Quyết thu hồi tiền chậm đóng BHXH; 'Ma trận' thủ tục NƠXH; Khu xử lý rác thải Đông Anh; Gỡ rối đất dân cư xây dựng

Kiên quyết thu hồi tiền chậm đóng BHXH

Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, BHXH Việt Nam đang thực hiện triệt để các giải pháp nhằm thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT.

Ngày 2/6, BHXH Việt Nam cho biết, tình hình suy thoái kinh tế đã tác động tiêu cực đến phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn làm suy giảm khả năng thanh toán và mất cân đối dòng tiền, dẫn đến chậm đóng BHXH, BHYT (trong đó chủ yếu tiền chậm nộp mang tính chất luân phiên).

Mặc dù vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, BHXH Việt Nam đang thực hiện triệt để các giải pháp nhằm thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bằng cách phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như thuế, công an, lao động xã hội; đồng thời, phân công cán bộ bám sát, đôn đốc doanh nghiệp nộp đủ số tiền phát sinh trong tháng và số tiền chậm đóng tháng trước; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; kịp thời lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm….

BHXH Việt Nam khẳng định luôn giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp chậm đóng BHXH cũng như kịp thời đề xuất, tham mưu với các bộ, ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động theo quy định.

Cơ quan bảo hiểm cũng cho biết, trong trường hợp cần chi trả chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp đang chậm nộp mang tính chất luân phiên thì về cơ bản, các đơn vị BHXH đều thực hiện theo quy định và giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng quan tâm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị phá sản, giải thể.

(Nguồn: Vietnamnet)

"Ma trận" thủ tục cho nhà ở xã hội

Nút thắt lớn nhất khiến chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân bị “tắc” chính từ thủ tục, chính sách nhiêu khê chứ không phải là doanh nghiệp chê không làm nhà ở xã hội.

Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng.

Thủ tục kéo dài nhiều năm

Theo đó, hai đơn vị thực hiện dự án là Công ty Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình. Dự án sẽ được xây dựng tại số 4-6-8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, Hoàng Mai. Quy mô sử dụng đất của công trình khoảng 4.516 m2 với chiều cao 31 tầng. Tổng số vốn đầu tư khoảng 1.183,4 tỷ đồng.

Về dự án này, tháng 7/2022, Công ty Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý về chủ trương, chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó, doanh nghiệp này cho hay sau hơn 5 tháng kể từ ngày công ty gửi hồ sơ đề xuất xây nhà ở xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội mới lấy xong ý kiến của các sở, ngành và đề nghị UBND TP quyết định chủ trương cho công ty xây nhà ở xã hội.

Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Hoà Bình Group cho biết, khi làm thủ tục làm nhà ở xã hội, Hòa Bình Group phải mất hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư dự án làm nhà ở xã hội cho 1 khu đất. Trong khi đó, thời điểm Hòa Bình Group quảng bá dự án, công bố căn hộ mẫu thì nhu cầu đăng ký mua của người dân, cán bộ rất lớn.

Thực trạng của các dự án Hòa Bình Group gặp phải cũng đang là tình trạng chung và là điểm nghẽn trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay.

Ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành – đơn vị chuyên đầu tư nhà ở xã hội tại TP HCM cũng chia sẻ, doanh nghiệp có 2 dự án triển khai nhiều năm qua nhưng vẫn chưa xong khâu thủ tục, dù ông đã “kêu” ở nhiều nơi.

Đáng chú ý, có dự án tại khu đất ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội của thành phố nhưng Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Sở KH-ĐT TP.HCM từ tháng 3.2019, đến nay vẫn chưa xong do vướng các khâu về chỉ tiêu quy hoạch và ranh đất thực hiện dự án.

“Thông thường một dự án nhà ở thương mại mất 3 - 5 năm là xong. Nhưng nay một dự án nhà ở xã hội mất 3 năm chưa xong một thủ tục. Thủ tục nhiêu khê, kéo dài lê thê khiến DN nản lòng, chỉ muốn buông không làm nữa”, ông Lê Hữu Nghĩa bức xúc.

Tinh gọn thủ tục đầu tư

Đánh giá về tình trạng trên, GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vướng mắc thủ tục hành chính là điểm chung hiện nay, chủ trương cải cách hành chính được thực hiện từ rất lâu rồi nhưng hiện nay có biểu hiện phức tạp hơn và quá nhiều thủ tục con khiến thời gian phê duyệt dự án kéo dài.

Trước các vấn đề về khó khăn chuẩn bị thủ tục hành chính cho nhà ở xã hội, ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng về lựa chọn chủ đầu tư dự án, khi xác định các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia triển khai dự án, xét thấy tất cả đều đủ điều kiện thì nên cho bốc thăm, còn nếu thực hiện theo đấu thầu thì thủ tục phải mất đến gần 2 năm. Chưa kể các thủ tục khác như giải phóng mặt bằng… nên thời gian triển khai dự án sẽ rất lâu.

Đối với dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội mà bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì cũng nên có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự đấu thầu nhưng trên tinh thần tinh gọn, giảm thiểu nhất có thể để sớm có thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu cho người dân.

"Tôi cho rằng, với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sinh viên thì thủ tục hành chính phải thiết kế riêng, thật tinh gọn, giảm thiểu hơn dự án nhà ở thương mại, như vậy sẽ thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng, tăng nguồn cung", ông Thành khuyến nghị.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia bất động sản cho rằng để đẩy mạnh nguồn cung cho phân khúc này, giải pháp dài hạn, căn cơ là phải sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở để đề ra những chính sách thực chất nhằm phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là việc tạo lập quỹ đất, bố trí vốn, các cơ chế ưu đãi và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 và phải đến tháng 7/2024 mới có hiệu lực. Trong một năm rưỡi sắp tới, Chính phủ cần áp dụng giải pháp trung hạn và ngắn hạn nhằm “giải cứu” nhà ở xã hội, gồm sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh: Bao giờ mới đưa vào hoạt động?

Người dân xã Việt Hùng nói riêng và huyện Đông Anh nói chung đã từng phấn khởi khi Dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh được khởi công xây dựng vào năm 2011, với mục tiêu xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế và các loại rác thải khác phù hợp với công nghệ đốt plasma… Thế nhưng, hơn 10 năm đã qua, dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành, gây lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư.

Chậm tiến độ nhiều năm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, ngày 7-12-2011, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5721/QĐ-UBND về việc thu hồi 88.514m2 đất tại xã Việt Hùng (huyện Đông Anh), giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh, công suất xử lý 500 tấn chất thải/ngày, tổng mức đầu tư dự án là 768,438 tỷ đồng. Dự án được triển khai với mục tiêu xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế và các loại rác thải khác phù hợp với công nghệ đốt plasma; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường của Việt Nam, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sản phẩm đầu ra (có thể có): Vật liệu xây dựng - gạch block, phân compost, tận thu kim loại...

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, việc đầu tư Dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh diễn ra chậm, phải nhiều lần điều chỉnh thời gian hoàn thành (từ năm 2013 sang năm 2016). Song, năm 2016, Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang mới thực hiện thi công xây dựng một số hạng mục theo quy hoạch điều chỉnh tổng mặt bằng, bao gồm: Hệ thống sơ tuyển rác; hệ thống ủ rác, sấy rác; lò đốt; hệ thống xử lý khói thải, nước thải; hệ thống thu gom và xử lý mùi; hệ thống điều khiển; các hạng mục xây dựng và thiết bị được bố trí theo dây chuyền công nghệ đã được phê duyệt. Còn một số hạng mục khác như: Nhà sản xuất gạch block, nhà điều hành, sân bãi tập kết xỉ than, nhà trưng bày và bán sản phẩm… đến nay vẫn chưa triển khai.

Có mặt tại khu vực triển khai dự án nhận thấy, các hạng mục xây dựng cơ bản hoàn thành, nhưng nhà máy chưa hoạt động. Nhiều khu đất trong khuôn viên dự án để hoang cho cỏ mọc. Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư không lường hết được những khó khăn, vướng mắc thực tế trong việc triển khai; không bảo đảm huy động nguồn vốn, nợ nhà thầu lắp đặt dây chuyền, dẫn đến không thể thực hiện dự án đúng tiến độ.

Mong dự án sớm đi vào hoạt động

Bí thư Chi bộ thôn Gia Lương, xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) Đặng Thị Tân cho biết: Từ những năm 2003-2004, gần 300 hộ dân thôn Gia Lương đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai dự án. Vậy mà, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng Ngô Tuấn Phi chia sẻ: Nhìn dự án đã cơ bản hoàn thành mà không được vận hành, nhân dân không khỏi bức xúc. Cử tri xã Việt Hùng đã nhiều lần đề nghị thành phố đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động nhưng vẫn “án binh bất động”.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tại Văn bản số 527/BC-KH&ĐT ngày 27-9-2022, nguyên nhân Dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh đang tạm dừng triển khai là do chủ đầu tư còn nợ tiền nhà thầu lắp đặt dây chuyền công nghệ, nên chưa thể bàn giao, đi vào hoạt động theo kế hoạch.

Trước thực trạng dự án chậm tiến độ nhiều năm, UBND thành phố đã giao cho liên ngành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang trong việc thực hiện dự án. Theo đó, ngày 20-12-2019, UBND thành phố có Văn bản số 5657/UBND-ĐT về việc xử lý sau thanh tra Dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục vi phạm, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án theo nội dung kết luận thanh tra; chủ động bố trí nguồn vốn để bảo đảm thực hiện dự án... Giao các sở, UBND huyện Đông Anh thực hiện các nội dung kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra… Ngay sau chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Đông Anh đã nhiều lần đốc thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, đưa khu xử lý vào hoạt động, nhưng mọi liên lạc, yêu cầu đều không hiệu quả và đến nay dự án vẫn… “giậm chân tại chỗ”.

Để làm rõ những thông tin liên quan đến dự án này, phóng viên đã nỗ lực liên hệ với chủ đầu tư qua số điện thoại trên website của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang, tuy nhiên không được đáp ứng.

Với một dự án lớn, nhưng còn ngổn ngang nhiều tồn tại như trên, đề nghị các sở, ngành của thành phố tiếp tục kiểm tra, kết luận về “số phận” của công trình để nhân dân được biết.

(Nguồn: Hà Nội Mới)

Đất dân cư xây dựng mới sẽ được gỡ rối

Thanh tra TP.HCM yêu cầu các sở ngành, địa phương báo cáo các vụ việc phản ánh, khiếu nại của người dân về đất dân cư xây dựng mới trước ngày 9.6.

Theo đó, Thanh tra TP.HCM có văn bản gửi các sở ngành, địa phương yêu cầu báo cáo tình hình phản ánh, khiếu nại của người dân liên quan đến khu vực quy hoạch có chức năng đất dân cư xây dựng mới. Những vụ khiếu nại bắt đầu kể từ ngày 1.1.2018 cho đến 31.5.2023. Chậm nhất ngày 9.6 gửi báo cáo lại Thanh tra TP.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có cuộc họp với các sở ngành liên quan đến những khiếu nại, bức xúc của người dân về đất dân cư xây dựng mới.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ánh những bức xúc của người dân về việc họ có nhà đất trong các đồ án quy hoạch đất dân cư xây dựng mới bị từ chối cho chuyển mục đích, tách thửa, cấp giấy phép xây dựng.

Đáng nói, thuật ngữ "đất dân cư xây dựng mới" không có trong các văn bản quy phạm pháp luật, luật Đất đai, luật Nhà ở… mà tự TP.HCM đặt ra cùng với thuật ngữ "đất hỗn hợp" đã làm người dân khốn khổ từ đầu năm 2018 khi Quyết định 60 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa do UBND TP ban hành có hiệu lực.

Chỉ thống kê sơ bộ tại huyện Bình Chánh có gần 15.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất dân cư xây dựng mới, với gần 13.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Tại quận Bình Tân, theo thống kê từ các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 trên địa bàn quận có tổng cộng 155 khu đất đang được quy hoạch với hai chức năng là đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp với quy mô hơn 341 ha. UBND quận Bình Tân thừa nhận, việc giải quyết các nhu cầu của người dân trong hai chức năng quy hoạch này hiện đang rất hạn chế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai của họ.

Báo cáo mới đây của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, cho thấy toàn thành phố có hơn 14.000 ha đất nằm trong quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới. Với quy mô diện tích 2 loại đất nêu trên, thì có thể có hàng ngàn cá nhân, hộ gia đình đã không thể thực hiện được thủ tục tách thửa đất theo nhu cầu trong thời gian qua.

Liên quan đến Quyết định 60, dù còn hiệu lực nhưng gần như các địa phương trên địa bàn TP.HCM không áp dụng. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM từ rất lâu cho biết đã trình UBND TP.HCM dự thảo sửa đổi Quyết định 60 nhưng đến nay quyết định này vẫn chưa thực hiện khiến quyền lợi của người dân vẫn bị "treo".

Nhiều người kỳ vọng lần này, UBND TP.HCM sẽ tháo gỡ các vướng mắc cho dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp để trả lại quyền lợi cho người dân.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang