Người Việt hải ngoại: Hội sinh viên ở Nga; Mái ấm phụ nữ ở Bỉ; Bắt 109 người ở Campuchia; Lớp học tiếng Việt ở Hungary

VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI NGA TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN CHUNG

Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga là cầu nối giữa sinh viên trong và ngoài nước, tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Ngày 10/3, tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Moskva của Liên bang Nga đã long trọng diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga nhiệm kỳ 2024-2026.

Tham dự sự kiện có Bí thư Đảng ủy, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi; anh Nguyễn Bá Cát, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; anh Đỗ Xuân Hoàng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga; các cán bộ Đại sứ quán, Đảng ủy tại Liên bang Nga.

Đại hội còn có sự tham dự của các hội đoàn của người Việt Nam tại Liên bang Nga cùng 160 đại biểu đại diện cho gần 5.000 sinh viên Việt Nam từ hơn 90 trường đại học tại 26 thành phố trên toàn Liên bang Nga.

Đại hội cũng nhận được các lẵng hoa chúc mừng của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Trong lời phát biểu chào mừng, anh Lê Huỳnh Đức, Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga, nhấn mạnh Đại hội là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thanh niên Việt Nam tại Liên bang Nga, đánh dấu sự ra đời của Hội Sinh viên Việt Nam sau nhiều năm xây dựng và phát triển phong trào sinh viên.

Đại hội lần này cũng có ý nghĩa to lớn khi năm 2024 đánh dấu 70 năm nhà nước Việt Nam chính thức gửi sinh viên sang đào tạo tại Liên Xô, nay là Liên bang Nga. Từ đó đến nay, đã có hơn 100.000 cán bộ, học viên, chuyên gia, người Việt Nam tiếp thu nền giáo dục, đào tạo của Nga.

Là một bộ phận không thể tách rời của Hội Sinh viên Việt Nam, là cầu nối giữa sinh viên trong và ngoài nước, tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới, Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga ý thức sâu sắc vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong xu thế phát triển chung của thời đại.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy, Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ vui mừng và chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết Liên bang Nga cho tới nay là địa bàn duy nhất có cả tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn và Hội sinh viên. Đây cũng là địa bàn hết sức quan trọng trong đào tạo sinh viên Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà tiêu biểu nhất là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Đại sứ cho rằng đây là niềm vinh dự cũng như thách thức lớn đối với Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga. Theo Đại sứ, việc thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga thực sự xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của sinh viên Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng Hội sẽ là cánh tay nối dài trong công tác quản lý, kết nối các sinh viên, học sinh Việt Nam tại Xứ sở Bạch Dương.

Đại hội đã nghe báo cáo về tiếp thu ý kiến vào Báo cáo chính trị của Đại hội trong phiên Đại hội trù bị ngày 9/3, đồng thời thông qua toàn văn nội dung Nghị quyết Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2026.

Đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga khóa 1 nhiệm kỳ 2024-2026 gồm 27 ủy viên, Ban Thư ký gồm 9 thành viên (Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 4 Ủy viên). 100% các đại biểu tham dự Đại hội đã nhất trí suy tôn Đại sứ Đặng Minh Khôi và anh Đỗ Xuân Hoàng làm Chủ tịch danh dự của Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga.

Tại Đại hội, Đại sứ Đặng Minh Khôi, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ," phần thưởng cao quý nhất của Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cho anh Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga, Phó trưởng ban vận động thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga; đồng thời thay mặt Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng Bằng khen cho 6 tập thể và cá nhân trong công tác vận động thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga.

HỘI PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI VƯƠNG QUỐC BỈ - MÁI ẤM CỦA CHỊ EM NGƯỜI VIỆT

Ngày 10/3, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Brussels đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, nhiệm kỳ 2024-2027. Bà Phạm Thị Mỹ Anh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.

Trong không khí chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hôm 10/3, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Brussels đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, nhiệm kỳ 2024-2027.

Đây là một sự kiện quan trọng với mục đích gắn kết chị em phụ nữ Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập tại Vương quốc Bỉ.

Đây cũng là cơ hội để phụ nữ Việt Nam tại Bỉ và các quốc gia khác kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng Việt Nam mạnh mẽ và phát triển.

Trong nhiệm kỳ hoạt động của mình, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Bỉ tập trung tập hợp, kết nối phụ nữ Việt Nam tại Bỉ tham gia giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay như chống biến đổi khí hậu, nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, phụ nữ cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau xây dựng cuộc sống, nâng cao kiến thức ngôn ngữ, hội nhập tốt với xã hội sở tại, tăng động lực cho phụ nữ và khuyến khích phụ nữ theo đuổi ước mơ của mình.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 13 thành viên. Bà Phạm Thị Mỹ Anh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Trần Thị Kim Hoa, người sinh sống ở Bỉ từ 20 năm nay bày tỏ xúc động khi được Đại hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Bỉ.

Là người có chuyên môn sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ, đam mê văn học, sáng tác thơ, viết truyện, chị Kim Hoa sẵn sàng giảng dạy tiếng Pháp cho những phụ nữ mới đến Bỉ sinh sống, hay dạy tiếng Việt cho trẻ em các gia đình Bỉ-Việt. Mong muốn của chị là làm sao các chị em cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ để có thể hội nhập tốt nhất với xã hội sở tại.

Phát biểu tại Đại hội, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam nói chung và Hội phụ nữ Việt Nam tại Bỉ nói riêng, trong việc tạo ra một môi trường ấm cúng và đoàn kết cho phụ nữ Việt Nam sinh sống tại quốc gia này.

Đại sứ nhấn mạnh Hội Phụ nữ là mái ấm của phụ nữ Việt Nam tại Bỉ, là nơi để chị em đùm bọc, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.

Đại sứ cũng khẳng định mục đích của Hội là tạo ra một sân chơi và một cầu nối quan trọng cho phụ nữ Việt Nam tại Bỉ gắn kết với quê hương, đất nước và phụ nữ Việt Nam trên toàn thế giới.

Đại sứ cũng thể hiện cam kết của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ hoạt động của Hội và gắn bó chặt chẽ với Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ để xây dựng cộng đồng người Việt Nam ngày càng đoàn kết.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo mong muốn Hội phụ nữ Việt Nam tại Bỉ tiếp tục phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, nỗ lực cố gắng gìn giữ và truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, đặc biệt là việc dạy tiếng Việt cho thế hệ sau.

Đại hội lần thứ nhất Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ không chỉ là một sự kiện văn hóa và xã hội mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy vai trò và quyền lợi của phụ nữ trong cộng đồng Việt Nam và trên toàn thế giới.

Trong tháng Ba này, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Bỉ sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu giữa phụ nữ Việt Nam tại Bỉ và phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan, cùng một số Hội phụ nữ các quốc gia châu Âu khác.

Cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ hiện có gần 13.000 người.

109 NGƯỜI VIỆT NAM BỊ BẮT Ở CAMPUCHIA DO THAM GIA CỜ BẠC TRÁI PHÉP

Hơn 100 người Việt Nam vừa bị cảnh sát Campuchia bắt giữ trong đợt truy quét hoạt động cờ bạc trái phép.

Tổng cộng có 195 người nước ngoài, trong đó có 109 người mang quốc tịch Việt Nam, đã bị đưa tới Tổng cục Xuất nhập cảnh Campuchia để tiến hành trục xuất.

Tờ Khmer Times ngày 11/3 đưa tin cảnh sát nước này đã đột kích hai địa điểm tại tỉnh Sihanoukville và bắt giữ hàng trăm người mang nhiều quốc tịch khác nhau do tham gia vào các trang đánh bạc trực tuyến trái phép.

Theo đó, ngày 9/3, lực lượng cảnh sát đã đột kích một địa điểm trước đây thuộc về sòng bạc Paradis Island và bắt giữ 109 người Việt Nam, 54 người Thái Lan, 8 người Đài Loan và 1 người Trung Quốc. Trong đó, 5 quản lý bao gồm 4 người Đài Loan và 1 người Trung Quốc đã được đưa đến Tòa án tỉnh Sihanoukville để chờ xét xử.

Ngày 10/3, cảnh sát Campuchia tiếp tục đột kích vào khu Sangkat 3 ở Sihanoukville và phát hiện 279 người Campuchia, 27 người Trung Quốc và 1 người Myanmar có hoạt động đánh bạc trái phép.

Ngoài các quản lý đã bị đưa đến tòa án tỉnh, những người nước ngoài còn lại bị đưa đến Tổng cục Xuất nhập cảnh Campuchia để trục xuất khỏi quốc gia này.

Được biết, hai cuộc trấn áp trên diễn ra với mục đích triệt phá các địa điểm tổ chức lừa đảo trực tuyến tại Sihanoukville.

Sòng bài là một ngành kinh tế quan trọng của Campuchia, với doanh thu hàng tỷ đô la.

Vào năm 2020, chỉ riêng công ty sòng bài hàng đầu NagaWorld báo cáo lãi ròng 102 triệu USD.

Tuy nhiên, đóng góp của ngành này vào ngân sách quốc gia được coi là khá khiêm tốn, do chính sách thuế chưa hợp lý và tình trạng tham nhũng khiến tiền chảy vào túi quan chức thay vì vào ngân sách quốc gia.

Vào năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Campuchia thu ngân sách 85 triệu USD từ sòng bài, tới năm 2020, con số này còn một nửa.

Xung quanh ngành công nghiệp sòng bài đã phát sinh nhiều tiêu cực, như tham nhũng, bóc lột người lao động, lừa đảo,…

Trong những năm qua, rất nhiều người Việt Nam đã sang Campuchia để làm việc trong các sòng bài. Nhiều người là nạn nhân trong các đường dây buôn người, bóc lột lao động.

Đợt truy quét mới nhất của cảnh sát Campuchia cho thấy vẫn còn rất nhiều người Việt Nam tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến cờ bạc tại xứ chùa tháp.

TIẾNG CƯỜI BÊN LỚP HỌC TIẾNG VIỆT TẠI HUNGARY

Lớp học tiếng Việt của trẻ em mang hai dòng máu Việt-Hung là một trải nghiệm lý thú đối với dịch giả Nguyễn Hồng Nhung.

Trong nhiều năm, lớp học tiếng Việt dành cho trẻ em được dịch giả Hồng Nhung (sinh sống và làm việc tại Hungary) mở ra để giúp các em mang hai dòng máu Việt-Hung có thể giao tiếp với bố mẹ tốt hơn. Vì hạn chế ngôn ngữ, mỗi trẻ lại phải nói chuyện với bố mẹ bằng nhiều cách khác nhau. Có khi bố nói tiếng Việt, con đoán nghĩa và trả lời bằng tiếng Hung, có em ở trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Hung nên rất khó cởi mở. Cũng có những em ham học tiếng Việt.

Chuyện "dở khóc dở cười" của trẻ gốc Việt

Chị Nhung mở hai lớp. Một “lớp mầm” dành cho thiếu nhi, lớp lớn hơn dành cho các bạn đã đi học cấp 3 hoặc vào đại học.

Trong một lần dạy học, khi cho cả lớp đọc đến từ con sâu, một cậu bé đã thốt lên rằng: “Mẹ con thích ăn sâu lắm”. Chị Nhung ngẩn người ra. Chưa kịp hiểu sâu là món ăn gì, một cô bé khác cũng nói rằng: “Mẹ con cũng thích ăn sâu ạ”. Anh trai cô bé đó ở bên cạnh gật gù. Sau đó, đám học trò mới tả lại hình thù “con sâu” cho chị Nhung hiểu. Thì ra đó là con nhộng, loài ấu trùng của tằm sau giai đoạn nhả tơ làm tổ. Một món ăn thân thuộc với nhiều gia đình Việt Nam là nhộng rang.

Những đứa trẻ này ít nhiều đã có sự tiếp xúc với văn hóa mang tính bản địa Việt Nam, đầu tiên là văn hóa trong ẩm thực với nguyên liệu gần gũi trong đời sống.

Lần tiếp theo, chị Nhung đưa bọn trẻ một bài thơ có hình ảnh người mẹ trưa nắng ra đồng làm lụng cùng người con. Khi hiểu được nghĩa đen, những đứa trẻ cảm thấy sao mà hai mẹ con phải khổ đến vậy. Một cậu học trò phát biểu: “Bài thơ không hay, vì toàn phải khổ”. Có em bảo rằng thích bài Con ruồi của Szabo Lorinc hơn, vậy là chị Nhung bèn dịch một bản tiếng Việt để dạy cho những đứa trẻ.

Bài thơ nói về việc cha và con cùng chơi trong một không gian ấm cúng, con ruồi bay tới, đứa con đập chết con ruồi và thấy “một niềm vui, nhưng không phạm tội”. Hai bối cảnh trong hai bài thơ hoàn toàn khác nhau cũng giúp chị Nhung hiểu thêm về nét duy cảm đặc trưng trong tâm hồn của trẻ em mang hai dòng máu Á-Âu. Chị Nhung ví những đứa trẻ này như “một cành cây với gốc rễ là bố mẹ châu Á nhưng mọc trên đất Âu, hút nước khoáng, hấp thụ không khí trời Âu” nên mỗi em đều có một điểm đặc biệt riêng.

Tăng tính kết nối với tiếng quê hương

Ởnhững lớp lớn, chị Nhung phải vất vả để truyền đạt hơn. Một anh chàng gốc Việt khiến chị chú ý bởi tinh thần ham học hỏi. Mặc dù cậu sử dụng các từ kính ngữ như “vâng ạ”, “dạ” khá thành thạo, chỉ riêng từ “cháu” lại không nói vì cậu bảo từ này “không dễ thương”. Cậu luôn nhầm từ câu “cháu chào bà ạ” thành câu “cháo chào bà”.

Khi được bố mẹ cho về Việt Nam, cậu đi cùng hai người bạn gốc Việt khác. Vào một quán ăn, cậu muốn gọi món nhưng chỉ biết đọc, không biết từ. Hai người bạn ngược lại, hiểu từ nhưng không biết đọc. Cuối cùng, hai người bạn đành phải dịch từ “cá rán” ra tiếng Hung, cậu hiểu rồi gọi món.Tình trạng lệch kỹ năng đọc, nghe, viết tại lớp lớn khá phổ biến.

Một nữ học sinh khác của chị Nhung lại chỉ lờ mờ nghe được bố nói và đáp lại hoàn toàn bằng tiếng Hung. Cuộc trò chuyện của hai người cứ như vậy, bố nói tiếng Việt và con trả lời tiếng Hung. Thấy vậy, chị Nhung đành giao bài về nhà hỏi bố mẹ: “Hôm nay bố có mệt không”. Có ba đáp án trả lời, chị giao học sinh ghi lại và báo cáo vào buổi sau: “1/ Mệt, con ạ. 2/ Không mệt con ạ. 3/ Hơi mệt thôi, con ạ”. Nhờ vậy, những đứa trẻ có thể giao tiếp tốt hơn với gia đình mình.

Song hành với việc dịch sách, các lớp tiếng Việt giúp chị Nhung có thêm cơ hội để gần gũi hơn với nhiều thế hệ người Việt sang Hung sinh sống. Hiện tại lớp học vẫn mở nhưng đa phần là người Việt Nam sang làm ăn. Đồng thời, chị Nhung vẫn dạy tiếng Việt tại trường Đại học Tổng Hợp Budapest - Hungary cho sinh viên Hungary.

Dù có bao nhiêu lớp, đối với chị Nhung, những buổi lên dạy cho trẻ em người Việt lớn lên bên trời Hung vẫn đem lại cung bậc cảm xúc đặc biệt. Bởi chị hiểu rằng, khi đó, chị không chỉ đơn thuần là một người giáo viên nữa, chị là người xây cầu giúp các em hiểu, tìm về được với nguồn cội của mình.

Nguồn: VTV4; VietnamPlus; BBC; Zing News

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang