Mỹ: 'Chia để trị' MXH; Hoãn áp thuế dịch vụ kỹ thuật số; Trump sắp hầu tòa; Cuộc đua đánh chặn tên lửa; Khoa học vũ trụ tụt hậu

Mỹ sẽ "chia để trị" mạng xã hội?

Chính quyền Mỹ có thể áp dụng phương pháp "chia để trị" các mạng xã hội

Kiểm soát chặt chẽ BigTech cũng khó như việc ngăn chặn nhà tư bản tạo ra giá trị thặng dư. Cuộc giằng co này đang diễn ra rất nóng bỏng ở Mỹ.

Mỹ là nơi sản sinh ra nhiều công ty khổng lồ, và không nơi đâu chính quyền và doanh nghiệp “hục hặc” nhau căng thẳng như ở Mỹ. Trong lịch sử, các nhà lập pháp Mỹ từng vất vả “chiến đấu” với ông trùm dầu mỏ Standard Oil của John D. Rockefeller. Phần thắng dĩ nhiên thuộc về chính quyền.

Đầu thế kỷ 21, khi công nghệ là đại diện tiêu biểu của kinh tế toàn cầu lại xuất hiện những Alphabet, Meta, Amazone,… Thoạt đầu, các công ty này được hậu thuẫn hết mức để trở thành “cỗ máy kiếm tiền”. Khi có rất nhiều tiền, các doanh nghiệp trở thành mối đe dọa.

Đế chế công nghệ, mạng xã hội không chỉ là bán hàng, mà đã thâm nhập vào đời sống xã hội, chính trị ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Các công ty này nắm được “sinh trắc học” khách hàng thông qua dữ liệu “mềm”.

Trong một xã hội được coi là dân chủ tột bậc như Mỹ, những gã khổng lồ công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến thị hiếu tiêu dùng, tâm lý đời sống chính trị và các chính trị gia cũng bị cuốn theo.

Những gì mạng xã hội Facebook và Twitter thể hiện trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 khiến chính phủ Mỹ phải suy nghĩ lại. Các chuyên gia mạng cho rằng, BigTech đã thực sự tác động đến hành vi bỏ phiếu của người dùng bằng cách sử dụng các thuật toán tinh vi. Vì vậy, một cuộc tổng tấn công quy mô lớn bằng pháp lý đã được phát động, không chỉ về mặt thông tin cá nhân.

Ngày 15/2 vừa qua, Thị trưởng New York chính thức đệ đơn kiện các công ty mẹ của TikTok, Instagram, Facebook, Snapchat và YouTube, cáo buộc rằng dịch vụ của họ đang gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của thanh niên và trẻ em ở thành phố lớn nhất nước Mỹ.

Các nền tảng này được cho là cố tình “thiết kế, phát triển, sản xuất, vận hành, quảng bá, phân phối và tiếp thị nội dung để thu hút và gây nghiện giới trẻ mà không có sự giám sát tối thiểu của phụ huynh”.

Giới lập pháp thành phố New York đã thu thập bằng chứng xác minh các trường học và nhiều dịch vụ xã hội, y tế khác nhau của thành phố về sức khỏe tâm thần do sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến.

Thị trưởng New York Adams cho hay: “Trong thập kỷ qua, chúng ta đã thấy thế giới trực tuyến có thể gây nghiện và choáng ngợp đến mức nào, khiến con cái chúng ta phải tiếp xúc với luồng nội dung độc hại không ngừng nghỉ và gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần cho giới trẻ trên toàn quốc”.

Các nhà lập pháp đang chỉ trích mạnh mẽ đối với các công ty truyền thông xã hội, đồng thời thúc đẩy nhiều dự luật như Đạo luật An toàn trực tuyến cho trẻ em. Các Giám đốc điều hành của Meta, TikTok và Snap đã tham dự phiên điều trần của Uỷ ban Tư pháp Thượng viện vào cuối tháng 1/2024, họ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ một nhóm nghị sĩ.

Tương lai của mạng xã hội bị đặt dấu hỏi trong bối cảnh họ có thêm “vũ khí” mới là trí tuệ nhân tạo. Rõ ràng, chính phủ hoàn toàn có quyền thay mới các đạo luật liên quan đến hoạt động của BigTech, nhưng bản thân các công ty này không “giơ tay chịu trói”.

Mỹ và 5 nước châu Âu hoãn áp thuế dịch vụ kỹ thuật số thêm 6 tháng

Mỹ và 5 nước châu Âu ngày 15/2 đã gia hạn thỏa thuận đình chiến thương mại về thuế dịch vụ kỹ thuật số thêm 6 tháng để có thời gian đàm phán về các quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn lớn.

Một thông báo chung của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và năm quốc gia châu Âu là Áo, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha cho biết thỏa thuận tháng 10/2021 về việc đình chỉ việc áp thuế đơn phương của Mỹ đối với các dịch vụ kỹ thuật số sẽ được gia hạn đến ngày 30/6. Theo lịch trình trước đó, thỏa thuận này hết hạn vào cuối năm 2023.

Thỏa thuận ban đầu nói trên là một sự thỏa hiệp. Theo đó, năm nước nói trên sẽ hoãn áp thuế kỹ thuật số cho đến khi Phần Trụ cột 1 của thỏa thuận thuế toàn cầu được thực thi. Phần Trụ cột 1 (Pillar 1) của thỏa thuận sẽ chấm dứt các loại thuế đơn phương đối với các dịch vụ kỹ thuật số để đổi lấy một cơ chế mới, qua đó cho phép đánh thuế các công ty có lợi nhuận lớn dựa trên nơi họ bán sản phẩm và dịch vụ, thay vì nơi đặt trụ sở chính và tài sản trí tuệ của họ.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề này phức tạp hơn dự đoán ban đầu, khiến cho các nước phải lùi lại thời hạn thực thi cuối năm 2023.

Trước đó, USTR dọa sẽ đánh thuế 25% đối với hơn 2 tỷ USD hàng nhập khẩu từ năm quốc gia châu Âu nói trên và Thổ Nhĩ Kỳ, từ mỹ phẩm đến túi xách, sau khi cuộc điều tra theo Mục 301 kết luận rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số của các nước này có tính phân biệt đối xử và chủ yếu nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Meta, Alphabet, Amazon.com và Apple.

Tháng 12 năm ngoái, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã kêu gọi hoàn tất phần Trụ cột 1 vào cuối tháng Ba năm nay để tiến hành ký kết vào ngày 30/6.

Ông Trump sẽ hầu tòa vào ngày 25 tháng 3 ở New York

Ông Donald Trump sẽ trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên hầu tòa về các cáo buộc hình sự sau khi một thẩm phán ở New York hôm 15/2 ấn định ngày xét xử vào ngày 25 tháng 3 và từ chối yêu cầu hủy bỏ vụ án, bắt nguồn từ việc trả tiền cho một ngôi sao khiêu dâm để cô im lặng.

Phán quyết của Thẩm phán Juan Merchan ở Manhattan đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ hầu tòa đối với ít nhất một trong bốn vụ án hình sự mà ông phải đối mặt trong khi tranh cử để trở thành đề cử của Đảng Cộng hòa trong cuộc đối đầu với Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 ở Hoa Kỳ.

Ông Trump, 77 tuổi, đã đề nghị ông Merchan hủy bỏ bản cáo trạng gồm 34 tội danh, vốn cáo buộc ông Trump làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để che đậy khoản thanh toán 130.000 USD cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels trước cuộc bầu cử năm 2016. Ông Mercan mất chưa đầy 10 phút để từ chối đề nghị của ông Trump và xác định ngày xét xử.

Ông Mercan cho biết rằng phiên tòa có thể kéo dài 5 hoặc 6 tuần, kết thúc vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Ông Trump đã không nhận tội đối với các cáo buộc do công tố viên ở Manhattan Alvin Bragg, một đảng viên Đảng Dân chủ, đưa ra.

Một bản án có tội sẽ không ngăn cản ông Trump tranh cử tổng thống hoặc nhậm chức, ngay cả khi bị bỏ tù. Nhưng cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy việc kết tội ông có thể làm xói mòn sự ủng hộ của cử tri đối với ông.

Cuộc đua đánh chặn tên lửa Mỹ - Nga: Phía sau vũ khí đặc biệt, ‘ranh ma’ của Washington và câu trả lời của Moscow

Washington khởi động giai đoạn tiếp theo của việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ phần lục địa của nước này, còn phía Moscow thì sao?

Theo bài viết trên báo RIA Novosti (Nga), tập đoàn Northrop Grumman và Lockheed Martin đã hoàn thành việc thiết kế nguyên mẫu một tên lửa đánh chặn đầy triển vọng. Lầu Năm Góc bảo đảm rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa này có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hiện đại của Nga và Trung Quốc khi đang bay.

Thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ là khoảng 60 tên lửa đánh chặn từ mặt đất (GMD) được triển khai ở Alaska và California. Chúng có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở giữa quỹ đạo bay.

Việc xác định mục tiêu được thực hiện bởi hệ thống radar theo dõi và cảnh báo sớm. Đầu đạn có động năng, tiêu diệt mục tiêu bằng một cú va chạm trực diện. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm cho thấy hiệu quả thấp - chúng chỉ bắn hạ được 1/2 số tên lửa mồi.

Người Mỹ đã nhiều lần nỗ lực cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa trên lục địa. Họ nghiên cứu phương án sử dụng nhiều đầu đạn (MOKV) song không đạt được kết quả. Vào giữa thập kỷ trước, họ đã khởi động chương trình Tái thiết phương tiện tiêu diệt (RKV) nhằm tạo ra đầu đạn mới cho tên lửa đánh chặn để thay thế cho các tên lửa đánh chặn xuyên khí quyển động học hiện có.

Mỹ đã phân bổ 5,8 tỷ USD cho chương trình này. Các doanh nghiệp Raytheon, Boeing và Lockheed Martin dự kiến hoàn thành quá trình phát triển vào năm 2025, nhưng tháng 8/2020, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đã hủy hợp đồng. Theo truyền thông Mỹ, nguyên nhân là do “vấn đề về thiết kế sản phẩm”. Sau đó, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ không đầu tư nâng cấp nền tảng GMD nữa; họ cần một tên lửa đánh chặn mới về cơ bản.

Bảo vệ trước “Avangard”

Các tên lửa đánh chặn mới đã được đưa vào trực chiến từ giữa những năm 2020 và theo thời gian đã trở thành nòng cốt của hệ thống phòng thủ tên lửa. Lầu Năm Góc quyết định tiếp tục hiện đại hóa chúng vì nghi ngờ rằng ICBM của Nga và Trung Quốc quá mạnh đối với các tên lửa đánh chặn hiện có, trước hết là hệ thống GMD.

Chương trình Tên lửa đánh chặn thế hệ mới (NGI) được khởi động tháng 4/2023 khi MDA yêu cầu ngành công nghiệp nước này đưa ra các phương án thiết kế mới. 4,9 tỷ USD và 5 năm là khoản kinh phí và khung thời gian dự trù dành cho việc phát triển và chế tạo sản phẩm. Bên cạnh Lockheed Martin và Northrop Grumman, Boeing, nhà sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa GMD, đã tham gia vào quá trình đấu thầu dự án này, song không được Lầu Năm Góc lựa chọn.

Sự xuất hiện của NGI cùng các đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật của nó vẫn là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nhiều lần nhấn mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia phải có khả năng đánh chặn các đầu đạn hiện đại nhất, trong đó có đầu đạn siêu âm. Có lẽ, NGI sẽ được thiết kế chủ yếu để nhắm tới tổ hợp tên lửa siêu âm “Avangard” mới nhất của Nga.

Không rõ người Mỹ sẽ đánh chặn một đầu đạn đang cơ động như thế nào. Sự khác biệt chính giữa hệ thống phòng thủ tên lửa và tên lửa phòng không là nó nhắm trước vào một điểm mà sau đó mục tiêu sẽ bay qua. Do quỹ đạo của đầu đạn Avangard vô cùng khó đoán nên các nhà thiết kế của Washington sẽ phải nghĩ ra một thứ gì đó rất đặc biệt, “ranh ma” hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản là chống lại tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp năng lực của người Mỹ. Việc phát triển phương tiện đánh chặn triển vọng sẽ cho phép họ tiếp cận các công nghệ và giải pháp kỹ thuật mới.

Ngày nay, một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả để bảo vệ chống lại kẻ thù có tiềm lực khoa học, kỹ thuật và kinh tế tương đương là điều không thể. Chiến lược răn đe bằng đe dọa trả đũa hoặc tấn công trả đũa bằng tên lửa đạn đạo đáng tin cậy hơn nhiều. Tuy nhiên, không thể nói rằng việc phát triển một tên lửa đánh chặn triển vọng là lãng phí tiền bạc. Điều này cho phép đạt tới các công nghệ và giải pháp kỹ thuật mới sẽ hữu ích trong tương lai.

Giải pháp tình thế

Theo Sputnik, trong khi NGI đang được phát triển, Washington dự định tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở phần lục địa của nước này nhờ vào lực lượng và kinh phí khác. Trước hết, đó là tàu chiến có trang bị hệ thống thông tin-điều khiển chiến đấu Aegis và dòng tên lửa đánh chặn Standard. Một số tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga được bố trí làm nhiệm vụ thường trực không phải “ở đâu đó xa xôi trên Thái Bình Dương bao la” mà là ngay ngoài khơi bờ biển của nước Mỹ.

Tuy nhiên, những sửa đổi ban đầu của dòng tên lửa đánh chặn Standard vốn được thiết kế để tiêu diệt tên lửa tầm ngắn và tầm trung, không có khả năng đánh chặn ICBM “tầm xa”. Niềm hy vọng lớn được gửi gắm vào phiên bản sửa đổi mới nhất của SM-3 Block IIA, một trong số những tên lửa đánh chặn tối tân nhất hiện nay do Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển. Trong quá trình thử nghiệm năm 2020, nó bắn hạ mục tiêu mô phỏng đầu đạn ICBM ở vùng quần đảo Hawaii.

Ngoài ra, không loại trừ việc Mỹ sẽ triển khai phiên bản Aegis Ashore trên lãnh thổ của mình, cụ thể là ở Hawaii. Người Mỹ đã triển khai các thành tố của tổ hợp tương tự ở Ba Lan và Romania. Washington cũng dự định triển khai hệ thống này ở Nhật Bản nhưng Tokyo đã từ chối.

Một lớp phòng thủ tên lửa quốc gia khác là các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn THAAD trên mặt đất, cụ thể được triển khai ở Hàn Quốc và Guam. Người ta cho rằng, THAAD sẽ bắn hạ đầu đạn ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay. Không có thông tin chính xác về việc cần bao nhiêu tổ hợp trong số này để bảo vệ toàn bộ nước Mỹ.

Câu trả lời của Nga

Người Mỹ mới bắt đầu chế tạo một hệ thống phòng thủ tên lửa mới, trong khi ở Nga công việc tương tự đang diễn ra sôi nổi. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã thực hiện 11 lần phóng thành công tên lửa mới của hệ thống A-235 Nudol tại thao trường Sary-Shagan ở Kazakhstan. Không giống như hệ thống A-135 hiện đang bảo vệ Moscow và khu vực công nghiệp trung tâm, Nudol có tính di động, tức là nó có thể được triển khai ở bất cứ nơi nào của nước Nga.

Ngoài ra, hệ thống tên lửa phòng không S-500 đã được quân đội Nga đưa vào sử dụng, có khả năng đánh chặn cả mục tiêu khí động học và đạn đạo tốc độ cao trong các lớp khí quyển dày đặc và các mục tiêu ở độ cao hơn 200 km. Các đặc tính chiến thuật, kỹ thuật của hệ thống phòng không này cũng như thông tin về số lượng tổ hợp đang làm nhiệm vụ chiến đấu là tuyệt mật. Tuy nhiên, theo quân đội Nga, S-500 đã chứng tỏ hiệu quả cao trước mọi loại mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm.

Khoa học vũ trụ Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc

Các nhà lập pháp Mỹ vừa đưa ra những cảnh báo quan trọng liên quan đến ngành khoa học vũ trụ trong phiên điều trần hôm 14/2.

Các nhà lập pháp Mỹ cho biết trong một phiên điều trần hôm 14/2 rằng, NASA có nguy cơ nhường vị trí cho Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, nếu không có sẵn trạm vũ trụ nào thay thế cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong tương lai gần.

Thậm chí, các chương trình không gian đang phát triển của Trung Quốc và Trạm Vũ trụ Thiên Cung của nước này đã được nhắc đến nhiều lần trong phiên điều trần trực tiếp của Tiểu ban Hạ viện Mỹ, khi xem xét tương lai của ngành nghiên cứu vũ trụ Mỹ, và tương lai của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), dự kiến ​​sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030.

Tại phiên điều trần này, nhiều diễn giả về không gian và hàng không của Tiểu ban Hạ viện Mỹ cũng đã thảo luận về mối đe dọa thực sự từ các hoạt động nghiên cứu không gian của Trung Quốc có nguy cơ sẽ làm lu mờ những nỗ lực của Mỹ trên Quỹ đạo Trái đất tầm thấp.

NASA có kế hoạch chuyển đổi các trạm vũ trụ thương mại, nhưng liệu một hoặc nhiều trạm vũ trụ đó có sẵn sàng kịp thời hay không, thì đó vẫn là một câu hỏi mở tùy thuộc vào các yếu tố như kinh phí, ưu tiên về chính sách và tiến bộ kỹ thuật. (Các quan chức của NASA cũng đang xem xét khả năng mở rộng hoạt động của Trạm ISS sau năm 2030, nhưng tất cả tùy thuộc vào mọi việc sẽ diễn ra như thế nào).

Ngòai ra, Mỹ không phải là người chơi duy nhất trong lĩnh vực bằng sáng chế thí nghiệm khoa học không gian. Trung Quốc đang cố gắng phát triển lĩnh vực nghiên cứu không gian một cách nhanh chóng, mặc dù Trạm Vũ trụ Thiên Cung nhỏ hơn và kém trưởng thành hơn ISS.

Trạm Vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc bao gồm hơn 20 phòng thí nghiệm nhỏ được trang bị máy ly tâm, buồng lạnh đạt nhiệt độ thấp tới -80 độ C, lò nung nhiệt độ cao, nhiều tia laser và đồng hồ nguyên tử quang học. Tất cả được đánh giá là có thể tồn tại đến năm 2032 hoặc lâu hơn thế nữa, Trạm Vũ trụ Thiên Cung có thể sẽ tổ chức 1.000 thí nghiệm trong suốt vòng đời hoạt động của mình. Để so sánh, Trạm ISS đã thực hiện khoảng 3.000 cuộc điều tra thí nghiệm nghiên cứu không gian trong 25 năm tính đến tháng 9/2023.

Một nhân chứng của tiểu ban Dylan Taylor, cũng là Giám đốc điều hành của Voyager Space, một công ty không gian tư nhân Mỹ cho biết: “Nếu các nền tảng Trạm vũ trụ thương mại của Mỹ không có sẵn trước khi ISS ngừng hoạt động, các quốc gia đối tác hiện tại của chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sẽ hướng về Trung Quốc”.

Nguồn: 24h Money; Bnews; VOA; Báo Quốc Tế; VTC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang