4 Bộ trưởng trả lời chất vấn; Dự án xếp hàng chờ thẩm định; Loạt công trình TP.HCM thiếu vốn; Xử lý điện chuyển tiếp

Tuần này, 4 bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội

(Ảnh minh họa).

Bước sang tuần làm việc thứ 3 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày (từ sáng 6/6 đến cuối giờ làm việc buổi sáng 8/6) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Các bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đó là: Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực LĐ-TB-XH. Các nội dung chất vấn gồm: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Bên cạnh đó là thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc

Với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: KH-ĐT, Tài chính, Nội vụ, NN-PTNT, GTVT, Xây dựng, LĐ-TB-XH, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

Giải pháp triển khai những thành tựu, sản phẩm KH-CN tiên tiến vào cuộc sống

Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực KH-CN do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời. Các nội dung chất vấn bao gồm: Chiến lược phát triển KH-CN quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm KH-CN tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH-CN quốc gia.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH-CN. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp cũng là nội dung được chất vấn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, KH-ĐT, NN-PTNT, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tháo gỡ khó khăn công tác đăng kiểm

Cuối cùng, nhóm thuộc lĩnh vực GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chịu trách nhiệm trả lời. Các nội dung chất vấn gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.

Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Ở nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng, KH-CN, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

(Nguồn: Soha)

Nhiều dự án xếp hàng chờ thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất

Việc thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính luôn được xếp vào nhóm vướng mắc khó tháo gỡ nhất, khiến hàng loạt dự án đang xếp hàng chờ nhưng giải quyết mãi chưa xong.

Bế tắc nhiều năm

Suốt thời gian qua, dù đã nhiều lần đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM sớm thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất tại Dự án Chung cư kết hợp thương mại - dịch vụ và văn phòng tại số 188 Nguyễn Xí, Phường 25, quận Bình Thạnh, song yêu cầu này của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn vẫn chưa thể giải quyết.

Tương tự, một dự án khác của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn là Chung cư An Bình, nằm tại số 787 đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú cũng bị “mắc kẹt” ở khâu thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất, nhiều năm nay không tìm ra lối thoát.

Hàng loạt dự án ở TP.HCM hiện có cùng vướng mắc như trên, có thể kể đến như: Dự án Chung cư Jade One trên đường Trần Trọng Cung, Quận 7 của Công ty CP Phương Thiện Mỹ; Dự án Khu nhà ở thương mại số 1472 Võ Văn Kiệt và số 445-449 Gia Phú, Phường 3, Quận 6, TP.HCM của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Gia Phú.

Đáng lưu ý, trong số đó có một số chủ đầu tư lớn vướng cùng lúc gần 10 dự án, dù đã kiến nghị không ít lần, nhưng việc giải quyết vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điển hình như Dự án 130-132 Hồng Hà, Phường 9, quận Phú Nhuận của Công ty TNHH Nova Nam Á; Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ tại số 108-112B-114 đường Hồng Hà, Phường 2, Tân Bình của Công ty TNHH Nova Sasco; Dự án 239-241 và 278 Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú của Công ty TNHH Nova Richstar…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Luật sư Trần Khánh Ly - Công ty Luật GLAW cho rằng, việc chưa thể thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất khiến quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với dự án không thể hoàn thành. “Một dự án chỉ cần tắc một khâu thì các khâu khác bị đình trệ theo. Đây là điều không có lợi cho tất cả các bên, từ khách hàng đến chủ đầu tư lẫn Nhà nước”, Luật sư Trần Khánh Ly nhận xét.

Nguyên nhân đã rõ, chờ giải pháp mới

Quan sát từ thực tế cho thấy, việc thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất là câu chuyện nhiêu khê chứ không hề dễ dàng.Về phía cơ quan quản lý, việc khó khăn nhất đối với Sở TNMT nằm ở khâu tổ chức đấu thầu và xét thầu chọn “tổ chức tư vấn để xác định giá đất” và “tổ chức nghiệm thu chứng thư định giá đất”.

Đơn cử tại Dự án Chung cư An Bình, Sở TNMT đã 11 lần đăng thông tin chào thầu cạnh tranh đơn vị tư vấn thực hiện chứng thư tư vấn xác định giá đất, nhưng chưa có đơn vị nào tham gia.

Cũng có dự án tuy chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất nhưng Sở TNMT tạm dừng xác định giá đất để rà soát pháp lý dự án, điển hình là Dự án 119 Phổ Quang, Phường 9, quận Phú Nhuận, hay Dự án 38 Trương Quốc Dung, Phường 8, quận Phú Nhuận…

Giữa hàng loạt dự án đang xếp hàng chờ giải quyết, có một số dự án may mắn, bắt đầu có sự chuyển động trở lại. Câu chuyện này đang diễn ra tại Dự án Sài Gòn Mystery, phường Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức. Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh chứng thư tư vấn giá đất theo quy định và dự kiến trình Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố xem xét, thẩm định trong tháng 7/2023.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP.HCM, bên cạnh e ngại rủi ro phát sinh cao gây liên lụy về mặt pháp luật, thì vấn đề phí tư vấn thấp cũng đang cản trở việc thuê đơn vị tư vấn, đôi khi gần như bế tắc. “Chưa kể, có dự án cả năm làm không ra chứng thư thẩm định do thu thập dữ liệu giá thị trường hiện rất khó”, ông Thắng chia sẻ.

Trong một văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/5/2023 góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, khâu mấu chốt nhất là phải định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính “tiền sử dụng đất” dự án.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có Tờ trình số 477/UBND-ĐT ngày 17/2/2022 gửi Chính phủ đề nghị cho phép thí điểm áp dụng “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất” để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không phân biệt dự án có giá trị tiền sử dụng đất trên hoặc dưới 30 tỷ đồng theo bảng giá đất, thay vì thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất.

“Qua nghiên cứu nội dung tờ trình nói trên, chúng tôi nhận thấy, nếu làm theo cách TP.HCM đang đề xuất sẽ “công thức hóa” việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị. Đây là cách làm minh bạch, trong đó Nhà nước và doanh nghiệp đều có thể tiên lượng được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách nhà nước, khắc phục được tình trạng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là “ẩn số” hiện nay”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA bình luận.

(Nguồn: Báo Đấu Thầu)

Loạt dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM 'nằm chờ' vì thiếu vốn

(Ảnh minh họa).

Khi cơ chế, chính sách đặc thù mới cho TP.HCM được thông qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm đói vốn, ngưng triển khai nhiều năm sẽ được tái khởi động theo hình thức BOT, BT.

Do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hạn hẹp (57.200 tỷ đồng), cùng với vướng mắc trong hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao) nên nhiều dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM dù đã nằm trong quy hoạch hoặc đã triển khai nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Đơn cử như mở rộng QL13 ở cửa ngõ Đông Bắc (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh Bình Dương) dài 5,8 km, mở rộng mặt đường từ 19 m lên 40-60 m, tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng. Ở địa phận Bình Dương, tuyến đường được đầu tư mở rộng với 8 làn xe, khang trang thì đoạn thuộc địa phận TP.HCM lại luôn trong tình trạng ùn tắc kéo dài.

Trước đây, dự án thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, hình thành từ năm 2001. Công trình lúc đó đầu tư theo hình thức BOT do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Sau khi chấm dứt với chủ đầu tư này, năm 2004, dự án được Chính phủ giao lại UBND TP.HCM.

Năm 2018, tưởng như dự án này được tái khởi động khi UBND TP.HCM ký hợp đồng BOT với Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII). Song, do năm 2017, Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu nên dự án phải chuyển sang sử dụng ngân sách. Đến nay, dự án này vẫn chưa thể thực hiện.

Tương tự, ở cửa ngõ phía Tây là dự án QL1 (đoạn từ An Lạc đến ranh Long An) kế hoạch mở rộng từ 19 m lên 52 m, tổng vốn gần 12.900 tỷ đồng. Tại cửa ngõ Tây Bắc, QL22 (ngã tư An Sương đến Vành đai 3) mở rộng gần 40 m, xây 2 cầu vượt, kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng.

Xây hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam, nối ra Vành đai 3, dài 9,7 km, tổng vốn 13.837 tỷ đồng; trục Bắc - Nam, đường Âu Cơ - khu công nghiệp Hiệp Phước, dài gần 27 km, mở rộng lên 40-60 m, tổng vốn 54.200 tỷ đồng; đường song song QL50, dài 5,8 km, rộng 40 m, kinh phí dự kiến hơn 3.800 tỷ đồng.

Còn đối với hình thức BT cũng khiến TP.HCM và nhà đầu tư phải "đau đầu". Đơn cử câu chuyện của Công ty CP Văn Phú Bắc Ái được UBND TP.HCM lựa chọn làm nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đoạn 2,75 km (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, TP. Thủ Đức) thuộc dự án đường Vành đai 2, tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Cuối năm 2017, dự án khởi công nhưng dự án hiện phải tạm ngừng để chờ điều chỉnh và giải quyết vướng mắc trong thanh toán quỹ đất. Nhà đầu tư này đã giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại TP.HCM còn nhiều công trình giao thông cấp bách, cần triển khai thực hiện ngay nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Có thể kể đến một số dự án như: xây dựng cầu Cần Giờ; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; nâng cấp mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đại 2); mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn Bình Thuận - Chợ đêm và Tân Tạo - Chợ Đệm); mở rộng đường Ung Văn Khiêm…

Chờ cơ chế mới được "bật đèn xanh"

Nếu dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, hàng loạt dự án giao thông cấp bách, trọng điểm sẽ được triển khai, tạo ra sự đột phá mới cho thành phố.

Theo đó, dự thảo nghị quyết nêu rõ, tại điểm c khoản 5 Điều 4, TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng năng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư và phương án tài chỉnh sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, TP.HCM được tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nếu TP.HCM triển khai dự án BOT trên đường hiện hữu rất dễ xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến đường. Thay vào đó, TP.HCM nên thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thanh toán cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia giao thông thì nhận định, BOT hình thức quan trọng thu hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông. Việc áp dụng cho các tuyến đường hiện hữu cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả đầu tư, hài hoà lợi ích của người dân.

Trong khi với hợp đồng BT, tại điểm d khoản 5 Điều 4 dự thảo nghị quyết quy định TP.HCM được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT; quyết định sử dụng vốn ngân sách thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toàn cho nhà đầu tư căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng

UBND TP.HCM cho biết, trước khi Luật PPP được ban hành, thành phố đã triển khai các dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất như dự án xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ, dự án xây dựng đường D3 kết nối và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2... Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền như cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2.

Thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án được áp dụng hình thức hợp đồng BT có thể triển khai đầu tư ngay trong giai đoạn 2023-2025. Do đó, việc đề xuất thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo hợp đồng BT sẽ tăng khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi ngân sách còn chưa đáp ứng.

Việc thanh toán bằng tiền sẽ thuận lợi hơn thanh toán bằng quỹ đất do thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan (Luật Đất đai, Quản lý tài sản công, Đầu tư...) và cần tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp hạn chế các tồn tại của mô hình thanh toán theo hợp đồng BT bằng đất trước đây.

Trước mắt, dự thảo nghị quyết quy định thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền. Để đảm bảo chặt chẽ, không gây thất thoát ngân sách Nhà nước, dự thảo quy định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai, sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt và giao Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án.

(Nguồn: CafeF)

Xử lý dự án điện chuyển tiếp: Làm sao vừa tránh lãng phí vừa không phạm luật?

Việc lãng phí các dự án điện mặt trời, điện gió thời gian qua đã gây ra bức xúc lớn với dư luận, khiến các chủ đầu tư lâm vào khó khăn. Tuy nhiên, khi có cơ chế chính sách để xử lý lại phát sinh tình huống làm gì để vừa không lãng phí vừa không vi phạm pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc xử lý đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp gặp khó khăn khi phải bảo đảm nhiều mục tiêu. Theo đó, vừa phải tránh được sự lãng phí vừa không bị xem là hợp thức hóa cái sai, thậm chí là vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

“Để làm được việc này thì rất cần phải có chủ trương và cơ chế của cấp có thẩm quyền, sự chấp nhận và nỗ lực của các chủ đầu tư, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương thì mới tháo gỡ được” - Bộ trưởng Diên nói. Bởi hầu hết các chủ đầu tư các dự án nêu trên đã “chạy đua” với thời gian để được hưởng giá FIT (cơ chế giá khuyến khích đối với điện mặt trời và điện gió) nên đã bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định của pháp luật (thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành).

Hiện nay, cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng không đủ điều kiện được hưởng giá FIT với tổng công suất hơn 4.736MW. Để có thể huy động, đưa các nhà máy này vào vận hành, tránh lãng phí, bức xúc, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 quy định phương pháp xác định và khung giá áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp. Bộ cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn EVN khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các dự án này vào vận hành.

“Tuy nhiên, đến ngày 30/3, tức là sau 2 tháng kể từ khi Quyết định khung giá có hiệu lực, chỉ có 1 nhà đầu tư đến nộp hồ sơ. Và tính đến nay, vẫn còn 26 nhà máy với công suất là 1.346MW, chiếm 28,4% số dự án, vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, lý do khiến các chủ đầu tư chậm gửi hồ sơ là do không muốn đàm phán với EVN trong khung giá mà Bộ Công Thương ban hành, vì cho là thấp; Ngoài ra, còn có thể có lý do là chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý hoặc nhà máy ở vị trí khó khăn về truyền tải điện.

Do đó, Bộ trưởng Diên đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương, cơ chế tháo gỡ để Bộ Công Thương, các bộ, ngành và địa phương có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề trên, tránh lãng phí nguồn lực, bức xúc cho xã hội; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên nhưng cũng để các tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ này không bị xem là vi phạm pháp luật.

Thông tin về cơ chế tính giá NLTT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dựa vào các căn cứ pháp lý là Luật Điện lực, Luật Giá và các nghị định của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua, bán điện.

“Quá trình tính toán, thẩm định khung giá, Bộ có so sánh với số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế, tư vấn GIZ, Viện Năng lượng…, đặc biệt là đã thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá…” - Bộ trưởng chỉ rõ.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, theo số liệu giám sát đầu tư của các Tổ chức quốc tế thì suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giai đoạn 2018 - 2021 giảm 11%/năm, suất đầu tư điện gió trên bờ nối lưới giảm 6,3%/năm.

Đối với Việt Nam, giá FIT 2 áp dụng cho các dự án điện mặt trời ban hành năm 2020 của Chính phủ đã giảm 8% so với giá FIT 1 ban hành năm 2017. Vì vậy, khung giá phát điện theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành tháng 1/2023 giảm khoảng 7,3% so với giá FIT 2 được ban hành năm 2020. Tỷ lệ giảm suất đầu tư của nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được tính toán kỹ và lấy ý kiến của các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn. “Vì vậy, cơ chế giá cho các dự án NNTT chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước” - Bộ trưởng khẳng định.

9 dự án điện chuyển tiếp đã được phát điện lên lưới

Theo cập nhật của EVN, đến 17h30 ngày 2/6, đã có 65/85 dự án NNTT chuyển tiếp với tổng công suất 3643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

19 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

(Nguồn: Báo Pháp Luật)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang