Bế tắc ở dự án 8.600 tỷ; Vành đai 3 có thể chậm 11 tháng; Sân bay Long Thành lại lo 'lụt' tiến độ; Lời khai mâu thuẫn của Đỗ Hữu Ca

DỰ ÁN 8.600 TỶ “TẮC” 27 NĂM CHƯA HẸN NGÀY VỀ ĐÍCH

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng “treo” 27 năm, đang đối diện với nguy cơ tiếp tục kéo dài khi việc giải tỏa mặt bằng chủ yếu mới thực hiện được ở Đà Nẵng, còn với phần đất thuộc tỉnh Quảng Nam thì vẫn giậm chân tại chỗ.

Dân “mắc kẹt” giữa dự án treo hàng chục năm

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nằm trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Dự án được Chính phủ phê duyệt năm 1997 với quy mô 300ha. Trong đó, diện tích nằm trên địa bàn phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là 110ha và địa bàn phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là 190ha.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng nhưng đến nay đã 27 năm vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính là do vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng và nguồn vốn.

Ngày 10/4, ghi nhận của PV VietNamNet, tại khu vực dự án hiện nay là hai hình thái đối lập. Ở phía phường Hòa Quý (Đà Nẵng) nhiều hộ dân đã tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Trong khi đó, phía địa bàn phường Điện Ngọc (Quảng Nam) hàng ngàn hộ dân nằm trong khu vực dự án vẫn chưa có “động tĩnh” gì trong việc di dời. Họ sống trong các căn nhà xập xệ, xuống cấp.

Người dân cho biết, việc dự án kéo dài quá lâu khiến họ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống hằng ngày khi không thể sửa chữa nhà cửa, không thể tách thửa chia đất cho con xây nhà ở…

Ông Nguyễn Để (66 tuổi, ngụ khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc) cho biết: “Gia đình có 7.000m2 đất thổ cư nhưng đến nay vẫn không thể tách thửa được cho con làm nhà ở chỉ vì ảnh hưởng bởi dự án. Chúng tôi đang vất vả ngay trên mảnh đất của mình bởi dự án kéo dài”.

Nhà cửa người dân nằm trong dự án ở phường Điện Ngọc xuống cấp do không thể sửa chữa.

Ông Trương Hà, Trưởng khối phố Tứ Hà (phường Điện Ngọc) cho hay, dự án treo 27 năm, người dân ở đây vô cùng thiệt thòi và bức xúc. Cơ sở hạ tầng không được đầu tư. Người dân mang tiếng sống ở khu đô thị nhưng đường sá vẫn là đường đất, bụi bặm.

“Dự án treo 27 năm là quá dài, đến nay vẫn chưa có bất kỳ động tĩnh gì, người dân rất hoang mang, thiệt thòi trong dự án này. Nguyện vọng của chúng tôi là triển khai dự án càng sớm càng tốt”, ông Hà cho hay.

‘Thông’ giải phóng mặt bằng Đà Nẵng, vẫn ‘tắc’ ở Quảng Nam

Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), diện tích dự án thuộc địa bàn Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng các giai đoạn trước 39ha. Hiện đang giải phóng mặt bằng 40ha và dự kiến hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 30/4. Còn lại khoảng 30ha sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Hoà, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quận đang tập trung các giải pháp để hoàn thành giải phóng 40ha mặt bằng phục vụ dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho dự án.

Nếu như dự án đang được khơi thông ở Đà Nẵng thì phía Quảng Nam vẫn còn “bế tắc”. Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vừa có báo cáo rà soát, đánh giá thực trạng tại khu vực Dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Cụ thể theo rà soát của tỉnh Quảng Nam, phần diện tích cần giải phóng mặt bằng là 170,28/190ha, liên quan đến 1.845 hộ dân. Trong đó có 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, cần 3.155 lô đất tái định cư trên diện tích hơn 100ha.

Đến nay, Quảng Nam mới chỉ triển khai 1,02ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng do đường bao dự án.

Theo tính toán của tỉnh Quảng Nam, kinh phí xây dựng khu tái định cư (dự tính theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng) và bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực này sẽ cần đến gần 4.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này rất khó bố trí để có thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho hay: “Quảng Nam đã có đề xuất đối với Chính phủ. Theo đó, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện sớm dự án thì có thể bố trí vốn giải phóng mặt bằng, Quảng Nam cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trước năm 2030.

Trường hợp nếu không thể bố trí vốn thì xem xét điều chỉnh khu vực này, chỉ giải phóng khoảng 50ha khu vực thuận lợi để Đại học Đà Nẵng xây dựng các công trình phụ trợ. Phần còn lại sẽ chỉnh trang, tạo điều kiện cho người dân thực hiện, thị xã cũng dễ dàng đầu tư các công trình phục vụ nhân dân”.

VÀNH ĐAI 3 TP.HCM DỰ KIẾN LÙI TIẾN ĐỘ 11 THÁNG, CHỦ ĐẦU TƯ NÓI GÌ?

Liên quan tới việc nhà thầu cho biết không thay đổi giải pháp xử lý nền, hạng mục cầu cạn vành đai 3 TP.HCM qua Thủ Đức có thể phải tới tháng 9-2026 mới xong, chủ đầu tư cho biết dự án vẫn đi đúng tiến độ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc liên danh nhà thầu của 3 gói thầu thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM đoạn TP Thủ Đức vừa kiến nghị về giải pháp xử lý nền đất yếu ở một số vị trí, dự kiến công tác xử lý nền cần 14 tháng. Vì vậy nếu không đổi phương án, dự kiến hạng mục cầu cạn phải tới tháng 9-2026 mới hoàn thành.

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) - cho biết đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã họp với tất cả nhà thầu để đánh giá tổng thể tiến độ và nhận thấy chưa cần thiết phải điều chỉnh.

"Tất cả các đơn vị vẫn đang quyết tâm giữ tiến độ đã cam kết từ đầu. Cuối năm 2025 cơ bản xong phần cao tốc. Để làm được điều này, chúng tôi tập trung vào hai nhóm giải pháp.

Một là giải pháp đảm bảo cát để tháng 4, tháng 5 này bắt đầu phải đi vào giai đoạn hoàn tất gia tải. Đối với các nhà thầu, chủ đầu tư đã yêu cầu làm đúng trách nhiệm quy định trong hợp đồng.

Chúng tôi sẽ áp dụng điều kiện xử phạt nếu tiếp tục xảy ra chậm trễ cung cấp cát. Các nhà thầu đã cam kết, chủ đầu tư đang theo dõi.

Thứ hai, trong các giải pháp gia tải, chúng tôi cùng tổ tư vấn rà soát lại các khu vực. Trong trường hợp cần thiết có những điều chỉnh để rút ngắn thời gian theo từng khu vực.

Thứ ba, sau khi gia tải xong, cần 4-6 tháng để hoàn thiện mặt đường. Việc này có thể rút ngắn thời gian bằng cách tăng ca, tăng kíp, làm tối đa thời gian và công suất thi công", ông Phúc phân tích.

Ông Phúc nói thêm đối với khu vực phía đông, hơn 80% là trụ và cầu cạn đi trong trục chính, hoàn toàn không ảnh hưởng nhu cầu cát. Do đó chủ đầu tư hoàn toàn kiểm soát được tiến độ.

"Vừa qua, nhà thầu Định An có quan ngại ở những vị trí giao cắt cần xử lý nền đất trước khi thi công trụ. Nếu chậm trễ thay đổi công nghệ thì kéo dài. Tuy nhiên, qua rà soát giữa ban và tổ tư vấn, nhà thầu thì nhận định giải pháp đổi phương án xử lý nên không phải duy nhất.

Chúng tôi sẽ có những ưu tiên tại những vị trí giao cắt, xung yếu và dồn cát cho khu vực đó. Tiếp tục rà soát những vị trí cần phải gia tải trước khi làm trụ. Trong quá trình theo dõi gia tải vẫn có thể xử lý sớm hơn, tiết kiệm khoảng 3 tháng. Điều này phụ thuộc vào kết quả quan trắc và quá trình triển khai", ông Phúc cung cấp.

Cũng theo ông Phúc, chủ đầu tư đã làm việc trực tiếp với nhà thầu tư vấn, nội dung đề xuất thay đổi phương án xử lý nền là một trong những giả định. Nó chưa chính xác toàn diện. Về việc đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư có cơ sở.

"Dự án này mọi người đều ý thức rất thiêng liêng, chúng tôi không né tránh việc thực tế có những phát sinh. Tuy nhiên sẽ đảm bảo mọi thứ để dự án tốt nhất", ông Phúc khẳng định.

VƯỚNG MẮC BÀN GIAO MẶT BẰNG, SÂN BAY LONG THÀNH LẠI LO ‘LỤT’ TIẾN ĐỘ

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản gửi UBND Đồng Nai về việc bàn giao mặt bằng của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo ACV, tiến độ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số hạng mục.

Cụ thể, hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 dù đã nhận bàn giao mặt bằng đạt 99% nhưng vẫn còn vướng vị trí mặt bằng tại nút giao tuyến số 1 với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và mặt bằng đoạn cầu Bưng Môn. Vị trí vướng mắc này dẫn đến chưa triển khai được hạng mục đắp đất gia tải nên có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công hạng mục xử lý đất yếu nền đường (do thời gian thi công hạng mục đắp gia tải phải chờ lún khoảng 438 ngày).

Bên cạnh đó, mặt bằng tuyến số 2 đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 89%, song, qua kiểm tra thực tế, mặt bằng có thể thi công được chiếm khoảng 80% và vẫn còn tình trạng “xôi đỗ” nên khó triển khai thi công. Đơn cử, vị trí mặt bằng tại nút giao tuyến số 2 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ảnh hưởng đến tiến độ thi công hạng mục cầu vượt đoạn qua cao tốc từ trụ T12-T22.

Ngoài ra, một số công trình điện cao thế vẫn chưa được di dời, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn và tiến độ thi công công trình. Đối với mặt bằng của tuyến thoát nước từ hồ điều hòa số 2 và hồ điều hòa số 3 ra ngoài khu vực sân bay, ACV cho biết đến nay vẫn chưa được bàn giao mặt bằng.

Với tuyến tường rào ranh giới bảo vệ diện tích 5.000 hecta dài khoảng 30 km, hiện nay, ACV đã thi công tuyến tường rào trong phạm vi ranh giới 1.810 hecta với chiều dài gần 9 km. Tuy nhiên, còn khoảng 21 km chưa được bàn giao nên nhà thầu chưa thể tổ chức thi công khép kín hàng rào phạm vi 5.000 hecta nhằm đảm bảo an ninh an toàn công trường và tránh tái lấn chiếm mặt bằng.

Để bảo đảm tiến độ thi công các hạng mục công trình của toàn bộ dự án xây dựng sân bay Long Thành theo chỉ đạo của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, ACV đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm thực hiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng và bàn giao các phần mặt bằng còn tồn tại nêu trên làm cơ sở triển khai thi công các hạng mục công trình.

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,3 tỉ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (dự kiến khai thác vào năm 2026) sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

NHỮNG LỜI KHAI MÂU THUẪN CỦA ĐỖ HỮU CA

Cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca phủ nhận việc hứa chạy án trong khi vợ chồng "trùm hóa đơn" khẳng định ngược lại.

Ngày 10-4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng, cùng 12 bị cáo khác với các tội: "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Trốn thuế", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Chạy tội

Gần 8 giờ, xe chuyên dụng lần lượt chở các bị cáo đến tòa. Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy an ninh của phiên tòa được thắt chặt, chỉ những người có giấy triệu tập mới được vào tham dự.

Cựu giám đốc Công an Hải Phòng mặc bộ quần áo màu xanh, mái tóc bạc trắng, dáng vẻ tiều tụy và gầy hơn rất nhiều so với trước khi bị bắt. Trong vụ án, bị cáo bị VKSND tỉnh Quảng Ninh truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các đồng phạm Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, TP Hải Phòng và nhân viên dưới quyền Đỗ Thanh Hoài hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ; Trương Xuân Đước, còn gọi là "trùm hóa đơn", và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh (trú tại TP Hải Phòng) tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" và "Đưa hối lộ"; 8 bị cáo còn lại bị truy tố tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" và "Trốn thuế".

Theo cáo trạng, từ tháng 3-2013 đến tháng 5-2022, qua việc mua bán hóa đơn trái phép, vợ chồng Trương Xuân Đước thu lợi bất chính hơn 41 tỉ đồng. Để việc mua bán hóa đơn trái phép không bị phát hiện, Đước đã tìm gặp Nguyễn Đình Đương nhờ "giúp đỡ".

Sau đó, Nguyễn Đình Đương và cấp dưới Đỗ Thanh Hoài hướng dẫn cho vợ chồng Đước cách thức kê khai thuế để không bị cơ quan chức năng phát hiện hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Từ tháng 8-2021 đến tháng 8-2022, vợ chồng Đước đã đưa tổng cộng 362 triệu đồng cho Đương và Hoài. Trong đó, 70 triệu đồng tiền phong bì nhận tại phòng làm việc của Đương, 192 triệu đồng tiền chi phí theo tỉ lệ 3 triệu đồng/1 tỉ đồng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế GTGT) theo thỏa thuận đã thống nhất trước đó...

Vào khoảng tháng 10-2022, biết tin Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra về công ty, Đước bỏ trốn và dặn vợ đến gặp ông Đỗ Hữu Ca để nhờ chạy tội.

Phủ nhận lời khai của nhau

Hồ sơ thể hiện từ cuối tháng 10-2022 đến khoảng tháng 12-2022, vợ chồng Đước 4 lần đến gặp và đưa tổng cộng 35 tỉ đồng cho cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng tại nhà ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Bị cáo Đỗ Hữu Ca dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát việc bị xử lý hành vi mua bán hóa đơn trái phép nhưng vẫn hứa hẹn giúp.

Tại phiên tòa, trả lời về mối quan hệ với cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng, Trương Xuân Đước cho biết có tình cảm đặc biệt với gia đình ông Ca. Hai bên coi nhau như người thân trong nhà. Vợ chồng bị cáo khẳng định 4 lần đưa 35 tỉ đồng cho ông Ca là để nhờ "chạy án, lo giúp thoát tội".

Bị cáo Đỗ Hữu Ca thừa nhận 4 lần nhận tổng số tiền 35 tỉ đồng từ vợ chồng Đước nhưng một mực phủ nhận cáo buộc hứa "chạy án", nói chỉ giữ hộ để tìm cách giúp đôi vợ chồng này khắc phục hậu quả. Bị cáo Ca nhiều lần khai không biết mục đích vợ chồng Đước mang tiền đến nhà mình để nhờ "chạy tội".

Bị cáo trần tình có suy nghĩ tìm cách cứu Đước trên cơ sở quy định pháp luật, với nguyên tắc đã xâm phạm tiền nhà nước thì phải bồi thường để hưởng khoan hồng chứ bản thân không chấp nhận việc chạy chọt. Theo bị cáo, Ngọc Anh đến kêu khóc rất nhiều để nhờ giúp đỡ. Bị cáo coi Đước như em nhưng cứu là theo pháp luật, đã lấy tiền của nhà nước là phải bồi hoàn thiệt hại để nhận được sự khoan hồng.

"Vợ chồng Ngọc Anh mang đến nhà bị cáo số tiền rất lớn và không báo trước. Bị cáo rất bất ngờ… Cách chuyển tiền của Ngọc Anh không có địa chỉ đến, không có sổ sách, không nói rõ tiền này là tiền gì, không nói rõ số tiền bao nhiêu" - bị cáo Ca kể.

"Bị cáo không hề nói Ngọc Anh đưa tiền chạy tội cho Đước, không nói mang tiền đến nhà. Đây là sự ngộ nhận, hiểu lầm của Ngọc Anh kéo theo hệ lụy khác" - bị cáo Ca nói tiếp, đồng thời cho hay lúc nhận thấy tiền này liên quan vụ án Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra thì đã chủ động nộp lại chứ không có ý định chiếm đoạt.

Trả lời câu hỏi "Ngọc Anh đến đòi lại tiền, bị cáo có trả lại không?", bị cáo Ca khai không có việc này và nhắc lại từ đầu đến cuối không bao giờ có ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của vợ chồng "trùm hóa đơn".

Nguồn: Vietnamnet; Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang