Venezuela khốn đốn vì sứa; Tử vong ở HQ tăng cao; NATO & kịch bản thiếu Mỹ; Nỗ lực hòa bình ở Gaza vẫn tắc; Chasov Yar căng thẳng

SỨA BIỂN TẤN CÔNG, NGƯ DÂN VENEZUELA KHỐN ĐỐN

Sự xuất hiện dày đặc của đàn sứa nhiều màu sắc trong vùng biển bang Aragua khiến sản lượng cá giảm, gây khó khăn cho nhiều ngư dân Venezuela.

"Cứ như hoa nở trên biển vậy. Chuyện này chưa từng xảy ra", ngư dân Elvis Morillo, 59 tuổi, ở làng chài Chuao, bang Aragua, miền bắc Venezuela, cuối tuần qua cho hay, khi mô tả cảnh đàn sứa dày đặc với màu sắc sặc sỡ trên mặt biển.

Những con sứa đạn đại bác (cannonball jellyfish) tràn ngập lưới đánh cá của ngư dân, khiến họ không bắt được con gì khác. Bộ Môi trường Mexico cho rằng số lượng sứa tăng do nước biển ấm lên vì biến đổi khí hậu và các loài ăn sứa như cá mập, rùa biển bị suy giảm.

"Cá mòi và các loài khác dùng làm mồi đánh bắt cũng đã biến mất. Hoạt động đánh bắt đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua", Gustavo Carrasquel, thuộc tổ chức phi chính phủ Azul Ambientalistas, nói. Carrasquel sống ở Choroni, thị trấn lân cận Chuao.

Trên toàn cầu, số lượng sứa, loài sinh vật phát triển mạnh trong điều kiện khắc nghiệt và cần ít oxy, đang tăng vọt. Giới nghiên cứu cảnh báo nguy cơ sứa có thể thay cá chiếm lĩnh các đại dương, chủ yếu do đánh bắt cá quá mức.

"Tình hình này hoàn toàn bất thường", Joxmer Scott-Frias, nhà nghiên cứu tại Viện Động vật học và Sinh thái học Nhiệt đới thuộc Đại học Trung ương Venezuela, nói khi thu thập mẫu sứa để nghiên cứu. "Mức độ gia tăng số lượng sứa năm nay vượt mọi ước tính trước đó". Scott-Frias cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này.

Số lượng sứa tăng cùng sự hiện diện của san hô xâm lấn Unomia stolonifera trở thành vấn đề đau đầu đối với ngư dân địa phương.

"Đã gần 9 tháng chúng tôi chẳng đánh được cá", Fernando Mayora, người đứng đầu hiệp hội ngư dân ở Choroni, cho hay. "Chúng tôi không biết phải làm gì với vấn nạn sứa và san hô xâm lấn. Cá đã biến mất rồi".

Ở Chuao, ngư dân thường đánh bắt được 3-5 tấn cá mỗi tuần. Nhưng hiện nay, sản lượng đánh bắt của họ giảm còn 0,5-1 tấn, theo ngư dân Douglas Martinez, 44 tuổi.

Mayora cho rằng Venezuela nên học theo các nước như Mexico, quốc gia đã khai thác sứa để xuất khẩu sang các nước châu Á, nơi sứa được sử dụng trong ẩm thực hoặc ngành dược phẩm.

TỶ LỆ TỬ VONG Ở HÀN QUỐC TĂNG CAO VÌ THIẾU BÁC SĨ

Rất nhiều bệnh nhân Hàn Quốc không nhận được sự chăm sóc y tế đầy đủ trong những năm qua vì tình trạng khan hiếm bác sĩ, và tình trạng còn tồi tệ hơn kể từ khi cuộc đình công phản đối tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y diễn ra.

Tháng 3/2023, một cô gái 17 tuổi rơi từ một tòa nhà ở thành phố Daegu, Hàn Quốc đã tử vong sau khi xe cấp cứu của cô bị 3 bệnh viện từ chối điều trị do thiếu bác sĩ.

Theo báo cáo của Giáo sư Cheong Yooseok tại Đại học Dankook, thành phố Cheonan, cô gái trẻ này nằm trong số hơn 3.750 bệnh nhân đã chết kể từ năm 2017 sau khi bị các bệnh viện địa phương từ chối.

Thống kê này đã trở thành vấn đề lớn trong cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc diễn ra vào ngày 10/4 sắp tới. Quốc gia này từng nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ tỷ lệ tử vong thấp trong đại dịch Covid-19, nhưng trọng tâm hiện nay lại là sự kém hiệu quả, lãng phí và những khủng hoảng và vấn đề trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Các trung tâm y tế nổi tiếng ở thủ đô Seoul tràn ngập bệnh nhân, còn những nơi khác của đất nước chật vật vì thiếu bác sĩ. Thêm vào đó, cuộc đình công trên toàn quốc kéo dài sáu tuần của gần 13.000 cư dân và thực tập sinh, để phản đối kế hoạch tăng cường tuyển sinh trường y đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Ông Jung Seung-pyo, một bệnh nhân ung thư thực quản sống trên đảo Jeju, đã bay đến bệnh viện Bundang của Đại học quốc gia Seoul để phẫu thuật vào tháng 6/2023. Mặc dù lẽ ra ông phải khám sức khỏe bốn tuần một lần, nhưng đôi khi phải mất vài tháng mới được hẹn lịch khám.

"Không có bác sĩ nào trên hòn đảo này có thể điều trị ung thư thực quản, mọi thứ đều tập trung ở Seoul", ông Jung nói về quê hương của mình, nơi có dân số gần 700.000 người.

Ông Gaetan Lafortune, nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế cho biết, Hàn Quốc có số bác sĩ bình quân đầu người thấp nhất trong tất cả các nước phát triển và đã không tăng số lượng sinh viên y khoa trong hơn hai thập kỷ. Ông cho biết các yếu tố nhân khẩu học như việc dân số già đi nhanh chóng sẽ làm tình trạng khan hiếm trở nên thêm trầm trọng.

Mặc dù tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã cam kết sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách đề xuất các biện pháp, chẳng hạn như tăng số lượng bác sĩ, nhưng bản thân các bác sĩ lại phản đối việc này. Họ cho rằng đề xuất của chính phủ nhằm tăng số lượng tuyển sinh vào trường y lên 2.000 suất mỗi năm so với con số 3.058 hiện tại không giải quyết được vấn đề gốc rễ.

Họ nói rằng điều này là do lương của bác sĩ trong một số lĩnh vực quan trọng được được chi trả thấp hơn nhiều so với lương của các chuyên gia bên ngoài, đặc biệt là những người thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ. Sự chênh lệch về lương thưởng và cơ sở hạ tầng giữa Seoul và khu vực nông thôn cũng đồng nghĩa với việc thiếu hụt nhân viên y tế ở khu vực bên ngoài thủ đô.

Giáo sư Cheong cho biết trong một báo cáo tháng 12: "Các bác sĩ đang biến mất tại các trung tâm cấp cứu, phòng phẫu thuật, phòng sinh và bệnh viện ở các thành phố nhỏ hơn. Nhiều bác sĩ trẻ đã từ bỏ việc trở thành nghiên cứu sinh tại các trường cao đẳng y tế và chuyển sang làm việc trong ngành làm đẹp".

Ngành phẫu thuật thẩm mỹ đã phát triển mạnh mẽ và dịch vụ "du lịch thẩm mỹ" đang bùng nổ ở Hàn Quốc. Hơn 8 triệu bệnh nhân nước ngoài đã đến đây để thực hiện các phương pháp làm đẹp từ năm 2009 - 2022.

Trong khi đó, các lĩnh vực thiết yếu trong đó có nhi khoa lại bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Bộ Y tế, chỉ có 53 người đăng ký làm việc cho 205 vị trí ở khoa nhi cho năm 2024 và chỉ có 8 người làm việc ở các địa điểm bên ngoài Seoul cùng các khu vực lân cận.

Ngay cả ở Seoul, việc chăm sóc y tế có thể gặp khó khăn do thiếu bác sĩ. Ông Kim Sung-ju (62 tuổi) đã phẫu thuật ung thư thực quản cách đây một thập kỷ, đã trải qua hàng loạt xét nghiệm và chờ đợi hàng giờ để được gặp bác sĩ ba tháng một lần tại Bệnh viện Seoul St Mary ở Gangnam, một khu phố cao cấp ở Seoul.

"Tôi thực sự không hiểu tại sao tôi phải đến bệnh viện lớn này ba tháng một lần, bởi vì tôi chỉ được nói chuyện với bác sĩ trong ba phút. Tôi từng nghĩ hệ thống bảo hiểm y tế của Hàn Quốc, với bác sĩ tư nhân và bảo hiểm y tế quốc gia, là tốt nhất thế giới, nhưng giờ đây nó đang trở thành hệ thống tồi tệ nhất thế giới", ông nói.

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc hiện tại cũng chỉ có 20 bác sĩ trong tổng số 500 nhân viên.

Giữa bối cảnh những mẫu thuẫn và tranh luận vẫn còn gay gắt, việc bệnh nhân phải chờ đợi để được chăm sóc y tế càng trở nên tồi tệ hơn, kể từ khi các bác sĩ đình công phản đối việc tăng chỉ tiêu ngành y. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết ông sẽ không từ bỏ điều mà ông gọi là "yêu cầu tối thiểu" để khắc phục các vấn đề cơ bản. Gần 4/5 người Hàn Quốc ủng hộ việc mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh bác sĩ bằng cách bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử.

Bộ trưởng Y tế và phúc lợi Cho Kyoo-hong cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Một y tá đã qua đời vào tháng 8/2022 tại một trong những bệnh viện tốt nhất Hàn Quốc, ngay tại nơi nơi cô ấy làm việc, vì không có bác sĩ nào điều trị cho cô ấy. Đó là điều không nên xảy ra".

NATO & KỊCH BẢN THIẾU MỸ

Trước viễn cảnh cảnh ông Trump có thể trở lại làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11, NATO đang đứng trước nhiều nỗi lo trong tương lai, dù đã thành công kết nạp thêm 2 thành viên mới.

Theo Project Syndicate, chuyên gia chính trị quốc tế Ian Bremmer mới đây đã đăng tải một bài viết nhằm nhận định về tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong trường hợp không còn Mỹ.

"NATO là liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử, và đang trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã nhấn mạnh giá trị và sự hiện diện của NATO. Bên cạnh đó, liên minh cũng đã thành công kết nạp 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển", ông Bremmer nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, NATO đang đứng trước tương lai khó khăn, nhất là khi cuộc xung đột Ukraine đang gây ra mâu thuẫn trong nội bộ khối và quan điểm của Mỹ có thể thay đổi mạnh sau cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Các nhà lãnh đạo NATO đều biết cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có cơ hội lớn để trở lại Nhà Trắng vào tháng 11, và những tuyên bố trước đó của ông Trump đã gây ra những quan ngại về cam kết lâu dài của Mỹ với liên minh. Hồi tháng 10/2023, ông Trump từng úp mở khả năng rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử, trừ khi toàn bộ thành viên liên minh tăng chi tiêu quốc phòng.

"Trên thực tế, quan điểm của ông Trump không phải là không chính đáng. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm, các thành viên NATO đã cam kết chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Cách đây 2 tháng, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã tỏ ra lạc quan về cam kết này, nhưng đó là do những thành viên có biên giới gần Nga đã chi tiêu nhiều hơn hạn ngạch", ông Bremmer cho biết.

Cụ thể, có 13 trong tổng số 31 thành viên của NATO (chưa tính Thụy Điển mới gia nhập) vẫn chưa đạt ngưỡng chi tiêu quốc phòng. Rõ ràng các nhà lãnh đạo NATO đều hiểu rõ sự cần thiết phải gia tăng chi phí quân sự trước những nguy cơ tại châu Âu, nhưng các tuyên bố kiểu "Nga nên làm bất kỳ điều gì họ muốn" của ông Trump lại làm mọi thứ phức tạp hơn.

Để chuẩn bị cho viễn cảnh Washington không còn đáng tin cậy, Tổng thư ký Stoltenberg đã đề xuất một quỹ hỗ trợ 5 năm trị giá 100 tỷ Euro cho Ukraine, và quỹ này sẽ không phụ thuộc vào kết quả bầu cử tại Mỹ. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu cũng đang thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong việc dẫn dắt chính sách quốc phòng và công nghiệp của liên minh.

Tuy vậy, kịch bản Mỹ rời NATO là điều không ai mong muốn. Về cơ bản, NATO vẫn đang phụ thuộc lớn vào vũ khí và khả năng tình báo của Mỹ. Những nguy cơ từ Nga sẽ khiến các quốc gia châu Âu tăng cường năng lực quốc phòng, nhưng họ không thể thay thế vai trò của Mỹ trong một sớm một chiều. Bên cạnh đó, có rất nhiều thành viên NATO sẵn sàng ngả theo Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử, đơn cử là Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Slovakia Robert Fico.

"Sau 75 năm tồn tại, NATO đang đứng trước tương lai đầy bất định, và ngay cả khi ông Biden chiến thắng thì những cuộc tranh luận trong nội bộ liên minh cũng sẽ không biến mất", ông Bremmer nhận xét.

KHÔNG CÓ NHƯỢNG BỘ, NỖ LỰC HÒA BÌNH Ở GAZA VẪN TẮC

Một quan chức Hamas hôm 8/4 cho biết không có tiến triển nào tại một vòng đàm phán mới ở Cairo về lệnh ngừng bắn trên dải Gaza vốn cũng có sự tham dự của các phái đoàn từ Israel, Qatar và Mỹ, không lâu sau khi các nguồn tin Ai Cập cho biết đã có tiến triển trong chương trình đàm phán.

Các cường quốc phương Tây đã lên tiếng phẫn nộ về điều mà họ cho là con số người dân Palestine thiệt mạng cao đến mức không thể chấp nhận được và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza xuất phát từ cuộc tấn công dữ dội của quân Israel nhằm tiêu diệt Hamas ở dải Gaza vốn có diện tích nhỏ nhưng đông đúc.

Israel và Hamas đã gửi các nhóm đàm phán đến Ai Cập hôm 7/4 sau khi Giám đốc CIA William Burns đến vào ngày 6/4. Sự có mặt của ông Burns cho thấy áp lực ngày càng tăng của Mỹ để đạt được thỏa thuận mà theo đó các con tin bị giam ở Gaza sẽ được trả tự do và đưa viện trợ đến cho thường dân đang gặp nạn.

“Không có thay đổi trong lập trường của quân chiếm đóng và do đó, không có gì mới trong các cuộc đàm phán ở Cairo,” quan chức Hamas, yêu cầu giấu tên nói với Reuters. “Vẫn chưa có tiến triển.”

Trước đó hôm 8/4, kênh truyền hình Al-Qahera News có liên hệ với nhà nước Ai Cập dẫn một nguồn tin cấp cao của Ai Cập cho biết đã có tiến triển sau khi các phái đoàn tham gia đàm phán đạt được thỏa thuận về các vấn đề đang thảo luận

Sáu tháng sau khi Israel phát động cuộc tấn công vào nhóm Hồi giáo Hamas, dải Gaza đã bị tàn phá và hầu hết trong số 2,3 triệu người dân đã mất nhà cửa và nhiều người đối mặt với nạn đói. Israel đã bày tỏ lạc quan thận trọng về các cuộc đàm phán mới nhất có trung gian.

Tại Jerusalem vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Israel Israel Katz đã mô tả các cuộc đàm phán ở Cairo là tiến gần nhất đến một thỏa thuận kể từ thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 11 mà theo đó Hamas đã thả hàng chục con tin.

“Chúng tôi đã đạt đến điểm then chốt trong cuộc đàm phán. Nếu nó thành công, thì nhiều con tin sẽ về nhà,” ông nói trên Đài phát thanh quân đội Israel.

Hai nguồn tin an ninh Ai Cập và Al-Qahera News cho biết đã đạt có tiến triển trong các cuộc đàm phán ở Cairo.

Các nguồn tin an ninh nói rằng cả hai bên đã có những nhượng bộ có thể mở đường cho một thỏa thuận ngừng bắn trong các cuộc họp song song với các nhà trung gian hôm 7/4.

Những nhượng bộ liên quan đến thả các con tin Israel đang bị Hamas giam giữ, và yêu sách của nhóm Palestine đòi để cho những người dân lưu lạc trở về bắc Gaza, họ nói thêm, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Các cuộc tham vấn dự kiến sẽ tiếp tục trong vòng 48 giờ tới, Al-Qahera đưa tin.

Một quan chức Palestine gần gũi với nỗ lực đàm phán nói với Reuters rằng bế tắc tiếp tục bao trùm do Israel từ chối ngưng chiến, rút quân khỏi Gaza, cho phép hàng trăm ngàn thường dân mất nhà cửa trở về nhà và dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 17 năm để cho phép tái thiết nhanh chóng.

Những bước đi này được ưu tiên hơn yêu cầu chủ chốt của Israel là thả con tin để đổi lấy trả tự do cho những người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù Israel, quan chức này, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết.

“Về việc trao đổi tù nhân, Hamas đã và đang sẵn sàng linh động hơn, nhưng yêu cầu chủ chốt không thể du di,” ông nói với Reuters.

Israel đã loại trừ khả năng sớm ngưng chiến hoặc rút khỏi Gaza và nói rằng quân của họ sẽ không ngưng nghỉ cho đến khi Hamas không còn kiểm soát Gaza hoặc đe dọa Israel về mặt quân sự.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ không nhượng bộ các yêu cầu ‘cực đoan’ của Hamas.

Nhưng các quan chức Israel đã báo hiệu sẵn sàng cho phép một số người Palestine di tản từ miền bắc Gaza trở về quê nhà.

Dưới áp lực quốc tế phải giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và không thực hiện kế hoạch tấn công Rafah, một thị trấn miền nam với cả triệu người tị nạn dồn vào, Israel hôm 7/4 nói rằng họ đã rút thêm binh sĩ khỏi miền nam Gaza.

Do đó ở đây chỉ còn lại một lữ đoàn, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết quân đội của ông sẽ chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự trong tương lai, bao gồm cả ‘nhiệm vụ sắp tới ở Rafah’.

CHASOV YAR “CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN”: NGA TẤN CÔNG KHẮP CẢ MẶT TRẬN

Thị trấn Chasov Yar đóng một vai trò quan trọng đối với quân đội Ukraine. Ở thành trì chiến lược quan trọng này của Ukraine, giao tranh đang diễn ra dữ dội.

Ngày 8/4, SF thông tin, quân đội Nga tiếp tục mở rộng vùng kiểm soát xung quanh thành trì chính của Ukraine ở hướng Artyomovsk. Theo báo cáo sơ bộ, lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát làng Bogdanovka, nằm ở phía đông bắc Chasov Yar. Tuy nhiên, đến hiện tại, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin này.

Việc Nga kiểm soát ngôi làng đã được thông tin lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 4, nhưng sẽ mất một thời gian để lực lượng Nga củng cố thành trì của họ ở ngoại ô phía nam Bogdanovka. Theo báo cáo từ mặt trận, Lữ đoàn biệt động số 200 thuộc Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga chính là đơn vị đã tấn công vào làng Bogdanovka.

Đồng thời với cuộc tiến công ở Bogdanovka, lực lượng Nga đã xuyên thủng hàng phòng ngự của Ukraine ở phía bắc ngôi làng và tiếp cận vùng ngoại ô của làng Grigorovka. Quân Nga tấn công từ hai hướng Dubovo-Vasilyevka và Bogdanovka, chiếm giữ các cứ điểm của Ukraine và tiến tới rìa phía đông làng Grigorovka.

Việc kiểm soát khu định cư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tấn công thành trì chính của Ukraine ở khu vực Artypmovsk, Chasov Yar. Có một điểm cao vượt trội quan trọng nằm gần Grigorovka, pháo binh Nga sẽ có thể tấn công các vị trí của Ukraine ngay tại Chasov Yar.

Trong khi đó, Lực lượng Vũ trang Ukraine đang cố gắng phản công ở vùng ngoại ô phía tây của Bogdanovka nhưng đã rút lui về phía tây đến ngôi làng liền kề Kalinovka. Ngôi làng này nằm ở ngoại ô phía đông bắc của Chasov Yar. Theo báo cáo sơ bộ, giao tranh đã nổ ra ở khu vực phố Lesnaya, ngoại ô phía đông của ngôi làng.

Nếu được xác nhận, chiến thắng của Nga ở Bogdanovka sẽ gia tăng mối đe dọa cho lực lượng đồn trú Ukraine ở Chasov Yar từ sườn đông bắc. Thành công này cũng mang lại sự hỗ trợ đáng kể cho các hoạt động đang diễn ra của Nga ở sườn phía đông Chasov Yar.

Lính dù Nga đã tiến vào được các đường phố của khu định cư và giành được chỗ đứng trong các tòa nhà nhiều tầng ở địa phương. Lực lượng Nga cũng đang tiến về vùng ngoại ô phía đông, tiếp cận tuyến phòng thủ chính của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở quận phía đông. Ở vùng ngoại ô này, các cuộc đụng độ đã được cho là đang diễn ra tại khu vực phố Gorbatov thuộc quận Canal.

Trong bối cảnh, các đơn vị Nga liên tục tấn công ở Grigorovka, Bogdanovka và quận Canal, quân Nga cũng đang tiến về sườn phía đông nam từ ngôi làng Krasnoe (trước đây là Ivanosvskoe). Và từ vị trí của họ ở Krasnoe và phía nam Bogdanovka, các đơn vị Nga cũng tiếp tục tấn công vào những ngọn đồi ở phía tây bắc Krasnoe, nơi diễn ra các trận chiến giành ưu thế.

Kể từ năm 2014, thị trấn Chasov Yar đóng một vai trò quan trọng đối với quân đội Ukraine về mặt hậu cần. Nó được sử dụng như một trung tâm chiến lược quan trọng cho các đơn vị luân chuyển và triển khai tiếp tế ở khu vực Donbass.

Nguồn: Vnexpress; Báo Tin Tức; Vietnamnet; VOA; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang