Tai nạn máy bay; Trăm thi thể trôi dạt ở Libya; Nga lạm phát bùng lên, động thái hiếm thấy; TQ lo quan hệ Nga-Triều

Tai nạn máy bay thảm khốc ở Brazil và Ý

Một vụ tai nạn máy bay xảy ra ở bang Amazonas, phía Bắc Brazil, khiến 14 người thiệt mạng vào ngày 16-9. Tai nạn xảy ra khi chiếc máy bay tư nhân đang hạ cánh giữa trời mưa lớn.

Một chiếc máy bay cỡ trung bình đang chở 12 khách du lịch thì gặp nạn vào buổi chiều 16-9 (theo giờ địa phương), khiến tất cả hành khách và 2 phi công thiệt mạng. Một số cơ quan truyền thông Brazil đưa tin có cả công dân Mỹ nằm trong số những người thiệt mạng.

Máy bay gặp nạn là một chiếc máy bay thương mại tư nhân.

Ông Edson de Paula Rodrigues Mendes - thị trưởng Barcelos, nơi xảy ra vụ tai nạn, đã xác nhận vụ việc. Tờ báo Mirror (Anh) cũng cho biết Bộ trưởng Bộ Phòng vệ Dân sự bang Amazonas (nơi có rừng nhiệt đới Amazon) xác nhận thảm kịch với các phóng viên và cho biết một đội phản ứng đã được cử đi.

Trong khi đó, hãng hàng không Manaus Aerotaxi đã ra một tuyên bố xác nhận vụ tai nạn và họ đang điều tra. Manaus Aerotaxi không cung cấp thông tin chi tiết về số người thương vong.

Manaus Aerotaxi cho biết: "Chúng tôi tôn trọng quyền riêng tư của những người liên quan vào thời điểm khó khăn này và sẽ sẵn sàng cung cấp tất cả thông tin và cập nhật cần thiết khi cuộc điều tra tiến triển".

Đoạn clip ghi lại hiện trường được tài khoản @choquei đăng lên X (tên mới của mạng xã hội Twitter) chú thích: "Chiếc máy bay bị rơi ở Barcelos, Amazonas, có 14 người. Tất cả mọi người đều thiệt mạng, bao gồm phi công và phi công phụ. Chiếc máy bay kiểu taxi hàng không đang chở khách du lịch Mỹ".

Wilson Lima, người phát ngôn của Thống đốc bang Amazonas, cho biết máy bay cất cách từ TP Manaus và đang trên đường tới Marcelos cách đó 400 km. Đây là khu vực rất nổi tiếng với khách du lịch thích câu cá vào thời điểm này trong năm.

Thảm kịch được cho là xảy ra khi máy bay tìm cách hạ cánh trong mưa lớn. Trang Portalt5.com đưa tin điều kiện thời tiết không thuận lợi và phi công có lẽ đã phạm sai lầm.

Thi thể của các nạn nhân đã được đưa ra khỏi hiện trường và được đưa đến một trường học địa phương vì khu vực gần nơi xảy ra tai nạn không có kho lạnh.

Vào sáng 17-9, một chiếc máy bay của Không quân Brazil sẽ đến Barcelos để vận chuyển các thi thể về cho gia đình nạn nhân. Trong khi đó, Lực lượng Không quân Brazil cũng đang hỗ trợ điều tra vụ tai nạn.

Văn phòng Thống đốc bang Amazonas cho biết mưa lớn trong khu vực đã khiến nhiều khu vực trong thành phố bị cắt điện và việc liên lạc khó khăn.

Ngày 16-9, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho biết một máy bay phản lực quân sự của nước này đã bị rơi trong một cuộc tập trận ở TP Turin, đâm vào một chiếc ô tô chở cả gia đình đang đi du lịch và khiến một bé gái 5 tuổi thiệt mạng.

Hãng thông tấn Ý AGI đưa tin anh trai 9 tuổi của bé gái bị thương nặng, trong khi cha mẹ và phi công lái máy bay không gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Phó thủ tướng Matteo Salvini chia sẻ trên X (Twitter) rằng vụ tai nạn là một "thảm kịch khủng khiếp". Ông cho biết phi công đã thoát ra khỏi máy bay bằng cách nhảy dù. Một đoạn video cho thấy phi công may mắn thoát khỏi máy bay, sau đó là một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên gần sân bay Turin. Khi máy bay lao xuống đất, khói đen dày đặc bốc lên.

Theo truyền thông địa phương Ý, điều tra ban đầu cho thấy máy bay có thể đã va chạm với một đàn chim, một con chui vào động cơ và dẫn đến hỏng động cơ.

Hàng trăm thi thể dạt vào bờ biển Libya

Đội cứu hộ của Malta cử đến Libya hỗ trợ ứng phó thảm họa lũ quét đã tìm thấy hàng trăm thi thể các nạn nhân dạt vào bờ biển.

"Chúng tôi tìm thấy khoảng 400 thi thể, nhưng thật khó để đưa ra con số chính xác", Natalino Bezzina, chỉ huy đội cứu hộ 72 người được Malta cử đến hỗ trợ thành phố Derna của Libya, ngày 16/9 thông báo.

Theo Bộ Phòng vệ Dân sự Malta, khu vực tập trung số lượng lớn thi thể các nạn nhân lũ quét được tìm thấy bởi 4 chuyên viên cứu hộ vào sáng 15/9, khi họ dùng thiết bị bay không người lái để tìm kiếm nạn nhân trôi dạt ngoài biển.

Ban đầu nhóm xác định được 7 thi thể, với ba nạn nhân là trẻ em, trong một hang động nửa chìm nửa nổi ven biển.

Tuy nhiên, càng tổ chức tìm kiếm xa hơn dọc bờ biển Derna cùng người dân và lực lượng cứu hộ địa phương, nhóm chuyên viên Malta càng phát hiện thêm nhiều nạn nhân. Phần lớn thi thể dạt vào một vịnh nhỏ gần thành phố.

Nỗ lực trục vớt các thi thể khỏi vịnh gặp nhiều khó khăn do gió mạnh. Nhóm cứu hộ Malta bước đầu đưa được 10 thi thể khỏi khu vực, sau đó hỗ trợ lực lượng cứu hộ và người dân địa phương đưa thêm 60 thi thể vào đất liền. Các đội cứu hộ sau khi thu thập thi thể sẽ bàn giao về đầu mối chung là cơ quan chính quyền Libya.

Cũng trong ngày 15/9, đội cứu hộ Malta hỗ trợ giải cứu một thợ lặn Libya gặp nạn khi đang tìm kiếm nạn nhân. "Nhân viên cứu hộ Libya khi được đưa vào bờ không còn mạch, nhưng đội y tế đã hồi sức cho anh ấy thành công, sau đó chuyển anh đến khu cấp cứu", Bezzina cho biết.

Bezzina cho biết người dân Libya rất xem trọng nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân ở Derna vì họ mong muốn được chôn cất người thân theo đúng phong tục và quy định tôn giáo.

Mưa lớn do ảnh hưởng của bão Daniel hồi đầu tuần khiến hai con đập trên thượng nguồn con sông chảy qua thành phố Derna bị vỡ, dòng nước lũ ào ạt đổ về đô thị 90.000 dân, tàn phá và cuốn trôi mọi thứ ra biển.

Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Libya ngày 14/9 cho biết 11.300 người được xác nhận đã thiệt mạng trong thảm họa lũ quét ở Derna, trong đó gần 2.000 thi thể đã bị lũ cuốn ra biển. Giới chức thành phố Derna tin rằng số người chết có thể lên tới 20.000.

Derna đã trải qua nhiều chính quyền khác nhau, nhưng nhìn chung khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo ở miền đông.

Các đội cứu hộ từ Ai Cập, Tunisia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã đến Libya. Thổ Nhĩ Kỳ cử tàu chở thiết bị tới thành lập hai bệnh viện dã chiến. Italy gửi ba máy bay tiếp tế và nhân sự cùng hai tàu hải quân. Tuy nhiên, các tàu gặp khó khăn trong việc dỡ hàng vì cảng Derna gần như không thể sử dụng được.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ trích hai triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ các nạn nhân, gọi lũ lụt Libya là "thảm họa có quy mô lớn".

Lạm phát lại bùng lên tại Nga

(Ảnh minh họa).

Chứng kiến đợt lạm phát mới đang bùng lên, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) vừa nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản hôm 15/9.

Giá thực phẩm và các hàng hóa cơ bản khác tại Nga đang leo thang. Theo dữ liệu của chính phủ nước này, tháng 8, trái cây và rau quả có giá cao hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, thịt gà và trứng cũng lần lượt tăng 15% và 12%. Du lịch nước ngoài đắt hơn gần 40% sau khi đồng ruble mất giá mạnh trong năm nay.

Theo khảo sát tháng 8 của tổ chức bỏ phiếu FOM, các phụ huynh cho biết chi tiêu cho đồng phục và quần áo con cái đã tăng trung bình lên 15.000 ruble, tương đương khoảng 156 USD, từ mức 10.000 ruble vào năm ngoái.

Nhìn chung, lạm phát tháng trước đã đạt 5,2%, gấp đôi mức 2,3% hồi tháng 4. Để kiềm chế giá cả tăng cao, hôm 15/9, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) nâng lãi suất chủ chốt từ 12% lên 13%.

Mới tháng trước, CBR cũng đã nâng lãi suất mạnh đến 350 điểm cơ bản (3,5%), nhằm ngăn chặn đợt bán tháo ruble. Ngân hàng trung ương Nga cho biết khả năng tiếp tục nâng lãi do "rủi ro làm tăng lạm phát đáng kể đã hình thành" trong nền kinh tế.

Ruble trượt giá, chi tiêu quân sự bùng nổ và tình trạng thiếu lao động dai dẳng là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao những tháng gần đây. Nga đã trải qua một đợt lạm phát cao năm ngoái, sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt. Nhưng giá cả sau đó tạm thời hạ nhiệt.

Lạm phát bùng lên lại là mối lo ngại lớn với chính phủ nước này, vốn đang tìm cách bảo vệ người dân trong nước khỏi tác động của các lệnh trừng phạt. Nền kinh tế Nga từng vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất nhờ chi tiêu khổng lồ của chính phủ và khả năng tìm kiếm đối tác thương mại mới của Điện Kremlin.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế hôm 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nếu chính quyền không can thiệp sẽ dẫn đến lạm phát tăng không kiểm soát. "Thực tế là không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh trong điều kiện lạm phát cao. Không có quyết định tốt và rất tốt ở đây, mà là những quyết định khó khăn", ông cho biết.

Còn nhiều thách thức đang ở phía trước. Theo cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương, kỳ vọng lạm phát của các doanh nghiệp Nga trong tháng 9 đã ở mức cao nhất kể từ đợt tăng vọt do lệnh trừng phạt gây ra vào năm ngoái.

Sergey Shagaev, tài xế 49 tuổi ở thành phố Saransk, cách Mokva khoảng 640 km về phía Đông Nam, cho biết gia đình ông phải giảm ăn thịt và nghỉ mát. "Hiện chi cho thực phẩm và nhà ở là hết tiền. Những người tôi quen biết đều nghèo hơn", ông nói. Trước đây, gia đình Sergey Shagaev thường đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ hai lần một năm. "Nhưng giờ chúng tôi đã quên mất Thổ Nhĩ Kỳ ở đâu", ông nói vui.

Theo khảo sát hồi tháng 7 của công ty nghiên cứu Romir, cứ năm người Nga thì một người có kế hoạch giảm chi tiêu cho thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Khoảng 28% đang tìm việc làm thêm.

Ở các thành phố lớn, nơi mức lương cao hơn, lạm phát được cảm nhận qua các hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn. Dmitriy, lập trình viên 25 tuổi sống tại St. Petersburg, nói rằng giá cả của quần áo hiệu, ôtô và đồ điện tử đã tăng mạnh do ruble mất giá. Trái lại, thu nhập của anh không thay đổi.

"Nếu ruble tiếp tục giảm giá, có lẽ tôi sẽ nghĩ đến việc làm từ xa để nhận ngoại tệ hoặc chuyển đến châu Âu," anh nói. Người tiêu dùng Nga cũng đang tìm kiếm hàng giảm giá từ balô đến sốt cà chua trên mạng xã hội Telegram. Cơ quan chống độc quyền liên bang gần đây đã yêu cầu các nhà bán lẻ điện tử giữ nguyên giá các sản phẩm cơ bản như tivi, máy giặt và máy pha cà phê.

Tác động từ việc CBR thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát và giữ giá ruble có thể bị hạn chế. Đợt tăng lãi suất lớn vào tháng 8 diễn ra sau khi các chính trị gia Nga công khai chỉ trích chính sách của ngân hàng trung ương là quá lỏng lẻo, chỉ tạm thời thúc đẩy đồng tiền. Ruble vẫn giảm hơn 20% so với USD và euro trong năm nay. CBR trước đây ước tính rằng cứ mỗi lần ruble giảm 10%, lạm phát sẽ tăng thêm một điểm phần trăm, do hàng nhập khẩu tính bằng ruble trở nên đắt hơn.

Trước xung đột Ukraine, CBR tác động đến giá trị của ruble bằng cách sử dụng dự trữ để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Họ cũng khuyến khích người nước ngoài mua tài sản bằng ruble, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ, với lãi suất cao hơn. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm suy yếu những công cụ đó. Giá trị ruble giờ chủ yếu được hỗ trợ bởi doanh thu bán năng lượng của Nga.

Dietmar Hornung, Phó giám đốc điều hành tại Moody's Investor Service, cho biết lãi suất cao hơn "có lẽ là đòn bẩy duy nhất mà họ (CBR) có vào lúc này". "Nhưng hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh hạn chế của nền kinh tế Nga, là rất ít", ông nói.

Lạm phát tăng càng làm tăng chênh lệch giàu nghèo. Nhà giàu Nga đã chuyển hàng tỷ USD vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài từ tháng 2/2022, và những khoản tiết kiệm đó có giá trị cao hơn khi ruble giảm giá trị.

"Lạm phát tăng chỉ gây thiệt hại cho những người có thu nhập thấp hơn", Sofya Donets, nhà kinh tế Nga tại Renaissance Capital, nói. Bà dự đoán rằng nhu cầu yếu hơn và ít kích thích từ phía chính phủ sau cuộc bầu cử Tổng thống sẽ đưa lạm phát ở Nga giảm xuống mức 4% vào nửa cuối 2024.

Động thái hiếm thấy của Nga gây bất ngờ: Đưa tàu 'không nón, giáp' tiến vào tuyến đường nguy hiểm nhất hành tinh

Lần đầu tiên động thái này của Nga được ghi nhận ở Tuyến đường biển Bắc - nơi được mệnh danh là "nguy hiểm nhất hành tinh".

Tuyến đường nguy hiểm nhất hành tinh

Tờ Financial Times (FT) cho hay, Nga đã lần đầu tiên cho phép các tàu chở dầu chưa được gia cố đi qua Tuyến đường biển phía Bắc đầy băng giá của nước này.

Hai tàu chở dầu đã được cấp phép trong tháng 8 vừa qua để thực hiện hành trình dài 3.500 dặm dọc theo bờ biển phía bắc của Nga. "Chưa được gia cố" ở đây có nghĩa các tàu này chưa được tăng cường thêm trang bị để có thể chịu được điều kiện băng giá. Chúng là các tàu thân mỏng.

Những con tàu này đã khởi hành tới Trung Quốc vào đầu tháng 9, và lần đầu tiên vượt qua một trong những tuyến đường băng đá nguy hiểm nhất hành tinh.

Trong những năm gần đây, Moscow đã dành nhiều lời ca ngợi cho Tuyến đường biển Bắc. Nó nằm hoàn toàn trong vùng biển Bắc Cực và là tuyến đường vận chuyển ngắn hơn tới Trung Quốc. Vào mùa hè, việc di chuyển qua tuyến đường này nhanh hơn nhiều so với con đường truyền thống qua Kênh đào Suez.

Động thái đưa các tàu chở dầu chưa gia cố đi qua Tuyến đường biển Bắc cho thấy Moscow đang sử dụng tuyến đường này thường xuyên hơn để giảm thời gian di chuyển tới các thị trường châu Á.

Chuyến hành trình phổ biến nhất đi từ cảng Primorsk (phía bắc Nga), qua kênh đào Suez để tới Trung Quốc sẽ mất 45 ngày. Trong khi đó, nếu đi qua Tuyến đường biển Bắc, thời gian chỉ mất 35 ngày (rút ngắn 10 ngày). Viktor Katona - nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler - cho biết, Nga có thể tiết kiệm khoảng nửa triệu USD mỗi chuyến đi chỉ nhờ tiết kiệm nhiên liệu.

Năm 2022, mới chỉ có 1 tàu chở dầu mang tên Vasily Dinkov của Nga được gia cố chắc chắn để vận chuyển dầu thô của nước này tới Trung Quốc qua Tuyến đường biển Bắc. Nó được gọi là tàu lớp băng.

Bước sang năm 2023, theo dữ liệu theo dõi tàu biển từ Kpler, số lượng các tàu tương tự đã tăng lên 10 tàu. Bên cạnh đó, thêm 1 tàu gia cố chở Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vừa hoàn thành hải trình trong tuần này.

Kế hoạch của Nga

Theo tờ Arctic Today, các quan chức Nga từ đầu năm 2023 đã công bố kế hoạch đưa các chuyến dầu thô qua Tuyến đường biển Bắc bằng các tàu chở dầu chưa gia cố.

Nhà điều hành tàu NS Breeze Shipping đã nhận được sự cho phép từ Rosatom, giấy phép xác nhận rằng tàu NS Bravo và Leonid Loza không thuộc lớp băng, nhưng được phép di chuyển mà không cần trợ giúp trong vùng nước không có băng. Trong điều kiện băng nhẹ, chúng sẽ có tàu phá băng hộ tống đi kèm.

Trên đường tới Trung Quốc, tàu Leonid Loza sẽ đi qua eo biển Bering tiếp giáp với đường bờ biển phía tây của Alaska. Cho tới nay, tàu chở dầu đi qua eo biển này vẫn rất hiếm.

Hãng thông tấn TASS (Nga) cho biết, tàu chở dầu Leonid Loza và NS Bravo thuộc sở hữu của PJSC Novoship - một công ty con của tập đoàn Nga Sovcomflot. Cả hai tàu đều được đóng và hạ thủy lần lượt tại Trung Quốc vào năm 2010 và 2011.

Trả lời FT, tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom (Rosatom) cho biết, "điều kiện hàng hải được cải thiện trong những tháng mùa hè và mùa thu đã cho phép các tàu không thuộc lớp băng hoạt động an toàn".

Tập đoàn này nhấn mạnh rằng, tất cả các tàu của Nga đi qua Tuyến đường biển Bắc đều được kiểm tra nghiêm ngặt, và những cân nhắc về môi trường "luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của Rosatom".

Các chuyên gia vận tải cho biết, về mặt lý thuyết, các tàu chở dầu chưa được gia cố vẫn có thể di chuyển qua Tuyến đường biển Bắc trong tháng 9 và tháng 10, do khí hậu mùa hè khiến lớp băng ở đây giảm xuống mức mỏng nhất. Song, vẫn tồn tại những rủi ro nhất định do các tảng băng có thể "bẫy" tàu thuyền.

Một trong hai tàu chở dầu mang tên NS Bravo đang chở khoảng 1 triệu thùng dầu trên đường đến cảng Nhật Chiếu (miền đông Trung Quốc). Trong khi đó, chiếc còn lại mang tên Leonid Loza, đang chở cùng một lượng dầu tới miền đông Trung Quốc, tuy nhiên, nó rời cảng Murmansk vào ngày 9/9, sau tàu NS Bravo vài ngày.

Trung Quốc có thể lo lắng trước mối quan hệ Nga-Triều

(Ảnh minh họa).

Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc, theo dõi hội nghị thượng đỉnh lịch sử Nga-Triều tuần này từ bên lề, có thể hoan nghênh sự thúc đẩy cho cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine nhưng lo ngại rằng quốc gia khách hàng lâu năm của họ ở Bình Nhưỡng có thể tuột khỏi tầm kiểm soát của họ.

Theo Thông tấn xã Yonhap ở Seoul, chuyến tàu chống đạn màu xanh lá cây của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã hướng tới Komsomolsk-on-Amur, một thành phố ở vùng Khabarovsk xa xôi của Nga, hôm 14/9 sau khi họp thượng đỉnh với ông Putin một ngày trước đó.

Tại Komsomolsk-on-Amur, ông Kim theo lịch trình gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và thăm cơ sở sản xuất máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi. Từ đó, ông sẽ hướng tới Vladivostok để thăm hạm đội Thái Bình Dương của Nga trước khi trở về Bình Nhưỡng.

Trung Quốc và Nga, các nước xã hội chủ nghĩa chuyên quyền, đã hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều thập niên. Hai bên trở nên thân thiết hơn bao giờ hết khi tìm cách chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Nhưng các chuyên gia cho rằng sự chuyển hướng của Triều Tiên hướng về Moscow có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy như thể ông Kim đã tìm được người theo đuổi mới.

Các chuyên gia cho biết, hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim với ông Putin hôm 13/9 tại sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng viễn đông Amur của Nga đã thiết lập lại mối quan hệ chiến lược của Bình Nhưỡng với Moscow dựa trên nhu cầu và mục tiêu quân sự chung của họ.

Ông Putin cần đạn pháo và đạn dược để duy trì cuộc chiến ở Ukraine. Ông Kim cần trợ giúp về mặt công nghệ để đưa một vệ tinh do thám vào quỹ đạo sau những nỗ lực thất bại vào tháng 5 và tháng 8 năm nay.

Nhu cầu hội tụ đã đưa họ đến với nhau lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2019.

‘Đó là lý do chúng tôi đến đây’

Mặc dù thông tin cụ thể về hội nghị thượng đỉnh tuần này không được công bố trước công chúng, nhưng dường như cả ông Kim và ông Putin đều gợi ý rằng họ sẽ đáp ứng nhu cầu của nhau bất chấp các lệnh trừng phạt và lo ngại quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 13/9: “Mối quan hệ đang tiến triển giữa Nga và Triều Tiên hiện đang vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”. “Chúng tôi không muốn thấy Nga ở vào vị thế có thể tăng cường khả năng xử lý cuộc xâm lược tại Ukraine và chúng tôi cũng không muốn thấy Triều Tiên được hưởng lợi từ bất kỳ công nghệ nào họ có thể nhận được từ Nga.”

Trước cuộc gặp, ông Putin đã đưa ông Kim đi tham quan sân bay vũ trụ và gợi ý ông sẽ cung cấp công nghệ vệ tinh mà ông Kim đang cố gắng hoàn chỉnh. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đến đây,” ông Putin nói.

Trước cuộc gặp riêng, ông Kim nói Bình Nhưỡng sẽ sát cánh cùng Moscow trong “cuộc chiến chống lại các thế lực bá quyền” và cam kết cung cấp “sự hỗ trợ đầy đủ và vô điều kiện cho mọi biện pháp” mà Nga thực hiện trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Kim cũng cho biết mối quan hệ của Bình Nhưỡng với Moscow là “ưu tiên hàng đầu”.

Ông Putin nói trước cuộc gặp trực tiếp rằng ông dự định thảo luận với ông Kim về các vấn đề bao gồm kinh tế, viện trợ nhân đạo và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tại buổi tiếp tân sau cuộc hội đàm, ông Putin đã chấp nhận lời mời của ông Kim, đồng ý tới thăm Bình Nhưỡng, theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA.

Là nhà cung cấp viện trợ chính và đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên, Trung Quốc trong nhiều năm đã nắm giữ đòn bẩy đáng kể đối với Bình Nhưỡng. Nhưng bây giờ, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể cảm thấy lo lắng rằng Bình Nhưỡng đang nghiêng quá nhiều về Moscow và bắt đầu tuột khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông Gary Samore, cựu điều phối viên Toà Bạch Ốc về kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới thời chính quyền Obama, cho biết Trung Quốc có thể bị mâu thuẫn tư tưởng về các thỏa thuận vũ khí này.

Ông Samore nói: “Một mặt, Bắc Kinh muốn ông Putin sống sót trong cuộc chiến Ukraine, vì vậy họ có thể hoan nghênh viện trợ quân sự của Triều Tiên cho Nga”. “Mặt khác, Bắc Kinh có thể lo lắng rằng việc Nga chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến cho Triều Tiên có thể làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và củng cố liên minh Mỹ-[Hàn Quốc]-Nhật Bản.”

Mỹ-Nhật-Hàn

Vào tháng 8, Washington, Seoul và Tokyo đã đồng ý tăng cường phòng thủ chống lại Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh ở Trại David, Mỹ. Họ đồng ý tổ chức các cuộc tập trận ba bên thường xuyên và chia sẻ dữ liệu cảnh báo phòng thủ phi đạn đạn đạo sống động.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã nói chuyện với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 14/9 về cuộc gặp Putin-Kim và nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết tham vấn chống lại các mối đe dọa chung - một cam kết được đưa ra tại Trại David - và hợp tác trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không muốn sánh ngang với Nga trong việc cung cấp công nghệ vũ khí tiên tiến cho Triều Tiên, ít nhất là một cách rõ ràng. Họ nói rằng Bắc Kinh không muốn làm xấu đi hình ảnh quốc tế của mình bằng cách hỗ trợ một quốc gia bị ruồng bỏ, có nguy cơ làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ với Mỹ và có nguy cơ trở nên bị cô lập như Nga.

Ông Ken Gause, giám đốc các dự án đặc biệt cho Chương trình Phân tích Chính sách và Chiến lược tại tổ chức nghiên cứu CNA và là chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên, cho biết Trung Quốc ngày càng muốn trở thành “một cường quốc thế giới” và đang suy nghĩ “toàn cầu, không chỉ khu vực”.

Ông Gause nói: “Họ không thể đi quá xa về vấn đề quốc phòng ở Đông Bắc Á vì nó có thể có tác động tiêu cực đến những gì họ đang làm trên thế giới”, bao gồm cả Sáng kiến Vành đai và Con đường toàn cầu của Bắc Kinh.

Ông Gause cho biết Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình đối với Nga để ngăn cản Moscow gây nguy hiểm cho an ninh của Đông Bắc Á khi cấp cho Bình Nhưỡng “tất cả các loại công nghệ nhạy cảm”.

Ông cho biết những gì Triều Tiên nhận được từ Nga sẽ cho thấy lập trường của Moscow đối với Bắc Kinh. Nếu Bình Nhưỡng có được công nghệ quân sự tiên tiến như công nghệ tàu ngầm thì điều đó cho thấy “Nga đang vô cùng tuyệt vọng” và “Nga không quan tâm đến những gì Trung Quốc nói”.

Hợp tác kinh tế với Trung Quốc

Nga đã trở nên phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc kể từ khi xâm lược Ukraine, dẫn đến nhiều chế tài từ Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này.

Ông Putin nói tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok hôm 12/9 rằng hợp tác kinh tế của Moscow với Bắc Kinh đã “đạt đến mức rất cao”, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 13/9, theo hãng tin Interfax có trụ sở tại Moscow, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có kế hoạch thăm Moscow vào ngày 18/9 để hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.

Bất chấp những khác biệt có thể tồn tại giữa ba quốc gia chuyên quyền, ông Zack Cooper, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia tại Hội đồng An ninh Quốc gia và hiện là thành viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói sẽ khó có thể tạo ra “một chia rẽ nghiêm trọng” trong Quan hệ giữa Bắc Kinh-Moscow- Bình Nhưỡng khi họ “ngày càng” đi theo hướng chống lại Mỹ và các đồng minh chủ chốt của Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14/9 rằng “Trung Quốc và Nga đã liên lạc chặt chẽ về quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực”.

Nguồn: CafeF; Vnexpress; 24h Money; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang