'Nóng' cán bộ sợ sai; Lo gặp vướng khi đầu tư cao tốc; Nhổn-ga HN đội vốn 1.900 tỉ; Vụ tập kết nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên

“Nóng” tình trạng cán bộ sợ sai, Bộ trưởng Nội vụ tham gia giải trình

(Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận, tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.

Là một trong 3 Bộ trưởng tham gia giải trình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ đã làm “nóng” nghị trường trong phiên thảo luận.

4 nguyên nhân cơ bản

Bộ trưởng thừa nhận, hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

“Thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Theo bà Trà, tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước chúng ta đang rất khó khăn.

“Các đại biểu đã phát biểu hết sức sâu sắc về vấn đề này”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Nói về nguyên nhân, bà Trà cho biết gồm 4 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là nhận thức và ý thức trách nhiệm, cũng như năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ công chức bị hạn chế.

Thứ hai, là việc nêu gương của một số cán bộ đứng đầu chưa được phát huy một cách nghiêm túc. Thứ ba là thể chế chính sách còn bất cập, chồng chéo, chậm sửa đổi một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn; quy chế, phối hợp giữa các bộ, địa phương vẫn còn một số mặt chưa đồng bộ, thống nhất.

Thứ tư, kỷ cương, kỷ luật đang được siết chặt lại, phòng chống tham nhũng tiêu cực đang được đẩy mạnh và hàng loạt cán bộ công chức bị khởi tố, truy tố, sai phạm nghiêm trọng cũng dẫn đến tâm lý cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.

“Tuy nhiên, dù là bất kỳ nguyên nhân nào, cần chấm dứt tình trạng này”, Bộ trưởng nêu rõ.

Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Báo cáo một số giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng khẳng định, hơn lúc nào hết cần thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị, chú trọng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ.

Chấn chỉnh ngay và quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước, xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội còn phát sinh khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn và những nội dung liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung.

“Hiện Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, lấy ý kiến chuyên, gia, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp nhưng do vướng về mặt pháp lý, vướng mặt thẩm quyền nên đã báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp thẩm quyền. Nếu cần thiết báo cáo với Quốc hội để ban hành nghị quyết thí điểm nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm năng động, sáng tạo”, bà Trà cho hay.

Bộ Nội vụ cũng tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương và đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ.

Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện các giải pháp với ý thức trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý, sợ sai, sợ trách nhiệm và không làm trong thực thi công vụ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng báo cáo Quốc hội về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt hơn để đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung cũng như cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư cũng như cho phát triển

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Địa phương lo gặp vướng khi đầu tư cao tốc

Nhiều địa phương tới đây sẽ lần đầu tiên làm chủ đầu tư dự án đường cao tốc với số vốn lớn đã bày tỏ lo ngại về tiến độ, chất lượng dự án.

Ngày 1.6, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc. Ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT), cho biết việc thu hồi, đền bù tài sản trên đất để làm mỏ cung cấp đất san lấp dự án rất khó khăn, nhiều chủ đất không đồng thuận hoặc đòi giá đền bù quá cao.

Do đó, để thuận lợi cho cấp phép khai thác mỏ đất nên sử dụng đất của Nhà nước đang giao đơn vị nhà nước quản lý như nông, lâm trường, khi địa phương đồng ý sẽ giải quyết thủ tục rất nhanh.

Ông Hải cũng nêu vướng mắc liên quan tới chuyển mục đích sử dụng đổi đất rừng để làm cao tốc, khi quy định là tính theo tọa độ chi tiết. Quy định về chuyển đổi đất rừng cho dự án giao thông cần phải sửa lại, nếu từ đầu đã xác định đúng tọa độ sẽ chuyển đổi đất rừng để làm đường thì không làm được.

Đại diện UBND TP.HCM cho biết được giao chủ đầu tư một phần đường Vành đai 3. Thành phố đang cố gắng hoàn thiện thủ tục để khởi công trước ngày 30.6 tới. Vị này chia sẻ băn khoăn khi vốn cho giao thông chiếm tới 70% vốn đầu tư công của TP.HCM. Ông đề xuất cho áp dụng một số loại hợp đồng trọn gói, tổng thầu (chìa khóa trao tay) để giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước, phát huy được năng lực triển khai dự án của nhà thầu lớn, tổng công ty mạnh.

Đại diện UBND tỉnh Hòa Bình thì kiến nghị cho gộp thủ tục chuyển đổi đất rừng và đất lúa vào cùng một bộ hồ sơ, trình và quyết định một lần, thay vì phải tách làm 2 hồ sơ riêng biệt dẫn tới mất thời gian, thêm thủ tục không cần thiết. Nếu gộp được làm một thủ tục cho cả đất rừng và đất lúa sẽ giảm thời gian rất nhiều cho khâu thủ tục này.

Vẫn khó khăn vật liệu

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), cho biết nhu cầu vật liệu cho xây dựng cao tốc rất lớn, trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu tại địa phương.

Các dự án giao thông triển khai đồng loạt gây khan hiếm về nguồn cung, tăng giá. Trong khi đó, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu mới còn phức tạp, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cấp, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Việc phối hợp giải quyết giữa các bộ, ngành, địa phương để gỡ vướng mắc chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý của các chủ đầu tư chưa đồng đều, một số cần tiếp tục kiện toàn để đáp ứng yêu cầu khi triển khai các dự án lớn; việc thu hút vốn tư nhân tham gia dự án giao thông còn thấp, các ngân hàng thận trọng trong cho vay vốn tín dụng...

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc phân cấp cho địa phương có dự án đi qua làm chủ đầu tư là giải pháp huy động tối đa, phát huy nguồn lực T.Ư và địa phương vào dự án giao thông. Không phải địa phương nào cũng có kinh nghiệm triển khai các dự án lớn nên cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị của bộ, các địa phương với nhau.

Theo ông Thọ, các địa phương có thể lập một tổ chuyên trách về quản lý đầu tư dự án gồm các chuyên gia, đại diện các sở, ngành để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Về giải phóng mặt bằng, ông Thọ cho rằng ngay từ bước chuẩn bị dự án đã phải xác định bình đồ tuyến đường, từ đó xác định lộ giới và cắm mốc để bắt tay ngay vào giải phóng mặt bằng, thay vì chờ có thiết kế kỹ thuật mới lo mặt bằng sẽ ảnh hưởng tiến độ dự án.

Với cấp phép mỏ vật liệu phục vụ dự án, đặc biệt mỏ đất và cát, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, thời gian triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, ảnh hường tiến độ dự án.

Quốc hội và Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để giảm thủ tục, thời gian cấp phép. Tuy nhiên, theo ông Thọ, vẫn còn một số thủ tục mang tính hành chính cần đề xuất sửa đổi, vì mỏ vật liệu cung cấp cho dự án đầu tư công phải khác với cấp phép mỏ khai thác để bán thương mại thông thường.

(Nguồn: Thanh Niên)

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tăng tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng

(Ảnh minh họa).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”. Theo đó, tổng mức đầu tư xây dựng dự án được điều chỉnh tăng hơn 1.900 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị (metro) thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Trong đó thời gian thi công dự án kéo dài đến năm 2027, số vốn tăng trên 87%. Đồng thời, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2027. Theo phương án được phê duyệt, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội tăng hơn 3.895 tỷ đồng; Vốn vay ODA giảm gần 1.980 tỷ đồng.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các Hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho dự án.

UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án bảo đảm tổng mức đầu tư, vốn vay ODA, vốn ngân sách đối ứng của thành phố Hà Nội không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Thủ tướng đề nghị Hà Nội sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đầy đủ và đúng hạn, cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ; chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do gia hạn thời gian thực hiện, nguồn vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành…

(Nguồn: CafeF)

Vụ tập kết nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên: Phú Thọ xử phạt cảng Việt Trì

Chánh thanh tra Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ vừa ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực hóa chất đối với Cảng Việt Trì, mức phạt 34 triệu đồng.

Sáng nay (1/6), nguồn tin của VietNamNet xác nhận, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ vừa có thông báo số 26 kết quả kiểm tra hoạt động hóa chất đối với Cảng Việt Trì (Tổng Công ty vận tải thủy - CTCP).

Sở Công Thương xác định, Cảng Việt Trì có hợp đồng xếp dỡ lưu huỳnh rời với Công ty cổ phần vận tải 1 TRACO. Đồng thời khẳng định, lưu huỳnh là hóa chất có đặc tính nguy hiểm dễ cháy.

Liên quan đến việc tập kết lưu huỳnh, Sở Công Thương cho biết Cảng Việt Trì đã xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cho quá trình bốc xếp, lưu kho và vận chuyển lưu huỳnh. Theo phương án được duyệt thì việc lưu giữ lưu huỳnh sẽ được lưu giữ trong kho.

Tuy nhiên, theo báo cáo của đơn vị và kết quả kiểm tra của Sở TN&MT, việc tập kết lưu huỳnh lộ thiên mà VietNamNet phản ánh là do sự cố thủng tàu.

Vào thời điểm tháng 3/2023, khi xảy ra sự cố hoá chất, Cảng Việt Trì không báo cáo kịp thời đến Sở Công Thương theo quy định. Đáng chú ý, kho chứa hoá chất lại sử dụng không đúng mục đích (kho hóa chất đang lưu giữ gạch).

Đoàn kiểm tra của Sở Công Thương chỉ rõ một số tồn tại liên quan đến hoạt động lưu giữ hoá chất tại cảng Việt Trì.

Cụ thể, đối với bãi lưu trữ lưu huỳnh tạm thời ngoài trời chưa đảm bảo về điều kiện an toàn (hướng giáp khu vực bãi quặng và lối vào khu vực bãi chứa không có tường bao, không có rãnh thu gom, không có mái che);

Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất chưa thực hiện bổ sung, chỉnh sửa biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật hóa chất; Cảng Việt Trì không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra.

Thông báo của Sở Công Thương cho biết, đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính số trong lĩnh vực hóa chất đối với Cảng Việt Trì tổng số tiền 34 triệu đồng. Quyết định xử phạt trên ban hành ngày 24/5, đến ngày 29/5, Cảng Việt Trì đã nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ.

Được biết, Cảng Việt Trì bị xử phạt với hai hành vi gồm: Hành vi không thực hiện bổ sung, chỉnh sửa biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư và hoạt động liên quan đến những nội dung đề ra;

Hành vi không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 29 của Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Với lưu huỳnh bột, không cho phép để lộ thiên

Từ cuối tháng 3 đến nay, báo VietNamNet liên tục phản ánh về thực trạng tập kết lưu huỳnh tại các cảng sông thuộc địa phận Hà Nội, Phú Thọ và một số địa phương. Với số lượng từ vài trăm tấn đến cả vạn tấn, lưu huỳnh khi cập cảng được tập kết ngoài trời trong nhiều ngày.

Tại Cảng Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vào cuối tháng 3/2023 tập kết lộ thiên gần 2.000 tấn lưu huỳnh ngay trong khuôn viên cảng. Số lưu huỳnh này được tập kết trong hơn 1 tuần và nhanh chóng được chuyển đi sau khi VietNamNet phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra.

Cùng thời gian trên, tại bến Hòa Bình (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) xuất hiện bãi lưu huỳnh vài trăm tấn tập kết sát mép sông Cầu. Số lưu huỳnh này tập kết mà không hề được che chắn, vương vãi khắp mép sông. Tương tự, bãi lưu huỳnh này chỉ được dọn sau khi nhận được phản ánh từ báo chí.

Trả lời PV VietNamNet thời điểm cuối tháng 5/2023 liên quan việc nhiều địa phương có tình trạng tập kết lộ thiên lưu huỳnh tại các bến cảng, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, vấn đề này đã có quy định rất cụ thể.

Theo ông Thanh, Bộ Công Thương có danh mục các hóa chất cần quản lý, mỗi một danh mục sẽ có những cách quản lý riêng.

"Đối với lưu huỳnh bột, về nguyên tắc, yêu cầu quản lý phải để trong kho, có mái che, không được để lộ thiên", ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, bột lưu huỳnh trong quá trình vận chuyển có thể vận chuyển rời, không yêu cầu phải đóng bao theo quy cách. Tuy nhiên, phải đảm bảo không bị tác động bởi ngoại lực như mặt trời, mưa... cho nên lưu huỳnh phải chứa trong kho.

Trước lý giải của đại diện một số cảng cho rằng, lưu huỳnh mà báo VietNamNet phản ánh là nguyên liệu sản xuất phân bón nên khi có bạt phủ sẽ không ảnh hưởng môi trường, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định: "Không có lưu huỳnh bột nào được sử dụng trực tiếp làm phân bón".

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang