Giả công an chiếm đoạt tiền; Cụ bà vay tiền bỏ trốn; Đường dây mua bán vũ khí; Mất tài sản vì tin lời mời đầu tư

KHỞI TỐ NHÓM ĐỐI TƯỢNG GIẢ DANH CÔNG AN CHIẾM ĐOẠT HƠN 28 TỶ ĐỒNG

(Ảnh minh hoạ).

Các bị can giả mạo cán bộ công an và VKS để giúp bị hại giải quyết vụ việc. Sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng được chỉ định rồi chiếm đoạt

Ngày 15/1, Công an tỉnh Thái Bình thông tin, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình vừa khởi tố 19 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Họ bị cáo buộc liên quan đường dây lừa đảo có tổ chức, sử dụng công nghệ cao móc nối với người nước ngoài để chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

19 đối tượng gồm: Trần Việt Bắc (1993), Trần Đình Hoàng (1990) cùng trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Thị Tuyết (1999) trú tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Thu Trà (2002) trú tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội; Trịnh Đức Thắng (1999), Phạm Văn Đối (1990) cùng trú tại xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; Hoàng Xuân Lâm (2000), Nguyễn Văn Nam (1999) cùng trú tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội; Nguyễn Đắc Huấn (1993) trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội; Trần Thị Lĩnh (1990) trú tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Đào Thanh Tùng (1991), Đặng Văn Mạnh (1994), Đào Văn Long (1997), Đào Văn Hiểu (1981), Đặng Văn Vinh (1996), Đào Anh Tuấn (1997), Đào Xuân Minh (1996), Trần Văn Ngọc (2000), Nguyễn Văn Tuyên (1997) cùng trú tại xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Theo cơ quan điều tra, nhóm đối tượng trên đã giả danh cơ quan viễn thông liên lạc với bị hại. Sau đó, họ thông báo bị hại bị giả mạo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và nối máy trực tiếp đến cơ quan chức năng để trình báo.

Tiếp đó, các bị can giả mạo cán bộ công an, VKS hỗ trợ bị hại giải quyết vụ việc, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của các bị can để chiếm đoạt. Cơ quan chức năng xác định từ tháng 11/2022 đến ngày 31/12/2022, đường dây lừa đảo trên đã chiếm đoạt tổng số tiền trên 28 tỷ đồng.

Qua vụ án trên, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo khi nhận các cuộc gọi điện thoại mà người gọi xưng là cán bộ công an, VKS... để yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.

Người dân tuyệt đối không nghe theo lời người lạ để chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Người dân cũng không cho mượn, cho thuê căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc thẻ ngân hàng; không nhận chuyển khoản hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

TRUY NÃ ĐẶC BIỆT CỤ BÀ 73 TUỔI VAY 19 TỈ ĐỒNG RỒI BỎ TRỐN

Cụ bà 73 tuổi đã vay tiền của nhiều người với số tiền lên đến 19 tỉ đồng rồi bỏ đi khỏi nơi cư trú đã bị cơ quan công an ra quyết định truy nã đặc biệt.

Ngày 16-1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định truy nã bị can Dương Thị Thanh (73 tuổi, quê xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, trú huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến Cơ quan Công an, VKSND hoặc UBND nơi gần nhất.

Từ tháng 6 đến tháng 11-2021, bị can Dương Thị Thanh đã thông tin cần tiền đáo hạn ngân hàng để vay mượn tiền của nhiều người. Sau khi mượn số tiền gần 19 tỉ đồng, bà Thanh rời khỏi nơi cư trú.

Sau khi tiếp nhận vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai đã phát đi thông báo truy tìm đối tượng Dương Thị Thanh và con trai là Lê Văn Bảy (SN 1993, trú xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) - là người liên quan đến vụ việc.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng kêu gọi những ai là nạn nhân của bị can Dương Thị Thanh thì đến cơ quan công an trình báo sự việc và được hướng dẫn.

(Nguồn: Kenh14)

ĐƯỜNG DÂY MUA BÁN VŨ KHÍ BỊ PHÁT HIỆN

(Ảnh minh hoạ).

Phạm Xuân Thiện rủ người có tiền án, tiền sự tham gia đường dây mua bán vũ khí, pháo nổ và ma túy qua mạng.

Ngày 16/1, Thiện (33 tuổi, trú Bình Định); Giang Quốc Cường (28 tuổi, trú Tây Ninh); Nguyễn Văn Đức (26 tuổi); Nguyễn Văn Độ (19 tuổi, cùng trú Hải Dương) bị Công an huyện Lộc Hà tạm giữ hình sự để điều tra về tội Buôn bán hàng cấm, Mua bán trái phép chất ma túy, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, theo điều 190, 251, 304 Bộ luật Hình sự.

Theo điều tra, vài tháng qua, Thiện, Cường, Đức và Độ lập đường dây buôn bán pháo nổ, vũ khí, ma túy liên tỉnh, quy tụ người có tiền án tiền sự tham gia.

Nhóm này mở nhiều tài khoản mạng xã hội để đăng bài bán hàng, sử dụng sim rác và tài khoản ngân hàng không chính chủ trong giao dịch.

Giữa tháng 12/2022, đường dây này bị Công an huyện Lộc Hà phát hiện.

Trong tháng 1, nhiều tổ công tác được cử đến Bình Định, Tây Ninh, Hải Dương để bắt Thiện, Cường, Đức và Độ.

Khám nơi ở của bốn nghi can, cảnh sát công bố thu hơn 100 kg pháo nổ, 27,5 gam ma túy tổng hợp, 3 khẩu súng, 117 viên đạn.

(Nguồn: Vnexpress)

MẤT HẾT TÀI SẢN VÌ TIN LỜI MỜI GỌI ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH TRÊN MẠNG

Nhiều nạn nhân ở Hà Tĩnh mất hàng trăm triệu đồng chỉ vì tin vào lời mời gọi đầu tư tài chính trên mạng xã hội, truy cập vào các đường link lạ dẫn đến mất sạch tài sản.

Sập bẫy các đối tượng mạo danh "chuyên gia"

Tháng 7/2022, trong một lần lướt mạng xã hội Facebook, anh T.V.T. (SN 1990, trú TP Hà Tĩnh) thấy một đường link lạ quảng cáo, mời gọi đầu tư tài chính trên mạng với lãi suất cao. Tò mò, hiếu kỳ nên anh T. truy cập vào đường link này.

Sau đó, anh T. được các “chuyên gia” hướng dẫn cách mở tài khoản và tham gia một sàn giao dịch ảo trên Zalo với hàng nghìn người chơi.

“Tại sàn này, họ bảo tôi phải làm theo các "chuyên gia", tôi chỉ việc nộp tiền vào và sẽ được hưởng hoa hồng.

Trong những lần đầu tôi nộp tiền ít và làm theo các lệnh có trên sàn theo chỉ định của những thành viên xưng là "chuyên gia", sau đó được trả tiền lãi về tài khoản”, anh T. cho hay.

Sau nhiều lần “thả mồi” và dẫn dụ được sự tin tưởng từ anh T., các “chuyên gia” nhắn tin nói anh T. chuyển số tiền lớn dần để được trả lãi tương xứng.

Lần tiếp theo, anh T. chuyển 20 triệu đồng vào một số tài khoản lạ. Sau đó có người nhắn tin rằng anh đã thực hiện đúng lệnh và được 5 triệu đồng tiền lãi.

"Vài phút sau số tiền cả gốc cả lãi là 25 triệu đồng được trả về tài khoản của tôi. Chỉ vài thao tác nhẹ nhàng là tôi có thể rút tiền, đổ về số tài khoản chính chủ”, anh T. kể.

Liên tục nộp tiền theo lệnh và hưởng lãi “rất hời” khiến anh T. bị mê hoặc. Lúc này, người hướng dẫn thêm anh vào một nhóm khác gồm có 3 tài khoản, trong đó có một người tự xưng là “thầy”.

Nhân vật “thầy” hướng dẫn anh T. nộp 40 triệu đồng thì sẽ được hưởng tiền hoa hồng khoảng 20 triệu đồng.

“Họ bảo tôi cứ thao tác theo "thầy". Tôi nộp vào tài khoản của họ 40 triệu đồng, tuy nhiên, sau đó làm theo hướng dẫn thì họ lại đảo lệnh và cho rằng tôi làm sai thao tác nên không thể rút được tiền.

Trong lúc đang hoang mang không biết làm cách nào để lấy lại tiền thì “thầy” lại bảo tôi phải nộp số tiền vài chục triệu đồng và thực hiện theo lệnh của họ chỉ dẫn để rút gốc và vốn về.

Tôi như bị bỏ bùa mê, cứ thao tác đúng như họ chỉ dẫn nhưng chúng lại bịa ra rất nhiều lý do như sai lệnh, quá giờ… và tiếp tục dụ dỗ để tôi tiếp tục đóng tiền.

Do quá nóng ruột, hoang mang vì trót nộp tiền vào không thể rút ra, tôi đã vay nóng bạn bè số tiền lớn để tiếp tục nộp”, anh T. kể lại.

Sau nhiều lần chuyển tổng số khoảng 240 triệu đồng vào tài khoản ảo, anh T. vẫn không rút tiền về được. Anh nhắn tin cho “thầy” hỏi lý do thì được phản hồi "muốn rút gốc với lãi về thì phải đóng tiền thuế 20%".

"Chúng yêu cầu tôi nộp thêm tiền, tiếp tục dụ dỗ nhưng thời điểm đó trong người tôi không còn tiền. Những chỗ vay mượn được đều đã vay, tiền hàng của công ty cũng trót dại nộp vào không thể lấy lại được, tôi mới ngớ người là mình đã bị lừa.

Mất tiền oan, sốc nặng vì tôi không ngờ mình có thể bị lừa dễ dàng như vậy. Quãng thời gian đó tôi suy sụp, xấu hổ, không dám trình báo công an”, anh T. kể thêm.

Lún sâu vì tâm lý cố để kéo lại số tiền đã mất

Đa số nạn nhân dính bẫy lừa đảo đều có tâm lý cố níu để kéo lại số tiền gốc đã mất nên ngày càng thêm lún sâu, số tiền bị mất càng lớn hơn.

Tháng 6/2022, chị P.T.Nh. (công tác tại một đơn vị sự nghiệp ở Hà Tĩnh) nhìn thấy dòng quảng cáo trên Facebook giới thiệu việc làm tại nhà. Chị Nh. vào trang quảng cáo để nhắn tin trao đổi thì được cho số điện thoại, tên của chuyên viên hướng dẫn công việc.

Sau khi kết bạn qua Zalo với chuyên viên, chị Nh. được giới thiệu làm việc quảng cáo bán hàng trên Lazada. "Chúng bảo cần tương tác lượt mua hàng và đẩy cao doanh thu. Nếu làm thì tôi sẽ được hưởng hoa hồng từ 10-20%/sản phẩm”, chị Nh. kể.

Đơn hàng đầu tiên, chị Nh. thao tác chuyển tiền mua thỏi son 700 nghìn đồng vào một số tài khoản ngân hàng với nội dung chuyển khoản "LZD 1666". Sau đó, chị được trả về tài khoản của mình số tiền 770 nghìn đồng bao gồm cả gốc và lãi.

Tuy nhiên, những lần tiếp theo chuyển khoản mua hàng các mức 4, 16, 24, 32, 33 triệu đồng… thì chị Nh. không thấy tiền trả về.

Lý do các đối tượng lừa đảo đưa ra là “nội dung chuyển khoản sai” và yêu cầu chị Nh. phải đóng thêm tiền để khắc phục lỗi sai. Cứ như vậy, những lần chuyển tiền của chị Nh. lớn dần.

“Do cố níu để kéo số tiền gốc đã mất trước đó nên tôi mù quáng tin và làm theo sự hướng dẫn của chúng. Tôi đã lần lượt chuyển hơn 147 triệu đồng và bị lừa mất số tiền này. Tôi đã trình báo công an và mong muốn tìm lại số tiền đã bị lừa”, chị Nh. cho hay.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Bắn người vì nhớ thù cũ; Vụ cháu bé bị dập não; Trộm súng cướp xe bỏ trốn; Sòng bạc quý bà; 'Sập bẫy' chiêu trò lừa đảo ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang