Lời khai bất nhất vụ Vạn Thịnh Phát; Khách quốc tế tăng, công ty lữ hành vẫn đói; Người đi xem đất tăng; Quản chặt môi giới BĐS

VỤ ÁN VẠN THỊNH PHÁT: BẤT NHẤT LỜI KHAI GIỮA NHIỀU BỊ CÁO

Trong lúc bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định không chi phối SCB thì nhiều cựu cán bộ ngân hàng này có lời khai ngược lại

Ngày 11-3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại tập đoàn này và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bước vào ngày làm việc thứ 5.

Không thừa nhận chi phối SCB

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2017, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 64.621 tỉ đồng (hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng"). Từ ngày 9-2-2018 đến 7-10-2022, bị cáo chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng của SCB, gây thiệt hại hơn 129.000 tỉ đồng (hành vi "Tham ô tài sản")...

Đứng ở bục xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận nội dung cáo trạng, không thừa nhận 9 thủ đoạn, phương thức phạm tội mà VKSND Tối cao liệt kê.

Điển hình như phủ nhận chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty "ma", câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của nhiều công ty để tạo lập khoản vay, chiếm đoạt tiền của SCB; tạo lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền từ SCB; thông đồng, câu kết với công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, đưa vào hồ sơ vay vốn; đưa tài sản bảo đảm không đủ pháp lý…

Riêng về "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát, kết luận của VKSND Tối cao thể hiện có tới hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước thuộc hệ sinh thái này nằm dưới quyền kiểm soát của Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, trước tòa, bị cáo Lan nói Vạn Thịnh Phát chỉ có 4 - 5 công ty con. Bị cáo cũng phủ nhận việc nắm giữ đến 91,5% cổ phần SCB, đồng thời quả quyết bản thân không điều hành, chi phối mà chỉ quản lý tài sản tại SCB.

HĐXX dẫn chứng các nội dung lời khai tại cơ quan điều tra thể hiện bị cáo nắm đến 91,5% cổ phần của SCB…

Cựu lãnh đạo SCB thừa nhận "mù quáng"

Trái với lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan, lời khai của các cựu lãnh đạo SCB gồm Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB, lại thể hiện rõ quyền lực thao túng của bị cáo Lan đối với ngân hàng này.

Trong đó, bị cáo Bùi Anh Dũng khai quá trình làm việc tại SCB, bị cáo biết rõ khoản vay nào là khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Các khoản vay này bị cáo Dũng chỉ ký hợp thức hồ sơ theo chỉ đạo của bị cáo Lan.

Đại diện VKSND TP HCM hỏi bị cáo Dũng cách thức phân biệt các khoản vay bình thường với khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Dũng trả lời hồ sơ vay vốn của bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát khác với hồ sơ vay vốn thông thường. Việc phân biệt dựa vào ký hiệu "HSTT" (hội sở tiếp thị) được ghi trên các hồ sơ.

"Bây giờ bị cáo đứng đây mới thấy một phần lỗi của mình vì tin tưởng chị Lan một cách mù quáng, cứ nghĩ chị Lan là người kinh doanh rất giỏi" - bị cáo Dũng nói.

Đại diện VKSND TP HCM tiếp tục xét hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn để làm rõ về quyền chi phối của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB.

Bị cáo Văn kể vào tháng 7-2013, được bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, tuyển dụng vào làm việc với chức vụ Phó Tổng Giám đốc SCB. Sau đó, bị cáo được sắp xếp gặp bị cáo Lan, được bị cáo Lan thuyết phục giữ chức tổng giám đốc bằng lời lẽ như: "Không chịu làm, để người khác ngồi lên đầu lên cổ à". Bị cáo Văn cho rằng có ý kiến của bị cáo Lan, bản thân mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc SCB.

"Sau đó, mỗi tháng bà Lan gọi cho bị cáo 1 - 2 lần nói bâng quơ về việc cần một khoản tiền" - bị cáo Văn kể. Bị cáo Văn thừa nhận sau những cuộc gọi đó, bị cáo hiểu là phải thực hiện ký khống hồ sơ cho vay tiền.

Cũng đứng trước tòa, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói ban đầu rất thần tượng bị cáo Trương Mỹ Lan về tài kinh doanh nên hứa trung thành tuyệt đối. Nhưng sau khi nghe lời khai của bị cáo Lan tại tòa, bị cáo thấy mình đặt niềm tin sai chỗ.

"Bị cáo và nhiều anh em ở SCB từng động viên nhau cố gắng giúp chị Lan vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng sau phần khai của chị Lan sáng nay bị cáo thấy thất vọng" - bị cáo Dung bày tỏ.

Tại phiên tòa, chủ tọa cho biết HĐXX chỉ nhận yêu cầu tham gia thẩm vấn đến chiều cùng ngày, các luật sư chưa đăng ký xem như từ bỏ yêu cầu này. Chiều cùng ngày, HĐXX nhận được 170 yêu cầu trong tổng số 240 luật sư tham gia bào chữa cho 86 bị cáo… Sáng nay (12-3), phiên xử tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư bào chữa đối với các bị cáo.

Nhận 5,2 triệu USD là "thụ động"(?!)

Liên quan đến hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan để làm sai lệch kết quả thanh tra SCB, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) khai nhận tiền thụ động, không bàn bạc với SCB để thay đổi kết luận thanh tra.

Chủ tọa phiên tòa cho rằng không phải bị cáo thích khai gì thì khai. Bị cáo nói nhận tiền thụ động nhưng kết quả điều tra thể hiện bị cáo nhận tiền của SCB đến 4 lần.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí muốn khắc phục bằng tiền mặt

Khi biết cựu Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát bị khởi tố thì bị cáo Nguyễn Cao Trí chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản nhằm xóa bỏ nghĩa vụ nợ hơn 1.000 tỉ đồng thông qua ký kết các hợp đồng hợp tác trước đó. Bị cáo Trí nói rằng thời điểm này, bị cáo rất bối rối vì muốn tách bạch hệ thống của mình khỏi hệ thống của bà Lan.

"Bị cáo cho rằng việc thanh lý hợp đồng trên không làm thay đổi bản chất việc bị cáo đã nhận tiền của bà Lan. Sau này suy nghĩ lại là tất cả việc làm đó không đúng nên bị cáo mong muốn khắc phục hậu quả vụ án" - bị cáo Trí nói.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí và gia đình đã nộp hơn 700 tỉ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo mong muốn tiếp tục khắc phục hậu quả bằng việc nộp tiền mặt và nhờ HĐXX hỗ trợ thu hồi 1.500 tỉ đồng mà một số cá nhân, doanh nghiệp đang chiếm dụng của bị cáo

KHÁCH QUỐC TẾ TĂNG TỐC, CÔNG TY LỮ HÀNH VẪN ‘ĐÓI’

Du lịch Việt Nam đón và phục vụ 12,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, tăng gần 5 triệu so với mục tiêu. Tuy nhiên, các công ty lữ hành cho rằng vẫn "đói" vì số lượng và lợi nhuận không như kỳ vọng.

Tại tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” do báo Người lao động tổ chức sáng 12/3, ông Võ Việt Hòa - Giám đốc Khối du lịch quốc tế Saigontourist - đặt vấn đề, thống kê lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng, điều này đúng, nhưng có bao nhiêu khách là du lịch thuần túy?

Ông thấy rằng, khách quốc tế tăng nhưng thực tế công ty du lịch vẫn "đói" khách.

Ông Hòa phân tích, theo thống kê, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng cao trong cả năm qua và đầu năm 2024, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói. Như Saigontourist chỉ có cho thuê xe, đó là dịch vụ "xương xẩu".

Với Nhật Bản, lượng khách đến Việt Nam cũng không tăng do người dân nước này đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài. Việt Nam cũng chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như thị trường Thái Lan, Australia, châu Âu hay Hàn Quốc,...

Khả quan hơn với khách Trung Quốc khi ông Hòa cho hay gần đây, Saigontourist có phục vụ phân khúc khách trung và cao cấp đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, bằng du thuyền. Theo ông Hòa, đây là thị trường lớn, đa dạng nhu cầu. Thế nhưng, sau 2 năm trông chờ, khách Trung Quốc không bùng nổ như kỳ vọng nhưng năm 2024 có thể tốt hơn khi Trung Quốc có chính sách khuyến khích du lịch.

Điều đáng tiếc là khách Trung Quốc lại không xem Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung là điểm đến chính.

Với hàng không, theo bà Phạm Thanh Giang, Trưởng Phòng Bán và Tiếp thị - Ban Tiếp thị và Bán sản phẩm (Vietnam Airlines), khách quốc tế đến Việt Nam mới bằng 90% năm 2019.

Lý do, bà Giang chỉ ra rằng các thị trường chính là Trung Quốc, Nga vẫn chưa khai thác được. Khách Nhật Bản cũng giảm. Vietnam Airlines đang xoay xở để tìm cách bù đắp lượng thiếu hụt, như chuẩn bị mở thêm đường bay đến Philippines và Đức vào tháng 6 tới, hy vọng đón thêm luồng khách mới.

Bà Phan Thị Thúy Dung, đại diện Tập đoàn Sungroup, chia sẻ, trong 3 năm đại dịch và đến nay, bản thân doanh nghiệp cũng thấm đòn. Gần đây, khách quốc tế đã tăng nhưng chưa như kỳ vọng. Tại một số khu du lịch, khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng hay Phú Quốc, lượng khách nước ngoài mới đạt 84-85%. Du khách vẫn gặp rào cản về visa và đường hàng không.

Liên quan đến chính sách visa, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holding, nhận xét, chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng chưa nhanh, chưa linh hoạt bằng các nước.

Việc quy hoạch, xác định thị trường trọng điểm cũng còn khá mơ hồ. Cần xác định mục tiêu từ nay đến 2030 đón bao nhiêu khách ở mỗi thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc,...

Hơn nữa, ông Kỳ nêu thực trạng lâu nay trong ngành du lịch là khách Việt Nam đi Thái Lan rất đông. Mỗi người có thể đi nhiều lần, còn khách du lịch đến Việt Nam chỉ một lần rồi không quay trở lại. Trong khi theo thống kê, chi phí để khai thác một khách cũ quay lại chỉ bằng 1/5 so với khai thác khách mới.

Đề xuất miễn visa cho khách Trung Quốc, hợp tác với Thái Lan

Đánh giá nước ta có đầy đủ điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, môi trường cùng các yếu tố khác để phát triển du lịch nhưng chưa thể tăng trưởng nhanh, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, băn khoăn: Làm sao để tăng trưởng khách quốc tế? Làm sao đón nhiều du khách mà chi phí thấp nhất?

Trong đó, ông Bình thừa nhận thực tế là số lượng khách tăng nhưng khách đi tour không tăng nhiều.

Ông cho rằng, muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách rất chậm, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. "Để có được chính sách visa mới, ngành du lịch phải chờ đợi hơn 10 năm. Nếu muốn mở hơn thì có lẽ cũng phải chờ tiếp hơn 10 năm nữa. Nếu lạc hậu về chính sách sẽ luôn luôn tụt hậu", ông Bình nói.

Ông Võ Việt Hòa kiến nghị, để tăng lượng khách đến Việt Nam và tăng tỷ lệ khách quay lại, cần có chính sách hấp dẫn hơn nữa về visa. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc nên đại diện Saigontourist đề xuất miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.

Về xúc tiến thương mại du lịch, ngoài việc đồng hành cùng tham gia các sự kiện, hội chợ, đơn vị này cũng mong muốn du lịch Việt Nam sớm có văn phòng xúc tiến ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc,...

Ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thì lưu ý cân nhắc việc liên kết với Thái Lan - điểm đến được khách quốc tế lựa chọn nhiều - và các nước trong khu vực, để thu hút khách quốc tế.

Mới đây, Thái Lan bày tỏ mong muốn liên kết đổi mới đường bay, sản phẩm du lịch, để khách tới Thái Lan sẽ đi tiếp sang các nước lân cận như Việt Nam, Campuchia,... Đây cũng là một hướng mới để tăng doanh thu, số khách đến và khách quay trở lại.

Hơn nữa, ông Phương cho rằng khách quốc tế không chỉ đi du lịch thuần túy mà khách kinh doanh cũng nhiều, đều ở khách sạn. Nghiên cứu cho thấy, chi tiêu của khách doanh nhân mới ở mức độ cơ bản, ăn ở, đi lại,... Do đó, cần phát triển thêm sản phẩm du lịch để kích thích nhu cầu chi tiêu của đối tượng khách giàu tiềm năng.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu khách nội địa năm 2024 là mục tiêu rất tham vọng.

Để đạt được, ngành du lịch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung vào việc hoàn tất quy hoạch du lịch 2025-2030 tầm nhìn 2045 - đang chờ Thủ tướng phê duyệt; tổ chức các hoạt động liên kết - phát triển điểm đến xanh, bền vững; đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại du lịch dựa trên các phân khúc: du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt.

Thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài - đây điểm yếu của Việt Nam so với các nước. Trước tiên là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào).

NGƯỜI ĐI XEM NHÀ ĐẤT NGÀY CÀNG NHIỀU

Những ngày này tại khu vực phía Nam, môi giới và người mua đã “chộn rộn” trở lại thị trường. Chúng tôi bắt gặp khá nhiều hình ảnh môi giới dẫn khách đi xem nhà đất và có giao dịch. Tuy nhiên, giao dịch không phân bổ đồng đều giữa các khu vực.

Theo ghi nhận, tại thị trường khu vực quận 9, quận 2 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM); quận Gò Vấp, quận Bình Tân… người đi xem nhà, đất ngày càng nhiều. Các môi giới bắt đầu có giao dịch trở lại sau khoảng thời gian “ngồi chờ”.

Đặc biệt, mấy tuần trở lại đây, tại khu vực quận 9 thị trường nhà đất có phần chộn rộn. Trong khi đó, nhà đất tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh vẫn khá im ắng. Các khu vực xa hơn như Long An, Cần Thơ thị trường đất nền chưa có dấu hiệu giao dịch. Lượt xem tin đăng đã tăng lên nhưng động thái mua bán chưa thể hiện rõ trên thị trường.

Ở một số khu vực người đi xem nhà đất ngày càng nhiều nhưng tỉ lệ "xuống tiền" nhìn chung còn khiêm tốn. Dẫu vậy, so với giai đoạn đầu và giữa năm 2023, tín hiệu sức cầu nhà đất đã rõ nét tại thị trường phía Nam.

Một môi giới tại quận 9 cho biết: "Tuần vừa rồi, em dẫn khoảng 5 lượt khách đi xem đất nhưng chỉ phát sinh 1 giao dịch nhưng là giao dịch chung giữa ba anh em môi giới. Một số giao dịch đến từ việc "chăm sóc" khách hàng cách đó vài tháng. Dẫu giao dịch chưa nhiều nhưng người mua đi xem đất ngày càng đông".

Khảo sát thị trường tại một số "điểm nóng" đất đai của khu Đông Tp.HCM nhận thấy, môi giới đã ra quân hoạt động sôi nổi. Các điểm tư vấn dự án đã có khách ngồi nghe tư vấn, không còn cảnh "vắng tanh" như thời điểm giữa năm 2023.

Theo số liệu tháng 1/2024 của Batdongsan.com.vn, lượng tìm kiếm đất nền tại Tp.HCM tăng từ 71 - 73% đối với đất nền, đất dự án. Những tháng đầu năm, nhiều giao dịch đất nền đầy đủ pháp lý, giá dưới 2 tỷ đồng chốt thành công trở lại đã được ghi nhận. Những người mua bán đất nền giai đoạn này đều là những người vừa mới đáo hạn tiền gửi tiền kiệm và có số vốn khoảng 1 - 2 tỷ đồng.

Đơn vị này khảo sát hơn 10 doanh nghiệp môi giới đầu tư đất nền tại Đồng Nai, Bình Dương và Long An cho thấy, số lượng giao dịch đất nền tăng lên. Trong đó, hầu hết tập trung vào những lô đất có pháp lý chuẩn chỉnh, giá dưới 2 tỷ đồng, nằm trong bán kính 60 km xung quanh Tp.HCM.

Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cũng cho rằng, ít nhất phải từ quý 2/2024 thị trường đất nền mới phục hồi sức cầu. Phân khúc này sẽ không có tình trạng nóng sốt ồ ạt như trước đây. Giao dịch chủ yếu cũng chỉ xuất hiện ở một số khu vực nhất định, chưa lan rộng. Phải đến năm 2025 trở đi, thị trường đất nền mới bước vào chu kì tăng giá.

QUẢN CHẶT MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN

Đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trong dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Kinh doanh bất động sản 2023 mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý nhận được sự ủng hộ của dư luận, nhằm hạn chế tình trạng "cò" đất thổi giá gây sốt đất.

"Cò" đất: thủ phạm gây ra các cơn sốt ảo

Còn nhớ hồi đầu năm 2021, chỉ với một thông tin đoàn lãnh đạo tỉnh Bình Phước có buổi khảo sát vị trí để lập dự án xây dựng sân bay lưỡng dụng tại H.Hớn Quản, dòng người ùn ùn đổ về đây bất kể ngày đêm. Từng tốp người kê chiếc bàn nhựa với tấm bảng bán đất bày la liệt khắp nơi. Ô tô, những hàng cây ven đường cũng được trưng dụng để treo bảng bán đất. Những lô đất cao su, đất vườn được "cò" đất, đầu nậu hét giá gấp 5 - 10 lần so với giá trị thực. Nhiều tốp người từ Hà Nội đi khắp nơi đặt cọc, mua bán giấy tay với nhau rồi đẩy cho "cò" đất bán chênh lệch. Sau những đợt giao dịch sang tay, giá đất tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp hàng chục lần.

UBND H.Hớn Quản khi đó khuyến cáo người dân cũng như các nhà đầu tư không để các đối tượng đầu cơ lôi kéo, xúi giục mua bán đất khu vực sân bay Técníc cũng như vùng lân cận xã An Khương và Tân Lợi. Chính vì sốt đất ảo nên chưa đến 10 ngày đã bị dập tắt. Cơn sốt đất qua đi, đầu nậu, "cò" đất cũng "bay" đi hết, chỉ còn lại người dân địa phương vỡ mộng, tiếp tục trở về với nghề chính của mình là làm nông.

Cũng với chiêu thức tương tự, tại xã Bình Ba (H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) khi tin đồn một tập đoàn lớn làm dự án ở đây được tung ra, "cò" đất, đầu nậu khắp nơi kéo về thổi giá, làm loạn thị trường. Từng tốp người đi khắp nơi đặt cọc, bất kể đất đẹp hay xấu, sau đó tự sang tay nâng giá gấp nhiều lần để "lùa gà". Sau nhiều lần làm giá với nhau, đất đã được đẩy giá tăng cao bất thường. Đất nông nghiệp, có một ít thổ cư tăng từng ngày. Những lô đất mặt tiền QL56 giá khoảng 500 triệu đồng/m ngang, các đường nhánh khoảng 150 triệu đồng/m ngang. Trong khi giá trước cơn sốt, giá đất chỉ bằng 1/3.

Tại Đà Nẵng, một chủ đầu tư đã phải cầu cứu đến giới truyền thông, chính quyền vì tình trạng đẩy giá cao chót vót do "cò" đất gây ra. Vì số lượng "cò" đất tập trung về dự án quá nhiều nên chỉ một thời gian rất ngắn, giá đất nền tại dự án tăng gấp đôi, gấp ba gây ra tình trạng bong bóng.

Nhiều nơi trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Trị, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Lâm Đồng... cũng đã từng xảy ra các đợt sốt đất do "cò" đất gây ra và cũng chóng vánh xẹp xuống do các địa phương lần lượt ban hành các văn bản, chỉ đạo siết chặt hoạt động liên quan đến chuyển nhượng, kinh doanh, thu thuế bất động sản (BĐS).

Không chỉ thu phí môi giới 1 - 2%/tổng giá trị BĐS như thông lệ, giờ cò, đầu nậu còn kê giá để "ăn" chênh lệch ngay trên chính mỗi BĐS nên ra sức thổi giá để ăn dày hơn. Anh Thanh, đang môi giới một lô đất rộng hơn 2.000 m2 ở TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), thừa nhận dù chủ nhà kêu bán 4 tỉ đồng nhưng anh đã rao bán 4,3 tỉ đồng. Nếu chốt được giá này, tiền chênh lệch anh sẽ hưởng, bên cạnh phí môi giới là 2%.

Hay trường hợp anh Sang (TP.HCM) mới đây bán lô đất vườn hơn 1.000 m2 ở xã Tân Lạc (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) với giá 600 triệu đồng. Tuy nhiên khi đi ra công chứng, anh mới biết "cò" đất đã thổi lên 750 triệu đồng và hưởng trọn khoản chênh lệch lớn. "Dù biết là thuận mua vừa bán, nhưng tôi cảm thấy như mình bị lừa, bị qua mặt khi cả tôi và khách hàng đều thiệt, chỉ "cò" đất là hưởng lợi nhiều", anh Sang nói.

Quản lý chặt để bảo vệ quyền lợi của người mua

Theo dữ liệu từ Hội Môi giới BĐS VN (VARS), trước đây, vào thời điểm thị trường BĐS phát triển ổn định, có khoảng 300.000 môi giới hoạt động. Trong đó, chỉ 30.000 - 40.000 môi giới có chứng chỉ hành nghề. Những cá nhân còn lại, có thể là bất cứ ai, bao gồm từ xe ôm, người bán hàng rong cho tới công chức. Thậm chí có nhiều môi giới còn lừa đảo khách hàng bằng dự án ma, bằng những thông tin thất thiệt đã gây hậu quả nặng nề cho khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín của các chủ đầu tư chân chính và gây bất ổn xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cũng cho rằng thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, "cò" đất và một số ít doanh nghiệp BĐS "bất lương" đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng, và trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, và bất cập của các bộ luật.

Do vậy ông Phạm Lâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DKRA Group, ủng hộ việc môi giới BĐS muốn hoạt động phải có chứng chỉ hành nghề, mã số hành nghề. Khi đó môi giới làm việc qua phòng công chứng phải để lại mã số hành nghề. Bởi hiện giao dịch mua bán diễn ra tại phòng công chứng chỉ xuất hiện 3 bên trên văn bản hành chính gồm: bên mua, bên bán, phòng công chứng; trong khi môi giới có vai trò liên quan mật thiết nhưng lại không có thông tin. Mặt khác, việc cấp mã số hành nghề cho môi giới và để lại mã số ở mỗi giao dịch bắt buộc có thể theo dõi được thu nhập phát sinh của người hành nghề. Đó là căn cứ để cơ quan nhà nước thuận tiện hơn trong quản lý thuế thu nhập cá nhân, hạn chế tình trạng lách thuế, trốn thuế, tình trạng lừa đảo của môi giới.

"Mã số này sẽ giúp gia tăng sự minh bạch thị trường, bảo đảm quyền lợi khách hàng trong mỗi hoạt động giao dịch. Việc quản lý mã số định danh sẽ giúp hệ thống hóa toàn bộ hoạt động của môi giới từ đơn vị làm việc, quản lý các giao dịch và ràng buộc trách nhiệm tối đa không giới hạn thời gian, địa điểm hay môi trường làm việc. Cần thiết lập cơ sở dữ liệu môi giới BĐS trên toàn quốc để đảm bảo việc cung cấp thông tin liên quan hoạt động của các nhà môi giới, nhằm loại bỏ các nhà môi giới không đạt chất lượng", ông Phạm Lâm đề xuất.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký VARS, cũng ủng hộ việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, thậm chí phải cấp mã số hành nghề để minh bạch thị trường. Theo ông, việc này có thể dẹp được 80 - 90% tình trạng cò đất nhiễu loạn hiện nay. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy môi giới BĐS rất quan trọng bởi nó liên quan đến tài sản có giá trị lớn của người dân. Do đó môi giới BĐS đòi hỏi phải là người có chuyên môn, có kiến thức pháp luật và có trách nhiệm để thực hiện giao dịch, bảo đảm quyền lợi của người mua.

Nguồn: Người Lao Động; Vietnamnet; CafeF; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang