EU: Lan tỏa văn hóa đọc sách; Tụt hậu kinh tế; 'Hiến chương điện mặt trời'; Tranh luận về Iron Dome; Tòa nhà 400 năm ở Copenhagen đổ sập

CHÂU ÂU LAN TỎA TINH THẦN ĐỌC SÁCH TỚI GIỚI TRẺ

Các chương trình Culture Pass khuyến khích giới trẻ mua, đọc sách và tiếp cận với các giá trị văn hóa đang ngày càng lan tỏa tại nhiều nước châu Âu.

Theo Publishing Perspectives, Culture Pass là thuật ngữ chung chỉ sự phân bổ ngân sách của các quốc gia châu Âu cho hoạt động hỗ trợ công dân, đạt đến một độ tuổi nhất định, trong việc mua sách, đọc sách, đi thăm bảo tàng và tiếp cận với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong một khoảng thời gian nhất định.

Thông thường, người dùng có thể sử dụng thẻ Culture Pass để mua sách in, sách nói, học các loại ngôn ngữ mới, tham dự triển lãm, các buổi biểu diễn, thăm bảo tàng….

Đã thành công tại nhiều quốc gia lớn

Tại Italy và Pháp, chương trình này đã được thực hiện trong một khoảng thời gian, đặc biệt là tại Italy, đã diễn ra trong khoảng một thập kỷ. Chương trình này có tên là 18App tại Italy và năm nay đã được đổi tên, chuyển sang hai loại thẻ là Youth Culture Card và Merit Card, mỗi loại đều được hỗ trợ 500 Euro và dành cho những người bước sang tuổi 18.

Tại Pháp, chương trình Culture Pass hiện hỗ trợ người trẻ 15-20 tuổi với hạn mức 350 Euro/ thẻ. Từ khi được triển khai năm 2021 đến nay, đã có hơn 3,7 triệu người trẻ ở Pháp hưởng lợi từ chương trình này.

Trong khi đó, các quốc gia khác, chẳng hạn như Tây Ban Nha và Đức, mới triển khai kế hoạch này gần đây hơn, một phần là để tái thiết lĩnh vực văn hóa sau đại dịch Covid-19. Chính phủ Tây Ban Nha đã triển khai chương trình Culture Pass từ năm 2021, hỗ trợ thanh thiếu niên 400 Euro khi bước sang tuổi 18 để tiếp cận sách và nhiều sản phẩm văn hóa khác.

Tại Đức, chương trình Kulturpass (Culture Pass) với ngân sách 100 triệu Euro được khởi động lần đầu năm 2023, hỗ trợ 200 Euro cho những người 18 tuổi đăng ký trên ứng dụng điện tử. Do nhu cầu về Kulturpass ở Đức rất cao, năm 2024, giá trị của thẻ được điều chỉnh còn 100 Euro/người.

Đánh giá về năm đầu triển khai Kulturpass, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức Claudia Roth cho biết, đã có hơn 285.000 thanh niên đăng ký Kulturpass trong vòng chưa đầy 6 tháng và họ đã tận dụng rất tốt nó, với hơn 1,18 triệu lượt sử dụng. Kulturpass đã đưa giới trẻ Đức đến nhiều hiệu sách và rạp chiếu phim, các buổi hòa nhạc, lễ hội hay nhà hát opera, vào các viện bảo tàng, cửa hàng băng đĩa và cửa hàng âm nhạc.

Lĩnh vực văn hóa của Đức cũng đã được hưởng lợi từ Kulturpass sau giai đoạn khó khăn của đại dịch, với tổng doanh thu hơn 23,5 triệu Euro trên tất cả lĩnh vực. Như vậy, Đức đã đạt được hai mục tiêu quan trọng nhất là thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa và truyền cảm hứng cho giới trẻ về văn hoá đọc, khám phá đời sống văn hóa quốc gia phong phú và đa dạng.

Mở rộng thêm đến nhiều nước châu Âu

Sau những thành công đầu tiên, Đức đang muốn tăng cường phối hợp với Pháp trong việc hỗ trợ người trẻ tận dụng Kulturpass tốt hơn. Nước Đức đã hợp tác chặt chẽ với Pháp khi phát triển Kulturpass năm 2023. Giờ đây, Berlin muốn đưa sự hợp tác đó lên một cấp độ khác, bằng cách cho phép người dùng Pháp và Đức có thẻ sử dụng Culture Pass tại cả hai quốc gia.

Theo bà Claudia Roth, đây là điều có lợi cho những người trẻ sống ở vùng biên giới và hiện các cơ quan liên quan đang xem xét các yếu tố để xúc tiến triển khai.

Đánh giá về khả năng triển khai chương trình này đến nhiều quốc gia hơn, bà Roth cho hay: Ngoài Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch cũng đang xúc tiến triển khai. Và ở Áo cũng đã có những sáng kiến tương tự.

"Hiện tại, tôi và nhóm của mình đang tập trung vào việc mở rộng chương trình này trên diện rộng hơn. Thông qua các cơ chế của Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi sẽ kêu gọi Ủy ban châu Âu tiếp tục phát triển Kulturpass. Mục tiêu của chúng tôi là một châu Âu giàu văn hóa, hướng tới một không gian văn hóa chung trên khắp châu Âu", bà Roth cho biết.

Sức mạnh lớn nhất của Culture Pass nằm ở chỗ nó tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa giới trẻ và các nhà cung cấp văn hóa. Culture Pass mang đến cho các nhà cung cấp cơ hội tuyệt vời để thu hút khán giả trẻ mới và xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ.

Và đó chính xác là điều thế hệ hiện nay và ngành công nghiệp văn hoá cần, một mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa độc giả với các hiệu sách hay rạp chiếu phim, theo trang Deutsch Land.

CHÂU ÂU ĐỐI MẶT NGUY CƠ TỤT HẬU KINH TẾ & CÔNG NGHỆ

Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu hơn nữa so với Mỹ, nếu không có những điều chỉnh đáng kể đối với thị trường chung. Đây là lời cảnh báo của cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta trong báo cáo ông dự định trình bày trước các nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp ngày 17/4.

Trong báo cáo khuyến nghị về những biện pháp nhằm giúp EU bắt kịp với một số cường quốc kinh tế như Mỹ và Trung Quốc, ông Letta nhận định các doanh nghiệp châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột tại Ukraine, nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng vọt, cũng như các biện pháp trợ cấp nhà nước và việc nới lỏng quy định.

Các số liệu cho thấy kinh tế EU chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023, thấp hơn so với mức 2,5% của Mỹ. Ông Letta cho rằng khoảng cách tăng trưởng giữa EU và Mỹ đang ngày càng lớn và liên minh này cần khẩn trương hành động.

Bên cạnh đó, EU cũng đang quan ngại về nguy cơ bị tụt hậu về các công nghệ quan trọng trong tương lai như tấm pin năng lượng Mặt Trời, pin điện, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). EU ước tính sẽ cần thêm 620 tỷ euro (660 tỷ USD) mỗi năm để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và số hóa.

Theo ông Letta, EU sẽ cần huy động vốn đầu tư tư nhân, nhưng cũng lưu ý những khó khăn mà các công ty khởi nghiệp châu Âu đang gặp phải trong việc tiếp cận số vốn lớn, vốn thường khiến họ phải tìm kiếm đầu tư ở các quốc gia khác.

Ước tính mỗi năm sẽ có hơn 300 tỷ euro (319,5 tỷ USD) tiền tiết kiệm tại EU được đầu tư vào thị trường Mỹ. Trước tình hình này, ông đề xuất việc thành lập thị trường chung cho các dịch vụ tài chính, đồng thời cho rằng việc thiết lập một liên minh tiết kiệm và đầu tư là cần thiết để ngăn chặn dòng tiền châu Âu chảy sang các thị trường khác.

Cựu Thủ tướng Letta đánh giá quy mô thị trường chung EU hiện tại còn hạn chế khi chỉ cho phép hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người lưu thông tự do trong khối. Ông cho rằng cần mở rộng quy mô thị trường sang các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, tài chính và quốc phòng, nhằm khắc phục tình trạng phân mảnh, do mỗi quốc gia lại áp dụng quy định khác nhau.

Trong báo cáo, ông Letta cảnh báo EU không nên từ bỏ vai trò là nhà sản xuất hàng đầu, bởi điều này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của khối. Báo cáo khuyến nghị thiết lập một cơ chế trên toàn EU để giải quyết vấn đề chênh lệch trong trợ cấp nhà nước giữa các thành viên.

So với 25 thành viên còn lại, Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất EU - đã chi rất nhiều tiền cho trợ cấp nhà nước. Năm 2020, EU đã nới lỏng quy định trợ cấp nhà nước để ứng phó với đại dịch COVID-19 và áp dụng chính sách tương tự vào năm 2023.

EC & DOANH NGHIỆP KÝ HIẾN CHƯƠNG ĐIỆN MẶT TRỜI

Ủy ban châu Âu (EC) và các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện mặt trời châu Âu đã ký một bản hiến chương nhằm bảo vệ và khuyến khích loại hình năng lượng tái tạo này.

Trong khuôn khổ hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 15-16/4 ở Brussels, đại diện 23 quốc gia thành viên EU, Ủy ban châu Âu (EC) và các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện mặt trời châu Âu đã ký một bản hiến chương nhằm bảo vệ và khuyến khích loại hình năng lượng tái tạo này.

“Hiến chương điện mặt trời” của EU không chỉ là một cam kết về việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, mà còn hướng tới việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung từ các quốc gia ngoài khối và tăng cường sức cạnh tranh bền vững.

Tại châu Âu, năng lượng tái tạo đang chiếm một vị trí ngày càng quan trọng hơn trong nguồn cung ứng điện. Vào năm 2023, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện năng của EU lần đầu tiên đã vượt qua ngưỡng 40%, trong đó 27% từ điện mặt trời và điện gió.

Để đạt được mục tiêu của EU về ít nhất 42,5% năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tham vọng đạt 45%, khối 27 quốc gia này xác định cần đẩy nhanh việc tốc độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo, thực hiện các mục tiêu của chương trình giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ ngoài khối, trong đó điện mặt trời được xác định là loại hình thay thế chiến lược.

Hồi tháng 3 vừa qua, các Bộ trưởng Năng lượng EU từ bày tỏ quan ngại về năng lực thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn có thể tái tạo, do đó “hiến chương điện mặt trời” được coi là bước hợp lý tiếp theo và nhằm mục đích củng cố quyết tâm và duy trì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp này trước các đối thủ kinh tế khác trên thế giới.

CHÂU ÂU SỤC SÔI TRƯỚC HỆ THỐNG PHÒNG KHÔNG IRON DOME CỦA ISRAEL

Hệ thống phòng không Iron Drome trứ danh của Israel đã được đề cập đến trong các bình luận của cả giới lãnh đạo và các công ty quốc phòng ở châu Âu.

Cuộc tấn công quy mô lớn của Iran trực tiếp vào Israel cuối tuần qua đã một lần nữa khiến các cuộc thảo luận về khả năng phòng không trở nên sôi nổi. Hệ thống phòng không đa lớp, bao gồm Iron Dome (Vòm sắt), đã giúp Israel đánh chặn hầu như toàn bộ các vật thể bay do Iran phóng tới.

Hệ thống phòng không Iron Drome trứ danh của quốc gia Trung Đông là thứ từ lâu Ukraine đã muốn có nhưng vẫn chưa thể có. Hệ thống này cũng được đề cập đến trong các bình luận của cả giới lãnh đạo và các công ty quốc phòng ở châu Âu.

Cụ thể, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa cho biết đất nước ông có kế hoạch tham gia dự án phát triển hệ thống phòng không trên toàn châu Âu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa tiềm tàng.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ở Warsaw hôm 15/4, ông Tusk cho biết cuộc tấn công gần đây của Iran đã xác nhận rằng việc có một hệ thống giống như hệ thống phòng không Iron Dome của Israel là rất quan trọng.

“Không có lý do gì để châu Âu không tự phát triển lá chắn chống lại tên lửa và máy bay không người lái”, ông Tusk nói. “Không cần phải tưởng tượng nhiều cũng có thể hiểu được rằng chúng ta cũng có thể đang ở trong vùng nguy hiểm”.

Thủ tướng Ba Lan cũng cho hay Đan Mạch đã ủng hộ kế hoạch của ông về tham gia Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu (Sky Shield, hay ESSI) do Đức khởi xướng, hiện bao gồm các quốc gia như Vương quốc Anh và Phần Lan.

Ngay cả trước khi cuộc tấn công của Iran vào Israel xảy ra, người đứng đầu hãng sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu Rheinmetall đã khuyến nghị rằng các nhà lãnh đạo EU nên xem xét lắp đặt các hệ thống phòng không tầm ngắn tương tự như Iron Dome.

Bình luận của CEO Rheinmetall Armin Papperger được đưa ra vào tháng trước, trong bối cảnh các thủ đô EU đang tăng cường chi tiêu quân sự do lo ngại ngày càng tăng về các mối đe dọa trên không và đang tìm cách giải quyết những hạn chế tồn tại lâu dài trong các hệ thống phòng thủ hiện có.

Ông Papperger cho biết hệ thống phòng không tầm ngắn là “thứ họ muốn tạo ra ở châu Âu”, chỉ ra một khía cạnh của sáng kiến Sky Shield do Berlin hậu thuẫn.

“Tôi cũng nghĩ rằng việc có một giải pháp châu Âu tương tự như Iron Dome và hơn thế nữa là một ý tưởng hay”, vị CEO nói với tờ Financial Times hôm 20/3.

Iron Dome có tầm bắn lên tới 70 km và được Israel sử dụng từ năm 2011 để đánh chặn tên lửa tầm ngắn. Việc che chắn những vùng đất rộng lớn ở lục địa châu Âu bằng một hệ thống tương tự đã bị các nhà phân tích cho là xa vời, nhưng các nước EU đã đầu tư vào một loạt công nghệ phòng không.

CEO một công ty quốc phòng khác ở châu Âu nói với tờ báo Anh rằng châu Âu đã có “tất cả các khả năng để tạo ra các lớp phòng không đầy đủ. Vì vậy, vấn đề chỉ là họ có quyết định sử dụng hay không”.

Vào cuối năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố sáng kiến Sky Shield nhằm tạo ra một hệ thống phòng không và tên lửa bảo vệ bầu trời châu Âu bằng cách cùng nhau mua sắm thiết bị.

21 quốc gia châu Âu đã đăng ký tham gia sáng kiến này, nhưng không bao gồm Pháp. ESSI khiến Paris tức giận vì nó bao gồm việc mua sắm các hệ thống phòng không từ các công ty của Israel và Mỹ trong khi bỏ qua các hệ thống như SAMP/T do hãng MBDA của Pháp và Italy đồng sản xuất.

Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall có trụ sở tại Düsseldorf (Đức) cho biết vào tháng 2 rằng họ đã bán hệ thống phòng không tầm ngắn Skyranger 30, hệ thống mà họ cho biết có thể được sử dụng để chống lại máy bay không người lái cùng nhiều vũ khí khác, cho lực lượng vũ trang Đức với giá 600 triệu Euro.

Các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp được coi là một trong 22 ưu tiên về năng lực phòng thủ của EU, trong đó Brussels thúc đẩy các quốc gia thành viên phát triển “khả năng tương tác hoàn toàn thế hệ tiếp theo” trong phòng không hoạt động với các hệ thống hiện có của NATO.

EU cũng đang nghiên cứu một chiến lược quốc phòng mới nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm chung và lần đầu tiên đặt ra mục tiêu mua hàng từ các nhà sản xuất trong khối thay vì Mỹ.

Các CEO ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cũng kêu gọi hợp tác và hợp tác nhiều hơn giữa các công ty để giảm sự trùng lặp và củng cố cơ sở công nghiệp của “lục địa già” về lâu dài

BIỂN LỬA THIÊU RỤI TÒA NHÀ 400 NĂM TUỔI BIỂU TƯỢNG CỦA COPENHAGEN

Đám cháy đã bùng phát tại một trong những tòa nhà cổ nhất ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, khói dày đặc cuồn cuộn bốc lên không trung.

Ngọn lửa nhấn chìm ngọn tháp mang tính biểu tượng của tòa nhà "Sàn giao dịch". Sau đó, ngọn tháp đã đổ sập xuống mái tòa nhà - cảnh tượng gợi nhớ đến vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris vào năm 2019.

Hiện chưa có báo cáo về thương vong trong vụ cháy tòa nhà.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các tác phẩm nghệ thuật được nhanh chóng dỡ ra và sơ tán khỏi tòa nhà có niên đại từ năm 1625.

Tòa nhà lịch sử này - nằm cạnh Quốc hội Đan Mạch với ngọn tháp cao 56 mét có hình đuôi của bốn con rồng cuốn vào nhau - đang trong quá trình cải tạo khi đám cháy bùng phát. Tòa nhà cổ thường được sử dụng cho các buổi dạ tiệc, hội nghị và sự kiện nhưng không mở cửa cho công chúng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đan Mạch Jakob Engel-Schmidt đã đăng trên mạng xã hội X "những bức ảnh bi thảm" từ vụ hỏa hoạn tại tòa nhà còn được gọi là "Borsen" (tiếng Đan Mạch có nghĩa là "Sàn giao dịch"), đồng thời cho biết di sản văn hóa 400 năm tuổi này của Đan Mạch đã chìm trong biển lửa.

Ông Jakob Engel-Schmidt chia sẻ thật "cảm động" khi thấy người qua đường hỗ trợ các nhân viên khẩn cấp "cứu những kho báu nghệ thuật và những tác phẩm mang tính biểu tượng khỏi tòa nhà đang cháy".

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen viết: "Những bức ảnh khủng khiếp từ Borsen. Thật đáng buồn. Một tòa nhà mang tính biểu tượng có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả chúng ta".

Phòng Thương mại Đan Mạch cũng viết trên X: "Chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp. Borsen đang bốc cháy".

Cảnh sát Copenhagen cho biết họ đã sơ tán người dân sống trong các tòa nhà trên con phố nơi tòa nhà "Sàn giao dịch" lịch sử tọa lạc, bao gồm cả Bộ Tài chính Đan Mạch. Họ nói rằng người dân nên có kế hoạch vì khu vực này dự kiến sẽ có thể bị phong tỏa trong một khoảng thời gian.

Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây ra vụ cháy.

Nguồn: Zing News; Báo Tin Tức; Môi trường & Đô thị; Người Đưa Tin; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang