Dự án vành đai 'đắt nhất hành tinh'; Sông Cầu 'nuốt chửng' nhà dân; Xây 2 đập lớn trên sông Hồng; Phát triển nông nghiệp thuận thiên

CHỐT TIẾN ĐỘ DỰ ÁN VÀNH ĐAI "ĐẮT NHẤT HÀNH TINH"

Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục vừa được UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh quy mô đầu tư, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Theo đó, dự án được điều chỉnh quy mô đầu tư: Giảm mặt cắt ngang đoạn tuyến qua khu vực Đài Truyền hình Việt Nam. Phần ngoài chỉ giới phân kỳ tách ra khỏi dự án đầu tư theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ra văn bản yêu cầu hoàn thành Dự án Vành đai 1 trong năm 2024.

Đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (Hà Nội) có chiều dài 2.274m. Điểm đầu tuyến tại nút giao Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu - Hào Nam; điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục. Tuyến đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2017, với vốn ban đầu gần 7.800 tỷ đồng cho đoạn đường 2,2km, tuyến đường được mệnh danh “ đắt nhất hành tinh ”.

Trao đổi với PV Tiền Phong về dự án, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội (Ban Quản lý dự án) cho biết, hiện tổng mức đầu tư của dự án là 7.211 tỷ đồng, đến thời điểm này giải ngân hơn 2.127 tỷ đồng. Thời gian qua, Ban quản lý dự án đã phối hợp với UBND các quận Ba Đình , Đống Đa tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, các đơn vị liên quan đã thực hiện đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất và kiểm đếm tài sản được 1.969/2.005 hộ dân (98,2%); xác nhận nguồn gốc đất của 1.859/1.969 hộ dân đã kiểm đếm tài sản (94,4%). Qua đó lập 1.197 phương án đền bù; phê duyệt 701 phương án đền bù và tiến hành chi trả tiền đền bù cho 548 hộ dân với giá trị 1.596 tỷ đồng.

Theo thống kê, đã có 104 hộ dân bàn giao mặt bằng; 96 hộ đã phá dỡ thu hồi mặt bằng. Còn lại 171 hộ đủ điều kiện thu hồi mặt bằng, UBND các phường liên quan đang khảo sát, lên phương án, dự kiến trong tháng 3 này tiến hành phá dỡ. Hiện nay, còn 13 hộ dân khu vực góc cua nút giao Nguyễn Chí Thanh vẫn không đồng ý cho cán bộ địa chính đo đạc. Ban Quản lý dự án đã nhiều lần phối hợp với UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) tổ chức tuyên truyền, vận động. Ban Quản lý dự án đề nghị quận Ba Đình ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc để tổ chức thực hiện trong tháng 3/2024.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đề xuất UBND quận Đống Đa , quận Ba Đình hoàn thành đo đạc, kiểm đếm và xác định nguồn gốc đất các hộ còn lại, bao gồm 13 hộ đo đạc kiểm đếm và xác nhận 78 nguồn gốc đất trong tháng 3/2024 để lập phương án trình thẩm định phê duyệt. Ban cũng đề xuất Sở Xây dựng trình UBND TP ban hành quyết định bán nhà cho 124 căn và trình điều chỉnh đơn vị nhận tiền nhà của 62 căn tái định cư khu Nam Trung Yên để đảm bảo tiến độ.

Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu các gói thầu thi công xây dựng tuyến đường để triển khai thi công đồng thời với giải phóng mặt bằng. Dự kiến, tuyến đường sẽ cơ bản hoàn thành trong quý I/2025.

SÔNG CẦU 'NUỐT CHỬNG' NHÀ DÂN, BẮC NINH TIẾP TỤC CÔNG BỐ TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP

Đây là lần thứ hai trong vòng 5 tháng qua, tỉnh Bắc Ninh công bố tình huống khẩn cấp liên quan sự cố sạt lở tại tuyến đê hữu Cầu.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai làm sạt lở bờ sông đoạn từ K49 +750 đến K49+ 800 đê hữu Cầu, phường Vạn An, TP Bắc Ninh.

Trước đó, ngày 3/3, tại đoạn từ K49 + 750 đến K49 + 800 đê hữu Cầu tại phường Vạn An bắt đầu xuất hiện một số vết nứt nhỏ và có xu hướng phát triển thêm.

Đến ngày 8/3 khu vực sạt có chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi sông từ 5-10m đã làm sạt toàn bộ công trình phụ của 3 hộ dân xuống sông.

Ngày 14/3 sự cố tiếp tục phát triển và làm sạt lở toàn bộ ngôi nhà 2 tầng thuộc khu dân cư Vạn Phúc, phường Vạn An.

Qua theo dõi, lực lượng chức năng nhận thấy hiện tượng lún, nứt tiếp tục phát triển, khu vực nhà sát với nhà 2 tầng bị sạt lở tiếp tục xuất hiện các vết nứt gây nguy cơ sạt lở bất kỳ thời điểm nào.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các lực lượng chức năng áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở và sự cố công trình gây ra.

Các đơn vị theo dõi sát diễn biến sạt lở để tiếp tục di dời người và tài sản đến nơi an toàn khi sự cố phát triển; xây dựng phương án di dân trước mắt để bảo đảm các gia đình phải di dời có nơi ăn, ở sinh hoạt ổn định; đồng thời cắm biển, phao báo hiệu tại vị trí công trình nhà bị sập xuống lòng sông để cảnh báo các phương tiện đường thủy đi lại trên sông.

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các lực lượng chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị cần thiết để có thể huy động xử lý ngay theo phương châm “4 tại chỗ” nếu sự cố phát triển thêm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của khu dân cư và an toàn đê điều.

Đồng thời, các lực lượng chủ động rà soát, chuẩn bị các loại máy móc, thiết bị, nhân lực, phương tiện hiện có để huy động xử lý sự cố, giúp nhân dân sơ tán con người, tài sản khi cần thiết.

Toàn bộ khu Vạn Phúc, phường Vạn An phía sông là khu vực dân cư đông đúc tồn tại từ lâu tương ứng vị trí từ K48 + 800 đến K49 + 900 đê hữu Cầu. Phía bên bờ tả thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang cũng là khu dân cư sinh sống lâu đời, hiện nhân dân địa phương xây dựng nhiều công trình kiên cố, đổ rác thải, phế thải xây dựng lấn chiếm dòng chảy.

Mặt khác, đoạn từ K49 + 300 đến K49 + 800 là điểm bắt đầu của tuyến sông cong về địa phận tỉnh Bắc Ninh nên sự biến đổi dòng chảy tại khu vực này trong những năm gần đây đều rất mạnh gây ra sạt trượt tại nhiều vị trí. Điển hình tháng 10/2023 đã xảy ra sạt trượt tại K49 + 300, buộc các lực lượng chức năng phải di dời nhiều hộ dân.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã di chuyển người, tài sản của 7 hộ dân trong diện nguy hiểm ra khu vực an toàn; tổ chức cắm phao và trục vớt nhà bị sạt lở bảo đảm thông thoáng dòng chảy.

SẼ XÂY 2 ĐẬP LỚN TRÊN SÔNG HỒNG?

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đã nghiên cứu và nghiệm thu, đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng. Dù việc xây đập có những "tác dụng phụ", nhưng khi nước sông Hồng dâng lên thì sông Nhuệ, sông Đáy cũng sẽ trở lại dòng chảy tự nhiên như xưa; thậm chí có thể giúp dòng sông "chết" như sông Tô Lịch "sống" lại.

Ngày 21/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện các dòng sông lớn ở nước ta đều có tình trạng chung "tụt" đáy do ở thượng nguồn làm công trình thủy điện, hồ chứa… khai thác cát thiếu kiểm soát, dẫn đến lòng dẫn bị hạ xuống . Trong đó, Đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đối với sông Hồng, theo ông Hiệp, lòng dẫn ngày càng có nguy cơ bị hạ thấp. Cách đây 10 năm, các hồ thủy điện ở miền Bắc chỉ cần xả khoảng 1-2 tỷ m3 là đủ nước tưới cho vụ Đông Xuân. Nhưng đến nay, do lòng sông Hồng bị hạ thấp nên gần như các trạm bơm không lấy được nước.

Theo ông Hiệp, đây là vấn đề rất lớn, không chỉ riêng với sông Hồng mà với nhiều dòng sông khác trên cả nước, do đó cần nghiên cứu các giải pháp để nâng cao đáy sông lên. Nếu không nâng được đáy sông thì phải nâng mực nước lên.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Bộ đã nghiên cứu và nghiệm thu, đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng 2 đập dâng lớn trên sông Hồng. Tuy nhiên, khi làm đập dâng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng phụ khác như làm dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường, tác động tới hệ sinh thái, sinh vật, chất lượng nước…

"Mặc dù có những mặt trái và tác động, nhưng chúng ta không thể không làm. Việc xây đập trên sông Hồng không phải chỉ để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng, mà việc xây đập sông Hồng còn đảm bảo môi trường nước cho Hà Nội và các khu vực xung quanh", ông Hiệp chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, khi nước sông Hồng dâng lên thì sông Nhuệ, sông Đáy cũng sẽ trở lại dòng chảy tự nhiên như xưa. Thậm chí có thể bổ cập nước cho những dòng sông "chết" như sông Tô Lịch, nhờ đó sẽ giải quyết được vấn đề môi trường.

"Việc này là rất quan trọng bởi muốn các dòng sông sống lại như xưa thì phải xây dựng đập dâng sông Hồng. Cùng đó, trong Quy hoạch Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch thành phố hai bên sông, mà không thể xây dựng thành phố hai bên sông mà nhìn mãi không thấy sông, thấy nước", ông Hiệp nói.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết thêm, để thực hiện ý tưởng xây dựng đập dâng sông Hồng, Bộ NN&PTNT đã giao cho Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam nghiên cứu một đề tài cấp Nhà nước và đã nghiệm thu vào năm 2020. Trong Quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai quốc gia, Thủ tướng cũng đã đồng ý đưa vào để triển khai.

"Chúng tôi đang dự kiến cùng UBND TP Hà Nội nghiên cứu để đưa dự án đập dâng sông Hồng vào thực hiện. Theo đề xuất, sẽ xây dựng trước hai đập dâng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030", ông Hiệp cho hay.

Cũng theo ông Hiệp, hiện nguồn nước ở lưu vực sông Đồng Nai đang thiếu trầm trọng. Dù lưu vực sông Đồng Nai đã có hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa nhưng TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang thiếu 5 tỷ m3 nước mỗi năm.

Đây là vấn đề rất quan trọng và trong quy hoạch thủy lợi sắp tới, bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu, tính toán các giải pháp để dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THUẬN THIÊN Ở ĐBSCL

13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần hiểu được giá trị của làm nông nghiệp thuận thiên và tại sao phải sản xuất nông nghiệp thuận thiên. Từ đó, khẳng định Việt Nam không chỉ biết cách phát triển nông nghiệp thuận thiên mà còn bảo tồn văn hóa, môi trường, xã hội của vùng đất này.

Ngày 2.3, tại Cà Mau, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL.

Hội nghị có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các cơ quan trong nước, tổ chức tài chính, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế cùng các hiệp hội ngành hàng.

Thách thức tới đâu, người đồng bằng vươn lên tới đó

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, ĐBSCL là một trong những đồng bằng có nền kinh tế lúa gạo, thủy sản, trái cây… tiêu thụ khắp nơi trên thế giới. Con người đồng bằng chân chất, hào sảng, khí phách, mở cõi ngày nào, giờ đây đang tiếp tục con đường đưa đồng bằng "cất cánh".

Mặc dù chịu nhiều thách thức của biến đổi khí hậu nhưng người đồng bằng vẫn vượt lên giống như câu chuyện "cây lúa mùa nước nổi" - nước lên tới đâu, cây lúa lên tới đó; thách thức tới đâu, người đồng bằng vươn lên tới đó.

Với nhiều kỳ vọng về sự phát triển của ĐBSCL ở hiện tại và tương lai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Thông qua hội nghị lần này, người đứng đầu ngành nông nghiệp mong muốn các địa phương và đối tác cùng trăn trở về câu chuyện nông nghiệp thuận thiên. Từ đó, kích hoạt lại và lan tỏa giá trị của sản xuất thuận tự nhiên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiểu được giá trị của làm nông nghiệp thuận thiên và tại sao phải sản xuất nông nghiệp thuận thiên. Từ đó, khẳng định với bạn bè và người tiêu dùng quốc tế, Việt Nam không chỉ biết cách phát triển nông nghiệp thuận thiên mà còn bảo tồn văn hóa, môi trường, xã hội của những cư dân hơn 300 năm trước đến khai phá vùng đất này.

Nông nghiệp ĐBSCL đến năm 2030 với 3 tiểu vùng sinh thái

Tại hội nghị, đại diện 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã chia sẻ về thực trạng triển khai giải pháp thuận thiên của vùng. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước hỗ trợ ĐBSCL 266.000 tỉ đồng (tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020). Tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp ĐBSCL trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2022.

Bên cạnh những lợi thế, toàn vùng còn hơn 560 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 810 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 63 điểm với 204 km cần được xử lý với kinh phí hơn 13.600 tỉ đồng.

Theo các đại biểu, thực tế trên đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng.

Theo đó, định hướng phát triển ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đến năm 2030 theo 3 tiểu vùng sinh thái: ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng; mặn - lợ ở vùng ven biển; chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng. Trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo các vùng sinh thái, bước đầu xác định các phân vùng sản xuất nông nghiệp, gồm vùng an toàn, chuyển đổi và linh hoạt. Ngoài ra, vùng cần tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các doanh nghiệp hợp tác xã, công nhân nông nghiệp, phát triển cộng đồng sản xuất nông sản chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, trên nền tảng tôn tạo, phát triển văn hóa, truyền thống của địa phương.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú thông tin, mô hình tôm - lúa là hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL và khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng này.

Vào mùa khô, với nguồn nước mặn từ biển đổ về phía trong đất liền, các vùng đồng bằng ven biển trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa.

"Mô hình tôm - lúa nếu như triển khai như hiện tại thì hầu như không cần vốn vì người nông dân chỉ dùng tiền mua lúa giống và tôm giống nên số tiền rất nhỏ thì đã đạt doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha/năm. Để đạt được 1- 2,5 tỉ đồng/ha/năm thì cần phải liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm - lúa lớn", ông Quang nói.

Hội nghị cũng diễn ra các cuộc tọa đàm giữa các doanh nghiệp, nhà tài trợ và các cơ quan trong nước, tổ chức tài chính, đối tác phát triển quốc tế về kế hoạch hỗ trợ, giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên.

Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; CafeF; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang