Đại chiến Big Oil; Sáng kiến toàn cầu của TQ; Khủng hoảng y tế ở HQ chưa ngã ngũ; Israel tập kích Liban; Ecuador hứng bão ngoại giao

CUỘC CHIẾN 1 NGHÌN TỶ USD CỦA CÁC ÔNG LỚN BIG OIL

Cái tên Stabroek đang trở thành tâm điểm bởi những tiềm năng và ảnh hưởng khổng lồ của nó đối với tương lai thế giới.

Cuộc cạnh tranh giành quyền khai thác

Được biết, Stabroek là từ được dùng để gọi loạt mỏ dầu ngoài khơi Guyana, quốc gia Mỹ Latinh giáp với Venezuela và Brazil.

Stabroek có giá trị lớn tới mức khó tin – nó chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu, trị giá gần 1 nghìn tỷ USD theo giá hiện tại. Những mỏ dầu khổng lồ này hiện đang vướng vào cuộc chiến pháp lý liên quan tới một tài liệu bí mật, dài khoảng 100 trang. Kết quả của cuộc mâu thuẫn sẽ định hình lại Big Oil – nhóm các công ty dầu khí lớn nhất thế giới.

ExxonMobil hiện sở hữu phần lớn Stabroek, công ty cũng từng là một thành viên trong nhóm phát hiện dầu mỏ tại đây vào năm 2015. Chevron đang cố gắng sở hữu một phần mỏ, sau khi công bố một thỏa thuận vào tháng 10 để mua công ty Hess với giá 60 tỷ USD, bao gồm cả nợ.

Được biết, Hess là đối tác của Stabroek, sở hữu 30% nhóm mỏ này. Exxon là nhà điều hành, kiểm soát 45% và công ty nhà nước Trung Quốc CNOOC sở hữu 25% còn lại.

Thỏa thuận với Hess sẽ giúp Chevron tiếp cận nguồn dầu mỏ dồi dào của Stabroek, mở ra triển vọng tăng trưởng dài hạn của hãng. Nhưng ‘đối thủ không đội trời chung’ Exxon đã đệ đơn kiện để ngăn chặn việc này, cố gắng mở ra cơ hội để kiểm soát thêm một phần lớn nguồn tài nguyên dầu mỏ và củng cố vị trí dẫn đầu của hãng trong số các Big Oil.

Các nhà đầu tư dầu mỏ kỳ cựu có lí do để quan tâm vụ kiện tụng này. Vào những năm 1980, một trong những công ty tiền thân của Chevron – Texaco – đã phá sản sau khi thua trong cuộc chiến pháp lý mang tính bước ngoặt trị giá 10 tỷ USD liên quan đến việc mua lại một công ty khác. Mặc dù tranh chấp hiện tại khá khác biệt nhưng kết thúc của nó sẽ để lại hậu quả không khác cuộc tranh chấp bốn thập kỷ trước.

Sau khi thỏa thuận Chevron-Hess được công bố, Exxon tỏ ra rất hoan nghênh. “Chúng tôi làm việc với Chevron trên toàn thế giới”, Giám đốc điều hành Exxon Darren Woods nói.

Nhưng hai tuần sau, ông Woods gọi điện cho các đồng nghiệp ở Hess và Chevron để thông báo rằng có vấn đề. Exxon lập luận rằng họ có quyền từ chối đối với cổ phần của Hess ở Guyana; Hess và Chevron trả lời rằng mặc dù điều đó ‘về cơ bản là đúng’ nhưng cấu trúc thỏa thuận giữa họ có thể phủ nhận tuyên bố đó.

Vụ tranh chấp được giữ bí mật trong 4 tháng khi các bên cố gắng đạt được một thỏa thuận giữ thể diện. Nó được công khai vào ngày 28/3 khi Chevron nộp một tài liệu được gọi là S-4 lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, nêu chi tiết về thỏa thuận và những lo ngại của Exxon. Vài ngày sau, ông Woods thông báo cho Giám đốc điều hành Hess John Hess và Giám đốc điều hành Chevron Mike Wirth rằng công ty của ông đang đệ đơn kiện lên tòa trọng tài.

Điều khoản quan trọng trong thỏa thuận

Các công ty dầu mỏ thường chia sẻ rủi ro khi hoạt động ở các quốc gia biên giới như Guyana trước đây, không bao giờ sở hữu 100% dự án. Để xác định chi tiết các quyền và nghĩa vụ của họ đối với nhau và các dự án của mình, họ viết các hợp đồng bí mật gọi là thỏa thuận điều hành chung (JOA).

Mặc dù các chi tiết chính xác trong JOA vẫn được giữ bí mật, nhưng có thể suy ra những nét phác thảo vì các luật sư đã viết JOA bằng cách sử dụng mẫu hợp đồng của ngành làm cơ sở để viết: mẫu hợp đồng dài 94 trang năm 2002 của Hiệp hội các nhà đàm phán Năng lượng Quốc tế. Exxon và Chevron từ chối bình luận về hồ sơ này.

Exxon đã nhiều lần nói rằng vì họ đã soạn thảo JOA nên họ hiểu rõ hơn những người khác về mục đích đằng sau mỗi điều khoản. Neil Chapman, một trong bốn giám đốc điều hành hàng đầu của công ty, cho biết vào ngày 6/3: “Chúng tôi hiểu mục đích của từng chữ trong toàn bộ hợp đồng vì chúng tôi đã viết nó”.

Nhiều tranh cãi đã nổ ra về vấn đề hợp đồng. Theo các nguồn tin, nếu hợp đồng JOA của Stabroek có đoạn mẫu dưới đây, thì khả năng Exxon vẫn có cơ hội chiến thắng:

“Thay đổi quyền kiểm soát” nghĩa là bất kỳ thay đổi trực tiếp hoặc gián tiếp nào trong Quyền kiểm soát của một Bên (cho dù thông qua sáp nhập, bán cổ phần hoặc lợi ích cổ phần khác, hoặc cách khác) […] trong đó giá trị thị trường từ Lợi ích của Bên Tham gia chiếm hơn ____ phần trăm (__%) giá trị thị trường tổng hợp của tài sản mà Bên đó và các Chi nhánh của Bên đó chịu từ sự Thay đổi quyền kiểm soát. Với định nghĩa này, giá trị thị trường sẽ được xác định dựa trên số tiền mặt mà một người mua tiềm năng trả cho người bán tiềm năng trong một giao dịch ngang giá.”

Tỷ lệ phần trăm được để trống trong hợp đồng mẫu và không ai biết con số nào đã được sử dụng trong JOA của Stabroek. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng phần lớn giá trị của Hess đến từ tài sản ở Guyana. Paul Sankey, một nhà phân tích dầu mỏ kỳ cựu đang điều hành công ty nghiên cứu riêng của mình, nói rằng trong số khoảng 170 USD/cổ phiếu mà Chevron trả cho Hess, khoảng 140 USD đến từ cổ phần ở khối dầu mỏ Guayana. Đó có lẽ là lập luận mạnh mẽ nhất của Exxon và là lý do tại sao công ty tập trung vào mục đích của JOA.

Chevron đã nói rằng nếu Exxon chiếm ưu thế trong vụ kiện trọng tài, họ sẽ không mua Hess. Ngược lại, điều đó sẽ ngăn Exxon yêu cầu bất kỳ tài sản nào của Hess. Trong khi đó, Exxon không tiết lộ chiến lược của mình; công ty này chắc chắn đang kiện ra tòa trọng tài, nhưng vẫn để ngỏ các lựa chọn khi thắng kiện.

Vụ việc sẽ được xét xử tại Phòng Thương mại Quốc tế ở Paris và có thể mất từ 6 đến 12 tháng để giải quyết, mặc dù thủ tục tố tụng có thể mất nhiều thời gian hơn.

Nếu không có quyền truy cập vào tài liệu JOA thực tế mà cả hai bên đều không công khai, chỉ có thể đưa ra giả thuyết về các lập luận pháp lý và kết quả tiềm năng dựa trên mẫu mà các công ty đã sử dụng để viết nó. Nhưng có một điều rõ ràng: đây sẽ là một cuộc chiến khó khăn - một cuộc chiến pháp lí sẽ thay đổi hoàn toàn một trong hai bên.

Nếu Chevron thắng, hãng sẽ đảm bảo mở rộng sản xuất ra ngoài Mỹ và các tài sản quý giá của hãng ở Úc và Kazakhstan, giúp nâng cao giá trị của hãng.

Nhưng nếu Exxon chiếm ưu thế và tìm ra cách tăng cổ phần của mình tại Guyana, công ty này sẽ củng cố sự thống trị đối với điều mà nhiều người trong ngành coi là phát hiện dầu mỏ quan trọng nhất trong 25 năm qua. Đối với tương lai của Big Oil, có rất nhiều điều đang bị đe dọa.

TRUNG QUỐC MỞ RỘNG ẢNH HƯỞNG BẰNG CÁC SÁNG KIẾN TOÀN CẦU MỚI

Sau một thập kỷ triển khai đại sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng toàn cầu bằng các sáng kiến mới.

Bốn sáng kiến nổi bật tiếp nối BRI dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thu hút sự quan tâm lớn, đó là: Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI) và Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu (GIDS).

Đối với BRI, theo sách trắng công bố năm 2023 nhân kỷ niệm 10 năm triển khai sáng kiến này, Trung Quốc đã rót hơn 1 nghìn tỷ USD vào các dự án hạ tầng tại hơn 60 quốc gia trên khắp các châu lục, thu hút sự tham gia của 155 nước và 32 tổ chức quốc tế. Các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ BRI trải dài từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ, hàng hải và không gian vũ trụ… Theo Ruby Osman, nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu về thay đổi toàn cầu Tony Blair, mặc dù vẫn còn không ít tranh cãi, nhưng BRI là một trong những hoạt động xây dựng thương hiệu chính sách thành công nhất thế kỷ của Trung Quốc.

Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI)

GDI được Trung Quốc công bố năm 2021 tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 76 với tám nội dung chính: kiên trì ưu tiên cho phát triển, lấy người dân làm trung tâm, cùng có lợi và bao trùm, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, con người và thiên nhiên chung sống hài hòa, đề cao định hướng hành động hướng tới đẩy nhanh thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.

Với GDI, Trung Quốc thúc đẩy hơn 200 dự án với các đối tác, với nhiều cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực giảm nghèo, giáo dục, y tế. GDI đồng thời hướng tới tăng cường động lực phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như phát triển xanh, công nghiệp hóa kiểu mới, kinh tế số, thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác trong cuộc cách mạng công nghiệp mới, phát triển với chất lượng cao.

Phát biểu tại cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo nhóm BRICS và các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển khác tại Johannesburg, Nam Phi ngày 24/8/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, nước này đã thành lập Quỹ Phát triển toàn cầu và Hợp tác Nam - Nam trị giá 4 tỷ USD. Ngoài ra, cùng với các tổ chức tài chính khác, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ dành nguồn vốn đặc biệt 10 tỷ USD để thực hiện GDI.

Theo học giả Vương Tuấn Sinh của Học viện Xã hội Trung Quốc, GDI không đơn thuần nhằm đạt được sự cùng phát triển mà còn là tầm nhìn của Trung Quốc về tương lai thế giới với mục tiêu thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, thể hiện trách nhiệm của Trung Quốc với tư cách là nước lớn.

Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI)

Tháng 4/2022, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch nước Trung Quốc đưa ra GSI với các nội dung gồm “Sáu kiên trì”: kiên trì quan niệm an ninh cộng đồng, hợp tác bao trùm và bền vững; kiên trì tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; kiên trì tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương LHQ; kiên trì coi trọng các mối quan tâm an ninh chính đáng của các nước; kiên trì giải quyết bất đồng và tranh chấp giữa các nước bằng biện pháp hòa bình; kiên trì thống nhất hoạch định bảo vệ an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Tiếp theo, ngày 21/2/2023, Trung Quốc công bố “Văn bản khái niệm Sáng kiến an ninh toàn cầu” đề cập chi tiết các khái niệm và nguyên tắc cốt lõi của “Sáu kiên trì” và xác định các lĩnh vực ưu tiên chính. Cơ chế thực hiện GSI bao gồm những sáng kiến của Trung Quốc trong LHQ, Trung Quốc tiếp xúc với các nước đang phát triển thông qua nhiều cơ chế đa phương, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA)… Ngoài ra, Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được đưa vào định hướng hợp tác chủ yếu của Văn bản khái niệm GSI, tiếp theo là Trung Đông, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và Caribe, các quốc đảo Thái Bình Dương.

Theo học giả Từ Bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, GSI phản ánh xu thế của thời đại hòa bình và phát triển, cả hai thúc đẩy lẫn nhau. An ninh là tiền đề của phát triển, không có an ninh thực sự nếu không có phát triển. Giới phân tích cho rằng, GSI được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu để phù hợp hơn với lợi ích và giá trị của Trung Quốc. Sáng kiến này sẽ trở thành khuôn khổ tổng thể cho nhiều sáng kiến an ninh của Trung Quốc, từng bước thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc. GSI có thể coi là một chủ thuyết mới, tương thích với giai đoạn phát triển mới mang đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI)

GCI được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới ngày 15/3/2023. Theo Tân Hoa xã, Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo hơn 500 đảng chính trị và tổ chức chính trị từ hơn 150 quốc gia trên thế giới.

Trong bài phát biểu “Dắt tay nhau cùng bước trên con đường hiện đại hóa”, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định: “Một bông hoa không làm nên mùa Xuân, trong khi trăm bông hoa đua nở mang đến mùa Xuân cho khu vườn”. Một hình ảnh ẩn dụ thú vị, thể hiện cái nhìn về sự đa dạng trong yếu tố văn minh, văn hóa của Bắc Kinh ngày nay đối với sự lựa chọn phát triển của các quốc gia.

GCI nhấn mạnh đến những nội dung cơ bản như ủng hộ tôn trọng đối với sự đa dạng, các giá trị chung của nhân loại, tầm quan trọng của sự kế thừa và đổi mới của các nền văn minh, ủng hộ giao lưu và hợp tác quốc tế và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế. Là bên đưa ra sáng kiến, Trung Quốc đã chủ động đề xuất vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản trong “khu vườn mùa Xuân” này.

Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, trong thế giới ngày nay, tương lai vận mệnh của tất cả các quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, các nền văn minh khác nhau có thể cùng tồn tại, đồng thời đóng vai trò không thể thay thế trong thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của xã hội loài người. Từ đó, GCI kêu gọi tôn trọng sự đa dạng, phát huy các giá trị chung của nhân loại, xem trọng sự kế thừa và đổi mới văn minh, tăng cường giao lưu và hợp tác nhân văn quốc tế.

Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu (GIDS)

GIDS được Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra tại một hội thảo quốc tế về quản trị dữ liệu toàn cầu do Trung Quốc chủ trì tại Bắc Kinh ngày 8/9/2020. Phát biểu tại Hội thảo này, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, sự ra đời của GIDS là nhằm: ngăn chặn các hành động phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc sử dụng công nghệ thông tin để đánh cắp dữ liệu người dùng. Việc thực thi sáng kiến này sẽ giúp các quốc gia chống lại những hành vi phá hoại hạ tầng trọng yếu cũng như đánh cắp dữ liệu bằng công nghệ thông tin, và buộc các hãng công nghệ phải lưu trữ dữ liệu phát sinh ở nước ngoài tại quốc gia gốc của họ. Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu là cần thiết, trong bối cảnh các nguy cơ gia tăng trong vấn đề này, và đòi hỏi cần có một giải pháp toàn cầu.

Các nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc công bố GIDS trong bối cảnh rủi ro về bảo mật dữ liệu ngày càng tăng, đòi hỏi phải có một giải pháp toàn cầu. Cũng tại sự kiện này, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, “Điều cấp bách hiện nay là xây dựng các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu, phản ánh nguyện vọng và lợi ích của đa số các quốc gia”.

Trong khi đó, ông Lư Truyền Dĩnh, cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cho rằng, mục tiêu cơ bản của sáng kiến này chủ yếu là đối phó với các hành động thu thập thông tin bất hợp pháp từ bên ngoài đối với người dùng toàn cầu và an ninh mạng của các quốc gia. GIDS sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của người dùng để đưa ra các biện pháp đối phó với các mối nguy cơ đối với an ninh mạng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, các sáng kiến mới cần có thêm thời gian để có thể đánh giá một cách toàn diện, nhưng nó cho thấy sự điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm gia tăng mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu của Bắc Kinh trước một thế giới nhiều biến động và cạnh tranh nước lớn ngày càng rõ nét.

KHỦNG HOẢNG Y TẾ Ở HÀN QUỐC CHƯA NGÃ NGŨ

Tính đến nay, cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc đã bước sang ngày thứ 47 và chưa có dấu hiệu lắng dịu. Đây là điều được dư luận Hàn Quốc đặc biệt chú ý trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở nước này đang cận kề.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người dân Hàn Quốc đặc biệt quan tâm lớn đến việc giải quyết căng thẳng y tế hiện tại. Nhiều cử tri Hàn Quốc khi được hỏi đều trả lời rằng, họ mong muốn cuộc khủng hoảng y tế ở nước này sớm kết thúc trong bối cảnh nhiều bệnh nhân đang rất cần bác sĩ.

Cuộc khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc đến nay đã bước sang ngày thứ 47 và chưa có dấu hiệu lắng dịu. Cách đây 2 ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã lần đầu tiên có cuộc gặp với đại diện của Hiệp hội bác sĩ nội trú trong nỗ lực tìm tiếng nói chung để tháo gỡ căng thẳng y tế. Tuy nhiên, cuộc gặp dường như chưa mang lại kết quả mà hai bên mong muốn. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, cộng đồng y khoa Hàn Quốc nhận định cuộc đối thoại lịch sử mà họ mong đợi đã đi vào ngõ cụt. Trong khi trong thông điệp trên mạng xã hội, Tổng thống Hàn Quốc ngụ ý rằng cuộc gặp trên không đạt được kết quả mà như mong đợi của bác sĩ thực tập, do đó căng thẳng sẽ có thể kéo dài.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh: “Nếu các bác sĩ đưa ra giải pháp đúng đắn và hợp lý hơn, chúng ta có thể thảo luận bao nhiêu tùy ý. Chính sách của chính phủ luôn cởi mở. Nếu họ đưa ra những quan điểm tốt hơn và những căn cứ hợp lý, chính sách của chính phủ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.

Kể từ ngày 19/2 vừa qua, hàng nghìn bác sĩ nội trú, bác sĩ thực tập, giáo sư y khoa ở Hàn Quốc đồng loạt đình công, nghỉ việc để phản đối đề xuất tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh các trường y khoa của Chính phủ Hàn Quốc. Theo lộ trình, chính phủ nước này dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 2.000 sinh viên trong năm học 2025 và thêm 10.000 vào năm 2035. Cho đến nay, giới chức Hàn Quốc vẫn tuyên bố họ vẫn kiên quyết sẽ thực hiện tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Bởi theo lý giải của chính quyền, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở khu vực nông thôn và tình trạng thiếu bác sĩ ở các lĩnh vực y tế thiết yếu như nhi khoa và phẫu thuật thần kinh, cũng như giải quyết tình trạng dân số già.

Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử để bầu ra quốc hội khóa 22 ở Hàn Quốc vào ngày 10/4 tới. Việc giải quyết xung đột có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là vấn đề dân sinh thiết yếu, chi phối cuộc sống của nhiều người dân, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử.

ISRAEL TẬP KÍCH LEBANON TRẢ ĐŨA HEZBOLLAH

Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào Thung lũng Bekaa vài giờ sau khi máy bay không người lái của Israel bị bắn rơi trên bầu trời Li Băng.

Reuters dẫn 2 nguồn tin an ninh Li Băng ngày 6/4 cho biết cuộc tấn công của Israel nhằm vào một trại huấn luyện của nhóm vũ trang Hezbollah ở làng Janta, gần biên giới với Syria.

Các nguồn tin cho biết thêm, một trong những cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Safri, gần thành phố Baalbek ở phía đông và không có thương vong nào được báo cáo.

Trước đó, Hezbollah đã nhận trách nhiệm bắn hạ một máy bay không người lái của Israel vào ngày 6/4.

"Máy bay không người lái của quân đội Israel bị lực lượng kháng chiến Hồi giáo bắn hạ trên lãnh thổ Li Băng vào tối 6/4 thuộc loại Hermez 900", Hezbollah tuyên bố.

Kể từ khi cuộc chiến Hamas - Israel nổ ra vào ngày 7/10/2023, biên giới chung giữa Israel và Li Băng thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ, chủ yếu là giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah, đồng minh của Hamas tại Dải Gaza.

Hezbollah đã nhận trách nhiệm về việc sử dụng máy bay không người lái có vũ trang để tấn công các vị trí quân sự của Israel dọc biên giới phía bắc của Israel trong những ngày gần đây.

Hezbollah là nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shia được Iran hậu thuẫn và cũng là một đảng chính trị lớn hoạt động tại Li Băng.

Mỹ đã bày tỏ lo ngại về mặt trận thứ hai ở biên giới Israel - Li Băng, nếu lực lượng Hezbollah tham chiến. Trong khi đó, lực lượng Hezbollah tuyên bố đã "chuẩn bị đầy đủ" để tham gia cùng Hamas trong cuộc chiến chống lại Israel vào thời điểm thích hợp.

KINH HOÀNG ĐSQ MEXICO BỊ TẤN CÔNG, ECUADOR HỨNG BÃO NGOẠI GIAO

Ecuador đã hứng chịu chỉ trích từ các nước Mỹ Latinh, thậm chí bị cắt đứt quan hệ, sau khi lực lượng an ninh xông vào Đại sứ quán Mexico ở Quito để bắt giữ một cựu phó tổng thống đang tị nạn chính trị ở đây.

Lực lượng đặc biệt của Ecuador tối 5.4 đã bao vây Đại sứ quán Mexico ở Quito (thủ đô Ecuador) cùng với thiết bị phá tường, và ít nhất một đặc vụ đã trèo qua tường, trong vụ đột kích gần như chưa từng có tiền lệ nhằm vào các cơ sở ngoại giao vốn được coi là lãnh thổ có chủ quyền, bất khả xâm phạm, theo AFP.

Vụ đột kích được thực hiện để bắt giữ cựu Phó tổng thống Ecuador Jorge Glas, người đã ẩn náu trong Đại sứ quán Mexico từ tháng 12 năm ngoái và được nước này cấp quy chế tị nạn chính trị trước đó trong ngày 5.4. Ông Glas đã hai lần bị kết án vì tội tham nhũng và đang bị truy nã.

Sự việc đã khiến Mexico nhanh chóng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador, đánh dấu đỉnh điểm của một tuần chứng kiến căng thẳng ngoại giao leo thang nhanh chóng.

"Đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mexico", Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador của Mexico viết trên mạng xã hội X.

Theo nhà lãnh đạo, lực lượng Ecuador đã xông vào tòa nhà sứ quán Mexico theo cách "cưỡng ép" để bắt giữ ông Glas. Ông cũng cho biết Mexico sẽ khởi kiện Ecuador tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Công ước Vienna, điều ước điều chỉnh quan hệ quốc tế, quy định rằng một quốc gia không được phép xâm phạm các đại sứ quán nằm trên lãnh thổ của mình.

Nicaragua sau đó đã "nối gót" Mexico, trong khi các chính phủ trên khắp khu vực Mỹ Latinh - bao gồm Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Peru, Cuba, Bolivia và Venezuela - đã lên án Ecuador một cách kịch liệt, theo AFP.

Trong tuyên bố về việc chấm dứt "toàn bộ quan hệ ngoại giao" với Ecuador hôm 6.4, Nicaragua cho rằng việc xông vào Đại sứ quán Mexico là "hành động bất thường và đáng bị lên án", "vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn".

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil, quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu khu vực, đã lên án vụ việc "theo cách mạnh mẽ nhất" và bày tỏ tình đoàn kết với người đồng cấp Mexico. Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Brazil, hành động của Ecuador "phải bị phản đối mạnh mẽ, bất kể lý do biện minh cho việc thực hiện nó là gì", theo Reuters.

Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS, trụ sở tại Mỹ) cho biết trong một tuyên bố rằng họ phản đối "bất kỳ hành động nào vi phạm hoặc gây nguy hiểm cho quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan đại diện ngoại giao".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington lên án mọi hành vi vi phạm công ước bảo vệ các cơ quan ngoại giao, theo Reuters. Tuyên bố cũng nêu rằng Mỹ khuyến khích "hai nước giải quyết những bất đồng của họ theo cách phù hợp với các chuẩn mực quốc tế".

Trong ngày 6.4, Đại sứ quán Mexico tại Quito vẫn bị cảnh sát bao vây và quốc kỳ Mexico đã bị hạ xuống.

Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết các nhà ngoại giao của họ sẽ rời khỏi Ecuador trên các chuyến bay thương mại và với sự hỗ trợ của "các đại sứ quán thân thiện".

Nguồn cơn căng thẳng

Vụ xông vào đại sứ quán bắt người xảy ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mexico và Ecuador đã trở nên căng thẳng suốt thời gian qua.

Tổng thống Lopez Obrador đã khiến Quito khó chịu khi so sánh tình trạng gia tăng tội phạm ở Mexico trước cuộc bầu cử tháng 6 với bạo lực trong cuộc bầu cử năm 2023 ở Ecuador, trong đó ứng cử viên nổi tiếng Fernando Villavicencio bị ám sát, theo AFP.

Tổng thống Mexico cho rằng vụ sát hại ông Villavicencio đã khiến tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên cánh tả Luisa Gonzalez giảm sút, trong khi tỷ lệ ủng hộ chính trị gia trẻ tuổi Daniel Noboa tăng lên, giúp ông này đắc cử.

Tổng thống Noboa, 37 tuổi, lên nắm quyền vào cuối năm ngoái với cam kết sẽ trấn áp bạo lực do các băng nhóm ma túy gây ra, làm chao đảo quốc gia một thời rất yên bình.

Ông Noboa cho rằng bình luận của ông Lopez Obrador là một sự "xúc phạm" đối với Ecuador và ra lệnh trục xuất đại sứ Mexico, người chưa rời khỏi quốc gia Nam Mỹ hôm 6.4.

Đáp lại, Mexico cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Glas, động thái mà ông Noboa cho là "bất hợp pháp".

Trước vụ bắt giữ, Ecuador nói rằng theo các công ước quốc tế, "việc trao quyền tị nạn cho những người bị kết án hoặc bị truy tố vì các tội thông thường và bởi các tòa án thông thường có thẩm quyền là bất hợp pháp".

Ecuador không xa lạ với việc cấp quyền tị nạn cho những người muốn trốn tránh các vụ xét xử. Đại sứ quán nước này ở London là nơi ở của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, người khi đó tìm cách để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, trong suốt 7 năm.

Nguồn: Soha; Báo Quốc Tế; VOV; Dân Trí; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang