Sân chơi mua bán điện trực tiếp; Gói 125.000 tỉ giải ngân chưa tới 1%; Cao tốc bị cắt điện vì nợ tiền; Cao tốc 9.900 tỷ nguy cơ chậm tiến độ

CUỘC CHƠI MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP CHỈ DÀNH CHO CÁC “ÔNG LỚN”?

Theo kế hoạch, có thể trong tuần này hoặc chậm nhất sang ngày đầu tuần sau, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ dự thảo tờ trình và dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và các khách hàng sử dụng điện lớn.

20 khách hàng muốn mua gần 1.000 MW

Có thể thấy, thời gian còn rất ít, thế nên sau cuộc họp báo cáo với Phó thủ tướng Chính phủ ngày 10.4, hơn 10 ngày qua, Bộ Công thương đã công bố 2 lần bản dự thảo với nhiều quy định được chỉnh sửa sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và góp ý của các bộ, ngành liên quan.

Tại bản dự thảo 2 về cơ chế DPPA được đăng tải trên website của Bộ Công thương vào cuối tuần qua, Bộ đề xuất 2 chính sách lớn gồm: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng; mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia.

Với phương án 1, các bên phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư (bao gồm quy hoạch phát triển điện lực); chủ đầu tư nguồn điện phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, vận hành (gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; có hợp đồng mua bán điện… Giá bán điện sẽ do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp phát điện là đơn vị bán lẻ điện tại các khu công nghiệp kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện khác.

Phương án 2 đòi hỏi đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất thiết kế từ 10 MW trở lên. Còn khách hàng sử dụng điện lớn, chỉ áp dụng với tổ chức, cá nhân mua điện đấu nối từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hằng tháng từ 500.000 kWh, mua qua các tổng công ty điện hoặc các đơn vị bán lẻ điện.

Theo Bộ Công thương, khảo sát cả bên đầu tư điện tái tạo và bên có nhu cầu sử dụng điện lớn (khoảng 1 triệu kWh/tháng trở lên) đều mong muốn tham gia cơ chế DPPA nhằm đạt được các mục tiêu phát triển xanh phù hợp xu hướng chung của thế giới. Cụ thể, phía bán điện có 24 dự án (điện gió và điện mặt trời - ĐMT) với tổng công suất đặt 1.773 MW muốn tham gia cơ chế DPPA; 17 dự án với công suất đặt 2.836 MW đang cân nhắc về điều kiện tham gia và đặc biệt là khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng. Với bên mua (chủ yếu các tổ chức đang mua điện phục vụ mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên), có 20 khách hàng với tổng nhu cầu khoảng 996 MW.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), chia sẻ: dự thảo nghị định về cơ chế DPPA dựa trên nguyên tắc là giúp doanh nghiệp (DN) linh hoạt, chủ động đàm phán có giá cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu cụ thể của mình. Bộ Công thương sẽ thiết lập khung pháp lý và quy định rõ ràng, đảm bảo tính công khai, minh bạch và bảo vệ lợi ích các bên tham gia. Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế giám sát và kiểm soát, đảm bảo các quy định và quy tắc trong quá trình mua bán DPPA được tuân thủ. "Mục tiêu của cơ chế DPPA là nhằm khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo và tạo động lực cho các DN tham gia thị trường, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch", ông Hòa nhấn mạnh.

Cần mở rộng đối tượng được mua bán điện trực tiếp

Trong khi các "khách hàng lớn" thở phào nhẹ nhõm thì nhiều chủ đầu tư điện tái tạo cho rằng cần mở rộng đối tượng được tham gia mua bán điện trực tiếp hơn. Bởi thực tế, rất nhiều khách hàng đã có nguồn điện sạch sẵn kế bên, muốn mua dùng nhằm đạt được tín chỉ xanh để bán hàng. Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, phân tích, cơ chế DPPA chỉ dành cho xây dựng các dự án điện tái tạo lớn (farm) chứ không phải dành cho ĐMT dân dụng, áp mái nhỏ, mái nhà máy xí nghiệp. Quy định phải có sản lượng tiêu thụ trung bình hằng tháng từ 500.000 kWh, thì DN dùng 499.000 kWh/tháng không thể tham gia. Trong khi số DN tiêu thụ hàng trăm ngàn kWh điện mỗi tháng là không hề ít.

"Việc xây dựng cơ chế nếu cứ bó hẹp trong quy định phải dùng hết 500.000 kWh điện/tháng mới được tham gia mua trực tiếp có gì đó trái với cơ chế cũng đang lấy ý kiến là khuyến khích lắp đặt ĐMT áp mái, dân dụng hay nhà máy xí nghiệp với mục đích tiêu thụ điện tại chỗ. Nhiều DN sản xuất đang tiêu thụ dưới 500.000 kWh điện/tháng có nhu cầu lớn về các chứng chỉ xanh, tín chỉ carbon với hàng hóa. Nay có mái nhà xưởng bên cạnh đang lắp ĐMT để bán, nhưng vì nhà xưởng dùng không hết 500.000 kWh điện trong 1 tháng, vậy muốn mua trực tiếp, DN sẽ tuân theo cơ chế nào? Theo tôi, cơ chế DPPA nên nới rộng đối tượng được mua trực tiếp", ông Việt nêu quan điểm.

GS-TSKH Trần Đình Long (Viện Điện lực VN) cho rằng việc có được nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp là một bước tiến trong tiến trình xây dựng thị trường mua bán điện. Cơ chế này rất quan trọng, nhưng có thể coi là thí điểm chứ trong thực tế chưa giải quyết, tháo gỡ hết những vướng mắc của ngành điện, đặc biệt là chính sách với năng lượng tái tạo.

"Tiêu thụ điện ưu tiên vẫn phải kết nối lưới điện an toàn. Nên phương án đầu tư lưới riêng để bán điện chắc chắn sẽ có ít nhà đầu tư tham gia vì cần khoản tiền rất lớn, trong khi họ chưa bán được điện do cơ chế chậm gần 4 năm. Đổi lại, phương án mua trực tiếp qua lưới điện quốc gia với những cam kết an toàn điện sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Tuy vậy, cơ chế mua bán điện cần được xây dựng dài hơi hơn. Không nên để một cơ chế được mong đợi ban hành rồi, lại khó áp dụng hoặc áp dụng khó có hiệu quả vì những hoàn cảnh khách quan.

Trong tương lai, để có một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, vẫn phải mở rộng cho đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp, không phân biệt khách hàng lớn hay nhỏ. Cứ có nhu cầu là có thể mua bán trực tiếp được. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước lúc đó là đầu tư mở rộng lưới điện để truyền tải, dạng cho thuê lưới để thị trường mua bán với nhau", GS Long nêu quan điểm.

VÌ SAO GÓI TÍN DỤNG 125.000 TỈ MỚI CHỈ GIẢI NGÂN CHƯA TỚI 1%?

Ngân hàng Nhà Nước cho biết, đến nay gói 125.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 415 tỷ đồng, chưa tới 1% với 6 dự án.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được triển khai để thực hiện mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Mới đây, một ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng này, nâng tổng giá trị gói vay này lên 125.000 tỷ.

Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, kết quả giải ngân gói tín dụng này vẫn rất thấp.

Với chủ đầu tư dự án mới giải ngân được 415 tỷ đồng tại 6 dự án, còn người mua nhà hơn 540 triệu đồng tại 2 dự án.

Nguyên nhân triển khai chậm, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Hiện mới có 28 tỉnh, thành công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Trong đó, các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7/2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này.

Ngoài ra, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Điều này dẫn tới các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.

Về phía người mua nhà, vướng bởi quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.

Tại tọa đàm Gỡ khó nhà ở xã hội do báo Tiền Phong tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng, gói tín dụng 125.000 tỷ đồng bản chất vay thương mại, lãi suất thấp hơn (1,5- 2%/năm so với lãi suất vay thông thường).

“Gói này rất có lợi cho người mua cải tạo chung cư nhưng với người mua nhà ở xã hội mà 6 tháng điều chỉnh một lần nên người dân không yên tâm. Trong khi chủ đầu tư chỉ được vay 3 năm và điều chỉnh 6 tháng 1 lần”, ông Châu nói và đề nghị đối tượng người mua thương mại từ 3 tỷ đồng trở xuống được tiếp cận gói tín dụng này.

Ngoài ra, ông Châu cho rằng, hiện chủ đầu tư xây nhà ở xã hội đi vay không được thế chấp dự án mà phải thế chấp dự án khác là bất cập cần được các ngân hàng thương mại tháo gỡ.

CHUYỆN LẠ: ĐƠN VỊ THI CÔNG NỢ TIỀN, CAO TỐC PHAN THIẾT – DẦU GIÂY BỊ CẮT ĐIỆN

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long (với trách nhiệm chủ đầu tư) thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Bộ về trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác dự án trong thời gian khai thác tạm; đảm bảo việc vận hành, khai thác an toàn, tuân thủ phương án tổ chức giao thông đã được phê duyệt.

Bộ GTVT vừa có chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc Công ty vận hành cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây không thanh toán chi phí nên bị các đơn vị thành viên của điện lực Đồng Nai cắt điện cung cấp cho dự án.

Cụ thể, vào lúc 18 giờ ngày 12/4, tại 2 nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với ĐT 765 ở xã Xuân Hiệp và nút giao Quốc lộ 1A ở xã Xuân Tâm bất ngờ bị cúp điện trong thời gian 5 phút. Được biết, đơn vị đang vận hành đường cao tốc là Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đã không thanh toán tiền theo hợp đồng tháng 2 và 3 dẫn đến việc nợ Điện lực Xuân Lộc 19 triệu đồng và Cẩm Mỹ 27,7 triệu đồng.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT trước đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) kiến nghị tháo gỡ khó khăn kinh phí để thanh toán chi phí thực hiện quản lý, vận hành và bảo trì Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.

VEC E là đơn vị được Ban Quản lý dự án Thăng Long giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo trì đường Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Thời gian bắt đầu từ ngày 29/4/2023 đến khi lựa chọn được đơn vị thực hiện quản lý, vận hành.

Theo lãnh đạo VEC E, công tác đảm bảo an toàn giao thông trên đường Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân, đặc biệt là trong các kỳ nghi lễ, Tết sau gần một năm đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, do chưa xác định được nguồn kinh phí chi trả, đến nay, sau gần một năm tự bỏ kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành và bảo trì tuyến đường này hơn 10 tỷ đồng, VEC E vẫn chưa được Ban Quản lý dự án Thăng Long thanh toán giá trị thực hiện công tác bảo trì nên đơn vị gặp khó khăn trong đảm bảo tiền lương, chính sách bảo hiểm cho người lao động làm việc trên tuyến. Ngoài ra các khoản tiền chiếu sáng, thiết bị chậm được tháo gỡ khiến công ty không đủ kinh phí duy trì.

Vì vậy, lúc 18h ngày 12/4, điện lực Xuân Lộc đã cắt điện ở 2 nút giao Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây với ĐT 765 ở xã Xuân Hiệp và nút giao Quốc lộ 1A ở xã Xuân Tâm trong thời gian 5 phút, sau đó nhận thấy việc này "thiếu sót", đơn vị đã cấp điện trở lại.

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành Dự án Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết (Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết ban đang hoàn thiện thủ tục bàn giao, dự kiến cuối tháng Tư, đầu tháng Năm sẽ hoàn thành xong. Các nhà thầu đang khắc phục hết các tồn tại (như chỉnh trang tuyến, nạo vét cống rảnh) theo ý kiến của Cục Đường bộ Việt Nam, khoảng 3-4 ngày nữa sẽ xong.

Sau bàn giao, đơn vị quản lý khai thác tuyến Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết sẽ do Cục Đường bộ Việt Nam đấu thầu lựa chọn.

“Ban Quản lý dự án Thăng Long hiện chưa bố trí được nguồn trả tiền khai thác tạm cho đơn vị quản lý khai thác là VEC E. Hai bên đã đàm phán và thống nhất vẫn sẽ hỗ trợ nhau cho đến khi dự án được bàn giao. Khi Bộ GTVT có ý kiến chính thức sẽ giải quyết dòng tiền cho VEC E", ông Thái nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT đã đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long (với trách nhiệm chủ đầu tư) thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của bộ về trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác dự án trong thời gian khai thác tạm và đảm bảo việc vận hành, khai thác an toàn, tuân thủ phương án tổ chức giao thông đã được bộ phê duyệt.

“Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan, chủ động làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam để bàn giao công trình cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác theo đúng quy định; chịu hoàn toàn trách nhiệm liên quan trong việc chậm bàn giao công trình cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, dự kiến cuối tháng 4/2024 sẽ hoàn thành thủ tục bàn giao tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành khai thác.

Thời gian qua, VEC E đã huy động gần 70 nhân sự, hơn 25 xe máy, thiết bị...để phục vụ việc quản lý, vận hành Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.

VEC E cũng đã phục vụ được hơn 5,3 triệu lượt phương tiện lưu thông trên tuyến; bình quân hơn 17.000 lượt phương tiện/ngày. Trong các kỳ nghỉ lễ, Tết lưu lượng xe lưu thông trên tuyến tăng đột biến, có ngày đạt 37.600 lượt phương tiện lưu thông.

Đơn vị còn tổ chức điều hành giao thông, tiếp nhận và xử lý hơn 5.000 cuộc gọi đến số hotline; xử lý gần 1.000 sự cố các loại trên tuyến. Trong đó, có gần 100 vụ tai nạn giao thông; 9 vụ cháy trong phạm vi hành lang an toàn đường cao tốc.

VƯỚNG MẮC MẶT BẰNG, CAO TỐC 9.900 TỶ NGUY CƠ CHẬM TIẾN ĐỘ

Trong tháng 4 hoặc hết tháng 5/2024, nếu các địa phương của tỉnh Quảng Trị không bàn giao đủ mặt bằng sạch để thi công cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ thì dự án trọng điểm này có nguy cơ chậm tiến độ.

Cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ là dự án thành phần nằm trong Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ dài 65,5km, trong đó đoạn qua Quảng Bình khoảng 32,95km, Quảng Trị khoảng 32,53km. Dự án gồm 2 gói thầu với tổng mức đầu tư 9.900 tỷ đồng được khởi công từ tháng 1/2023.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị chủ đầu tư), tình trạng chậm giải phóng mặt bằng kéo dài đã và đang khiến việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, nguy cơ bị chậm tiến độ.

Thông tin với VietNamNet, ông Mai Quý Khánh – Phó trưởng phòng dự án 4 (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cho biết, đến thời điểm hiện tại, còn khoảng 5km trên tuyến chính của cao tốc đoạn qua tỉnh Quảng Trị chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao để thi công.

“Theo kế hoạch ban đầu, tháng 10/2025 việc thi công cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ sẽ hoàn thành nhưng vừa qua, Bộ GTVT điều chỉnh tiến độ, yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 6/2025.

Đến nay, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu thi công cuốn chiếu, hoàn thành 35% tiến độ. Tuy nhiên, nếu tình trạng chậm giải phóng mặt bằng vẫn tiếp diễn, trong tháng 4 hoặc cuối tháng 5/2024, địa phương không bàn giao hết mặt bằng sạch thì nguy cơ chậm tiến độ rất cao”, ông Khánh chia sẻ.

Nhiều lần đốc thúc, vẫn lỡ hẹn

Trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần đốc thúc, ấn định thời hạn cho các ngành, địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng 9 khu tái định cư để di dời 351 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng việc bàn giao mặt bằng để thi công vẫn xảy ra tình trạng chậm trễ, lỡ hẹn.

3 tháng đầu năm 2024, tỉnh này đã 3 lần ấn định thời gian hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, để di dời dân giải phóng mặt bằng dự án.

Cụ thể, tỉnh yêu cầu các huyện có dự án đi qua gồm Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ hoàn thành các khu tái định cư trước ngày 20/1, 31/3 và trong tháng 5/2024.

Tuy nhiên, đến nay các khu tái định cư vẫn còn dang dở, chưa hoàn chỉnh để bố trí người dân đến ở. Một số người dân không chịu di dời vì cho rằng, việc đền bù chưa thoả đáng.

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, mặc dù lãnh đạo địa phương đã có nhiều phương án, chỉ đạo quyết liệt nhưng thực tế, việc bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua Quảng Trị đang chậm trễ.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó một phần xuất phát từ việc các khu tái định cư do huyện làm chủ đầu tư chậm tiến độ và do cơ chế trong đền bù, giải phóng mặt bằng tại những hộ dân có đất nằm trong hành lang cao tốc, thuộc diện giải toả”, ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Lê Đức Tiến, vừa qua, lãnh đạo tỉnh có văn bản hỏa tốc cử lãnh đạo, cán bộ các sở tham gia hỗ trợ huyện Gio Linh, Vĩnh Linh giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ.

Theo đó, 5 Phó giám đốc các Sở TN&MT, Tài chính, Công Thương, GTVT, Xây dựng cùng một số trưởng, phó phòng và chuyên viên của các đơn vị này được cử về những địa phương nói trên để hỗ trợ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các thành viên được cử về địa phương bám sát hiện trường, nắm bắt các vướng mắc theo địa bàn đã được phân công, phối hợp với chính quyền giải quyết dứt điểm từng trường hợp cụ thể, đề xuất các nội dung vượt thấm quyền (nếu có)...

“Bằng những biện pháp quyết liệt như trên, chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch để thi công cao tốc trong những ngày đầu tháng 5”, ông Lê Đức Tiến nhấn mạnh.

Nguồn: Thanh Niên; Soha; VOV; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang