Vụ thiếu tá tông chết nữ sinh; Nổ kinh hoàng, 2 người nhập viện; 40ha rừng cháy dữ dội; Cảnh báo vi khuẩn kháng kháng sinh

14 THÁNG TÙ CHO THIẾU TÁ TÔNG CHẾT NỮ SINH

HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy không có căn cứ để giảm án theo kháng cáo của bị cáo cũng như đề nghị tăng án của gia đình bị hại nên tuyên y án sơ thẩm đối với cựu thiếu tá trong vụ tông chết nữ sinh ở Ninh Thuận.

Ngày 11-4, Toà án Quân sự Quân khu 5 tại TP Đà Nẵng đã tuyên y án sơ thẩm 14 tháng tù đối với bị cáo Hoàng Văn Minh (38 tuổi, cựu thiếu tá Trung đoàn Không quân 937, trú Ninh Thuận) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Minh là người điều khiển phương tiện gây ra cái chết cho nữ sinh H.H.A tại Ninh Thuận.

Theo HĐXX, tại phiên phúc thẩm, Minh không đưa ra chứng cứ nào để xem xét giảm án và nhận định mức án cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp nên không chấp nhận kháng cáo xin giảm án của bị cáo. HĐXX cũng tuyên bác kháng cáo đề nghị tăng hình phạt của gia đình bị hại.

Về kháng cáo đề nghị tăng bồi thường thiệt hại từ phía đại diện hợp pháp của bị hại, HĐXX chấp nhận, tăng mức bồi thường từ 245 triệu đồng ở cấp sơ thẩm lên 306 triệu đồng.

Minh đã nộp 520 triệu đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Vì vậy, sau phiên phúc thẩm, bị cáo được nhận lại số tiền 214 triệu đồng.

Đối với kháng cáo của đại diện bị hại - đề nghị xem xét lại quyết định đình chỉ vụ án "khai báo gian dối" với bị can Huỳnh Thị Kim Hằng (vợ Minh) và Phạm Văn Võ (chú Minh), cho rằng việc này dẫn đến có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, HĐXX cấp phúc thẩm cho biết về nội dung này, VKS Quân chủng Phòng không Không quân khu vực 2 không truy tố nên cấp phúc thẩm không xem xét.

Đầu phiên toà phúc thẩm, Minh có nguyện vọng xin thoả thuận dân sự, tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền 600 triệu đồng nhưng không được chấp thuận.

Trước đó, ngày 5-12-2023, Tòa án Quân sự khu vực 2 Quân khu 5 (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tuyên án 14 tháng tù đối với Minh, buộc bồi thường cho cha mẹ nạn nhân tổng cộng 245 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Võ và bà Huỳnh Thị Kim Hằng được miễn trách nhiệm hình sự về hành vi "khai báo gian dối", sau khi toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Theo bản án sơ thẩm, sáng 28-6-2022, Minh điều khiển ô tô trên đường 16 Tháng 4 (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) rồi chuyển hướng sang phải để rẽ vào ngân hàng.

Trong quá trình chuyển hướng, ô tô do Minh cầm lái đã tông vào xe máy do nữ sinh lớp 12 H.H.A. điều khiển đi cùng chiều. Vụ việc khiến nữ sinh ngã xuống đường, va vào trụ đèn chiếu sáng và tử vong.

Sau đó, Minh nhờ ông Võ nhận giúp là người điều khiển ô tô gây tai nạn. Ông Võ nhận lời, khai với công an mình là người điều khiển ô tô gây tai nạn.

Bà Hằng biết ông Võ đã đứng ra nhận tội giúp chồng nên cũng khai báo gian dối rằng ông là người điều khiển ô tô. Tuy nhiên, đến ngày 29-6-2022, Minh và ông Võ, bà Hằng cùng đến Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Trong vụ án này, ngày 13-7-2022, Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm gửi thông báo cho gia đình nạn nhân, cho biết "kết quả kiểm tra nồng độ cồn của H.H.A là 0,79mg/100ml máu". Kết quả này khiến người thân của nạn nhân vô cùng bức xúc.

NỔ KINH HOÀNG TRONG TIỆM TÓC, 2 NGƯỜI NHẬP VIỆN KHẨN CẤP

Kính ở cửa chính tiệm tóc vỡ và văng tung tóe. Cô gái cùng một người nam bị thương được đưa đến bệnh viện.

Ngày 10-4, một bình gas mini bị nổ khiến hai người bị thương xảy ra trên đường 42, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TP HCM).

Vào buổi trưa cùng ngày, cô gái làm việc ở một tiệm tóc trên đường số 42 trong lúc bật bếp gas mini ở khu vực nhà bếp thì bất ngờ bình gas phát nổ.

Một số phần kính ở cửa chính tiệm tóc vỡ và văng tung tóe. Cô gái cùng một người nam bị thương, được đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (phường Bình Trưng Tây).

Lực lượng chức năng TP Thủ Đức sau đó đến hiện trường, lấy lời khai những người liên quan để làm rõ vụ việc.

CHÁY LỚN 40 HA RỪNG Ở CÀ MAU

Trên diện tích 40 ha rừng ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) xảy ra cháy lớn. Khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ nỗ lực tham gia chữa cháy...

Chiều 10/4, ông Hồ Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết, đã bố trí 5 mũi chữa cháy tại Nông trường 402 (Cục Hậu cần, Quân khu 9, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Tuy nhiên, do thiếu nước kết hợp với gió lớn gây rất nhiều khó khăn cho việc chữa cháy.

Thông tin ban đầu, khoảng 12h cùng ngày, phần diện tích rừng trồng tại Nông trường 402 bất ngờ bốc cháy. Lửa nhanh chóng cháy lan ra khu vực xung quanh.

Ngay khi nhận được thông tin, khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, huyện phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tỉnh, lực lượng tại chỗ của địa phương khẩn trương khống chế đám cháy.

Nguồn tin của PV VietNamNet cho biết, đến khoảng 17h, đám cháy đã gây thiệt hại khoảng 40 ha rừng của nông trường và tiếp tục cháy lan qua khu vực khác.

Đến 17h30 đám cháy vẫn chưa được khống chế. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy.

23h ngày 10/4, xác nhận với PV VietNamNet, lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết, vụ cháy xảy ra tại Nông trường 402 vẫn chưa thể dập tắt. Hiện khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ vẫn đang nỗ lực bám trụ, xuyên đêm cứu rừng, dập lửa.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) cho biết, đã vận động 18 hộ gia đình với hơn 50 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cháy rừng đến nơi an toàn. Trong khi đó, tại xã Khánh Bình Tây Bắc, người già, trẻ nhỏ của 3 hộ dân cũng đã được di dời.

Trong tối nay, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã đến khảo sát tại hiện trường, đồng thời chỉ đạo các giải pháp chống cháy lan sang khu rừng lân cận.

BÁO ĐỘNG LOẠI VI KHUẨN KHÁNG KHÁNG SINH ĐANG XUẤT HIỆN TRONG CỘNG ĐỒNG

Không chỉ trong bệnh viện, vi khuẩn kháng kháng sinh đã được ghi nhận ở ca bệnh cộng đồng, khiến tình trạng này có thể lan rộng, ngày càng gây khó khăn cho điều trị.

Nhiễm khuẩn nặng, diễn biến rất nhanh

Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư mới đây tiếp nhận điều trị bệnh nhân (BN) nam 15 tuổi ở Thanh Hóa được chẩn đoán viêm xương tủy do tụ cầu vàng. Đây là vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin (tụ cầu kháng thuốc). Theo thông tin từ bác sĩ điều trị, BN có tiền sử khỏe mạnh, chơi thể thao thường xuyên. Trước khi nhập viện, tại địa phương, BN có tham gia đá bóng và bị xây xước chân nhưng không để ý. Đây có thể là thời gian ủ bệnh tụ cầu vàng.

Về diễn biến bệnh, gia đình BN cho hay: "Ban đầu vết xây xước không có biểu hiện gì nặng, chỉ hơi đau, khó chịu. Sau đó, BN đau hơn và không duỗi được chân ra. Lúc này gia đình chỉ nghĩ là giãn dây chằng nên cho cháu đi khám, được kê đơn thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, bệnh tiến triển rất nhanh. Sau 2 ngày BN sưng đau nhiều hơn ở khớp gối trái, đau đến mức không chịu được, các khớp tay cũng sưng đỏ và được gia đình đưa vào nhập viện".

Th.S-BS Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, đánh giá đây là ca bệnh hiếm gặp vì BN còn trẻ, không có bệnh lý gì trước đây mà bị nhiễm trùng nặng, viêm xương tủy do tụ cầu kháng thuốc. "Qua BN này, chúng ta thấy mức độ phức tạp của nhiễm trùng. Thường tụ cầu kháng thuốc gặp nhiều ở trong môi trường BV, còn cháu học sinh này bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc ở ngoài cộng đồng. Vì vậy việc điều trị nhiễm trùng từ vi khuẩn lây nhiễm từ cộng đồng sau này có thể sẽ khó khăn hơn. Đây là ổ nhiễm trùng sâu, ở trong xương, nên cần nhiều thời gian điều trị", BS Bắc lo ngại.

"Rất may là đến nay cháu có tiến triển tốt. Tuy nhiên, vẫn cần quá trình điều trị và theo dõi lâu dài, đảm bảo phục hồi tốt nhất và tránh tái phát", BS Bắc đánh giá.

Để phòng tránh các loại nhiễm trùng da mô mềm, nhiễm trùng xương tủy do tụ cầu vàng và các vi khuẩn khác, TS-BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, lưu ý trường hợp khi có các vết thương xây xát, hay mụn mủ thì phải được xử lý đúng cách, tránh nguy cơ nhiễm trùng và hình thành ổ di bệnh sâu, nguy hiểm. Đặc biệt là các viêm nhiễm ổ sâu như viêm khớp, viêm xương tủy, viêm nội tâm mạc, áp xe các cơ quan. Những trường hợp có biểu hiện sưng khớp như BN ở Thanh Hóa nói trên phải đi tầm soát khám sớm, nếu để muộn có nguy cơ dẫn đến viêm mủ khớp, viêm xương tủy…

Ca nào chuyển đến cũng đã kháng kháng sinh

Tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), các ca bệnh nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh (KKS) cũng không hiếm gặp. Như trường hợp mới đây của cụ ông 80 tuổi (ngụ TP.HCM) được BV Chợ Rẫy chuyển đến tiếp tục điều trị tại BV vệ tinh.

Theo bệnh sử, hơn 3 tháng trước cụ ông nhập Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) BV Chợ Rẫy trong tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi nặng và đề KKS. BN được cho sử dụng kháng sinh, tình hình có lúc tốt lên, nhưng do tình trạng suy thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên phải phụ thuộc thở máy, tiếp tục nằm ICU và tiếp tục bị KKS nên BV phải cho BN sử dụng kháng sinh khác. Tình trạng này lặp đi lặp lại khiến BN phải điều trị kéo dài 3 tháng.

"Với BN đa kháng thì mỗi ngày phải sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm hơn 20 triệu đồng. Cộng với các chi phí khác thì số tiền điều trị cho BN lên đến vài tỉ đồng", TS-BS Phạm Minh Huy, Phó khoa ICU BV Chợ Rẫy, thông tin.

Theo TS-BS Huy, hầu như BN nào chuyển viện đến ICU BV Chợ Rẫy (BN nặng, đã hồi sức, suy giảm miễn dịch, lớn tuổi, bệnh nền) thì tỷ lệ đa kháng cao, có trường hợp kháng 2 - 3 loại kháng sinh, có trường hợp toàn kháng. Với những trường hợp như vậy thì phải phối hợp nhiều loại kháng sinh nhưng tỷ lệ điều trị thành công cũng không cao.

"Vi khuẩn kháng thuốc mà BN mắc điều trị tại ICU đứng đầu là Klebsiella; tiếp theo là Pseudomonas aeruginosa và Acinetobacter baumannii. Có BN đồng nhiễm cả hai vi khuẩn kháng thuốc nên phải phối hợp cả hai loại kháng sinh. Thông thường, mỗi đợt sử dụng kháng sinh ít nhất là 14 ngày, nếu BN tiếp tục nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh tiếp", TS-BS Huy nói.

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, ICU BV Chợ Rẫy còn áp dụng các gói đề KKS, như vệ sinh tay, nhân viên y tế mang tạp dề khi chăm sóc BN, làm sạch bề mặt, trong đó có cả làm sạch răng miệng và tăng cường dinh dưỡng cho BN.

70% ca nhiễm vi khuẩn kháng thuốc từ cộng đồng và tuyến dưới

TS-BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Chợ Rẫy, cho biết BV Chợ Rẫy là BV hạng đặc biệt của Bộ Y tế, là tuyến cuối phía nam nên BV thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nặng, đặc biệt là những ca bệnh kháng thuốc, đa kháng thuốc từ cộng đồng và tuyến dưới chuyển đến. Do đó, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn đã được BV chú trọng từ nhiều năm qua.

BV Chợ Rẫy xác định BN nhiễm vi khuẩn kháng thuốc qua 3 nguồn: từ cộng đồng; từ BV tuyến dưới và tại BV Chợ Rẫy. Trong đó, BN có nhiễm khuẩn (đã có vi khuẩn kháng thuốc) từ cộng đồng và tuyến dưới chiếm đến 70%, nhiễm khuẩn tại BV chiếm 30%.

TS-BS Phùng Mạnh Thắng phân tích tỷ lệ nhiễm khuẩn đa kháng thuốc qua giám sát của BV Chợ Rẫy là khá cao. Cụ thể, tỷ lệ nhiễm đa kháng thuốc trên BN nhập viện từ 2 - 3%; tỷ lệ nhiễm khuẩn đa kháng thuốc do nhiễm khuẩn BV (tức là BN nhập viện sau 48 giờ và trước khi nhập viện thì chưa bị nhiễm khuẩn) từ 70 - 75%. Như vậy, cứ 100 ca xác định do nhiễm khuẩn BV thì có 70 - 75 ca nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Những BN mắc đa kháng thuốc thường là trường hợp có bệnh lý nền, điều trị lâu ngày ở các khoa hồi sức, thậm chí nhiều BN nhiễm vi nấm cũng gây kháng thuốc.

"Thống kê liên quan đến vi khuẩn đa kháng thuốc trên BN viêm phổi, thở máy nằm hồi sức ngoại thần kinh cho thấy chi phí trung bình 280 triệu đồng/BN. Thời gian nằm điều trị trung bình là 26 ngày. Đây là những BN ít bệnh nền. Còn những BN nằm hồi sức nội thì chi phí có thể cao hơn", TS-BS Thắng nói và thông tin thêm vẫn có trường hợp BN toàn kháng, có ca thì cứu được, có ca thì tình hình quá nặng nên gia đình xin cho về.

Nguồn: Kenh14; Soha; Vietnamnet; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang