Giá vé máy bay cao ngất ngưởng; Hãng bia rục rịch chạy Tết; NĐT BĐS thất nghiệp; Lấp đất lúa làm dự án

GIÁ VÉ MÁY BAY TẾT 2023 CAO NGẤT NGƯỞNG

(Ảnh minh hoạ).

Giá vé máy bay Tết 2023 đang tăng vọt cả chiều đi và đến từ TP Hồ Chí Minh, thậm chí có chặng giá vé đang cao gấp 3-5 lần so với ngày thường khiến nhiều người lo lắng, hàng ngày 'săn tìm' mua vé giá rẻ để có thể về quê đón Tết cùng gia đình.

Khảo sát trên một số trang bán hàng bán vé online của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways… giá vé khứ hồi các chặng đi và đến từ TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán từ ngày 20/1/2023 (tức 29 Tết) đến 26/1 (mùng 5 Tết) đang ở mức cao, bình quân khoảng 5 - 7 triệu đồng/vé khứ hồi. Giá một cặp vé khứ hồi chặng bay về Hà Nội trong ngày đầu của kỳ nghỉ Tết và quay trở lại TP Hồ Chí Minh vào ngày cuối cùng đang ở mức 6,5 - 7 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines; với Vietjet hay Bamboo Airways cũng khoảng trên dưới 5,5 triệu đồng.
Đối với những hành khách chọn bay sớm khung giờ từ 5 giờ 30 phút hoặc 23 giờ, giá vé khứ hồi thấp nhất (gồm thuế phí) của Vietjet 5,3 triệu đồng, Vietnam Airlines từ 6 - 7 triệu đồng, thậm chí có những khung giờ đã hết hạng vé tiết kiệm. Giá vé của Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng đều trên mức 6 triệu đồng cho hành trình khứ hồi ở cùng thời điểm. Trong khi đó, các đường bay đến Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa dịp Tết đã bắt đầu khan hiếm vì số chuyến bay ít, nhu cầu cao khiến giá vé luôn bị đẩy lên cao gấp 3-5 lần so với ngày thường.

Năm nay là năm đầu tiên chị Vũ Thảo My (ngụ Quận 3, TP Hồ Chí Minh) "canh ngày, canh đêm" để có thể mua 1 vé máy khứ hồi về Hà Nội đón Tết. Chị My cho biết, ngay sau khi có thông báo nghỉ Tết, chị đã lên mạng đặt mua 1 cặp vé máy bay khứ hồi chặng từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội với giá 6 triệu đồng. So với thời điểm bình thường, giá vé máy bay Tết 2023 đã cao hơn khoảng 3 lần. "Dù biết giá vé đang tăng cao nhưng nếu tôi không đặt vé, sợ đến gần Tết sẽ không còn vé máy bay để mua. Mặt khác, sau 1 năm đi làm xa quê, ai cũng mong ngóng được về gặp người thân nên dù giá vé máy bay tăng cao tôi cũng vẫn "bấm bụng" mua để về nhà sớm với người thân”, chị My tâm sự.

Anh Lê Văn Thiệp, ngụ ở quận Gò Vấp cũng cho hay gia đình anh đã bỏ ra 16 triệu đồng để 4 vé máy bay khứ hồi về Thanh Hóa. Theo anh Thiệp, đây là giá vé đã được tiết kiệm gần 8 triệu đồng vì gia đình anh năm nay xin nghỉ phép sớm và quay lại TP Hồ Chí Minh sớm, một mặt để tránh cảnh chen chúc ở sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp Tết, mặt khác cũng tiết kiệm được chi phi đi lại.

Theo đại diện hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết Nguyên Đán 2023, hãng đã mở bán vé từ rất sớm trong tháng 9, với số chỗ dự kiến tăng gấp 1,5 lần so với Tết 2020 (thời điểm chưa có dịch COVID-19). Từ thời điểm mở bán vé Tết 2023 cho đến nay, lượng khách hàng đã đặt chỗ bay Tết tăng 30-50% so với cách đây 3 năm (giai đoạn chưa có dịch) và hành khách chủ yếu chọn bay từ 20 tháng Chạp đến 9 tháng Giêng. Các đường bay có lượng khách mua vé lớn là Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế.

“Không chỉ nhu cầu đi lại trên các đường bay truyền thống dịp Tết cao (trước Tết là từ Nam ra Bắc, sau Tết là từ Bắc vào Nam), các đường bay du lịch cũng được khách lựa chọn mua nhiều. Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ Tết cũng thay đổi, nhiều gia đình lựa chọn dịp này để đi du lịch như: Hà Nội đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... hay TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc nên cũng khiến cho các chặng bay này khan hiếm vé máy bay. Vì vậy, để người dân mua vé Tết 2023 thuận lợi, Vietnam Airlines cũng phát đi khuyến nghị hành khách nên sắp xếp lịch sớm để mua vé sớm và có chỗ trên các chuyến bay như mong muốn. Hành khách có thể lựa chọn mua vé trên website của hãng hoặc tại các phòng vé, đại lý chính thức để tránh gặp phải đối tượng lừa đảo. Khi mua vé, hành khách nên yêu cầu xuất hóa đơn của hãng để tránh bị nâng giá so với quy định trước khi bay", đại diện Vietnam Airlines nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc truyền thông của hàng hàng không Vietravel Airlines cho biết, đơn vị đã mở bán vé Tết từ đầu tháng 10/2022. Đến nay, tỉ lệ lấp đầy đạt gần 90% trên các chặng bay chính của hãng như: TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn; Hà Nội - Đà Nẵng trong giai đoạn bay áp dụng từ ngày 7/1 đến 7/2/2023. Vì vậy, hành khách muốn mua được vé may bay Tết 2023 cần lên kế hoạch mua vé sớm nhất để có thể mua được vé ưng ý. Ngoài ra, quá trình làm thủ tục tại sân bay trong giai đoạn cao điểm Tết sẽ tốn rất nhiều thời gian. Theo đó, hành khách nên đến trước từ 2 - 3 tiếng để hoàn thành các thủ tục và tránh trường hợp đến trễ do mật độ phương tiện lưu thông trên đường đến sân bay bị ùn tắc.

Theo đại diện một số hãng hàng không, hiện nay đa số các chặng bay từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Tuy Hòa, Nha Trang, Phú Quốc... chỉ còn vé hạng thương gia là do hạng vé rẻ đã được bán hết từ hồi tháng 8, 9. Nguyên nhân là các đường bay tỉnh, số lượng chuyến bay ít nhưng nhu cầu lại cao nên hành khách đã đặt mua vé từ sớm, do đó vé giá rẻ đã hết. Ngoài ra, số lượng ghế thương gia trên mỗi chuyến bay có hạn từ 6 - 12 chỗ. Theo đó, không có chuyện các hãng máy bay đang chủ yếu tập trung bán vé thương gia cho hành khách bay vào cao điểm dịp Tết 2023.

(Nguồn: Vietnamnet)

HÃNG BIA RỤC RỊCH 'CHẠY' TẾT

Khoảng 2 tháng nữa mới đến Tết Quý Mão 2023 nhưng thị trường bia đã bắt đầu sôi động với các sản phẩm mới và chương trình khuyến mại.

Ghi nhận của Zing những ngày gần đây cho thấy một số hệ thống bán lẻ ở TP.HCM như Emart, MM Mega Market, Tops Market, Lotte... đã bắt đầu dành không gian lớn để trưng bày các sản phẩm bia Tết 2023. "Ăn theo" mùa World Cup, các chương trình khuyến mại cũng được triển khai từ sớm.

Bia Tết xuất hiện

Hiện tại, các nhãn hiệu như bia Sài Gòn, Heineken, Tiger, Huda.. đều đã thay đổi diện mạo sản phẩm để chào đón dịp Tết Quý Mão. Trong đó, riêng Sabeco là hãng đầu tiên "đón" Tết với dòng bia Saigon Special Tết 2023 phiên bản giới hạn.

Song song đó, hàng loạt hoạt động cũng được triển khai rầm rộ. Nếu Sabeco có chuỗi sự kiện "Happy Chill Year" của thương hiệu Saigon Chill, thì Heineken tổ chức concert với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng. Trong khi đó, Tập đoàn Carlbergs với các nhãn hiệu bia Carlbergs, Tuborg, Huda cũng nhân dịp cao điểm này để "nam tiến" với không ít sự kiện hoành tráng.

Tận dụng mùa World Cup, các thương hiệu đồng thời phối hợp với các hệ thống bán lẻ triển khai nhiều chương trình khuyến mại như với hóa đơn 400.000 đồng sẽ mua được thùng 24 lon rẻ hơn 40.000 so với giá gốc, tặng 1 thùng đá khi mua 2 thùng bia, tặng 1 túi đeo chéo khi mua 1 lốc 6 lon...

Dù vậy, theo ghi nhận, giá bia tại các siêu thị và tạp hóa vẫn không chênh lệch nhiều. Giá mỗi thùng bia Saigon Lager hiện dao động quanh mức 250.000-260.000 đồng, bia Heneiken 432.000-460.000 đồng, bia Tiger nâu 370.000-380.000 đồng, bia Tiger bạc 389.000-410.000 và bia 333 là 267.000-276.000 đồng...

Trong bối cảnh các hãng bia bắt đầu "chạy đà" đón Tết, người tiêu dùng lại tỏ ra chưa hưởng ứng tích cực. Chị Lệ Thanh (quận 7, TP.HCM) cho biết chỉ ghé vào gian hàng bia vì thấy bắt mắt. "Nếu bia nào có ưu đãi mạnh thì tôi mua về dùng thử, còn không thì đợi đến cận Tết chứ chưa có ý định mua sớm", chị nói.

Thực tế, anh Nhật - nhân viên tiếp thị bia tại một siêu thị ở TP.HCM - cũng cho biết sức mua hiện tại chưa cao. Sau nhiều năm làm tiếp thị, anh cho rằng thời điểm này các nhãn hàng chỉ mới tung một số chương trình khuyến mại nhẹ nhằm khuyến khích khách hàng dùng thử. Khoảng một tháng nữa mới có nhiều ưu đãi, quảng cáo rầm rộ cùng loạt chương trình đổi quà và tri ân khách hàng. Từ nay đến đó, lượng bán sẽ bão hòa.

"Tuy nhiên, với những nhãn hàng đã có tên tuổi và đang chạy khuyến mại giảm giá mạnh trong thời gian này thì lại có sức mua tương đối tốt. Như vài ngày trước, khi siêu thị này giảm giá bia Heineken từ 444.000 đồng/thùng còn 389.000 đồng/thùng, mỗi ngày bán được vài trăm thùng. Đến nay, khi quay về giá cũ, sức mua cũng theo đó chững lại", anh nói thêm.

Ở kênh tạp hóa, chị M.T., chủ một cửa hàng ở quận 7 cũng cho biết đã nhập bia Tết từ cách đây vài ngày, nhưng chỉ nhập trước 100 thùng các loại.

"Có năm cận Tết giá bia giảm, sức mua lại giảm. Khi đó tôi ôm lượng hàng lớn buộc phải bán lỗ theo giá thị trường. Năm nay, tình hình kinh tế cũng khó khăn, không biết khách hàng có chi tiền nhiều như mọi năm không nên tôi chỉ nhập cầm chừng", chị chia sẻ với Zing.

Một mùa Tết rất khác

Nhìn lại năm 2020, thị trường bia đã chịu tác động kép từ quy định phòng chống tác hại của rượu bia theo Nghị định 100 và dịch Covid-19. Cùng với các mặt hàng trong ngành F&B, ngành bia chịu ảnh hưởng tiêu cực với sản lượng tiêu thụ 3 quý đầu năm giảm lần lượt 3,6%, 22,9% và 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đến năm 2021, tính riêng quý III khi Covid-19 đạt đỉnh, Tổng cục Thống kê cho biết tổng lượng sản xuất bia đã giảm 33% so với cùng kỳ, với gần 100% lượng bia bị hạn chế phân phối trong tháng 8-9 tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, Nielsen ước tính nhu cầu tiêu thụ bia đã giảm 42% trong quý này so với cùng kỳ.

Phải đến quý IV/2021, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế và các hoạt động tiêu dùng trong nước dần được khôi phục, ngành bia mới ghi nhận tăng trưởng dương trở lại.

Theo số liệu Tổng cục thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 514.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sản lượng sản xuất bia của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tăng 68% so với cùng kỳ, lên 1.700 triệu lít.

Với sự hồi phục rõ rệt trên, hàng loạt doanh nghiệp ngành bia đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những quý vừa qua. Thậm chí, kết quả kinh doanh của nhiều nhà sản xuất bia đã tăng vượt cả giai đoạn trước dịch.

Trong đó, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 8.635 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.395 tỷ đồng quý III năm nay, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mang về 4.424 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho các ông chủ, tăng 75% so với cùng kỳ và hoàn thành 97% kế hoạch lợi nhuận năm.

Sabeco cho rằng bên cạnh đà phục hồi hậu Covid-19, lợi nhuận công ty tăng trưởng còn đến từ chính sách tăng khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, cũng như các biện pháp giảm chi phí, hạn chế ảnh hưởng của giá đầu vào.

Hay như Habeco, trong quý gần nhất, nhà sản xuất bia này cũng ghi nhận 2.440 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 236 tỷ, tăng lần lượt 44% và 72% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng, cả doanh thu thuần và lãi sau thuế của Habeco đều tăng trưởng dương hai con số.

Lãnh đạo Habeco cho biết lợi nhuận cải thiện mạnh là nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội - du lịch mở cửa trở lại giúp nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Năm nay, hoạt động sản xuất của Habeco cũng không còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, công ty đang thực hiện các giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường công tác bán hàng thông qua các chương trình khuyến mại cho người tiêu dùng, cùng các chính sách bán hàng hấp dẫn cho nhà phân phối, đại lý.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), trong quý IV, sản lượng ngành F&B sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường lạm phát và thu nhập của người tiêu dùng tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, doanh thu của ngành F&B có thể duy trì nhờ giá bán trung bình (ASP) tăng. Đơn cử, Sabeco đã tăng ASP trên 8% so với cùng kỳ trong môi trường lạm phát và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ.

Hơn nữa, lợi nhuận cũng có thể ổn định nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Do đó, đơn vị này kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các công ty bia sẽ cải thiện trong quý IV nhờ việc hưởng lợi nhiều hơn từ giá nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt.

Trước đó, vào tháng 9, giá bia đã có loạt điều chỉnh giá, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết đặc thù của ngành bia nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Các nguyên liệu chính như malt, hoa houblon phải nhập 100% hiện đã tăng giá 40-50% do thiếu nguồn cung, chi phí logistics tăng 20-30%. Bên cạnh đó, giá vỏ lon tăng 15-30%, giá nắp chai tăng khoảng 35% so với năm 2021.

(Nguồn: Zing News)

NHÀ ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN… THẤT NGHIỆP NGÀY CÀNG NHIỀU

(Ảnh minh hoạ).

Rất nhiều người xem đầu tư BĐS là nghề chính, đến khi thị trường lao dốc họ cũng thất nghiệp theo.

Ghi nhận cho thấy, hiện không ít nhà đầu tư “ngồi chơi xơi nước” chờ tín hiệu từ thị trường BĐS. Thời gian rảnh, họ la cà cafe, quán nước nghe ngóng thông tin. Bên cạnh các nhà đầu tư nghe ngóng thông tin để “ôm” hàng ngộp thì không ít nhà đầu tư đúng nghĩa là “thất nghiệp”. Lúc này, họ chẳng còn tiền, không có công việc để làm lúc thị trường BĐS đứng hình. Thậm chí, với những người “có tuổi”, để kiếm một công việc khác thay thế không dễ dàng lúc này.

Tình trạng các nhà đầu tư thất nghiệp tăng lên trong bối cảnh thị trường BĐS gặp khó, sụt giảm thanh khoản. Đa số họ là những nhà đầu tư mới hoặc non vốn khi đầu tư BĐS, họ sở hữu BĐS nhưng không còn tiền mặt. Thậm chí, các nhà đầu tư này sử dụng đòn bẩy tài chính khá lớn, nằm rải rác ở các BĐS khác nhau. Tuy nhiên, lại không thu được vốn khi thị trường BĐS gặp khó thanh khoản.

Kể từ thời điểm tháng 5/2022 đến nay, hoạt động đầu tư mua bán BĐS chậm hẳn, nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng “không có gì để làm”. Bên cạnh các nhà đầu tư có vốn mở quán cafe, quán ăn kinh doanh… kiếm thêm thu nhập lúc thị trường biến động thì có bộ phận nhà đầu tư không còn vốn để làm gì. Ngồi đợi thị trường là cách mà các nhà đầu tư này lựa chọn lúc này.

Chưa “gỡ gạc” lại dòng vốn kể từ thời điểm Covid-19 đến nay, anh T, một nhà đầu tư đất nền, hiện ngụ tại Q.7, Tp.HCM tỏ ra khá lo lắng cho tình hình thị trường BĐS hiện nay. Theo anh T, gần 5 năm nay, anh và nhóm bạn thân đã xem đầu tư BĐS là nghề chính. Thu nhập khá ổn định, thậm chí “bật tăng” lúc thị trường sốt nóng. Dòng tiền đó có thể sử dụng vào việc tái đầu tư BĐS, và chi tiêu thoải mái. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2021 đến nay, dòng tiền đầu tư của anh bị “hụt”. Phần vì thanh khoản sản phẩm kém, không thể “lướt sóng” hưởng chênh như trước, phần vì anh phải gánh lãi vay ngân hàng. Hiện tại, việc mua bán chuyển nhượng BĐS gặp khó khăn đầu ra khiến anh T và nhóm bạn không có thu nhập, không có việc làm. Số tiền tích cóp trước đó cũng đã “vơi dần”. Thậm chí, có thời điểm, anh phải vay mượn bạn bè để đóng gốc – lãi ngân hàng hàng tháng cho khoản tiền mà anh đã vay để đầu tư đất.

Tìm hiểu được biết, khá nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng đuối sức theo thị trường. Trước đây, họ cũng là những người có công việc ổn định tại các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sinh lợi từ BĐS đã khiến những nhà đầu tư này xác định đây là nghề chính và theo đuổi đến tận bây giờ. Có không ít người xem việc nhận lương hàng tháng khó nhọc hơn rất nhiều tiền lời từ một lô đất. Vì thế, họ chấp nhận bỏ nghề chính để lấn sân vào lĩnh vực BĐS. Theo cách một số nhà đầu tư BĐS chia sẻ, thị trường khó khăn cũng sẽ qua, cơ hội cho BĐS còn nhiều. Nhiều nhà đầu tư vẫn kì vọng bản thân có thể gắn bó lâu dài với “nghề đầu tư BĐS”.

“Việc các nhà đầu tư đuối sức, thậm chí không có việc làm, mất thu nhập cho thấy, rất nhiều người xem đầu tư BĐS là nghề chính. Đến khi thị trường lao dốc cũng đuối theo. Đây cũng là một trong hệ luỵ của thị trường BĐS”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam, nguồn cơn gây nên sự trầm lắng diện rộng của thị trường BĐS hiện nay, xuất phát từ sự phát triển nóng và bất cân đối của thị trường trong nhưng năm trước. Sau giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2012 thị trường BĐS bắt đầu chu kỳ hồi phục và tăng trưởng mới, giai đoạn 2015 – 2019 thị trường chứng kiến sự tăng nóng cả nguồn cung, tiêu thụ và nhất là mặt bằng giá. Nếu so với 2015 giá bán BĐS hiện nay tăng trung bình 2 – 3 lần, tùy theo từng khu vực, thậm chí nhiều nơi mức tăng 7 – 10 lần (những dự án đất nền nang tính đầu cơ ở vùng xa). Nguồn cung tăng mạnh nhưng các sản phẩm chủ yếu tập trung phân khúc cao cấp và hạng sang, dự án vừa túi tiền dành cho đại đa số người dân ngày càng khan hiếm đến nay gần như mất tích (3 năm liên tiếp DKRA không ghi nhận nguồn cung căn hộ hạng C có mức giá dưới 30 triệu Đồng/m2). Khách mua chủ yếu là nhà đầu tư chiếm tỷ lệ lớn 70% - 80%, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính lớn đa phân các khách đầu tư sẽ sử dụng đòn bẩy 70% giá trị BĐS điều này dẫn đến rủi ro khi thị trường bất ổn nhà đầu tư sẽ bán tháo bất động sản để thu hồi vốn.

Việc nhà nước tăng cường kiểm soát tín dụng, trái phiếu, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản; Động thái thanh tra, kiểm tra các dự án, chủ đầu tư sai phạm; Các nút thắt pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để; Lãi suất liên tục tăng cao, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng khiến người mua bất động sản thận trọng hơn trong quyết định xuống tiền… cũng là các nguyên nhân khiến thị trường BĐS sụt thanh khoản, rơi vào trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đuối sức, bán tháo tài sản, hoặc cố giữ tài sản trong trạng thái đuối sức.

(Nguồn: Soha)

DOANH NGHIỆP NGANG NHIÊN SAN LẤP ĐẤT LÚA ĐỂ LÀM DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN

Mặc dù vẫn còn thiếu hàng loạt các thủ tục pháp lý, thế nhưng Công ty TNHH MTV Đất Xanh Quảng Ngãi vẫn ngang nhiên tiến hành lấp đất ruộng lúa, làm dự án bất động sản. Sự việc này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng chính quyền tỉnh Quảng Ngãi lại không khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Ngày 29/11, ông Nguyễn Đức Trung - Quyền giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở chưa nhận bất cứ hồ sơ nào về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất liên quan đến dự án khu dân cư phía bắc TP Quảng Ngãi do Công ty TNHH MTV Đất Xanh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.

Mặc dù còn thiếu hàng loạt thủ tục pháp lý, thế nhưng, chủ đầu tư dự án khu dân cư phía bắc TP Quảng Ngãi (địa điểm tại phường Trương Quang Trọng và xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi) lại ngang nhiên cho xe san lấp đất ruộng tạo mặt bằng.

Thậm chí nhiều nơi đã đấu nối các đường giao thông. Điều đáng nói là sự việc này đã diễn ra suốt một thời gian dài nhưng chính quyền tỉnh Quảng Ngãi lại không khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Theo tìm hiểu của PV, dự án khu dân cư phía bắc TP Quảng Ngãi do Công ty TNHH MTV Đất Xanh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2018.

Dự án có tổng diện tích khoảng 10ha. Trong đó phường Trương Quang Trọng có khoảng 9ha, chủ yếu là đất trồng lúa của người dân. Tổng mức đầu tư dự án hơn 159 tỉ đồng. Dự án từng được quảng cáo rầm rộ sẽ hoàn thành vào quý IV năm 2020.

Trao đổi với PV, ông Đào Văn Thơ - Phó chủ tịch UBND phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi) khẳng định, dự án chưa được cấp phép xây dựng. Hiện chủ đầu tư đã đền bù trên 90% diện tích. “Vào tháng 7/2020, phát hiện chủ đầu tư tự ý san lấp mặt bằng khi chưa được các cơ quan thẩm quyền cấp phép, địa phương đã mời lên làm việc và có báo cáo gửi UBND TP Quảng Ngãi”, ông Thơ nói.

Theo ông Thơ, khi mời chủ đầu tư lên làm việc, họ nói chỉ đổ đất để ngăn người dân tái lấn chiếm đất của họ khi họ đã đền bù cho dân. Tuy nhiên, phường vẫn lập biên bản và đề nghị chủ đầu tư dừng ngay việc san lấp mặt bằng, thi công công trình.

“Hiện chính quyền phường Trương Quang Trọng sẽ tiếp tục theo dõi, tăng cường kiểm tra và giám sát việc xây dựng tại dự án này. Đồng thời sẽ báo cáo lên cấp trên nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục làm khi chưa có giấy phép”, ông Thơ cho hay.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cũng ra văn bản yêu cầu các bên liên quan theo dõi và báo cáo ngay nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công, san lấp khi chưa có giấy phép. Bên cạnh đó, UBND TP Quảng Ngãi cũng sẽ xem xét lại toàn bộ hồ sơ và mức độ vi phạm. Trên cơ sở này sẽ có phương án xử lý đối với chủ đầu tư dự án.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Nông sản rộng đường xuất ngoại; Công nhân chật vật mưu sinh; Cò đất qua thời 'ăn dày'; Dò đáy BĐS; Ồ ạt ra bán khách sạn ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang