Nơi trú ẩn mới của siêu giàu; Giới trẻ TQ 'nằm yên mặc kệ đời'; Nga-TQ siết quan hệ; Ukraine rút quân ở Avdiivka, chật vật tuyển quân

'Nơi trú ẩn' mới của giới siêu giàu

Tận dụng quan hệ ngoại giao đang ấm lên giữa Trung Quốc và Trung Đông và nhu cầu đa dạng hóa của khách hàng, ngày càng nhiều công ty môi giới bất động sản ở châu Á thành lập văn phòng tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, hay UAE).

Theo Reuters, một số công ty quản lý tài sản cho biết Dubai, trung tâm tài chính lớn ở vùng Vịnh, đang nổi lên như điểm đến ưa thích của nhiều doanh nhân và gia đình giàu có ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.

Điểm đến mới của giới siêu giàu

Noah Holdings, một trong những nhà quản lý tài sản hàng đầu của Trung Quốc, dự kiến nhận được giấy phép kinh doanh ở Dubai vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, văn phòng tại Dubai sẽ phục vụ các doanh nhân Trung Quốc đang mở doanh nghiệp tại đây. Dự kiến, trước mắt công ty sẽ sử dụng nhân viên từ Trung Quốc và sau đó mới tuyển dụng tại địa phương.

"Nhiều doanh nhân Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đồng thời nhiều người rất hào hứng với những cơ hội mà Trung Đông mang lại", theo ông Bàn Sảnh, giám đốc tài chính của Noah Holdings.

Sự phục hồi kinh tế sau Covid-19, lập trường chính trị trung lập, điều kiện xin cư trú và kinh doanh dễ dàng, múi giờ thuận tiện và tình trạng miễn thuế đều góp phần khiến Trung Đông thu hút làn sóng người giàu có trong những năm gần đây.

Ông Kashif Ansari, đồng sáng lập và tổng giám đốc tập đoàn bất động sản Juwai IQI (Malaysia), vào tháng 12.2023 đã nêu một số nhận định với tờ The South China Morning Post (SCMP). Theo ông, trong năm 2023, nhiều triệu phú đã chuyển đến Dubai hơn là đến Singapore, và cả các khu vực đồng Euro, Trung và Nam Mỹ hoặc Bắc Mỹ.

Ông Ansari nói căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang đánh bóng hình ảnh của Dubai như một "nơi trú ẩn an toàn" cho Trung Quốc. Ông đồng thời dự đoán giá nhà ở thành phố này có thể sẽ tăng ít nhất 5% trong năm 2024.

Ngoài ra, các nhà quản lý tài sản phương Tây bao gồm ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Lombard Odier cũng đang tìm cách mở rộng sự hiện diện kinh doanh ở Trung Đông để thu hút làn sóng người nước ngoài giàu có, theo Reuters.

Cơ hội đầu tư ở Dubai

Ở khu vực châu Á, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore từ lâu đã là những điểm đến được các cá nhân giàu có ở nước ngoài ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi vì nhiều khách hàng muốn có thêm sự lựa chọn.

Reuters dẫn nghiên cứu về lượng tài sản trong năm 2023 do công ty tư vấn Capgemini (Pháp) tiến hành, cho thấy số cá nhân có tài sản ròng cao (HNWI) trên toàn cầu đã giảm 3,3% xuống còn 21,7 triệu vào năm 2022, như HNWI ở Trung Đông đã tăng 2,8% trong cùng năm đó.

UAE chứng kiến dòng triệu phú ròng cao nhất thế giới vào năm 2022. Công ty đầu tư định cư Henley & Partners (Anh), ước tính nước này đã nhận được dòng vốn ròng thêm 4.500 người nữa vào năm 2023.

Đánh cược vào xu hướng này, viện tài chính Farro Capital có trụ sở tại Singapore đã thành lập văn phòng tại Dubai vào tháng trước. Ông Patrick Tsang, chủ tịch Tsang Group ở Hồng Kông, cũng cho biết công ty tài chính này đang lên kế hoạch khai trương văn phòng mới tại Abu Dhabi và Riyadh của Ả Rập Xê Út trong năm nay, sau khi đột phá Dubai vào năm 2022.

Chia sẻ với Reuters, ông Manish Tibrewal, đồng sáng lập tổ chức tài chính Farro Capital của Singapore, nhận định: "Chúng ta đang sống trong thời kỳ rất thú vị, nơi địa chính trị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các gia đình".

Còn theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh), nhu cầu từ người mua Trung Quốc đã đưa thị trường bất động sản Dubai trở thành "thỏi nam châm" thu hút các cá nhân giàu có.

Knight Frank nói về lâu dài, xu hướng này sẽ đưa Dubai trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu như New York, London và Singapore, SCMP đưa tin.

Theo chuyên gia Faisal Durrani, trưởng nhóm nghiên cứu khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Knight Frank, phân khúc bất động sản văn phòng và nhà ở của Dubai được cho là sẽ tăng giá trong năm tới do nhu cầu cao và nguồn cung khan hiếm.

"Dubai đã đạt đến đỉnh điểm và thay vì chen lấn để được công nhận, thành phố này đang đối đầu với các trung tâm lâu đời trên thế giới như một thỏi nam châm thu hút những người giàu có trên thế giới", theo ông Durrani.

Chuyên gia này nói thêm rằng cơ sở hạ tầng giao thông, khả năng kết nối toàn cầu và khả năng lãnh đạo có tư duy tiến bộ đã nâng cao danh tiếng và vị thế của Dubai trên toàn cầu: "Điều này được chứng minh bằng việc các cá nhân có tài sản ròng cao trên toàn cầu không ngừng muốn sở hữu ngôi nhà thứ 2 ở đây hoặc chuyển đến khu vực này".

Áp lực kinh tế khó khăn bủa vây, giới trẻ Trung Quốc ‘nằm yên, mặc kệ đời’: ‘Thời gian rảnh quý giá hơn vài nghìn nhân dân tệ’

Có khoảng 280 triệu thanh niên Trung Quốc sinh trong khoảng thời gian 1995-2010. Các cuộc khảo sát cho thấy Thế hệ Z là nhóm bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi trên cả nước.

Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại khiến triển vọng việc làm ngày càng giảm sút, Chu Yi lựa chọn “nằm yên, mặc kệ đời” (tiếng Anh: lying flat). Đây là một thuật ngữ dùng để mô tả những người chỉ làm việc vừa đủ để dành thời gian thực hiện sở thích của mình.

Chu Yi là cô gái 23 tuổi sống ở Thượng Hải, Trung Quốc. Cô Chu đã nghỉ việc tại công ty thời trang cách đây hai năm, vì thường xuyên phải tăng ca và không hợp với sếp của mình. Hiện tại, Chu Yi làm việc 1 ngày/tuần cho một công ty lữ hành. Thời gian còn lại, cô luyện tập xăm để hoàn thành khoá học nghề xăm kéo dài 6 tháng.

Và không chỉ mỗi Chu Yi lựa chọn “năm yên, mặc kệ đời”. Mặc dù không có dữ liệu thống kê bao nhiêu thanh niên Trung Quốc từ chối công việc ở công ty truyền thống, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đã tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6/2023. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang nỗ lực trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Một số sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc nói rằng họ đang kinh doanh để kiếm thêm nguồn thu nhập.

Chu nói: “Đối với tôi, công việc không có nhiều ý nghĩa. Hầu hết công việc đó dường như để hoàn thành cho người quản lý và làm hài lòng người đó. Vì thế, tôi quyết định không làm việc nữa”.

Có khoảng 280 triệu thanh niên Trung Quốc giống Chu sinh trong khoảng thời gian 1995-2010. Các cuộc khảo sát cho thấy Thế hệ Z là nhóm bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi trên cả nước.

Việc động viên nhóm tuổi này trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn là một nhiệm vụ quan trọng đối với các quan chức Trung Quốc và chính sách nước này. Tháng trước, cơ quan phụ trách nhân lực cho biết cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy việc làm năm 2024, đặc biệt là cho giới trẻ.

Zhou Yun, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan, cho biết mặc dù có vẻ như một số thanh niên đã chọn rời xa cuộc sống bon chen của xã hội hiện đại, nhưng không thể ngó lơ sự bi quan của họ về tương lai.

Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và thị trường lao động vẫn thắt chặt, “thách thức sâu sắc đối với những người trẻ tuổi là vượt qua những bất bình đẳng xã hội cứng nhắc, thắt chặt kiểm soát chính trị và triển vọng kinh tế mờ nhạt”, ông Zhou nói.

Tất cả điều này kết hợp lại khiến người trẻ như cô Chu ưu tiên phúc lợi và lợi ích của bản thân hơn cái mà cô gọi là “áp lực không ngừng” trong công việc ở công ty.

Chu cho biết hiện tại cô hạnh phúc hơn rất nhiều và tin rằng sự lựa chọn của mình là “đáng giá”.

Cô nói: “Mức lương hiện tại của tôi tuy không nhiều nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Thời gian rảnh rỗi có giá trị hơn vài nghìn nhân dân tệ”.

Nga, Trung siết chặt quan hệ bất chấp những rắc rối về thương mại

Trung Quốc và Nga tăng cường gấp đôi “quan hệ đối tác không giới hạn” trong những tuần gần đây, với việc lãnh đạo hai nước cam kết duy trì “tương tác cá nhân chặt chẽ” và đại sứ Trung Quốc tại Nga tiết lộ kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc trong năm nay.

Trong cuộc điện đàm ngày 8/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Putin đã ca ngợi sự gắn kết và hợp tác song phương ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời chỉ trích điều mà họ gọi là “sự can thiệp của Mỹ” vào công việc của nước khác.

Ngoài cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin, đại sứ Trung Quốc tại Nga, Trương Hán Huy, nói với truyền thông nhà nước Nga Sputnik ngày 10/2 rằng ông Putin sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay và hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tổ chức một số cuộc gặp trong năm nay.

“Chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin [năm nay] chắc chắn sẽ diễn ra [và] Trung Quốc mong chờ ông ấy đến,” ông Trương nói trong cuộc phỏng vấn.

Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh và Moscow hy vọng sẽ sử dụng những tương tác gần đây của họ để cho thế giới thấy rằng họ “liên kết chặt chẽ với nhau”.

Ông Ian Chong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với VOA qua điện thoại: “Họ muốn chứng tỏ rằng họ ủng hộ lẫn nhau vì cả hai đều cảm thấy áp lực từ Mỹ”.

Vì Nga và Trung Quốc có chung mục tiêu thay thế Mỹ và làm suy yếu sự phối hợp giữa Washington và các đồng minh, các chuyên gia khác cho rằng Bắc Kinh và Moscow tin rằng việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương là vì lợi ích của họ.

Bà Sari Arho Havren, một cộng tác viên tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, nói với VOA trong một văn bản trả lời rằng: “Mặc dù có những xích mích giữa Nga và Trung Quốc, nhưng họ đã khá thành công trong việc làm suy yếu các nền dân chủ và khai thác các hệ thống của họ”. Trung Quốc và Nga mang lại nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực cho cả hai nước.

Bất chấp cam kết chung nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ, một số diễn biến gần đây có thể hạn chế mức độ hợp tác. Một số phương tiện truyền thông đưa tin EU đang chuẩn bị đề nghị các chế tài đối với 3 công ty Trung Quốc và 4 công ty ở Hong Kong vì hỗ trợ quân đội Nga.

Các biện pháp trừng phạt sẽ là một phần trong nỗ lực của EU nhằm lấp những lỗ hổng có thể cho phép Nga có được các công nghệ quân sự cần thiết cho việc sản xuất vũ khí của mình. Đáp lại thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ coi các lệnh trừng phạt do EU áp đặt là “không thể chấp nhận được”.

“Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp hoặc ‘tài phán cánh tay nối dài’ chống lại Trung Quốc vì sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố được chia sẻ với một số cơ quan truyền thông, đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh “sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc.”

Ngoài các chế tài được đề nghị, một số ngân hàng Trung Quốc được cho là đã ngừng hoạt động với các công ty Nga hoặc Belarus hoặc thắt chặt các quy định xung quanh các giao dịch với Nga để tuân thủ các chế tài của phương Tây đối với Nga.

Đáp ứng với diễn biến này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói Moscow tin tưởng rằng vấn đề thanh toán với Trung Quốc sẽ được giải quyết, đồng thời cho biết thêm rằng thương mại giữa Trung Quốc và Nga đang thành công trong việc mở rộng.

Bất chấp mối quan hệ chính trị gần gũi của họ, một số chuyên gia cho rằng các chế tài của EU đối với các công ty Trung Quốc và việc một số ngân hàng Trung Quốc miễn cưỡng giao dịch với các thực thể Nga cho thấy mối quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Moscow khá phức tạp.

Ông Philipp Ivanov, một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn video: “Các doanh nghiệp Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc rất cẩn thận để không bị trừng phạt bởi các chế tài quốc tế do Mỹ và EU áp đặt”.

Ông nói rằng trong khi các chuyến thăm ngoại giao giữa hai nước sẽ tiếp tục, Bắc Kinh sẽ cố gắng quản lý cẩn thận các hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Nga.

“Hiện tại, thật khó để thấy [những diễn biến gần đây] có tác động lớn đến thương mại [giữa Trung Quốc và Nga], nhưng Trung Quốc có thể điều chỉnh cách tiếp cận [để quản lý mối quan hệ thương mại với Nga] trong trung và dài hạn,” ông Ivanov nói.

Vì tháng này đánh dấu hai năm kể từ khi ông Putin và ông Tập tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga, ông Ivanov cho biết mối quan hệ song phương thân thiết có thể đã đạt đến đỉnh cao. Ông nói với đài VOA: “Nga và Trung Quốc rất thân thiết về mặt chính trị và ngoại giao và mối quan hệ kinh tế và thương mại của họ đang tăng trưởng”.

Tuy nhiên, “vì Nga không thể cung cấp bất cứ thứ gì khác cho Trung Quốc ngoài những gì đã cung cấp về năng lượng và hàng hóa, nên họ không thể làm gì khác cùng nhau”, ông Ivanov nói và cho biết thêm rằng một lĩnh vực cần quan sát là cách Bắc Kinh và Moscow phối hợp lợi ích chiến lược của họ.

Vào lúc Thụy Sĩ chuẩn bị tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình có thể có về cuộc chiến Ukraine, tất cả các bên đều đang xem xét vị thế của Trung Quốc trong tiến trình này.

Sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis nói ông hy vọng Trung Quốc có thể đóng góp vào tiến trình hòa bình tiềm năng bằng cách tận dụng mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Bất chấp nguyện vọng của Thụy Sĩ, ông Chong tại Singapore cho biết Trung Quốc có thể muốn duy trì vị thế mơ hồ về Ukraine, rằng tất cả các bên sẽ cố gắng “tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng”.

Ông nói với VOA: “Cả Bắc Kinh và Moscow có thể đang đặt cược vào khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền [vào tháng 11], điều này có thể sắp xếp lại mọi thứ theo hướng có lợi cho Trung Quốc và Nga”.

Ukraine thông báo rút quân ở Avdiivka

Người phát ngôn quân đội Ukraine Dmytro Lykhoviy cho biết, lực lượng của nước này đang tiến hành một số điều động ở thị trấn Avdiivka để rút quân về "các vị trí thuận lợi hơn", và cố gắng đẩy lùi lực lượng Nga ở những nơi khác.

Trong phát biểu trên truyền hình, ông Lykhoviy cho biết Ukraine đã kích hoạt tuyến hậu cần dự phòng vào thị trấn, nhưng việc tiếp tế cho Avdiivka và sơ tán khỏi thị trấn này rất "khó khăn".

Nga đang cố gắng giành được thị trấn này sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.

“Tại Avdiivka, một cuộc điều động đang được tiến hành ở một số nơi nhằm rút các đơn vị của chúng tôi đến vị trí thuận lợi hơn, ở một số nơi để buộc (lực lượng Nga) rời khỏi vị trí”, ông Lykhoviy nói.

Trước đó, ông Vitaliy Barabash, Thị trưởng Avdiivka, cho biết, một lực lượng đông đảo của Nga đang tấn công thành phố này từ mọi hướng, khiến tình hình đối với các đơn vị Ukraine đang bảo vệ nơi này trở nên khó khăn.

Từ tháng 10 năm ngoái, lực lượng Nga đã chiếm thế chủ động ở mặt trận phía đông, cố gắng cắt đứt các đường tiếp tế và bao vây lực lượng Ukraine ở Avdiivka.

Sự sụp đổ của Avdiivka có thể được Nga coi là chiến thắng quan trọng trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng tới, trong đó Tổng thống Vladimir Putin có cơ hội lớn để tái đắc cử.

Ukraine chật vật tuyển thêm quân

Khi Pavlo Zhilin và đồng nghiệp tìm kiếm tân binh trên các con phố ở Cherkasy, những người đàn ông Ukraine thường tìm đường khác để tránh chạm trán họ.

Pavlo Zhilin, sĩ quan tuyển quân của Ukraine, đang cố tìm kiếm những tân binh cho cuộc chiến với Nga. Nhưng khi xung đột gần bước sang năm thứ ba, làn sóng tình nguyện tham gia cuộc chiến ở Ukraine đã không còn.

"Tôi không hiểu. Mọi người vẫn làm như thể chiến tranh đang ở nơi nào đó rất xa. Đây là cuộc chiến toàn diện, nhưng dường như họ không quan tâm", Pavlo nói.

Palvo cảm thấy thất vọng vì sự thờ ơ đó. "Chúng tôi cần sự đoàn kết như những ngày đầu. Mọi người khi đó gắn bó với nhau như anh em", anh nói.

Hầu hết những người tình nguyện tham chiến ban đầu đã chết, bị thương hoặc kiệt sức nơi tiền tuyến và chờ đợi được thay thế bởi lớp tân binh. Giống nhiều nơi khác ở Ukraine, nỗ lực tuyển quân ở thành phố Cherkasy hiện không dễ dàng. Nhiều người Ukraine giờ đây cảm thấy kiệt sức vì chiến tranh và lo sợ sẽ phải đánh đổi bằng mạng sống trên chiến trường.

Lực lượng an ninh ở Cherkasy liên tục phải khóa các kênh trên mạng xã hội cảnh báo người dân về thời điểm đội tuyển quân bắt đầu xuống đường tuần tra và các địa điểm "né chốt".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/2 ký hai dự luật gia hạn thiết quân luật và lệnh tổng động viên thêm 90 ngày, tới 13/5. Ông Zelensky lần đầu ban hành thiết quân luật và lệnh tổng động viên vào ngày 24/2/2022, thời điểm Nga phát động chiến dịch ở Ukraine. Các biện pháp này đã được gia hạn vài lần kể từ đó.

Ở tuổi 24, Palvo đã hy sinh rất nhiều cho đất nước. Anh lớn lên với ước mơ trở thành một người lính và bắt đầu phục vụ trong quân đội kể từ tháng 2/2022, sau khi xung đột với Nga nổ ra.

Anh đã chiến đấu gần Kiev, sau đó chuyển tới Soledar ở vùng Donbass, chiến trường miền đông ác liệt nhất ở Ukraine. Mùa hè của năm xung đột đầu tiên, anh được điều động tới Bakhmut.

"Chúng tôi đã hứng hỏa lực dữ dội. Một quả đạn pháo rơi ngay cạnh chỗ tôi. Tôi bị mất cả khuỷu tay", anh kể về một cuộc tấn công khiến bản thân bị thương nặng.

Pavlo cố gắng bò đến một bụi cây và bắt đầu cầu nguyện. Người lính này thừa nhận cảm thấy nhẹ nhõm khi được chuyển tới bệnh viện. Cảm giác đó không chỉ vì anh đã sống sót mà còn bởi cuối cùng đã rời khỏi tiền tuyến. "Ở đó thật sự khó khăn. Tôi không thể diễn tả hết điều đó", anh nói.

Thương tích của Pavlo rất nặng. Cánh tay phải của anh bị cắt cụt tới gần vai và chân bị ghim một mảnh đạn. Việc vận động gặp nhiều hạn chế dù anh đã được lắp tay giả. Tuy nhiên, anh vẫn muốn phục vụ quân đội và trở thành sĩ quan tuyển quân.

Sau tất cả những gì đã trải qua, Pavlo tự hỏi tại sao những người đàn ông khác lại trốn tránh nghĩa vụ.

"Một ngày nào đó, con cái sẽ hỏi họ đã làm gì trong cuộc chiến? Những đứa trẻ chắc hẳn sẽ thất vọng khi nghe được họ trả lời rằng 'bố đã chạy trốn'", Pavlo khẳng định.

Tuy nhiên, cái giá mà Ukraine phải trả cho cuộc chiến là rất lớn. Pavlo cho biết đồng đội cũ trong đơn vị của anh "hầu như không còn ai", những người còn sống sót đều bị thương nặng như anh.

Đối với Lilia Saviuk, hiện sống ở thành phố Irpin gần Kiev, chiến tranh càng kéo dài càng đáng sợ. Con trai Serhiy của bà đã nhập ngũ và bị thương vào mùa thu năm ngoái ở Avdeevka, nơi quan chức Ukraine thừa nhận họ bị áp đảo cả về vũ khí và nhân lực.

Đôi chân của Serhiy đã rách nát vì bom đạn. Anh đã được ghép da chân và đối với Lilia, đây chính là "phép màu".

Tuy nhiên, Serhiy cho biết anh sẽ quay trở lại mặt trận khi bình phục. Anh nói quân đội Ukraine đang thiếu binh sĩ ở đó và đồng đội cần anh. Điều đó khiến bà Lilia lo lắng và cầu nguyện chiến tranh kết thúc trước khi con trai khỏe lại.

"Tôi nghĩ thằng bé đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Là một người mẹ, thật tội lỗi khi nói điều này nhưng thật lòng khi thằng bé ở viện, tôi mới có thể ngủ ngon. Tôi không thể ngủ khi nó còn ở tiền tuyến", bà nói.

Tổng thống Zelensky hồi tháng 12 cho biết các tướng lĩnh quân đội Ukraine thừa nhận họ cần huy động thêm 450.000-500.000 tân binh cho cuộc chiến với Nga.

Tuy nhiên, nhiệm vụ tuyển mộ và huấn luyện tân binh cho lực lượng vũ trang đã trở thành thách thức ngày càng lớn đối với Kiev, khi đối mặt làn sóng phản đối từ người dân.

Vợ và mẹ của nhiều binh sĩ đã biểu tình ở một số thị trấn Ukraine để yêu cầu chính phủ cho phép chồng con họ xuất ngũ sau nhiều tháng chiến đấu liên tục, kêu gọi tân binh nhập ngũ để thay quân. Họ giương một tấm biển với câu hỏi: "Tại sao là người thân của chúng tôi mà không phải của bạn?".

Một nghĩa trang ở rìa thành phố Cherkasy đã có thêm hàng dài ngôi mộ mới của những người đàn ông đã chết trong xung đột Nga - Ukraine. Ukraine tôn vinh họ là những anh hùng, song với gia đình họ, đó là nỗi mất mát không thể bù đắp.

Inna không thể chịu đựng được việc phải đặt tấm ảnh của con trai lên mộ. Bà chưa sẵn sàng chấp nhận việc mất con.

Vladislav Bykanov thiệt mạng vì trúng mìn gần Bakhmut vào tháng 6 năm ngoái, khi anh chuẩn bị bước sang tuổi 23.

"Tôi là giáo viên và luôn nói với bọn trẻ rằng chúng ta đang chiến đấu bảo vệ đất nước và con cái của mình. Con trai tôi đang bảo vệ chúng tôi. Thằng bé luôn tin tưởng vào điều đó và tôi cũng vậy", Inna nói.

Bà Inna đã không tới viếng mộ con một thời gian và khi quay lại, bà nhìn thấy nhiều ngôi mộ mới đã xuất hiện.

"Bạn nghĩ con trai tôi không sợ sao? Tôi cũng sợ khi nó đi chiến đấu. Mọi người đều sợ chết", bà nói, khi được hỏi về việc nhiều người muốn trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Nguồn: Thanh Niên; CafeF; VOA; Soha; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang