Người Việt hải ngoại: Hội sinh viên ở Hàn; 2 đứa trẻ được nhận nuôi xưa & nay; Bị lừa bán dâm ở Đài Loan; 'Sát nhân' được thả

HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC: NHỮNG ĐẠI SỨ TRẺ CỦA TÌNH HỮU NGHỊ

(Ảnh minh hoạ).

Gần 10 năm gắn bó với xứ sở kim chi, anh Trần Thiện Quang - Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) đã có những chia sẻ với TG&VN về sức trẻ và sự năng động của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại đây.

Xin anh cho biết một số thông tin về sự phát triển của VSAK hiện nay?

Khi VSAK thành lập vào năm 2007, số lượng sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc là trên dưới 7.000 sinh viên. Đến nay, số lượng sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã tăng lên đến khoảng 69.000 sinh viên, trở thành số lượng du học sinh cao thứ hai tại Hàn Quốc.

Đi cùng với sự gia tăng nhanh chóng của số lượng, trách nhiệm và vai trò VSAK cũng ngày càng được thể hiện rõ ràng và đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại đây. Mỗi sự kiện văn hoá, thể thao do chúng tôi tổ chức đều nhận được được sự quan tâm và tham gia đông đảo của các bạn sinh viên, quy mô hơn nghìn sinh viên tham dự.

Không chỉ dừng lại tại các sự kiện, VSAK hiện đang là cầu nối vững chắc giữa các đơn vị trong và ngoài nước đối với cộng đồng sinh viên Việt Nam tại đây, cũng như đại diện cho tiếng nói của sinh viên đến với các cơ quan chính quyền Việt Nam cũng như Hàn Quốc.

Đặc biệt, chúng tôi luôn là những đầu tàu trong việc nêu lên tiếng nói đến các sự kiện chính trị hay trong các sự kiện kêu gọi hỗ trợ cho người dân nước nhà. Thông qua tổ chức, đã có rất nhiều suất học bổng của các tập đoàn, cơ quan được đến với các bạn sinh viên Việt Nam đang gặp khó khăn.

Với những sự phát triển, đóng góp không ngừng nghỉ của VSAK dành cho sinh viên, chúng tôi rất vinh dự được ghi nhận bơi các cơ quan trong nước như các bằng khen của Bộ Ngoại giao hay bằng khen của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam

VSAK đã thực hiện những kế hoạch nổi bật gì trong năm qua để chào mừng năm kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, thưa anh?

Ngay từ đầu năm 2022, nhận được chủ trương của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, chúng tôi đã xây dựng các chương trình chào đón một năm hết sức quan trọng này giữa hai nước.

Các chuỗi sự kiện được tổ chức như chương trình Hội thao mở rộng, Hội thảo các nhà khoa học trẻ đều là các chương trình thường niên được các sinh viên quan tâm và tham gia đông đảo. Qua mỗi chương trình, chúng tôi đều xây dựng các chuỗi truyền thông để tuyên truyền về hình ảnh cũng như mỗi quan hệ của hai nước.

Hơn hết, việc đẩy mạnh hình ảnh mối quan hệ của hai nước đang được triển khai rất mạnh mẽ và có nhiều chương trình giao lưu làm việc với các bạn sinh viên, các cơ quan Hàn Quốc nhằm kêu gọi và gắn kết hơn nữa giữa hai cơ quan, hai nước.

Theo đó, thực hiện chủ chương trương của VSAK, các chi hội trực thuộc đều tích cực xây dựng các chương trình, các hoạt động bổ ích tại địa phương, trường đại học nhằm đẩy mạnh sự gắn kết sinh viên Việt Nam, cũng như kết nối với các bạn sinh viên Hàn Quốc tại đây.

Được biết, năm qua VSAK cũng đã có nhiều sáng kiến trong việc tập hợp sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng du học sinh cũng như tạo sức sống mới trong hoạt động Hội sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19?

Trong thời điểm dịch Covid-19, Hội đã thích ứng nhanh chóng và chuyển đổi các chương trình hoạt động của mình từ offline sang online nhằm duy trì và gắn kết được với các hội sinh viên, quản lý sinh viên trong dịch bệnh.

Sau đại dịch Covid-19, ngoài các chương trình phong trào, các hoạt động hỗ trợ sinh viên, hội cũng đẩy mạnh các chương trình tập huấn dành cho 48 hội cơ sở, các hoạt động tiếp nhận ý kiến, đối thoại giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và VSAK với cộng đồng sinh viên, nhằm tiếp thu các ý kiến, giải đạp kịp thời dành cho các bạn sinh viên đang sinh sống và học tập tại đây.

Với các hoạt động trên, hiện nay đang càng có thêm nhiều sinh viên quan tâm, các chi hội sẽ được thành lập nhiều hơn nữa nhằm giúp gắn kết và quản lý sinh viên một cách tốt nhất.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào, sức mạnh của sinh viên, chúng tôi còn triển khai khen thưởng sinh viên 5 tốt cấp cơ sở dành cho các bạn sinh viên đang theo học tại đây.

Chúng tôi mong muốn được ghi nhận và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, phong trao tình nguyện của sinh viên đến với cộng đồng du học sinh tại Hàn Quốc trong thời gian sinh sống và học tập tại đây; cũn g như mang đến những giá trị thiết thực nhất dành cho các bạn sinh viên,

Là một trong những tổ chức của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá hoạt động hiệu quả, cộng đồng sinh viên cũng có thế mạnh là nghiên cứu khoa học, Hội đã phát huy nguồn lực trí thức trẻ kiều bào phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước như thế nào?

Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức chương trình Hội thảo các nhà khoa học trẻ tại Hàn Quốc nhằm tạo ra một sân chơi bổ ích, một không gian giao lưu học tập của các nhà nghiên cứu người Việt Nam đang sinh sống tại đây.

Sự kiện nhằm giúp các bạn sinh viên đang là nghiên cứu sinh có thể trao đổi về học thuật, nghiên cứu với nhau, cùng nghe những đánh giá từ các giáo sư Hàn Quốc đầu ngành để nâng cao chất lượng nghiên cứu của mình.

Các bài báo, nghiên cứu được đánh giá cao sẽ được giới thiệu và gửi về trong nước như Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là một sự kiện thường niên đã được tổ chức lần thứ 7 cho đến nay. Trong tương lai sẽ cố gắng tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa các chương trình liên quan dành cho các nhà khoa học.

Bên cạnh đó, Hội cũng luôn phối hợp cùng Văn phòng Khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để tổ chức các chương trình đối thoại với các nhà khoa học đầu ngành nhằm tiếp thu ý kiến và giúp cho nước nhà đẩy mạnh hơn nữa các yếu tô nhằm hỗ trợ và thu hút các nhà hoa học đang sinh sống tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, nhận thây được sự quan trọng của các ngành khoa học công nghệ đối với việc phát triển của nước nhà, hiện nay VSAK cũng đang tích cực tuyên truyền, đối thoại với chính quyền địa phương, hay các trường đại học để nhằm tạo điều kiện, học bổng dành cho các bạn sinh viên VIệt Nam theo học tại các ngành khoa học công nghệ.

Chúng tôi còn liên kết các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tạo ra các cơ hội việc làm, tạo tiền đề vững chắc cho các bạn sinh viên trong việc lựa chọn ngành học khoa học công nghệ trên con đường du học của mình, gián tiếp hỗ trợ giúp đỡ nguồn nhân lực tương lai của đất nước

Anh đã sinh sống và học tập tại trường đại học Hannam gần 10 năm nay, từ đại học, thạc sĩ và bây giờ là tiến sĩ. Lý do của sự gắn bó này?

Trường Đại học Hannam đã mang đến cho tôi môi trường học tập năng động. Ngoài các chế độ học bổng đa dạng dành cho sinh viên, trường luôn sẵn sàng mang đến những hỗ trợ khác cả bên ngoài việc học tập để cùng nhau vươn lên và học tập thật tốt.

Tọa lạc tại Daejeon - thành phố khoa học của Hàn Quốc, ngôi trường cũng mang đến cho tôi những kiến thức, tầm nhìn rộng hơn về các sản phẩm khoa học, sự phát triển về công nghệ.

Đặc biệt, trong 10 năm sinh sống tại đây, chính quyền, các cơ quan, trung tâm luôn hỗ trợ hết mình dành cho người Việt Nam. Bản thân tôi cũng sẽ luôn cố gắng để thúc đẩy hơn nữa các chính sách hỗ trợ các sinh viên Việt Nam trong thời gian tới.

Là một lãnh đạo hội và hoạt động tích cực trong công tác cộng đồng, theo anh, các bạn trẻ cần làm gì để góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước?

Khi tới Hàn Quốc, tôi từng nhìn thấy nhiều người bị nghi ngờ về năng lực chỉ bởi vì xuất phát từ một đất nước kém phát triển hơn nước sở tại. Thay vì thất vọng về bản thân, tôi đã bắt đầu có quyết tâm phấn đấu hết mình để thay đổi chính mình, cũng như thay đổi được quan điểm của những người có tư tưởng kỳ thị về người Việt Nam.

Việc tôi tích cực tham gia vào các hội đoàn để có có tiếng nói tại đây và truyền cảm hứng ấy cho các bạn sinh viên trẻ thế hệ sau. Tôi mong rằng, các bạn sẽ chăm chỉ, hoàn thiện bản thân và mạnh dạn hơn nữa trong việc thể hiện các quan điểm, cũng như tích cực đóng góp vào xã hội Hàn Quốc.

Chúng ta cần trở thành những đại sứ trẻ - đại diện của những người Việt tươi mới và năng động, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

NGÀY ẤY - BÂY GIỜ CỦA 2 ĐỨA TRẺ GỐC VIỆT ĐƯỢC NHẬN NUÔI: NGƯỜI LÀ NGÔI SAO HOLLYWOOD, NGƯỜI TRỞ THÀNH PHÓ THỦ TƯỚNG TRẺ NHẤT CỦA NƯỚC ĐỨC

Không có nhiều kí ức về cha mẹ, thiếu đi vòng tay yêu thương của gia đình, cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi luôn đầy rẫy khó khăn, thử thách và chông gai. Vậy nhưng đâu đó vẫn có những đứa trẻ may mắn khi nhận được sự cưu mang, chăm sóc và tình yêu thương.

Và cuộc sống của Lana Therese Condor và Philipp Roesler là một ví dụ điển hình. Hai người là những trường hợp trẻ mồ côi vô cùng may mắn khi được gia đình giàu có và tử tế nhận nuôi, để rồi cuộc sống cũng theo đó mà thay đổi ngoạn mục.

Lana Condor - cô bé mồ côi Cần Thơ được bố mẹ người Mỹ nuôi dạy trở thành ngôi sao Hollywood

Lana Condor (SN 1997) có tên thật là Trần Đông Lan sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ nhưng bị bố mẹ bỏ rơi từ khi còn sơ sinh. Thời điểm đó sống ở trại trẻ mồ côi, cô bé được nhận xét là vô cùng dễ thương, xinh xắn, dễ tính và ít khóc hơn các bạn đồng trang lứa. Bất kỳ ai đến trại trẻ thăm đều có thể dễ dàng bế Đông Lan.

Khi Đông Lan được 4 tháng tuổi, cơ duyên đã đưa cô bé đến với Bob Condor - một nhà báo Mỹ sang Việt Nam để nhận con nuôi. Nhớ lại khoảnh khắc lần đầu nhìn thấy Đông Lan, ông Bob đã chắc chắn Đông Lan chính là cô con gái mà ông tìm kiếm bấy lâu nay.

"Tôi bước đến và bế đứa nhỏ lên. Tôi biết mình đang ngắm nhìn con gái tương lai. Con thật rạng rỡ, mở mắt trong một hoặc hai giây, nhìn tôi trước khi rúc vào vai phải của tôi. Tôi thấy con đang chạm vào áo sơ mi viền hồng của tôi bằng đôi bàn tay nhỏ bé", ông Bob kể trên Chicago Tribune năm 1997.

Sau đó, cô bé Cần Thơ được bố mẹ đón sang Mỹ sinh sống kể từ đó và đặt cho một cái tên mới là Lana Therese Condor. Được biết ở gia đình mới, Lana còn có thêm 1 em trai cũng là người gốc Việt và là con nuôi của vợ chồng Bob Condor.

Sinh sống tại Mỹ, Lana được bố mẹ nuôi cho phép ăn mặc phóng khoáng, thời thượng như bao bạn đồng trang lứa, tuy nhiên cô bé ít trang điểm và thường xuyên để mặt mộc. Được biết, Lana và gia đình từng sống ở Whidbey Island, Washington và New York, trước khi định cư ở Santa Monica, California khi cô 15 tuổi.

Dù sở hữu chiều cao khiêm tốn chỉ 1m57 nhưng sau vài buổi diễn hài nho nhỏ trong gia đình, cô được cha mẹ khuyến khích theo đuổi diễn xuất và nghệ thuật. Ông bà Bob Condor sẵn sàng đầu tư kinh tế cho Lana theo học nghệ thuật ở những ngôi trường uy tín bậc nhất nước Mỹ.

Hết cấp 2, Lana được theo học tại Joffrey Ballet - một trường trung học chuyên về múa, đồng thời cô còn có cơ hội học diễn xuất tại trường biểu diễn nghệ thuật Ailey. Đến năm 2013, Lana chuyển tới học tại trường nghệ thuật ở California.

Nhờ sự ủng hộ và khuyến khích từ cha mẹ, Lana nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật nói chung và nghiệp diễn xuất nói riêng. Cô từng góp mặt trong những siêu phẩm như X-Men: Apocalypse, Patriots Day, To All The Boy...

Khả năng diễn xuất của Lana được ghi nhận và góp phần giúp cô trở thành một trong những hiện tượng điện ảnh mới. Bên cạnh đó, cô nàng còn là gương mặt quảng cáo cho nhiều nhãn hàng, làm người mẫu cho nhiều tạp chí danh tiếng. Nhờ những nỗ lực không ngừng, năm 2020, Lana đã nhận được giải Thế hệ Tiếp theo của Hollywood do Hiệp hội Phê bình Hollywood (HCA) bình chọn.

Năm 2021, Lana hào hứng chia sẻ về mục tiêu sắp tới là hợp tác phim với những sao gốc Á. Ngoài đóng phim, Lana vẫn không quên thân phận là một Trần Đông Lan. Cô luôn nhớ về nguồn cội và việc mình là người Việt Nam. Nữ diễn viên đã phát triển hẳn Quỹ học bổng nhằm giúp đỡ các nữ sinh Việt Nam học hết cấp ba. Trước đó, Lana cũng từng trở về Việt Nam để thực hiện chương trình giáo dục cho trẻ em tại Long An.

"Tôi đã quá may mắn khi có được cuộc sống như hiện tại. Tôi luôn dành những khoảnh khắc để thầm cảm ơn số phận. Bản thân tôi hy vọng sẽ có thể giúp đỡ cho việc ăn học của nhiều bé gái có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam trong tương lai và một ngày nào đó, khi thời điểm tới, tôi sẽ nhận nuôi một bé gái người Việt", cô chia sẻ khi trả lời phỏng vấn với CNN.

Mới đây, Lana còn khiến fan hâm mộ vô cùng vui mừng khi đăng tải trên MXH thông tin vừa đính hôn với bạn trai lâu năm - nam diễn viên Anthony De La Torre.

Philipp Roesler - Cậu bé Sóc Trăng được bố mẹ người Đức nhận nuôi trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất của nước Đức

Philipp Roesler sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng, Ba Xuyên (nay là tỉnh Sóc Trăng). Ngay từ khi sinh ra anh đã là trẻ mồ côi và được chăm sóc bởi viện mồ côi công giáo của nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Portieux. Tuy nhiên, khi Philipp 9 tháng tuổi, anh may mắn được một cặp vợ chồng người Đức đến thăm Việt Nam và nhận nuôi.

Nói về quyết định này của cha nuôi, Philipp Roesler kể lại: "Chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến ông, cũng như đa số những người thuộc thế hệ này. Lúc đó ông chỉ có hai lựa chọn, hoặc xuống đường biểu tình phản đối, hoặc giúp đỡ một cách thiết thực nhất. Ông đã chọn cách thứ hai, nhận một đứa con nuôi Việt Nam - đó là tôi".

Năm 1973, Philipp rời xa Việt Nam và theo cha mẹ nuôi ra nước ngoài. Với tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, Philipp Roesler đã trưởng thành trong môi trường sống và giáo dục như một người Đức. Cùng tài năng của bản thân, anh đã làm nên những điều kỳ diệu tại đất nước này - điều mà không phải ai cũng có thể làm được.

Sau khi tốt nghiệp trung học với thành tích hạng A, Philipp Roesler gia nhập quân đội và được đào tạo trở thành sĩ quan Quân y. Tiếp đó, anh theo học tại một trong những môi trường giáo dục về y khoa hàng đầu nước Đức - đại học Y khoa Hannover và được nhận học vị Tiến sĩ Y khoa vào năm 29 tuổi.

Trước đó, từ năm 19 tuổi, Philipp Roesler đã gia nhập đảng Dân chủ tự do (FDP), nhưng đến những năm 2000, anh mới thực sự tập trung vào sự nghiệp chính trị. Sở hữu trí tuệ thông minh, biệt tài diễn thuyết, hòa nhã và khéo léo trong ứng xử, Philipp Roesler liên tục ghi nhiều kỷ lục trên chính trường Đức khi trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ nhất khi mới 36 tuổi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ trẻ nhất (năm 2010). Năm 2011, anh khiến nhiều người Việt tự hào khi trở thành người trẻ tuổi nhất giữ vị trí Phó Thủ tướng. Philipp cũng là người gốc Á đầu tiên giữ cương vị quan trọng như vậy trong bộ máy nước Đức.

Năm 2011, Philipp Rösler thành công ngồi vào vị trí Phó Thủ tướng Đức. Và là người gốc nước ngoài, đồng thời là gốc Việt đầu tiên đạt đến cương vị này.

Sau khi thôi giữ chức Phó Thủ tướng Đức vào năm 2013, được biết anh đã trúng cử vào vị trí Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Chia sẻ với tờ Bild về sự thành công, Philipp Roesler từng tiết lộ cha nuôi chính là người ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và quyết định của mình. Anh cho biết khi bản thân được 4-5 tuổi, cha nuôi đã đặt anh trước gương rồi nói: "Hãy nhìn con, rồi nhìn cha, con với cha khác nhau. Nhưng dù cho điều gì xảy ra, hay người ta nói cái gì, thì cha vẫn luôn là cha của con".

Sau khi thôi giữ chức Phó Thủ tướng vào năm 2013. Philipp lại trúng cử vào vị trí giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới WEF.

Xa quê hương từ nhỏ, đến năm 33 tuổi, Philipp Roesler mới lần đầu tiên trở về Việt Nam. Khi được hỏi lý do vì sao thời điểm này mới quay trở về, cựu Phó Thủ tướng Đức trả lời: "Tôi đi bởi vì vợ nói với tôi: 'Chúng ta rồi sẽ có con và em muốn có thể kể cho chúng nghe về đất nước nơi anh đã sinh ra'".

Sau lần trở về này, Philipp Roesler còn tiếp tục quay lại Việt Nam thêm nhiều lần nữa trong những chuyến công tác. Anh cũng bày tỏ mong muốn được đưa vợ cùng các con về lại quê hương để các con tìm hiểu về nguồn cội. Philipp Roesler cho biết: "Chúng tôi có 2 cô con gái sinh đôi và các con thường thắc mắc bản thân không giống bạn bè người Đức. Chúng tôi sẽ quay lại Hà Nội và còn có thể tổ chức một chuyến đi xuyên Việt để giải thích cho các con về cội nguồn, gốc gác dòng máu Việt trong mình".

Từ câu chuyện hai đứa trẻ gốc Việt mồ côi, Lana Therese Condor và Philipp Roesler đã vượt qua số phận nghiệt ngã để trở thành một phiên bản hoàn hảo của chính mình, viết nên “câu chuyện cổ tích” trong thời hiện đại. Đây không chỉ là hiện tượng hiếm hoi trong thế giới, mà còn là niềm tự hào lớn lao cho người Việt Nam cả trong và ngoài nước.

(Nguồn: CafeF)

CẢNH SÁT ĐÀI LOAN CỨU NỮ DU HỌC SINH VIỆT NAM BỊ LỪA BÁN DÂM

(Ảnh minh hoạ).

12 nữ du học sinh Việt Nam đã bị lừa bám dâm ở Đài Bắc, Đài Loan - Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Thông tin liên quan đến các nữ sinh viên Việt Nam bị lừa bán dâm tại các nhà thổ, tiệm mát-xa ở Đài Bắc được tiết lộ trên trang Taiwan News hôm 21-12.

Vụ việc được phơi bày sau khi một trường đại học khoa học và công nghệ ở TP Đào Viên báo cáo chính quyền địa phương rằng 12 sinh viên người Việt bỗng nhiên mất tích bí ẩn khỏi ký túc xá của trường.

Vào cuộc điều tra, nhà chức trách phát hiện 12 nữ sinh trên bị bán vào ngành công nghiệp tình dục. Lúc cảnh sát tìm đến, họ đang hành nghề mại dâm trong một căn hộ thuê trên đường Linsen North ở quận Trung Sơn thuộc TP Đài Bắc.

"Cảnh sát Đài Bắc đã giải cứu được 3 sinh viên người Việt Nam trong đường dây lừa đảo mại dâm này trong khi chưa rõ tung tích về 9 người còn lại" - TVBS đưa tin.

Taiwan News cho hay những năm gần đây, các đường dây buôn bán tình dục đã lừa gạt phụ nữ trẻ ở Đông Nam Á bằng cách sử dụng chiêu bài "du học" tại các đại học ở Đài Loan. Tới nơi, họ bị đưa vào các tiệm mát-xa hoặc những khu nhà cho thuê để hành nghề mại dâm.

Những kẻ đứng đầu đường dây này cũng dụ dỗ các nữ sinh viên đại học đi bán dâm để "kiếm tiền trang trải học phí", "kiếm tiền nhanh chóng" hoặc "hoàn trả phí môi giới lao động", trước khi bắt cóc các nạn nhân và biến họ thành lao động tình dục.

Hồi tháng 10, cảnh sát Đài Bắc tiếp nhận tin báo về đường dây "gái gọi" ở các khu nhà trên đường Linsen North và Xinsheng North. Tuy nhiên, ban đầu cảnh sát gặp khó khăn do những kẻ điều hành vô cùng cảnh giác.

Cảnh sát cuối cũng cũng tìm đến đúng chỗ của chúng và phát hiện 3 phụ nữ trẻ người Việt Nam tại đây. Sau khi điều tra, cả 3 cô gái khai đang là sinh viên đại học ở Đào Viên và bị bọn buôn người "tẩy não" trước khi bị vướng vào đường dây mại dâm.

Nhà chức trách cho biết những sinh viên này rất dễ bị tổn thương, họ bị lừa với lời hứa về tiền học phí hoặc tiền phí môi giới lao động, qua đó đã tham gia hoạt động mua bán dâm.

Ngoài ra, một nữ sinh viên họ Tran từ một trường đại học khoa học và công nghệ ở Đài Nam cũng đã biến mất sau khi cô chỉ đến lớp được ba ngày. Cảnh sát tìm được cô trong một nhà thổ ở chung cư Đài Bắc.

(Nguồn: Soha)

TÒA NEPAL RA LỆNH THẢ SÁT NHÂN 'NGƯỜI RẮN'

“Người Rắn” Charles Sobhraj - sát nhân hàng loạt người Pháp gốc Việt - được Tòa Tối cao Nepal ra lệnh trả tự do kèm theo lệnh trục xuất, theo Kathmandu Post.

“Ông ấy sẽ bị trục xuất trong vòng 15 ngày. Từ nhà tù, ông ấy sẽ được đưa tới văn phòng xuất nhập cảnh - nơi có phòng giam. Họ sẽ làm thủ tục trục xuất và ông ấy có thể rời đi sớm hơn”, luật sư của Sobhraj nói, theo Hindustan Times.

Charles Sobhraj hiện thụ án tù chung thân tại Nepal do giết du khách người Mỹ Connie Joe Bronzich tại quốc gia này năm 1975. Bronzich chỉ là một trong số hơn 20 nạn nhân bị Sobhraj sát hại trong thập niên 1970.

Sobhraj, công dân Pháp nhưng có gốc Ấn Độ và Việt Nam, là một trong những sát nhân hàng loạt khét tiếng hàng đầu châu Á khi đó. Nạn nhân của Sobhraj có nhiều quốc tịch khác nhau, và các vụ án cũng được thực hiện tại nhiều quốc gia khác nhau.

Năm 1976, Sobhraj bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ và phải ngồi tù 21 năm do đầu độc một du khách Pháp và sát hại một người Israel. Theo AFP, Sobhraj từng cố gắng vượt ngục một lần năm 1986, nhưng bị bắt lại sau 22 ngày.

Sobhraj nói mình cố ý vượt ngục để kéo dài án tù, từ đó tránh bị dẫn độ sang Thái Lan - nơi người này bị truy nã với nhiều bản án giết người và có thể chịu án tử hình. Năm 1997, khi Sobhraj ra tù, hiệp ước dẫn độ giữa Ấn Độ và Thái Lan đã hết hạn hai năm.

Sau đó, Sobhraj trở về Paris (Pháp) và sống cuộc sống kín tiếng. Nhưng tới năm 2003, người này bị bắt trong casino tại thủ đô Kathmandu của Nepal.

Ngoài bản án chung thân vì sát hại nạn nhân Connie Joe Bronzich, năm 2014, Sobhraj phải nhận thêm bản án tù chung thân khác sau khi bị tòa án xác định là thủ phạm giết hại du khách Canada Laurent Carriere.

Sobhraj là nguyên mẫu trong series phim “The Serpent” (tạm dịch: Người Rắn) do BBC và Netflix phối hợp sản xuất, lên sóng năm 2021.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Dấu ấn tại Singapore; Lập công đoàn ở Nhật; Người viết 'cổ tích' Việt-Đức; Đi chợ ở Thụy Sĩ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang