Mỹ: Giấc mơ xa vời; Doanh nghiệp cắt giảm chi phí; Hạ viện lo đối phó nguy cơ thảm khốc từ AI; 'Trừng phạt lớn' với Nga

Giấc mơ xa vời của nước Mỹ: Muốn tạo ra chuỗi cung ứng xe điện lấy mình làm trung tâm nhưng quên rằng vẫn còn Trung Quốc, từ Á sang Âu đều phải phụ thuộc

Tổng thống Joe Biden có một giấc mơ nhưng khá khó để trở thành hiện thực?

Tổng thống Joe Biden có một giấc mơ và Elon Musk có vẻ là người có khả năng biến điều đó thành hiện thực nhất: Tạo ra một chuỗi cung ứng xe điện lấy Mỹ làm trung tâm nhờ Đạo luật Giảm lạm phát trị giá hàng tỷ USD. Tesla của Musk đã tham gia vào cuộc chiến này nhờ mối quan hệ thương mại sâu sắc với các nhà cung cấp phương Tây, pin có nguồn gốc từ Nevada và một nhà máy lọc lithium đang hoạt động ở Texas. Vào năm 2023, xe của họ chiếm 4 vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng hàng năm những chiếc xe do Mỹ sản xuất nhiều nhất.

Tuy nhiên, Tesla đang phòng ngừa rủi ro cho vụ cá cược của mình. Theo dữ liệu thương mại từ IHS Markit, chỉ 7 tháng sau khi IRA có hiệu lực, công ty đã bắt đầu mua pin lithium-ion do Trung Quốc sản xuất với số lượng lớn đến mức trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất nước Mỹ đối với loại pin này.

“Thị trường Mỹ ngày nay phần lớn là Tesla, vì vậy sẽ phụ thuộc vào cách hãng tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Tesla đang trên đà phát triển nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc trong suốt khoảng thời gian dài”, Sam Adham, người đứng đầu bộ phận vật liệu pin tại CRU Group, cho biết.

Trung Quốc, nhà khai thác lớn nhất thế giới với hơn hai chục kim loại và khoáng sản quan trọng, trong thập kỷ qua đã thắt chặt kiểm soát của mình đối với mạng lưới cung cấp rộng khắp các thành phần pin quan trọng, từ lithium đến mangan và coban. Sự xuất hiện của IRA theo đó được cho là phù hợp bởi chúng đóng vai trò như những chất xúc tác tạo ra mạng lưới cung ứng thay thế trên khắp nước Mỹ.

Việc đảm bảo các khoản tín dụng thuế rất quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ như GM và Ford - những hãng vốn đang lỗ hàng tỷ USD và đối mặt với phản ứng dữ dội của người tiêu dùng đối với phân khúc xe giá cao. Jim Farley, giám đốc điều hành của Ford, phát biểu tại một hội nghị rằng 30% doanh thu toàn cầu của công ty có thể gặp rủi ro nếu không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Bộ Tài chính đã nhượng bộ cho phép kim loại do các công ty ngoài quốc doanh của Trung Quốc sản xuất, hoạt động ở nước ngoài, được thâm nhập vào thị trường xe hơi Mỹ. Có vẻ như người ta đã chấp nhận rằng nếu không có niken và coban của Indonesia từ Congo, các nhà sản xuất ô tô Mỹ sẽ không thể đảm bảo nguyên liệu thô mà họ cần, bất chấp cam kết chi hàng trăm tỷ USD cho các mỏ, nhà máy lọc dầu và nhà máy pin của Mỹ.

“Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nguyên liệu cho công nghệ pin lớn hơn ảnh hưởng của OPEC đối với dầu mỏ. Toàn bộ lĩnh vực pin ở Châu Âu và Bắc Mỹ phải suy nghĩ nghiêm túc về cách họ có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình”, Mattias Gromark, người điều hành quỹ kim loại xanh đầu tư vào chuỗi cung ứng pin châu Âu và Bắc Mỹ tại Atlant Fonder AB của Thụy Điển, cho biết.

Theo Bloomberg NEF, bất chấp nhu cầu chậm lại trong năm qua, doanh số bán xe điện vẫn được dự đoán chiếm 51% doanh số bán ô tô mới của Mỹ vào năm 2030 so với khoảng 9,5% hiện nay.

Ngoài việc cung cấp các ưu đãi cho người tiêu dùng, IRA đưa ra các khoản tín dụng thuế bổ sung tương đương với các khoản trợ cấp lên tới 30% chi phí sản xuất. Điều đó phần nào khuyến khích các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp pin đầu tư mạnh cho chuỗi cung ứng tập trung vào Mỹ. Hơn 100 tỷ USD đã được chi trong 15 tháng đầu tiên sau khi Đạo luật được ký thành luật vào tháng 8 năm 2022.

Lợi nhuận và công nghệ độc quyền của Tesla mang lại cho hãng một lợi thế khác biệt, song các nhà sản xuất phụ tùng Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng.

Vào đầu năm, Tesla để tuột mất khoản tín dụng thuế IRA trị giá 7.500 USD đối với một số phương tiện, trong đó có phiên bản giá cả phải chăng nhất của Model 3 sử dụng pin nhập khẩu từ CATL của Trung Quốc. Ford có kế hoạch cung cấp pin LFP chi phí thấp từ CATL cho Mustang Mach-E và F-150 Lightning.

“Ford đã nhiều lần nói rằng họ đang gặp khó khăn trong việc kiếm tiền từ xe điện. Họ thực sự không thể làm được điều đó nếu không có pin LFP. Đối với các nhà sản xuất ô tô, đó là một vấn đề”, Adham của CRU cho biết.

Hàn Quốc, quê hương của Samsung, LG Energy Solution và SK, được một số người coi là giải pháp. Vị thế là đối tác thương mại tự do với Mỹ giúp nước này trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất ô tô phương Tây. Theo tính toán của Bloomberg, kể từ khi IRA có hiệu lực, các công ty Hàn Quốc đã cam kết chi gần 48 tỷ USD để xây dựng các nhà máy mới sản xuất hóa chất, cực âm và pin thành phẩm tại quê nhà và ở Bắc Mỹ.

Hàn Quốc cũng đang nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng mới để thoát khỏi sức ảnh hưởng của Bắc Kinh. Họ trước đây luôn phụ thuộc vào nguyên liệu thô có nguồn gốc từ Trung Quốc.

“Khách hàng của chúng tôi đang yêu cầu mức giá tương tự các nhà sản xuất Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi đang tìm kiếm thêm những vật liệu mà Trung Quốc chưa đầu tư”, Jung Gon Hwang, người đứng đầu nhóm chiến lược doanh nghiệp tại LS MnM, cho biết.

Năm 2024, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ cắt giảm chi phí

Sức cầu giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến nhiều công ty lớn tại Mỹ buộc phải cắt giảm chi phí hoạt động. Trong đó, việc sa thải nhân sự đang là quyết sách được đưa ra nhiều nhất.

Loạt doanh nghiệp tìm cách “thắt lưng buộc bụng”

Theo CNBC, hàng loạt doanh nghiệp lớn tại xứ cờ hoa, từ các công ty công nghệ cho đến những nhà sản xuất đồ chơi, mỹ phẩm, đều đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cắt giảm chi phí vận hành. Những cái tên nổi bật như Mattel, PayPal, Cisco, Nike, Estee Lauder và Levi Strauss đều đồng loạt sa thải nhân sự trong thời gian gần đây. Nhiều "ông lớn" trong ngành công nghệ như Amazon, Alphabet, Microsoft và Cisco cũng không thể thoát khỏi xu hướng này.

Tuy nhiên, việc sa thải nhân sự là chưa đủ. Chuỗi bán lẻ Macy dù đã cắt giảm gần 2.300 nhân sự nhưng vẫn đóng cửa thêm gần 5 cửa hàng. Trong khi đó, hãng hàng không United Airlines lại tiết kiệm chi phí bằng cách loại bỏ các suất ăn hạng nhất trên các chuyến bay ngắn. Một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ như General Motors và Ford cũng đã cắt giảm chi tiêu hàng tỷ USD thông qua việc tạm hoãn các khoản đầu tư vào xe điện, khi doanh số dòng xe này không đạt như kỳ vọng.

Thậm chí, xu hướng này còn diễn ra với những doanh nghiệp đang có lãi. Trong năm 2023, các ngân hàng lớn của Mỹ đã có một năm “ăn nên làm ra”, nhờ lãi suất cơ bản USD Mỹ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, năm nhà băng lớn nhất của quốc gia vẫn sa thải hơn 20.000 nhân viên. Hiện tại, các “ông lớn” vẫn đang chờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất để giải phóng tiền mặt cho những hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) vốn đang bị dồn nén.

Theo báo cáo của Challenger, Gray và Christmas, trong tháng 1/2024, các công ty Mỹ đã công bố cắt giảm 82.307 việc làm, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với tháng 12/2023.

Chuyên gia phân tích bán lẻ David Silverman đến từ Fitch Ratings cho biết các công ty đang phải tìm cách cắt giảm chi phí, do tăng trưởng doanh thu chỉ ở mức khiêm tốn và thậm chí có thể sụt giảm trong thời gian tới. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn phải dành thêm các khoản đầu tư vào những công nghệ mới để hỗ trợ mảng thương mại điện tử, chuỗi cung ứng bền vững và trí tuệ nhân tạo.

“Hầu hết chi phí của mọi thứ đều tăng so với mức trước đại dịch, cho dù đó là hàng hóa, nhân công hay lãi suất. Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều đang phải ‘đau đầu’ trong việc giải bài toán chi phí”, ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Ernst & Young Global Limited (EY), chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Daco nhận định rằng nhiều doanh nghiệp đã đánh mất sự cân đối giữa cung và cầu đối với hàng hóa, dịch vụ, nguồn nhân lực, kể từ giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Do đó, mấu chốt trong năm 2024 của nhiều công ty sẽ là tìm kiếm lại điểm cân bằng vốn có.

Lợi ích từ những đợt cắt giảm

Việc cắt giảm chi phí hoạt động, hoặc cụ thể hơn là sa thải nhân sự, đã giúp nhiều doanh nghiệp “thoát một bàn thua trông thấy”. Chẳng hạn với Meta, công ty mẹ của Facebook, lợi nhuận quý IV/2023 của doanh nghiệp đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 14 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên, ông Mark Zuckerberg, CEO của Meta, đã phải cơ cấu lại hoạt động của công ty, hạn chế kế hoạch tuyển dụng và cắt giảm nhân sự từ hơn 86.000 người trong năm 2022 xuống còn 67.317 người.

Tương tự, Công ty vận chuyển UPS cho biết việc cắt giảm 12.000 việc làm đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD. Hãng phim Warner Bros cũng đã “để dành” được 4 tỷ USD sau hàng loạt động thái cắt giảm chi tiêu và nhân sự.

Với chuỗi nhà hàng Chipotle, đơn vị này lại chọn cách cải thiện năng suất hoạt động để gia tăng lợi nhuận. Mới đây, công ty đã sử dụng nhiều loại robot khác nhau trong công đoạn nấu ăn và sắp xếp dụng cụ ăn uống. Nhờ khả năng xử lý chuẩn chỉnh của máy móc, lượng thực phẩm bị lãng phí đã được giảm đáng kể. Ngoài ra, nhiều vị trí công việc cũng đã bị thay thế bởi robot, từ đó giảm bớt chi phí nhân sự.

Ngoài ra, vẫn có một số công ty “ngược dòng” trong xu hướng cắt giảm chi tiêu. Trong tháng 1/2024, Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, đã lên kế hoạch xây dựng thêm hoặc chuyển đổi hơn 150 cửa hàng trong 5 năm tới, đồng thời đầu tư hơn 9 tỷ USD để tân trang các cửa hàng hiện có.

Hạ viện Mỹ lo đối phó nguy cơ thảm khốc từ AI

Hạ viện Mỹ thành lập lực lượng chuyên trách nhằm nghiên cứu những biện pháp để trí tuệ nhân tạo (AI) có ích thay vì gây tác hại cho xã hội.

Hãng Reuters ngày 20.2 dẫn lời các lãnh đạo Hạ viện Mỹ thông báo về việc thành lập một lực lượng chuyên trách lưỡng đảng nhằm nghiên cứu những quy định có thể giải quyết mối lo ngại xung quanh vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI).

Những nỗ lực tại Quốc hội Mỹ nhằm thông qua luật giải quyết vấn đề AI đã bị đình trệ, mặc dù có nhiều diễn đàn cấp cao và đề xuất lập pháp trong năm qua.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết lực lượng chuyên trách sẽ chịu trách nhiệm đưa ra một báo cáo toàn diện và xem xét "các biện pháp phù hợp để bảo vệ quốc gia trước các mối đe dọa hiện tại và đang nổi lên".

AI tạo sinh có thể tạo văn bản, ảnh và video theo những lời gợi ý đã đem lại những hứa hẹn nhưng cũng kèm lo ngại rằng nó có thể khiến một số công việc trở nên lỗi thời, làm xáo trộn các cuộc bầu cử, có khả năng chế ngự con người và gây ra những hậu quả thảm khốc.

Vấn đề này càng thu hút thêm sự chú ý sau khi một cuộc gọi tự động giả vào tháng 1 bắt chước Tổng thống Joe Biden đã tìm cách ngăn cản mọi người bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở bang New Hampshire.

Ủy ban Truyền thông Liên bang sau đó tuyên bố rằng các cuộc gọi được thực hiện bằng giọng nói do AI tạo ra là bất hợp pháp.

Báo cáo của lực lượng chuyên trách sẽ bao gồm "các nguyên tắc hướng dẫn, khuyến nghị và các đề xuất chính sách lưỡng đảng được phát triển với sự tham vấn của các ủy ban" tại quốc hội.

Ông Jeffries cho biết "sự trỗi dậy của AI cũng đặt ra một loạt thách thức đặc biệt và cần đưa ra một số biện pháp nhất định để bảo vệ người dân Mỹ".

Hạ nghị sĩ Jay Obernolte đứng đầu lực lượng chuyên trách gồm 24 thành viên cho biết báo cáo sẽ nêu chi tiết "các tiêu chuẩn quy định và hành động của quốc hội cần thiết để vừa bảo vệ người tiêu dùng vừa thúc đẩy đầu tư và đổi mới liên tục vào AI".

Tương tự, hạ nghị sĩ Ted Lieu cho rằng vấn đề làm làm cách nào để đảm bảo rằng AI có ích thay vì gây tác hại đối với xã hội.

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết các công ty AI hàng đầu nằm trong số hơn 200 tổ chức đã tham gia kế hoạch hỗ trợ triển khai AI an toàn. Trong số này có OpenAI, Google, Anthropic, Microsft, Meta, Apple, Amazon và Nvidia.

Mỹ ban hành ‘các biện pháp trừng phạt lớn’ đối với Nga về cái chết của Navalny

Hoa Kỳ sẽ công bố một gói chế tài lớn chống lại Nga vào ngày 23/2 liên quan đến cái chết của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexey Navalny và cuộc chiến kéo dài hai năm ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm 20/2.

Tuy nhiên ông Biden không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết, các chế tài mới nhất đối với Nga sẽ nhắm vào một loạt hạng mục, bao gồm các cơ sở công nghiệp và quốc phòng của nước này, cùng với các nguồn thu cho nền kinh tế.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết gói này sẽ “bắt Nga phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra với ông Navalny” và về các hành động của nước này trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết một gói chế tài đã được lên kế hoạch nhân dịp kỷ niệm hai năm cuộc chiến mà Washington sẽ xem lại và bổ sung sau cái chết của Navalny.

Thứ trưởng Tài chính phụ trách Khủng bố và Tình báo Tài chính, Brian Nelson, đang thảo luận về các chế tài liên quan đến cái chết của ông Navalny trong chuyến đi tới châu Âu vào tuần này, hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Bộ Tài chính nói ông Nelson, trong chuyến thăm Đức, Bỉ và Pháp trước lễ kỷ niệm lần thứ hai của cuộc chiến Ukraine, cũng đang thảo luận về thẩm quyền của Washington trong việc nhắm mục tiêu vào những người tài trợ cho các nỗ lực sản xuất chiến tranh của Nga ngay cả khi họ ở nước thứ ba. Bộ nói rằng Hoa Kỳ đang “tích cực truy đuổi những người cố gắng trốn tránh các lệnh trừng phạt của chúng tôi”.

Hoa Kỳ đã ban hành một loạt chế tài liên quan đến việc Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, các quan chức và ngân hàng.

Washington trước đó cũng đã áp đặt các chế tài liên quan đến vụ đầu độc và bỏ tù ông Navalny năm 2020, nhắm vào những người có liên quan đến Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và các quan chức khác.

Cơ quan quản lý nhà tù cho biết, ông Navalny, tiếng nói chỉ trích ông Putin gay gắt nhất, đã bất tỉnh và đột ngột qua đời hôm 16/2 sau khi đi dạo tại trại giam “Sói Bắc Cực”, nơi ông ta đang thụ án ba thập niên.

Phát biểu với các phóng viên trong một cuộc hội thoại, ông Kirby cho biết Hoa Kỳ đang thúc ép Nga “hoàn toàn minh bạch” về cái chết của ông Navalny hôm 16/2. Ông Biden quy trách nhiệm cho ông Putin về cái chết của nhà bất đồng chính kiến Navalny.

Ông Kirby nói: “Cho dù chính phủ Nga quyết định nói sao với thế giới đi nữa thì rõ ràng Tổng thống Putin và chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Navalny”.

Ông Kirby cho biết tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow đang tìm kiếm thêm thông tin về cái chết của ông Navalny, nhưng theo lời ông, “thật khó để có thể tin vào những gì người Nga sẽ nói về cái chết của ông ấy.”

Nguồn: CafeF; Tin Nhanh Chứng Khoán; Thanh Niên; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang