Quy hoạch tuần qua; Vướng mắc cải tạo chung cư cũ; Bắc Giang bối rối dự án cầu Đồng Việt; Chặn hành vi hối lộ, lũng đoạn

HÀNG LOẠT DỰ ÁN CAO TỐC SẮP ĐƯỢC KHỞI CÔNG & NHỮNG THÔNG TIN QUY HOẠCH NỔI BẬT TUẦN QUA

Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Đề xuất 25.500 tỷ làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Ngày 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Dự án này chiều dài khoảng 129 km, trong đó đoạn qua địa phận Bình Phước khoảng 101 km, đoạn qua địa phận Đắk Nông khảng 28 km. Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng.

Thái Bình sắp khởi công cao tốc CT 08

Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT 08) đoạn qua tỉnh Thái Bình có chiều dài hơn 33 km, đi qua 10 xã của huyện Kiến Xương và 8 xã của huyện Thái Thụy. Dự án cần phải thu hồi hơn 448 ha đất, trong đó đất nông nghiệp 398 ha, đất ở gần 9 ha, đất khác trên 41 ha.

Công tác khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ cát, hiện nay đang được đơn vị tư vấn, nhà đầu tư đề xuất dự án tiến hành triển khai trên địa bàn hai tỉnh Thái Bình, Nam Định để làm cơ sở xác định nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án. Dự kiến, Thái Bình sẽ khởi công dự án trong quý III/2024.

Dự kiến hoàn thành nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ vào năm 2025

Bộ GTVT vừa qua đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận tổ chức triển khai thi công dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ để tổ chức lại giao thông.

Dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ có tổng chiều dài gần 29 km. Điểm đầu tại nút giao An Bình (giao cắt với quốc lộ 30 tại Km 31+103), thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thuộc địa phận TP Cần Thơ.

Tổng mức đầu tư dự án là 950 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Tiền Giang sẽ khởi công đường Đồng Tháp Mười trong năm nay

Vừa qua, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông tỉnh Tiền Giang đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của tuyến đường phát triển Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1).

Đường phát triển Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1) có tổng chiều dài hơn 12 km. Tuyến đi qua các xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành; trung tâm Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Tổng mức đầu tư của dự án là 596 tỷ đồng. Tỉnh Tiền Giang dự kiến khởi công dự án trong năm 2024 và hoàn thành trong năm 2026.

Bình Dương muốn khởi công vành đai 4 vào tháng 7

Đoàn công tác của Chính phủ vừa qua đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương.​

Dự kiến tháng 7/2024 khởi công công trình Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn. Tổ chức triển khai thi công từ quý III/2024 đến quý IV/2026, cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 11/2026.

Bên cạnh đó, Bình Dương kiến nghị Chính phủ chấp thuận trình các cơ quan có thẩm quyền cho giữ lại 70% khoảng tăng từ tiền thuê mặt đất, mặt nước để sử dụng đầu tư một số dự án đầu tư công trọng điểm như Đường Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Chơn Thành,…

Bình Dương sẽ khởi công cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vào quý IV

Vừa qua CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư PPP.

Tổng chiều dài tuyến gần 46 km. Địa điểm thực hiện tuyến cao tốc sẽ đi qua địa giới hành chính các huyện, thành phố bao gồm Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tổng mức đầu tư dự án là 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Tỉnh Bình Dương dự kiến khởi công tuến cao tốc vào quý IV năm nay.

Quảng Nam sẽ đưa Thăng Bình lên thị xã

Vừa qua, huyện Thăng Bình đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030 dự kiến trở thành vùng động lực trong chiến lược phát triển vùng Đông Nam của tỉnh.

Dự kiến đến năm 2030, xây dựng đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và các xã lân cận, nâng cấp huyện Thăng Bình thành thị xã.

VƯỚNG MẮC CẢI TẠO CHUNG CƯ CŨ

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.600 tòa chung cư cũ, xây dựng từ những năm 1960-1980. Phần lớn số chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.

Trước thực trạng này, nhiều năm trước, thành phố Hà Nội đã lên phương án sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhưng đến nay con số vẫn rất khiêm tốn.

Trong tổng số gần 1600 tòa chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội thì có khoảng trên 40 nhà tập thể, chung cư cũ ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm như tại Khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai… Đây là những dãy nhà đã được báo động mất an toàn, nguy cơ đổ sập vào bất cứ lúc nào, cấp bách cần được sửa chữa.

Đơn cử như khu tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai), sau 30 năm sử dụng, năm 2010, tòa nhà A7 xuất hiện sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương, ngành chức năng thành phố đã phải gia cố khung sắt từ tầng 1 đến tầng 5 để chống nguy cơ đổ sập. Theo các hộ dân, việc tu sửa, chống cột chỉ là giải pháp tình thế, người dân sống trong tòa nhà rất lo lắng về sự an toàn.

“Chúng tôi rất bất an khi phải sống ở đây, vấn đề an toà của toà nhà báo động, nhất là khi mùa mưa bão về, toà nhà có hàng trăm nhân khẩu ở đây” - một người dân trong khu tập thể A7 chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như chỉnh trang đô thị, từ năm 1999, thành phố Hà Nội đã khởi động việc cải tạo, sữa chữa, xây dựng lại chung cư cũ, nhưng sau hơn 20 năm, con số chung cư cũ được cải tạo rất ít ỏi. Đến nay, thành phố Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 khu tập thể, nhà chung cư cũ.

Hiện một số dự án đang tiếp tục được triển khai cải tạo, xây dựng lại như: khu tập thể Nguyễn Công Trứ; khu tập thể X1, số 26 Liễu Giai; khu tập thể Dịch vụ vận tải đường sắt (quận Hoàng Mai); nhà chung cư số 148 - 150 phố Sơn Tây (quận Ba Đình)…

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội diễn ra chậm do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng.

Ông Hồ Văn Sơn, người dân Khu tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa đề nghị: “Chúng ta đã có kế hoạch cải tạo chung cư cũ từ lâu. Vậy, vấn đề là sao không làm được. Theo tôi đây là hài hoà giữa các bên từ người dân, chủ đầu tư và chính quyền phải đứng ra như trọng tài”.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các cũ chung cư. Kế hoạch dự kiến chia 4 giai đoạn, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc… và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp.

UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu thành phố quy định về hệ số K làm căn cứ để các địa phương, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với người dân.

Ông Mạc Đình Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Thời gian qua, 2 nội dung liên quan đến xây dựng hệ số K, cũng như tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn cụ thể. Tới đây Ban chỉ đạo sẽ uỷ quyền cho UBND các quận huyện có nhà chung cư cũ để xây dựng hệ số cụ thể”.

Tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 đã thông qua Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Thành phố Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng để kiểm định, rà soát thực trạng chung cư cũ, nhất là đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.

Mới đây, tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan tạo bước đột phá trong công tác quy hoạch; quy hoạch gắn với giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư, nhà nước... để đến năm 2025, Hà Nội khởi công cải tạo, xây dựng lại 1 đến 2 khu chung cư cũ.

DỰ ÁN CẦU ĐỒNG VIỆT ĐANG LÀM KHÓ BẮC GIANG

Cầu Đồng Việt (Bắc Giang) dự kiến sẽ hợp long cuối tháng 8. Trước việc lãnh đạo nhà thầu Thuận An bị bắt, công trình vẫn thi công bình thường. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư thừa nhận đang bối rối, chưa rõ liệu dự án có đảm bảo tiến độ đề ra.

Ghi nhận của PV VietNamNet, tại dự án cầu Đồng Việt (tỉnh Bắc Giang), những ngày qua, công tác thi công vẫn được triển khai bình thường. Trên công trường, các công nhân vẫn đang làm việc.

Trước thông tin lãnh đạo Tập đoàn Thuận An - liên danh trúng thầu dự án trên - bị bắt, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, việc này gây nhiều bối rối cho địa phương. Tới đây, tỉnh sẽ đánh giá, xem xét lại tổng thể dự án.

“Do sự việc còn quá mới, chúng tôi vẫn chưa tính được sẽ như thế nào. Có gì chúng tôi sẽ thông tin sau”, ông Pích nói với PV VietNamNet.

Theo ông Ngô Thành Duy, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, những người phụ trách chính ở dự án cầu Đồng Việt đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra.

“Đơn vị vẫn chưa phân công người phụ trách mới nên dự án hiện ra sao, có đảm bảo tiến độ để hợp long hay không, chúng tôi vẫn chưa có thông tin cụ thể. Tới đây, tỉnh sẽ có sự phân vai mới cho nhân sự và có phương án để đảm bảo tiến độ công trình”, ông Duy cho hay.

Ông nói thêm, Tập đoàn Thuận An và liên danh vẫn đang triển khai thi công dự án, bởi "thực hiện theo hợp đồng, họ vẫn phải làm”.

Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), thông tin, dự án cầu Đồng Việt nằm trên địa bàn nên địa phương chỉ tham gia giải phóng mặt bằng, còn tiến độ là do chủ đầu tư, địa phương không nắm được.

Dự kiến, cầu Đồng Việt sẽ hợp long vào cuối tháng 8 và hoàn thành, đưa vào khai thác cuối tháng 9/2024. Đây là cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất tỉnh Bắc Giang, vượt sông Thương nối với tỉnh Hải Dương.

Theo phê duyệt, dự án có tổng chiều dài 8,59km. Trong đó, phần đường dẫn lên cầu hai bên dài khoảng 7,86km, công trình cầu Đồng Việt dài khoảng 731,2m.

Dự án được triển khai thi công trong 3 năm (2022-2025), từ nguồn ngân sách tỉnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố, bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An, về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ; đồng thời khởi tố, bắt tạm giam Trần Anh Quang, Tổng giám đốc, về tội đưa hối lộ.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An; Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang; Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang.

CẤP BÁCH NGĂN CHẶN VIỆC ĐƯA HỐI LỘ, LŨNG ĐOẠN

Để ngăn ngừa việc đưa hối lộ, lợi dụng người có chức vụ để lũng đoạn, cần chỉnh sửa các văn bản pháp luật, đồng thời có cơ chế kiểm soát lẫn nhau.

Thời gian vừa qua, Cơ quan Điều tra Bộ Công an liên tiếp điều tra khởi tố các vụ án kinh tế, tham nhũng như: Hậu "Pháo", Thuận An… gây xôn xao dư luận. Trong các vụ án này, với thủ đoạn tương đối giống nhau, như doanh nghiệp hối lộ cán bộ có chức vụ chi phối, lũng đoạn, gây sức ép để trúng thầu gây thiệt hại tài sản của nhà nước.

Che giấu sai phạm

Đánh giá về hành vi này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đây không phải là tội phạm mới. Chẳng hạn như vụ án Hậu "Pháo", những hành vi này đã diễn ra từ hàng chục năm nhưng đến nay cơ quan điều tra mới phát hiện, xử lý. "Những vụ án này cũng có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Việc đưa, nhận hối lộ mua chuộc, lợi dụng người có chức vụ và quyền hạn từ mối quan hệ quen biết, thân quen rồi gây lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại ngân sách nhà nước" - ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Văn Hòa, thời gian vừa qua, cơ quan điều tra của Bộ Công an, VKS, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã quyết tâm xử lý nghiêm túc, triệt để, không "vùng cấm", dù đó là người có chức vụ cao hay thấp. Các vụ án được xử lý đều liên quan đến những người có chức, có quyền, cấp cao, ảnh hưởng đến an ninh và chính trị. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng nhà nước đều có cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đầy đủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát trong thời gian dài song không phát hiện sai phạm.

"Đây là một điểm nóng, là cốt lõi và cần phải xem xét lại" - đại biểu Hòa lưu ý. "Thậm chí, thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm lại bao che, như vụ Vạn Thịnh Phát, để từ đó gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nếu họ làm việc một cách nghiêm túc, khách quan thì những vụ việc như thế đã được phát hiện ngay từ đầu, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng và mất đi cán bộ" - ông Hòa nhận định.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng chỉ có lòng tham, lợi ích nhóm, cục bộ và sự ích kỷ, tham ô, vun vén cho lợi ích cá nhân mới sinh ra những trường hợp đó. Nếu cán bộ có trình độ, công tâm, khách quan và đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên hàng đầu thì những sai phạm nghiêm trọng sẽ không xảy ra. "Đây là bài học đắt giá và là kinh nghiệm quý báu. Đối với những cán bộ có chức có quyền mà chưa bị phát hiện hoặc chưa nhúng chàm, đây cũng là bài học. Cần những quy định rõ ràng, cụ thể để cán bộ không dám, không muốn vi phạm" - ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, cho biết thời gian qua, Cơ quan Điều tra (Bộ Công an) liên tục khởi tố các vụ án liên quan đến vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy công tác quản lý về đấu thầu ở nhiều nơi chưa tốt, cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu chưa hiệu quả.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

Để ngăn ngừa hành vi này, ông Trương Việt Toàn đề nghị cần xem xét điều chỉnh chặt chẽ về Luật Đấu thầu, các quyết định liên quan đến đấu thầu. Qua đó, cần xóa bỏ các cơ chế xin - cho bởi còn cơ chế xin - cho sẽ còn hối lộ và lũng đoạn. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò dân chủ trong cơ sở địa phương, có quy chế bảo vệ người tố giác, phát hiện sai phạm của người có chức vụ, quyền hạn.

"Trong thời gian làm việc trong tổ chức, sẽ có người phát hiện hành vi sai phạm nhưng họ không dám lên tiếng, tố cáo. Do đó, để kịp thời ngăn chặn sai phạm, cần bảo vệ bí mật thông tin người tố giác, vị trí công tác, tài sản, tính mạng cho họ. Cần giám chặt chẽ, kiểm tra kê khai tài sản những người có chức vụ, quyền hạn thường xuyên" - ông Toàn đề nghị.

Để ngăn ngừa cán bộ lợi dụng quyền hạn tiếp tay cho sai phạm, theo TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Hành chính Việt Nam, trước hết cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để sai phạm. Quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế. Bên cạnh đó, cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng quyền lực; từ đó, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động công vụ. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát từ bên ngoài đối với các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí và các tầng lớp nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ.

Thận trọng hơn trong công tác cán bộ

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng yêu cầu về phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng, xử lý vi phạm "không vùng cấm", "không ngoại lệ" càng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình công tác cần tu dưỡng, rèn luyện, giữ mình, luôn phấn đấu vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng văn hóa công vụ, hình thành lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, chúng ta cần xem xét toàn diện hơn về chế độ, chính sách đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ, công chức để yên tâm làm việc.

"Thời gian tới, cần thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn trong công tác cán bộ. Cần thực hiện công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Trong công tác cán bộ cũng rất cần lắng nghe ý kiến của người dân để có cái nhìn khách quan, nhiều chiều hơn" - ông Phúc nêu rõ.

Nguồn: Vietnammoi; CafeF; Vietnamnet; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang