Xả súng ở Iran; Cuộc đua lên mặt trăng; Kịch bản đáng sợ ở Biển Đỏ; Ukraine dồn dập đón tin vui, tung chiến thuật vây ép

Xả súng đẫm máu ở Iran: Hung thủ bắn chết 12 người thân

Một người đàn ông 30 tuổi đã giết chết 12 người thân trong một vụ xả súng hàng loạt hiếm hoi ở Iran, theo Reuters dẫn lại thông tin từ báo chí nước này.

Báo chí Iran đưa tin người đàn ông nói trên, chưa rõ danh tính, đã sử dụng súng trường tấn công Kalashnikov vào sáng sớm 17.2 và sau đó bị lực lượng an ninh bắn chết ở tỉnh Kerman thuộc miền trung nam Iran.

Hãng thông tấn ISNA cho hay nguyên nhân vụ nổ súng mới, xảy ra ở một ngôi làng nông thôn hẻo lánh, là do tranh chấp gia đình, nhưng không cung cấp chi tiết.

Giết người hàng loạt rất hiếm khi xảy ra ở Iran, nơi súng săn là vũ khí duy nhất người dân được phép sở hữu.

Trong năm 2022, một nhân viên bị sa thải khỏi một tập đoàn tài chính nhà nước đã nổ súng tại nơi làm việc cũ, giết chết 3 người và làm bị thương 5 người trước khi tự sát ở miền tây Iran. Trước đó, vào năm 2016, một người đàn ông 26 tuổi đã bắn chết 10 người thân ở một vùng nông thôn phía nam Iran.

Bạo lực đã gia tăng ở Iran trong những năm gần đây, khi đất nước này đang trải qua tình trạng điều kiện kinh tế suy giảm cùng với các lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ, khiến lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Hiểm họa từ cuộc đua lên mặt trăng

Giới chuyên gia thiên văn khẳng định việc phóng hàng chục tàu thăm dò lên mặt trăng có thể làm tổn hại hoạt động nghiên cứu và các nguồn tài nguyên quý giá.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các công ty và tổ chức trên thế giới lên kế hoạch đưa hàng chục tàu thăm dò lên mặt trăng trong vài năm tới, với mục tiêu khai thác khoáng, nước và các nguồn tài nguyên khác để xây dựng căn cứ lâu dài, có thể ở được ở đó. Đây sẽ là bước đệm cho sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa.

Theo các nhà thiên văn học, hoạt động thăm dò mặt trăng vô tội vạ có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với những địa điểm nghiên cứu khoa học quý giá.

Họ nhấn mạnh hoạt động nghiên cứu sóng hấp dẫn, quan sát lỗ đen, nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất và các nghiên cứu khác có thể bị đe dọa.

"Vấn đề đã trở nên cấp bách. Chúng ta cần hành động ngay bởi quyết định của chúng ta ở thời điểm hiện tại sẽ đặt nền móng cho hành vi sau này của chúng ta trên mặt trăng" – chuyên gia Martin Elvis của Trung tâm Vật lý Thiên văn, Harvard & Smithsonian (Mỹ) cảnh báo.

Chuyên gia Richard Green của Trường ĐH Arizona (Mỹ) có cùng quan điểm khi khẳng định với trang The Guardian rằng: "Chúng ta cần hết sức cẩn thận khi khai thác mỏ và xây dựng căn cứ trên mặt trăng".

"Một vài lỗ mặt trăng được phát hiện bị bóng tối che phủ kể từ khi mặt trăng hình thành hàng tỉ năm trước. Ánh sáng mặt trời không thể với đến những khu vực này nên chúng lạnh đến mức khó tin. Điều này khiến chúng đặc biệt quý giá về mặt khoa học" – ông Green nói thêm.

Những lỗ mặt trăng như vậy là nơi lý tưởng để đáp những thiết bị khoa học như kính thiên văn hồng ngoại, vốn cần được làm mát liên tục.

Hiện đã có kế hoạch xây dựng một đài quan sát sử dụng kính thiên văn hồng ngoại - một đài quan sát đủ mạnh để theo dõi những ngôi sao mờ, cách xa Trái Đất và có thể có các hành tinh đá nhỏ quay quanh chúng.

"Đây là những nơi lý tưởng để tìm kiếm sự sống nhưng chúng nằm ngoài giới hạn của các đài quan sát hiện tại" – ông Green cho biết.

Những lỗ mặt trăng này được cho là nơi chứa nước ở dạng băng siêu lạnh, không bốc hơi như những khu vực khác. Chúng có thể hé lộ thông tin quý giá về lịch sử xuất hiện của nước trên mặt trăng, cũng như trên Trái Đất.

Tuy nhiên, những miệng hố chứa đầy băng cũng được xem là địa điểm vô giá trong mắt những người muốn chinh phục mặt trăng. Nói cách khác, chúng sẽ trở thành mục tiêu không thể cưỡng lại đối với hàng loạt công ty và phi hành gia.

"Nước sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với con người trên mặt trăng nhưng chúng ta phải đảm bảo nó không được lấy từ những địa điểm không thể thay thế về mặt khoa học" – ông Elvis nhấn mạnh.

Các nhà thiên văn vô tuyến cũng đánh dấu một địa điểm quan trọng khác. Địa điểm này nằm ở nửa không thể nhìn thấy của mặt trăng, nơi được che chắn khỏi phát xạ vô tuyến hỗn loạn phát ra từ Trái Đất.

Đây sẽ là nơi lý tưởng xây dựng kính viễn vọng khổng lồ có thể phát hiện sóng vô tuyến cực thấp phát ra từ vũ trụ sơ khai, cung cấp thông tin quan trọng về quá trình hình thành của các thiên hà đầu tiên.

Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan vũ trụ khác đang lên kế hoạch cho vệ tinh bay quanh mặt trăng để điều khiển robot tự hành và các thiết bị khác trên bề mặt mặt trăng. Tín hiệu vô tuyến rò rỉ từ những thiết bị này có thể làm hỏng độ nhạy của kính thiên văn nêu trên.

"Công nghiệp hóa mặt trăng dường như đang trở thành một triển vọng thực sự. Điều này có thể làm giảm chi phí phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học nhấn mạnh cần tránh mọi hoạt động có thể phá hủy những địa điểm chỉ có ở mặt trăng và là nguồn nghiên cứu vô giá đối với khoa học.

Phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh các hiệp ước của Liên Hiệp Quốc. Do đó, chúng ta cần hành động ngay nếu muốn hy vọng về các thỏa thuận quốc tế bảo vệ đặc điểm khoa học độc đáo của mặt trăng và đảm bảo chúng không bị phá hủy do hoạt động khai thác bừa bãi" - ông Green nói.

Tạp chí Science gần đây cảnh báo Hiệp ước ngoài vũ trụ 1967 ngăn các nước đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với thiên thể nhưng không nói gì về hoạt động khai thác tài nguyên trên không gian.

Kịch bản đáng sợ trên Biển Đỏ

Hải quân Mỹ lo ngại một kịch bản trong đó Houthi chế tạo xuồng không người lái tự sát (USV) tốc độ cao để tấn công các tàu ở Biển Đỏ.

Kịch bản nguy hiểm

Giao thông thương mại qua nút thắt Biển Đỏ nối châu Âu với châu Á đã giảm hơn 40% do chiến dịch tấn công tàu thương mại liên quan đến Israel, Mỹ, Anh và một số nước phương Tây do Houthi thực hiện với lý do ủng hộ lực lượng Hamas trong cuộc xung đột với Israel tại Gaza.

Một loạt cuộc tấn công tên lửa kéo dài một tháng của Mỹ và Anh vào Yemen không có dấu hiệu làm chậm lại hoạt động của lực lượng dân quân Houthi.

"Đó là một trong những kịch bản đáng sợ nhất khi có một con tàu mặt nước không người lái có thể di chuyển với tốc độ nhanh. Và nếu bạn không triển khai đối phó kịp thời, mọi chuyện có thể trở nên cực kỳ tồi tệ", chỉ huy Nhóm tấn công tàu sân bay số 2 của Mỹ, nói với AP trong một cuộc phỏng vấn.

Theo vị chỉ huy này, các tàu chiến của Mỹ đã đánh chặn và tiêu diệt nhiều USV do Houthi triển khai, đồng thời chỉ ra rằng tình báo quân sự Mỹ về khả năng của lực lượng dân quân trong khu vực này là không rõ ràng.

"Đó là một mối đe dọa chưa thể xác định bởi chúng tôi không có nhiều thông tin, nó có thể cực kỳ nguy hiểm – đó là xuồng tấn công không người lái", tướng Mỹ nói và lưu ý thêm rằng:

"Lực lượng Houthi rõ ràng có những cách để kiểm soát USV giống như họ đang làm với máy bay không người lái (UAV), hiện chúng tôi có rất ít thông tin về tiềm lực quân sự của Houthi, đặc biệt là USV".

Nhóm tấn công tàu sân bay số 2 của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Dwight D. Eisenhower dẫn đầu đã tuần tra Biển Đỏ kể từ tháng 11 năm 2023.

Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công mới nhất vào Houthi hôm 17 tháng 2, với các cuộc tấn công nhằm vào loạt mục tiêu của Houthi tại tỉnh al-Hudaydah, phía tây Yemen.

Các cuộc tấn công diễn ra sau tuyên bố của lực lượng Houthi rằng họ đã thực hiện cuộc tấn công mới bằng UAV và tên lửa vào một tàu chở dầu có liên kết với Vương quốc Anh – chưa đầy 24 giờ sau một cuộc tấn công riêng vào một tàu thương mại khác cũng của Anh.

Mohammed Ali Al-Houthi, thành viên Hội đồng Chính trị Tối cao của Houthi đã cảnh báo hôm 16 khi tham gia một cuộc họp ở Sanaa rằng Biển Đỏ không còn là khu nghỉ dưỡng mà người Mỹ có thể dạo chơi, nói rằng những cuộc tấn công của dân quân sẽ tiếp tục cho đến khi người dân Gaza chiến thắng.

Biển Đỏ tăng nhiệt

Theo ITV News, lực lượng Ansar Allah tại Yemen, còn được gọi là Houthi, đã sẵn sàng cho một bước leo thang mới ở Biển Đỏ và đang lên kế hoạch tăng cường các cuộc tấn công trên biển nếu Israel tiếp tục hoạt động trên bộ ở Dải Gaza.

Ông Al-Houthi nói, lực lượng Houthi đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau để có thể khiến Biển Đỏ tăng nhiệt.

Khi được hỏi liệu các lựa chọn có bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào các đại sứ quán và căn cứ của Vương quốc Anh và Mỹ trong khu vực hay không, vị lãnh đạo này nói rằng:

"Những hoạt động như vậy hiện không được cân nhắc nhưng phong trào có nhiều lựa chọn khác nếu Mỹ và Anh tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào thường dân Yemen".

Ông nói: "Sở hữu tên lửa và máy bay chiến đấu có thể vươn tới những mục tiêu chiến lược của Mỹ và Anh, chúng tôi sẽ tấn công họ mà không hề do dự nếu họ tiếp tục tấn công vào cả dân thường Yemen, bởi đây là quyền đáp trả hợp pháp".

Phong trào Houthi, lực lượng kiểm soát phần lớn miền bắc và miền tây Yemen, tuyên bố vào tháng 11 năm 2023 sẽ tấn công bất kỳ tàu nào liên quan đến Israel, Mỹ cho đến khi Tel Aviv ngừng các hoạt động quân sự ở Dải Gaza.

Thông điệp của Houthi đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập một chiến dịch đa quốc gia nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đỏ.

Các lực lượng của Mỹ và Anh sau đó đã tiến hành các cuộc tấn công lớn nhằm vào các vị trí của Houthi với mục tiêu làm suy giảm khả năng quân sự của lực lượng này.

Hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, bom dẫn đường nhằm vào Houthi đã được Mỹ và Anh thực hiện trong thời gian qua nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy khả năng tấn công của Houthi suy yếu như phương Tây mong muốn.

Ukraine dồn dập nhận tin vui từ châu Âu

Trong khi tình hình trên chiến trường và bên bàn đàm phán đều bế tắc, Ukraine sắp nhận được thêm hỗ trợ quân sự từ EU và các nước thành viên lớn nhất của khối này.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ giải ngân khoản tiền ban đầu 4,5 tỷ Euro (4,9 tỷ USD) cho Ukraine ngay trong nửa đầu tháng 3 để giúp đáp ứng nhu cầu ngân sách cấp bách của quốc gia Đông Âu đang chìm trong xung đột.

Thông tin trên được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis đưa ra tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 đang diễn ra ở một trong những thành phố lớn nhất của Đức nằm sâu trong vùng Bavaria ở phía Nam đất nước.

“Chúng tôi đang hoàn thiện quy trình lập pháp, cũng như với Nghị viện châu Âu, nhưng việc này đang đi đúng hướng”, ông Dombrovskis nói với các phóng viên ở Munich hôm 16/2. “Khoản tiền này sẽ nhanh chóng được chuyển đến Ukraine. Không có điều kiện nào cho việc đó cả”.

Ukraine đang tìm cách bù đắp khoảng thiếu hụt ngân sách và tài trợ cho cuộc chiến chống lại Quân đội Nga. Cuộc chiến trên bộ lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II đang bước sang năm thứ 3 mà không có dấu hiệu kết thúc.

Trong khi tình hình trên chiến trường và bên bàn đàm phán đều bế tắc, khoản viện trợ bổ sung trị giá hơn 60 tỷ USD của Mỹ cũng đang bị đình trệ tại Quốc hội “xứ cờ hoa”.

Tổng thống Joe Biden hôm 16/2 gọi việc Quốc hội Mỹ không thể phê duyệt viện trợ cho Ukraine là “thái quá” và nói với các phóng viên ở Nhà Trắng rằng điều đó làm dấy lên “mối lo ngại thực sự về việc Mỹ là một đồng minh đáng tin cậy”.

Tin vui về viện trợ đến với Ukraine vào đầu tháng này khi EU phê duyệt chương trình tài trợ kéo dài 4 năm, từ 2024 đến 2027, trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Kiev, sau khi Hungary dỡ bỏ quyền phủ quyết.

Nếu mọi thứ “đang đi đúng hướng” như ông Dombrovskis nói, thì chỉ chưa đầy một tháng nữa, phần đầu tiên trong khoản viện trợ của EU sẽ thực sự tới tay Ukraine vào thời điểm cấp bách nhất.

Ngoài ra, cũng trong ngày 16/2 ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước ông và Ukraine đã ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm, và thỏa thuận sẽ vẫn có hiệu lực trừ khi Ukraine gia nhập NATO.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ở Paris với người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky, Tổng thống Macron nói: “Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Pháp cam kết viện trợ quân sự bổ sung lên tới 3 tỷ Euro (3,23 tỷ USD) vào năm 2024”.

Nhà lãnh đạo Pháp lưu ý rằng Paris đã cung cấp cho Kiev viện trợ quân sự trị giá 1,7 tỷ Euro vào năm 2022 và 2,1 tỷ euro vào năm 2023, đồng thời cam kết hỗ trợ lâu dài cho Kiev, bao gồm cả hỗ trợ dân sự. Ông Macron cũng cho biết ông sẽ đến thăm Ukraine vào giữa tháng 3.

Trước đó, Tổng thống Zelensky cũng đã ký một thỏa thuận tương tự với Đức về hỗ trợ quân sự và huấn luyện cho Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên ở Berlin hôm 16/2 rằng Đức cam kết không chỉ hỗ trợ Ukraine phòng thủ trước Nga “trong chừng mực cần thiết” mà còn hỗ trợ Kiev “xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại, kiên cường để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai”.

Ngoài thỏa thuận an ninh, ông Scholz cũng công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 1,1 tỷ Euro (1,2 tỷ USD) cho Ukraine, bao gồm 36 pháo tự hành, 120.000 viên đạn pháo, 2 hệ thống phòng không Skynex và tên lửa bổ sung cho hệ thống phòng không IRIS-T

Ukraine tung chiến thuật vây ép, đánh chìm tàu chiến Nga trong đêm

Ukraine đã triển khai bộ ba xuồng tự sát để tấn công tàu chiến Nga, gây tổn thất lớn cho đối phương.

Hải quân Ukraine lần đầu triển khai xuồng tự sát không người lái vào cuối năm 2022. Một đội xuồng Sea Baby chất đầy thuốc nổ, được điều khiển qua vệ tinh, đã tấn công trụ sở của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, bán đảo Crimea, nhưng không gây thiệt hại lớn.

Ukraine phải mất gần một năm để hoàn thiện các xuồng tự sát cũng như chiến thuật tấn công bằng loại vũ khí này. Sau khi hoàn thiện, Ukraine tuyên bố đánh chìm nhiều tàu chiến của Nga.

Một cuộc đột kích của bộ ba xuồng tự sát Sea Baby, nhắm vào tàu đổ bộ Caesar Kunikov của Hạm đội Biển Đen Nga ở ngoài khơi bán đảo Crimea vào đêm 14/2, đã hé lộ những chiến thuật tấn công của Ukraine.

Trong trận tập kích tàu Caesar Kunikov, một xuồng tự sát của Ukraine đã tiếp cận tàu chiến Nga từ mạn phải. Trong khi đó, chiếc Sea Baby thứ hai tiếp cận từ mạn trái. Xuồng tự sát thứ ba ở lại, theo dõi cuộc tấn công của hai xuồng được triển khai trước đó thông qua camera hồng ngoại.

Theo Forbes, rất khó để phát hiện xuồng tự sát Sea Baby ở tầm thấp trên radar, thông qua một số cảm biến hồng ngoại hoặc bằng mắt. Các xuồng này cũng không quá ồn ào khi di chuyển.

Ngoài ra, hải quân Ukraine có xu hướng tấn công vào ban đêm, khi thủy thủ đoàn Nga mất cảnh giác nhất.

Đoạn video được ghi lại từ xuồng Sea Baby cho thấy ít nhất một thủy thủ Nga đứng canh gác trên boong tàu đổ bộ Caesar Kunikov, nhưng dường như không phát hiện ra xuồng tự sát của Ukraine đang tới gần trước khi quá muộn.

Chiếc Sea Baby đầu tiên đã va vào mạn phải của tàu chiến Nga, nơi gần khoang máy chính. Vụ nổ dẫn đến khiến ngọn lửa bốc lên.

Cú va chạm có thể đã đánh chìm tàu Kunikov, khi nước tràn vào các khoang máy và khoang chứa phương tiện khổng lồ của tàu đổ bộ. Cú va chạm thứ hai, ở mạn trái, đã định đoạt "số phận" của con tàu.

Trong thời gian qua, bán đảo Crimea và Hạm đội Biển Đen của Nga nhiều lần trở thành mục tiêu bị tấn công bằng xuồng tự sát. Điều này cho thấy mối nguy hiểm của xuồng tự sát với các mục tiêu quan trọng của Moscow tại khu vực mà họ đang chiếm ưu thế áp đảo trước Kiev.

Scott Savitz, nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nhận định rằng các xuồng tự sát gắn thuốc nổ của Ukraine có thể được xem là vũ khí đáng gờm chống lại các hạm đội và thậm chí cả cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga ở Biển Đen.

Theo ông Savitz, xuồng tự sát thậm chí còn nguy hiểm hơn các loại vũ khí trên không như tên lửa và bom. Chi phí tương đối thấp của xuồng tự sát cũng có thể cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công với số lượng lớn, khiến tàu chiến Nga khó phát hiện và đánh chặn toàn bộ mục tiêu.

Các chuyên gia cho hay, xuồng tự sát Ukraine thường di chuyển sát mặt biển và kích thước tương đối nhỏ, nên việc phát hiện chúng bằng radar hoặc thiết bị sóng âm phản xạ là một thách thức lớn với Nga.

Ngoài ra, các xuồng này có thể bị sóng biển che khuất cho tới khi chúng tới rất gần mục tiêu. Việc đánh chặn các vũ khí tương đối nhỏ, tốc độ khá nhanh lúc này trở nên thách thức hơn.

Ukraine cho biết một số tàu hải quân Nga đã di dời khỏi Sevastopol tới Novorossiysk trên đất liền Nga để tránh trở thành mục tiêu cho xuồng tự sát của Kiev. Địa điểm mới thiếu trang thiết bị để thực hiện các hoạt động ở quy mô tương tự, đặc biệt là trong việc lắp tên lửa Kalibr lên tàu hải quân để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Nguồn: Thanh Niên; CafeF; Soha; Người Đưa Tin; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang