Đau đầu với xe phạt nguội; DN tố mất tiền gửi ngân hàng; Trào lưu 'bỏ phố về rừng' hạ nhiệt; Nỗi lo mới của DN địa ốc

ĐAU ĐẦU VỚI XE BỊ PHẠT NGUỘI

Dân kinh doanh ô tô cũ "lãnh đủ" nếu thu mua phải xe dính nhiều lỗi phạt nguội mà chủ xe trước đó chưa đóng phạt

Kể từ khi việc lắp đặt camera phạt nguội vi phạm luật giao thông trở nên phổ biến trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, rất nhiều chủ phương tiện vi phạm lỗi chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt đèn tín hiệu khi chưa cho phép... nhưng không biết.

Tiền phạt cộng dồn đến hàng trăm triệu đồng

Hai tuần trước Tết Nguyên đán, chủ một chiếc Kia Sedona đời 2019 tìm đến nhiều cửa hàng kinh doanh ô tô cũ ở TP HCM để bán xe với giá chỉ 300 triệu đồng nhưng không nơi nào dám mua. Giá chiếc xe này khi mới mua là 1,4 tỉ đồng, sau vài năm vẫn có thể bán lại với giá khoảng 700 - 800 triệu đồng, tùy tình hình sử dụng thực tế. Lý do không cửa hàng nào dám thu mua chiếc xe giá rất hời này là bởi chủ phương tiện vi phạm nhiều lỗi phạt nguội với tổng tiền phạt lên đến... 490 triệu đồng.

"Với số tiền phạt này, chủ phương tiện có thể đã vi phạm đến hàng chục lần. Kể cả hạ giá mua xuống mức thấp nhất và chấp nhận làm thủ tục đóng phạt thay chủ xe rồi bán lại với giá có lời chút đỉnh thì cũng mất rất nhiều công sức và thời gian, có khi cả năm mới hoàn tất" - chủ một cửa hàng ô tô cũ tính toán.

Ông Tạ Công Tiên, chủ Chợ Xe kiểu Mỹ (TP HCM), cho biết hầu như cửa hàng ô tô cũ nào cũng đau đầu với việc thu mua phải xe dính lỗi phạt nguội mà chính chủ xe cũng không biết mình bị phạt. Nếu chủ xe bị phạt ở TP HCM thì cửa hàng có thể dễ dàng làm thủ tục nộp phạt, còn nếu vi phạm ở tỉnh, thành khác thì không chỉ mất thời gian, công sức mà chi phí đi lại, ăn ở để xử lý lỗi vi phạm luật giao thông cũng bị đội lên nhiều.

"Chiếc nào ít thì cũng dính 1 - 2 lỗi, nhiều thì 4 - 5 lỗi trở lên. Với mức đóng phạt trung bình khoảng 5 triệu đồng/lỗi, mua phải xe nào vướng 4 lỗi trở lên thì xem như cửa hàng bị lỗ bởi bán mỗi chiếc chỉ kiếm lời được khoảng 10 triệu đồng" - ông Tiên cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu ô tô bị phạt nguội ở địa phương khác, chủ xe hoặc người được ủy quyền phải mang đầy đủ giấy tờ xe, giấy phép lái xe đến địa phương đó để làm thủ tục lập biên bản vi phạm giao thông. Khoảng 1 - 2 ngày sau, chủ xe mới nhận được quyết định xử phạt vi phạm luật giao thông với mức cụ thể, rồi phải đến Kho bạc Nhà nước để đóng tiền phạt. Tiếp theo, chủ xe phải chờ Cục Cảnh sát Giao thông xóa lỗi vi phạm thì chiếc ô tô mới được chấp nhận kiểm định.

Rủi ro khi cho thuê ô tô

Các ứng dụng (app) cho thuê ô tô tự lái cũng đau đầu với tình huống cho khách thuê xe rồi bị phạt nguội ở địa phương khác, phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết, thậm chí chịu thiệt hại lớn.

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Sigo Việt Nam, cho biết đã gặp khá nhiều trường hợp cho thuê xe tự lái vi phạm luật giao thông bị phạt nguội. Gần đây, một khách nước ngoài thuê xe tự lái với giá 11 triệu đồng chạy tuyến TP HCM - Bình Thuận. Sau khi khách trả xe, công ty nhận được 3 quyết định phạt nguội với lỗi chạy quá tốc độ, tổng số tiền phạt gần 10 triệu đồng.

Để hạn chế mất tiền do lỗi phạt nguội, các app cho thuê xe tự lái đã yêu cầu khách đặt trước 5 - 10 triệu đồng. Số tiền này được app giữ lại trong 7 - 30 ngày để "phòng hờ" xe vi phạm luật giao thông bị phạt nguội. Cũng có trường hợp khá đau đầu là app cho thuê xe tự lái vừa hoàn trả tiền cho khách xong thì lập tức nhận được thông tin phạt nguội. Khi đó, app không liên hệ được với khách và cũng không có quy định bắt buộc khách phải chịu lỗi này.

"Nhiều trường hợp xe bị phạt nguội nhưng 3 - 6 tháng sau, chúng tôi mới nhận được thông báo vi phạm luật giao thông nên không thể yêu cầu khách thuê xe đóng phạt được" - chủ một app cho thuê xe tự lái cho biết.

LY KỲ DOANH NGHIỆP TỐ MẤT TIỀN GỬI TẠI NGÂN HÀNG, TIỀN BỊ RÚT SẠCH BỖNG QUAY VỀ

Một doanh nghiệp tại TP.HCM tố bị rút sạch tiền trong tài khoản bằng tấm séc giả mạo con dấu và chữ ký tại một phòng giao dịch ngân hàng ACB ở Hà Nội. Điều kỳ lạ là sau đó số tiền được gửi trả lại tài khoản mà không rõ người gửi.

Bà Mai Thuỳ Trang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc tiếp thị CTCP Tư vấn và Đầu tư RIIN Group (RIIN Group), cho biết, vào chiều 27/2, tài khoản phụ của công ty đã bị rút hết số tiền 95 triệu đồng bằng hai tấm séc, tại một phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trên phố Hoàng Đạo Thuý (Hà Nội).

Theo nội dung giấy đề nghị cung ứng séc, chủ tài khoản của công ty này là Nguyễn Duy Thịnh đã ký và đề nghị ngân hàng cung ứng hai tấm séc để rút tiền mặt. Người được uỷ nhiệm nhận séc là ông N.Đ.C, số CCCD: 024202006xxx được cấp ngày 9/5/2021.

Phía dưới của giấy đề nghị có nội dung thể hiện việc ACB đồng ý cung ứng séc có số seri: AA20409331-50.

Tuy nhiên, trao đổi với PV.VietNamNet vào chiều 4/3, bà Trang khẳng định, doanh nghiệp này chưa hề ký bất kỳ tấm séc nào trước đó.

Về tấm séc được sử dụng tại ACB Hoàng Đạo Thuý, đại diện công ty này cho rằng, người rút tiền đã làm giả con dấu và cả chữ ký.

“Theo quan sát bằng mắt thường, con dấu giả này có đường nét đậm và dày, trong khi con dấu thật của công ty thì nét thanh và rõ hơn. Còn chữ ký là giả mạo hoàn toàn so với chữ ký thật. Nhưng không hiểu sao phía ngân hàng vẫn phê duyệt yêu cầu rút tiền mặt", bà Trang nói.

Cũng theo đại diện RIIN Group, sau khi nhận tin nhắn SMS thông báo biến động số dư, phía công ty ngay lập tức đến một chi nhánh ACB tại quận 2, TP.HCM để trình báo sự việc. Tại đây, nhân viên ACB hướng dẫn bà Trang làm đơn tố cáo ra cơ quan công an.

“Nhưng tố cáo chi nhánh ngân hàng làm mất tiền của khách hay tố cáo người giả mạo rút tiền? Tôi cho rằng, phía ngân hàng chưa làm tròn trách nhiệm”, bà Trang bày tỏ.

Ngày 28/2, đại diện công ty này đã có mặt tại văn phòng ACB trên phố Bùi Đình Tuý, quận Bình Thạnh, TP. HCM và được hướng dẫn làm bản tường trình chi tiết về tài khoản công ty bị "bên thứ 3" rút hết số tiền 95 triệu đồng.

Tại đây, phía ACB trả lời cần họp nội bộ và “sẽ phản hồi sau”.

“Chúng tôi là công ty nhỏ, vừa mới được thành lập, lại bị mất tiền vào đúng ngày trả lương cho nhân viên nên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cho rằng nếu không làm đến nơi đến chốn, rất có thể sẽ có thêm những nạn nhân khác bị mất tiền như chúng tôi”, bà Trang cho hay.

Trong khi chờ ACB phản hồi chính thức về vụ việc, trao đổi với PV.VietNamNet chiều 7/3, bà Mai Thuỳ Trang bất ngờ cho biết, ngày 5/3, một cá nhân đã liên hệ qua điện thoại với công ty và tự xưng là "người rút tiền từ tấm séc" và tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền.

Ngay lập tức, tài khoản của công ty nhận được toàn bộ số tiền 95 triệu đồng nhưng nội dung chuyển khoản lại được ghi là “Rút hộ tấm séc”.

“Chúng tôi cũng không xác định được người chuyển tiền đó là ai và cũng không đồng ý với nội dung chuyển khoản là “Rút hộ tấm séc”. Vì đó là ngày trả lương của công ty nên chúng tôi đã gửi email đến ACB để yêu cầu họ có phản hồi về số tiền này, nếu không thì chúng tôi sẽ sử dụng số tiền đó để trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, đến nay, phía ACB vẫn chưa có phản hồi gì”, bà Trang nói.

Đại diện RIIN Group đặt nghi vấn về khả năng đối tượng rút tiền sau khi nhận thấy vụ việc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội nên đã chủ động "khắc phục hậu quả".

Đến nay, thông tin về người chuyển trả lại số tiền trên vẫn là ẩn số đối với công ty của bà Trang.

Ngày 9/3, phản hồi với VietNamNet , phía ACB cho biết, ngân hàng có gửi thư mời đại diện pháp luật của Công ty Riin Group đến làm việc vào ngày 5/3 nhưng khách hàng từ chối đến làm việc.

"Ngày 5/3, khách hàng thông báo cho ACB rằng đã nhận lại được số tiền từ bên thụ hưởng séc. Đây là giao dịch do bên thụ hưởng tự chuyển khoản trực tiếp đến tài khoản của khách hàng và không liên quan đến ACB", ACB nêu.

ACB cũng khẳng định luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm hỗ trợ khách hàng theo thỏa thuận đã ký kết giữa khách hàng và ACB về điều khoản, điều kiện sử dụng dịch vụ tại ngân hàng. Đồng thời, ACB đã phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật và hoàn toàn minh bạch quá trình xử lý sự việc với khách hàng.

Hiện phía công ty RIIN Group chưa chính thức lên tiếng sau khi có phản hồi của ACB.

TRÀO LƯU "BỎ PHỐ VỀ RỪNG" HẠ NHIỆT, ĐẤT GIẢM GIÁ 30% CŨNG KHÔNG AI MUA

"Bỏ phố về rừng" từng là xu hướng chữa lành được nhiều người dân TP.HCM ưa chuộng vào thời điểm COVID-19 hoành hành, tuy nhiên, đến nay, trào lưu này đã hạ nhiệt.

Giá đất giảm sâu cũng chẳng ai mua

“Năm 2021, tôi mua 3 hecta đất ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông với giá 4,5 tỷ đồng nhưng giờ rao bán hơn 3 tỷ đồng cũng chẳng ai mua”, ông Trần Văn Quang, nhà đầu tư ở Quận 3, TP.HCM nói.

Theo ông Quang, vào thời điểm đó, bạn bè ông thường rủ nhau mua đất nông nghiệp để đầu tư vì có nhiều người muốn “bỏ phố về rừng”. Chính vì trào lưu này nên ông mua đất ở Đắk Nông chờ thời.

Đến năm 2023, thấy tình hình kinh tế có dấu hiệu đi xuống, ông quyết định bán đất để thu hồi vốn nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa bán xong.

“Tôi giảm giá tới 30% nhưng vẫn chưa có khách chốt. Gia đình tôi cũng chịu nhiều áp lực về lãi vay, thu nhập giảm. Đất không bán được thì khó khăn ngày càng chồng chất”, ông Quang chia sẻ.

Ông Quang cũng là một trong số rất nhiều nhà đầu tư không thể “thoát hàng” trong giai đoạn này. Ai không kịp nhảy qua “sóng” thì đành ngậm ngùi chờ sóng tiếp theo, và trong lúc chờ đợi họ phải vượt qua áp lực tài chính.

Theo ghi nhận của VTC News, nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM đang rao bán đất nông nghiệp ở Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk với giá giảm từ 10 - 30%. Các khu đất được rao bán có giá từ 4 - 15 tỷ đồng, tùy vào vị trí, diện tích. Tuy nhiên, rất ít nhà đầu tư có khách chốt trong giai đoạn này. Đa phần khách hỏi mua đều muốn ép giá sâu và không vội vàng xuống tiền.

Trào lưu “bỏ phố về rừng” lên ngôi vào thời điểm dịch COVID-19 hoành hành đã khiến giá đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất ở các khu vực như Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk tăng mạnh.

Vào giai đoạn 2020 - 2021, giá đất nông nghiệp tại các tỉnh này tăng đến 4 - 5 lần so với bình thường khiến nhiều nhà đầu tư ở TP.HCM sốt sắng, lao vào “cuộc chơi”.

Thời điểm đó, 1 hecta đất ở tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk có giá khoảng 300 - 400 triệu đồng bỗng dưng tăng giá lên tới 1,2 - 1,5 tỷ đồng/hecta chỉ sau 5-6 tháng. Đất ở Bình Phước, Lâm Đồng cũng tăng phi mã lên 2 - 3 lần vì nhiều công ty môi giới bất động sản ở TP.HCM lên làm thị trường.

Nhà đầu cơ, cò đất thi nhau “thổi giá” vì nhu cầu mua đất gia tăng. Thế nhưng, con sóng đi qua, một số nhà đầu tư giàu lên nhưng cũng có những người “tán gia bại sản” vì chậm chân và trở thành người mua cuối, không thoát được hàng.

Bài học đắt giá cho nhà đầu tư

Ông Lê Văn Long, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố Thủ Đức cho biết, hiện nay xu hướng "bỏ phố về rừng" đã hạ nhiệt. Nhiều nhà đầu tư đang bán đất mua từ năm 2018 - 2021. Tuy nhiên, để bán được đất, nhà đầu tư thường phải chấp nhận lỗ nặng.

Ông Long chia sẻ, khi "bỏ phố về rừng" được gọi là xu hướng thì nó chỉ tồn tại trong giai đoạn rất ngắn. Nhà đầu tư và người dân cần ghi nhớ rằng, giới kinh doanh đất nông nghiệp chủ yếu là những nhóm cò đất địa phương hoặc là những nhà đầu cơ nhỏ lẻ. Đây là những nhóm hoạt động có tính thời điểm và cục bộ, họ sẵn sàng thổi giá liên tục để tạo nên những cơn sốt đất ảo. Khi cơn sốt đi qua, thiệt hại chủ yếu vẫn là nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản tại TP.HCM nhận định, trào lưu bỏ phố về rừng đã đi xuống từ cuối năm 2021. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã "vỡ mộng" với trào lưu này, không nhiều người thành công với mô hình homestay, farmstay. Đây cũng là chuyện tất yếu khi người dân không xem xét kỹ tính khả thi của dự án mà mình đang theo đuổi.

“Ở Tây Nguyên, nhiều khu đất nông nghiệp được phân thành các lô nhỏ 100 - 200m2. Nhà đầu tư không tỉnh táo sẽ dễ lao vào những lô đất này vì giá dễ mua, nhưng họ không để ý rằng, khách sẽ không bỏ tiền tỷ để mua những lô đất nhỏ như vậy ở Tây Nguyên và thanh khoản sẽ thấp. Bên cạnh đó, nhiều lô đất diện tích lớn, giá dễ thở nhưng lại nằm trong khu vực vùng sâu, vùng xa heo hút, giao thông không thuận lợi, tiện ích hạn chế dẫn đến kén khách mua", ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cho rằng, dù diện tích đất lớn, giá dễ mua nhưng nếu không có bài toán kinh doanh rõ ràng thì nhà đầu tư rất dễ thua lỗ nếu không thể "thoát hàng" sớm hoặc không có phương án tài chính cụ thể. Đây cũng chính là cái kết của nhiều nhà đầu tư hiện nay.

Theo ông Hoàng, khi nhà đầu tư không “chạy kịp” thì buộc phải "ôm đất" trong thời gian dài, phát sinh các chi phí tài chính, lãi vay. Điển hình như nhiều nhà đầu tư mua đất ở Lâm Đồng đã không thể bán sản phẩm trong thời gian dài.

Cũng theo ông Hoàng, hiện nay, nếu nhà đầu tư cắt lỗ 30 - 40% mà bán được đất thì cũng là may mắn.

Ông Hoàng cho rằng, nhà đầu tư và người dân muốn “bỏ phố về rừng” thì nên có bài toán cụ thể cho khu đất của mình, đó phải là một dự án chi tiết, rõ ràng với những rủi ro được xác lập.

Khi người dân muốn làm homestay, farmstay thì cần vạch rõ kế hoạch. Điển hình như trồng cây gì, nuôi con gì, chi phí cải tạo đất ra sao, chi phí xây dựng như thế nào, chi phí vận hành, trông coi khu đất… Khu đất cũng cần kết nối giao thông thuận lợi, các tiện ích cơ bản như: chợ, bệnh viện, trường học không nằm quá xa.

NỖI LO MỚI CỦA DOANH NGHIỆP ĐỊA ỐC

Những lo lắng về vướng mắc pháp lý bất động sản của các doanh nghiệp đã phần nào lắng xuống khi Chính phủ đang tích cực tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một nỗi lo mới đang "trồi lên", khi sắp cạn quỹ đất phù hợp để phát triển dự án.

Doanh nghiệp địa ốc lo quỹ đất sớm cạn

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho hay hiện nay việc tìm kiếm quỹ đất phù hợp là một khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp (DN) địa ốc.

"Việc các DN đi tìm các quỹ đất tư nhân để mua lại và phát triển dự án thời gian sắp tới sẽ không còn. Vì vậy, Nhà nước hiện nay phải tập trung phát triển quỹ đất để các DN tham gia đấu thầu, đấu giá lại là rất cần thiết", ông Phúc nói và cho biết DN như Phú Đông Group giờ mà đi đền bù, giải tỏa một mảnh đất nào đó để làm dự án thì rất khó khăn và tốn thời gian.

"Phú Đông Group mà giờ đi làm công tác đền bù, giải tỏa để làm dự án tầm hơn 20 ha thì chẳng biết đến bao giờ. Vì vậy, việc Nhà nước chủ động tạo lập nhiều quỹ đất và tổ chức đấu thầu, đấu giá cho các DN. Các DN địa ốc bằng vào chất xám của mình để phát triển dự án tốt nhất", CEO Phú Đông Group nhận định.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng nhận định nếu có tổ chức phát triển quỹ đất của Nhà nước có đủ năng lực thực hiện được việc phát triển quỹ đất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thì đây là "mơ ước" của hầu hết nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

"Các nhà đầu tư đều mong muốn được tiếp cận đất đai công bằng, minh bạch thông qua đấu giá, đấu thầu và lúc đó các nhà đầu tư sẽ không còn nhu cầu tự mình đi 'mua đất' để thực hiện dự án nhà ở thương mại nữa. Thực hiện được việc này thì sẽ xây dựng được môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh", ông Châu nhận định.

Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA cho rằng có thể phải sau 5-7 năm nữa thì tổ chức phát triển quỹ đất của Nhà nước mới có đủ năng lực và nguồn lực tài chính để thực hiện được việc phát triển quỹ đất bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Do đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất ở hay đất ở và đất khác, đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đề xuất này đã được Chính phủ lắng nghe khi mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì báo cáo về "Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật", trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tháng 5/2024.

Vấn đề pháp lý không sớm giải quyết, M&A lĩnh vực nhà đất sẽ càng sôi động

Theo báo cáo chiến lược mới công bố của Chứng khoán SSI (SSI Research), do năm 2023 là một năm có nhiều biện pháp giúp "trì hoãn thời gian" chờ thị trường bất động sản và tài chính trở lại trạng thái bình thường, một sự hồi phục đang được kỳ vọng để giúp hệ thống tài chính có thể tránh được những thách thức lớn trong năm 2024.

Chúng tôi tin rằng nhiều khả năng phục hồi kinh tế sẽ diễn ra rõ nét hơn vào nửa cuối năm 2024, với xuất khẩu tăng nhờ lãi suất toàn cầu giảm và niềm tin người tiêu dùng dần quay lại. Trong nước, tâm điểm chính vẫn sẽ là sự phục hồi của ngành bất động sản trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án và tỷ lệ cho vay bất động sản hiện vẫn ở mức cao.

"Nếu như thanh khoản tại thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp không phục hồi nhanh, niềm tin người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng", chuyên gia SSI Research, nhận định.

Cũng theo SSI Research, năm 2024, nếu như vấn đề pháp lý của các dự án hiện hữu không được giải quyết sớm, dự báo hoạt động M&A sẽ tăng mạnh và tập trung vào các dự án đã đủ tính pháp lý. Nguồn cung ước tính do vậy sẽ có thể cải thiện tích cực từ mức nền thấp trong 2023.

Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện đối với phân khúc tầm trung tại các thành phố lớn, nơi đang gặp tình trạng thiếu cung lớn mặc dù tốc độ cải thiện có thể chậm, do giá bán vẫn ở mức cao. Mặt khác, dòng bất động sản nghỉ dưỡng có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức.

Về cơ bản, nguồn vốn huy động từ bán dự án đủ tính pháp lý có thể giúp các công ty bất động sản có thêm thời gian cho đến khi giải quyết xong vấn đề pháp lý cho các dự án còn vướng mắc. Chúng tôi dự báo sự phục hồi của thị trường sẽ phân hóa giữa các phân khúc và cần thêm thời gian để có thể tiến đến phục hồi hoàn toàn.

"Các công ty bất động sản có sức khỏe tài chính tốt mới có thể vượt qua thách thức trong 2024. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể đạt mức cao nhất trong quý III/2024 sau đó giảm trở lại theo kịch bản cơ sở của chúng tôi", chuyên gia SSI Research, kết luận.

Nguồn: Soha; Vietnamnet; Kenh14; Dân Việt

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang