Người Việt hải ngoại: Tết ấm áp ở Bangkok; Người trẻ ở Mỹ thích tiếng Việt; Đám cưới Việt ở Mỹ; Người phạm pháp ở Nhật tăng

Ấm áp Tết cộng đồng tại Bangkok, Thái Lan

(Ảnh minh họa).

Niềm hân hoan trong ngày gặp mặt, sự say sưa trong những giai điệu ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bài ca cách mạng cùng ánh mắt lưu luyến không muốn về...,tất cả được cảm nhận trong buổi gặp mặt mừng Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức tại Thái Lan.

Tối 30/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp Tết Nguyên đán 2024 tại trụ sở Đại sứ quán, với sự tham dự của hơn 300 khách mời đại diện cho cộng đồng bà con kiều bào, các sinh viên, nghiên cứu sinh, và người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Phan Chí Thành đã điểm lại những thành tựu nổi bật về tình hình phát triển kinh tế của đất nước trong năm qua. Đặc biệt là việc Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, bài bản, liên tục, thành công toàn diện và được nhận định là điểm sáng nổi bật. Trong năm 2023, Việt Nam đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương; trong đó, có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden...

Đại sứ cũng khẳng định năm 2023 – năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan, đánh dấu nhiều bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao chính thức và bên lề các Hội nghị đa phương. Đặc biệt, cuối năm 2023, chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo nền tảng cho việc nâng cấp quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.

Đại sứ Phan Chí Thành cho rằng, trong năm 2023, cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan thực sự phát triển mạnh mẽ, đạt được vị thế và uy tín nhất định trong xã hội sở tại, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và vun đắp quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Đại sứ đặc biệt đánh giá cao sự tham gia và phối hợp tích cực của bà con kiều bào trong mọi hoạt động của Đại sứ quán, trong đó có việc tổ chức đón đoàn các đoàn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Thái Lan và gặp gỡ cộng đồng, đoàn Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh cùng các đoàn công tác địa phương và doanh nghiệp Việt Nam; tổ chức thành công Diễn đàn doanh nghiệp 5 nước Việt Nam - Thái Lan - Lào – Campuchia – Myanmar; ra mắt Phố Việt Nam (Vietnam Town) đầu tiên trên thế giới tại tỉnh Udon Thani, khởi công Cổng chào Việt Nam tại tỉnh Nakhon Phanom, khánh thành cổng chào lưu niệm Việt kiều tại tỉnh Nong Khai, động thổ giai đoạn 2 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Udon Thani cùng nhiều sự kiện, hoạt động ý nghĩa khác.

Đại sứ Phan Chí Thành bày tỏ mong muốn trong năm mới 2024, kiều bào tại Thái Lan sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm qua, chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển mạnh mẽ, vun đắp quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam – Thái Lan, đồng thời, không quên hướng về quê hương, nguồn cội, tiếp tục gìn giữ tiếng Việt và văn hoá Việt qua các thế hệ sau.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Thìn, Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan và ông Đỗ Xuân Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam thủ đô Bangkok và vùng phụ cận bày tỏ niềm phấn khởi khi có dịp họp mặt tại Đại sứ quán Việt Nam, bày tỏ biết ơn Đảng và Nhà nước luôn có chính sách quan tâm đến cộng đồng kiều bào ở xa Tổ quốc, trong đó có kiều bào tại Thái Lan; khẳng định luôn hướng về quê hương đất nước, hướng về Bác Hồ và giáo dục cho con em thế hệ sau về truyền thống hào hùng con Lạc cháu Hồng của dân tộc.

Trong không khí vui tươi ấm áp, bà con kiều bào đã cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, giò chả… do cán bộ nhân viên Đại sứ quán và bà con kiều bào chuẩn bị; hào hứng tham gia các trò chơi và cùng say sưa trong lời ca tiếng nhạc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu Tổ quốc...

Thế hệ trẻ tại Mỹ ngày càng quan tâm tới việc học tiếng Việt

Theo bà Nguyễn Phương Chung, các bạn trẻ Mỹ cảm nhận mỗi ngày đến lớp học tiếng Việt là mỗi ngày xích lại gần Việt Nam hơn, biết thêm về cuộc sống, những nét văn hóa đặc sắc của người Việt.

Với nhiều người Mỹ, từng có thời gian dài họ chỉ biết đến Việt Nam gắn với hai từ “chiến tranh.” Tuy nhiên, điều này đang thay đổi cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương.

Thế hệ trẻ tại Mỹ giờ đây biết đến Việt Nam là một quốc gia đang chuyển mình mạnh mẽ, một nền kinh tế năng động và hội nhập toàn cầu, đặc biệt nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếng Việt đã đóng vai trò như một “sứ giả” trong quá trình thay đổi ấy.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, bà Nguyễn Phương Chung - một giảng viên tiếng Việt hàng đầu tại Mỹ và hiện là Giám đốc chương trình tiếng Việt thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á của Đại học Columbia danh tiếng, cho biết ngày càng nhiều người Mỹ quan tâm học tiếng Việt.

Có hai nhóm sinh viên, một nhóm là người Mỹ gốc Việt và một nhóm là sinh viên người Mỹ.

Với các bạn người Mỹ gốc Việt, điều đầu tiên khiến các bạn mong muốn học tiếng Việt là muốn kết nối, hiểu hơn về văn hóa nguồn cội dân tộc, về đất nước quê hương xứ sở.

Trong khi các sinh viên người Mỹ rất hứng thú học tiếng Việt để trực tiếp khám phá nền văn hóa, đất nước, con người và lịch sử Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Phương Chung, các bạn trẻ Mỹ cảm nhận mỗi ngày đến lớp là mỗi ngày xích lại gần Việt Nam hơn, các bạn biết được thêm về cuộc sống hằng ngày của người Việt, những nét văn hóa đặc sắc như văn hóa gia đình, văn hóa ứng xử giữa bố mẹ và con cái, giữa ông bà và các cháu, quan hệ hàng xóm láng giềng hay các loại hình nghệ thuật dân gian. Đây là những nét có nhiều khác biệt so với văn hóa Mỹ.

Anh Jonathan Formella, sinh viên Đại học Columbia, chia sẻ Việt Nam và Mỹ có lịch sử phức tạp, nhiều lúc thăng trầm. Trước đây, anh chỉ biết Việt Nam qua sách báo và các phương tiện truyền thông Mỹ.

Chính điều này đã thôi thúc Jonathan học tiếng Việt để tự mình khám phá nền văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Năm 2023, Jonathan đã sang Hà Nội sinh sống trong gần 1 năm. Chuyến đi để lại trong chàng sinh viên Mỹ những ấn tượng sâu đậm về một Việt Nam thật khác, một Việt Nam phát triển, người dân nồng hậu, một nền văn hóa đặc sắc, phong phú và vô cùng ấm áp.

Anh hy vọng trong tương lai có thể dùng vốn tiếng Việt của mình để giúp nhiều người Mỹ hiểu hơn về dải đất hình chữ S.

Duyên dáng trong tà Áo dài truyền thống, sinh viên Sophie Arnstein lại chia sẻ một câu chuyện thú vị khác. Cô nữ sinh tới từ “kinh đô giáo dục” Boston (bang Massachussetts) cho biết lý do ban đầu khiến cô học tiếng Việt chỉ đơn giản là để hiểu hơn người bạn thân của mình, một phụ nữ gốc Việt sống cùng thành phố.

Thế nhưng, càng học, Sophie càng thấy yêu tiếng Việt và yêu đất nước cách xa nửa vòng Trái Đất. Theo Sophie, chính tiếng Việt đã mở cánh cửa đưa cô tới một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc dân tộc.

Chỉ sau vài tháng học tiếng, Sophie đã thực hiện chuyến du lịch đến Việt Nam, đi thăm những danh lam thắng cảnh như Phố cổ Hội An, Hồ Gươm hay Vịnh Hạ Long vốn trước đây chỉ biết qua phim ảnh. Nữ sinh Đại học Columbia hy vọng một ngày không xa sẽ đến sống và làm việc tại Việt Nam.

Với vốn tiếng Việt hạn chế, nữ sinh Lưu Thị Tường Vy nói rằng em lớn lên trong một gia đình gốc Việt tại thành phố San Diego (bang California) nhưng nhiều khi rất khó chia sẻ với bố mẹ hay ông bà những suy nghĩ của mình do bất đồng ngôn ngữ.

Đó là lý do em khao khát và quyết tâm học tiếng Việt để các thành viên trong gia đình có thể giao tiếp và hiểu nhau hơn.

Em Tường Vi cho rằng các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt nên duy trì tiếng Việt, một phần là để biết đâu là nguồn cội, một phần cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Giám đốc Chương trình tiếng Việt Nguyễn Phương Chung cho biết thêm chương trình đang giảng dạy 4 lớp, từ trình độ sơ cấp đến cao cấp cho cả sinh viên cử nhân và sinh viên cao học ngành Việt Nam học.

Ngoài các lớp học chính thức, trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giới thiệu về văn hóa truyền thống và đất nước-con người Việt Nam, như buổi biểu diễn ca trù của các nghệ nhân đến từ Việt Nam hay buổi chiếu phim “Once Upon Bridge Vietnam.”

Sau 5 năm xây dựng và phát triển, chương trình tiếng Việt của Đại học Columbia đã đào tạo khoảng 50 sinh viên.

Nhờ tiếng Việt, các học viên có thể cảm nhận sự khác biệt giữa cải lương, chèo hay dân ca quan họ, hay cảm nhận được vẻ đẹp Việt Nam thông qua tà Áo dài và các trang phục truyền thống khác.

Hầu hết học viên đều hy vọng có nhiều cơ hội trải nghiệm các nét đẹp văn hóa đó ở Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ Mỹ đã đến Việt Nam sống một thời gian để học tiếng Việt, đi du lịch và khám phá văn hóa, con người Việt Nam. Cảm nhận chung của các học viên Mỹ sau những chuyến đi như vậy là tình yêu Việt Nam và mong muốn một ngày nào đó tới Việt Nam sinh sống, làm việc.

Tiếng Việt không chỉ là một ngôn ngữ, mà thật sự đã trở thành cầu nối gắn kết những người Việt xa xứ, đồng thời mở ra cách cửa mới chào đón bạn bè quốc tế đến với Việt Nam.

Người phụ nữ mang nét đẹp văn hóa quê nhà thổi hồn vào những sự kiện và đám cưới người Việt ở Mỹ

(Ảnh minh họa).

Từ những nhành hoa bé nhỏ, chiếc thiếp mộc mạc… Thu Trang đã khéo léo, tỉ mẩn biến thành những sản phẩm handmade đậm hồn người Việt, khiến người xa quê không khỏi nao lòng mỗi dịp Tết.

Lưu Thị Thu Trang (sinh năm 1990, là một wedding & event planner - người tổ chức đám cưới và sự kiện, hiện sống tại Mỹ) là một bà mẹ của 2 đứa trẻ.

Nụ cười luôn tươi tắn trên môi cùng gương mặt phúc hậu, Trang vừa thoăn thoắt bàn tay cắm chỉnh từng bông hoa vừa liên tục chuyện trò mà không bị gián đoạn. Cô đang tranh thủ học thêm cách cắm hoa mới ở một lớp học diễn ra vào cuối tuần tại Thủ đô. Mọi công đoạn cần nhanh chóng vì "mình chỉ ở Hà Nội có 2 ngày cuối tuần này thôi".

Trang đã đảm đang kết hợp mọi chuyện khéo léo như thế, vừa đem con về thăm gia đình, cô vừa muốn trau dồi thêm tay nghề để tạo thêm những mới lạ trong việc làm đồ handmade, mang văn hóa người Việt đến khắp nơi trên nước Mỹ.

Được mọi người ưu ái gọi bằng cái tên Trang Tết, Trang Luu Wedding, cô chia sẻ: "Mỗi dịp Tết mình thường mở gian hàng Tết bán các sản phẩm truyền thống của Việt Nam nên không thể bỏ qua cơ hội học thêm, ngay tại Việt Nam".

Nhen nhóm ước mơ

Thu Trang kể, cô qua Mỹ đến hiện tại đã hơn 5 năm. Chồng cô là một kỹ sư Công nghệ thông tin. Khi mới qua Mỹ cùng chồng, cô cũng rất băn khoăn trong việc định hướng nghề nghiệp mới nơi xứ người.

Trong quá trình sinh sống, cô nhận ra có rất nhiều người Việt sinh sống ở California (Mỹ). Với lợi thế về công việc wedding planner ở Việt Nam, Thu Trang bỗng nảy sinh ý định một lần nữa theo đuổi đam mê vừa có thể nuôi dưỡng đời sống tâm hồn cho nhiều người Việt xa quê có thể thưởng thức chút hương vị quê nhà.

"Lúc đầu mình có làm nhiều góc trang trí đẹp ở sân vườn nhà các dịp lễ Trung Thu, Tết cổ truyền để mọi người tới chụp hình miễn phí và con mình có bạn chơi cùng, biết về văn hoá truyền thống Việt.

Mỗi năm mình lại sáng tạo một vài concept khác nhau để mọi người có nhiều góc "sống ảo". Trên nhiều diễn đàn gia đình Việt ở Mỹ, rất nhiều ảnh của không gian nhà mình được các bạn chụp và dành lời khen khiến mình rất hạnh phúc", Trang cười nói.

Gian nan trên con đường thổi hồn văn hóa Việt

Khi mới qua Mỹ, việc tiếp cận với văn hoá truyền thống, hay mua những món đồ ở Mỹ Thu Trang thấy rất ít. Do đó, hầu như đồ trang trí cô phải nhập 100% ở Việt Nam qua. "Hàng cồng kềnh, giữ gìn bảo quản khó nên vận chuyển qua rất khó", Trang nhớ lại.

Khi mới qua Mỹ, Trang cũng chỉ bày gian hàng tại nhà để bán, vừa làm vừa dò xem thị hiếu khách ở đây ra sao. "Có không ít những người lớn tuổi chê, không hợp xưa cũ. Mình phải kết hợp cả hiện đại và truyền thống cho phù hợp. Sau 4 năm mở bán, hiện tại mình có một lượng khách tương đối ổn định và được nhiều khách hàng ở các bang khác ủng hộ", Trang nói trong hạnh phúc.

Đây thực sự là câu chuyện xuất phát đầu tiên từ đam mê. Trang đam mê với công việc trang trí, cắm hoa, làm đồ thủ công... Từ nhỏ, cô đã rất thích làm các sản phẩm handmade. Lại có chút năng khiếu về kinh doanh nên từ năm học lớp 5, cô đã biết làm hoa giấy để bán cho các bạn trong trường.

Trang tiết lộ, cô có một tiệm wedding planner ở Việt Nam tới nay vẫn hoạt động sang năm thứ 12. Khi qua tới Mỹ, lợi thế về nghề nghiệp và được sự động viên của chồng, cô bắt đầu với kinh doanh online trước.

"Bình thường thì mình nhận sự kiện và trang trí tiệc ăn hỏi và đám cưới. Còn 2 tháng cuối năm mình dành trọn cho trang trí Tết để bán cho bà con kiều bào xa quê ở khắp nước Mỹ. Năm nay là năm thứ 4 mình bán và có 1 gian hàng ở Vietnam town, nơi tập trung nhiều người Việt nhất ở khu vực Bay Area, Mỹ", Thu Trang kể.

Đem truyền thống Việt sang Mỹ, đem niềm vui đến cho bản thân nơi xứ người

Trải qua 5 năm, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo trong khi vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Việt, đem lại cho Trang nhiều niềm vui không ngờ nơi xứ người.

"Công việc này đem lại cho mình rất nhiều niềm vui, bạn bè và một nguồn thu nhập vừa đủ. Mình có 2 em bé nên việc linh động về thời gian là rất đáng quý. Công việc này cần mình vào một khoảng thời gian nhất định và mình chủ động được", Trang kể.

Trong tương lai, Thu Trang vẫn tiếp tục muốn bán về các sản phẩm truyền thống với quy mô rộng hơn. Với nhiều dự án dành cho phụ nữ Việt tại Mỹ, cô mong mình sẽ luôn là một trong những nơi kết nối văn hoá truyền thống với các thế hệ người Việt ở đây thông qua các sản phẩm Tết thiết kế mỗi năm. Để rồi mỗi người con xa xứ, khi đến Tết cổ truyền, nhìn những món đồ handmade như những món đồ nuôi dưỡng tâm hồn, bỗng thấy lòng tràn đầy ấm áp, nhớ thương…

Số người Việt vi phạm pháp luật ở Nhật Bản gia tăng làm ảnh hưởng cộng đồng

Số lượng người Việt vi phạm pháp luật tại Nhật Bản đang gia tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và uy tín của cộng đồng.

Hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại quốc gia này. Sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt là nhờ quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước ngày một phát triển. Tuy nhiên thực tế, số lượng người Việt vi phạm pháp luật tại Nhật đang gia tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và uy tín của cộng đồng.

22 người Việt Nam bị bắt vì tình nghi ăn trộm 191 xe ô tô; vụ ăn trộm quần áo của hãng Uniqlo tại 2 tỉnh Fukuoka và Kumamoto: Tất cả các nghi phạm đều là người Việt; bắt 2 người Việt xâm nhập gia cư bất hợp pháp, một trong số đó đã hơn 30 lần thực hiện hành vi này.

3 vụ việc liên quan đến người Việt Nam vi phạm pháp luật được báo chí Nhật Bản đăng tải chỉ trong vòng một tuần qua.

"Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, công viên, khu vui chơi giải trí, địa điểm công cộng nào mình cũng thấy bên cạnh tiếng Trung còn có thêm cả cảnh cáo bằng tiếng Việt . Mình thấy khá là buồn vì một số cảnh cáo liên quan đến vấn đề trộm cắp, an ninh trật tự", chị Đặng Phương Linh, Tokyo, Nhật Bản, chia sẻ.

"Mình nhớ là năm 2014 bắt đầu rộ lên tin tỉ lệ tội phạm người Việt gia tăng ở Nhật Bản. Mình cũng từng gặp người Nhật có thái độ miệt thị khi biết mình là người Việt", chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tokyo, Nhật Bản, cho biết.

Một trong số những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này là số lượng thực tập sinh kỹ năng sang làm việc tại Nhật Bản gia tăng. Nhiều người đã ôm một khoản nợ lớn trước khi sang Nhật.

Không biết tiếng, thiếu hiểu biết pháp luật, bị lôi kéo cùng với lòng tham làm giàu nhanh, không ít người đã vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật. Trong bối cảnh này, các Hiệp hội người Việt tại Nhật đã nỗ lực cùng chính quyền địa phương có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu số lượng người Việt Nam vi phạm pháp luật.

"Hội người Việt tại Ibaraki đã tổ chức những buổi tư vấn luật miễn phí nhằm giúp đỡ cho người Việt khó khăn, đồng thời cũng làm giảm số lượng người Việt Nam bỏ trốn", anh Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ibaraki, Nhật Bản, cho hay.

"Chính quyền Nhật Bản sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền đến người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, in các tờ quảng cáo bằng tiếng Việt, có tổng đài tư vấn bằng tiếng Việt. Đặc biệt, tại các địa phương sẽ có nhân viên người Việt Nam để cung cấp thông tin về pháp luật, về đời sống", anh Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản, thông tin.

Để khắc phục thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với cả những doanh nghiệp để lao động Việt sang Nhật bỏ trốn, phạm tội. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức cho người lao động. Việc tôn trọng pháp luật nước sở tại không chỉ giữ gìn hình ảnh của cộng đồng người Việt, mà còn bảo vệ lợi ích của chính mỗi cá nhân.

Nguồn: VTV4; VietnamPlus; Afamily; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang