Nông sản rộng đường xuất ngoại; Công nhân chật vật mưu sinh; Cò đất qua thời 'ăn dày'; Dò đáy BĐS; Ồ ạt ra bán khách sạn

NÔNG SẢN VIỆT RỘNG ĐƯỜNG XUẤT NGOẠI

(Ảnh minh hoạ)

Nông dân và doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp vừa đón tin vui khi hàng loạt nông sản Việt liên tục được các nước chấp nhận cho nhập khẩu chính ngạch. Nhiều sản phẩm chính thức có “visa” xuất ngoại trong dịp cuối năm giúp nông sản Việt ngược dòng ngoạn mục và được dự báo tiếp tục lập kỳ tích trong thời gian tới.

Lội ngược dòng

Ngày 28/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ xuất khẩu chính ngạch lô bưởi da xanh đầu tiên sang Mỹ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Mỹ là thị trường khó tính bậc nhất hiện nay, tuy nhiên nhu cầu về nhập khẩu các loại trái cây tươi vẫn rất lớn.

Do vậy, sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng giúp quả bưởi Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp DN và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Theo ông Nam, bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất vào Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

“Việc quả bưởi chính thức được xuất sang Mỹ là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam, khẳng định uy tín của nông sản Việt ngày càng được nâng cao trên thị trường thế giới”, ông Nam chia sẻ.

Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu - đơn vị đảm nhận việc xuất lô bưởi đầu tiên sang Mỹ cho biết, sản phẩm vào được thị trường Mỹ vừa góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu vừa làm tăng uy tín cho các sản phẩm trái cây Việt Nam.

“Với tình hình này, trong tháng 11, xuất khẩu nông sản dự kiến đạt được hơn 400 triệu USD và năm nay ngành rau quả có thể đạt kim ngạch xấp xỉ bằng năm ngoái, khoảng 3,5 tỷ USD. Sang năm 2023, xuất khẩu nông sản dự kiến có thể tăng trưởng tới 20-30%”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả

Sau khi vào được thị trường Mỹ, bưởi Việt Nam cơ hội rất lớn để mở rộng chinh phục các thị trường khác như Úc, New Zealand, Nhật, Trung Quốc. Thời gian tới, mục tiêu của công ty này là đưa trái bưởi vào các chuỗi hệ thống siêu thị lớn như Costco, Walmart.

Không chỉ trái bưởi, gần đây, nông sản Việt liên tục đón hàng loạt tin vui khi nhiều loại nông sản chính được chấp thuận xuất chính ngạch sang một số thị trường khó tính.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), từ cuối tháng 11, quả chanh, bưởi sẽ chính thức có “visa” xuất sang New Zealand. Quả nhãn sẽ sang Nhật Bản và trở thành loại quả thứ 4 được phép xuất sang thị trường này.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, tính đến tháng 10, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,75 tỷ USD (giảm 8%) so với cùng kỳ năm trước. Trong những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc siết chặt quy định nhập khẩu, ngành rau quả rất chật vật, có thời điểm giảm gần 20%.

Tuy nhiên, việc hàng loạt các nông sản trong những tháng cuối năm được cấp phép xuất khẩu chính ngạch đang giúp ngành rau quả có cơ hội lội ngược dòng ngoạn mục. Sau khi sầu riêng được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, xuất khẩu mặt hàng này tăng đột biến khi đạt hơn 20.000 tấn chỉ trong vài tháng. Giá bán tăng gấp 3 lần, có lúc lên tới 80-100 nghìn đồng/kg.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, sự kiện xuất khẩu chính ngạch những lô bưởi đầu tiên được tổ chức tại Bến Tre là niềm tự hào không chỉ của người trồng bưởi Bến Tre mà còn là niềm vui chung của người dân trồng bưởi trên cả nước. Xuất khẩu chính ngạch trái bưởi sẽ giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ rộng lớn và cũng là một trong những thị trường khó tính bậc nhất hiện nay.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trong 7 sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam được xuất sang Mỹ thì Bến Tre có 3 sản phẩm gồm: Bưởi, Nhãn, Chôm Chôm.

Với diện tích trồng bưởi khoảng 10.000ha, hằng năm cho sản lượng trên 200.000 tấn, tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Đồng thời, chú trọng đến các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Mỹ quan tâm; xây dựng các vùng trồng, tổ chức sơ chế, đóng gói sau thu hoạch, đảm bảo đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang EU và Mỹ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, ngành nông nghiệp Bến Tre định hướng phát triển chuyên sâu, hiện đại gắn với tiến bộ khoa học kỹ thuật; đặc biệt là hướng đến xuất khẩu sản phẩm chủ lực ở thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Nâng cấp công nghệ bảo quản

Là một trong những DN đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu bưởi chính ngạch sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group chia sẻ, DN rất vui khi liên tục nhận được thông tin hàng loạt trái cây của Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.

Trong mấy ngày qua, DN tất bật chuẩn bị nhiều lô hàng để xuất khẩu, hưởng ứng sự kiện. Tuy nhiên, theo ông Tùng đặc thù của trái cây tươi là nhanh hư hỏng trong khi vận chuyển xuất sang Mỹ, châu Âu,… mất nhiều thời gian, do đó để chinh phục thành công các thị trường đòi hỏi DN phải đầu tư bài bản, đặc biệt là trong nâng cấp công nghệ bảo quản để vận chuyển dài ngày.

Tổng thư ký Hiệp hội rau quả của Việt Nam cho rằng, trái cây Việt tại thị trường Mỹ được đánh giá rất ngon và chất lượng nhưng phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm đến từ các nước gần Mỹ với chi phí logistics thấp hơn. Do đó, về lâu dài các DN phải đầu tư công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm khác như nước ép, tinh dầu bưởi…

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc mở cửa được thị trường và ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch thêm hàng loạt nông sản sẽ tạo động lực cho người nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô hơn. Tuy vậy, hiện nông sản Việt phải đáp ứng hàng tá tiêu chuẩn khắt khe từ phía các nước đưa ra.

(Nguồn: Soha)

CÔNG NHÂN CHẬT VẬT MƯU SINH CUỐI NĂM

Chỉ hồi phục được một thời gian ngắn sau dịch COVID-19, nhiều nhà máy, xí nghiệp lại rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng, hết việc nên buộc phải sản xuất cầm chừng hoặc sa thải công nhân. Đời sống nhiều người lao động hết sức khó khăn và phải chật vật mưu sinh dịp cuối năm.

Kỳ 1: Chới với vì mất việc

Không có đơn hàng, doanh nghiệp hết sức cầm cự đã buộc phải sa thải lao động khiến hàng vạn công nhân chới với khi năm hết, Tết đến cận kề.

Bỗng dưng thất nghiệp

“Xóm trọ 35” nằm đối diện cổng Công ty TNHH Tỷ Hùng (phường An Lạc, quận Bình Tân) là nơi ở của hơn 50 nữ công nhân công ty này. Những ngày qua, sau khi nghe công ty thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 công nhân do không có đơn hàng từ đầu tháng 12 tới đây, không khí khu trọ cũng trở nên buồn thiu, ảm đạm. Nhặt nhạnh lại mớ rau đã mua từ ngày trước, chị Trần Thị Giúp (47 tuổi, quê Đồng Tháp) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lúc công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.200 người, trong đó có chị. “Ai cũng bất ngờ, rất buồn và không biết nói gì. Suốt những ngày qua, tôi lo đến mất ăn mất ngủ bởi không biết lấy gì nuôi con” - nữ công nhân nghẹn ngào nói.

Gần 20 năm gắn bó với công ty với mức lương 8 triệu đồng/tháng, chị Giúp nuôi ước vọng sẽ làm tới lúc về hưu. Vậy mà cái tin bị sa thải như “sét đánh ngang tai” với chị. Chị không biết xoay xở thế nào để tìm được công việc mới khi tuổi đã lớn. “Tôi nghĩ nhiều lắm chứ, nếu tiếp tục ở lại, có thể mình sẽ xin đi rửa chén, quét dọn thuê; còn không thì về quê. Nhưng về quê cũng không có ruộng đất, biết sống ra sao” - chị Giúp nói. Giờ đây, miếng cơm manh áo của cả gia đình phụ thuộc hết vào đồng lương công nhân ít ỏi từ người chồng.

Sau khi tan ca, chị Ngô Thị Hồng Oanh (38 tuổi, quê Sóc Trăng) công nhân Công ty Tỷ Hùng, không về nhà trọ ngay mà rảo qua nhiều tuyến đường nhặt ve chai, kiếm ít đồng mua rau. Có thâm niên 10 năm làm công nhân may giày, đồng lương chỉ tầm 6 triệu đồng/tháng, chị Oanh xoay xở đủ đường để vừa lo cho gia đình, vừa bám trụ thành phố. “Mấy năm trước công ty có hàng, cuối năm vẫn tăng ca đều đều. Chỉ hai năm dịch là không có hàng, cũng không tăng ca. Nhiều lúc tôi muốn làm thêm để cuối năm có tiền Tết tháng thứ 13 rồi về quê, nhưng đâu ngờ công ty hết đơn hàng và thông báo cho cả nghìn người nghỉ việc” - chị Oanh nói.

Trong căn phòng trọ chưa tới 10m2 ở xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), chị Phạm Thị Tem (33 tuổi, quê Trà Vinh) có 9 năm làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Samho không khỏi sốc, hụt hẫng khi biết sẽ mất việc làm. “Để yên tâm làm việc, tôi gửi 2 con nhỏ nhờ ngoại chăm sóc. Mỗi tháng nhận lương hơn 8 triệu đồng, tôi trích một nửa gửi về quê, còn lại chi phí sinh hoạt, ăn uống, nhà trọ… Sau khi nhận được thông báo của công ty, tôi đi xin việc nhiều nơi, từ nhặt rau, rửa chén cho đến phụ bán dép lề đường… thu nhập cũng được vài triệu đồng/tháng. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, đợi qua Tết xem tình hình việc làm thế nào rồi tính tiếp. Bí bách quá cũng tính đến chuyện về quê” - chị Tem tâm sự.

Chuẩn bị bữa ăn tối chỉ với dĩa đậu bắp chấm chao, chị Bùi Thị Giang (52 tuổi, quê Bạc Liêu) đang trọ tại đường Bờ Xe Lam (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) thở dài khi nhắc đến việc đòi lương ở công ty cũ. Chị Giang là công nhân lâu năm của Công ty TNHH Ta Shuan (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) chuyên sản xuất nhựa tổng hợp. “Lúc đầu là nghỉ thứ Bảy, sau đó mỗi ca chỉ làm 8 tiếng và phải nghỉ luân phiên trong tuần. Lương cơ bản mỗi tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng nên phải chi tiêu tằn tiện mới đủ đắp đổi qua ngày” - chị Giang cho hay.

Hiện công ty thông báo đóng cửa, tạm ngừng hoạt động từ ngày 7/11 cho đến khi có đơn hàng mới. Mặc dù làm việc từ năm 2015 nhưng chị Giang không được ký HĐLĐ, đóng BHXH. Lo trắng tay khi nghỉ việc, ngày nào chị cũng đến công ty để nghe ngóng tình hình. Thất nghiệp, lại chẳng hề được trợ cấp, viễn cảnh những ngày sắp tới của chị Giang càng trở nên mờ mịt.

Nơm nớp lo mất việc

Có gần 17 năm làm việc tại một công ty chuyên về may mặc trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi), chị Võ Thị Hoài (gần 50 tuổi, quê Hà Tĩnh) nơm nớp lo mất việc khi doanh nghiệp thông báo giảm đơn hàng. “Gần đây liên tiếp nghe nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất nên sa thải công nhân, đóng cửa nhà máy mà tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Tôi sợ sẽ chung hoàn cảnh thất nghiệp như vậy, lúc đó sẽ không biết tính sao vì lớn tuổi rồi, chẳng ai thuê mướn gì nữa. Thật sự, đã quyết định chọn vào nhà máy làm công nhân, chúng tôi chỉ mong được yên ổn làm việc đến khi về hưu. Dù công ty có khó khăn, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, chỉ hy vọng đừng mất việc” - chị Hoài nhìn xa xăm.

Trò chuyện cùng chị Lâm Thị Tư (40 tuổi, công nhân giày Thiên Hòa, TP Thủ Đức), chị kể, trong công ty đa số công nhân đều ở độ tuổi từ 18 đến 35. Những người cùng lứa với chị bị coi là “quá tuổi lao động” nên luôn nơm nớp lo doanh nghiệp sa thải bất cứ lúc nào vì lý do sức khỏe kém, mất nhiều chi phí cho bảo hiểm xã hội, tăng lương... “Tôi đã rảo qua rất nhiều doanh nghiệp treo bảng tuyển dụng, các sàn việc làm… nhưng nơi nào cũng yêu cầu lao động dưới 30 tuổi. Như tôi thất nghiệp chỉ có ra chợ phụ bưng bê hoặc về quê làm ruộng” - nữ công nhân ngậm ngùi cho biết.

Ông Nguyễn Phi Hùng, đại diện đơn vị cung ứng lao động Thanh Hoa chia sẻ, nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng, ông thấy hầu hết các doanh nghiệp đều giới hạn độ tuổi lao động trong tuyển dụng, kể cả doanh nghiệp ngành dệt may cũng chỉ tuyển lao động dưới 40 tuổi. Nguyên nhân là do doanh nghiệp cho rằng, lao động lớn tuổi không còn nhanh nhẹn, sức khỏe giảm sút dẫn tới năng suất lao động thấp. Một lý do khác khiến doanh nghiệp không mặn mà khi tuyển lao động trung niên vì sẽ phải thỏa thuận lại mức lương. Do vậy, người lao động bị thất nghiệp ở độ tuổi trung niên thường khó tìm việc làm mới, dù có năng lực, kinh nghiệm và nhu cầu việc làm.

(Nguồn: Tiền Phong)

CÒ ĐẤT QUA THỜI 'ĂN DÀY'

Người mua đã thận trọng hơn, hết thời một mảnh đất qua tay nhiều cò, giá bị đẩy lên hàng trăm triệu đồng.

Qua thời thổi giá

Lợi dụng việc người mua tin tưởng, giao khoán toàn bộ cho môi giới nhà đất, không ít trường hợp giá đất bị đẩy lên cao so với giá trị thực.

Năm 2021, anh Trần Văn Lân (Cầu Giấy, Hà Nội) có nhu cầu đầu tư đất tại Hòa Lạc. Anh được môi giới văn phòng nhà đất đưa đi xem nhiều lô đang rao bán.

Anh cho hay, nhiều môi giới cùng rao bán một mảnh đất. Mỗi người đưa ra một mức giá khác nhau, chênh tới cả trăm triệu đồng. Anh hoang mang về giá trị thực của mỗi lô đất. “Cò đất nào cũng nhận là mảnh đất của nhà mình, bán rẻ cho nhanh. Họ giục tôi chốt nhanh để lấy vốn đầu tư mảnh lớn hơn”, anh kể lại.

Bán tín bán nghi, anh Lân gọi thử số một môi giới khác dán trên tường, người này hỏi luôn anh mua đất cho mình hay mua cho khách. "Khi đó chả hiểu sao tôi tự nhận là môi giới, thì nhân viên đó giới thiệu cho tôi một mảnh đất rộng 930m2, có giá 2,15 tỷ đồng. Họ nói chủ mảnh đất này thỏa thuận chỉ thu về tròn 2 tỷ, còn anh bán cho khách giá bao nhiêu thì tùy", anh nhớ lại.

“Nếu tôi dẫn khách, bán được giá đó, môi giới lo thủ tục sang tên, hưởng 100 triệu đồng. Tôi được hoa hồng 50 triệu đồng. Họ còn gợi ý tôi bán giá cao hơn thì được hưởng riêng”, anh Lân cho biết.

Hồi đầu năm, ông Đinh Văn Hiển (Thanh Xuân - Hà Nội) mua một mảnh đất phân lô bán nền giá 1,2 tỷ đồng với diện tích 90m2, tương đương 13 triệu đồng/m2 ở Bình Yên, Thạch Thất. Sau đó, ông phát hiện lô đất tương tự bên cạnh có giá chỉ 9,5 triệu đồng/m2.

“Mình chủ quan, tin tưởng vào môi giới nên không đi khảo sát giá thực tế. Chỉ có mấy hôm mà họ đã kiếm được của mình hàng trăm triệu đồng”, ông Hiển nói.

Hỗn loạn vì môi giới

Từng làm nhân viên môi giới tại một trung tâm nhà đất tại Hòa Lạc, anh Nguyễn Quang Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) tiết lộ, thời điểm năm 2020-2021, thị trường bất động sản sôi động nhất, nhiều văn phòng nhà đất mọc lên. Giá đất trở nên hỗn loạn. Cùng một mảnh đất, mỗi trung tâm môi giới đưa ra một giá khác nhau khiến nhà đầu tư hoang mang. Nhiều môi giới còn liên kết, bắt tay nhau để đi đến mức giá thống nhất và thường cao hơn giá chính chủ đưa ra.

“Nếu nhà đầu tư tham khảo giá không thấy có chênh lệch về giá, họ tin tưởng mình mua đúng giá thị trường. Thực chất, khách đã mua đắt hơn 10%, thậm chí 20% so với giá chính chủ rao bán. Sau khi giao dịch thành công, 10% đó được văn phòng nhà đất chia nhau”, anh nói.

Theo anh Hoà, chính chủ thường giao khoán toàn bộ giá cho môi giới. Các văn phòng nhà đất tha hồ hét giá, cộng thêm kỹ năng ăn nói khiến các nhà đầu tư thiếu hiểu biết đổ tiền vào, mua phải giá cao nhưng không hề biết.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định, giá đất đai nhảy múa, tăng vọt một phần là do những nhà môi giới không chuyên, thậm chí cả môi giới chuyên nghiệp, “bắt tay” tạo sóng giả, thu lợi cho cá nhân, đơn vị mà không phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương đó, vùng đó. Điều này tạo ra một thị trường bất động sản thiếu lành mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản, nhà ở chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa công khai làm ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường.

Bộ Xây dựng cho rằng, cần tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

(Nguồn: Vietnamnet)

DÒ ĐÁY BẤT ĐỘNG SẢN

Nhiều nhà đầu tư địa ốc chờ thị trường điều chỉnh sâu để bắt đáy nhưng theo các chuyên gia, đà giảm mới bắt đầu, nên thận trọng với bẫy đại hạ giá.

Cuối tháng 11, thị trường bất động sản phía Nam đua xả hàng thứ cấp, khá nhiều trường hợp nhà đầu tư giảm giá 15-20% do ngộp tài chính. Trước đó, từ tháng 10, một số chủ đầu tư cũng tung chiết khấu cao 40-50% áp dụng cho trường hợp thanh toán nhanh một lần đối với cả căn hộ và nhà liền thổ. Các dự án mở bán trong 4-7 tuần gần đây đều tung khuyến mãi giá trị hàng trăm triệu đồng trên thị trường sơ cấp.

Nhiều hàng giảm giá song thanh khoản thị trường trầm lắng do giới đầu tư đang đứng ngoài, giữ tiền mặt và quan sát. Trên các chợ bất động sản trực tuyến, môi giới chào hàng giảm giá cắt lỗ, ngộp vốn bán gấp, tài sản ngân hàng thanh lý để xử lý nợ xấu... khá phổ biến trong tháng 10 và 11 nhưng cũng ít giao dịch. Theo các chuyên gia, trước những "ma trận" đại hạ giá này, nhà đầu tư cần thận trọng khảo sát thực tế xem mức giảm hiện nay là bớt lời hay cắt lỗ.

Tại chương trình chia sẻ diễn biến thị trường địa ốc tối 23/11 với chủ đề Nhà đầu tư bất động sản kỳ vọng gì trong tương lai, các câu hỏi có nên chờ bắt đáy bất động sản, đâu là giá đáy, làm sao phân biệt giảm lời hay cắt lỗ để bắt đáy được đặt ra.

Bà Lương Đình Thúy Vân, CEO Công ty Tư vấn Đầu tư Mogin Holdings cho rằng rất khó dò đáy bất động sản trong bối cảnh hiện nay vì thị trường đang tràn ngập thông điệp môi giới chào bán cắt lỗ, hàng ngộp tài chính... nhưng thực tế giá chưa giảm nhiều.

Theo bà Vân, từ quý III đến nay, thị trường bất động sản giao dịch chậm lại nhưng giá chưa thật sự giảm sâu. Phân khúc nhà hình thành trong tương lai, với trường hợp thanh toán nhanh, có chủ đầu tư uy tín chiết khấu giảm 40-50% so với trước. Tuy mức giảm giá lên đến bạc tỷ, đây có thể hiểu là giảm lãi và chia phần lợi ích về cho khách hàng nhiều hơn trong giai đoạn thanh khoản kém và thiếu hụt tiền mặt.

Phân khúc nhà phố riêng lẻ có giấy chứng nhận vẫn có những chủ nhà kêu bán với giá rẻ hơn trước đó hay chủ động giảm giá để nhanh ra hàng. Tỷ lệ thường thấy giảm là tầm 10-15% so với giá rao bán trước đây. Các trường hợp muốn bán nhanh để thanh toán nợ, tất toán với ngân hàng đã xuất hiện mức giảm giá nhiều hơn ngưỡng 15-20% nhưng phụ thuộc rất lớn vào pháp lý và vị trí của từng loại tài sản, mức độ thiện chí khi đàm phán.

Tuy nhiên, bà Vân cho rằng các nhà đầu tư cần quan sát và so sánh giá thị trường xung quanh xem rẻ thật không, chớ vội nghe lời môi giới là cắt lỗ, bán gấp, thanh lý... so với giá bán "hét" quá cao trước đó. Nên thông qua các môi giới hoạt động tại địa bàn mình quan tâm để kiểm tra thêm giá cùng khu vực. Nếu chuẩn hơn, nên gửi thẩm định giá để có mức giá trung bình giao dịch.

Bất động sản rẻ thường rơi vào các tình huống chưa hoàn thành pháp lý, tài sản không giao dịch ngay được, không hoàn công được, tranh chấp, kiện tụng, cầm cố... Nếu vướng lỗi phong thủy: tóp hậu, gần chùa, nhiều mồ mả xung quanh... hoặc lỗi quy hoạch như vị trí phạm quy hoạch, quy hoạch treo giá tài sản cũng rẻ hơn so với mặt bằng chung toàn thị trường.

CEO Mogin Holdings khuyến nghị, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhà đầu tư nắm trong tay tiền mặt là lợi thế cực lớn. "Nhà đầu tư chờ bắt đáy nên ưu tiên mua hàng chất lượng tốt, pháp lý an toàn, giá hợp lý, có thể khai thác sử dụng ngay hơn là nhắm vào tài sản siêu rẻ hình thành trong tương lai vì rất khó có hàng vừa rẻ vừa ngon", bà Vân nói.

Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định, các đợt xả hàng, giảm giá trong năm 2022 chỉ là bước khởi đầu, năm 2023 dự kiến các khó khăn tài chính có thể trở nên nặng nề hơn và các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính mất khả năng thanh toán sẽ phải giảm giá bất động sản để tái cơ cấu danh mục. Năm 2023 có thể là giai đoạn nhiều nhà đầu tư giữ tiền mặt chủ động nắm bắt cơ hội săn hàng giá tốt.

Theo ông Quang, hiện nay thị trường bất động sản chưa đến giai đoạn dò đáy, các vùng trũng về giá có thể xuất hiện vào năm sau. Đa số các tình huống giảm giá bán đến quý IV năm nay chỉ là giảm lời. Một số trường hợp giảm giá bán để cơ cấu dòng tiền đang thiếu hụt, có thể hoàn vốn (lỗ mất chi phí lãi vay) hoặc lỗ nhiều hơn nếu dùng đòn bẩy tài chính quá đà cũng dần phổ biến hơn. Mức giảm giá các tài sản phổ biến đến nay ghi nhận được khoảng 20-25% và giảm sâu khoảng 30-40% so với cùng kỳ.

"Cơ hội mua được hàng giá tốt sẽ nhiều hơn trong năm 2023 khi cuộc đua xả hàng mạnh dần, mức giảm có thể đạt đến 50% đối với những chủ tài sản tháo hàng do khó khăn tài chính ", ông Quang dự báo.

Cũng đồng quan điểm đáy bất động sản chưa xuất hiện trong năm 2022, ông Phan Công Chánh, CEO Phú Vinh Group nhìn nhận, thị trường đang trong xu hướng đi xuống nhưng chưa phải là đáy. Với điều kiện kinh tế vĩ mô cuối quý IV không thuận lợi, bất động sản đứng trước những pha điều chỉnh mạnh. Vì vậy các nhà đầu tư nên cẩn trọng trước các bẫy đại hạ giá nhà đất. Nhiều khả năng thời gian tới, khi khó khăn nhiều hơn, đà giảm giá tài sản có thể sâu hơn.

Ông Chánh khuyến nghị, từ nay tới hết năm 2023, các tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sửa Luật Đất đai, siết room tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp sẽ là những biến số quan trọng tác động đến diễn biến thị trường bất động sản. Khi càng có nhiều biến số, nhà đầu tư nên đưa khẩu vị rủi ro về mức 2 (thận trọng) hoặc mức 1 (không chấp nhận rủi ro).

Tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ hội sẽ đến với nhà đầu tư bám trụ thị trường bền bỉ qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đọc được chu kỳ lên xuống, có sẵn nguồn lực, nhưng nhóm này tương đối ít. Nếu đầu tư, phải chuẩn bị nguồn lực, cơ cấu danh mục để dôi dư tiền mặt để từ nay tới cuối 2023 có thể mua bất động sản với giá giảm sâu. Phân khúc đầu tư trong chu kỳ đi xuống là quay trở về với sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực.

"Đến giữa năm 2023 mới có hy vọng thị trường tìm ra các giải pháp hồi phục và độ trễ của chính sách có thể rơi vào ở 6-12 tháng kế tiếp", ông Chánh dự báo.

(Nguồn: Vnexpress)

Ồ ẠT RAO BÁN KHÁCH SẠN VEN BIỂN Ở ĐÀ NẴNG - QUẢNG NAM

(Ảnh minh hoạ)

Du lịch hồi phục nhưng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, các chủ doanh nghiệp, công ty kinh doanh lưu trú vẫn rao bán khách sạn nhan nhản, từ căn hộ đến khách sạn 4-5 sao.

“Anh muốn mua khách sạn tầm giá nào, từ 20 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng, bên em đều có để giao dịch, giấy tờ hợp pháp ”, anh Hoàng, nhân viên một công ty giao dịch, môi giới bất động sản tại Đà Nẵng giới thiệu khi dẫn chúng tôi đi xem khách sạn đang được rao bán.

Theo anh Hoàng, hiện công ty anh nhận ký gửi, rao bán hàng chục khách sạn lớn nhỏ tại Đà Nẵng và TP Hội An (Quảng Nam), trong đó thị trường Đà Nẵng nhiều hơn và chủ yếu là những khách sạn, căn hộ cho thuê nằm ở khu vực ven biển thuộc các phường Mỹ An, Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn), Phước Mỹ, Thọ Quang (quận Sơn Trà).

“So với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hiện số lượng khách sạn rao bán tại Đà Nẵng nhiều tương đương. Tuy nhiên, bây giờ các chủ khách sạn không tự rao bán mà thường thông qua các công ty, sàn giao dịch, môi giới bất động sản. Lý do là họ vẫn đang hoạt động, cố duy trì trong thời gian chờ bán nên ngại đứng ra giao dịch, sợ bị ép giá ”, anh Hoàng cho biết.

Bán từ căn hộ đến khách sạn 4-5 sao

Dẫn chúng tôi xem khách sạn tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (cách biển Phạm Văn Đồng 300m), anh Hoàng cho biết khách sạn này có diện tích 12 x 25m, mới xây dựng 4 năm, gồm 15 phòng và 6 căn hộ được chủ chào bán giá 40 tỷ đồng.

Nhân viên quản lý khách sạn này cho biết, dù vị trí đẹp, giá buồng phòng giảm khá sâu (chỉ 350-450 nghìn đồng/ngày đêm tương ứng với phòng đơn và phòng đôi) nhưng hiện công suất khai thác chỉ khoảng 30%.

“Đà Nẵng đang vào mùa thấp điểm du lịch, khách vắng nên chủ khách sạn chỉ cố duy trì hoạt động, hạn chế số lượng nhân viên trong thời gian chờ bán ”, anh Hoàng cho biết thêm.

Tiếp tục khảo sát, chúng tôi được chị Hiền (công ty môi giới bất động sản) giới thiệu khách sạn 7 tầng tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn được chào bán giá 24 tỷ đồng và khách sạn 6 tầng, có hồ bơi tại phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An) được rao giá 21 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, 2 khách sạn này hiện được chủ chuyển đổi thành căn hộ cho thuê để tìm kiếm nguồn thu do không có khách.

Chị Hiền cho biết, ngoài 2 khách sạn này, công ty của chị còn nhận giới thiệu, rao bán khoảng 10 khách sạn tại Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) với các mức giá từ 20 đến gần 100 tỷ đồng, tùy vị trí và quy mô.

“Hầu hết những chủ khách sạn này đã cố vượt qua mấy năm dịch COVID-19, mở cửa trở lại khoảng 1 năm nay nhưng không có khách, nguồn thu không đủ chi, trả lãi ngân hàng nên phải bán để cắt lỗ. Tiền lãi ngân hàng khiến nhiều chủ đầu tư bị “ngộp” nên chuyển đổi sang hình thức căn hộ cho thuê để khai thác nguồn khách nước ngoài theo diện công vụ, học tập trong khi chờ bán ”, chị Hiền nói.

Không chỉ những khách sạn 3 sao, căn hộ cho thuê, nhiều khách sạn 4-5 sao có giá từ 100 tỷ đồng đến gần 200 tỷ đồng tại Đà Nẵng cũng đang được ký gửi qua các công ty, sàn giao dịch bất động sản để bán.

Chị Phương, nhân viên công ty bất động sản giới thiệu với PV khách sạn 4 sao trên đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) quy mô 17 tầng, gần 70 phòng, có hệ thống hồ bơi với giá 100 tỷ đồng.

“Nếu phía anh có nhu cầu, chúng ta sẽ thương lượng cụ thể. Giấy tờ hợp lệ, đang nằm tại ngân hàng, khi giao dịch thì đến ngân hàng làm thủ tục ”, chị Phương cho biết.

Cũng theo chị Phương, lãi vay ngân hàng quá cao, công suất khai thác thấp, các chủ khách sạn không cầm cự nổi, phải bán để cắt lỗ. Thời điểm này rất nhiều khách sạn đang gửi công ty chị bán.

Quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi tiếp tục được giới thiệu khách sạn trên cách bãi biển Mỹ Khê 150m được chào bán với giá hơn 180 tỷ đồng. Người môi giới cho biết, chủ khách sạn này đang ở Mỹ, khách sạn hiện tạm dừng hoạt động nên thông qua công ty anh để bán.

Tại Quảng Nam, theo ghi nhận của PV VTC News , nhiều khách sạn, villa ở TP Hội An cũng đang được chủ rao bán thông qua các đơn vị môi giới bất động sản.

Anh H.N. (đại diện công ty môi giới bất động sản có trụ sở đóng tại TP Đà Nẵng) cho hay, thời gian qua, đơn vị nhận ký gửi, rao bán cả chục khách sạn xếp vào loại 4 sao và villa ở Hội An. Mới đây nhất, công ty nhận ký gửi, rao bán khách sạn gồm hơn 100 phòng với diện tích trên 2.000m2 ở địa bàn phường Cẩm Nam, TP Hội An. Mức giá chủ khách sạn đưa ra là 130 tỷ đồng.

Cũng theo N., sở dĩ chủ khách sạn đi đến quyết định rao bán khách sạn 4 sao này là vì đang gặp bế tắc trong việc thanh toán nợ ngân hàng.

“Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, khách sạn đón khách lưu trú đều đặn và luôn trong tình trạng kín phòng. Doanh thu mỗi tháng trên dưới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài đã khiến hoạt động của khách sạn bị ngưng trệ. Đến thời điểm hiện tại, dù ngành du lịch đã có tín hiệu khởi sắc hơn, song khách đăng ký lưu trú cũng rất hạn chế. Vì vậy, việc bán khách sạn là phương án khả dĩ mà chủ khách sạn tính tới nhằm giải quyết món nợ ngân hàng ”, N. nói và thông tin thêm, không riêng gì trường hợp này, tại TP Hội An, thời gian qua cũng có rất nhiều chủ khách sạn muốn bán cơ sở kinh doanh lưu trú để trả nợ ngân hàng.

Trên các trang Web mà những công ty môi giới chia sẻ, khách sạn, villa tầm 4 sao ở đô thị cổ Hội An có mức giá không dưới 100 tỷ đồng. Đơn cử như khách sạn 7 tầng trên đường Tuy Nhạc (phường Cẩm An) đang được rao bán với giá 119 tỷ đồng.

“Thực sự, giá khách sạn quá cao là rào cản khiến nhiều người muốn đầu tư vào lĩnh vực này e ngại. Đó là lý do khiến không ít khách sạn được rao bán từ khi dịch còn hoành hành đến nay vẫn không bán được ”, đại diện một doanh nghiệp môi giới bất động sản cho hay.

Chủ khách sạn là con nợ

Khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được ông Thành, người rao bán khách sạn trên địa bàn phường Phước Mỹ đã mấy tháng nay, chia sẻ nỗi lo của người chủ và cũng là con nợ.

Ông Thành cho biết, khách sạn của đang hoạt động nhưng phải bán để cắt lỗ vì áp lực quá lớn, ông đã “cố lắm rồi” nhưng không thể trụ được.

“Khách sạn xây được 4 năm, hiện định giá 39-40 tỷ đồng nhưng tôi phải bán vì hoạt động mà không có khách, lỗ càng thêm lỗ. Nếu đóng cửa bỏ không thì rất nhanh xuống cấp, càng mất giá ”, ông Thành nói.

Cũng theo chủ khách sạn này, dù tổng giá trị khách sạn là khoảng 40 tỷ đồng nhưng thực tế 1/3 trong số đó là tiền vay của ngân hàng.

“Làm phép tính đơn giản cũng thấy rõ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú đang khó khăn đến mức nào. Đất thì của mình, tiền xây khách sạn là vay ngân hàng. Khoản vay 12-13 tỷ đồng từ ngân hàng, cứ đến ngày đến tháng là trả phải lãi nên nếu không bán để cắt lỗ, cầm cự mãi thì đến đất cũng không giữ được chứ đừng nói chuyện kinh doanh ”, ông Thành than thở.

Vợ chồng anh Long cũng đang thông qua một công ty bất động sản để bán khách sạn 6 tầng khu ven biển Ngũ Hành Sơn. Anh Long chia sẻ, hiện anh chuyển sang kiểu căn hộ cho thuê để tìm nguồn thu với giá mỗi căn giao động 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng.

“Hiện có khoảng 50% số phòng được người ta thuê lưu trú dạng hợp đồng 6 tháng hoặc 1 năm nên tôi cho nhân viên nghỉ hết, vợ chồng vừa tự làm vệ sinh, bảo vệ để hạn chế tối đa chi phí. Mỗi tháng tổng doanh thu khoảng hơn 40 triệu đồng, không đủ trả lãi vay ngân hàng nên phải bán. Bán trả nợ, số còn lại tính đầu tư hướng khác chứ cứ cố mãi thì không trụ được” , ông Long chia sẻ.

Theo ông Thành, người kinh doanh khách sạn hầu hết đều dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng nên dù du lịch có dấu hiệu khởi sắc nhưng nhiều người không còn mặn mà vì áp lực trả nợ quá lớn.

Tiếp tục khó khăn

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản Đà Nẵng khi đánh giá về thị trường bất động sản du lịch tại Đà Nẵng.

Theo ông Lập, thị trường bất động sản nói chung đang gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng mạnh. Cạnh đó còn do thiếu hụt nguồn cung vì nhiều địa phương đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể.

“Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng còn phải chịu thêm sự tác động trực tiếp từ sự phục hồi yếu ớt của ngành du lịch. Vấn đề cấp giấy chứng nhận cho các loại hình bất động sản du lịch như căn hộ du lịch (condotel) vẫn chưa hoàn toàn thống nhất tại nhiều địa phương khiến cho dòng sản phẩm này gần như chết đứng trong thời gian qua ”, ông Lập đánh giá.

Ông Lập cho rằng, du lịch ở Đà Nẵng hiện vẫn chưa phục hồi hoàn toàn khi lượng khách đến thành phố còn thấp so với thời điểm trước năm 2019. Thêm nữa, miền Trung đang vào mùa mưa, mùa thấp điểm du lịch nên tình hình sẽ không có nhiều cải thiện cho đến hết năm nay.

“Thiếu hụt dòng tiền thanh toán chi phí lãi vay do doanh thu bấp bênh và thiếu triển vọng cải thiện trong tương lai gần, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ suy giảm nên quyết định rao bán là phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay. Sẽ tiếp tục thêm 1 năm khó khăn nữa cho dòng sản phẩm này khi mà diễn tiến tình hình vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện”, ông Lập nói và cho biết thêm đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư nhiều tiềm lực, có vốn nhàn rỗi thực hiện thu gom các sản phẩm trong phân khúc này với giá tốt.

“Vì triển vọng tăng giá mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn là điều tất yếu tại thủ phủ du lịch miền trung ”, ông Lộc nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Hoàng, Công ty H&H Land cho rằng, hoạt động của thị trường khách sạn Đà Nẵng sẽ còn khó khăn, muốn đạt được như thời điểm trước 2019 thì cần ít nhất phải 2 năm nữa, tức là đến năm 2024.

Ông Hoàng phân tích, có 3 nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp là cung vượt quá cầu, số lượng du khách (nhất là khách nước ngoài) quá hạn chế và các khách sạn hoạt động chủ yếu dựa vào ngân hàng.

“Thực sự là hiện đã quá bội thực về nhu cầu, tức là số lượng khách sạn, buồng phòng nhiều hơn nhu cầu lưu trú thực. Bây giờ người ta đang dè dặt về du lịch do kinh tế khó khăn, nguồn khách Hàn Quốc có nhưng chưa nhiều, khách Trung Quốc thì gần như trắng. Cạnh đó, hệ thống khách sạn hiện hoạt động dựa vào ngân hàng là chính. Khi nguồn thu không đủ chi thì lấy đâu ra trả lãi, nên bắt buộc phải bán”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng phân tích thêm, nhìn nhận thực tế thì hệ thống khách sạn tại Đà Nẵng “chết” ngay từ tháng 3/2022, thời điểm mở cửa du lịch chứ không phải đến bây giờ.

“Nếu đóng cửa luôn sẽ khác, nhưng một khi đã mở cửa thì phải hoạt động. Hoạt động theo kiểu cầm chừng thì càng hoạt động sẽ càng lún vào thua lỗ”, ông Hoàng nhìn nhận.

Ông Hoàng cho rằng đây cũng là thời điểm để “thanh lọc” của thị trường khách sạn tại Đà Nẵng. Những công ty, doanh nghiệp có tiềm lực thật sự sẽ tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn, còn những đơn vị đang đứng bên bờ vực sẽ khó vượt qua thách thức.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Cạnh tranh đường bay Việt-Ấn; Nữ đại gia thủy sản gặp khó; Vòng xoáy giá nhà đất; Môi giới BĐS không dám ôm đất ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang