Ngày 8/3 tại Campuchia; Tặng áo dài cho phụ nữ ở Osaka; Thi quốc tịch ở Hungary; Cô gái Pháp tìm mẹ

CỘNG ĐỒNG BÀ CON VIỆT KIỀU TẠI CAMPUCHIA KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3

Chiều 8/3, tại Thủ đô Phnom Penh, hội Khmer – Việt Nam, hội Phụ nữ Khmer – Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức gặp mặt và liên hoan kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024).

Tại sự kiện, các đại biểu và đông đảo các bà, các mẹ, các chị đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; truyền thống Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang của phụ nữ Việt Nam; vai trò của phụ nữ Việt Nam tại Campuchia trong việc góp phần gìn giữ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, xây dựng hạnh phúc gia đình, giữ gìn phong tục tập quán, đạo đức, phẩm chất, bản sắc văn hóa dân tộc, cùng nhau hướng về quê hương đất nước.

Đại diện cho hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia ông Sim Chy, Chủ tịch hội đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp thiết thực của các chị, em đã suốt đời phấn đấu hy sinh, tận tuỵ, đóng góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng đất nước Việt Nam và Campuchia trước đây.

Ông Sim Chy cũng cho biết, từ phong trào phụ nữ đấu tranh với sự nghèo nàn, lạc hậu, nhiều chị em đã trở thành những gương mặt tiêu biểu về lao động giỏi, từ nghèo đói trở nên khá giả và giàu có bằng chính sức lao động và tài năng, trí tuệ của mình; nhiều chị em đã phấn đấu trở thành các doanh nhân có uy tín.

Phát biểu tại buổi lễ, Tham tán Công sứ Ngô Văn Tuất đánh giá cao những thành quả mà hội Phụ nữ Khmer – Việt Nam tại Campuchia nói riêng và hội Khmer -Việt Nam tại Campuchia nói chung đã đạt được trong thời gian qua.

Tham tán Công sứ Ngô Văn Tuất cũng đánh giá cao và tri ân những đóng góp to lớn nhưng thầm lặng của những người bà, người mẹ, người vợ, những chị em, những người phụ nữ đã góp phần mang lại thành công cho gia đình, đất nước và đóng góp vào sự nghiệp củng cố, phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.

PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI OSAKA (NHẬT BẢN) ĐƯỢC TẶNG ÁO DÀI NHÂN DỊP 8/3

Ngày 8/3, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka phối hợp với Hiệp hội người Việt Nam vùng Kansai đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với sự tham gia của gần 100 người. Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại vùng Kansai.

Sự kiện được tổ chức nhằm thể hiện sự tôn vinh và yêu thương đến “một nửa thế giới”, đồng thời là dịp để cán bộ, phu nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao gặp gỡ, giao lưu với hội phụ nữ cộng đồng người Việt. Qua đó giúp tăng cường hơn nữa hiểu biết, gắn kết, tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các hội đoàn với Tổng lãnh sự quán.

Phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm, Tổng lãnh sự Ngô Trịnh Hà bày tỏ mong muốn và tin tưởng phụ nữ Việt Nam tại Nhật Bản nói chung và Osaka nói riêng luôn đoàn kết, tích cực học tập, lao động, qua đó góp phần xây dựng - bảo vệ Tổ quốc và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển.

Ông Ngô Trịnh Hà khẳng định: Tổng lãnh sự quán là ngôi nhà chung của cộng đồng, gắn bó với bà con, chung sức chung tay để cộng đồng người Việt tại Nhật Bản ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước giàu mạnh.

Bà Lê Thương, Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam vùng Kansai cho biết: Hòa cùng không khí kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trên toàn thế giới, phụ nữ Việt Nam tại Osaka đã tụ họp, đón nhận, chia sẻ yêu thương, cùng nhau xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng. Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm đã cùng ôn lại những phẩm chất của phụ nữ Việt Nam từ xưa tới nay.

Nhân dịp này, Tổng lãnh sự Ngô Trịnh Hà cùng phu nhân và bà Lê Thương đã trao tặng 50 bộ áo dài cho chị em phụ nữ tham dự chương trình.

Xúc động khi được nhận món quà thiết thực, chị Ngô Thị Dần kể: Đây là lần đầu tiên chị được tham dự chương trình kỷ niệm ngày 8/3 tại Nhật Bản dù đã có 15 năm sinh sống, làm việc ở đây. "Áo dài là món quà quý mà Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka và hội người Việt dành tặng chị em xa xứ trong ngày ý nghĩa này. Thấy tà áo dài tôi như được nhìn thấy quê hương, cảm giác hạnh phúc như đang ở nhà vậy", chị Dần nói.

CÔ GÁI PHÁP GỐC VIỆT TÌM CHA MẸ RUỘT SAU 30 NĂM: ‘TÔI SỢ SAU NÀY SẼ QUÁ TRỄ’

Sau 30 năm rời xa quê hương, chị Kim Hoa Gouguet (người Pháp gốc Việt) đã quyết định quay trở về Việt Nam, bắt đầu hành trình tìm lại bố mẹ ruột của mình để trả lời câu hỏi ‘ai là người sinh ra tôi’.

Chị Kim Hoa Gouguet sinh năm 1993, người Pháp gốc Việt. Những gì chị biết về nguồn gốc của mình chỉ đơn giản là được sinh ra tại Việt Nam. Còn việc ai sinh ra chị thì vẫn là một câu hỏi không lời giải đáp sau 30 năm dài rời xa quê hương.

Chị Kim từ khi sinh ra đã được các Sơ ở Nhà nuôi trẻ mầm non 6 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhận nuôi và chăm sóc chu đáo. Vào năm 1994, chị Kim được một cặp vợ chồng Pháp tốt bụng nhận nuôi. Và rồi chị bắt đầu một cuộc đời mới tại đất nước Pháp.

Đã rất nhiều lần trở về thăm Việt Nam để khám phá đất nước nguồn cội của mình, nhưng khác với những lần trước, lần về này chị còn mang theo một ý định đặc biệt hơn, đó là tìm lại được cha mẹ, gia đình ruột thịt của mình. Chị Kim đã cùng chồng, cha mẹ chồng và 2 con (6 tuổi và 4 tuổi), tìm gặp lại các sơ ở nhà Nhà nuôi trẻ mầm non 6 (Q.Bình Thạnh) năm xưa để bắt đầu hành trình tìm ra cội nguồn.

Theo những giấy tờ nhận nuôi được ông bà Martin Michel gìn giữ, chị Kim có tên khai sinh là Nguyễn Thị Kim Hoa, sinh ngày 11.1.1993. Cha ruột của Kim Hoa tên Nguyễn Văn Bang và mẹ là Thân Thị Nga, không rõ địa chỉ.

Tuy nhiên trong hồ sơ tiếng Pháp tìm được, có đề cập đến quê quán Kim Hoa ở "Phuoc Vinh". Cha mẹ nuôi chị Kim có giữ một bức ảnh cũ kỹ chụp đại gia đình 9 người, gồm cha mẹ và 7 người con. Dù không tận tường về nguồn gốc của bức ảnh, nhưng cô gái Pháp cho biết khả năng cao chính là cha mẹ, anh chị em ruột của mình và cô bé được bồng trên tay chính là Kim Hoa năm nào.

Chồng và cha mẹ chồng chị Kim cũng đi cùng chị về Việt Nam lần này. Anh Etienne Gouguet cho biết anh hết lòng ủng hộ vợ trên hành trình tìm lại gốc gác của mình. Anh hy vọng phép màu sẽ đến với vợ trên hành trình này và nếu một ngày, Kim thực sự tìm gặp cha mẹ ruột, anh sẽ rất hạnh phúc.

Chị Kim cho biết hiện mình đang có cuộc sống gia đình hạnh phúc bên chồng và các con ở Le Bignon, cũng thuộc miền Tây nước Pháp với công việc tại công ty gia đình. Chị hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Chị biết ơn cha mẹ nuôi vì đã yêu thương chị bằng tất cả những tình yêu mà họ có, cho chị những điều kiện tốt nhất để phát triển và cũng bồi đắp thêm trong trái tim chị tình yêu quê hương, nguồn cội Việt Nam của mình. Nhưng sẽ trọn vẹn và hạnh phúc hơn khi chị tìm thấy được mảnh ghép cuối cùng trong cuộc đời là tìm gặp được cha mẹ ruột.

CHUYỆN THI QUỐC TỊCH TẠI HUNGARY

Nếu tại những khu chợ, nơi làm việc của bà con Việt tại Budapest, chúng ta được chứng kiến những bàn luận về tình hình thời sự, chính trị của nước bản xứ, hoặc về một sự kiện văn hóa, lịch sử nào đó... hình ảnh rất đỗi rất bình thường ấy thực chất lại là một bước tiến về chất đáng kể của một cộng đồng trẻ và có nhiều nỗ lực hội nhập này.

Cùng các cộng đồng người Việt xa xứ khác trong vùng Trung Âu, cộng đồng người Việt tại Hungary hình thành từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi bắt đầu có những “cánh én” đầu tiên can đảm lựa chọn nơi này làm quê hương mới, với rất nhiều suy tư, sự đánh đổi và nỗ lực vượt khó.

Thế hệ thứ nhất ấy, gồm một số cựu du học sinh, nghiên cứu sinh từng học tập tại Hungary, nhưng ngày càng được bổ sung khi bà con từ trong nước qua tìm cách sinh kế, chủ yếu tập trung vào công việc kinh doanh, đa phần tại các khu chợ.

Hội nhập, hai từ nhọc nhằn!

Theo thời gian, con số người Việt định cư và sinh sống lâu dài tại Hungary hiện ước tính chừng 8.000, đa số tương đối ổn định về công việc, khả năng tài chính, có điều kiện để tâm hơn cho việc giáo dục, dạy dỗ các thế hệ kế tiếp.

Với một bộ phận đáng kể bà con người Việt tại Hungary, đây là lúc có thể chú trọng hơn tới một số giá trị tinh thần nhưng để làm được thì rất khó khăn và gian nan - đó là hội nhập với sở tại, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam.

Lý do của những trắc trở trong hội nhập thì rất nhiều, có cả khách quan và chủ quan, chủ yếu xuất phát từ thực tế cuộc sống của các cộng đồng Việt hiện tại. Tại Hungary, rất đặc biệt, yếu tố quyết định mang tính thúc đẩy lại đến từ chính quyền bản địa, khi quy định việc sở hữu những kiến thức hội nhập căn bản là điều kiện tiên quyết cho phép nhập tịch.

Kể từ năm 1993, Luật Quốc tịch Hungary quy định người ngoại quốc muốn nhập tịch Hung, ngoại trừ một số ngoại lệ nhỏ, cần phải có chứng chỉ xác nhận đã qua kỳ sát hạch những kiến thức Hiến pháp cơ bản, mà bà con Việt thường gọi là “kỳ thi Quốc tịch”.

Ngoài đòi hỏi khả năng sử dụng và giao tiếp tiếng Hung ở mức căn bản, kỳ thi còn yêu cầu thí sinh phải nắm được kiến thức nền tảng về lịch sử, chính trị, pháp luật, sự vận hành các nhánh quyền lực và bộ máy hành chính, cũng như lịch sử văn hóa, nghệ thuật, khoa học... của Hungary.

40 câu hỏi được đưa ra cho các thí sinh chuẩn bị còn bao hàm những thông tin về các định chế chính yếu nhất của thế giới và châu Âu, những quyền lợi và nghĩa vụ công dân, những điều cần biết về nước Hung, người Hung... đặt cơ sở cho sự hội nhập toàn diện của người ngoại quốc tại Hungary. Dù muốn hay không, yêu cầu của phía bạn đặt bà con vào thế phải lựa chọn, nếu muốn gắn bó lâu dài với nước bản địa thì phải học, khi nhiều người đã rời ghế nhà trường vài chục năm. Với không ít người, đây là trở ngại tưởng chừng rất khó vượt qua!

Cố gắng vô bờ bến

Đó là cảm tưởng của rất nhiều bà con, đã qua những khóa học Quốc tịch, trở thành người có hai quê hương sau khoảng thời gian dài nỗ lực và bươn chải có khi phải tính bằng nhiều thập niên trên xứ người.

Mong muốn nhập tịch của bà con cộng đồng dấy lên một cách rộng rãi từ gần 15 năm nay, khi nước sở tại có chính sách tương đối cởi mở và ưu ái với người Việt trong vấn đề quốc tịch. Sự học hỏi thời gian đầu mang tính cá nhân, nhưng dần dần nhu cầu gia tăng, xuất hiện những nhóm học, thoạt tiên được thu xếp ngay tại khu chợ Việt.

Để phục vụ nhu cầu vừa học, vừa làm của đa số, lớp học trong những năm đầu tiên theo hồi tưởng của nhiều học viên rất gần gũi và dễ thương, như có người đang học phải chạy về để giao hàng.

Một ghi chép từ nhiều năm trước đã ghi nhận lớp học: “Đó là một căn phòng không lớn lắm, và xét về bài trí bàn ghế, thiết bị... thì đủ chỗ cho chừng năm sáu người ngồi học... Dĩ nhiên, đây không phải là căn phòng xây cho một lớp học. Ấy thế mà, nhiều tháng qua, nó trở thành lớp học thực sự của biết bao sĩ tử, tuổi tác rất khác biệt: có bạn tuổi teen, trông như tài tử Hàn Quốc, có chị thì “hay đợi vài năm nữa cho tới 60 đỡ phải đi học”.

Để phục vụ việc học của các học viên đa phần làm việc ngoài chợ, không tìm đâu ra một địa điểm thích hợp hơn thế. Dù nóng bức hay lạnh thấu xương, căn phòng đã là nhân chứng của bao nỗ lực ghê gớm, nhiều khi khởi đầu ở mức “i-tờ”, cho tới khi kết thúc 40 câu nhọc nhằn. Để rồi, có những bạn đã thi xong, còn bảo “mãi vẫn thấy nhớ”.

Có những bạn đã nhận quốc tịch, còn muốn trở lại với bầu không khí của những ngày xưa, và sẻ chia kinh nghiệm học hành và thi cử của mình cho lớp “đàn em”. Hiếm có nơi nào gần gũi và thân thương như thế...

Những năm của đại dịch Covid-19, do không thể tập trung nên các khóa học đều chuyển sang trực tuyến. Được sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, chất lượng các bài học còn có phần được gia tăng, sự thuận tiện và chủ động về thời gian và địa điểm có phần hơn hẳn so với thời kỳ học trực tiếp tại lớp.

Song song với các khóa học, một diễn đàn trên mạng mang tên “Nhóm Quốc tịch - Tìm hiểu nước Hung” ra đời từ sáu năm nay, quy tụ trên 300 thành viên đã và đang theo học chương trình quốc tịch, trong đó nhiều bạn đã nhập tịch Hung.

Vị thế một cộng đồng dân tộc thiểu số

Xuất phát điểm đơn thuần là một khóa học mang tính thời điểm để đáp ứng nhu cầu xin quốc tịch của bà con, nhưng Nhóm Quốc tịch có kỳ vọng hơn như thế: làm dấy lên phong trào tìm hiểu kiến thức và hội nhập, không chỉ về kinh doanh, học vấn, mà còn cả trong đời sống văn hóa, xã hội và chính trị của nước Hung và châu Âu.

Xa hơn, Nhóm hỗ trợ sự hội nhập và tăng cường hiểu biết, giúp ích và khiến cuộc sống của mỗi thành viên có ý nghĩa hơn nhằm kết nối cộng đồng, tham gia các sinh hoạt chung cùng khoảng 25 hội, đoàn người Việt khác.

Các cựu học viên tâm sự, nhiều kiến thức trong biển thông tin của khóa học tất nhiên cũng phai nhạt với thời gian. Nhưng vẫn đọng lại trong mỗi người cái “chất” của sự học hỏi, rằng cái “được” không chỉ là một chứng chỉ, mà đáng kể là hiểu được nhiều hơn về đất nước và con người Hungary. Nhiều thành viên của Nhóm, bước đầu, đã có dịp tham gia các sinh hoạt mà trước đây đa số cảm thấy rất xa lạ, như theo dõi và trao đổi về các kỳ bầu cử của Hungary, giao lưu với giới ký giả Hung hoặc thường xuyên quan tâm tới tình hình nước bạn.

Hoạt động của Nhóm cũng đã được đưa tin trên truyền thông trong nước, từ thành công trong các kỳ thi cho đến vấn đề quốc tịch nằm trong nỗ lực hội nhập nói chung của kiều bào. Nhóm tin tưởng rằng mỗi thành viên, trên cương vị công dân nước sở tại, có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với mong muốn Nhà nước Hungary công nhận người Hung gốc Việt là cộng đồng dân tộc thiểu số, điều được nhắc tới nhiều trong hội đàm mới đây với nước bạn của Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam.

Trong các lễ tuyên thệ quốc tịch, chính giới Hungary vẫn thường nhấn mạnh là người nhập tịch tuy trở thành một phần của đất nước Hung, có thể tự hào và chia sẻ ngọt bùi với quê hương mới, nhưng đừng bao giờ quên quê mẹ, cội nguồn trong sâu thẳm trái tim của mỗi người vì họ đã chào đời ở đó, ông cha yên nghỉ ở đó. Nhập tịch, như thế, đối với hơn 6 triệu người Việt ở nước ngoài, có thể là bước đi đáng kể trong quá trình hội nhập với xã hội nước sở tại, có tác động trực tiếp tới những lợi ích của mỗi người trong đời sống, sinh hoạt và công việc.

Ở góc nhìn tổng thể hơn, một mong ước có thể có phần xa xôi là trong tương lai, cộng đồng Việt tại Hung nói riêng, cũng như các cộng đồng Việt sinh sống trong vùng Trung Âu nói chung, còn có thể vươn lên hội nhập sâu cả về xã hội và chính trị, sẽ có những đại diện gốc Việt thành công không chỉ trong kinh doanh và học vấn, mà còn cả trong đời sống văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là chính trị. Bởi lẽ, hội nhập về chính trị là cách tốt nhất khiến diện mạo cộng đồng được cải thiện, Việt Nam được để tâm và tôn trọng ở nước ngoài.

Nguồn: VOV; Thời Đại; Thanh Niên; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang