Vay 8,5 triệu bị đòi hơn 8,8 tỷ; Cuộc gặp gỡ của 2 đại gia nghìn tỷ; Bán 'gỗ vụn' thu về 2,9 tỷ USD; DN BĐS vẫn đói vốn

VỤ VAY 8,5 TRIỆU BỊ ĐÒI HƠN 8,8 TỶ: KHÁCH HÀNG TIẾT LỘ CÂU CHUYỆN BẤT NGỜ PHÍA SAU

Anh P.H.A, người bị ngân hàng Eximbank gửi công văn nhắc nợ số tiền hơn 8,8 tỷ đồng đã lên tiếng về sự việc.

Liên quan đến vụ việc khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm bị ngân hàng Eximbank đòi nợ hơn 8,8 tỷ đồng, mới đây, chủ thẻ tín dụng đã lên tiếng.

Nói với báo Đại đoàn kết, anh P.H.A - người đang bị ngân hàng Eximbank gửi giấy nhắc nợ hơn 8,8 tỷ đồng xác nhận năm 2013, anh có nhờ một bạn là nhân viên của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh mở thẻ tín dụng với hạn mức là 10 triệu đồng.

“Sau khi ký xong hợp đồng, bạn ấy nói rằng mức lương của tôi thấp (hơn 3 triệu đồng/tháng) không đủ để mở thẻ tín dụng, nhưng bạn ấy nói sẽ xin sếp sau. Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn nghĩ là mình không làm được thẻ, nhưng sau mới biết là thẻ đó vẫn làm được, và bạn ấy đã rút tiền trong thẻ để tiêu xài. Sau đó tôi được biết bạn này đã nghỉ việc và đi nơi khác”, anh A nói.

Người đàn ông này kể thêm, khoảng 5 năm sau, vì có nhu cầu vay vốn nên anh đã liên hệ với ngân hàng. Khi kiểm tra CIC, ngân hàng phát hiện anh A có nợ xấu ở Eximbank. Sau khi liên hệ với Eximbank , anh A mới biết mình có khoản nợ là hơn 100 triệu đồng.

Anh A lập tức trình bày toàn bộ sự việc và cho rằng mình là người bị hại. Song phía ngân hàng cho rằng anh đã ký hợp đồng và nhận thẻ rồi. Bản thân anh A nhận thức được trong sự việc có sự sơ suất của mình nên đã đề nghị được khắc phục bằng cách nộp 10 triệu đồng tiền gốc và thêm 10 triệu đồng tiền phạt.

Tuy nhiên, phía Eximbank yêu cầu anh phải nộp đủ số tiền hơn 100 triệu đồng. Vì anh A không đồng ý nên sự việc kéo dài đến ngày hôm nay. Tháng 11/2023, anh A nhận được thông báo nhắc nợ của Eximbank với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng.

Sáng 14/3, trả lời trên báo Người lao động, phía Eximbank cho biết anh A mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013, hạn mức 10 triệu đồng. Sau đó, anh A phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào tháng 4 và tháng 7/2013. Khoản nợ thẻ của anh A chuyển thành nợ xấu vào ngày 14/9/2023. Tính đến thời điểm thông báo, thời gian quá hạn phát sinh là 11 năm.

Trong 11 năm qua, phía ngân hàng và anh A có làm việc với nhau nhưng chưa xử lý được khoản nợ nêu trên. Phía ngân hàng cũng cho biết phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ, có đầy đủ chữ ký khách hàng.

Trước đó, hình ảnh công văn nhắc nợ của ngân hàng Eximbank với anh A lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang vì con số tiền lãi lên đến hơn 8,8 tỷ đồng cho khoản nợ 8,5 triệu đồng trong vòng 11 năm. Cư dân mạng tò mò không biết cách tính lãi, phạt của ngân hàng ra sao dẫn đến số tiền lãi lại cao ngất ngưởng như vậy?

Vụ việc hiện vẫn đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận.

CUỘC GẶP GỠ "BẤT THƯỜNG" CỦA 2 ĐẠI GIA NGHÌN TỶ: LIỆU CÓ SIÊU DỰ ÁN NÀO SẮP RA MẮT?

Là những doanh nhân "con nhà nòi", cả hai người này đều có sự nghiệp và khối tài sản đáng nể.

Chiều tối ngày 13/3, doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh (biệt danh Minh Nhựa) đã đăng tải ảnh cuộc gặp gỡ với người bạn của mình là ông Nguyễn Quốc Cường (biệt danh Cường Đôla) kèm theo dòng trạng thái "Cuộc gặp mặt của 2 doanh nghiệp. Không biết đang tính toán gì đây". Trong ảnh, hai bên trò chuyện vui vẻ với nhau, ngoài ra còn có sự xuất hiện của ông Phạm Văn Mười - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Nhựa Long Thành.

Bài đăng ngay lập tức nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng. Trước đây, đại gia Minh Nhựa và Cường Đôla đã có mối quan hệ gần gũi. Phần lớn, họ thường cập nhật hình ảnh liên quan đến niềm đam mê "xế sang" hoặc dự án thiện nguyện.

Doanh nhân Minh Nhựa từng chia sẻ rằng đam mê siêu xe đã giúp anh tập trung hơn vào kinh doanh gia đình và đạt được mục tiêu. Anh không quan tâm đến việc cạnh tranh với Cường Đôla, một người nổi tiếng chơi xe ở Việt Nam, mặc dù mọi người thường so sánh hai người với nhau. Anh ngưỡng mộ Cường Đôla và lấy đó làm động lực tập trung làm việc chăm chỉ.

Hiếm khi hai vị doanh nhân nhắc tới chuyện làm ăn trên mạng xã hội. Do đó, động thái lần này khiến nhiều người tự hỏi: Liệu hai người có hợp tác trong một dự án lớn? Vì ngoài thú chơi siêu xe đắt đỏ, cả Minh Nhựa lẫn Cường Đôla đều được biết đến là những doanh nhân sở hữu khối tài sản lớn.

Minh Nhựa - Thiếu gia kế thừa cơ ngơi nghìn tỷ

Phạm Trần Nhật Minh là con trai duy nhất của Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Nhựa Long Thành – Phạm Văn Mười. Với số vốn ban đầu vỏn vẹn 2 tỷ đồng, đến nay quy mô của Nhựa Long Thành đã tăng gấp hàng trăm lần. Trong đó, đại gia đình Minh Nhựa nắm 100% vốn.

Trong tập 2 của talkshow Minh Show được đăng tải trên kênh Youtube cá nhân, doanh nhân Minh Nhựa từng bộc bạch: "Tôi đi học cũng theo lời ba mẹ. Ra trường, ba kêu về công ty tôi cũng không chịu về. Ba cũng nói về làm một năm thôi, nếu cảm thấy hứng thú thì đi tiếp, không thì ba thả con ra. Đi làm cũng không được làm thứ mình mong muốn.

Khi tôi quyết về công ty, thì trong lòng tự nhủ 'đã bước vào thì không bước ra', và tự tìm niềm đam mê đi làm với ngành nhựa."

Truyền thống kinh doanh gia đình, tích lũy tài chính để tái đầu tư, cũng như vị thế trong một ngành cụ thể trên thị trường đã giúp Long Thành duy trì hiệu quả công ty hàng chục năm qua mà không cần sử dụng vốn bên ngoài. Công ty xây dựng danh tiếng của mình trên các sản phẩm độc quyền dành cho sản xuất công nghiệp của một nhóm khách hàng lớn.

Hiện tại, sản phẩm chủ lực của Nhựa Long Thành là nhựa công nghiệp kỹ thuật cao như pallet (dùng để di chuyển hàng hóa, đóng gói hàng xuất khẩu), két nhựa, sóng nhựa, thùng rác công nghiệp, nhựa gia dụng, bao bì…

Những ông lớn trong ngành R&B như Heineken, Tiger, Sapporo, Cocacola, Pepsi, Masan, Vinamilk, Nestle, Carlsberg, Habeco, Sabeco, Aquafina… đều là đối tác của Nhựa Long Thành.

Cuối năm 2019, theo báo cáo tài chính Nhựa Long Thành có tổng tài sản đạt hơn 881 tỷ đồng, riêng vốn chủ sở hữu chiếm mức 819,5 tỷ đồng. Năm 2022, doanh số công ty Nhựa Long Thành ước đạt 1.000 tỷ đồng.

Cường Đôla - Đại gia bất động sản

Quốc Cường là con trai của bà Nguyễn Thị Như Loan, đại gia BĐS và kinh doanh cao su lớn nhất nhì Gia Lai.

Năm 2010, Quốc Cường Gia Lai lên sàn chứng khoán và công bố bản cáo bạch. Khi đó, nhiều người mới biết anh đã đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh từ năm 2004, và kiêm vai trò Người công bố thông tin.

Đến năm 2018, Cường Đôla bất ngờ từ chức Phó Tổng giám đốc, ra khỏi Hội đồng quản trị của Công ty Quốc Cường Gia Lai để tìm cho mình con đường riêng. Hiện tại anh chỉ nắm 0.2% cổ phần công ty.

Tháng 9/2018, Cường Đôla thành lập công ty Chánh Nghĩa Quốc Cường hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh và quản lý bất động sản. Đến tháng 8/2020, công ty chính thức được đổi tên sang thành Công ty Cổ phần C-Holdings.

Dự án đầu tiên của doanh nhân Cường Đôla với C-Holdings là C Skyview ở Bình Dương, tọa lạc tại trung tâm TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ngoài bất động sản, cùng với vợ mình là Đàm Thu Trang, Cường Đôla còn mở một chuỗi sản phẩm bắt đầu bằng chữ "C". Năm 2018, họ khai trương nhà hàng ẩm thực Hồng Kong C-TAO tại quận 1, TP.HCM. Sau đó, C-TAO đã liên tục mở thêm nhiều chi nhánh khác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một công ty nữa trong hệ sinh thái C-Holdings là CTCP Dịch vụ Du lịch C-Travel. Vào tháng 4/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Chánh Nghĩa Quốc Cường và C-Travel Gia Lai đã thực hiện các hoạt động từ thiện như tặng cho ngành y tế Gia Lai hệ thống Realtime PCR xét nghiệm Covid-19.

Gần nhất, vào tháng 6/2020, Cường Đôla hé lộ về một ngành nghề kinh doanh mới là chuỗi rửa xe đúng cách mang tên AeroWash. Theo thông tin trên website, chuỗi này đã có 3 cơ sở tại TP. HCM, với giá rửa xe khởi điểm từ 120.000 đồng - 1,2 triệu đồng.

CHỈ BÁN ‘GỖ VỤN’ THU VỀ 2,9 TỶ USD

Được khách hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản cho tới Hàn Quốc… tích cực gom mua lượng lớn nên các doanh nghiệp ở nước ta chỉ bán “gỗ vụn” đã thu về 2,9 tỷ USD.

Báo cáo toàn cảnh ngành gỗ năm 2023 do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, 2023 là năm đầy khó khăn với ngành hàng gỗ của Việt Nam khi người tiêu dùng đều thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén vẫn thu về gần 2,9 tỷ USD.

Cụ thể, nước ta xuất khẩu gần 14,42 triệu tấn dăm gỗ, giá trị đạt 2,22 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ. So với năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ giảm 8,8% về lượng và giảm 20,4 về giá trị, nhưng lại tăng 5,9% về lượng và tăng mạnh 27,7% về giá trị so với năm 2021.

Mặt hàng gỗ vụn của nước ta xuất khẩu sang 13 thị trường. Trung Quốc, Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92,4% tổng sản lượng và 92,2% tổng giá trị xuất khẩu.

Với viên nén gỗ, nước ta xuất khẩu 4,67 triệu tấn trong năm vừa qua, thu về gần 680 triệu USD, giảm 4,3% về lượng và 13,7% về giá trị so với năm 2022, chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ.

Sản phẩm viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2023. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là hai khách hàng lớn nhất của viên nén gỗ Việt Nam.

Trong đó, Nhật Bản nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn viên nén của nước ta, giá trị đạt 438 triệu USD, tăng 12,4% về lượng và 14,3% về giá trị so với năm 2022. Ngược lại, Hàn Quốc chỉ nhập khẩu hơn 1,7 triệu tấn viên nén, giá trị đạt gần 214 triệu USD, giảm 24,5% về lượng và giảm 43,3% về giá trị so với năm 2022.

Nhận định về thị trường trong năm nay của các sản phẩm này, ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends - cho rằng viên nén gỗ còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Riêng thị trường viên nén tại Hàn Quốc dự kiến không có nhiều biến động trong thời gian tới do các nhà nhập khẩu của nước này ưu tiên nguồn viên nén giá rẻ.

Về dăm gỗ, theo ông Phúc, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc có xu hướng tiếp tục suy giảm trong thời gian tới, kéo theo giá xuất khẩu dăm đi xuống tại thị trường này.

Theo Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, toàn ngành khai thác được khoảng 19 triệu ster củi (đơn vị tính thể tích của củi). Đây là nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho sản xuất dăm gỗ và viên nén.

Ngoài ra, phế phụ phẩm của ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ như đầu mẩu gỗ, gỗ vụn, vỏ bào, mùn cưa… cũng được sử dụng để sản xuất viên nén và dăm gỗ.

Đầu năm nay, xuất khẩu ngành gỗ phục hồi mạnh. Tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ đạt 217,5 triệu USD, tăng 21,7% so với tháng cùng kỳ năm ngoái; viên nén gỗ đạt 73,5 triệu USD, tăng 24,1%.

Chuyên gia dự báo, dăm gỗ và viên nén gỗ còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Đặc biệt, viên nén gỗ kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần xem xét đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất và xuất khẩu.

DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN VẪN ĐÓI VỐN

Lãi suất giảm không đồng đều, thủ tục vay phức tạp vẫn là "lực cản" với các doanh nghiệp bất động sản.

Nội dung này được lãnh đạo các doanh nghiệp nhắc tới trong hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 14/3.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân hiện ở mức 3,3% một năm. Lãi vay khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới. Các mức này hạ lần lượt 0,2% và 0,7% so với 2023. Tuy nhiên, lãi thả nổi với các khoản vay cũ vẫn cao. Chênh lệch lãi vay giữa các ngân hàng (thương mại cổ phần và nhà nước) khá lớn, 4-5%.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sungroup nói các doanh nghiệp bất động sản muốn tiếp cận được nguồn tín dụng với chi phí thấp hơn.

"Doanh nghiệp muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện phục hồi", ông Trường nói.

Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex), cho rằng việc tiếp cận tín dụng không khó nếu doanh nghiệp đảm bảo được các vấn đề pháp lý. Đây mới là nút thắt lớn hiện nay.

"Với Becamex, chúng tôi cho rằng vướng mắc là do cơ chế, về vấn đề giải quyết công việc", ông Cương nói.

Ngành bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn từ giữa năm 2022, khi tín dụng cho lĩnh vực này bị thắt chặt, lãi suất cho vay tăng và một số lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý do vi phạm trong phát hành trái phiếu. Đầu năm nay, thanh khoản vẫn là vấn đề, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó thu xếp dòng tiền trả nợ và lãi trái phiếu đến hạn.

Không riêng bất động sản, lãi vay, tiếp cận vốn cũng là bài toán thách thức với nhóm doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ ngành hàng không đang từng bước phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì Covid-19. Tuy nhiên, lãi suất vay vẫn cao, khó tiếp cận vốn đang là vấn đề với doanh nghiệp này.

"Vietnam Airlines rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất vay trung và dài hạn", ông Hòa nói.

Tương tự, ngành dệt may, sợi cũng gặp vướng trong giải ngân vốn vay ngân hàng. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đặc thù ngành dệt may không khó tiếp cận tín dụng khi có đơn hàng, vì bản chất có đơn hàng thì có lời, nhưng sản xuất nguyên liệu, nhất là sợi, lại khác.

Chủ tịch Vinatex phân tích, ngành sợi thế giới đang lỗ, không riêng ở Việt Nam. Năm 2022, tiếp cận vốn dễ dàng, năm 2023 khó hơn. Nhưng từ cuối năm ngoái và đầu năm nay, hạn mức tín dụng với các doanh nghiệp ngành sợi rất khó khăn. Hiện, các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024.

"Năm trước, ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo các khoản vay khoảng 20%, năm nay là 100% hoặc áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9", Chủ tịch Vinatex chia sẻ.

Ngoài lãi suất, các chính sách khác hỗ trợ ngành này cũng thấp hơn các nước khác trong khu vực. Ưu đãi về giá điện, chi phí logistics hay nhân công thấp hơn Trung Quốc hay Bangladesh.

"Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định.

Thực tế, lượng tiền gửi trong ngân hàng khoảng 14 triệu tỷ đồng, nhưng vốn khó bơm ra nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng âm 0,72% đến hết tháng 2.

Đại diện Sungroup đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là lãi suất huy động và cho vay.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công, nhất là hạ tầng cũng được đề nghị đẩy nhanh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia.

Doanh nghiệp nhóm đầu ngành bất động sản cũng đề nghị các cấp, ngành hướng dẫn, giải thích chính sách nhất quán, đồng bộ để triển khai thực tế nhanh nhất.

"Các ngân hàng có chính sách, gói tín dụng mới để doanh nghiệp nắm bắt, có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối vốn tín dụng tốt nhất", Phó tổng giám đốc Becamex kiến nghị.

Nguồn: Kenh14; Soha; Vietnamnet; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang