TP.HCM hướng tới thành phố điện ảnh; Chờ đợi gì ở Lý Hải; 'Sống mòn' bên mỏ đá Gần Reo; Hầm Bãi Gió tiếp tục sạt lở

TỔ CHỨC LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ, TP.HCM MUỐN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐIỆN ẢNH

Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) do UBND TP.HCM tổ chức, Sở VH-TT TP.HCM phối hợp một số đơn vị thực hiện, đã khép lại sau 8 ngày diễn ra sôi động, góp phần xây dựng hình ảnh TP.HCM, hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có việc tạo nên một 'thành phố điện ảnh'.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng khi gửi thư đọc trong lễ khai mạc HIFF 2024 đã khẳng định: "Điện ảnh - một lĩnh vực nghệ thuật đặc sắc, là cầu nối văn hóa quan trọng giữa các quốc gia. Điện ảnh vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và văn hóa, mở ra cánh cửa giao lưu, chia sẻ những câu chuyện, ý tưởng và cảm xúc đến từ mọi nơi trên thế giới. HIFF 2024 được tổ chức là minh chứng cho tiềm năng và sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật điện ảnh của nhiều quốc gia, trong đó có VN".

Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp điện ảnh

Trước đó, ngày 5.4, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì buổi làm việc về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn TP.HCM. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị TP.HCM nhanh chóng xây dựng đề án Thành phố sáng tạo để hòa vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) với định hướng TP.HCM trở thành "Thành phố điện ảnh", bên cạnh Hà Nội đã trở thành "Thành phố thiết kế sáng tạo" vào năm 2019, Đà Lạt là "Thành phố sáng tạo âm nhạc" và Hội An là "Thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian" (cùng được công nhận vào năm 2023).

"Thành phố điện ảnh" là khái niệm nói đến sự kết nối giữa địa phương và nền công nghiệp điện ảnh, như nhiều "Film City" trên thế giới được công chúng biết đến: Los Angeles (Mỹ), Cannes (Pháp), Mumbai (Ấn Độ), Busan (Hàn Quốc), Rome (Ý), Sydney (Úc)... Với vị thế là trung tâm văn hóa - kinh tế quan trọng của cả nước, TP.HCM đã ban hành chiến lược phát triển đến năm 2030, trong đó có chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh, xây dựng "Thành phố điện ảnh".

Nhận định về công nghiệp điện ảnh của TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo HIFF 2024, cho biết: "TP.HCM được xem là thị trường sản xuất và phát hành phim lớn của cả nước, với số lượng nhà làm phim lớn. Tiếp nối mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện ảnh mà Chính phủ đã đề ra, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, trong đó ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là 1 trong 8 ngành trọng tâm, với mục tiêu đề ra về chỉ số tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt trên 5.000 tỉ đồng (trong đó phim VN đạt khoảng 30% doanh thu), đóng góp khoảng 0,4% GRDP vào năm 2025.

Phát triển điện ảnh không chỉ đem lại lợi ích tài chính, mà còn là cội rễ văn hóa. Nền điện ảnh mạnh sẽ tạo tác động kép, góp phần xây dựng KT-XH, tạo dựng uy tín về giá trị tốt đẹp cho TP.HCM và cả VN. Muốn điện ảnh phát triển, TP.HCM phải đầu tư nghiêm túc, tiếp cận và khai thác tiềm năng sẵn có. HIFF được tổ chức với mong muốn tăng cường thu hút các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp văn hóa nói chung, đóng góp vào phát triển KT-XH cho TP.HCM".

Báo cáo của bà Ngô Thị Bích Hạnh, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Công ty BHD (hãng phim Việt) tại buổi tọa đàm Phát triển điện ảnh TP.HCM trong khuôn khổ HIFF, có nêu: "Năm 2023, VN có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia, trong khi dân số Indonesia là 277 triệu dân so với 100 triệu dân số VN), cao hơn 2,5 lần so với doanh thu phòng vé Thái Lan - quốc gia có nền điện ảnh phát triển trong khu vực. Thị trường điện ảnh VN đang tăng trưởng mạnh mẽ với bình quân tăng trưởng đạt 21%/năm giai đoạn trước Covid-19, là một trong những thị trường tiềm năng có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2022 - 2023".

TS Trương Minh Huy Vũ (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cũng thống kê: "VN có số phim nội địa ăn khách chiếm tỷ lệ lớn ở phòng vé, và thị trường TP.HCM là nơi có lượng khán giả đến rạp xem đông nhất cả nước với 56 cụm rạp chiếu phim. TP.HCM hiện có 819 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với 817 cơ sở (chiếm 99,75%). Đối với cơ sở sản xuất phim, hiện nay TP.HCM có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên".

Chính vì thế, lãnh đạo TP.HCM xác định ngành điện ảnh TP.HCM trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển với sự đầu tư ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào ngành điện ảnh, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hãng phim tư nhân với các dịch vụ đi kèm của ngành điện ảnh.

Tạo điều kiện sản xuất phim, huy động nhiều nguồn lực

NSND Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: "TP.HCM đang trong quá trình xây dựng báo cáo kỳ 2, điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Trong đó đã xác định: để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, thời gian tới sẽ bổ sung vào quy hoạch tổng thể TP.HCM các vị trí để phát triển ngành công nghiệp văn hóa; trong đó có các dịch vụ phục vụ hoạt động điện ảnh như phim trường, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất phim; trung tâm phức hợp bao gồm hệ thống rạp chiếu phim, nhà hát, khu vực dịch vụ…

Theo định hướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể, TP.HCM sẽ kiến tạo những không gian mới, phát triển theo mô hình đa trung tâm. Khi đó, sẽ xây dựng những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ TP.HCM như phát triển về hướng Củ Chi, Cần Giờ, quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa thành trung tâm dịch vụ văn hóa gồm: bảo tàng (trong đó có bảo tàng điện ảnh), nhà hát, trung tâm biểu diễn… xứng tầm trong thời gian tới. Sở VH-TT đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất cụ thể những nội dung liên quan đưa vào quy hoạch chung của TP.HCM, làm cơ sở để triển khai thực hiện".

Về chính sách đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, bên cạnh nguồn vốn ngân sách thành phố, hiện nay TP.HCM được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội là: "Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…". Ngày 8.12.2023, HĐND TP.HCM cũng đã ban hành Nghị quyết số 181 về danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, trong đó ngành VH-TT của TP.HCM có 23 dự án. Tất cả đã mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP.HCM trong thời gian tới.

Để phát triển cơ sở vật chất nền cho văn hóa, TP.HCM có lộ trình cụ thể, và lãnh đạo TP.HCM đã định hướng xây dựng các trung tâm phức hợp điện ảnh, phim trường... Bán đảo Thanh Đa sắp tới sẽ trở thành trung tâm phim trường lớn của TP.HCM, bên cạnh việc xây dựng phim trường hiện đại rộng hàng trăm héc ta tại Củ Chi để giải quyết bài toán trầm kha về trường quay, ngoài là nơi sản xuất phim còn phục vụ du lịch, giải trí...

TP.HCM đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim thực hiện các phim đề tài lịch sử, chính trị, cách mạng, có giá trị tích cực, ví dụ như phim Địa đạo quay ở Củ Chi vừa qua của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Lãnh đạo TP.HCM cũng đã tiếp thu các ý kiến về những khó khăn của giới làm phim để sớm cụ thể hóa chính sách xã hội hóa điện ảnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật để góp phần tạo ra nguồn lực mạnh, nâng cao chất lượng nền điện ảnh TP.HCM; các chính sách ưu đãi cần có về thuế, cơ chế khuyến khích đầu tư về điện ảnh (sản xuất, phát hành, dịch vụ); tinh gọn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, duyệt phim, tổ chức đoàn quay phim nơi công cộng...

NSND Thanh Thúy chia sẻ thêm: "Sau khi Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM 2024 khép lại, Sở VH-TT TP.HCM sẽ phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, tham mưu UBND TP.HCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và thể thao, nhằm kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các dự án".

SAU 6 MÙA, KHÁN GIẢ CÒN CHỜ ĐỢI GÌ Ở LÝ HẢI?

"Lật mặt 7" được dự đoán là một cú chuyển mình của Lý Hải. Anh lược bỏ phần lớn yếu tố giải trí, hướng đến việc xây dựng một tác phẩm thuần tâm lý, gia đình.

Kể từ thời điểm ra mắt, franchise Lật mặt đã trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc phim Việt hàng năm. Ngoại trừ thời điểm dịch, cứ mỗi năm, Lý Hải lại trình làng một phiên bản Lật mặt mới, phần sau hay hơn phần trước, doanh thu từng phim cũng tăng dần theo thời gian.

Đến nay, đã có 3 phần Lật mặt xuất hiện trong danh sách phim Việt trăm tỷ. Đặc biệt, phần gần nhất là Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh đã thu về 273 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong hàng ngũ những phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời, chỉ xếp sau 3 tác phẩm của Trấn Thành.

Thành công của franchise đến từ việc Lý Hải biết cách xây dựng những tình tiết đậm chất giải trí, “đánh trúng” vào thị hiếu khán giả Việt. Song đổi lại, các tác phẩm của anh lại thường bị chê bởi phát triển tâm lý nhân vật thiếu thuyết phục, đôi khi bóp méo chúng để phục vụ câu chuyện.

Trong lần trở lại này, Lý Hải dường như đã có nhiều đổi mới. Trailer mới nhất, Lật mặt 7: Một điều ước, không còn những tình tiết hành động, giật gân như các phim trước. Vị đạo diễn chủ đích tập trung hơn vào nhân vật, cố gắng xây dựng một bộ phim thuần tâm lý, từ đó tạo nên điểm tươi mới cho franchise đã đi đến phần thứ 7 của mình.

Sự nhạy cảm với thị hiếu đại chúng

Lý Hải không sở hữu kỹ thuật làm phim điêu luyện hay khả năng tạo nên những kịch bản đáng nhớ, dày lớp nghĩa, song anh lại có một thứ mà hiếm nhà làm phim nào chạm tới, đó là sự nhạy cảm với thị hiếu đại chúng.

Kể từ phần phim đầu tiên thết đãi khán giả những tràng cười sảng khoái cho tới sự kịch tính, gay cấn của Lật mặt 6, Lý Hải, bằng sự nhạy cảm và liều lĩnh, đã luôn biết cách đưa khán giả đắm chìm vào thế giới điện ảnh riêng biệt của mình. Ở đó, người ta dễ dàng nhận ra những điểm phi logic, những cái bị phóng đại hoặc làm ngờ nghệch đi, song họ vẫn chấp nhận bỏ qua để tận hưởng bầu không khí mà Lật mặt mang lại.

Là những câu bông đùa có phần ngây ngô, song khi đặt đúng ngữ cảnh, nó lại trở nên hài hước, lém lỉnh. Hay sự táo bạo trong ý tưởng, khi Lý Hải thường tạo ra những phân cảnh độc đáo, không ai tưởng tượng nổi, như cảnh đua xe lôi trong Lật mặt 5: 48h, hay những phân đoạn rượt đuổi bất chấp mọi quy luật trong Lật mặt 3: 3 chàng khuyết.

Chấp nhận sự thiếu thực tế của các phân đoạn đó là chấp nhận tách mình khỏi nhu cầu tìm kiếm những điều quá triết lý trong phim ảnh, nhúng bản thân vào sự giải trí đơn thuần, không quá sâu sắc nhưng đôi khi cũng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.

Nói không quá sâu sắc không có nghĩa là Lật mặt không có giá trị nhân văn. Ngược lại, phim của Lý Hải luôn hướng tới cái đích cuối cùng là đề cao tình cảm giữa người với người, là nghĩa vợ chồng, anh em, ruột thịt. Tuy nhiên, bởi cách truyền đạt có phần trực diện, đôi khi sa đà vào tính giải trí nên những thông điệp tốt đẹp đó hiện lên chưa thật sự mạnh mẽ.

Ăn khách là vậy, thế nhưng lối làm phim của Lý Hải khó lòng chinh phục được những người xem khó tính. Để chiều lòng đa số khán giả, vị đạo diễn đã đan xen nhiều thể loại nặng tính giải trí như hành động, giật gân, hài. Thậm chí trong phần Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh, yếu tố giật gân còn bị lạm dụng quá mức, gây tác dụng ngược, đôi lúc khiến người xem mệt mỏi.

Thêm vào đó, sự xuất hiện dày đặc của các tình tiết giải trí vô hình trung cũng lấy đi đất diễn của các nhân vật, khiến họ hoặc hiện lên một màu như vai chính Hiền (Võ Thành Tâm) trong Lật mặt 5, hoặc đôi khi có những chuyển biến tâm lý đột ngột, thiếu quá trình phát triển, khó lòng thuyết phục khán giả như nhân vật Liên (Diệp Bảo Ngọc) trong Lật Mặt 6.

Lý Hải làm mới franchise Lật mặt ?

Mới đây, Lý Hải đã tung ra trailer Lật mặt 7: Một điều ước, hé mở một phần câu chuyện. Nội dung chính xoay quanh bà Hai (Thanh Hiền), một người phụ nữ lớn tuổi, có 5 người con. Cả 5 giờ đây đã trưởng thành, đối diện với những khó khăn riêng trong cuộc sống, thế nên khó lòng phụng dưỡng mẹ già chu đáo.

Ngày nọ, bà Hai gặp tai nạn, phải ngồi xe lăn. Dù tất cả người con đều lo lắng, song không ai đủ khả năng chăm sóc bà. Bộ phim đan xen 2 tuyến truyện, một là khi bà Hai còn trẻ, hạnh phúc bên 5 đứa con bé bỏng. Tuyến truyện còn lại kể về những khó khăn mà các nhân vật phải đối diện hiện tại.

Dễ thấy, trong lần trở lại này, Lý Hải đã có những thay đổi rõ rệt. Anh lược bỏ đi các yếu tố hành động, giật gân, hài - thứ vốn đã tạo nên thương hiệu Lật mặt. Thay vào đó, vị đạo diễn tập trung hơn vào nhân vật, cố gắng khai thác mối quan hệ giữa họ.

Sự phức tạp ở chỗ, mỗi nhân vật đều có cái lý riêng của mình. Họ đều là những đứa con yêu thương mẹ, song vì những khó khăn trong cuộc sống mà khó lòng thực hiện điều mình mong muốn.

Cách tiếp cận của Lý Hải phần nào gợi nhớ về Bố già, tác phẩm gây tiếng vang một thời của Trấn Thành. Nếu Bố già nói về tình cha con, đặt nhân vật vào bối cảnh thành thị, khai thác yếu tố xung đột thế hệ, thì Lý Hải lại hướng máy quay vào tình mẫu tử ở gia đình nông thôn, nơi những đứa con phải xa quê hương lập nghiệp, từ đó dù yêu thương nhưng “lực bất tòng tâm”.

Sự thành công của Bố già đã chứng minh khán giả Việt rất quan tâm đến dòng phim gia đình, đặc biệt là các tác phẩm “đánh trúng” vào những trăn trở của họ. Những ngày vừa qua, Lật mặt 7: Một điều ước cũng thu hút sự quan tâm không nhỏ từ công chúng, nhận lời khen ở khoản chọn đề tài và xây dựng nhân vật.

Nhiều điểm tích cực là vậy, song đoạn trailer vừa qua cũng mở ra những bài toán tương đối hóc búa cho Lý Hải. Câu chuyện của Lật mặt 7: Một điều ước không quá mới mẻ. Điều này buộc vị đạo diễn phải tìm ra một cách kể mới, hoặc diễn đạt tình tiết thật sâu sắc, những thứ vốn chưa từng là điểm mạnh của anh.

Thêm vào đó, với xấp xỉ 50 diễn viên (trong đó có 15 diễn viên chính, thứ chính), con số có thể nói là khá lớn với một dự án điện ảnh, việc chia thời lượng lẫn phát triển nhân vật là điều không hề dễ dàng.

SỐNG MÒN BÊN MỎ ĐÁ GẦN REO, LÂM ĐỒNG

Người dân thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) phải chịu khổ vì tiếng ồn, bụi từ mỏ đá, nhất là việc chịu cảnh rung chấn vào ban đêm mỗi khi xe tải chở đá chạy qua.

Qua phản ánh của người dân, ngày 13.4, PV Thanh Niên đến thôn Gần Reo, chứng kiến cảnh người dân sống gần mỏ đá Gần Reo phản ánh đang phải chịu khổ vì tiếng ồn từ việc khai thác đá, chế biến cùng việc vận chuyển đá diễn ra ngày đêm trong nhiều năm qua.

Bụi mịt mù và tiếng ồn "tra tấn"

Quan sát của PV, tại mỏ đá có nhiều máy móc, phương tiện hoạt động, đứng cách xa khoảng 500 m vẫn nghe tiếng máy xay đá vận hành.

Con đường dân sinh trục chính qua thôn Gần Reo xe chở đá liên tục ra vào, hằng ngày người dân sống 2 bên đường phải gánh chịu bụi mù mịt, rung chấn do những xe tải lớn chở đá chạy qua.

Còn những hộ dân sống dọc con đường từ ngã ba nhà thờ của thôn đi vào mỏ đá Gần Reo, ngoài việc hứng bụi mù còn phải chịu tiếng ồn "tra tấn" từ sáng sớm đến chiều tối từ việc khai thác, chế biến đá.

Ông Lê Quang Vương (nhà gần mỏ đá Gần Reo) cho biết, gia đình ông phải chịu tiếng ồn, bụi mù từ nhiều năm qua. Vườn cà phê, vườn canh tác rau của gia đình ông và các hộ dân khác lấm lem bụi đất, đá. Ông mong muốn chủ đầu tư sớm trải nhựa con đường để thoát cảnh bụi mù mùa nắng, sình lầy mùa mưa.

Còn hộ ông Trương Thành Tư thì cho biết, vườn canh tác xà lách của gia đình ông ngoài việc hứng bụi, đá dăm từ đường tràn xuống vườn, vào mùa mưa nước còn chảy từ đường xuống ngập hết vườn.

Hứa làm đường nhưng cả chục năm không thấy

Ông K'Preo, nguyên Trưởng thôn Gần Reo, cho biết tình trạng mỏ đá Gần Reo gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm qua khiến người dân rất khổ cực. "Mỏ đá khai thác cả ngày có khi cả ban đêm. Xe chở đá đi tiêu thụ chạy cả đêm, mỗi khi qua ổ gà gây rung chấn khiến nhiều nhà sống 2 bên trục đường bị ảnh hưởng", ông K'Preo nói.

Cũng theo ông K'Preo, trước đây khi ông còn làm trưởng thôn, có cuộc họp UBND xã Liên Hiệp và chủ mỏ đá hứa sẽ làm đường nhựa cho bà con. Tuy nhiên, đến nay cả chục năm trôi qua nhưng không thấy làm đường.

Xung quanh vấn đến này, ông Huỳnh Thanh Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết, để trải nhựa con đường đi vào mỏ đá có 9 hộ phải thu hồi đất với diện tích gần 1.300 m2. Tuy nhiên do bà con chưa thống nhất giá đền bù nên chưa thể thực hiện.

Cũng theo ông Vũ, mỏ đá Gần Reo hiện do Công ty TNHH Tín Thái đang khai thác (trước đây mỏ đá này thuộc Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt). Theo giấy phép môi trường mà UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho chủ đầu tư, mỗi năm mỏ đá này được phép khai thác 100.000 m3 đá nguyên khối. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu đơn vị khai thác phải bảo đảm giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung và các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Cụ thể, yêu cầu bố trí thời gian khai thác phù hợp, các máy móc có tiếng ồn lớn không vận hành trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; hạn chế hoạt động đồng thời các máy móc có độ ồn cao.

Ngoài ra, mỏ đá phải gắn biển báo giao thông khu vực nội và ngoại mỏ. Trong quá trình vận chuyển các xe phải được phủ bạt kín thùng xe để hạn chế rơi vãi, phát tán bụi ra môi trường.

Cũng theo người dân, thời gian gần đây, chủ mỏ đá có cho phun nước con đường dân sinh mà xe chở đá chạy qua, tuy nhiên do trời nắng nóng và cường độ xe chạy lớn nên việc này như "muối bỏ bể". Vì thế, các hộ dân vẫn phải hứng bụi mỗi ngày.

SẠT LỞ TIẾP TỤC DIỄN RA Ở HẦM BÃI GIÓ, TÀU BẮC – NAM CHƯA THỂ THÔNG TUYẾN

Rạng sáng 13/4, khoảng 40m3 đất đá tiếp tục đổ xuống làm toàn bộ hệ thống gia cố trần hầm Bãi Gió bị sập, hiện chưa thể thông tuyến tàu Bắc - Nam.

Sự việc xảy ra vào ngày 12/4 khi khối lượng đất đá khoảng 180m3 sạt lở từ trần hầm Bãi Gió xuống đường ray khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị chia cắt.

Vị trí sạt lở kéo dài 20m, cách cửa phía Bắc hầm Bãi Gió (Khánh Hòa) khoảng 85m. Đoạn đường này nằm trong dự án cải tạo hầm yếu đang được thi công. Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng chức năng đã khẩn trương khắc phục hậu quả.

Sáng 13/4, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, đêm 12/4, đơn vị thi công cơ bản hoàn thành xử lý khối lượng đất đá sạt lở.

“Tuy nhiên, đến 4h30 sáng nay (13/4), khi chuẩn bị trả đường cho tàu chạy thì đất đá lại tiếp tục ập xuống ngày một nhiều hơn, khối lượng ước tính khoảng 40m3. Toàn bộ hệ thống gia cố phần trần hầm bị sập hoàn toàn, nhiều vết nứt hai bên vách trần hầm tiếp tục bị nứt. Đến nay chưa thể xác định được thời gian thông tàu", ông Vinh thông tin.

Hiện nhà thầu triển khai dự án thi công gói thầu cải tạo hầm yếu đã huy động hơn 40 công nhân. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đơn vị bảo trì đường sắt đã tăng cường thêm lực lượng từ Đội đường Đèo Cả (thuộc Công ty CP Đường sắt Phú Khánh) tập trung tại hiện trường để hỗ trợ sự cố.

Tính đến tối 12/4, đã có 8 đoàn tàu khách phải dừng lại tại các ga dọc tuyến gần khu vực sạt lở, bao gồm SE8, SE5, SE22, SE21, SE4, SE3, SE6 và SE1. Hơn 1.700 hành khách trên các tàu này đã được chuyển tải bằng đường bộ qua điểm sạt lở để tiếp tục hành trình.

Nguồn: VOZ; Zing News; Thanh Niên; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang