Bê bối vỡ lở ở TQ; Châu Á 'săn' hệ thống phòng không; G20 thêm phân rẽ; Ukraine chật vật tuyển quân; Houthi tăng cường tấn công

Bê bối vỡ lở ở Trung Quốc: Lúa cao 2 mét và lúa trồng nước biển hóa ra chỉ là "bánh vẽ", không thần kỳ như lời quảng bá

Nhiều đột phá về công nghệ được Trung Quốc đưa tin trong thời gian qua bị phát hiện là không thực sự mang lại hiệu quả như công bố.

Phóng đại số liệu

SCMP dẫn các nguồn tin Trung Quốc cho biết, những nỗ lực ngày càng tăng của nước này nhằm tìm kiếm tiến bộ công nghệ trong nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực có thể bị hủy hoại bởi những con số phóng đại trong các cuộc kiểm tra năng suất cây trồng.

China Comment, một tạp chí xuất bản thuộc Tân Hoa Xã, cho biết mặc dù trong những năm gần đây các giống cây lương thực mới thường xuyên được đưa tin là có năng suất kỷ lục, nhưng nhiều kết quả đã bị bóp méo vì mục đích quảng cáo.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí số đầu tiên năm 2024, chính quyền địa phương và các công ty nông nghiệp đã “bịa đặt kết quả” để nâng cao hình ảnh của họ hoặc đảm bảo hỗ trợ tài chính khi Trung Quốc - với dân số 1,4 tỷ người - đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu công nghệ sinh học và phát triển hạt giống.

Những lời chỉ trích được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng coi trọng an ninh lương thực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn coi đây là “ưu tiên quốc gia hàng đầu” trong bối cảnh có lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm vì bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Báo cáo liệt kê một loạt các thử nghiệm giả mạo, liên quan đến một số giống thực vật nổi bật, bao gồm loại lúa nước biển – trồng ở đất mặn, kiềm - và lúa khổng lồ cao tới 2 mét.

Báo cáo cho biết: “Đối với lúa nước biển, phải có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về tưới nước ngọt và sử dụng các chất hóa học trong các thử nghiệm chính thức, nhưng một số công ty nông nghiệp không tuân theo các quy tắc này”.

Để cải thiện số liệu về lúa, một số công ty đã đưa rơm và lá vào sản lượng của họ, khiến kết quả “tổng sinh khối” tăng mạnh trong khi bỏ qua việc chất lượng gạo đầu ra rất thấp - báo cáo dẫn lời một người trong ngành cho biết.

Báo cáo cảnh báo: “Các hoạt động thử nghiệm sản xuất quá mức và giám sát lỏng lẻo chắc chắn sẽ làm suy yếu tính nghiêm ngặt và uy tín của nghiên cứu khoa học, đồng thời xóa bỏ cơ sở thực tế cho việc hoạch định chính sách và phân tích tình hình”.

Hậu quả nghiêm trọng

Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao của Công ty Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, cho biết hiện tượng như vậy phần lớn là hậu quả của việc quan chức phóng đại số liệu để cố gắng đạt các mục tiêu không thực tế.

Ông nói: “Văn hóa phóng đại và làm hài lòng cấp trên đang tạo ra ấn tượng sai lầm về cải tiến công nghệ”.

Theo các phương tiện truyền thông chính thức, nhiều kỷ lục về năng suất cây trồng đã bị phá vỡ trên khắp Trung Quốc trong vài năm qua.

Các ví dụ gần đây nhất bao gồm sản lượng đậu tương kỷ lục quốc gia đạt được ở khu tự trị Tân Cương vào tháng 9 và sản lượng đậu phộng kỷ lục thế giới ở tỉnh Sơn Đông trong cùng tháng.

Zheng Fengtian, giáo sư tại Trường Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết mặc dù một số kết quả thử nghiệm có thể đúng nhưng “vấn đề vẫn là chúng sẽ thực sự mang lại lợi ích như thế nào cho nông nghiệp thực tế, vì năng suất trong phòng thí nghiệm có thể cao, nhưng trồng ở quy mô nhỏ và quy mô lớn có thể giảm mạnh”.

Ông nói thêm, các kết quả thử nghiệm bịa đặt còn sử dụng nguồn đầu tư của chính phủ trong nghiên cứu nông nghiệp. Điều này gây ra sự lãng phí lớn.

Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc dẫn đầu thế giới về phát triển lúa lai và là một trong những nước có hiệu quả sản xuất lúa mì tốt nhất, nhưng nước này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu đậu nành và ngô, nơi năng suất trên mỗi đơn vị chỉ bằng khoảng 60% so với Mỹ.

Sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục 695,41 triệu tấn vào năm 2023 trong bối cảnh nỗ lực cải tạo đất nông nghiệp trên toàn quốc.

Trong cùng kỳ, nước này cũng nhập khẩu hơn 59 triệu tấn ngũ cốc, tăng 11,1% so với năm trước.

Chứng kiến khủng hoảng biển Đỏ, châu Á "săn" hệ thống phòng không

Việc lực lượng Houthi sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) ở biển Đỏ đã thu hút sự quan tâm của châu Á về các hệ thống khắc chế chúng.

Các thông cáo của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) từ ngày 27-11-2023 - lần đầu tiên trên thế giới ghi nhận việc sử dụng ASBM trong chiến đấu - đến ngày 20-2-2024 đề cập tổng cộng 48 ASBM được sử dụng và 12 lần đánh chặn loại vũ khí này ở biển Đỏ.

Những thông cáo đó cũng lưu ý nhiều ASBM do lực lượng Houthi ở Yemen bắn ra không gây nguy hiểm. Houthi cho biết tất cả tên lửa của họ đều được sản xuất ngay tại Yemen.

Theo hãng tin Reuters hôm 22-2, bên lề Triển lãm hàng không Singapore tuần này, một giám đốc điều hành cấp cao của một nhà thầu quốc phòng Mỹ cho biết hoạt động phòng không ở biển Đỏ và Ukraine đã thu hút sự chú ý của các khách hàng tiềm năng ở châu Á.

Giám đốc điều hành giấu tên này chia sẻ: "Những gì chúng tôi đang thấy là nhu cầu đối với hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp ở châu Á ngày càng tăng". Ông cũng chỉ ra các loại thiết bị với nhu cầu lớn bao gồm các cảm biến để phát hiện mục tiêu, vũ khí để bắn hạ tên lửa, hệ thống chỉ huy và kiểm soát liên kết tất cả lại với nhau.

Trong khi đó, Giám đốc truyền thông Robert Hewson tại nhà thầu quốc phòng Saab (Thụy Điển) chỉ ra không chỉ đối phó với tên lửa đạn đạo, các khách hàng châu Á giờ đây quan tâm nhiều hơn đến các mối đe dọa trên không nhỏ, cấp thấp như máy bay không người lái.

Một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định bất cứ khi nào ASBM được bắn ra ở biển Đỏ, chúng đều nằm trong tầm ngắm của Hải quân Mỹ và đều bị tiêu diệt.

Các tàu khu trục của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống phòng không Aegis, với các bộ phận do hãng Lockheed Martin sản xuất được thiết kế để bắn hạ máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Hệ thống Aegis sử dụng tên lửa SM-2, SM-3 và SM-6 của công ty con RTX Raytheon để ngăn chặn các mối đe dọa. Người phát ngôn của Lockheed Martin công khai việc tăng cường sản xuất một số hệ thống phòng không trong khi phía Raytheon từ chối bình luận về sự gia tăng nhu cầu đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa kể từ Houthi bắt đầu tấn công trên biển Đỏ.

Cũng tại triển lãm hàng không, Đô đốc Hải quân Mỹ Mark Melson, chỉ huy Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương, cho biết quân đội đang nghiên cứu những bài học từ các cuộc giao tranh tên lửa có thể áp dụng ở châu Á và các nơi khác.

G20 thêm phân rẽ

Tại cuộc gặp mới đây của bộ trưởng ngoại giao các nước G20 ở Brazil, nội bộ diễn đàn này bộc lộ tình trạng phân rẽ rất sâu sắc và trầm trọng.

Bất đồng quan điểm giữa các thành viên về các vấn đề chính trị thời sự của thế giới và về chương trình nghị sự chung của cả khuôn khổ diễn đàn cho tương lai chắc chắn sẽ khiến cho Brazil, trong tư cách là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của G20, rất khó thành công với trọng trách này.

Biểu hiện ra bên ngoài, sự bất đồng quan điểm chính giữa các nhóm thành viên xoay quanh cuộc xung đột ở Ukraine, về vị trí và vai trò của Nga trong nhóm G20, về quan hệ của nhóm G20 và của từng thành viên với Nga. Thêm vào đấy, xung đột Hamas - Israel cũng là vấn đề gây phân rẽ. Cuộc xung đột này trở nên đặc biệt nhạy cảm về chính trị thế giới và quan hệ quốc tế sau khi Nam Phi đưa Israel ra Tòa án Công lý quốc tế. Tiếp đó, đích thân Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, hiện đồng thời là Chủ tịch G20, cho rằng cách thức Israel hành động ở dải Gaza tương tự với phát xít Đức diệt chủng người Do Thái ở châu Âu hồi đầu thế kỷ trước.

Trong 2 năm vừa qua, khi Indonesia và Ấn Độ đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên của G20, nhóm các thành viên G20 thuộc phương Tây và thân phương Tây tìm mọi cách để biến cả G20 thành diễn đàn chống Nga. Bây giờ, phe này nỗ lực để ông Luiz Inácio Lula da Silva không định hướng cho G20 tập trung nhiều vào chiến sự ở Dải Gaza mà bớt đi vấn đề xung đột ở Ukraine. Vì thế, G20 khó có được sự đồng thuận nội bộ để tăng cường và phát huy được vai trò chính trị thế giới. Dù vậy, ông Luiz Inácio Lula da Silva vẫn được đề cao vai trò và ảnh hưởng của các thành viên thuộc khối "phương Nam bán cầu" trong G20.

Chật vật tuyển quân, Ukraine cho người nước ngoài gia nhập vệ binh quốc gia

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký lệnh cho phép người nước ngoài tham gia vào lực lượng vệ binh quốc gia nước này khi chiến sự với Nga sắp kéo dài được 2 năm.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết công dân nước ngoài giờ đây có thể gia nhập vệ binh quốc gia Ukraine giữa lúc Kiev hy vọng sẽ củng cố lực lượng vũ trang cho cuộc chiến tiêu hao với Nga.

Người nước ngoài và người không quốc tịch có thể gia nhập lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine kể từ ngày 21/2, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết trong một tuyên bố. Ông đã ký một sắc lệnh vào cùng ngày.

Người nước ngoài có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng với tư cách là binh nhì, trung sĩ và sĩ quan. Ứng viên nộp đơn phải trải qua cuộc kiểm tra y tế bắt buộc, đánh giá chuyên môn, tâm lý và đạt tiêu chuẩn thể lực do Bộ Nội vụ Ukraine quy định.

Phụ nữ nước ngoài cũng có thể được tuyển dụng để tham gia nghĩa vụ quân sự nếu có vị trí phù hợp còn trống. Hợp đồng với binh nhì sẽ có thời hạn ban đầu là 3 năm, trong khi đối với trung sĩ và sĩ quan có thể có thời hạn từ 3 đến 5 năm.

Các binh sĩ người nước ngoài đã có mặt trong hàng ngũ của Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022 nhưng thường tình nguyện tham gia Quân đoàn Quốc tế của Ukraine.

Người phát ngôn của Quân đoàn Quốc tế Damien Magrou cho biết công dân của 55 quốc gia đã tham gia vào lực lượng Ukraine trong cuộc chiến với Nga trong 2 năm qua.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ Ukraine và là một bộ phận tích cực trong lực lượng đối phó với Nga trong chiến sự.

Ông Zelensky nói rằng những người ứng viên nước ngoài phải được phép ở Ukraine một cách hợp pháp, chưa từng có tiền án và phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định được đặt ra cho nghĩa vụ quân sự.

Hai năm chiến sự đã khiến quân đội Ukraine và Nga chịu thiệt hại về nhân lực. Hiện chưa rõ số thương vong chính xác, nhưng Kiev đang rất cần thêm binh sĩ để duy trì cuộc chiến tiêu hao với Nga.

Không bên nào tự công bố số liệu thương vong của mình và các chuyên gia phương Tây kêu gọi thận trọng với số liệu về tổn thất của đối phương được Moscow và Kyiv công bố thường xuyên hàng ngày.

Động thái của Ukraine diễn ra trong bối cảnh nước này nhiều lần thừa nhận việc tuyển quân đang trở nên khó khăn vì tâm lý mệt mỏi do chiến sự.

Để duy trì sức chiến đấu trước đội quân áp đảo hơn về tiềm lực, quân đội Ukraine cuối năm ngoái đề xuất tuyển thêm 500.000 quân, nhưng thừa nhận đây là vấn đề nhạy cảm.

Ukraine tuyên bố lệnh tổng động viên ngay sau khi bắt đầu xung đột với Nga vào tháng 2/2022. Lệnh này cấm hầu hết đàn ông từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước.

Tuy nhiên, chiến dịch tuyển quân của Ukraine đã đối mặt với một số các diễn biến tiêu cực và tình trạng trốn tránh quân dịch. Tháng 8 năm ngoái, ông Zelensky sa thải toàn bộ lãnh đạo cơ quan tuyển quân ở các vùng trên cả nước và mở cuộc điều tra về nghi vấn tham nhũng liên quan tới những cơ quan này.

Trong thời gian qua, các quan chức Ukraine đã tăng cường nỗ lực tìm thêm tân binh cho lực lượng tiền tuyến, khi trực tiếp tới phòng gym, trung tâm mua sắm, nhà hàng và các nơi công cộng để phát lệnh triệu tập cho tất cả những người đàn ông họ gặp.

Biện pháp này gây ra tranh cãi vì khá cứng rắn, tuy nhiên Ukraine cho rằng đây là điều cần thiết để họ có thể duy trì khả năng tác chiến trước Nga.

Houthi tuyên bố tăng cường tấn công Biển Đỏ, sử dụng ‘vũ khí tàu ngầm’

Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen sẽ gia tăng các cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ và các vùng biển khác bằng “vũ khí tàu ngầm” để tiếp tục đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến ở Gaza, lãnh đạo nhóm này tuyên bố hôm thứ Năm (22/2).

Các chiến binh Houthi liên kết với Iran ở Yemen đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng máy bay/xuồng không người lái và tên lửa ở Biển Đỏ, Eo biển Bab al-Mandab và Vịnh Aden kể từ tháng 11 để yểm trợ người Palestine, trong lúc cuộc chiến Israel-Hamas tiếp diễn và số người chết ở Gaza lên tới gần 30.000 người.

“Các hoạt động ở Biển Đỏ và Biển Ả Rập, Eo biển Bab al-Mandab và Vịnh Aden đang tiếp tục, leo thang và hiệu quả”, lãnh đạo Houthi, Abdulmalik al-Houthi nói thêm trong một bài phát biểu trên truyền hình. Ông không đưa ra thông tin chi tiết về vũ khí tàu ngầm.

Các cuộc tấn công của nhóm này đang làm gián đoạn tuyến thủy lộ chiếm khoảng 12% lưu lượng hàng hải toàn cầu và buộc các công ty phải đi tuyến đường dài hơn, đắt đỏ hơn vòng qua châu Phi.

Bài phát biểu của lãnh đạo Houthi được đưa ra cùng ngày lực lượng này gửi thông báo chính thức cho các chủ hàng và công ty bảo hiểm về điều mà họ gọi là lệnh cấm các tàu liên quan đến Israel, Mỹ và Anh trong các vùng biển xung quanh, nhằm tìm cách củng cố chiến dịch quân sự của họ để hỗ trợ người Palestine.

Thông tin liên lạc của Houthis, là thông tin đầu tiên gửi đến ngành vận tải biển về lệnh cấm, được đưa ra dưới dạng hai thông báo từ Trung tâm Điều phối Hoạt động Nhân đạo mới được thành lập của Houthis gửi tới các công ty và công ty bảo hiểm vận tải biển.

Các tàu thuộc sở hữu toàn bộ hoặc một phần của các cá nhân hoặc tổ chức Israel và tàu treo cờ Israel, hoặc thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc tổ chức Hoa Kỳ hoặc Anh, hoặc đi dưới cờ của các nước này, đều bị cấm đi vào Biển Đỏ, Vịnh Aden và Biển Ả Rập, thông báo hôm thứ Năm nói.

Một quan chức cấp cao của Houthi nói với Reuters hôm thứ Năm: “Trung tâm Điều hành Nhân đạo được thành lập tại Sanaa để điều phối việc di chuyển an toàn và hòa bình của các tàu không có mối liên hệ nào với Israel”.

Nguồn: Soha; CafeF; Thanh Niên; Dân Trí; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang