Bế mạc phiên họp thứ 31; Xây NƠXH chạy 'nước rút'; TP.HCM lo thiếu nước sạch; Vướng mắc bồi thường dự án cầu sông Đuống

BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét, quyết định đối với 5 nhóm vấn đề lớn.

Chiều 19/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau 3,5 ngày họp tập trung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp thường kỳ tháng 3.

Điểm lại kết quả của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét, quyết định đối với 5 nhóm vấn đề lớn.

Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 7 dự án luật gồm các dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cùng với các cơ quan sớm ban hành thông báo kết luận nội dung phiên họp để các cơ quan có cơ sở hoàn thiện các hồ sơ dự án để trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét để thông qua hai Nghị quyết về thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ba là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2024.

Bốn là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết phê chuẩn nhân sự giữ chức vụ là Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Năm là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hoạt động chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội khẳng định phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thường kỳ lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được yêu cầu đề ra thành công tốt đẹp.

Trên cơ sở diễn biến của phiên chất vấn, các báo cáo của các Bộ và ý kiến phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành Nghị quyết về chất vấn làm căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện.

Trong thời gian tới có nhiều công việc phải triển khai như Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác của Hội đồng nhân dân, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; phiên họp thường kỳ lần thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp chuyên đề pháp luật…cùng với đó, Chính phủ đề xuất nhiều nội dung bổ sung vào chương trình của Kỳ họp thứ 7 tới.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương làm việc với các đầu mối của Chính phủ rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ họp; nội dung nào chưa chuẩn bị kịp thì giãn tiến độ.

Lưu ý dự kiến số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đầu và các dự thảo Nghị quyết là rất lớn, đòi hỏi Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khẩn trương sắp xếp triển khai công việc khoa học, hợp lý.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan hữu quan bám sát chương trình, kế hoạch tổ chức công việc khoa học, phân công, phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung nỗ lực với quyết tâm cao độ để đảm bảo tiến độ và kỹ lưỡng về chất lượng các dự án luật, dự thảo Nghị quyết

XÂY NHÀ Ở XÃ HỘI VÀO ĐƯỜNG CHẠY "NƯỚC RÚT"

Các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đang đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thì chính sách phát triển nhà ở nói chung, nhất là nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp tại đô thị, nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ.

Còn nhiều vướng mắc

Tiếp xúc với các chủ đầu tư xây NƠXH tại Bình Dương, đa phần đều cho rằng việc xác minh điều kiện mua NƠXH hiện nay vẫn còn khá phức tạp, rườm rà, gây khó khăn cho người dân. Dẫn chứng là một doanh nghiệp (DN) ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, dù dự án NƠXH đã cất nóc vào tháng 6-2023 nhưng đến nay mới duyệt được vài chục bộ hồ sơ được mua. Trong khi các điều kiện bán nhà đã xong, người mua cũng đã xếp hàng chờ nhưng lại vướng đủ kiểu. Đặc biệt, điều kiện để xác định người thu nhập thấp ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình có thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (tức không quá 11 triệu đồng/tháng) đang gây cản trở lớn khi mức thuế này đã lạc hậu. Việc này cũng khiến DN gặp khó khăn về tài chính.

"Chúng tôi kiến nghị rất nhiều và UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện nhưng đây là quy định chung nên DN vẫn phải mòn mỏi chờ tháo gỡ" - đại diện một DN thông tin.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết theo quy định hiện nay, người được thụ hưởng chính sách NƠXH phải bảo đảm đủ các điều kiện như chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân…

Khi đáp ứng các điều kiện trên, DN gửi hồ sơ của người mua nhà lên Sở Xây dựng để xác minh. Sau đó, Sở Xây dựng gửi hết thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương để kiểm tra người mua nhà đã có nhà, đất hay chưa.

"Để thực hiện hết các quy trình trên mất khá nhiều thời gian nên sở đang kiến nghị rút ngắn thời gian cũng như đơn giản hóa thủ tục giúp việc phát triển NƠXH ngày càng thuận tiện cho cả chủ đầu tư dự án cũng như người mua nhà" - ông Ngân nói.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương đã thực hiện cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được dành 20% diện tích đất ở trong phạm vi dự án NƠXH để đầu tư nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, giảm giá bán, giá cho thuê NƠXH; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được tỉnh hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; được vay vốn ngân hàng chính sách, quỹ phát triển với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, theo một số DN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dù được ưu đãi nhiều nhưng cũng có khá nhiều rào cản khiến các DN chưa thể tiếp cận được với những dự án phát triển NƠXH. Ví dụ như khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng khiến dự án kéo dài hoặc nhiều quy định về thủ tục đầu tư khiến các DN dễ nản.

Về phía địa phương cũng đánh giá cơ chế ưu đãi phát triển NƠXH còn bất hợp lý, chưa hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa nhà nước, DN và người dân. Các ưu đãi phần lớn chỉ tập trung vào hỗ trợ cho người mua, thuê, thuê mua NƠXH mà không dành cho chủ đầu tư (phần lớn các ưu đãi đều nhằm giảm giá thành sản phẩm), dẫn đến các chủ đầu tư không mặn mà trong lĩnh vực phát triển NƠXH.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thủ tục đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH vẫn còn phức tạp, mất thời gian. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, cho thực hiện thí điểm cơ chế rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh phát triển NƠXH trên địa bàn.

Đầu tư hàng trăm ngàn căn nhà ở xã hội

Theo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ, Bình Dương được giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn. Tuy nhiên, với dự báo số lượng lao động ngày càng tăng, Bình Dương đang xây dựng "Đề án phát triển NƠXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", mục tiêu sẽ xây dựng khoảng 173.000 căn, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đề nghị cả hệ thống chính trị khẩn trương triển khai đầu tư các dự án NƠXH, nhà ở công nhân theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, đến năm 2030 phải đạt mục tiêu đề ra.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho hay trong giai đoạn 2021-2025, địa phương đặt mục tiêu xây dựng 10.000 căn NƠXH, nhà ở công nhân nhằm giúp người lao động có thu nhập thấp sớm đạt được ước nguyện có nhà ở.

Đến nay, các địa phương đã trình hồ sơ chủ trương 11 dự án, quy mô khoảng 20.000 căn. Trong đó, có 5 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, quy mô khoảng 9.000 căn; 6 dự án chưa phê duyệt, quy mô khoảng 11.000 căn. Trong 5 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện các hồ sơ đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư với khoảng 3.500 căn tại TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch.

Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 3 dự án NƠXH, nhà ở công nhân đang triển khai xây dựng với khoảng 2.000 căn hộ gồm: Dự án NƠXH ở phường Bảo Vinh (TP Long Khánh); dự án NƠXH A6-A7 tại phường Quang Vinh (TP Biên Hòa) và dự án khu chung cư công nhân tại KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom). Năm 2024, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 700 căn NƠXH. Năm 2025, tỉnh sẽ phải xây dựng thêm 8.340 căn NƠXH.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết đối với các khu đất đủ điều kiện lập hồ sơ chủ trương đầu tư, sở đã đề nghị UBND các địa phương khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo ông Hà, để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án NƠXH, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, UBND các địa phương không tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án khi chưa xác định chọn nhà đầu tư dự án (chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập, thẩm định và trình duyệt quy hoạch 1/500 theo quy định).

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kế hoạch phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 cho người thu nhập thấp, công nhân KCN. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh sẽ triển khai 17 dự án NƠXH với quy mô 54,3 ha, bố trí 12.798 căn. Dự kiến giai đoạn 2023-2025, tỉnh bố trí khoảng 10.439 tỉ đồng vốn ngân sách và vốn huy động ngoài ngân sách để hoàn thành phát triển NƠXH.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương tham mưu tỉnh phê duyệt "Đề án phát triển NƠXH cho công nhân và người lao động đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Sở Tài chính dự toán ngân sách hằng năm đối với các dự án NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân KCN; phối hợp thẩm định hồ sơ phương án về khung giá, giá cho thuê, thuê mua, bán NƠXH đối với dự án được đầu tư từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về lĩnh vực giá.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của người dân về chỗ ở. Đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Cung chưa đáp ứng đủ cầu

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng số lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về chỗ ở khoảng 410.597 người. Tuy nhiên, các dự án nhà ở công nhân, NƠXH hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 6,5% nhu cầu, số còn lại đang ở trọ. Dự kiến đến năm 2025, ước tính khoảng 450.000 người lao động tại các KCN có nhu cầu về chỗ ở.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 72.000 người lao động và phần lớn đang ở trong các khu nhà trọ. Nhu cầu nhà ở của công nhân, người lao động tại các KCN đang rất cao nhưng mặt bằng chung chưa thể đáp ứng được hết. Trong thời gian qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng 13 dự án nhà ở thu nhập thấp với quy mô khoảng 120.000 m2 sàn xây dựng. Tuy vậy, các dự án chỉ mới bố trí được 1.722 căn hộ, phục vụ cho hơn 5.000 lao động.

RỦI RO THIẾU NƯỚC SẠCH ĐE DỌA TP.HCM: CHIẾN LƯỢC ỨNG PHÓ KHỦNG HOẢNG NƯỚC SẠCH

Thiếu nước sạch đang diễn ra ở khắp nơi. Tại ĐBSCL, người dân phải mua nước sạch sử dụng cho sinh hoạt. TP.HCM chưa thiếu nước nhưng nguy cơ là rất rõ.

Dự trữ nguồn nước thô

Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cảnh báo, có đến một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước và cuộc khủng hoảng nước sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.

Đại diện lãnh đạo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết: VN nói chung và TP.HCM cũng không thể tránh khỏi tác động từ cuộc khủng hoảng nước sạch. Chất lượng nước tại VN có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xảy ra tình trạng bão lụt, hạn hán bất thường, hay những yếu tố ô nhiễm từ môi trường.

Để đảm bảo cho hoạt động xử lý nước luôn ổn định, Sawaco hiện đang áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn như: thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online, các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản (như nồng độ ô xy hòa tan, amoniac, độ đục, độ mặn, lượng dầu tràn bề mặt…) để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này. Cùng với đó, tăng cường lượng hóa chất dự phòng và các thiết bị châm hóa chất để đảm bảo đáp ứng khi có nguồn nước xảy ra. Song song, phối hợp với các đơn vị vận hành các hồ chứa nước đầu nguồn kịp thời hỗ trợ xả nước để đẩy mặn; pha loãng ô nhiễm hoặc đẩy chất ô nhiễm ra khỏi vùng lấy nước.

Đối với mạng lưới cấp nước, Sawaco lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều phối nguồn nước khi có sự cố xảy ra, đảm bảo khả năng cấp nước cho TP.HCM ở mức nhiều nhất có thể. "Chúng tôi cũng đã có phương án cấp nước khẩn cấp thông qua việc vận hành trở lại 46 trạm cấp nước sử dụng nước ngầm trên toàn thành phố. Từ đó, đảm bảo cấp nước cho nhu cầu tối thiểu của người dân với khoảng 5 lít nước/người/ngày", lãnh đạo Sawaco thông tin.

Về lâu dài, đơn vị này đã phối hợp Sở Xây dựng đề xuất và được UBND TP.HCM chấp thuận thông qua "Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050, và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nguồn ngầm TP.HCM giai đoạn

2020 - 2030". Trong đó, có các giải pháp căn cơ như xây dựng các hồ chứa nước thô đầu nguồn. Các hồ chứa này vừa là nơi tiền xử lý nước giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước thông qua quá trình làm sạch tự nhiên, vừa đảm bảo trữ nước khi có sự cố về nguồn nước thô trên sông Sài Gòn.

"Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng các bể chứa ngầm trong thành phố là nơi đảm bảo ổn định áp lực cho toàn hệ thống, đồng thời cũng là nơi dự trữ nguồn nước sạch để đảm bảo an toàn cấp nước trong trường hợp xảy ra sự cố tại các nhà máy xử lý nước. Đối với thủy đài đã được xây dựng và hoàn thành từ những năm 1970 mà không có các hồ sơ pháp lý để đưa vào sử dụng, Sawaco cũng đã kiến nghị lên UBND TP sẽ sử dụng lại các mặt bằng này để làm nơi cấp nước an toàn cho thành phố. Chúng ta có thể xây bể chứa ngầm hoặc làm trạm bơm tăng áp, nơi điều hòa mạng lưới cấp nước tại đây", đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết.

Phương án khai thác nước ngọt từ thượng nguồn

Dù chưa đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước, nhưng nguy cơ của TP.HCM là rất cao. PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), nêu thực tế: Rủi ro về nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của hơn chục triệu dân TP.HCM là một thực tế nhiều năm qua và ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do các hoạt động kinh tế - xã hội khiến nguồn nước hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày càng ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn sâu cũng là vấn đề phải đối mặt vào mùa khô. Điều này khiến thời gian lấy nước thô của các nhà máy để xử lý thành nước sạch phục vụ người dân bị rút ngắn.

Trước thực tế đó, các chuyên gia và cơ quan chức năng thành phố cũng đã đề ra các giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch dài hạn. Đó là lấy nước thô trực tiếp từ các hồ chứa Trị An trên sông Đồng Nai và hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn để xử lý thành nước sạch cung cấp cho các hoạt động kinh tế - xã hội của TP.HCM.

"Tuy nhiên, sắp tới quy mô khai thác thế nào còn tùy thuộc nhiều yếu tố như nhu cầu sử dụng của người dân TP.HCM, kinh phí đầu tư khai thác… Khoảng cách từ các hồ chứa Trị An và Dầu Tiếng về tới TP.HCM cũng tương đối xa, nên việc đầu tư như thế nào cũng cần phải được tính toán sao cho hiệu quả. Ngoài việc cung cấp nước thô cho TP.HCM, hai hồ chứa nước này còn đóng vai trò nguồn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất liên vùng gồm nhiều địa phương ở miền Đông Nam bộ.

Chính vì vậy, việc khai thác và sử dụng nguồn nước này là vấn đề đồng thuận của cả các địa phương trong lưu vực cũng như sự điều phối của các bộ, ngành T.Ư. Điều này cho thấy, nguồn nước từ hai hồ chứa trên thật sự quan trọng không chỉ với TP.HCM mà các tỉnh thành Đông Nam bộ", TS Hồ Long Phi nói và cho rằng nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và phát triển kinh tế của TP.HCM vẫn là một trong những vấn đề quan trọng được ưu tiên. Tùy tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng theo từng giai đoạn sẽ có sự đầu tư, khai thác hợp lý và hiệu quả. "Nhưng để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên từ hai hồ chứa này thì cần có chiến lược bài bản", ông Phi nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc bảo đảm và tăng cường nguồn cung cấp nước sạch cho người dân TP.HCM, thì một yếu tố quan trọng không kém là người dân thành phố phải có ý thức sử dụng nguồn nước này một cách tiết kiệm, hiệu quả. Cũng như những nguồn tài nguyên khác, tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt do tác động của con người. Để tránh một cuộc khủng hoảng nước sạch xảy ra, mỗi người dân phải sử dụng nước tiết kiệm cũng như tránh các hoạt động làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm tại chỗ.

LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN VƯỚNG MẮC BỒI THƯỜNG, TÁI ĐỊNH CƯ DỰ ÁN CẦU SÔNG ĐUỐNG

Dự án nâng cấp tuyến đường vận tải thủy sông Đuống (cầu đường bộ Đuống) đến nay đã khởi công xây dựng phần cầu, phần đường dẫn thuộc huyện Gia Lâm đang được triển khai. Tuy nhiên, dự án được cho đang khó khăn ở giai đoạn bồi thường, tái định cư.

"Ranh giới giải phóng mặt bằng dự án theo chỉ giới được chia làm 2 giai đoạn, gây khó khăn trong công tác bồi thường, tái định cư. Cử tri đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét để Ban Quản lý dự án đường sắt triển khai giải phóng mặt bằng theo 1 giai đoạn” - kiến nghị của cử tri TP Hà Nội gửi đến Bộ GTVT cho hay.

Sau khi nhận được văn bản góp ý của UBND thành phố Hà Nội, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và sau khi nhận được văn bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Ban Thường trực - Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án.

Theo đó, hạng mục cầu đường bộ Đuống được Bộ GTVT đầu tư để hoàn trả hạ tầng cầu đường bộ hiện có; phương án phân kỳ trong giai đoạn 1 đầu tư và thực hiện giải phóng mặt bằng tương ứng 01 đơn nguyên, UBND thành phố Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng và đầu tư đơn nguyên còn lại; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành tiểu dự án riêng do UBND thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện theo quy định. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường sắt (đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư dự án) đang triển khai xây dựng.

"Đối với kiến nghị của cử tri về triển khai giải phóng mặt bằng 1 lần cả 2 đơn nguyên là phương án sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ổn định hơn cho người dân trong khu vực quy hoạch xây dựng công trình cầu đường bộ Đuống, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương giải phóng mặt bằng một lần cho cả 02 giai đoạn và bố trí nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của Dự án cầu đường bộ Đuống theo nguyên tắc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách Trung ương đã bố trí cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, tại Văn bản số 4232/UBND-TNMT ngày 22.12.2023, UBND thành phố Hà Nội chưa xác định lộ trình triển khai giai đoạn 2 của dự án, cũng như chưa cân đối được nguồn vốn của thành phố Hà Nội để thực hiện" - Bộ GTVT giải thích.

Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với UBND TP Hà Nội để xử lý. Đồng thời, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có ý kiến đồng thuận và kiến nghị UBND TP Hà Nội bố trí nguồn vốn giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 thuộc trách nhiệm của thành phố để giải phóng mặt bằng 1 lần như kiến nghị của cử tri.

Nguồn: Người Đưa Tin; CafeF; Thanh Niên; Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang