TQ xây lưới điện khủng; Khách TQ đổ đến ĐNA; Nga 'giàu chưa từng có', truy nã Thủ tướng Estonia; Israel trước sức ép lịch sử

Trung Quốc xây lưới điện siêu khủng ở sa mạc, bằng nửa công suất điện nước Mỹ

Một mạng lưới sản xuất và truyền tải điện "hàng đầu thế giới" đang được hình thành trong các sa mạc rộng lớn ở vùng Tây Bắc Trung Quốc.

Theo SCMP , các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, công trình kỹ thuật này sẽ bơm năng lượng rẻ và sạch vào trung tâm sản xuất của nền kinh tế thứ 2 thế giới, nâng cao mức sống của người dân và củng cố khả năng cạnh tranh của nước này trong các cuộc đua công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI).

Các kỹ sư dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng này ước tính công suất lắp đặt hiện có ở vùng Tây Bắc Trung Quốc kết hợp với các sa mạc rộng lớn trong khu vực như Gobi, có thể lên tới 600 GW.

Để so sánh, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tổng sản lượng tất cả các nhà máy điện của Mỹ cộng lại đạt khoảng 1.100 GW vào cuối năm 2022.

Đáng chú ý, hơn một nửa số cơ sở năng lượng điện ở Tây Bắc Trung Quốc được xây dựng để khai thác nguồn năng lượng tái tạo: gió và mặt trời. Bất chấp các nguồn này dễ biến động vì yếu tố khó lường của thiên nhiên, các nhà máy điện xanh vẫn đạt được hiệu suất sử dụng trung bình trên 95%.

Theo các nhà khoa học, cho đến nay, chưa có mạng lưới điện khu vực lớn nào khác tích hợp liền mạch một lượng lớn năng lượng tái tạo như vậy trong khi vẫn duy trì tỷ lệ sử dụng cao trong suốt cả năm.

Tây Bắc Trung Quốc bao gồm 3 tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải và 2 khu tự trị Ninh Hạ, Tân Cương. Trải dài hơn 3 triệu km2, khu vực này rộng tương đương Ấn Độ, từ lâu bị coi là một trong những khu vực kém phát triển và nghèo khó nhất ở Trung Quốc.

Khoảng cách xa với đại dương và địa hình khắc nghiệt, đặc trưng bởi các sa mạc rộng lớn như Gobi và Taklimakan, khiến dân số khu vực thưa thớt.

Tuy nhiên, nơi đây rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm dầu, than và nguồn năng lượng xanh dồi dào. Đây là nguồn cung cấp 60% năng lượng mặt trời và 1/3 năng lượng gió của Trung Quốc.

Ngay từ những năm 1980, ông Tiền Học Sâm, nhà khoa học tên lửa góp phần thành lập Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực của NASA và sau đó đặt nền móng cho chương trình không gian của Trung Quốc, đã hình dung ra việc khai thác nguồn tài nguyên gió và mặt trời khổng lồ của sa mạc Gobi để cung cấp năng lượng cho quốc gia. Giấc mơ này có vẻ xa vời, thậm chí gần như viển vông, do những hạn chế về công nghệ thời bấy giờ.

"Nhưng giờ đây, lưới điện tây bắc đã biến giai đoạn đầu của hệ thống năng lượng kiểu mới này thành hiện thực", Giáo sư Ma Xiaowei và nhóm nghiên cứu của ông từ Chi nhánh Tây Bắc của Tập đoàn Điện lực Nhà nước Trung Quốc và Đại học Giao thông Tây An viết trong một bài báo được xuất bản tháng trước trên tạp chí học thuật Trung Quốc.

Tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trong khu vực này đã đạt 230 GW, trong đó một nửa điện năng được cung cấp qua 10 đường dây truyền tải dòng điện một chiều siêu cao áp đến các tỉnh ven biển đông đúc dân cư ở phía Đông Trung Quốc.

Ông Ma cho biết những đường dây điện này dài hàng nghìn cây số, gần trọn chiều ngang Trung Quốc, biến lưới điện tây bắc thành "mạng lưới điện khu vực có công suất cung cấp mạnh nhất và quy mô lớn nhất trên thế giới".

Trong nhiều thập kỷ, Liên minh châu Âu (EU) đã tận dụng năng lực kinh tế, dân số đông đúc và các nhóm vận động môi trường để dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và chống biến đổi khí hậu. Những gã khổng lồ toàn cầu như Siemens ở Đức và Schneider Electric ở Pháp đã thúc đẩy những tiến bộ công nghệ và chuyên môn trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, sau khi so sánh cẩn thận, nhóm của Giáo sư Ma nhận thấy rằng “ lưới điện Tây Bắc của Trung Quốc đã vượt qua EU về các chỉ số sử dụng năng lượng tái tạo cốt lõi, đạt mức dẫn đầu thế giới”.

Nếu tất cả các sa mạc trên Trái đất đều được phủ kín tấm pin mặt trời và tuabin gió, lượng điện được tạo ra sẽ vượt xa nhu cầu hiện tại của con người. Tuy nhiên, những trở ngại kỹ thuật từ lâu đã khiến tầm nhìn này trở nên không thực tế.

Truyền tải một lượng lớn điện năng trên những khoảng cách xa rộng là một mục tiêu khó khăn và lưới điện truyền thống không thể xử lý được sự biến động mạnh của năng lượng tái tạo.

Các kỹ sư Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức này và rút ra được không ít bài học đắt giá. Theo bài báo của Giáo sư Ma, vào năm 2014, một tuabin gió đã gây ra sự đột biến điện năng lan truyền tới 400 km, khiến một trang trại gió khác bị thiệt hại nghiêm trọng.

Sự tăng trưởng bùng nổ về năng lượng tái tạo của Trung Quốc trong những năm gần đây làm phức tạp thêm những vấn đề này. Những thay đổi về ánh sáng mặt trời và thời tiết có thể gây ra biến động công suất cung cấp điện lên tới 50 GW trong một ngày ở lưới điện phía tây bắc - con số tương đương với tổng công suất của tất cả các lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở Pháp.

Để giải quyết thách thức này, Trung Quốc đã xây dựng các đường dây truyền tải điện một chiều đường dài có điện áp cao tiên tiến nhất thế giới, giúp giảm tổn thất điện năng một cách hiệu quả trong quá trình truyền tải đường dài. Các nhà khoa học và kỹ sư ở Trung Quốc cũng đã kết hợp trí tuệ nhân tạo để cho phép họ dự đoán công suất phát điện trước tối đa 10 ngày bằng cách phân tích lượng lớn dữ liệu cảm biến.

Nhóm của ông Ma viết trong bài báo: “Trong điều kiện thời tiết ổn định, độ chính xác dự đoán rất cao”.

Các nhà máy điện than từng là lực lượng ổn định chính trong lưới điện Trung Quốc, nhưng chúng không còn đủ nhưng chúng không còn đủ ở vùng Tây Bắc do sự phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời và gió. Để bù đắp sự thiếu hụt, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Hoàng Hà, đóng vai trò xương sống cho việc điều chỉnh và lưu trữ năng lượng.

Theo nhóm của Ma, các hồ chứa này không chỉ tưới tiêu cho các khu vực khô cằn mà còn cắt giảm gần 20 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) chi phí điều tiết lưới điện, mang lại lợi ích kinh tế và sinh thái to lớn.

Một công nghệ cốt lõi khác là đạt được tính bổ sung giữa các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này đòi hỏi một hệ thống cảm biến và kiểm soát thông tin mạnh mẽ và đáng tin cậy. Theo nhóm của Giáo sư Ma, gần một nửa cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo đã tham gia vào hệ thống hỗ trợ đáp ứng lẫn nhau này.

Một doanh nhân chuyên mảng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Bắc Kinh cho rằng nguồn cung năng lượng đóng vai trò then chốt trong cuộc cạnh tranh sắp tới về sức mạnh quốc gia giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong nỗ lực kìm hãm sự phát triển AI của Trung Quốc, đã cấm bán các chip tiên tiến cho nước này.

“Ưu điểm của những con chip này chủ yếu nằm ở mức tiêu thụ điện năng thấp hơn một chút. Nhưng khi nguồn cung cấp điện của Trung Quốc tăng lên, các công ty Trung Quốc có thể sử dụng những con chip kém tiên tiến hơn để đạt được kết quả đào tạo AI tương tự”, doanh nhân yêu cầu giấu tên cho biết, nhấn mạnh thêm rằng "chi phí điện tăng không đáng kể so với tổng mức đầu tư vào cuộc đua AI".

Trước đại dịch, công suất phát điện của Trung Quốc gấp đôi Mỹ, nhưng giờ đây, nó gần như gấp ba lần. Giá điện ở Mỹ tăng 20% từ năm 2021 đến năm 2023 do lạm phát, trong khi giá điện ở Trung Quốc vẫn ổn định. Thậm chí, tại một số khu vực giàu năng lượng tái tạo, các công ty Trung Quốc còn được hưởng mức chiết khấu lớn hơn trước đây.

Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu và máy chủ AI ở các khu vực phía Tây dồi dào năng lượng, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của những gã khổng lồ công nghệ như Huawei.

Ở Mỹ, các hộ gia đình chiếm gần 40% tổng lượng điện tiêu thụ, tiếp đến là doanh nghiệp với 35% và cuối cùng là nhà máy sản xuất với khoảng 25%. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, nhu cầu điện từ các khu vực thương mại và công nghiệp lại vô cùng lớn, chiếm tới hơn 80% tổng lượng tiêu thụ.

Khách Trung Quốc đổ xô du lịch Đông Nam Á

Du khách Trung Quốc đã đổ xô đến các điểm nóng du lịch trên khắp châu Á trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch, với số lượng du khách và mức chi tiêu tại các điểm đến như Singapore, Thái Lan và Malaysia đều vượt thời điểm trước đại dịch, theo Reuters.

Chính sách miễn thị thực cho du khách Trung Quốc của các nước Đông Nam Á đã thúc đẩy lượng khách và báo hiệu khả năng phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp chống COVID từ đầu năm 2023 - vốn khiến nước này đóng cửa biên giới trong suốt ba năm.

Sự tăng trưởng này cũng giúp giảm gánh nặng cho các quốc gia nơi ngành du lịch phụ thuộc vào chi tiêu của du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi bền vững cho du lịch nước ngoài bị phủ bóng bởi tình hình kinh tế ảm đạm và thị trường trường tài chính nhiều biến động ở Trung Quốc, khiến dân đại lục phải thắt lưng buộc bụng ở quê nhà.

Trong một nghiên cứu, HSBC cho biết: “Bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn, chúng tôi tin rằng người dân Trung Quốc vẫn sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm liên quan đến du lịch… chúng tôi cho rằng chi tiêu liên quan đến du lịch có thể tiếp tục tăng trưởng vượt hơn mức tăng tiêu dùng nội địa tổng thể”.

Theo số liệu từ trang web du lịch Trip.com, từ ngày 10 - 17/2, lượng đặt chỗ tới Singapore, Thái Lan và Malaysia đã tăng hơn 30% so với năm 2019. Lượng du khách Trung Quốc đến Hong Kong, Macau, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng.

Kỳ nghỉ Tết năm 2024 kéo dài tám ngày, nhiều hơn một ngày so với năm 2019.

Nhờ có miễn thị thực, lượng đặt phòng khách sạn trong thời gian từ ngày 10 - 13/2 tại Bangkok đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng đặt phòng ở Singapore đã tăng chín lần, theo nền tảng du lịch LY.com.

Theo số liệu từ nền tảng thanh toán di động Alipay của Trung Quốc, từ ngày 9 - 12/2, tổng chi tiêu tại Singapore, Thái Lan và Malaysia trên nền tảng này đã tăng 7,5% so với năm 2019 và gấp gần bảy lần so với năm ngoái.

Tuy nhiên, Alipay cho hay tổng chi tiêu chung của người tiêu dùng mới chỉ phục hồi ở mức 82% so với bốn năm trước.

Cơn sốt Trung Đông

Trung Đông đã nổi lên thành điểm đến được du khách Trung Quốc săn lùng trong dịp Tết Âm lịch. Lượng du khách đến Ả Rập Saudi đã tăng chín lần so với năm 2019 và lượng đặt chỗ tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 60%, theo Trip.com.

Theo dữ liệu chính thức, thiên đường cờ bạc Macau, nơi duy nhất ở Trung Quốc mà công dân có thể đánh bạc hợp pháp, đã ghi nhận lượng du khách từ đại lục tăng vọt với hơn một triệu lượt đến trong kỳ nghỉ lễ, tỷ lệ lấp đầy khách sạn trung bình đạt 95%.

Sự gia tăng đột biến lượng khách du lịch là tín hiệu tích cực cho một số sòng bạc lớn nhất thế tại đây, trong đó có Sands China và Wynn Macau.

Trong một báo cáo, JP Morgan dự đoán ​​tổng doanh thu hàng ngày từ các sòng bạc ở Macau trong đợt cao điểm của kỳ nghỉ lễ đã cán mốc 124 triệu USD lần đầu tiên sau hơn bốn năm, vượt qua mức 112 triệu USD thu được trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng hồi tháng 10/2023 (Tết Trung thu và Quốc khánh Trung Quốc).

Theo đó, doanh thu phân khúc đánh bạc bình dân được dự báo đạt 120% so với mức trước COVID, đồng thời, dự kiến ​​tổng doanh thu toàn ngành trong tháng Hai sẽ tăng ít nhất 80% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 2,36 tỷ USD, cao nhất trong hơn bốn năm.

Tại Hong Kong, lãnh đạo đặc khu Lý Gia Siêu hôm thứ Ba cho biết hơn 1,2 triệu du khách đại lục đã ghé thành phố này trong dịp Tết Âm lịch, tỷ lệ lấp đầy khách sạn đạt 90% trong những ngày đầu của kỳ nghỉ. Trong đó, khách đi theo tour đạt khoảng 1.980 đoàn.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho hay hơn 114.000 du khách Trung Quốc đã đến nước này trong dịp Tết, tăng 4% so với năm 2019, trong khi một số đại lý du lịch thông tin rằng du khách ngày càng có xu hướng chọn du lịch tự túc thay vì đi theo tour, đồng nghĩa với việc các trung tâm thương mại lớn ở nước này sẽ có ít đoàn khách ghé thăm hơn.

Tại Nhật Bản, công ty điều hành chuỗi siêu thị Isetan Mitsukoshi Holdings cho biết tính đến ngày 14/2, "doanh số bán hàng miễn thuế cao hơn đáng kể so với năm trước, một phần là do Tết Âm lịch".

Ngoài ra, một vài thống kê cũng ghi nhận sự chuyển dịch trong thị hiếu du lịch. Theo đó, du khách ngày càng có xu hướng tìm kiếm các trải nghiệm. Số liệu từ Alipay chỉ ra chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống của du khách Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng hơn 70% so với trước đại dịch.

Trip.com cho biết số lượng đặt thuê ô tô ở nước ngoài trên nền tảng này đã tăng 53% so với năm 2019, doanh số bán vé trải nghiệm cảnh quan tăng hơn 130%.

Nga 'giàu chưa từng thấy' nhờ bán dầu

Bất chấp sóng trừng phạt của phương Tây, Nga sắp bước sang năm thứ 3 chiến sự với Ukraine bằng nguồn thu nhiều chưa từng có nhờ bán dầu.

Theo đạo luật ngân sách được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua hồi tháng 11/2023, nguồn thu của Moskva trong năm 2024 dự kiến đạt hơn 35 nghìn tỷ ruble (gần 394 tỷ USD), còn năm 2025 là gần 377 tỷ USD và năm 2026 là hơn 382 tỷ USD.

Đây là đà tăng đáng kể của Nga, sau khi nước này đạt mức doanh thu kỷ lục 320 tỷ USD trong năm 2023, dù phải chi tiêu đáng kể cho quốc phòng để phục vụ chiến sự ở Ukraine, đồng thời chống chọi với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.

Phần lớn nguồn thu của Nga trong năm qua là lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ, dù phương Tây đã tìm mọi cách cản trở dòng chảy năng lượng của Moskva. Khi nguồn dầu thô và khí đốt xuất khẩu của Nga tới châu Âu sụt giảm mạnh, Ấn Độ, đối tác chiến lược của Washington, đã trở thành khách hàng lớn thay thế.

Năm 2023, doanh số bán dầu thô sang Ấn Độ của Nga đạt mức kỷ lục 37 tỷ USD, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA). Lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga đã tăng hơn 13 lần so với trước khi xung đột Ukraine bùng phát.

Một số giao dịch dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ được thực hiện công khai và trực tiếp. Windward, công ty trí tuệ nhân tạo về hàng hải ở Israel, cho biết các tàu chở dầu đã thực hiện 588 hành trình đi thẳng từ Nga đến Ấn Độ vào năm ngoái.

Tuy nhiên, một số chuyến hàng giao dịch giữa hai nước có đường đi phức tạp hơn. Pole Star Global, công ty giám sát vận chuyển ở Anh, đã theo dõi dữ liệu vận chuyển và phát hiện hơn 200 chuyến tàu chở dầu từ Nga chuyển hàng sang một tàu khác ở Vịnh Laconia của Hy Lạp, trước khi được chở tiếp tới Ấn Độ.

"Việc giao dịch dầu được thực hiện hợp pháp, nhưng đôi khi họ cũng áp dụng một số biện pháp lách lệnh trừng phạt", David Tannenbaum, thành viên của Pole Star Global, cho hay.

CNN cũng đã phát hiện những hoạt động thương mại phức tạp tương tự ngoài khơi cảng Gythio của Hy Lạp đầu tháng này. Hai tàu chở dầu neo đậu cạnh nhau ngoài khơi để chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác. Cả hai đều lấy những lô hàng dầu từ Nga vài tuần trước đó.

Một tàu trong số đó thuộc sở hữu của công ty có trụ sở ở Ấn Độ và bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây. Tàu còn lại thuộc sở hữu của cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt riêng của Mỹ.

Mỹ và các đồng minh phương Tây hồi cuối năm 2022 nhất trí thỏa thuận về áp trần giá dầu, cam kết không mua dầu thô của Nga với giá trên 60 USD mỗi thùng. Các quốc gia này cũng cấm những công ty vận tải biển và bảo hiểm của họ hỗ trợ cho những giao dịch dầu thô Nga vượt giá trần.

Đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ tung gói trừng phạt mới đối với các tàu và công ty bị nghi ngờ giúp vận chuyển dầu thô Nga, vi phạm lệnh trừng phạt.

Việc Nga thu về lợi nhuận khủng từ bán dầu thô bất chấp lệnh trừng phạt được cho là nhờ "đội tàu bóng tối" mà Moskva lập ra để che giấu giao dịch và tối đa hóa lợi nhuận, theo Nick Paton Walsh và Florence Davey-Attlee, hai nhà phân tích của CNN.

"Đội tàu bóng tối" ban đầu được ước tính có khoảng 600 chiếc, tương đương 10% tổng số tàu chở dầu lớn trên toàn cầu. Đây là những phương tiện từng chuyển dầu cho Iran và Venezuela nhằm tránh lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhưng gần đây chuyển sang chở dầu thô Nga.

"Có một số bằng chứng cho thấy chúng thường che giấu hoạt động của mình bằng cách tắt bộ phát đáp AIS", Matthew Wright, chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại công ty thu thập dữ liệu Kpler ở Bỉ, nói về đội tàu này. AIS là hệ thống giúp định danh và định vị các con tàu di chuyển trên biển, nên hành động tắt thiết bị này khiến các chuyên gia giám sát bị mất dấu con tàu trên biển.

Viktor Katona, người đứng đầu nhóm phân tích dữ liệu dầu thô tại công ty Kpler, cho rằng trần giá dầu do phương Tây áp đặt với Nga là yếu tố kích hoạt nỗ lực tạo ra "đội tàu bóng tối". "Chuỗi cung ứng càng dài, việc xác định giá thực của một thùng dầu Nga sau khi chuyển từ tàu này sang tàu khác càng khó khăn", Katona nói.

Đội tàu bóng tối cho phép Nga tạo ra hệ thống vận chuyển song song và có thể vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây, với các tàu chở dầu có chủ sở hữu không rõ ràng. Windward ước tính đội tàu này đã tăng quy mô gấp ba, lên 1.800 chiếc, vào năm ngoái.

Ấn Độ là quốc gia mua dầu thô Nga nhiều thứ hai, sau Trung Quốc. Điều này góp phần giúp Nga giảm bớt khó khăn từ lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây. Đồng thời, doanh thu này cũng góp phần đảm bảo ngân sách của Nga cho chiến dịch ở Ukraine, theo giới quan sát.

Các nhà phân tích của CNN cho biết Nga năm ngoái đã chi khoảng 100 tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine. Mức chi này dự kiến lớn hơn trong năm 2024.

Quyết định mua lượng lớn dầu Nga của Ấn Độ cũng góp phần làm suy yếu hiệu quả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva. Mỹ và nhiều đồng minh không hài lòng về quyết định của Ấn Độ, song khó có thể gây sức ép mạnh với quốc gia này.

Ấn Độ là một thành viên nhóm Bộ Tứ, cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản. Mỹ đang dựa nhiều vào hợp tác với các thành viên Bộ Tứ trên nhiều lĩnh vực để duy trì động lực cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo giới chuyên gia. New Delhi cũng được xem là một mắt xích trọng yếu trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc, quốc gia mà Washington đánh giá là "mối đe dọa".

Ấn Độ giải thích việc mua dầu từ Nga là biện pháp để kìm giá năng lượng toàn cầu, vì nước này không cạnh tranh nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông với các nước phương Tây.

"Nếu chúng tôi bắt đầu mua nhiều dầu mỏ từ Trung Đông, giá dầu sẽ không duy trì ở mức 75-76 USD mỗi thùng. Nó sẽ là 150 USD", Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết.

Vai trò của Ấn Độ trong thương mại dầu mỏ toàn cầu cũng được phản ánh trong cách họ xử lý số dầu mua từ Nga. Một phần dầu thô Nga được tinh chế tại các nhà máy lọc dầu bên bờ biển phía tây Ấn Độ, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các nước tham gia áp lệnh trừng phạt dầu Nga.

Phân tích của CREA ước tính Mỹ là khách hàng mua các sản phẩm tinh chế từ dầu thô của Ấn Độ nhiều nhất trong năm ngoái, với tổng trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Các đồng minh của Mỹ cũng tăng đáng kể lượng sản phẩm dầu tinh chế nhập khẩu năm ngoái, với ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 44% so với năm trước.

Các sản phẩm dầu tinh chế bên ngoài Nga không thuộc phạm vi điều chỉnh của lệnh trừng phạt phương Tây. Moskva được cho là đang tìm cách tận dụng lỗ hổng trên bức tường trừng phạt này để thu về nhiều tiền hơn từ bán dầu mỏ.

Một trong những nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tiếp nhận dầu thô Nga nằm ở Vadinar và được điều hành bởi công ty Nayara Energy, với 49,1% sở hữu của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. CREA ước tính Mỹ đã nhập khẩu 63 triệu USD dầu tinh chế ở Vadinar trong năm 2023 và khoảng một nửa lượng dầu thô sử dụng trong nhà máy có nguồn gốc từ Nga.

Giới phân tích nhận định lợi nhuận mà các bên có thể thu về từ những chiến lược tránh né lệnh trừng phạt sẽ rất lớn.

"Bạn đang nói về một thứ sinh lợi đáng kinh ngạc. Và các thương nhân cũng đối mặt với cám dỗ rất lớn để làm điều đó", Ami Daniel, giám đốc điều hành Windward, nói.

Nga truy nã Thủ tướng nước EU: Đối phương đáp trả rắn, hé lộ hành động nhắm thẳng bầu cử Nga?

Lệnh truy nã được đưa ra không bao lâu sau khi Moscow tuyên bố sẽ "đáp trả tương xứng" hành động của quốc gia này.

Nga phát lệnh truy nã Thủ tướng Estonia

Reuters đưa tin, cách đây vài ngày, theo cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ Nga, cảnh sát Nga đã đưa Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Bộ trưởng văn hóa Lithuania và các thành viên tiền nhiệm của Quốc hội Latvia vào danh sách truy nã với cáo buộc "phá hủy các di tích thời Liên Xô".

Theo Financial Times, đây là lần đầu tiên Điện Kremlin ban hành cáo buộc hình sự đối với một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ khi phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, bà Kallas bị truy nã vì "xúc phạm ký ức lịch sử". Trong khi đó, theo hãng thông tấn nhà nước TASS (Nga), các quan chức vùng Baltic bị buộc tội "phá hủy tượng đài các binh sĩ Liên Xô" và hành vi này có thể bị phạt tù 5 năm theo bộ luật hình sự Nga.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine tháng 2/2022, Estonia, Latvia và Lithuania đã phá hủy hầu hết các di tích thời Liên Xô trên lãnh thổ của họ, trong đó có cả tượng đài tưởng niệm những người lính Liên Xô thiệt mạng thời Thế chiến II.

Ba quốc gia này từng thuộc Liên Xô nhưng hiện đã trở thành thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kể từ sau tháng 2/2022, họ đã trở thành những phía ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine và lên tiếng chỉ trích Nga.

Đáng lưu ý, vào đầu tháng 2, căng thẳng giữa Estonia với Nga đã tăng vọt sau khi nước này bí mật lên kế hoạch cải táng hài cốt của các quân nhân Liên Xô tại Nghĩa trang Quân đội Tallinn.

Đại sứ quán Nga tại Estonia cho biết, kế hoạch này "được thực hiện bí mật, không có bất cứ phương tiện truyền thông nào đưa tin" và "không có sự đồng ý của người thân các quân nhân đã khuất".

Moscow đã vô cùng giận dữ và gọi "kế hoạch đen" này là "hành động phá hoại nhằm vào Nga". Đại biện lâm thời Estonia Vannamelder đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga để nhận công hàm phản đối. Moscow đồng thời tuyên bố sẽ "đáp trả tương xứng" hành động của quốc gia Baltic.

Mới chỉ là khởi đầu

Người đứng đầu Ủy ban Điều tra Nga Alexander Bastrykin đã ra lệnh điều tra hình sự việc các di tích Liên Xô bị phá bỏ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo: "Đây mới chỉ là sự khởi đầu!"

"Tội ác chống lại sự tưởng nhớ những người đã giúp giải phóng thế giới khỏi chủ nghĩa phát xít phải bị truy tố" – Bà Zakharova nhấn mạnh.

Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Ngoại giao Nga, cùng với bà Kallas, trong lệnh truy nã của Nga còn có Ngoại trưởng Estonia Taimar Peterkop, Bộ trưởng Văn hóa Lithuania Simonas Kairys và khoảng 60-100 thành viên của Quốc hội tiền nhiệm Latvia (đã kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 11/2022).

Hàng chục chính trị gia khác ở vùng Baltic cũng có mặt trong danh sách này, bao gồm các thị trưởng, phó thị trưởng thành phố, cựu Bộ trưởng Nội vụ Latvia Marija Golubeva.

3 nước Baltic đồng loạt phản ứng

Thủ tướng Estonia Kallas ngày 18/2 đã lên tiếng bác bỏ lệnh truy nã của Nga, đồng thời cho rằng đó chỉ là nỗ lực của Moscow nhằm đe dọa bà trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng bà Kallas sẽ nhận được một chức vụ cấp cao trong EU.

"Việc này nhằm mục đích đe dọa và khiến tôi phải kiềm chế những quyết định mà có thể tôi sẽ đưa ra" – Bà Kallas phát biểu bên lề hội nghị an ninh Munich hồi tuần qua – "Tuy nhiên, đó là vở kịch của Nga. Không có gì đáng ngạc nhiên và chúng tôi sẽ không sợ hãi".

Theo Reuters, các chính trị gia vùng Baltic chỉ có nguy cơ bị bắt nếu họ vượt qua biên giới Nga. Nếu trường hợp này không xảy ra thì tuyên bố truy nã của Nga sẽ không dẫn tới hậu quả thực sự nào.

Vai trò nổi bật của bà Kallas trong việc thúc đẩy EU hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine đã dẫn đến suy đoán rằng bà có thể sẽ đảm nhận vai trò cấp cao sau cuộc bầu cử tiếp theo của Nghị viện EU trong tháng 6. Các dự đoán cho rằng bà Kallas nhiều khả năng trở thành người đứng đầu chính sách an ninh và đối ngoại của khối này.

Bước sang ngày 19/2, tờ Financial Times cho biết, bà Kallas đã kêu gọi phương Tây tiến hành thu giữ tài sản của Nga trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới. Nhà lãnh đạo Estonia đồng thời cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang muốn gửi đi thông điệp "Estonia là lãnh thổ của Nga và Nga có quyền tài phán đối với Estonia".

Trước đó, Bộ Ngoại giao Lithuania, Latvia và Estonia đã triệu Đại biện lâm thời Liên bang Nga và đại diện Đại sứ quán Nga để phản đối danh sách truy nã của Nga.

Bộ Ngoại giao Estonia bày tỏ sự phẫn nộ đối với Đại biện lâm thời Nga Lenar Salimullin đồng thời cảnh báo: "Những bước đi này của Nga sẽ không ngăn cản được chúng tôi làm điều đúng đắn và Estonia sẽ không thay đổi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Lithuania và Latvia cho rằng, cáo buộc của Nga nhằm chống lại các chính trị gia của hai nước này xuất phát từ "động cơ chính trị".

Bộ Ngoại giao Latvia yêu cầu Đại biện Nga Oleg Zykov giải thích. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Lithuania trao cho đại biện Nga công hàm phản đối quyết liệt.

"Những quyết định này của Liên bang Nga mâu thuẫn với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thể hiện nỗ lực xuyên tạc quá khứ và thiếu tôn trọng ký ức lịch sử của Lithuania" – Bộ Ngoại giao Lithuania nhấn mạnh.

Estonia có khả năng đóng hoàn toàn biên giới với Nga

Tờ Kommersant (Nga) dẫn thông báo từ cục cảnh sát Estonia cho biết, quốc gia Baltic có khả năng sẽ đóng cửa biên giới trên bộ với Nga trong tương lai gần. Lý do được cơ quan này đưa ra là "áp lực từ người di cư".

Trước đó, cùng với Phần Lan, Estonia đã lên tiếng cáo buộc Nga "vũ khí hóa" người di cư nhằm tạo ra cuộc khủng hoảng ở biên giới châu Âu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga vừa phát hành lệnh truy nã đối với Thủ tướng và các quan chức Estonia, giới phân tích cho rằng lý do không còn đơn giản như vậy. Estonia đang cho thấy họ không ngại đối đầu Nga.

Tờ Postimee của Estonia ngày 19/2 cáo buộc Nga đang chuẩn bị "làm náo loạn" biên giới với Estonia vào ngày bầu cử Tổng thống Nga diễn ra trong tháng 3 tới.

Đại sứ quán Nga tại Tallin cho biết, các địa điểm bỏ phiếu đặc biệt sẽ được tổ chức ngay tại biên giới Nga-Estonia để các công dân Nga sống tại quốc gia Baltic này có thể tham gia bỏ phiếu.

Điểm bỏ phiếu đáng chú ý nhất chỉ cách trạm kiểm soát ở biên giới với Estonia 140 mét. Bên cạnh đó, những chiếc xe buýt đặc biệt sẽ được đưa đến biên giới với Estonia để đưa các công dân Nga sống tại quốc gia Baltic này tới các điểm bỏ phiếu. Kế hoạch này sẽ chịu ảnh hưởng nếu Estonia quyết định đóng cửa biên giới giữa hai nước.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Estonia thông báo chỉ cho phép Nga mở 1 điểm bỏ phiếu tại trụ sở của Đại sứ quán Nga trên lãnh thổ nước này để phục vụ cuộc bầu cử Tổng thống.

Cơ quan này đồng thời cho biết Estonia lên án mạnh mẽ ý định của Nga nhằm tổ chức bầu cử tại các vùng lãnh thổ mà Nga đang nắm quyền kiểm soát ở Ukraine, gọi đây là "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".

Israel trước sức ép chưa từng có

Ngày 20.2, Israel đã tăng cường không kích khắp Dải Gaza. Các nhân chứng cho biết hầu hết mục tiêu nhắm vào TP.Khan Younis và phía đông TP.Gaza, Reuters đưa tin.

Theo số liệu mới nhất từ cơ quan y tế Palestine, tính đến ngày 20.2, chiến dịch trả đũa của Israel đã giết chết ít nhất 29.092 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, bất chấp nhiều lời kêu gọi "tha" cho TP.Rafah, Israel kiên quyết không dừng lại nếu con tin nước này không được Hamas trả tự do.

Trước tình hình trên, các nước đang đồng loạt gây sức ép lên Israel. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, 2 đề xuất ngừng bắn đối lập đã được đưa ra. Dự luật đầu tiên do Algeria soạn thảo, yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và "thả vô điều kiện tất cả con tin". Mỹ phản đối điều này, thay vào đó ra văn bản dự thảo "ủng hộ lệnh ngừng bắn tạm thời ở Gaza ngay khi có thể" và bày tỏ quan ngại về Rafah, AFP đưa tin. Một phản ứng bất ngờ cũng đã được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra, khi 26/27 thành viên thống nhất kêu gọi Hamas - Israel đình chiến ngay lập tức.

Tuy nhiên, phản ứng gay gắt nhất đến từ Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil, khi ông so sánh chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza với nạn diệt chủng Holocaust của phát xít Đức. Đáp lại, Ngoại trưởng Israel Katz của Israel gọi nhà lãnh đạo Lula là "persona non grata" (người không được hoan nghênh), một cách thức phản đối mạnh mẽ trong ngoại giao quốc tế, hãng Al Jazeera đưa tin.

Trong diễn biến khác, hãng thông tấn NNA ngày 20.2 đưa tin 2 cuộc không kích của Israel ở miền nam Li Băng đã làm 14 người bị thương. Trong khi quân đội Israel cho biết họ nhắm mục tiêu vào "các cơ sở lưu trữ vũ khí của lực lượng Hezbollah", phía Li Băng nói rằng nơi bị tấn công là nhà kho sản xuất lốp xe và máy phát điện.

Nguồn: CafeF; BBC; Vnexpress; Soha; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang