Mỹ: Kịch bản suy thoái như Anh, Nhật; Trump tranh cử ở Michigan; Taylor Swift liệu có giúp được Biden; Đe dọa mới ở Biển Đỏ

Mỹ liệu có suy thoái như Anh và Nhật Bản?

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - Anh và Nhật Bản vừa rơi vào suy thoái, làm dấy lên câu hỏi Mỹ có phải cái tên tiếp theo.

Hôm 15/2, hai nền kinh tế thuộc nhóm lớn nhất thế giới - AnhNhật Bản - đều công bố GDP quý IV/2023 giảm. Điều này đồng nghĩa cả hai rơi vào suy thoái, khi có 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Các thông tin này làm dấy lên câu hỏi liệu Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện tại - có phải là cái tên tiếp theo hay không? Hôm 15/2, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ nước này giảm 0,8% trong tháng 1, chấm dứt hai tháng tăng liên tiếp.

Điều này cho thấy người Mỹ đang thắt chặt chi tiêu sau mùa mua sắm cuối năm bùng nổ. Tiêu dùng vẫn đang là lực đẩy cho kinh tế Mỹ thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng rủi ro suy thoái hiện khá xa vời. Vì các yếu tố nền tảng của Mỹ khác Anh và Nhật Bản.

Paul Donovan - kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management - hôm 15/2 nhận định kinh tế Nhật Bản co lại do dân số suy giảm. Năm 2022, dân số nước này giảm 800.000 người, đánh dấu năm giảm thứ 14 liên tiếp. Việc này đã hạn chế khả năng tăng trưởng, do "ít người hơn đồng nghĩa mức sản xuất và chi tiêu thấp đi".

Còn tại Anh, cả dân số và lương đều tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng lại chưa đủ để bù đắp chi tiêu sụt giảm vì lạm phát. Tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế này.

Trong khi đó, tình hình tại Mỹ khác biệt hoàn toàn. Trong hai quý qua, Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP cao hơn dự kiến, chủ yếu nhờ tiêu dùng sôi động.

Từ năm 2021, người Mỹ đã chi tiêu mạnh tay. Ban đầu, họ được chính phủ hỗ trợ tiền mặt trong đại dịch. Sau này, họ mua sắm bù khi Mỹ bỏ phong tỏa. So với hầu hết nước tiên tiến khác, kinh tế Mỹ vẫn đang vượt trội nhờ tiêu dùng.

Một lợi thế khác là Mỹ ít phụ thuộc vào năng lượng Nga. Điều này giúp họ ít bị tổn thương khi giá khí đốt tăng vọt sau chiến sự Nga - Ukraine tháng 2/2022. Mỹ thậm chí trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, sau xung đột tại Ukraine. Năm ngoái, họ là nước xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) nhiều nhất thế giới, theo Bloomberg.

Thị trường lao động tại đây cũng vững chắc. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn dưới 4% trong 24 tháng liên tiếp, một phần do các thay đổi từ trong đại dịch. Làn sóng nghỉ việc trong và sau đại dịch khiến các doanh nghiệp khát nhân lực. Họ phải nâng lương để thu hút người lao động mới. Các cuộc sa thải quy mô lớn vài năm qua cũng rất hạn chế, trừ lĩnh vực công nghệ.

Dù vậy, Mỹ vẫn có thể suy thoái mà người dân không hề biết. Nguyên nhân là tình trạng suy thoái của nước này được quyết định bởi Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER). NBER thành lập năm 1920, là một tổ chức nghiên cứu tư nhân dưới sự lãnh đạo của các nhà kinh tế hàng đầu tại Mỹ. Tổ chức này không khẳng định suy thoái theo định nghĩa 2 quý giảm GDP liên tiếp – vốn được áp dụng phổ biến.

Thay vào đó, NBER định nghĩa tình trạng này là "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên khắp cả nước, kéo dài một vài tháng". Theo thông tin trên website của NBER, tổ chức này sử dụng 6 yếu tố sau để đánh giá về chu kỳ kinh tế Mỹ: thu nhập thực của cá nhân, báo cáo việc làm phi nông nghiệp, tình hình việc làm theo khảo sát hộ gia đình của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi tiêu tiêu dùng thực của cá nhân, doanh số bán buôn - bán lẻ đã điều chỉnh theo biến động giá, và sản lượng công nghiệp.

GDP vì thế không phải yếu tố chính khiến họ đưa ra kết luận suy thoái. Tháng 6/2020, không cần chờ GDP quý II, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) khẳng định Mỹ đã suy thoái từ tháng 2. Trong khi đó, năm 2022, sau khi Mỹ ghi nhận 2 quý liên tiếp đi xuống, NBER vẫn không công bố suy thoái.

Hồi tháng 12/2023, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết rủi ro suy thoái của Mỹ đã tăng lên sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu quá trình nâng lãi tháng 3/2022. Dù vậy, ông cũng khẳng định "không có yếu tố nền tảng nào cho thấy nền kinh tế đang suy thoái".

Tuy nhiên, Powell nhấn mạnh kể cả khi nền kinh tế đang tươi sáng, rủi ro suy thoái vẫn luôn tồn tại. Nguyên nhân là các cú sốc kinh tế bất ngờ, như đại dịch, có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào.

Philipp Carlsson-Szlezak - kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Boston Consulting Group cũng không cho rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái năm nay. Thay vào đó, ông cho rằng nước này "sẽ tăng trưởng chậm".

"Kinh tế Mỹ sôi động nhờ các yếu tố nền tảng vững chắc. Một trong số đó là tài chính cá nhân và thị trường lao động", ông nói.

Dù vậy, Carlsson-Szlezak cho rằng vẫn còn một khả năng có thể đẩy Mỹ vào suy thoái. Đó là Fed không giảm lãi suất năm nay.

Các nhà đầu tư đều dự báo Fed giảm lãi nhiều lần năm 2024. Vì thế, nếu Fed không giảm, các thị trường tài chính sẽ rối loạn, có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái, Carlsson-Szlezak kết luận.

Ông Trump vận động tranh cử ở Michigan sau khi công bố 'giày vàng' ở Pennsylvania

Ngay sau khi công bố mẫu giày 'vàng' ở bang Pennsylvania (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức vận động tranh cử ở bang Michigan.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17.2 (giờ Mỹ) đã đến TP.Philadelphia (bang Pennsylvania) để tham dự "Sneaker Con", một sự kiện dành riêng cho những người đam mê, sưu tầm và buôn bán giày sneaker, theo Reuters.

Tại đây, ông Trump đã công bố "đôi giày chính thức đầu tiên của Trump". Đôi giày cao cổ màu vàng của ông đang được bán với giá 399 USD (khoảng 9,8 triệu đồng) trên một trang web bán nước hoa mang nhãn hiệu Trump.

Ngay sau đó, ông đã đến Michigan để vận động tranh cử. Đây cũng là lần tiếp xúc với cử tri đầu tiên của ông kể từ khi ông bị tòa án ở bang New York phạt 355 triệu USD và cấm kinh doanh ở bang này vì hành vi gian lận.

Tại Michigan, ông Trump nói với cử tri rằng nếu đắc cử, ông sẽ thay đổi các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden để "cứu" ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Theo ông Trump, các chính sách của chính phủ hiện thời đang khiến người dân Mỹ mất "hàng chục nghìn việc làm", trang Newsmax đưa tin.

Ngoài ra, cựu Tổng thống Mỹ cũng nói về những quyết định mà ông đã thực hiện khi còn đương nhiệm: "Đúng như tôi đã hứa, tôi đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong tuần đầu tiên".

"Tôi đã chấm dứt thảm họa được gọi là NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ), thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được thực hiện và thay thế nó bằng USMCA (Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada) hoàn toàn mới, thỏa thuận thương mại tốt nhất từng được thực hiện", ông Trump nói.

Theo ông Trump, giải pháp do ông tiến hành "là sự cứu rỗi cho ngành công nghiệp ô tô và lao động Mỹ". Phía ông Biden và đảng Dân chủ chưa bình luận về phát biểu của cựu tổng thống.

Phát biểu của ông Trump ở Michigan được đưa ra ngay sau khi bà Nikki Haley, đối thủ duy nhất của ông trong cuộc đua giành suất đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống năm nay, tổ chức một sự kiện ở bang South Carolina.

Bà Haley đã tận dụng phán quyết của tòa án New York để công kích ông Trump. Bà nói với đài Fox News: "Ông ấy sẽ hầu tòa vào tháng 3 và tháng 4. Ông ấy sẽ hầu tòa vào tháng 5 và tháng 6. Bản thân ông ấy nói rằng mình sẽ dành nhiều thời gian trong phòng xử án hơn là trong quá trình vận động tranh cử".

Bà Haley thường nói rằng "sự hỗn loạn" đang theo sau ông Trump và rằng ông không thể trở thành một tổng thống hay ứng cử viên thật sự vì vô số vấn đề pháp lý.

Hiện ông Trump phải đối mặt với 4 phiên tòa hình sự cấp tiểu bang và liên bang, trong đó có một phiên tòa dự kiến bắt đầu ở New York vào ngày 25.3 về cáo buộc trả tiền để bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm. Điều này đã khiến ông trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên phải hầu tòa vì cáo buộc hình sự.

Taylor Swift có thể giúp ông Biden tái đắc cử tổng thống?

Các chuyên gia nhận định rằng, người nổi tiếng thường không có quá nhiều ảnh hưởng trong bầu cử Mỹ, tuy nhiên họ có thể thu hút sự chú ý của cử tri tới những vấn đề nhất định.

Khi nước Mỹ chỉ còn cách cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 vỏn vẹn 9 tháng, các ứng viên đang tìm mọi cách để tăng khả năng giành chiến thắng. Với đội ngũ tranh cử của Tổng thống Joe Biden, một trong những phương án tiềm năng là có được sự ủng hộ công khai của Taylor Swift, ngôi sao ca nhạc hàng đầu nước Mỹ.

Bất chấp việc ông Biden từng nhầm lẫn giữa Taylor Swift và Britney Spears hồi tháng 11, phe Dân chủ vẫn có nhiều lý do để lạc quan: Ca sĩ này có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ và từng công khai ủng hộ ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020. Nếu được Taylor Swift ủng hộ, chiến dịch tái tranh cử của ông chủ Nhà Trắng có khả năng thu hút thêm hàng triệu USD, New York Times đánh giá.

Với vị thế hàng đầu trong ngành âm nhạc Mỹ, ảnh hưởng của Taylor Swift tới xã hội Mỹ không nhỏ. Hồi tháng 9/2023, hơn 35.000 người Mỹ đã đăng ký bầu cử sau một bài đăng kêu gọi cử tri thực hiện quyền công dân trên Instagram của Taylor Swift.

"Một số người nổi tiếng như Taylor Swift có thể tác động đáng kể tới người hâm mộ. Taylor Swift trước đây từng bày tỏ quan điểm về chính trị và ngày càng được người hâm mộ quan tâm. Tuy nhiên, quyết định bỏ phiếu thường đến từ những lý do khác, thay vì lời khuyên của người nổi tiếng", bà Gwen Nisbett, phó giáo sư tại Trường Báo chí Mayborn (Mỹ), nói với Dân trí.

Động cơ khiến người nổi tiếng lên tiếng

Giới phân tích nhìn chung đánh giá ông Biden và cựu Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ "tái đấu" vào tháng 11 tới trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy vậy, hai chính trị gia này đều chưa chính thức được đảng mình đề cử. Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến nhiều ngôi sao giải trí vẫn chưa lên tiếng, dù từng bày tỏ quan điểm trong các cuộc bầu cử trước đó.

"Cả hai đảng đều có những nhân vật có danh tiếng ủng hộ ứng viên của mình. Thông thường, đảng Dân chủ có nhiều cá nhân rất nổi tiếng công khai ủng hộ hơn đảng Cộng hòa", phó giáo sư Mark Harvey tại Đại học Saint Mary (Mỹ) chia sẻ với Dân trí.

Theo ông Harvey, người nổi tiếng mong muốn lên tiếng vì họ cho rằng đây là ứng viên phù hợp với lợi ích của bản thân cũng như nước Mỹ.

"Giống như bất cứ công dân Mỹ nào, người nổi tiếng có thể ủng hộ một ứng viên. Động lực của họ về cơ bản tương đồng. Nếu họ tin rằng một ứng viên đại diện tốt nhất cho lợi ích của mình và sự thịnh vượng của đất nước, họ sẽ có khả năng ủng hộ người đó", ông nói.

Tuy nhiên, bà Nisbett có nhận định khác. Theo bà, những người nổi tiếng đôi khi vượt quá mong muốn thể hiện quan điểm.

"Mỗi người nổi tiếng đều có động lực riêng, hướng tới những khán giả nhất định, bày tỏ ý kiến hoặc đạt được điều gì đó. Tôi không nghĩ có xu hướng cụ thể nào, nhưng họ dường như lên tiếng ủng hộ một cách rất chiến lược", bà phân tích.

Dù vậy, không phải lúc nào những người nổi tiếng cũng sẵn sàng bày tỏ quan điểm riêng. "Người nổi tiếng thường không bày tỏ thái độ chính trị quá rõ rệt vì cho rằng hành động đó có thể gây hại cho sự nghiệp", ông Harley nói.

Ông chỉ ra một số người lo ngại làm mất lòng các fan hâm mộ trái quan điểm. Trong khi đó, hợp đồng của nhiều ngôi sao có điều khoản hạn chế chia sẻ những quan điểm đi ngược lại lợi ích của công ty chủ quản.

Ngoài ra, cá nhân hoạt động trong một số lĩnh vực có xu hướng mạnh dạn lên tiếng hơn các lĩnh vực khác. Trong khi các nhạc sĩ rock đã thoải mái bày tỏ quan điểm từ những năm 60 của thế kỷ trước, thời điểm ngành công nghiệp âm nhạc tin rằng những nghệ sĩ dám bày tỏ quan điểm sẽ được người hâm mộ tôn trọng, các diễn viên cũng bắt đầu trở nên độc lập hơn từ những năm 70.

Ngược lại, các vận động viên có xu hướng cẩn trọng do các giải đấu thể thao chuyên nghiệp có thể không khuyến khích họ bày tỏ quan điểm, như trường hợp của Colin Kaepernick, người khởi đầu phong trào quỳ gối khi quốc ca Mỹ vang lên trong các trận đấu bóng bầu dục để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc. Kaepernick sau đó lâm vào cảnh thất nghiệp đến tận bây giờ.

"Nhiều vận động viên cũng quảng cáo cho các sản phẩm hàng tiêu dùng. Một số công ty không muốn khách hàng tẩy chay sản phẩm của mình", ông Harley cho biết.

Thay đổi trong thời đại số

Theo bà Nisbett, việc người nổi tiếng ủng hộ ứng viên nhất định trong bầu cử không phải điều mới mẻ với nước Mỹ.

"Trong lịch sử không thiếu ví dụ về các chính trị gia tận dụng danh tiếng của người nổi tiếng nhằm thu hút sự chú ý với một chiến dịch hay vấn đề. Ví dụ, Frank Sinatra (huyền thoại âm nhạc Mỹ khoảng giữa thế kỷ XX) từng phát hành một bài hát nổi tiếng để ủng hộ John F. Kennedy vào năm 1959", bà nói.

Tuy nhiên, mạng xã hội đã mang tới nhiều thay đổi, bà nhận định. Nhờ công cụ mới này, quan điểm của người nổi tiếng có thể được đăng tải nhanh chóng và lan truyền rộng rãi. Họ cũng dễ bị lôi kéo vào các cuộc tranh luận chính trị hơn so với quá khứ.

Theo ông Harvey, sự phổ biến của mạng xã hội cũng như sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội khiến người Mỹ thêm trông đợi thần tượng bày tỏ quan điểm.

Nhiều fan hâm mộ của Taylor Swift từng không hài lòng khi ca sĩ này không công khai phản đối ông Trump trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 hay không tham gia cuộc tuần hành của phụ nữ Mỹ tháng 1/2017.

"Từ vị trí an toàn, phi chính trị, cô ấy bị thúc đẩy tới hoàn cảnh mà việc giữ im lặng có hại cho danh tiếng", ông Harvey nhận định.

Theo các chuyên gia, văn hóa chính trị Mỹ tôn trọng quyền tự do biểu đạt ý kiến. Do đó, người Mỹ không thấy vấn đề khi các ngôi sao giải trí công khai ủng hộ một ứng viên trước bầu cử. Đặc biệt, người nổi tiếng đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Mỹ nói chung và các cuộc thảo luận trong xã hội nói riêng.

"Đa số có xu hướng thích những điều được người nổi tiếng nói, nếu những tuyên bố đó tương đồng với những gì họ tin tưởng", ông Harvey nói.

Dù vậy, ảnh hưởng thực sự của họ đối với kết quả bầu cử thường không nhiều. "Những ý kiến của người nổi tiếng thường chỉ là một thanh âm trong cả đại dương quan điểm chính trị của công chúng", bà Nisbett cho biết.

"Hầu hết người dân quyết định dựa trên các nhân tố khác. Họ nhìn vào tình hình kinh tế hay đánh giá liệu họ có nghĩ đất nước đang đi lệch hướng hay không. Gần như không có bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của người nổi tiếng phát huy hiệu quả", theo ông Harvey.

Tuy nhiên, không phải không có ngoại lệ. Một nghiên cứu từng chỉ ra sự ủng hộ của người dẫn chương trình danh tiếng Oprah Winfrey đã giúp ông Barack Obama vượt qua bà Hilary trở thành ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2008, theo Financial Times.

Ảnh hưởng của các ngôi sao

Bà Nisbett cho rằng vai trò những người nổi tiếng là thú hút sự chú ý tới một vấn đề nhất định, thay vì tác động trực tiếp tới quyết định bỏ phiếu.

"Do đó, nếu một nhân vật nổi tiếng ủng hộ ứng viên hay vấn đề nào đó, lượng tìm kiếm sẽ gia tăng và chủ đề này sẽ trở thành xu hướng hàng đầu trên mạng xã hội", bà nói.

Nếu một người nổi tiếng đã có lịch sử ủng hộ hoặc có quan hệ với một vấn đề nhất định, người này sẽ có uy tín cao hơn khi vận động cho vấn đề đó.

"Bono (nhạc sĩ, ca sĩ kiêm nhà vận động nhân đạo người Ireland) của nhóm nhạc rock U2 được giáo dục và có kinh nghiệm đàm phán trong giới hoạch định chính sách toàn cầu nên có uy tín lớn. Elton John được tín nhiệm trong các vấn đề liên quan tới cộng đồng LGBTQ, một phần vì ông ấy là người đồng tính", ông Harvey chỉ ra.

Các chuyên gia cũng cho biết mọi thành phần dân số đều chịu tác động của người nổi tiếng, tuy nhiên người trẻ có xu hướng chịu tác động nhiều hơn chút ít, không chỉ bởi thần tượng mà bởi cả các fan hâm mộ khác.

"Người trẻ bị thu hút bởi những người nổi tiếng trẻ hơn, hoặc ít nhất là những người quan trọng với họ. Người già dường như gắn bó hơn với những ai cùng thế hệ", ông Harley nhận định.

Về phần mình, Taylor Swift đến nay vẫn chưa chính thức lên tiếng ủng hộ ứng viên nào. Truyền thông Mỹ đang bàn luận nhiều hơn đến khả năng cô sẽ được ngôi sao bóng bầu dục Travis Kelce cầu hôn sau trận Super Bowl - chung kết mùa giải của bóng bầu dục Mỹ - vào ngày 11/2 tới.

Theo khảo sát được hãng tư vấn Redfield & Wilton Strategies công bố hồi cuối tháng 1, 18% cử tri cho biết họ sẽ có xu hướng bầu nhiều hơn cho ứng viên được Taylor Swift ủng hộ. Tuy nhiên, 17% tuyên bố ứng viên này sẽ ít khả năng được họ lựa chọn hơn, Newsweek đưa tin.

"Trong năm nay, nhiều ý kiến suy đoán rằng Tổng thống Biden sẽ hưởng lợi nếu được Taylor Swift ủng hộ, đặc biệt trong việc kêu gọi các cử tri trẻ vốn thường không có tỷ lệ bỏ phiếu cao. Tuy vậy, liệu điều đó có xảy ra trong thực tế hay không vẫn còn là ẩn số", ông Harvey nói.

Mối đe dọa mới đối với tàu sân bay Mỹ trên Biển Đỏ

Các thủy thủ thuộc nhóm tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ đã trải qua 4 tháng liên tiếp trên biển phòng thủ trước “cơn mưa” tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) cũng như một mối đe dọa mới từ lực lượng Houthi của Yemen.

Theo hãng tin AP, ngoài UAV và tên lửa, gần đây, lực lượng Houthi đã bắt đầu sử dụng tàu tự hành USV (hay còn gọi là xuồng tự sát). Houthi lần đầu tiên sử dụng vũ khí này vào ngày 4/1 khi tấn công các tàu quân sự và tàu hàng của Mỹ trên Biển Đỏ. Nhiều tuần kể từ đó, Hải quân Mỹ đã đánh chặn và phá hủy nhiều USV.

Chuẩn đô đốc Marc Miguez, chỉ huy nhóm tấn công tàu sân bay số 2, trong đó có tàu USS Dwight D. Eisenhower, cho biết: “Đây là loại vũ khí chúng tôi không có nhiều thông tin. Rõ ràng người Houthi có khả năng kiểm soát chúng như những gì họ làm với máy bay không người lái”.

Lực lượng Houthi bắt đầu tấn công các tàu của Mỹ sau vụ nổ gây chết người tại bệnh viện Al-Ahli ở Gaza vào ngày 17/10/2023, vài ngày sau khi cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas bùng phát. Lực lượng cho biết họ sẽ tiếp tục phóng tên lửa vào các tàu đi qua khu vực cho đến khi Israel ngừng các hoạt động quân sự tại Gaza.

Kể từ ngày 4/11/2023, tàu sân bay Eisenhower đã được triển khai đến Biển Đỏ tuần tra. Trong suốt 4 tháng qua, phi đội máy bay chiến đấu và giám sát của nhóm tàu Eisenhower đã làm việc không ngừng nghỉ để phát hiện và đánh chặn tên lửa và UAV của Houthi tại Biển Đỏ, Eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Aden.

Tính đến ngày 14/2, nhóm tàu sân bay tấn công – bao gồm tàu tuần dương USS Philippine Sea, các tàu khu trục USS Mason và Gravely, tàu khu trục USS Laboon và USS Carney đã tiến hành hơn 95 lần chặn UAV, tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa hành trình chống hạm, thực hiện hơn 240 cuộc tấn công tự vệ nhằm vào hơn 50 mục tiêu Houthi.

Ngày 15/2, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ báo cáo nhóm tàu tấn công đã đánh chặn và phá hủy thêm 7 tên lửa hành trình chống hạm và một USV mang theo chất nổ chuẩn bị phóng nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ.

Theo Trung tâm Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh, một tàu thương mại ở Vịnh Aden đã báo cáo về một vụ nổ xảy ra gần tàu, nghi ngờ Houthi tấn công. Người phát ngôn lực lượng Houthi Tướng Yahya Saree sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công và khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy tên lửa của lực lượng đã bắn trúng tàu. Ông xác định con tàu mục tiêu là tàu chở hàng treo cờ Barbados thuộc sở hữu của công ty vận tải Anh Helikon.

“Chúng tôi liên tục theo dõi những gì lực lượng Houthi đang làm. Khi chúng tôi phát hiện các mục tiêu quân sự đe dọa khả năng hoạt động của các tàu buôn, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ những tàu đó và tấn công các mục tiêu một cách chính xác”, Cơ trưởng Marvin Scott, chỉ huy tám phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, chia sẻ.

Tuy nhiên, USV vẫn là một mối đe dọa đáng lo ngại đối với hải quân Mỹ và các tàu hàng.

“Sẽ là một kịch bản đáng sợ khi một tàu USV mang chất nổ có thể di chuyển với tốc độ khá nhanh. Nếu không có mặt kịp thời tại hiện trường, mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ chỉ trong chớp mắt”, Chuẩn Đô đốc Miguez nhấn mạnh.

Trong ngày 15/2, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cũng báo cáo tàu tuần duyên Clarence Sutphin Jr. của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã đột kích một con tàu ở Biển Arab chuẩn bị đến Yemen vào ngày 28/1 và thu giữ các bộ phận tên lửa đạn đạo tầm trung, chất nổ, các thành phần USV và thiết bị liên lạc cấp quân sự.

Nguồn: Vnexpress; Thanh Niên; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang