Quy hoạch tuần qua; Chờ tháo điểm nghẽn giao thông; Hiện trang các dòng sông chết ở HN; Quá tải tự động gia hạn đăng kiểm

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (29/5 - 4/6): Khởi công 10 dự án giao thông trong quý II, Hải Dương đề xuất 3.500 tỷ cho 4 dự án giao thông

(Ảnh minh họa).

Khởi công 10 dự án giao thông trong quý II; Hải Dương đề xuất chi hơn 3.500 tỷ đồng cho 4 dự án giao thông; Nam Định duyệt quy hoạch khu công nghiệp hơn 200 ha tại huyện Ý Yên... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Khởi công 10 dự án giao thông trong quý II

Thông tin về tình hình triển khai các dự án giao thông sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư 59/64 dự án.

Trong 59 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 41 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư.

“Với 18 dự án chưa được phê duyệt, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã lập kế hoạch điều chỉnh thời gian, dự kiến hoàn thành phê duyệt 11 dự án trong quý II, 6 dự án trong quý III và 1 dự án trong quý IV”, Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Hải Dương đề xuất chi hơn 3.500 tỷ đồng cho 4 dự án giao thông

Ngày 29/5, trong phiên họp thứ 6 của UBND tỉnh Hải Dương trong tháng 5 để nghe và cho ý kiến vào nội dung báo cáo của các sở, ngành, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình HĐND tỉnh xem xét và thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án, trong đó có 4 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông.

4 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông gồm đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33 m kéo dài, dự kiến tổng mức đầu tư gần 470 tỷ đồng; Nút giao lập thể với quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.867 tỷ đồng.

Cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5 với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; cầu Tân An và đường dẫn nối quốc lộ 18 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 600 tỷ đồng.

Nam Định duyệt quy hoạch khu công nghiệp hơn 200 ha tại huyện Ý Yên

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Trung Thành tỷ lệ 1/2000.

Theo đó, KCN Trung Thành thuộc địa phận xã Yên Trung và xã Yên Thành (Ý Yên) có diện tích rộng 200 ha.

Quy hoạch được xác định là KCN thu hút đa ngành nghề, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan gồm trục không gian xây dựng các nhà máy công nghiệp là trục chính vào KCN, hệ thống các công trình dọc tuyến tạo nên bộ mặt của KCN.

Hà Nội sắp thông xe cầu vượt chữ C tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch

Ngày 30/5, tại buổi kiểm tra công trình cầu vượt chữ C, tại nút giao giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu các đơn vị gấp rút hoàn thành, đảm bảo thông xe trong cuối tháng 6.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội, đơn vị thi công đang nỗ lực thực hiện hạng mục bê tông gờ lan can (450/600 m), lắp đặt lan can thép (100/600 m).

Thời gian tới, nhà thầu sẽ tập trung thi công lan can thép, khe co giãn, lớp phòng nước và lắp dựng bó vỉa, tổ chức giao thông, sơn kẻ vạch… Dự kiến hoàn thành các hạng mục trên để phục vụ công tác thông xe dự án vào ngày 25/6.

Nguy cơ lỡ hẹn hoàn thành đường kết nối cao tốc qua Nghệ An

Đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (dự án nâng cấp Quốc lộ 7) đang có nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng.

Đặc biệt, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đoạn từ Km0 – Km 5 của dự án này kết nối Quốc lộ 1 với cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu (dự kiến hoàn thành tháng 9/2023) khó hoàn thành theo mốc thời gian này. Như vậy, sẽ không đảm bảo kết nối đồng bộ cho việc khai thác cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An trong năm nay.

Phó Thủ tướng yêu cầu lên phương án làm cao tốc CT 08, đoạn qua Hải Phòng và Ninh Bình

Ngày 30/5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ GTVT và các bộ, tỉnh thành liên quan về việc đầu tư xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua TP Hải Phòng và tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, đối với tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua TP Hải Phòng và tỉnh Ninh Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương có liên quan căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (văn bản ngày 16/5) khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua TP Hải Phòng và đoạn qua tỉnh Ninh Bình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ điều chỉnh tổng mức đầu tư

Ngày 29/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo đó, dự án này sẽ được gộp giai đoạn 1 và giai đoạn 2 để đầu tư hoàn thành toàn bộ dự án trong năm nay, trong đó, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2023; tăng tổng mức đầu tư dự án từ 3.712 tỷ đồng lên thành 3.753 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư sẽ từ vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, trong đó, vốn ngân sách trung ương là 2.900 tỷ đồng (gồm giai đoạn 2016 - 2020 là 500 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 là 2.400 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 800 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương là 853 tỷ đồng.

(Nguồn: Vietnammoi)

Chờ tháo điểm nghẽn giao thông

Cơ chế đặc thù đang mở ra cơ hội mới giúp TP.HCM sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông nhanh hơn. Và người dân trong diện giải tỏa sẽ sớm an cư, thay vì mỏi mòn chờ quy hoạch treo.

Phóng viên Tuổi Trẻ trở lại những điểm nghẽn hạ tầng để lắng nghe niềm mong mỏi của người dân về những cây cầu, những công trình hy vọng sẽ sớm được hình thành.

Thiếu tiền, dự án cầu đường nằm trên giấy

Bao giờ hết cảnh qua sông phải lụy phà? Câu hỏi và cũng là niềm mong mỏi bao năm của người dân đôi bờ huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.

"Ngày trước, nghe nói cầu xây theo hình cây đước (đặc trưng của khu vực) ai cũng ngóng chờ nhưng mãi vẫn chưa thấy triển khai. Có cầu Cần Giờ mới thay da đổi thịt được" - ông Trần Thân Tâm, nhà ở ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, chia sẻ.

13 năm trước, dự án cầu đường Bình Tiên - nối trung tâm về huyện Bình Chánh - được TP phê duyệt đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Con đường nối trung tâm ra khu Nam này khi hình thành sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc, tăng cường liên kết vùng giữa TP với các tỉnh ĐBSCL qua tuyến quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, vành đai 3 TP.HCM. Nhưng khi Luật PPP ra đời đã bỏ hình thức BT, TP cũng tạm dừng dự án này.

Tại buổi giám sát về đầu tư công mới đây, ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP, nói dự án cầu đường Bình Tiên đã trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Đây là công trình chiến lược của TP, mức độ quan trọng không thua kém gì dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. TP cần nghiên cứu nguồn vốn để triển khai hoàn thành dự án này càng sớm càng tốt.

TP.HCM đang có rất nhiều dự án giao thông nằm trong quy hoạch nhưng cả thập niên chưa thể thực hiện. Khi cơ chế mới được thông qua, TP hoàn toàn có thể huy động được các nhà đầu tư làm các công trình mà vốn đầu tư công chưa thể cân đối. Chẳng hạn với dự án BT bằng tiền (trả chậm) sẽ giúp TP làm được Nguyễn Khoái, các đường vào cảng, nút giao quan trọng hay mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khoảng 1.123,9 tỉ đồng...

Đối với dự án hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), TP được triển khai đường trục chính, đường trên cao trên đường hiện hữu.

Các dự án có thể xem xét triển khai theo hình thức này như dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn An Lạc - giáp ranh Long An, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22. Hay dự án mở rộng quốc lộ 13, đường động lực (đường song song quốc lộ 50), đầu tư hoàn chỉnh vành đai 2 và đầu tư đường trên cao...

Hy vọng giao thông TP.HCM "lột xác"

Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nói rằng TP luôn phải đối mặt với việc thiếu vốn.

Ngay trong đề án quy hoạch mạng lưới phát triển hạ tầng kết cấu giao thông đến năm 2030 thống kê rất rõ đến năm 2030 tổng vốn từ ngân sách trung ương, các khoản vay ODA tối đa chỉ đáp ứng được khoảng 50%. 50% vốn còn lại phải trông chờ vào nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, muốn thu hút được nhà đầu tư, chúng ta cần phải có các cơ chế đột phá. TP rất kỳ vọng vào những nội dung thay thế nghị quyết 54.

Đây sẽ là đòn bẩy giúp tháo được nút thắt để huy động được nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông thông qua các phương thức như là TOD, BOT, BT.

"Chúng tôi gửi gắm rất nhiều vào nghị quyết này và cái vui nữa chính chúng tôi được trực tiếp tham gia.

TP đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện chuẩn bị kế hoạch triển khai những gì liên quan đến mình. Ai cũng hiểu đây là một cơ hội quý giá cho TP để bứt phá hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội", ông Phúc nói.

Ông Phúc cho biết TP hiện đã chuẩn bị và khi cơ chế được thông qua sẽ sớm mời gọi đầu tư, sớm triển khai các dự án. Danh mục này có khoảng 20 dự án, như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên...

Ông Phúc phân tích thêm như cầu đường Bình Tiên nếu như làm xong sẽ nối kết thẳng qua quốc lộ 50, tạo ra sự liên thông của trục Bắc - Nam từ trung tâm TP đi về tới điểm giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành và vành đai 3 TP.HCM. Tương tự vậy với cầu đường Nguyễn Khoái cũng sẽ giải tỏa giao thông cho khu Nam TP rất tốt, xóa được các điểm nghẽn giao thông hiện hữu.

Thúc tiến độ giải ngân vốn bồi thường

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo TP Thủ Đức, các quận huyện về lãnh đạo công tác giải ngân các dự án được giao vốn bồi thường năm 2022 và 2023. Kết quả giải ngân năm 2022, 7.827 tỉ đồng đã đến tay người dân hơn (đạt 65,54%).

Năm 2023, TP có 136 dự án được ghi vốn bồi thường với hơn 20.629 tỉ đồng. Trong đó, điểm sáng vẫn là công tác bồi thường tái định cư dự án vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP có kết quả đáng khích lệ.

Chủ tịch UBND TP đề nghị các địa phương liên quan tăng cường công tác đối thoại, tuyên truyền vận động để nhận được sự đồng thuận từ người dân, doanh nghiệp nơi có dự án đi qua, bồi thưòng, hỗ trợ, tái định cư nhanh chóng.

Vượt khó với dự án BT trả bằng tiền

Những ngày qua, các đại biểu Quốc hội đã góp ý các cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế cho phát triển giao thông TP.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ đồng tình và cho biết rất mong TP.HCM sớm thực hiện được việc này. Các dự án BT trước đây thanh toán bằng đất, không ngang giá, nguyên nhân của tiêu cực.

Còn dự án BT trả bằng tiền sẽ là cơ chế hoàn toàn đúng với điều kiện phát triển hiện nay. Nếu làm tốt, ta sẽ tiến dần đến cơ chế đặt hàng của Chính phủ cho các nhà đầu tư, thu hút họ vào các công trình công, dự án công, thậm chí tạo ra được nhiều ngành nghề mà xã hội hướng đến.

Ông Cường nói, lấy ví dụ tại Hàn Quốc, Tập đoàn Hyundai trở nên hùng mạnh như vậy chính là nhờ cơ chế BT bằng tiền của Chính phủ và thời kỳ kinh tế Hàn Quốc đang khủng hoảng. Đây sẽ là cơ chế rất tốt giúp ta triển khai đầu tư công nhanh hơn. Cơ chế này không chỉ thí điểm ở TP.HCM mà có thể áp dụng trên cả nước.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Hiện trạng các 'dòng sông chết' ở Hà Nội sau nỗ lực hồi sinh

(Ảnh minh họa).

Sau nhiều năm Hà Nội lên kế hoạch hồi sinh 4 con sông gồm Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích, hiện nay các sông này đa phần vẫn ô nhiễm nặng nề, nhưng cũng có đoạn người dân có thể đánh bắt cá.

Mục tiêu hồi sinh 4 "dòng sông chết" gồm Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích đã được Hà Nội quan tâm từ cách đây nhiều năm thông qua các đề án cải tạo, các biện pháp nhằm ngăn chặn ô nhiễm. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm tại 4 sông này gần như không mấy cải thiện, thậm chí có lúc gia tăng khiến người dân Thủ đô lo ngại.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet vào những ngày đầu tháng 6, tại 4 sông trên vẫn còn tình trạng ô nhiễm, nhiều đoạn sông nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội với chiều dài 14,6km, chảy qua 6 quận, huyện là: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Theo thống kê, mỗi ngày có đến cả trăm nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Ngoài nước thải, trên mặt sông xuất hiện rất nhiều rác thải nổi lềnh bềnh gây ô nhiễm.

Sông Nhuệ cũng đang trong tình trạng ô nhiễm rất nặng. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt từ các quận nội thành Hà Nội đổ vào sông Tô Lịch rồi chảy vào sông Nhuệ. Ngoài ra, sông Nhuệ còn là nơi tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề.

Số liệu từ TP Hà Nội thống kê cho thấy, lưu vực sông Nhuệ có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó có 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.

Ô nhiễm nặng nề cũng là tình cảnh tại sông Đáy. Ghi nhận tại nhiều vị trí trên sông Đáy cho thấy mặt nước sông có màu đen, bốc mùi hôi thối, các chất thải xả xuống tạo thành bãi bồi thu hẹp dòng chảy.

Trong khi đó, tại sông Tích, mức độ ô nhiễm nhẹ hơn 3 con sông kể trên. Thời điểm PV có mặt, nước sông có màu xanh và người dân xung quanh lưu vực sông này vẫn có thể đánh bắt cá.

Cuối năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại 4 con sông trên.

Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tập trung rà soát, đánh giá, cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước, làm "sống lại" sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy để tăng khả năng lưu thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt.

Ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo UBND TP Hà Nội thường xuyên kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông; tăng cường kiểm tra, giám sát và thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Quá tải trong ngày đầu tự động gia hạn đăng kiểm

Sáng 3.6, hệ thống tự động gia hạn đăng kiểm với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ chính thức vận hành trên cả nền tảng ứng dụng TTDK và website của Cục Đăng kiểm VN.

Tuy nhiên, do số lượng người truy cập vào website gia tăng đột biến khiến trang chủ bị quá tải. Nhiều người phải đăng nhập nhiều lần mới vào được.

Các xe được tự động gia hạn đăng kiểm là xe có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 - 20 năm đã được cấp giấy chứng nhận (GCN), tem kiểm định trước ngày 22.3.2023 và có hiệu lực đến trước ngày 1.7.2024. Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết ước tính có khoảng 1,4 triệu xe sẽ được tự động gia hạn. Chủ xe chỉ cần truy cập trang web của Cục Đăng kiểm VN để in giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của GCN và tem kiểm định mà không cần phải đến các trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho các trường hợp phương tiện có GCN và tem kiểm định đã hết hiệu lực trước ngày Thông tư 08 có hiệu lực. Hệ thống phần mềm quản lý sẽ cập nhật dần theo thứ tự các xe đến hạn kiểm định.

Ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều chủ xe đã được thông báo gia hạn tự động thành công nhưng vẫn chưa tải được bản chứng nhận điện tử. Theo giải thích của Cục Đăng kiểm, hiện nay, trên trang web tra cứu xác nhận thời hạn GCN và tem kiểm định đã có thông tin của tất cả các xe được gia hạn theo quy định. Tuy nhiên, do việc tạo ra các tệp tin có ký số của giấy xác nhận thời hạn kiểm định cho các xe này mất nhiều thời gian nên chưa thể có sẵn cho tất cả phương tiện tại thời điểm này. Vì thế, Cục Đăng kiểm VN đang ưu tiên tạo tệp tin giấy xác nhận cho các xe có thời hạn kiểm định gần nhất trước. Các xe có thời hạn kiểm định đến ngày 30.6 sẽ được đưa lên hệ thống trước ngày 10.6 để chủ xe đăng ký và tải GCN, tem kiểm định về.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang