Nghịch lý thu tiền công đức; Chấn động dự án Vành đai 3; Bến Lức – Long Thành 'lụt' tiến độ; Chung cư chưa nghiệm thu đã cho dân vào ở

NGHỊCH LÝ THU TIỀN CÔNG ĐỨC: NƠI TRĂM TỶ, CHỖ 'NHỎ GIỌT'

Báo cáo về tiền công đức năm 2023 của các địa phương gửi về Bộ Tài chính cho thấy, nhờ làm tốt việc mở tài khoản tiếp nhận, ghi chép đầy đủ, một huyện miền núi ở Lào Cai thu được gần trăm tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, đón gần 1 triệu du khách, song chỉ báo cáo thu nhỏ giọt và được vài tỷ đồng/năm.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một trong những huyện có số tiền công đức lớn nhất cả nước hiện nay là huyện Bảo Yên (Lào Cai), tổng số thu tiền công đức đạt 95,8 tỷ đồng (chưa gồm khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng ). Trong số đó, thu năm 2023 ở mức 72,3 tỷ đồng.

Bảo Yên quản lý 11 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 3 di tích lịch sử cấp Quốc gia (đền Bảo Hà, đền Phúc Khánh, đền Phố Ràng) và 8 di tích lịch sử cấp tỉnh (đền Nghĩa Đô, di tích chiến thắng Nghĩa Đô, đền Long Khánh, đền Hai Cô - Kim Sơn, đền Pịt - Lương Sơn, đình làng Già Hạ - Việt Tiến, đền Làng Lúc, danh thắng động tiên cảnh xã Xuân Thượng).

Tại tuần văn hoá, du lịch và lễ hội Bảo Hà năm 2023, có hơn 300.000 lượt khách đến tham quan. Để kiểm kê, báo cáo tiền công đức đầy đủ, minh bạch, Ban Quản lý di tích và phát triển du lịch huyện Bảo Yên mở tài khoản tiền gửi ở nhiều ngân hàng và kho bạc nhà nước để tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Với khoản công đức, tài trợ bằng tiền mặt, ban quản lý lập sổ ghi nhận công đức, phiếu ghi nhận công đức.

“Hằng ngày, ban quản lý cử nhân viên thu gom tiền lẻ, tiền giọt dầu tại cung ban thờ đưa vào hòm công đức. Lắp hệ thống camera giám sát tại kho, phòng kiểm đếm và các cung ban trong đền, bàn ghi công đức để quản lý nguồn thu.

Đặc biệt, đền Bảo Hà bố trí nhân viên bảo vệ trực 24/24 giờ để đảm bảo công tác an ninh, trông coi tài sản tại di tích, thu tiền giọt dầu tại các ban, các cung”, ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Hà nêu trong báo cáo.

Tuy nhiên, UBND huyện Bảo Yên phản ánh, khi báo cáo, kiểm kê tiền công đức vẫn gặp một số khó khăn. Nhất là việc khó xác định giá trị thực của kim khí quý, đá quý của cá nhân hiến, tặng cho đền. Năm 2023, Đền Bảo Hà được cá nhân dâng cúng 17 nhẫn tròn màu vàng, 7 kiểng màu vàng, 1 kiểng ngọc bọc vàng tây. Ban quản lý di tích đã mở sổ ghi chép đầy đủ về số lượng, hình dạng, màu sắc của các trang sức trên và lưu trữ hoặc trưng bày tại các khảm, ban thờ theo nguyện vọng của các cá nhân dâng tặng.

“Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho các di tích và hoạt động lễ hội chưa có quy định cụ thể về việc tiếp nhận, quản lý tài sản do các tổ chức, các nhân tài trợ. Cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận, quản lý kim khí quý, đá quý...”, UBND huyện Bảo Yên kiến nghị.

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, năm 2023, tổng thu tiền công đức là hơn 122 tỷ đồng thu từ 750 di tích lịch sử, văn hoá đã xếp hạng (trong đó, có 37 di tích quốc gia đặc biệt, 91 di tích quốc gia và 612 di tích cấp tỉnh). Tổng số thu tiền công đức theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh 269 tỷ đồng, tỉnh Nam Định hơn 214 tỷ đồng.

Đón cả triệu du khách nhưng tiền công đức nhỏ giọt?

Theo tìm hiểu PV Tiền Phong, nhiều di tích quốc gia đặc biệt, đón cả triệu lượt khách ở các địa phương trong năm 2023 nhưng báo cáo về tiền công đức thấp bất thường. Tiêu biểu như số thu tiền công đức khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) đạt 7,7 tỷ đồng; khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ) đạt 26,3 tỷ đồng; khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) 17,8 tỷ đồng; đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) 21,3 tỷ đồng.

Đại diện Ban quản lý Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) cho biết, năm 2023 nơi đây đón 1 triệu lượt du khách đến tham quan. Lý giải về việc khách nhiều nhưng tiền công đức “nhỏ giọt”, Ban quản lý Khu di tích Yên Tử cho biết, ở Yên Tử có 2 đầu mối tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Trong đó, chỉ có số tiền công đức do ban quản lý di tích được ghi chép, báo cáo. Tiền giọt dầu, đặt lễ trên ban thờ do nhà chùa tiếp nhận.

“Ban quản lý khu di tích Yên Tử ghi nhận công đức của người dân. Phiếu ghi công đức nhằm tôn tạo di tích, đền chùa. Hiện nay, di tích, đền chùa khang trang nên người dân bỏ dần thói quen ghi phiếu công đức , chuyển sang đặt tiền giọt dầu, đặt tiền lễ trên ban thờ. Trong khi đó, tiền giọt dầu, hòm công đức tại ban thờ đặt trong chùa do nhà chùa quản lý...”, vị này chia sẻ.

Thành viên ban quản lý một khu di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Ninh bày tỏ băn khoăn, dù đã có thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn nhưng việc thống kê tiền công đức của từng địa phương thực hiện khác nhau. Có địa phương, ban quản lý di tích quản lý toàn bộ tiền giọt dầu, công đức. Thế nhưng, tại một số nơi, ban quản lý chỉ được quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu, hòm công đức trong chùa do nhà chùa quản lý và chưa có thống kê.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, đây là lần đầu tiên báo cáo tiền công đức trên cả nước nên không tránh khỏi vướng mắc, việc áp dụng thu, quản lý ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Sau khi tổng hợp kiến nghị của địa phương trên cả nước về vướng mắc khi báo cáo tiền công đức, Bộ Tài chính sẽ đề xuất giải pháp tháo gỡ.

CHẤN ĐỘNG DỰ ÁN VÀNH ĐAI 3 TP.HCM: NHÀ THẦU PHỤ 'GIẢ MẠO' CHỨNG THƯ

Đó là khẳng định của giám đốc Ban Quản lý xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, sau khi Tuổi Trẻ Online thông tin phát hiện thầu phụ ở vành đai 3 TP.HCM 'giả mạo' chứng thư bảo lãnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 9-4 về việc thầu phụ tại gói thầu XL8 thuộc dự án thành phần 1 đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP "giả mạo" chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) - cho biết đã chỉ đạo kiểm tra.

Theo ông Phúc, văn bản trên của Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4, có từ cuối tháng 2-2024. Sau khi tiếp nhận, chủ đầu tư đã loại Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hồng Gia Huy (Công ty Hồng Gia Huy) ra khỏi danh sách những nhà thầu phụ ở dự án thành phần 1 vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP.

"Quan điểm của Ban Giao thông là không chấp nhận nhà thầu không có năng lực tham gia một dự án trọng điểm. Phía Tập đoàn Cienco 4 cũng đã tìm nhà thầu mới để tiếp tục tham gia gói thầu XL8 dự án vành đai 3 TP.HCM.

Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ để không xảy ra trường hợp tương tự", ông Phúc khẳng định.

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 đã có báo cáo chủ đầu tư về việc Cienco 4 ký hợp đồng thầu phụ với Công ty Hồng Gia Huy thi công gói thầu XL8.

Theo điều kiện hợp đồng để triển khai thi công, Công ty Hồng Gia Huy phải cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng với giá trị tương ứng với 5% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, sau 6 tháng ký hợp đồng, Công ty Hồng Gia Huy không cung cấp được bảo lãnh hợp lệ theo điều kiện của hợp đồng.

Xin nêu thêm rằng Hồng Gia Huy đã cung cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng do ngân hàng cung cấp. Tuy nhiên, hai bảo lãnh nêu trên được ngân hàng trả lời là các bảo lãnh giả mạo, không phải do ngân hàng phát hành.

Liên quan về vấn đề này, trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 9-4, ông Nguyễn Trung Hiếu - đại diện Công ty Hồng Gia Huy - nói rằng hai chứng thư mà công ty cung cấp cho Cienco 4 không phải chứng thư giả.

Ông Hiếu lý giải khi phát hành hai chứng thư này ngân hàng bị lỗi nên khi cập nhật bị lỗi, không hiện lên hệ thống. Sau đó ngân hàng đã thu hồi hai chứng thư. Trong bối cảnh khó khăn thiếu nguồn cát san lấp, Tập đoàn Cienco 4 và Công ty Hồng Gia Huy đã hủy hợp đồng.

Tiến độ gói thầu XL8 vành đai 3 TP.HCM

Gói thầu XL8 thi công xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua huyện Hóc Môn (từ Km62+700 đến Km69+978) có thời gian thực hiện 1.080 ngày.

Gói thầu khởi công ngày 26-7-2023. Tính đến 1-4, theo báo cáo của chủ đầu tư, sản lượng gói thầu đạt 5,3%.

Liên danh triển khai gói thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T, Công ty cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 18.

HÀNG LOẠT GÓI THẦU DỰ ÁN CAO TỐC BẾN LỨC - LONG THÀNH 'LỤT' TIẾN ĐỘ

Hàng loạt gói thầu của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang bị 'lụt' tiến độ, có gói chậm tới 70%.

Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại buổi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), mặc dù đã tích cực đôn đốc các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để phấn đấu hoàn thành dự án đúng tiến độ, tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá tình hình triển khai thi công dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Dự án có 11 gói thầu xây lắp gồm: đoạn 1 phía tây (Gói thầu A1- A4) sử dụng vốn vay ADB, đoạn 2 (Gói thầu J1 - J3) sử dụng vốn vay JICA; đoạn 3 phía đông (Gói thầu A5 - A7) sử dụng vốn vay ADB.

Cụ thể, Gói thầu A1-1 sản lượng đạt 15,66%, chậm khoảng 22,57%. Gói thầu A2.2-4 chưa hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu.

Gói thầu J1 sản lượng đạt 77,29%, chậm khoảng 7,77% so với kế hoạch, tiến độ thi công còn chậm, công tác thi công tại một số vị trí cần rà soát, cải thiện; một số nội dung tồn tại về kỹ thuật và các chi phí dừng chờ, tái huy động của gói thầu chưa được xử lý dứt điểm...

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa dự án vào khai thác đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng yêu cầu, Bộ GTVT yêu cầu VEC chỉ đạo các nhà thầu tập trung huy động nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công với các gói thầu đoạn phía đông, đảm bảo yêu cầu thông xe trong quý 3/2024 và hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến phía đông trong quý 4/2024.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu VEC kiên quyết xử lý nhà thầu thi công chậm tiến độ đã cam kết, xem xét khả năng chấm dứt hợp đồng.

Với gói thầu J1, các bên liên quan cần lập tổ công tác có đủ thẩm quyền để trực tiếp xử lý dứt điểm các nội dung liên quan đến chi phí dừng chờ, chi phí tái huy động, trụ neo tạm...

Riêng gói thầu J3, VEC khẩn trương làm việc với nhà tài trợ JICA và các bộ, ngành liên quan thực hiện thủ tục điều chỉnh Thỏa thuận vay VN14-P3 để nhà thầu Việt Nam có thể tham gia với tư cách nhà thầu độc lập.

Ngoài ra, VEC chỉ đạo nhà thầu gói thầu A1-1 đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo tiến độ hoàn thành theo kế hoạch; khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cho gói thầu A2.2-4 để phấn đấu hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến phía tây trong quý 1/2025.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án quan trọng quốc gia do VEC làm chủ đầu tư. Dự án này đã đình trệ trong 3 năm do vướng mắc các thủ tục vay vốn, trước khi được khởi động lại tháng 5.2023.

Tổng chiều dài 57,8 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Long An 2,7 km, TP.HCM 26,4 km và Đồng Nai 28,7 km. Mặt đường tuyến cao tốc rộng 24 m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, vận tốc tối đa 120 km/giờ.

Dự án có tổng vốn đầu tư 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay hơn 25.000 tỉ đồng và vốn đối ứng gần 5.690 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng giúp kết nối khu vực Đông Nam bộ và miền Tây.

CHUNG CƯ CHƯA NGHIỆM THU ĐÃ CHO DÂN VÀO Ở, AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cho rằng, trách nhiệm trong vụ việc 4 dự án chung cư, nhà ở xã hội chưa hoàn hoàn thành kết quả nghiệm thu công trình nhưng đã cho dân vào ở, là thuộc về chủ đầu tư và chính quyền địa phương thành phố Vinh.

Ngày 9/4, tại buổi báo quý I/2024 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, vấn đề xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc để người dân vào ở 6 năm qua tại 4 dự án chung cư, nhà ở xã hội, văn phòng chưa hoàn tất nghiệm thu kết quả công trình xây dựng đã được PV VietNamNet nêu ra.

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An Vũ Tuấn Dũng, cho biết, 4 chung cư có người dân vào ở mà VietNamNet phản ánh gồm chung cư Trường Thành; chung cư Mường Thanh Cửa Đông; chung cư Bảo Sơn và chung cư Thành Vinh.

Về trách nhiệm xử lý chung cư được phân thành 2 nhóm. Nhóm một là những chung cư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh là cơ quan Sở Xây dựng tiến hành nghiệm thu và chung cư trên 22 tầng thuộc Bộ Xây dựng.

“Chung cư Trường Thành và Thành Vinh đã có đoàn kiểm tra theo kết luận 551 của UBND tỉnh Nghệ An. Hai chung cư này đang tổ chức khắc phục, tồn tại trước khi Nhà nước tiến hành nghiệm thu để đưa vào sử dụng. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và chính quyền địa phương, cụ thể là UBND thành phố Vinh”, ông Dũng nói.

Đối với chung cư Mường Thanh Cửa Đông, ông Dũng cho hay, Cục Kiểm định (Bộ Xây dựng) đã có văn bản chỉ ra nhiều nội dung cần phải khắc phục. Hiện chung cư này chưa được Bộ Xây dựng chính thức nghiệm thu công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Trách nhiệm để người dân vào ở thuộc về chính quyền địa phương và chủ đầu tư.

Trả lời về nội dung "Chung cư Mường Thanh Cửa Đông chưa có kết quả nghiệm thu nhưng đã cấp sổ hồng nhà ở cho người dân, vậy có đúng quy định không"?, ông Phạm Văn Toàn, Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, nói: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở cho các hộ dân khi đó được tỉnh Nghệ An giao ủy quyền cho thành phố Vinh thực hiện.

“Chung cư này chưa được nghiệm thu xây dựng, vậy việc này đúng hay sai chúng tôi sẽ cho cán bộ rà soát lại. Ngay lúc này chưa thể trả lời được. Việc cấp bìa hồng thời điểm đó là do thành phố Vinh thực hiện”, ông Toàn thông tin.

Chủ trì buổi họp báo, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết, câu hỏi trên đã được chuyển đến Sở TN&MT từ 5-7 ngày trước nhưng đến nay vẫn trả lời vòng vo. Phó giám đốc Sở TN&MT chưa nghiên cứu câu hỏi, không nắm được thông tin cụ thể và đề nghị rút kinh nghiệm.

Cố tình cấp bìa cho 111 hộ dân khi chưa được nghiệm thu xây dựng?

Cũng tại buổi họp báo, bà Trần Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh, cho hay, đầu năm 2021, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An có thông báo kết quả kiểm tra điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán căn hộ ở dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp khách sạn, chung cư Mường Thanh tại phường Hưng Dũng.

Văn bản này kết luận nêu rõ, chung cư đủ điều kiện bán nhà ở cho người dân từ tầng 13 đến tầng 26. Riêng từ tầng 1 đến tầng 12 chưa đủ điều kiện bán căn hộ.

“Trên cơ sở đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký sử dụng đất của thành phố Vinh thực hiện các việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ theo đúng quy định pháp luật. Đến nay thành phố đã cấp 111 bìa hồng trên tổng số 138 căn hộ chung cư ở Mường Thanh Cửa Đông”, bà Tú nói.

Trước đó, Văn phòng UBND TP Vinh cho biết, trên địa bàn TP có 4 chung cư, nhà ở xã hội đã có dân cư chuyển vào sinh sống nhiều năm nay, nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành xây dựng.

Cụ thể, toà nhà dịch vụ thương mại và căn hộ nhà ở, tại khối Vinh Tiến, phường Hưng Bình do CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn làm chủ đầu tư; khu nhà ở làm việc Thành Vinh, khối 20, phường Hưng Bình của CTCP Đầu tư sản xuất và TM Thành Vinh; chung cư Mường Thanh Cửa Đông, tại khối Trung Hưng, phường Hưng Dũng do CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông đầu tư; chung cư, nhà ở xã hội tại xóm 15, xã Nghi Phú do Công ty TNHH Trường Thành làm chủ đầu tư.

Nguồn: Soha; Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang