Người Việt hải ngoại: Lửa ấm từ phong trào phụ nữ; Cuộc thi viết thơ, văn; Sao nữ bán hết tài sản sang Mỹ; 4 người ăn trộm ở Nhật

LỬA ẤM TỪ PHONG TRÀO PHỤ NỮ VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI

Xuất phát từ nhu cầu giao lưu, hỗ trợ nhau hội nhập và gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hoạt động của chị em phụ nữ giống như những ngọn lửa ấm lan toả lòng yêu nước, hướng về quê hương trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Là bộ phận quan trọng trong cộng đồng người Việt đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chị em phụ nữ ngày càng có vai trò, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, cũng như quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước và đối tác.

Nuỗi dưỡng tâm hồn người Việt

Sinh sống ở xứ người, những phụ nữ Việt mang trong mình ý thức và trách nhiệm gìn giữ và lan tỏa văn hoá truyền thống của dân tộc.

Không chỉ quan tâm đến việc giáo dục con cái hướng về nguồn cội, các chị trực tiếp dạy tiếng Việt, nấu món ăn truyền thống, tổ chức chuyến tham quan về nguồn cho thế hệ kiều bào trẻ qua các dịp lễ, Tết truyền thống...

Tại Đức, TS. Đào Thị Châu Hà xây dựng kênh Youtube Ms Chery Bear để chia sẻ về văn hóa Việt và các bài học tiếng Việt, hay lập ra Câu lạc bộ trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài, tổ chức các lớp học tiếng Việt trực tuyến cho con em người Việt Nam ở xa Tổ quốc.

Ngoài ra, chị còn đọc sách và trò chuyện hằng tuần với các bé qua Zoom hay các hoạt động của Câu lạc bộ đọc sách “Những vì sao”, sáng tác các bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như các bài thơ ngắn, dễ học và xây dựng bộ học liệu tiếng Việt với hệ thống câu hỏi trắc nghiệm về tiếng Việt trên giao diện Quizizz.

Nói về công việc ý nghĩa này, chị Hà chia sẻ: “Tôi làm trước hết vì con tôi, vì các em nhỏ Việt Nam xa xứ ở quanh tôi và cả những em nhỏ có một phần dòng máu Việt. Tôi mong chúng gắn bó hơn với quê hương Việt Nam và có phẩm chất của một “cá thể song ngữ” thông minh hơn, tiếp cận các vấn đề nhanh nhạy và sáng tạo hơn”.

Vì không đành lòng khi thấy những người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ dần sao nhãng với tiếng Việt, không có môi trường để nói tiếng Việt, chị Ngô Kim Việt trở thành “cô giáo bất đắc dĩ”, tình nguyện dạy cho các cháu nhỏ trong gia đình người Việt, dạy trong các nhà thờ theo phong trào hướng đạo… tại Mỹ.

Cách dạy của chị Việt đặc biệt, đó là thông qua bài học về lịch sử, văn hóa truyền thống, hình ảnh lễ hội, văn hóa đặc sắc của Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…

Bên cạnh các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, chị em còn tình nguyện tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, quyên góp ủng hộ nạn nhân thiên tai, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn... Những khi xảy ra dịch bệnh như Covid-19, động đất, chiến sự…, chị em luôn đồng hành trong nỗ lực giúp đỡ cộng đồng và bà con nước sở tại.

Như vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch Covid-19, những tình nguyện viên đến từ Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia đã cùng nhau thực hiện những chuyến hành trình ý nghĩa nhằm lan tỏa yêu thương đến với lao động nghèo ở đất nước Malaysia gồm nhiều bang rộng lớn.

Có những chuyến đi khá “bão táp” với cung đường quanh co ở nhiều bang, nhưng trong lòng các chị em rất vui vì đã đem quà đến trao tận tay những công nhân làm trong công trường xa đường lớn, ở nơi hẻo lánh và ít người. Thậm chí, có những hôm họ còn vượt qua tới 1.500 km để trao quà tới bà con gặp khó khăn nhất tại Bukit Jalil, SuBang, Klang...

Ở trong nước, những chương trình tương thân, tương ái như “Trái tim cho em”, “Mái ấm tình thương”, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ khuyến học… thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của chị em kiều bào ở nhiều nước như Pháp, Ba Lan, Đức, Hungary, Nga, Czech, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào…

Với những chị em có trình độ chuyên môn cao như bác sĩ, giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học trên một số lĩnh vực, họ đã mang kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề về phổ biến ở Việt Nam. Điển hình như bác sĩ Lê Thúy Oanh, Việt kiều ở Hungary, đã rất thành công với phương pháp châm cứu bằng cấy chỉ, điều trị nhiều căn bệnh khó một cách hiệu quả.

Một số chị em còn được chính quyền nước sở tại ghi nhận vì những đóng góp quan trọng cho cộng đồng, như chị Hoài Thu tại Đức được trao giải thưởng “Người phụ nữ Berlin” năm 1999 và hay chị Lê Nguyễn Minh Phương trở thành người Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc được vinh danh “Công dân danh dự Seoul” năm 2019…

Với những danh hiệu này, các chị chính là cầu nối giúp nhân dân nước sở tại thêm hiểu và yêu quý đất nước, hiểu thêm về con người Việt Nam, cũng như vun đắp thêm cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Đoàn kết và phát huy sức mạnh mềm

Những người phụ nữ Việt ở nước ngoài đặc biệt ý thức được sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong hoạt động của tổ chức dưới nhiều hình thức như hội phụ nữ, câu lạc bộ phụ nữ, tổ phụ nữ….

Tại châu Âu, một mái nhà chung mang tên Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại châu Âu chính thức ra đời từ năm 2023. Đây là nơi chị em gặp gỡ, hỗ trợ nhau trong các hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị Việt, hội nhập tốt hơn ở các nước sở tại...

Theo chị Nguyễn Việt Triều - Chủ tịch Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Liên hiệp Hội nhận được sự đồng tình và ủng hộ của chị em ở các nước. Mặc dù cách trở địa lý, nhưng các Hội thành viên đã khắc phục khó khăn, đồng lòng nhất trí với các chương trình hành động.

Trong nhiệm kỳ 2023-2028, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được các chị em thống nhất cao như chung tay giúp đỡ phụ nữ tại các nước chưa có Hội phụ nữ thành lập tổ chức của riêng mình; hỗ trợ các chi hội thành viên xây dựng được các chương trình hoạt động độc lập, hướng tới mục tiêu nâng cao hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Họ còn cùng nhau kêu gọi và quyên góp để thành lập Quỹ “Vì phụ nữ nghèo và trẻ em mồ côi”.

Có thể thấy, phong trào phụ nữ Việt ở nước ngoài đang có sự đóng góp công sức rất lớn của những tổ chức của phụ nữ ngày càng hoạt động mở rộng với hình thức phong phú tại khắp các địa bàn trên thế giới.

Ở Nam Sudan, BS. CK2. Huỳnh Thị Thanh Giang, chuyên ngành sản khoa của Bệnh viện dã chiến số 2 cấp 5 được chị em xem như cánh chim đầu đàn trong Tổ phụ nữ trong các hoạt động giữ gìn văn hoá truyền thống Việt ở đây. Cùng với sự nhiệt huyết của chị Giang, Tổ phụ nữ của Bệnh viện còn đang chủ trì một kế hoạch chuyến công tác thiện nguyện cho trẻ em tại Bentiu, nhằm đóng góp trong công tác nhân đạo, xây dựng và bảo vệ cộng đồng dân cư địa phương.

Ở nước Áo, các chị em trong Hội phụ nữ cũng đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục văn hoá truyền thống, cũng như tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng. Mới đây, vào ngày Rằm tháng Giêng, họ đã cùng nhau tổ chức một sự kiện gói bánh chưng cho trẻ em của cộng đồng và đang háo hức chuẩn bị cho việc khai trương lớp giảng dạy tiếng Việt tại Áo dự kiến vào đúng Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay.

PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT ĐOẠN VĂN, THƠ VỀ (NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM NƠI XA XỨ)

Không chỉ khuyến khích chị em cầm bút, cuộc thi viết văn, thơ về "Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ" là cơ hội để người Việt trau dồi tiếng Việt, thực hiện sứ mệnh giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài.

Tối 9/3, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức thành công đêm Giao lưu ca nhạc chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) với sự tham gia của đại diện phụ nữ Việt Nam đến từ 8 nước châu Âu và sự đồng hành của Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu.

Phát biểu mở màn đêm giao lưu, bà Trịnh Thị Mùi, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, nêu rõ ngày 1/10/2023 đánh dấu một sự kiện quan trọng tại Cộng hòa Liên bang Đức. Lần đầu tiên, chị em phụ nữ tại Đức chung tay thành lập Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, quy tụ nhiều tài năng và tâm huyết của các chị em trên toàn nước Đức.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ban Chấp hành Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức muốn tổ chức một một chương trình giao lưu văn nghệ trên toàn liên bang, đồng thời nhân cơ hội này mời nhiều nước đến tham gia.

Đức là quốc gia rất quan trọng ở châu Âu, có khoảng hơn 100.000 chị em phụ nữ người Việt. Đức có một Phó chủ tịch và 8 ủy viên trong Ban Chấp hành Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu. Đức cũng có một Phó chủ tịch và 10 ủy viên trong Ban Điều hành Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam trên toàn châu Âu.

Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức muốn mở rộng sự kết nối và kêu gọi tất cả chị em đoàn kết lại để cùng nhau phát triển, giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn vinh người phụ nữ Việt Nam không chỉ ở trên nước Đức mà còn trên toàn châu Âu.

Theo bà Trịnh Thị Mùi, trong đêm giao lưu, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã ra mắt Ban Thiện nguyện với mục đích chăm sóc những phụ nữ Việt Nam già, ốm yếu, cô đơn trên nước Đức.

Bên cạnh việc giúp đỡ những người kém may mắn, Ban Thiện nguyện sẽ kết nối, thăm hỏi, động viên những anh chị em bệnh tật kéo dài và người già neo đơn tại Đức.

Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất đêm giao lưu là phần phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ với chủ đề “Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ."

Bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu đồng thời là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết với mục đích tôn vinh và khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt, Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam toàn châu Âu cùng Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định đồng tổ chức cuộc thi viết đoạn văn và thơ về người phụ nữ để mọi người hiểu thêm về cuộc sống của chị em xa xứ.

Theo bà Thiện, những bài viết về chị em người Việt nơi xa xứ là mảng mà cộng đồng người Việt ở trong nước chưa có cái nhìn đầy đủ. Vì vậy, thông qua cuộc thi này, chị em có thể chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình về hoàn cảnh gia đình, xã hội cũng như cuộc sống thường ngày để khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ một cách cụ thể hơn với bạn đọc trong nước.

Không chỉ khuyến khích chị em cầm bút, cuộc thi cũng là cơ hội để chị em nói riêng và người Việt xa xứ nói chung trau dồi tiếng Việt, thực hiện sứ mệnh giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài.

Cũng tại đêm giao lưu, Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh cho rằng trong bối cảnh châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chia rẽ, bất đồng thì sự đoàn kết của người Việt ở toàn châu âu và Cộng hòa Liên bang Đức thực sự là một thế mạnh và niềm tự hào.

Đại sứ nói: “Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để cùng sát cánh với chị em, viết tiếp câu chuyện tuyệt vời của 'Con Rồng cháu Tiên' không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới."

Nhân dịp này, Đại sứ gửi lời cảm ơn chân thành đến Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức mới thành lập được hơn 5 tháng nhưng đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa, thể hiện vị trí cũng như phẩm chất cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam trên quê hương thứ hai của họ.

SAO NỮ VBIZ BÁN HẾT TÀI SẢN SANG MỸ: BỊ ĐỒN SINH CON BÍ MẬT, ĐÃ CÓ TÌNH MỚI VÌ ĐỘNG THÁI ĐÁNG NGỜ?

Sau nhiều năm quyết định sang Mỹ, cuộc sống của sao nữ Vbiz có nhiều sự thay đổi.

Hương Tràm sinh năm 1995 quê Nghệ An. Sau khi giành chiến thắng tại chương trình Giọng Hát Việt 2012, sự nghiệp và cuộc sống của cô như bước sang trang mới. Nhờ giọng hát thực lực và được giới chuyên môn công nhận, đến nay, Hương Tràm đã có cho mình rất nhiều bản hit đình đám. Điển hình có thể kể đến Ngốc, Ngốc 2, Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa, Em Gái Mưa, Duyên Mình Lỡ… Không chỉ vậy, cô còn tổ chức thành công liveshow đầu tiên trong sự nghiệp mang tên Hộp Thư Số 1.

Giữa lúc sự nghiệp đang phất lên như diều gặp gió, vào năm 2019, Hương Tràm bất ngờ thông báo tạm gác con đường nghệ thuật và chọn sang Mỹ để du học. Đáng chú ý, cô cũng không tiết lộ thời gian về nước. Hành động đột ngột này của nữ ca sĩ khiến công chúng không khỏi thắc mắc. Bên cạnh đó, để trang trải phần chi phí du học và chi tiêu cho cuộc sống ở Mỹ, cô cũng đã phải bán xe, bán nhà chung cư trị giá 3 tỷ.

Việc đi du học đường đột cũng khiến Hương Tràm vướng nghi vấn sử dụng "công thức chung" để giấu chuyện mang thai. Trước tin đồn này, nữ ca sĩ thẳng thắn cho biết: "Nếu Tràm có em bé, Tràm sẽ không ngại chia sẻ hạnh phúc làm mẹ đó đối với người hâm mộ, những người yêu thương, khán giả của mình. Các bạn sẽ là người biết điều đó đầu tiên. Còn hiện tại bây giờ thì Tràm không có em bé nào hết".

Sau khoảng thời gian hơn 4 năm du học, Hương Tràm đang dần ổn định cuộc sống. Tại Mỹ, Hương Tràm vẫn thường xuyên cập nhật cuộc sống đời thường của mình trên trang cá nhân. Qua các mạng xã hội, giọng ca sinh năm 1995 cũng có thể giao lưu với bạn bè và người hâm mộ.

Bên cạnh đó, giọng ca Em Gái Mưa cũng tập trung học tập, chăm sóc bản thân nhưng thỉnh thoảng vẫn dành thời gian để chạy show, đi hát. Ngoài ra, cô cũng cho ra mắt một vài sản phẩm mới nhưng không còn giữ được sức hút lớn như trước.

Đặc biệt, Hương Tràm cũng đã quyết định đổi nghệ danh hoàn toàn mới là Charmy Phạm. Nói về quyết định này, nữ ca sĩ tâm sự: "Khi tôi qua Mỹ, bạn bè người Mỹ không thể phát âm được tên Tràm. Vì vậy, tôi mới tìm nghệ danh để bạn bè, đối tác nước ngoài dễ đọc. Nghệ danh Charmy Phạm là do cô giáo của tôi chọn vì phù hợp với phong cách âm nhạc lẫn đời thường của Hương Tràm".

Cho đến tháng 9/2023, Hương Tràm đã chính thức trở về Việt Nam. Cô cũng chia sẻ những khoảnh khắc đầy hạnh phúc khi hội ngộ gia đình của mình. Sau khi trở về, cô được nhận xét ngày càng thăng hạng nhan sắc với những đường nét sắc sảo, mặn mà và vóc dáng cân đối hơn trước.

Đầu tháng 2/2024, Hương Tràm khiến cộng đồng mạng đứng ngồi không yên khi bất ngờ công khai hình ảnh nắm chặt tay một người đàn ông giấu mặt. Đặc biệt, nữ ca sĩ còn nhắn nhủ lời ngọt ngào: "Cảm ơn vì đã cứu trái tim em".

Động thái đáng ngờ này khiến nhiều người nhận định cô đang ngầm công khai bạn trai của mình. Đây cũng là lần hiếm hoi Hương Tràm chia sẻ về chuyện tình cảm. Đến nay, nữ ca sĩ vẫn đang im hơi lặng tiếng về "nửa kia".

NHÓM 4 NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT VÌ ĂN TRỘM Ở NHẬT BẢN KHAI MUỐN THOÁT NGHÈO

Do bệnh tật và nợ nần, nhóm bốn người Việt Nam khai đến Nhật Bản để trộm cắp theo lời một kẻ cầm đầu đường dây.

Theo báo Yomiuri Shimbun ngày 9-3, cảnh sát tỉnh Fukuoka đang bắt giữ nhóm bốn người Việt bao gồm cả nam và nữ với cáo buộc ăn cắp quần áo tại nhiều cửa hàng Uniqlo ở Nhật Bản. Nhóm người này sau đó bị truy tố vì tội trộm cắp.

Theo cảnh sát, nhóm bốn người nói họ đến Nhật Bản để thoát nghèo vì bị lâm cảnh nợ nần và bệnh tật ở quê nhà.

Họ cho biết một kẻ cầm đầu đường dây đã dụ dỗ và đưa ra cho họ một mức thù lao lớn. Tên này nói với họ rằng "Nhật Bản là nơi dễ dàng cho việc ăn cắp ở các cửa hàng".

Kẻ cầm đầu đường dây đã dạy cho họ các kỹ thuật ăn cắp khi còn ở Việt Nam. Tên này cũng sắp xếp để họ đi du lịch theo nhóm đến Nhật.

"Chồng tôi bị bệnh và không thể làm việc, nên cha mẹ tôi và con tôi tất cả đều phụ thuộc vào thu nhập của tôi", một người trong nhóm nói trong phiên điều trần đầu tiên tại Tòa án quận Fukuoka hôm 26-2.

"Tôi cũng cần tiền để chi trả cho một cuộc phẫu thuật của mình", người này nói thêm.

Người này cho biết thêm về điều kiện sống khó khăn ở quê nhà, nói cô chỉ kiếm được 50.000 yen (hơn 8,3 triệu đồng)/tháng nhờ nghề bán trái cây. Theo cô này, con của cô đã phải nghỉ học cấp 3 vì cô không thể lo nổi học phí.

Trước đó vào ngày 7-2, Hãng tin Kyodo News đưa tin bốn người Việt Nam đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì liên tục trộm cắp tại Uniqlo và các cửa hàng quần áo khác.

Thiệt hại ước tính lên tới 20 triệu yen (tương đương 135.000 USD).

Nhóm bốn người bị bắt gồm hai người đàn ông và hai phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40, bị nghi ngờ liên quan đến 67 vụ trộm cắp ở Tokyo và 7 khu vực khác, bao gồm Osaka và Fukuoka.

Nguồn: Báo Quốc Tế; VTV4; Soha; Tuổi Trẻ

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang