Nghịch lý XK café, hồ tiêu; DN dìm giá mua vàng; Long đong số phận khách sạn Daewoo; Chung cư HN 'ngáo giá'

NGHỊCH LÝ XUẤT KHẨU CÀ PHÊ, HỒ TIÊU

Cà phê Robusta và hồ tiêu là 2 mặt hàng xuất khẩu Việt Nam dẫn đầu thế giới nhưng thị phần lại đang rơi vào tay nhiều doanh nghiệp nước ngoài

So với cùng kỳ năm ngoái, giá hồ tiêu tăng 30%, giá cà phê tăng hơn 100%. Điều này đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham gia thu mua, chế biến và xuất khẩu 2 loại nông sản này vì mức sinh lợi cao.

Doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế

Về hồ tiêu, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu suốt 20 năm qua. Thế nhưng, theo công bố mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), những DN dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm 2024 đều đến từ nước ngoài.

Cụ thể, dẫn đầu là Công ty Nedspice Việt Nam (Hà Lan) với 3.555 tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là Olam Việt Nam (Ấn Độ) 3.229 tấn, tăng 32%.

Trong khi đó, 2 DN Việt ở vị trí tiếp theo đều có sản lượng xuất khẩu giảm. Cụ thể, Công ty Trân Châu đạt 2.265 tấn, giảm 33,4%; Công ty Phúc Sinh 1.744 tấn, giảm 31,5%.

Bảng xếp hạng các DN xuất khẩu hồ tiêu với sản lượng hàng đầu cũng thuộc về Olam Việt Nam và Nedspice Việt Nam, còn Công ty Trân Châu và Công ty Phúc Sinh xếp vị trí thứ 3 và 4.

Trong khi trước đây, Trân Châu và Phúc Sinh thường xuyên giữ vị trí quán quân về xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Ông Phan Minh Thông, sáng lập Công ty Phúc Sinh, được mệnh danh là "vua hồ tiêu" cũng vì lý do này.

Ở mảng cà phê chế biến, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chiếm thị phần áp đảo về xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong 5 tháng đầu của niên vụ cà phê 2023 - 2024 (từ tháng 10-2023 đến tháng 2-2024), tốp 10 DN xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan hầu hết đều có vốn FDI.

Trong đó, Nestlé Việt Nam (Thụy Sĩ) dẫn đầu với khoảng 57,5 triệu USD và một loạt cái tên khác như Outspan Việt Nam (Ấn Độ), Cà phê Ngon (Ấn Độ), Tập đoàn Trung Nguyên (Việt Nam), Iguacu Việt Nam (Nhật Bản), URC Việt Nam (Philippines), Tata Coffee Việt Nam (Ấn Độ), Instanta Việt Nam (châu Âu), Sucafina Việt Nam (đa quốc gia) và Công ty CP Quốc tế Thực phẩm Lựa chọn đỉnh. Như vậy, trong danh sách này chỉ có một thương hiệu Việt là Tập đoàn Trung Nguyên.

Ở những niên vụ trước, như niên vụ 2022 - 2023, các DN FDI xuất khẩu cà phê nhân sống (nguyên liệu) chiếm thị phần khoảng 33,1% và 71,7% về xuất khẩu cà phê chế biến (rang xay và hòa tan). Còn ở niên vụ 2021 - 2022, tỉ lệ này lần lượt là 31,7% và 66%.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho biết các DN FDI cũng là hội viên Vicofa và họ có ưu thế, có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường.

"Thời gian gần đây, thị phần xuất khẩu của các DN FDI có xu hướng tăng. Một phần nguyên nhân là do giá cà phê tăng khiến điểm yếu về vốn của DN Việt Nam bộc lộ rõ. Với cùng số vốn nhưng DN chỉ mua được khoảng một nửa số lượng cà phê của năm ngoái" - ông Hải lý giải.

Không dễ thay đổi

Lý giải về việc các DN nước ngoài chiếm thị phần lớn về xuất khẩu cà phê chế biến, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kế thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More), cho biết để đầu tư một nhà máy chế biến cà phê hòa tan rất tốn kém, đặc biệt là dây chuyền chiết xuất tinh chất cà phê cần vốn ban đầu khoảng 1.000 tỉ đồng.

Đây là rào cản rất lớn đối với DN Việt. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm hàng trăm năm có vốn mạnh với chi phí rẻ, họ có công nghệ, thương hiệu toàn cầu nên chiếm lợi thế áp đảo.

"Mảng cà phê hòa tan trên thế giới tăng trưởng rất tốt với tốc độ 30%/năm do tính tiện lợi và giá trị dinh dưỡng; tương lai rất tiềm năng" - ông Luận đánh giá.

Còn đối với cà phê rang xay, ông Luận cho hay cái khó của DN Việt Nam là chưa bắt được gu tiêu dùng của khách hàng quốc tế còn gu cà phê rang xay Việt Nam khá khác biệt. Do đó, sản lượng xuất khẩu sang các nước còn ít. Tuy nhiên, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cho rằng Việt Nam là vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu của cả thế giới nên việc các tập đoàn nông sản, thực phẩm nước ngoài tìm đến để thu mua là điều tất yếu.

"DN Việt có nguồn vốn không bằng các DN FDI nhưng họ rất linh hoạt và kinh doanh có hiệu quả. Nhiều DN Việt còn mua cà phê, hồ tiêu của Brazil, Indonesia... để chế biến xuất khẩu, mang lại lợi nhuận tốt dù họ không dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu" - GS Bửu nhìn nhận.

GS-TS Bùi Chí Bửu cho rằng các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cà phê, hồ tiêu… mang lại nhiều lợi ích, giúp các ngành được đầu tư phát triển bài bản, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Xét về tổng thể, việc thu hút vốn FDI vào nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích và cần thu hút thêm dòng vốn này. "Trong chuỗi giá trị nhiều ngành hàng nông sản, nông dân và DN Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ cao" - GS Bửu so sánh.

Doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu cà phê nhân

Theo Vicofa, 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 - 2024, các DN Việt Nam vẫn dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu). Trong đó, quán quân thuộc về Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với 81.025 tấn. Đây là DN do ông Thái Như Hiệp, người sáng lập với thương hiệu L'amant Café, làm chủ. Tiếp theo là các DN Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Phúc Sinh...

Còn ở niên vụ 2022 - 2023, Intimex TP HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước là 4 DN Việt Nam dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu cà phê. Trong đó, Intimex Group là DN do ông Đỗ Hà Nam làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Nam hiện là Phó Chủ tịch Vicofa.

DOANH NGHIỆP DÌM GIÁ MUA VÀNG

Các doanh nghiệp giảm mạnh giá mua vàng, giảm 700.000 đồng/lượng về còn 79 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá bán ra chỉ giảm 200.000 đồng, vẫn neo ở 81,5 triệu đồng.

Mở phiên sáng 16/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết giá tại 79-81,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 700.000 đồng tại chiều mua vào và giảm 200.000 đồng ở chiều bán ra. Khoảng cách giữa chiều mua và chiều bán tăng thêm 500.000 đồng lên 2,5 triệu đồng.

Vàng nhẫn được niêm yết tại 67,65-68,85 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 150.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng ở chiều bán ra.

Trên thế giới, giá vàng đạt 2.156 USD/ounce, giảm 5,5 USD so với trước đó. Chênh lệch giữa giá vàng miếng và thế giới là 17,1 triệu đồng, còn vàng nhẫn vênh khoảng 4,4 triệu đồng, tùy thời điểm trong ngày.

Theo CNBC News, giá vàng quốc tế ghi nhận mức giảm đầu tiên sau 4 tuần tăng liên tiếp khi các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.

Dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao hơn mong đợi trong tháng 2 và giá sản xuất cũng cho thấy một số sự co giãn trong lạm phát.

Lạm phát cao hơn kỳ vọng duy trì áp lực lên Fed để giữ lãi suất ở mức cao, làm giảm giá của vàng. Kim loại quý không sinh lợi này cũng được sử dụng như một công cụ chống lại lạm phát.

Các nhà giao dịch vẫn tiếp tục đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6, mặc dù khả năng lãi suất giảm vào tháng 6 được nhìn nhận ở mức 59%, so với 72% trước khi có dữ liệu CPI, công cụ CME FedWatch đã chỉ ra.

Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia ở Mỹ - dự báo giá trung bình của vàng cho năm 2024 từ 2.090 USD/ounce lên 2.180 USD/ounce, nhắm vào mức tăng lên 2.300 USD/ounce vào cuối năm.

Giá USD quay đầu tăng mạnh

USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - lùi về mốc 103,4 điểm, tăng 2% so với đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.979 đồng/USD, không thay đổi so với hôm qua. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.780 đồng đến 25.175 đồng.

Ngân hàng lớn niêm yết giá tại 24.520-24.890 đồng/USD (mua - bán), tăng 20 đồng mỗi chiều. Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.520-24.985 đồng (mua - bán). Giá USD trong ngân hàng có xu hướng đi lên trong 5 ngày qua, tăng khoảng 40-100 đồng mỗi chiều sau 5 phiên.

Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.480-25.560 đồng/USD (mua - bán), tăng 120 đồng mỗi chiều so với trước đó.

LONG ĐONG SỐ PHẬN KHÁCH SẠN DAEWOO 7.000 TỶ: TỪ VỤ CẮT NỢ CỦA TẬP ĐOÀN HÀN QUỐC ĐẾN KHOẢN THẾ CHẤP PHÁT HÀNH HÀNG NGHÌN TỶ TRÁI PHIẾU CỦA DN LIÊN QUAN VẠN THỊNH PHÁT

Trong phiên xét xử ngày 15/3, bà Trương Mỹ Lan đã có đề nghị dùng nhiều tài sản để khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó có Khách sạn Daewoo.

Daewoo Hà Nội là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội, đã qua nhiều lần đổi chủ. Theo tìm hiểu, khách sạn này được xây dựng vào năm 1996, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong. Sau khi hoàn thành, khách sạn Dewoo Hanoi đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội không chỉ bởi quy mô mà còn nằm ở vị trí đắc địa, là điểm kết nối giữa trung tâm chính trị Ba Đình với khu hành chính.

Tọa lạc tại "đất vàng" nơi trung tâm cửa ngõ phía tây TP.Hà Nội với 411 phòng, Dewoo Hanoi tạo ấn tượng với giới doanh nhân và chính khách trong và ngoài nước bởi một lối kiến trúc cổ điển mang nét đẹp sang trọng, tinh tế. Khách sạn Daewoo từng đón tiếp các chính trị gia lớn như cựu Tổng thống Mỹ Clinton, Tổng thống Nga Putin, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào...

Khai tại toà, bà Trương Mỹ Lan cho biết Daewoo hiện là tài sản của CTCP Bông Sen, gia đình bị cáo có 73% cổ phần tại công ty này. Con gái bà cũng đề nghị bán khách sạn để lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án nhưng bà Lan nói "đang vướng cổ phiếu".

"Trước đây Bông Sen cho mượn khách sạn để đi phát hành trái phiếu. Vướng cổ phiếu thì khó mà thu hồi", bà Trương Mỹ Lan nói. Song, bà Trương Mỹ Lan vẫn đề nghị HĐXX nếu thu hồi được thì đưa vào giải quyết hậu quả vụ án.

Cụ thể thương vụ này, theo thông tin từ HNX, CTCP Bông Sen có một lô trái phiếu đang lưu hành mã BSECH2126003 với tổng giá trị 4.800 tỷ đồng. Lãi suất được được công bố ở mức 10,5%/năm, được CTCP Chứng khoán TVSI lưu ký. Từ tháng 7/2022, công ty đã liên tục chậm trả tiền lãi của lô trái phiếu nói trên, đưa số tiền gốc và lãi chậm trả lên đến gần 5.500 tỷ vào tháng 10/2023.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ của Bông Sen vào tháng 8/2023, công ty cho biết phát hành 4.800 tỷ đồng trái phiếu nói trên để hợp tác đầu vào dự án 152 Trần Phú.

Do phía Cơ quan Điều tra đang làm việc về các nội dung trái phiếu trong đó có trái phiếu của Bông Sen. Ngoài ra, toàn bộ dòng tiền liên quan đến số trái phiếu trên cũng bị Bộ Công An điều tra lại. Vì vậy ban lãnh đạo đã xin ý kiến cổ đông phê duyệt nội dung thanh lý tài sản để xử lý trái phiếu. Việc này sẽ được thực hiện sau khi có kết luận và phương án xử lý của Cơ quan Điều tra vì hiện nay công ty không được phép thực hiện các việc thay đổi dịch chuyển tài sản. 

Lao đao đổi chủ giai đoạn khủng hoảng toàn cầu

Thực tế, Daewoo trải qua 3 đời chủ trước khi về tay Vạn Thịnh Phát. Trong đó, "ông chủ" đầu tiên của khách sạn là Công ty TNHH Daeha - công ty liên doanh được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa phía Việt Nam (đại diện là Hanel - tên ngày nay là CTCP Hanel) và Hàn Quốc (Daewoo).

Giai đoạn khủng hoảng toàn cầu nổ ra, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc yêu cầu Daewoo bán bớt tài sản ngoài cốt lõi của mình để giảm tỷ lệ nợ, trong đó có khách sạn Daewoo.

Sau rất nhiều biến động, đến đầu tháng 4/2012, lãnh đạo Daewoo Hàn Quốc chính thức thông báo: "Hanel, hiện nắm giữ 30% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội, đã đồng ý mua lại 70% cổ phần còn lại từ Daeha, chủ sở hữu và nhà điều hành khách sạn và công ty con địa phương của Daewoo E&C có trụ sở tại Việt Nam".

Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng nhiều nguồn tin trong nước cho rằng Hanel phải chi 100 triệu USD để trở thành chủ nhân duy nhất của Daewoo. Còn một tờ báo Hàn Quốc khẳng định, giá trị sổ sách của Daewoo là 17,1 tỷ won. Số tiền Daewoo thu được từ việc bán khách sạn để cơ cấu lại nợ khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng).

Về tay Vạn Thịnh Phát

Lúc bấy giờ, Hanel giành quyền mua 70% vốn nhưng lại nhanh tay chuyển nhượng tất cả cho 2 công ty trong nước. Hai ông chủ mới của Daewoo Hà Nội được "hé lộ" là CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Đầu tư Hợp Thành 1.

Đến năm 2015, khi hai công ty trên vừa hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho thương vụ thâu tóm khách sạn Daewoo Hà Nội, "chủ nhân mới" lại bất ngờ xuất hiện.

CTCP Bông Sen (tên giao dịch là Bông Sen Corp) công bố tại ĐHĐCĐ năm 2015 có kế hoạch đầu tư 3.650 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn khách sạn Daewoo Hà Nội. Như vậy, tổ hợp khách sạn Daewoo được định giá lên tới gần 7.160 tỷ đồng.

Đến năm 2016, Bông Sen Corp cho biết đã mua được 34,83% vốn khách sạn. Sau đó, Bông Sen Corp không công khai tiến độ thương vụ này. Cho đến phiên toà mới đây, qua lời khai của bà Trương Mỹ Lan thì Bông Sen Corp là chủ của khách sạn Daewoo.

Theo thông tin chúng tôi được biết, Bông Sen Corp đã mua 73% vốn cổ phần của CTCP Hợp Thành 1 - đơn vị nắm 70% vốn của Daewoo, do đó tỷ lệ sở hữu của Bông Sen Corp tại Daewoo là 51%.

Bông Sen Corp là một cái tên có tiếng trên thị trường bất động sản phía Nam khi sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những khu vực "đất vàng" tại trung tâm TP.HCM như Khách sạn Bông Sen Sài Gòn, Khách sạn Palace Saigon, Khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Vietnam House, Buffet Gánh Bông Sen...

CHUNG CƯ HÀ NỘI “NGÁO GIÁ”

Nguồn cung khan hiếm kéo dài khiến giá chung cư Hà Nội đang được đẩy cao bất thường. Thậm chí, một số khu vực ven đô rơi vào tình trạng “ngáo giá”, giá rao bán 60-70 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nhà ở xã hội chậm được triển khai khiến giấc mơ an cư của nhiều người ngày một xa vời.

Khắp nơi tăng

Trước Tết Nguyên đán, chị Ngọc Thanh đăng bán chung cư 66m2 với hai phòng ngủ tại dự án mặt đường Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì giá 2,7 tỷ đồng nhưng không có khách hỏi mua.

Thế nhưng, sau Tết, chị bất ngờ khi căn bên cạnh nhà chị bán được 3,3 tỷ đồng nên rao bán lại. “Chỉ sau 1 tuần, khách đến đặt cọc luôn với giá tăng đến 600 triệu đồng. Tôi mua nhà từ năm 2016 với giá 1,8 tỷ đồng. Hiện, giá tôi bán cao hơn 80% giá trị nhà tôi mua cách đây hơn 7 năm”, chị Thanh nói.

Chị Thu Huyền định bán căn hộ hơn 100m2 tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm). Môi giới chào giá lên tới 68 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 3 năm, chị mua với giá 43 triệu đồng/m2. “Tôi nghĩ giá sẽ còn lên nữa nên chờ giá tăng thêm mới chốt bán”, chị Huyền nói.

Cơn tăng sốc của giá chung cư lan sang cả những dự án vùng ven. Những khu vực này dù cách trung tâm Hà Nội cả chục cây số, nhưng giá chung cư được ghi nhận ở con số 60-70 triệu đồng/m2.

Dự án vừa khởi công Lumi Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) giá gốc khi đặt cọc đang được các công ty môi giới rao bán khoảng 66 triệu đồng/m2. Cộng thêm thuế, giá căn hộ tại đây có thể lên đến 72 triệu đồng/m2. Với mức giá này, một căn hộ đáp ứng điều kiện cơ bản với 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 74m2 có giá lên đến 5,3 tỷ đồng.

Cũng tại phường Tây Mỗ, giá bán căn hộ tại dự án Masteri West Heights được các sàn giao dịch rao bán công khai từ 3,6 tỷ đồng (căn hộ 59m2) đến 3,9 tỷ (căn hộ 62m2), khoảng 61 - 62 triệu đồng/m2.

Ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property, cho biết, tại Hà Nội giá chung cư cả sơ cấp (từ chủ đầu tư) và thứ cấp (mua bán chuyển nhượng) đều tăng mạnh từ năm ngoái đến nay. Ông Toản đánh giá mặt bằng giá chung cư ở Hà Nội sẽ khó giảm bởi nhu cầu ở thực của người dân cao, trong khi nguồn cung căn hộ mới rất hạn chế do nhiều dự án vướng pháp lý.

Thiếu nhà ở xã hội

Theo các chuyên gia bất động sản, việc “ngáo giá” chung cư tại Hà Nội là do tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường kéo dài nhiều năm qua. Có rất ít dự án mới bung hàng trong khi nhu cầu mua chung cư để ở rất lớn. Thậm chí, phân khúc nhà ở xã hội (được coi là cứu tinh thị trường giúp làm giảm giá chung cư) lại chậm được triển khai.

Tại Diễn đàn Bất động sản mùa xuân ngày 15/3, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết, năm 2021, Nhà nước đưa ra nghị quyết thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhưng sau đó, năm 2021 - 2022 lại không có một giao dịch nào.

“Tôi cho rằng, vấn đề cốt lõi là những ưu đãi về nhà ở xã hội như phê duyệt dự án, phê duyệt phương án thiết kế, đối tượng người mua, quy mô dự án, giá bán còn rất phức tạp. Khoảng 2 năm trước, chúng tôi đã làm với chủ đầu tư nhà ở xã hội, dự án đã có giấy phép đầu tư nhưng đến đầu năm nay mới giải quyết được tạm xong thủ tục về xây dựng nhà ở xã hội để có thể triển khai”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, vấn đề gốc là những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng (VAT), tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên nhà đầu tư chưa mặn mà.

Còn nguyên nhân chậm triển khai nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng chỉ ra là chính sách phát triển nhà xã hội chưa được sửa đổi kịp thời, dẫn đến nhiều hạn chế như thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng còn hạn hẹp, thời gian thực hiện kéo dài. Dù các luật sửa đổi như Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản đã được thông qua, nhưng đến đầu năm 2025 mới được thi hành. Do đó những ưu đãi cho chủ đầu tư hay việc đơn giản hóa các thủ tục vẫn chưa được áp dụng.

Nên cho thuê

Để giải quyết được bài toán nhà ở cho người dân, nhiều chuyên gia cho rằng, nên xem xét hình thức cho thuê thay vì mua nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản, nói: “Nhà ở xã hội theo hướng xây lên cho thuê thay vì mua bán bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn. Ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính của đất nước này”, ông Hà nói.

Ông Hà đề nghị tăng tỷ lệ phát triển nhà xã hội cho thuê lên 30-40%. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chương trình nhà ở xã hội nên tập trung vào cho thuê thay vì để bán.

“Tôi tính trung bình, người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội vay 500 triệu đồng với gói vay ưu đãi, một tháng trả cả gốc cả lãi lên đến 11 triệu đồng. Sống không đủ thì lấy đâu ra trả lãi tiền nhà”, ông Ánh nói. Ông cho rằng, nhà ở xã hội nên làm ngược lại với một dự án 80% cho thuê, 20% để bán.

Nguồn: Người Lao Động; Dân Trí; Soha; Kenh14

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang