhánh trên toàn quốc. Chuỗi cửa hàng được rót vốn bởi cổ đông chiến lược PNJ chuyên cầm cố trang sức, kim cương hay đồng hồ, túi xách hàng hiệu...

(Nguồn: Zing News)

Cơ hội xuất khẩu thủy sản qua Trung Quốc

Trung Quốc đã vươn lên là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng ấn tượng

Ngày 8-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây).

Thị trường có nhu cầu lớn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, từ khi Trung Quốc mở cửa lại kinh tế sau COVID-19 (ngày 8-1), xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này có nhiều khởi sắc. Đặc biệt mới đây, khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây - Trung Quốc) hoạt động bình thường trở lại đã giúp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 2-2023 tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Giai đoạn dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số doanh nghiệp (DN) bị đứt liên lạc với đối tác nên thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai hoạt động nhằm nối lại chuỗi cung ứng giúp đẩy mạnh giao thương" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay cộng đồng DN thủy sản rất coi trọng thị trường Trung Quốc bởi đây là thị trường có nhu cầu lớn.

Năm 2022, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 2 (chỉ sau Mỹ) về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng 63% so với năm trước đó, đạt 1,61 tỉ USD trong khi tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành là 23%.

"Mỗi năm Trung Quốc chi đến 2 tỉ USD để nhập thủy sản tươi sống nhưng Việt Nam chỉ mới cung cấp khoảng 322 triệu USD (chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu) nên cơ hội rất lớn. Các DN 2 bên cần chú ý khai thác ở mảng này" - Phó Chủ tịch VASEP lưu ý.

Về kiến nghị, đại diện VASEP cho hay công tác xét duyệt hồ sơ cho DN xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn chậm, với những DN gặp trục trặc quy trình phải quay lại từ đầu. Do đó, đề nghị phía cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cải tiến về công nghệ, số hóa để khắc phục tình trạng này.

Tránh gián đoạn giao thương

Tại diễn đàn, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) thông tin, đối với các mặt hàng thủy sản, Trung Quốc cấp phép DN được phép xuất khẩu và danh mục thủy sản được phép xuất khẩu. Hiện có 805 DN với 128 sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến và 40 cơ sở đóng gói thủy sản tươi sống với 48 loại sản phẩm tươi sống được Trung Quốc phê duyệt.

Hiện nay, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc thường chậm do Trung Quốc chậm phản hồi. Nhưng ở góc độ chủ quan, các DN Việt Nam chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký theo quy định của Trung Quốc.

Các lỗi sai phổ biến được chỉ ra như: hồ sơ bằng tiếng Việt không kèm bản dịch có công chứng; thông tin của DN (tên, địa chỉ...) trên các giấy tờ không trùng khớp; người ký các giấy tờ trong hồ sơ không phải người đại diện pháp luật ghi trong đăng ký kinh doanh.

"Hiện rất nhiều DN thủy sản phải đăng ký gia hạn với Trung Quốc trước ngày 31-3 và cần khẩn trương thực hiện theo quy định của nước này để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại" - đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin.

Ở góc độ DN, ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến (Quảng Ninh), cho biết đang gặp vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc dưới dạng cư dân biên giới. Do không thanh toán qua hệ thống ngân hàng nên gặp khó khăn khi báo cáo tài chính với cơ quan thuế.

"Đây là hình thức xuất khẩu truyền thống, chúng tôi mong muốn các bộ có giải pháp xin miễn trừ báo cáo tài chính cho DN" - ông Út kiến nghị.

Đối với hoạt động xuất khẩu chính ngạch, ông Út nói lô hàng bất ngờ bị phân luồng đỏ liên tục khi làm thủ tục hải quan tại sân bay Nội Bài nên cũng gặp khó. Trước đó, từ năm 2020, công ty ông Út đã xuất khẩu hàng tươi sống bằng đường hàng không, giao thương thông suốt, ngay cả cao điểm dịch bệnh.

"Mới đây, chỉ trong 4 ngày, 11 lô hàng tươi sống của chúng tôi bị phân luồng đỏ nên mất thời gian kiểm tra hàng hóa, khiến lô hàng giao bị giảm chất lượng, có 2 lô phải giảm giá 50%. Việc này không chỉ thiệt hại cho DN mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thủy sản Việt Nam. Đề nghị cơ quan quản lý có chính sách đặc thù cho các DN xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống" - ông Út bày tỏ.

Vướng do xuất khẩu tiểu ngạch

Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam, Trung Quốc là thị trường chính của ngành sắn nhưng xuất khẩu chính ngạch mới chiếm 40%, số còn lại là xuất tiểu ngạch. Năm 2022, ngành sắn Việt Nam xuất khẩu hơn 3,2 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 1,5 tỉ USD cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách với xuất khẩu biên mậu không ổn định đã gây rủi ro cho DN. Các DN sắn hiện nay bị tồn đọng hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT do rắc rối liên quan đến hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch.

(Nguồn: Người Lao Động)

Rầm rộ rao bán đất rừng sản xuất, mỗi m2 giá bằng gói bim bim

(Ảnh minh họa).

Đất rừng sản xuất có nơi rao bán giá chỉ hơn trăm triệu đồng/ha.

Nhiều mảnh có hồ, sẵn cây trồng lâu năm nhưng nếu mua về xây homestay, farmstay theo trào lưu nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh là phạm luật.

Đất rừng sản xuất rao bán giá rẻ chỉ 11.000 đồng/m2

Đất rừng sản xuất tại nhiều khu vực như Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ…. hiện đang được rao bán rất nhiều với mức giá khác nhau, tùy khu vực. Nếu mảnh nào chỉ có đất rừng sản xuất, giá bán từ hơn trăm triệu đồng/ha trở lên, tùy khu vực; nhưng nếu mảnh đất nào có chút diện tích thổ cư, ngay lập tức có giá tiền tỷ.

Chẳng hạn 6ha đất rừng sản xuất ở Yên Sơn (Tuyên Quang) được rao bán mức giá 110 triệu đồng/ha (10.000m2). Với mức giá rao bán này, mỗi mét đất rừng sản xuất chỉ có giá 11.000 đồng, bằng tiền mua gói bim bim.

Tại Hòa Bình, nhiều lô đất rừng ở các khu vực huyện như Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy… cũng đang được rao bán rầm rộ.

Chẳng hạn, 1,3ha đất rừng sản xuất ở Tân Lạc đang được rao bán giá 250 triệu đồng. Người bán không quên giới thiệu thêm lợi thế của mảnh đất khi có suối chạy quanh, gần đường quốc lộ 12B.

Mức giá tương tự cũng đang được môi giới rao bán mảnh đất rừng sản xuất gần 1,4ha đã trồng kín cây keo được 6 năm tuổi ở Cao Phong do chủ đất có nhu cầu bán để trả nợ. Mảnh đất được giới thiệu ô tô vào tận đất, sổ hồng công chứng trong ngày.

Hay có lô đất rừng sản xuất diện tích 10ha được giới thiệu bám hồ 500m ở Kim Bôi giá bán là 550 triệu đồng/ha. 10ha sẽ có giá 5,5 tỷ đồng.

“Thế đất thoải mái ô tô vào tận đất, pháp lý đã trích đo và sang tên trực tiếp cho khách mua; xung quanh có rất nhiều dự án lớn, gần suối khoáng Kim Bôi. Đất bám hồ 500m, làm khu nghỉ dưỡng thì quá đỉnh, cách Hà Nội 70km…”, là một số thông tin môi giới giới thiệu về lô đất rừng sản xuất đang cần bán.

Một số lô đất rừng sản xuất nhưng có một ít diện tích đất thổ cư là mức giá lại cao hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, 3ha đất rừng sản xuất, có quy hoạch lên cây lâu năm, bám đường 100m, trên đất có sẵn nhà ở Thanh Sơn (Phú Thọ) đang được rao bán giá hơn 1 tỷ đồng.

Tại Hòa Bình, lô đất hơn 6.000m2, trong đó có 130m2 là thổ cư và 1.000m2 đất vườn, còn lại là đất rừng sản xuất đang được rao bán giá hơn 3 tỷ đồng. Hay mảnh đất 1,3ha, có hơn 600m2 thổ cư, còn lại là đất rừng ở huyện Lạc Thủy cũng đang rao bán giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Mua bán đất rừng sản xuất cần đặc biệt chú ý

Đất rừng sản xuất có bị hạn chế mua bán hay không và khi mua cần lưu ý những điều gì để tránh rủi ro?

Trao đổi với PV.VietNamNet, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết: Một số đất có hạn chế về mặt mua bán, chuyển nhượng như đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ.

Còn đất rừng sản xuất phục vụ mục đích kinh tế nên không bị hạn chế việc chuyển nhượng. Cá nhân nào có năng lực, mong muốn làm giàu kinh tế đồi rừng đều có quyền mua bán, chuyển nhượng đất rừng sản xuất.

“Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất cũng tương đương như các loại đất kinh doanh thương mại, đất thương mại dịch vụ hay đất ở. Tức là phải đáp ứng các điều kiện chung trong Luật Đất đai; phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, đất không bị cầm cố, không bị kê biên, không bị phát mại; đất không có tranh chấp, sử dụng ổn định lâu dài. Khi mua bán công chứng, chứng thực và phải đăng ký với nhà nước”, Luật sư Tuấn Anh cho hay.

Tuy nhiên, theo luật sư, người mua cần lưu ý, đất rừng sản xuất tuyệt đối nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng trên đất.

“Rất nhiều người mua đất rừng sản xuất rồi xây dựng homestay, farmstay theo trào lưu bây giờ để vừa để ở, nghỉ dưỡng lại lại kết hợp kinh doanh. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Việc xây dựng trên đất rừng bắt buộc phải được cơ quan Nhà nước cho phép, phải được chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đất rừng lại ‘mọc’ nhà trên đó là không phù hợp quy hoạch nên rất khó chuyển đổi”, Luật sư Tuấn Anh lưu ý.

Theo vị luật sư này, đừng mong muốn có thể bỏ ra vài trăm triệu mua được 1 ha đất rừng, có thể xây dựng được căn nhà nhỏ để ở, đó là suy nghĩ sai lầm; điều này sẽ dẫn đến các vi phạm pháp luật, dính rủi ro pháp lý không đáng có.

“Với những người đang có ý định mua đất rừng để sau đó bằng cách nào đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất một phần sang đất ở để phục vụ mục đích kinh doanh hay để ở trên đất rừng, tôi khuyên không nên thực hiện việc này. Còn các cá nhân rao bán đất rừng sản xuất có thể làm khu nghỉ dưỡng hiện nay hầu hết do cảm xúc, cảm tính cá nhân họ cho rằng có thể làm được và mua, dẫn đến việc đất rừng được mua bán sôi nổi trên thị trường.

Bất kỳ hoạt động xây dựng nào trên đất rừng sản xuất mà chưa được phép chuyển đổi mục đích đều vi phạm; chủ sử dụng đất rất dễ đối mặt với hành vi vi phạm pháp luật, rủi ro pháp lý; thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn thực hiện việc xây dựng”, vị luật sư phân tích.

Ngoài ra, theo Luật sư Tuấn Anh, người mua muốn mua đất rừng sản xuất cần xem xét kỹ nguồn gốc sử dụng đất, xem xét kỹ hiện trạng. Bởi khi mua một thửa đất rừng, có khu vực người dân sống lâu năm lại được cấp một phần đất ở trong đó thì lại hoàn toàn có quyền xây dựng ở khu vực đất đó.

“Còn nếu đất rừng chưa được chuyển đổi mà xây dựng nhà lên để ở, để khai thác kinh doanh về mặt kinh tế là không được, rất rủi ro”, Luật sư Tuấn Anh lưu ý thêm.

(Nguồn: Vietnamnet)

“Mánh” bán hàng thời khó của môi giới bất động sản

Không bán được hàng, nhiều môi giới bất động sản tạo tiktok, liên tục đẩy thông tin hàng ngộp, hoặc đem sổ đỏ của nhà đầu tư ra vỉa hè chào bán…

Ghi nhận cho thấy, bên cạnh các môi giới bỏ nghề/nghỉ nghề thì không ít môi giới bất động sản vẫn bám trụ và tìm cách xoay sở để chờ thị trường. Họ “cố vớt vát” theo kiểu: Được gì thì được.

Giao dịch đất nền vẫn xuất hiện tại một số khu vực. Đây được xem là điểm sáng thị trường cũng như là nỗ lực của môi giới bất động sản thời khó. Các giao dịch hiện nay chủ yếu đến từ nguồn hàng đất nền ngộp sâu; các căn hộ giá vừa túi tiền có chiết khấu mạnh tay. Đây cũng là thời điểm ghi nhận những “chiêu trò” bán hàng rõ nét nhất từ môi giới bất động sản.

Không còn cảnh môi giới chiêu trò quảng cáo một nơi, dắt khách một nẻo như thời điểm trước đây. Tuy nhiên, thị trường lại xuất hiện những “chiêu mới” trong bối cảnh trầm lắng giao dịch. Tại một số khu vực là điểm nóng bất động sản nhận thấy, nhiều môi giới vẫn hoạt động theo hình thức treo biển bảng “xả hàng”. Hình thức “xả hàng” hay “hàng ngộp” gắn trên các bảng bán đất nhằm thu hút người qua đường được xem là hình thức xuất hiện nhiều nhất ở giai đoạn này. Thế nhưng, thực tế, việc hàng ngộp không phải là tất cả các sản phẩm trong giỏ hàng rao bán.

Thế nhưng, nhờ hình thức này, một số môi giới vẫn có giao dịch khi tiếp cận được nhà đầu tư có nhu cầu. Anh Võ, một môi giới tự do tại thị trường khu Đông Tp.HCM cho biết, hai tuần trước anh có một giao dịch là nền đất mặt tiền đường lớn, giảm khoảng 300 triệu đồng so với giá kì vọng trước đó của nhà đầu tư. Theo anh Võ, hiện thị trường vẫn xuất hiện giao dịch nhưng khá ít ỏi. Một lượng nhà đầu tư có tiền vẫn âm thầm tìm kiếm bất động sản vị trí tốt, giá tốt để xuống tiền.

“Có thể thấy, tâm lý của bất cứ nhà đầu tư nào vẫn muốn giá thật rẻ ở giai đoạn này. Tuy nhiên, khi được tư vấn và xem đất thì ngoài yếu tố rẻ, nhà đầu tư sẽ chọn mảnh đất ưng ý. Có thể mảnh đất đó không giảm giá nhiều như kì vọng ban đầu”, anh Võ cho hay.

Bên cạnh đó, thị trường còn diễn ra tình cảnh rao bán đất nền giá rẻ trên tiktok, tại các quán cafe, ở vỉa hè trong khu dân cư. Đây là hình ảnh dễ bắt gặp thời điểm thị trường gặp khó. Không ít môi giới đem biển bán đất ra tận quán cafe với hi vọng sẽ đón được lượng khách đầu tư vãng lai. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, lúc này việc chốt khách mua không dễ dàng. Môi giới tận dụng các mảnh đất nhiều lợi thế để giới thiệu khách hàng nhưng tâm lý chần chừ khiến nhiều nhà đầu tư dù có tiền vẫn chưa muốn xuống tiền.

Từng mang sổ đỏ ra vỉa hè rao bán cho mình và cho nhà đầu tư, anh T, ngụ Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) đã chốt được một giao dịch với mảnh đất nông nghiệp tại khu tỉnh lân cận Tp.HCM. Tuy nhiên, theo cách anh T chia sẻ, đây chỉ là hình thức rao bán tạm thời lúc thị trường khó chứ thực ra cũng làm mất đi giá trị mảnh đất. Việc mang sổ đỏ ra đường rao bán là hình thức thu hút sự chú ý, nhưng không dễ chốt giao dịch.

“So với giai đoạn trước Tết, hiện tại thị trường vẫn khá trầm lắng. Các giao dịch xuất hiện lẻ tẻ ở phân khúc đất nền, giá giảm từ 300-500 triệu/sản phẩm”, anh T cho biết.

Tìm hiểu được biết, những môi giới còn bám trụ với nghề ở giai đoạn này khá ít. Họ đa số là môi giới lâu năm trong nghề, có mối quan hệ với nhiều nhà đầu tư, kì vọng thị trường phục hồi sớm để bắt nhịp lại. Những chiêu thức mà môi giới sử dụng cũng dễ hiểu bởi để có giao dịch trong thời điểm này là vô cùng khó khăn.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang