Cần sớm ban hành nghị định lấn biển; Siết hoạt động môi giới BĐS; Những dự án lùm xùm tuần qua; Vụ 'kho báu 3 tấn vàng'

CẦN SỚM HOÀN THIỆN NGHỊ ĐỊNH ĐỂ THÁO GỠ CHO DỰ ÁN LẤN BIỂN

Luật Đất đai quy định về lấn biển đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.4 thay vì tới đầu năm 2025. Tuy nhiên, HoREA kiến nghị Bộ TN-MT cần sớm hoàn thiện nghị định để ban hành, góp phần tháo gỡ cho các dự án lấn biển đang ách tắc hiện nay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các quy định về hoạt động lấn biển mang lại nhiều lợi ích nên rất cần thiết. Các dự án đầu tư lấn biển tại các địa phương có thể bao gồm khu vực bãi bồi ven biển hoặc đất rừng phòng hộ ven biển hoặc đất nuôi trồng thủy sản ven biển và việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với các loại đất này phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. Các dự án lấn biển không chỉ tạo quỹ đất mà còn có thể tạo quỹ đất có mặt nước biển chuyên dùng để thực hiện các cầu cảng từ đất liền ra vùng biển nước sâu hoặc dự án điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi hoặc đường ống dầu, khí hoặc tuyến cáp điện, cáp quang...

Do vậy, dự thảo Nghị định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, hoặc hạng mục dự án lấn biển không chỉ tuân thủ theo quy định của pháp luật xây dựng mà còn phải tuân thủ các pháp luật có liên quan như pháp luật đầu tư, pháp luật nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật biển, pháp luật lâm nghiệp, pháp luật nông nghiệp, pháp luật thủy sản, pháp luật bảo vệ môi trường.

Như vậy, có thể có hai nhóm gồm: Dự án lấn biển là dự án đầu tư công nhằm tạo quỹ đất, quỹ đất có mặt nước biển chuyên dùng sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội sau khi nghiệm thu hoàn thành lấn biển thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện.

Dự án lấn biển là dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và dự án sử dụng vốn khác (vốn tư nhân) theo quy định của luật PPP 2020, luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định của luật PPP 2020, luật Đấu thầu 2023. Trường hợp này thì nhà đầu tư phải tuân thủ các pháp luật có liên quan như pháp luật đầu tư, pháp luật nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật biển, pháp luật lâm nghiệp, pháp luật nông nghiệp, pháp luật thủy sản, pháp luật bảo vệ môi trường…

Tán thành quy định việc xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo ông Châu, bởi hoạt động lấn biển nếu thực hiện thông qua dự án lấn biển thì hầu như chỉ có thể áp dụng phương pháp thặng dư để xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Do đây là khu đất có tiềm năng phát triển, nhưng nếu thực hiện thông qua hạng mục lấn biển trong dự án đầu tư thì lại có thể lựa chọn áp dụng phương pháp định giá đất khác theo quy định của pháp luật đất đai.

MINH BẠCH TRONG MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN

Việc minh bạch hoạt động môi giới bất động sản (BĐS) trong giao dịch nhà đất hiện nay nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và người mua là giải pháp đảm bảo thị trường BĐS vận hành an toàn, lành mạnh.

Thiếu chứng chỉ hành nghề

Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (Hiệp hội BĐS Việt Nam - VNREA), Việt Nam hiện có khoảng 300.000 cá nhân môi giới đang hoạt động tại các tổ chức kinh doanh dịch vụ BĐS. Trong đó, chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, còn lại chủ yếu hoạt động với vai trò kết nối thực hiện giao dịch BĐS.

Tìm hiểu thực tế tại các sàn giao dịch BĐS, công ty môi giới nhà đất tại các địa phương, hầu hết các môi giới là cá nhân hành nghề tự do, tự phát, không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan Nhà nước nào.

Đáng chú ý, do môi giới BĐS thiếu chuyên nghiệp, thiếu trung thực, thu phí dịch vụ cao (từ 2 - 3% giá trị của BĐS của người bán và khoảng 1 - 2% của người mua), cộng với nhiều chiêu thức quảng cáo sản phẩm dễ dàng trên mạng xã hội, các trang web mua bán nhà đất nhằm tìm kiếm khách hàng như: Đăng nhà giá ảo không bán nhà thật; đăng thông tin giao bán nhà này, nhưng lại sử dụng hình ảnh nhà khác; giao bán nhà tại một dự án, nhưng tư vấn cho khách hàng mua nhà tại dự án khác… hoạt động môi giới BĐS thời gian qua đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, làm mất niềm tin nhà đầu tư, mất hình ảnh của lực lượng môi giới chân chính.

Mặc dù đã có các quy định xử phạt các các nhân môi giới vi phạm, nhưng việc quản lý hoạt động môi giới vẫn bị “bỏ ngỏ", môi giới BĐS vẫn là ngành nghề gần như không có “rào cản” khi gia nhập hoặc rút lui. Thực tế này cho thấy cần có cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới BĐS trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, bao gồm cả thủ tục pháp lý của sản phẩm, dự án BĐS, nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và người mua nhà khi tham gia giao dịch BĐS; đặc biệt là khẳng định hoạt động môi giới BĐS là một ngành nghề trong xã hội.

Luật hóa hoạt động môi giới BĐS

Luật Kinh doanh BĐS 2023 (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều điểm mới siết chặt hoạt động môi giới BĐS. Điều 61 Luật này quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân không được hành nghề môi giới BĐS tự do như hiện nay.

Điều 48 Luật này yêu cầu chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh BĐS từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, đối với môi giới hoạt động trong các công ty BĐS, thù lao, hoa hồng của môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng để kiểm soát công khai, minh bạch và giúp Nhà nước chống thất thu thuế…

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, những quy định mới sẽ loại bỏ môi giới BĐS không chuyên, tạo môi trường kinh doanh BĐS lành mạnh, minh bạch.

Còn TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA nhận định, để thích nghi với các quy định siết chặt của Luật Kinh doanh BĐS mới, môi giới BĐS cần nắm vững các quy định pháp luật mới liên quan đến thị trường BĐS để áp dụng đúng, trau dồi kiến thức đàm phán giao dịch, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc, tham gia các sự kiện của ngành BĐS thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội mới trong các phân khúc thị trường BĐS khác nhau…

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS năm 2023. Theo dự thảo, Bộ Xây dựng ủy quyền cho các đơn vị Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, VNREA, Hội môi giới BĐS Việt Nam tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Dự kiến, các kỳ thi này đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng chậm nhất 2 tháng trước kỳ thi.

“Luật Kinh doanh BĐS 2023 quy định rõ việc các cá nhân không được phép hoạt động môi giới BĐS tự do, bắt buộc người hoạt động môi giới phải có đầy đủ năng lực thông qua chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định. Điều này giúp tạo điều kiện sàng lọc tự nhiên, tạo ra sự công bằng cho thị trường, để thị trường chỉ còn những môi giới BĐS chuyên nghiệp, có đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm”, TS Nguyễn Văn Đính cho biết.

NHỮNG DỰ ÁN LÙM XÙM DƯ LUẬN TUẦN QUA

Lộ diện người đứng sau doanh nghiệp phá rừng làm sân golf, biệt thự; thị trường bất động sản TP.HCM, Khánh Hoà khởi sắc; hàng chục biệt thự xây không phép trên đồi… là các tin tức nổi bật tuần qua.

Ai đứng sau doanh nghiệp phá rừng xây dự án sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng?

Dự án Sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng The Dàlat at 1200 toạ lạc tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng do Công ty TNHH Acteam International làm chủ đầu tư.

Được đưa vào khai thác từ cuối năm 2015, tuy nhiên mới đây cơ quan chức năng xác định quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã trực tiếp phá rừng, đề nghị thanh tra toàn diện dự án. (Xem chi tiết).

Ba năm qua, Công ty Acteam International liên tục thay đổi người đại diện pháp luật và người đại diện vốn góp theo uỷ quyền. Hiện, doanh nhân Chiu Bing Keung Kenneth đang đại diện phần vốn góp 411 tỷ đồng, tương ứng 50% vốn điều lệ, của doanh nghiệp này. (Xem chi tiết)

Bất động sản TP.HCM khởi sắc, doanh thu đạt gần 61.000 tỷ đồng

Ba tháng đầu năm 2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản TP.HCM đã có tín hiệu khởi sắc khi đạt gần 61.000 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/3, TP.HCM có 268 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập, tổng vốn đăng ký hơn 23.032 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhưng tổng vốn đăng ký lại tăng 256%.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu kinh doanh bất động sản của quý 1/2024 tăng cho thấy lĩnh vực này đã có tín hiệu khởi sắc do tác động từ các chính sách hỗ trợ. Thu ngân sách từ nhà, đất của quý đầu năm nay tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chung cư xuống cấp đã di dời cư dân cả năm vẫn chưa phá dỡ

Theo kết quả kiểm định năm 2016, chung cư 440 Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM được đánh giá có mức độ nguy hiểm cấp D, thuộc diện nguy hiểm cần phải di dời và phá dỡ khẩn cấp.

Đến tháng 3/2023, tất cả 20 hộ gia đình sinh sống tại chung cư xuống cấp này mới được di dời hoàn toàn đến nơi tạm cư. Suốt 1 năm qua, chung cư này vẫn chưa được phá dỡ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi đường. (Xem chi tiết)

Giao dịch đất nền Khánh Hoà nhộn nhịp, hơn 1.200 căn nhà đủ điều kiện bán

Quý 1/2024, trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà có 5.941 giao dịch bất động sản. Cụ thể, có 4.537 giao dịch đất nền, 1.193 giao dịch nhà ở riêng lẻ và 211 giao dịch căn hộ chung cư.

So với quý 4/2023, giao dịch của tất cả các loại hình bất động sản tại Khánh Hoà đều tăng. Trong đó, loại hình đất nền tăng mạnh nhất, nhiều hơn 774 nền so với quý trước. (Xem chi tiết)

Nhà đầu tư ‘ngậm đắng nuốt cay’ tại dự án sân bay Nha Trang của Hậu ‘pháo’

Tại tỉnh Khánh Hoà, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn của ông nguyễn Văn Hậu, tức Hậu ‘pháo’, là chủ đầu tư nhiều dự án, trong đó có Khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang, thuộc sân bay cũ Nha Trang.

Nhiều người đã bỏ tiền mua đất nền tại dự án này, tuy nhiên đã 8 năm trôi qua nơi đây vẫn chỉ là bãi đất trống. Sau khi ông Hậu bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, nhiều khách hàng không liên hệ được với chủ đầu tư. (Xem chi tiết)

Lâm Đồng xem xét đấu giá lại nhà hàng Thuỷ Tạ, cưỡng chế thu hồi Dinh Bảo Đại

Để chuẩn bị bán đấu giá nhà hàng Thuỷ Tạ lần hai, UBND TP.Đà Lạt đề xuất giá khởi điểm 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 600 triệu đồng so với giá khởi điểm trước đây. Qua hai lần đấu giá khách sạn Golf 3 cũ vẫn chưa thành, UBND TP.Đà Lạt đề nghị tiếp tục bán đấu giá lần ba.

Trong khi đó, dù đã bị chấm dứt hoạt động dự án King Palace nhưng Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt vẫn chưa bàn giao đất và tài sản trên đất thuê, trong đó có Dinh I. UBND TP.Đà Lạt kiến nghị cưỡng chế thu hồi Dinh I. (Xem chi tiết)

Hàng chục biệt thự xây không phép trên đồi

Cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng vừa đình chỉ công tác Chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Lộc Thành và đang tiến hành xử lý 22 biệt thự xây dựng không phép trên một quả đồi tại thôn 1A, xã Lộc Thành.

Những căn biệt thự này được xây dựng trên đất không phù hợp quy hoạch, việc xây dựng diễn ra từ giữa năm 2023 nhưng chính quyền địa phương xử lý không dứt điểm. Nhiều căn biệt thự đã xây dựng xong phần thô và hiện đã bị đình chỉ thi công. (Xem chi tiết)

THỰC HƯ VỀ “KHO BÁU 3 TẤN VÀNG” DƯỚI SÔNG CÀ TY?

Liên quan đến vụ người đàn ông xin khai thác “kho báu 3 tấn vàng” dưới sông Cà Ty (Bình Thuận), Báo Người Lao Động đã có trao đổi với các luật sư về khía cạnh pháp lý đối với loại tài sản này.

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, cho rằng chứng cứ người xin khai thác "kho báu" này đưa ra là rất yếu và khó thực thi.

"Theo thông tin tôi nắm được thì "kho báu" ông này biết được từ đời ông Tổ, và ông ấy cũng chỉ nghe nói, giấy tờ, bản đồ cũng không còn. Có nghĩa là không có chứng cứ gốc làm sao ông ấy biết mà chỉ ngay "kho báu" chỗ đó được. Đây là dạng chứng cứ thuật lại. Mà trên cơ sở cái thuật lại thì làm sao mà có căn cứ để cho anh đầu tư được" – luật sư Thiện nói.

Còn theo Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội), "kho báu" trong đơn ông H.P.T (42 tuổi; trú huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) xin khai thác thuộc trường hợp vật vô chủ bị chìm đắm, chôn giấu.

"Vật vô chủ theo quy định của khoản 1 điều 293 Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định người sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó thì người phát hiện ra vật vô chủ là động sản, trường hợp này là vàng thì họ có quyền sở hữu đối với loại tài sản đó. Nó cũng giống như việc chúng ta đi lặn rồi bắt gặp thùng vàng thì thùng vàng đó là của người phát hiện chứ làm sao mà của Nhà nước được. Cái này không phải nộp cho Nhà nước" – luật sư Hoàng Tùng nói.

Cũng theo luật sư này, nếu tài sản này liên quan di tích, bảo tồn thì ngành Văn hóa sẽ có trách nhiệm phối hợp. Còn nếu vật tìm kiếm liên quan vũ khí, quân trang, quân dụng thì sẽ phải bàn giao cho các đơn vị Quốc phòng.

"Đối với việc khai thác tại khu vực này sẽ liên quan đến việc quản lý lòng sông, bờ kè, đường xá, sẽ liên quan đến chính quyền địa phương, nên người đào nó phải báo cáo, xin phép. Tuy đây không được xem là khoáng sản hay tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn phải xin phép vì các yếu tố trên" – luật sư Tùng chia sẻ.

Trao đổi thêm về đề xuất chia tỷ lệ 30/70 đối với "kho báu 3 tấn vàng" này của ông T., luật sư Hoàng Tùng cho biết đây là vật chìm đắm, tài sản vô chủ nên người đào có quyền thỏa thuận và chia tỉ lệ theo tinh thần tự nguyện.

Liên quan đến đơn xin khai thác "kho báu" của ông H.P.T, phía UBND tỉnh Bình Thuận cho biết các cơ quan chức năng đang hướng dẫn người dân làm đúng thủ tục. Cũng theo nguồn tin, đây là lần thứ 3 ông T. gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đề nghị được cho khai thác "kho báu có 3 tấn vàng" dưới sông Cà Ty qua TP Phan Thiết.

Trước đó, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết căn cứ Nghị định số 96/2009/NĐ-CP của Chính phủ, sở đề nghị ông T. phải cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh... chứng minh về nơi chôn giấu vật quý; tổ chức lập phương án thăm dò nơi chôn giấu "kho báu"; ký quỹ cam kết khắc phục môi trường...

Khi bảo đảm các điều kiện trên, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, phê duyệt phương án thăm dò theo quy định.

Nguồn: Thanh Niên; CafeF; Vietnamnet; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang