Người Việt hải ngoại: Dấu ấn tại Singapore; Giáng sinh tại Bỉ; Đón lễ hội cuối năm ở New York; Đi chợ ở Mỹ

DẤU ẤN TÍCH CỰC CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI SINGAPORE

(Ảnh minh hoạ).

Lần đầu tiên, Ban liên lạc Cộng đồng người Việt đã tham gia lễ hội kỷ niệm Ngày quốc tế Người di cư (18/12) do Bộ Nhân lực Singapore phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ lao động nhập cư tổ chức.

Lễ hội diễn ra tại khu phố Ấn Độ (Little India) cho các lao động nhập cư, từ ngày 10-18/12, với sự tham dự của khoảng 6.500 công nhân, lao động nước ngoài tại Singapore.

Phát biểu tại sự kiện, Quốc vụ khanh cao cấp Bộ Nhân lực Singapore Koh Poh Koon đánh giá cao vai trò của lao động nhập cư đối với sự phát triển của Singapore.

Ông nhấn mạnh: "Họ đã xây dựng các ngôi nhà, những tòa tháp, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, là lực lượng lao động chủ chốt trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp vào nền kinh tế và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho doanh nghiệp và cộng đồng Singapore".

Cùng với đại diện cộng đồng người dân và lao động các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Indonesia, Ban liên lạc Cộng đồng người Việt tại Singapore đã tham gia hai gian hàng văn hóa và ẩm thực.

Gian hàng văn hóa được trang trí theo chủ đề "Ngôi nhà Việt Nam", trưng bày nghệ thuật long phượng bằng hoa trái, cổng lá dừa, nón lá,... Trong khi đó, gian hàng ẩm thực giới thiệu các món ăn truyền thống, đặc sắc của dân tộc.

Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong cộng đồng, Thương vụ Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tại Singapore, Ban liên lạc Cộng đồng người Việt đã nỗ lực chuẩn bị và phát thiện nguyện 500 túi quà cho công nhân, lao động các nước có mặt tại lễ hội, trong đó có nhiều lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu văn hóa và tặng quà như vẽ nón, vẽ cờ các quốc gia, tặng các món quà lưu niệm...

Khu vực gian hàng của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công nhân, lao động nước ngoài tại lễ hội. Họ đến không phải vì quà tặng, mà là vì tình cảm với Việt Nam, mong muốn được chụp một tấm hình kỷ niệm với những người bạn Việt Nam thân thiện, thướt tha trong tà áo dài truyền thống.

Dù thấm mệt sau những ngày chuẩn bị, các thành viên Ban liên lạc cũng như tình nguyện viên đều cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm, quý mến của các lao động nước ngoài.

Chị Tạ Thùy Liên, Trưởng Ban liên lạc Cộng đồng người Việt tại Singapore, cho biết, trong quá trình chuẩn bị, Ban tổ chức lễ hội đã đánh giá cao ý tưởng về gian hàng và các hoạt động văn hóa, ẩm thực của Việt Nam.

Qua hoạt động này, Ban liên lạc mong muốn quảng bá văn hóa và ẩm thực cũng như sự hiện diện, hòa nhập và những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam trong các hoạt động xã hội của Singapore.

Hoạt động tham dự lễ hội của Ban liên lạc đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ thiết thực của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore. Đại sứ Mai Phước Dũng tham dự và trao tặng các món quà tới tay nhiều công nhân lao động nhập cư.

Cũng trong ngày 18/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã tới thăm hỏi, động viên và trao quà cho hơn 60 công nhân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống và làm việc tại khu vực Jurong West.

(Nguồn: Dân Trí)

GIÁNG SINH SUM HỌP GIA ĐÌNH VÀ CHIA SẺ YÊU THƯƠNG CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI BỈ

Điều mà tôi quý nhất về truyền thống đêm Giáng sinh ở Bỉ là người ta không quên thể hiện tình thương đến người nghèo khổ, cô đơn, người bệnh tật trong xã hội. Có rất nhiều người làm thiện nguyện, người tài trợ về tài chánh, người thì mua sắm, nấu nướng để phục vụ bữa tiệc giáng sinh cho những người không có điều kiện, những người không có gia đình... để tất cả đều có niềm vui trong dịp lễ đặc biệt này.

Đây là chia sẻ của chị Trương Mỹ Vân, kiều bào Việt Nam, đang sinh sống tại Bỉ.

Chia sẻ yêu thương

Khoảng cuối tháng 11, đường phố và các trung tâm mua sắm lớn ở Bỉ đã được trang trí các loại đèn màu sặc sỡ, cây thông cùng nhiều gói quà đẹp mắt. Dịp này, nếu gặp người quen trên phố thì sẽ được nghe những câu hỏi như: Noel này mình có kế hoạch gì không? Có chuẩn bị đi đâu chơi? Vào dịp Giáng sinh các trường học phổ thông được nghỉ hai tuần nên gia đình có thể sắp xếp đi thăm người thân, họ hàng hoặc đi du lịch các nước lân cận.

Đây cũng là dịp người ta đi đến các vùng núi cao các nước để trượt tuyết, vừa ngắm trời đất bao la phủ một màu trắng nhấp nhô để thư giãn tinh thần sau bao ngày làm việc mệt mỏi.

Bên cạnh đó, Giáng sinh ở Bỉ không thế thiếu các cuộc diễu hành vui nhộn theo lịch trình bằng xe, bằng ngựa, có diễn viên nhảy múa theo điệu nhạc đi qua nhiều con đường để người dân dễ dàng đón xem. Mỗi vùng, mỗi thành phố đều có tổ chức diễu hành, chỉ là với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Trẻ em xem còn được nhận kẹo, nhận quà. Đây là một hình thức giải trí khá công phu dành cho cộng đồng, cũng là nét văn hóa đặc sắc ở Bỉ.

Điều mà tôi quý nhất về truyền thống đêm Giáng sinh ở Bỉ là người ta không quên thể hiện tình thương đến người nghèo khổ, cô đơn, người bệnh tật trong xã hội. Có rất nhiều người làm thiện nguyện, người tài trợ về tài chánh, người thì mua sắm, nấu nướng để phục vụ bữa tiệc giáng sinh cho những người không có điều kiện, những người không có gia đình... để tất cả đều có niềm vui trong dịp lễ đặc biệt này. Ngoài việc tặng bữa ăn, một số nơi tặng quần áo ấm, hay giúp đỡ người kém may mắn bằng các hình thức khác nhau.

Sum họp gia đình

Giáng sinh năm nay, tôi để cho con gái nhỏ tự trang trí cây thông, đặt các phần quà dưới gốc cây. Cũng như mọi năm, tôi dắt con gái đi dạo chợ trời (chợ trời là chợ được họp ở công viên hay con đường mà mỗi tuần chỉ một lần hoặc cuối tuần do các tiểu thương bán, mình đứng ngoài nhìn lên là thấy trời), cách nhà tầm 500 mét để xem và hít thở không khí giáng sinh.

Tôi mua một túi lớn hai chục chậu bông dạ lan hương gửi ông xã tặng một số nhân viên, đồng nghiệp, thầy cô giáo, thầy dạy võ của các con. Ông xã tôi cũng mua nhiều hộp bánh, kẹo sô cô la được làm thủ công, những gói trà thảo dược để tặng bạn bè, người thân.

Lễ Noel ở Bỉ, các cơ quan hành chính được nghỉ từ chiều tối ngày 24 và cả ngày 25 tháng 12. Tối ngày 24, gia đình tôi không có đạo nên không đi nhà thờ. Cả nhà sum họp và cùng nhau thưởng thức uống một bữa tiệc ngon lành, ấm cúng.

Dịp này, chúng tôi thường ăn những món ăn truyền thống của Châu Âu dịp lễ Giáng sinh: Món khai vị bằng đồ nguội như món gan ngỗng, trứng cá tầm muối quết lên bánh mì khô, kèm với một ít rượu sâm banh. Món ăn chính của bữa tiệc thường là gà lôi dồn nhân thịt, nấm truffe hoặc các loại nấm khác. Món gà thường được ăn cùng các loại bánh tạo hoa, viên hòn bi nướng vàng được làm từ khoai tây nghiền nhuyễn, cùng các loại rau mùa đông như cải diếp giòn, bí ngòi... Món tráng miệng truyền thống là ổ bánh kem sô cô la hình khúc cây trang trí tạo hình bông tuyết trắng và các loại hạt rang.

Sau buổi tiệc, gia đình ngồi nán lại với nhau để tặng quà. Mỗi thành viên trong gia đình đều nhận được ít nhất một phần quà, ai cũng háo hức mở ra xem. Sau đó là những nụ hôn và lời cảm ơn thật nồng nhiệt cho nhau.

Ngày 25, gia đình chúng tôi thường đi xe hơi nhà về miền quê thăm ông bà. Ăn tiệc trưa cùng ông bà và ngắm những con đường, những đồi thông bao la phủ tuyết trắng ngút tầm mắt. Đường về nhà sau lễ Giáng sinh, gia đình tôi thường đi qua đoạn đường miền quê khá dài, đến những xóm làng hoặc khu dân cư, tôi lại thích ngắm những ngôi nhà trang trí Noel với các chùm đèn màu li ti, lấm tấm ánh hoa lấp lánh trong đêm.

(Nguồn: Việt Báo)

VIỆT KIỀU MỸ HÒA NHỊP ĐÔNG VUI ĐÓN LỄ HỘI CUỐI NĂM 2022 TƯNG BỪNG Ở NEW YORK

(Ảnh minh hoạ).

Như chưa từng có đợt Covid-19 chết chóc từng hiện diện nơi này, TP.New York (Mỹ) vào những ngày cuối năm 2022 thật sự tràn đầy sức sống với không khí đón Giáng sinh 2022 và năm mới 2023.

Điều đầu tiên nhận thấy là du khách đã đổ vào New York với những dòng người đông đúc, tràn ngập các đường phố. Trung tâm New York với cây thông truyền thống hàng năm đã được dựng tại quảng trường Rockerfeller rực rỡ ánh đèn với hàng chục ngàn người đến chiêm ngưỡng và chụp hình kỷ niệm.

Tôi thật vui mừng vì nơi này không khác gì Giáng sinh năm 2019 khi ba mẹ tôi đến thăm New York. Tất cả dường như thật sự đã trở lại như cũ.

Người nối người chen chúc. Nếu không cẩn thận để ý thì dễ lạc mất nhau trong biển người.

Các nghệ sỹ của thành phố lẫn nghệ sỹ tự do hát múa, chơi các loại nhạc cụ trên con đường trung tâm, tiếng đàn ca rộn rã với những ca khúc Giáng sinh nổi tiếng làm ấm cái giá lạnh của mùa đông New York và ấm cả trái tim của mỗi con người.

Nghệ sỹ hát rong đường phố đã trở lại New York để mưu sinh và tìm cơ hội tỏa sáng. Họ là những tài năng từ khắp nơi trên thế giới đến New York với hy vọng sẽ được phát hiện và ký hợp đồng với các công ty giải trí có trụ sở tại TP.New York.

Dòng người nối tiếp nhau mỗi lúc một đông hơn. Họ là những cư dân New York, hoặc những du khách từ nhiều nước trên thế giới đủ các sắc tộc… Tất cả về đây cùng để đón chào những ngày lễ cuối năm tưng bừng của “thành phố không bao giờ ngủ”.

Các chương trình ca nhạc ở Radio City đông chật khán giả. Cảnh sát dày đặc với hàng trăm xe cứu thương trên các con đường trung tâm sẵn sàng bảo vệ an ninh, đảm bảo không có sự cố nào xảy ra trong các ngày này.

Phần lớn các con đường trung tâm đều đóng lại chỉ để dành cho người đi bộ.

Trung tâm mua sắm Sak Fifth của giới thượng lưu đông chật người đến ngắm nghía hàng hóa. Người đến xem để thỏa mơ ước. Người đến săn hàng sale. Người đến chọn hàng Giáng sinh cho gia đình và bạn bè. Nơi này cũng là biểu tượng của TP.New York vì vị trí của nó ở ngay Trung tâm Rockerfeller.

Bao thế hệ người đến đây chỉ để được ngắm cây thông cũng như ao ước được mua sắm bởi sự trang trí rất đặc biệt: vừa đậm màu sắc vừa đậm chất quý tộc.

Ngoài Trung tâm Rockerfeller tại Midtown, ở Phố Wall hay Seaport cũng đông chật du khách. Tuy không nổi tiếng bằng nhưng bù lại mọi người được phép chụp hình bên cây thông rực rỡ ở cự ly gần chứ không phải qua lớp hàng rào như ở Trung tâm Rockerfeller.

Nhà thờ cổ Trinity, cũng được trang trí rực rỡ với giàn nhạc giao hưởng cổ điển phục vụ cho du khách vào chiêm ngưỡng công trình lịch sử của TP.New York.

Phần lớn các di tích lịch sử ở New York mở cửa miễn phí cho mọi người chứ không thu tiền tham quan như các địa danh nội tiếng khác trên thế giới (như Rome hay Paris).

Taxi vàng (yellow cab) biểu tượng của New York hoạt động tất bật để phục vụ bởi lượng du khách đổ về quá đông. Không còn cảnh đìu hiu, buồn bã của mùa Covid đã qua.

Thời tiết rất lạnh nhưng nhiều cô gái trẻ vì muốn có những bức ảnh đẹp đã cố gắng chịu lạnh trong chiếc váy ngắn phong phanh. Điền này cũng tạo thêm một nét riêng cho TP.New York mùa lễ hội.

Giao thông ách tắc rất nhiều nơi. Kiếm chỗ đậu xe nhiều khi là một bài toán khó. Mấy bạn sinh viên trường Brooklyn đang thi cuối kỳ nhưng đã háo hức hẹn nhau đi chơi ngay sau ngày thi cuối.

New York càng gần ngày lễ hội càng đông vui, càng về đêm càng rực rỡ.

Mùa lễ hội 2022 đánh dấu sức sống mãnh liệt trở lại của TP.New York!

(Nguồn: Thanh Niên)

ĐI CHỢ VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ

Trong vài thập kỷ qua, cộng đồng người Việt bám rễ ở TP Denver của bang Colorado - Mỹ với những khu chợ đậm chất Việt như Little Saigon, New Saigon, Hồng Phát…

Có khoảng 24.000 người Mỹ gốc Việt coi bang Colorado là quê hương thứ hai, trong đó nhiều người tập trung ở Denver.

Mặc dù người Mỹ gốc Á của bang này tôn vinh các di sản đa dạng của họ thông qua các sự kiện như lễ hội thuyền rồng Colorado hay lễ hội người Mỹ gốc Á nhưng tờ The Denver Post cho rằng chính các khu chợ mới là nền tảng văn hóa đặc trưng. Chỉ riêng việc ngửi mùi rau thơm và gia vị đã là một mối liên hệ hữu hình với nguồn cội.

Khu thương mại Little Saigon của Denver được thành lập vào năm 2014, chạy dọc theo đường South Federal, từ đường West Alameda đến đường West Mississippi. Những ai ghé thăm có thể tìm thấy những món ăn Việt như phở, bánh mì… ở vô số nhà hàng dọc tuyến đường này.

Pacific Ocean Marketplace tại số 2200 West Alameda - từng được gọi là "siêu thị châu Á lớn nhất và tốt nhất của Denver" - cũng là địa điểm mua sắm yêu thích của cộng đồng người Việt.

Điểm đáng nói là dù không biết tiếng Anh nhưng những người Việt lớn tuổi vẫn dễ dàng trao đổi ở các khu chợ này. Giới thiệu những cửa tiệm thường lui tới với những món ăn "như nhà nấu", Peter Vo (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Denver) nói với The Denver Post rằng gia đình anh vẫn sống một cuộc sống "rất Việt Nam".

Mimi Luong, chủ một cửa hàng quà tặng ở trung tâm mua sắm Viễn Đông ở Denver, thốt lên: "Thứ mà bạn nhớ nhất luôn là món ăn, không phải sao?". Khi được hỏi về khu thương mại Little Saigon với "trái tim" là Trung tâm Viễn Đông trong tương lai, Mimi Luong chia sẻ: "Tôi không muốn nó biến mất. Tôi không muốn nó phai nhạt. Tôi không muốn mọi người quên đi cội nguồn của ông bà, cha mẹ".

Hồi tháng 5-2021, ở TP Boston thuộc bang Massachusetts, một đoạn của đường Dorchester được Hội đồng Văn hóa Massachusetts công nhận là "Little Saigon" của Boston.

Khu này được xem như minh chứng cho sự phát triển, tăng trưởng vượt bậc và ngày càng có nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh của người Việt được mở ra. Ban quản lý "Little Saigon" cũng đang xúc tiến mở chợ đêm trên đường Dorchester để thu hút nhiều người từ khắp nơi.

Trong khi đó, tờ Houston Chronicle đánh giá một trong những thế mạnh lớn nhất của TP Houston, bang Texas là sự đa dạng sắc tộc và văn hóa. Khu chợ Việt Nam là ví dụ điển hình về tấm thảm văn hóa phong phú của thành phố.

Người Việt ở Houston tha hồ tìm mua nông sản, hàng hóa, gia vị đậm đà hương sắc dân tộc tại chợ Việt Hoa. Mọi người có thể tìm thấy các mặt hàng quen thuộc như rau thơm, trứng vịt lộn, trứng vịt muối, lạp xưởng heo… Chợ Việt Hoa cũng là nơi cung cấp hơn 300 loại trà.

Đến với chợ Việt Hoa, đài ABC13 nhắc đến loại trái cây rất quen thuộc của người Việt là thanh long, được nhiều người ưa thích về độ thơm, ngọt. ABC13 cho rằng một khi đã đến chợ này, sẽ rất tiếc nếu không ăn thử một ổ bánh mì Việt Nam cùng với món ăn vặt tiếng tăm nơi đây là da heo chiên giòn.

Và rất thiếu sót nếu không nhắc đến chè - món ngọt vẫn còn mới lạ với nhiều thực khách. Những món chè nóng hoặc lạnh, thường kèm nước cốt dừa, các loại đậu, khoai, bột báng, thạch và cả các loại trái cây nhiệt đới. Nào là chè bánh lọt nước dừa thơm lừng, chè ba màu với lớp đậu xanh vàng ươm bên trên lớp thạch lá dứa xanh tươi, chè bà ba béo ngọt với khoai môn, khoai lang và nước cốt dừa…

Nói như báo Houston Chronicle, Houston - một trong những thành phố có người gốc Việt đông nhất tại Mỹ - được xem là nơi tuyệt vời để thưởng thức chè Việt. Houston Chronicle nhận xét: "Dù cách xa hàng ngàn dặm, chè ở Houston vẫn mang hương vị rất giống những món chè mà bạn có thể tìm thấy trên đường phố Việt Nam".

(Nguồn: Việt Báo)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Hội sinh viên ở Hàn; 2 đứa trẻ được nhận nuôi xưa & nay; Bị lừa bán dâm ở Đài Loan; 'Sát nhân' được thả ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang