Có nên đánh thuế nước sạch; Bí ẩn dự án 'hồi sinh' dòng kênh 8.200 tỷ; Đại dự án du lịch 'chết yểu'; Vụ 22 căn biệt thự trên đồi

BÀI TOÁN KHÓ: NƯỚC SẠCH CÓ NÊN BỊ ĐÁNH THUẾ?

Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước sạch đang "cõng" rất nhiều loại thuế, phí, khiến hóa đơn tiền nước ngày càng tăng cao.

Tiền nước gánh thuế chồng phí

Tại hội thảo góp ý luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT, sửa đổi) chiều 16.4 do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, luật sư (LS) Trương Thị Hòa (Đoàn LS TP.HCM) đề nghị sửa đổi quy định tại điều 9 "nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát chịu mức thuế 5%". Theo bà Hòa, nước sạch phục vụ sinh hoạt nên được áp dụng mức thuế suất 0% bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người dân, thuộc lĩnh vực an sinh xã hội cần được ưu tiên và đặc biệt đảm bảo đúng theo Hiến pháp 2013 "Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội".

Cùng quan điểm, thượng tá Nguyễn Minh Tâm (Công an TP.HCM) cho rằng cần đưa nước sạch sinh hoạt ra khỏi danh sách chịu thuế để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xa, vùng núi vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện bỏ thuế đối với nước sạch được các đại biểu đề xuất. Hồi tháng 10.2023, cử tri tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Hải Dương cũng đã phản ánh tình trạng người dân ở vùng nông thôn hiện nay phải nộp thêm tiền thuế GTGT đối với điện thắp sáng và nước sinh hoạt là không hợp lý. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu có chính sách để miễn các loại thuế này cho người dân sống tại vùng nông thôn. Thế nhưng Bộ Tài chính đã bác bỏ đề xuất này bằng viện dẫn luật Thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thu theo hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt theo mục đích, đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ và địa bàn tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, luật Thuế GTGT không có quy định về việc miễn, giảm thuế.

Không đồng tình với cách lý giải của Bộ Tài chính, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng tất nhiên việc thu thuế nằm trong quy định, nhưng các cử tri, đại diện cho tiếng nói của người dân đề xuất sửa quy định thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm rà soát lại các quy định xem đã phù hợp hay chưa, có bất cập không để nghiên cứu sửa đổi.

Ông Điền phân tích nước, điện, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu, trong đó điện, nước là "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu" trong đời sống hằng ngày của người dân, nếu phải gánh quá nhiều chi phí sẽ khiến người dân bị "ngộp", nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Thực tế, hóa đơn tiền nước của các hộ gia đình ngày càng tăng cao bởi nước sạch đang được cộng thêm rất nhiều loại phí, và phí nào cũng có xu hướng điều chỉnh tăng theo từng năm.

Đơn cử, theo quy định hiện hành thì hằng năm, đơn vị cấp nước sẽ chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi sở tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.

Từ ngày 1.1 năm nay, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) đã thực hiện thu hộ tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cho TP.HCM với mức phí năm 2024 là 25% trên giá cấp nước sạch. Mức giá này trong năm 2023 là 20%. Giá dịch vụ này trước đây gọi là phí bảo vệ môi trường. Theo lộ trình đã được UBND TP.HCM phê duyệt, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM năm 2022 bằng 15% giá nước sạch, năm 2023 tăng lên 20%, năm 2024 là 25% và đến năm 2025 là 30%.

Để dễ hình dung, hiện nay nếu một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 100.000 đồng tiền nước sạch thì đã phải đóng 5% thuế GTGT, tương đương 5.000 đồng; 25% giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, tương ứng 25.000 đồng; Cùng với đó, người dân sẽ phải đóng thuế GTGT theo quy định mới tại Nghị quyết 110/2023/QH15, đồng nghĩa trong phí dịch vụ này sẽ tính thêm thuế GTGT với mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng lên 10% vào 6 tháng cuối năm. Đáng chú ý, nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn không thuộc đối tượng được giảm 2% thuế GTGT theo Nghị định 44/2023 của Chính phủ (việc giảm thuế chỉ áp dụng cho mặt hàng chịu thuế suất 10%).

"Một mặt hàng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân mà cõng quá nhiều thuế, phí, lại còn không thuộc diện được ưu tiên trong các chương trình kích cầu, như vậy là hết sức vô lý", TS Huỳnh Thanh Điền đánh giá.

Cứ nhằm các mặt hàng thiết yếu để đánh thuế ?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, điện, nước thuộc lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không nên đánh thuế. Chưa kể, nước không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người tiêu dùng mà còn là mặt hàng thiết yếu của tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh. Do đó, giảm thuế không chỉ giúp đảm bảo an sinh xã hội cho người dân mà còn tạo cơ hội cho hàng hóa, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường giảm giá theo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, giá cả của sản phẩm nào có thể giảm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

Từ câu chuyện đánh thuế GTGT với nước sạch, ông Bùi Trinh dẫn lại rất nhiều mặt hàng thiết yếu hiện nay đang phải chịu nhiều loại thuế, phí bất hợp lý. Điển hình là xăng dầu. Đây là mặt hàng thiết yếu của toàn xã hội, từ doanh nghiệp (DN) đến người dân ai cũng phải sử dụng. Về bản chất thì áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng thiết yếu là không đúng. Bên cạnh đó, việc định giá xăng dầu tại VN đang quá rối rắm. Hai bộ Công thương và Tài chính bàn qua bàn lại nhưng không đi đến đâu, khiến người dân phải trả giá đắt cho nhiên liệu sử dụng hằng ngày. Đó là chưa kể hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đã được công bố là đáp ứng 70 - 75% nhu cầu xăng dầu của cả nước thì tại sao lại vẫn tính theo giá nhập khẩu cộng với các loại thuế. Hoặc như hệ thống phân phối xăng dầu cũng đang có nhiều vấn đề từ đầu mối nhập khẩu đến cửa hàng bán lẻ, khiến thị trường nhiều lúc bị rối loạn, thiếu nguồn cung…

"Tại sao không thể bỏ thuế TTĐB với xăng? Giải thích của Bộ Tài chính trong thời gian qua vẫn thiếu thuyết phục. Người dân cần được giải thích rõ hơn tại sao trong nước đã đáp ứng được 70 - 75% nhu cầu nhưng vẫn phải mua xăng với giá cao hơn thế giới? Sản phẩm đến tay người tiêu dùng, giá bao nhiêu có phần cấu thành rất lớn từ thuế. Nếu bỏ thuế TTĐB với xăng, bỏ thuế GTGT với điện, nước thì DN hoạt động tốt hơn, người dân chi tiêu nhiều hơn, trong tương lai nguồn thu sẽ gia tăng, bù đắp cho phần thu từ thuế", ông Bùi Trinh đặt vấn đề và cho rằng nhà nước nên mở rộng chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho nhiều mặt hàng, nhất là những mặt hàng do nhà nước quản lý (như điện, nước, xăng dầu) để khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng.

LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cũng nhấn mạnh quan điểm không thể hạn chế sử dụng đối với sản phẩm được xem là bắt buộc trong đời sống của người dân, lưu thông hàng hóa của DN. Theo ông, cơ sở để áp thuế TTĐB với xăng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường là chưa đúng, chưa chuẩn về cơ bản. Bởi hiện nay VN không có giải pháp thay thế cho nguồn nhiên liệu này do năng lượng tái tạo chưa phát triển mạnh.

"Không hiểu vì sao mà nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu rồi lại đi tính thuế TTĐB. Bởi sắc thuế này chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu... Còn nếu tính đến mục tiêu thu thuế cho ngân sách thì hiện nay sắc thuế này cũng không phù hợp, bởi hai nhà máy lọc dầu trong nước đã cung cấp được hơn 70% nguồn cung. Vì vậy cơ quan quản lý phải xem xét sửa đổi chính sách thuế TTĐB với mặt hàng xăng cũng như các loại thuế, phí đối với các mặt hàng thiết yếu khác càng sớm càng tốt", LS Trương Thanh Đức nói.

Nếu tăng chi khó quá, phải giảm thu để kinh tế phục hồi

Trong khi những bất cập về thuế chưa được giải quyết, giai đoạn vừa qua, người dân còn chứng kiến cuộc đổ bộ tăng giá của rất nhiều mặt hàng. Giá điện chính thức áp dụng mức tăng thêm 4,5% hồi tháng 11.2023; theo sau là giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên hầu hết các tuyến đường cao tốc khắp cả nước đồng loạt tăng đúng dịp nghỉ tết Dương lịch; tiếp đến là áp dụng tăng giá trần vé máy bay

Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngoài nguyên nhân đầu tiên do giá gạo trong nước tăng cao thì còn có nguyên nhân chỉ số giá nhóm nước sinh hoạt tăng 10,58% do nhu cầu sử dụng nước tăng; đồng thời một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã tăng giá nước theo quyết định của UBND tỉnh. Cùng với đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,38% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng việc Tập đoàn điện lực VN (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tổng cục Thống kê cũng dự báo EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao, góp phần tác động làm tăng CPI trong giai đoạn tiếp theo của năm.

Nhìn tổng quan thị trường, TS Huỳnh Thanh Điền đánh giá: Kinh tế VN vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, mới đang ở giai đoạn chuẩn bị phục hồi. Đây là thời điểm nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách để lấy lại đà tăng trưởng, điển hình là mở rộng tài khóa, mở rộng tiền tệ, để lại tiền cho người dân tăng chi tiêu, để lại tiền cho DN có vốn làm ăn, mở rộng hoạt động kinh doanh. "Linh hồn" của chính sách mở rộng tài khóa là tăng chi tiêu công, giảm thu, giảm những khoản chi phí đầu vào để hỗ trợ DN giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Khi DN khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh đồng nghĩa với tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thêm thu nhập để chi tiêu, từ đó giúp thị trường sôi động, khôi phục kinh tế. Khi kinh tế ổn định thì có thể tăng thu để bù lại thâm hụt ngân sách.

Mặt khác, thuế là công cụ để Chính phủ điều tiết thị trường với mục tiêu tối thượng là thu từ người giàu, phân phối lại cho người nghèo thông qua các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, mang ý nghĩa phúc lợi. Nếu đánh thuế mạnh vào các mặt hàng thiết yếu, không thể không dùng như điện, nước, xăng dầu, lúa gạo… thì mục tiêu điều tiết gần như không có nhiều tác dụng mà ngược lại, còn làm ảnh hưởng tới mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế.

"Trong từng giai đoạn, các chính sách thuế, phí cần cân chỉnh sao cho phù hợp, không cứng nhắc. Khi thu nhập người dân giảm, tình hình kinh doanh của các DN khó khăn thì cần xem xét miễn, giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ người dân, hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN. Hai năm vừa rồi, Chính phủ đặt mục tiêu mở rộng chính sách tài khóa, chấp nhận bội chi ngân sách để đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy kinh tế, nhưng số liệu cho thấy kết quả ngược lại. Năm nào tổng kết cũng bội thu, chi thì chưa đạt 90% kế hoạch đề ra. Có địa phương còn chưa vượt ngưỡng 60%. Nếu chi khó quá như vậy thì phải giảm thu, để tiền lại cho người dân kinh doanh, sản xuất. Mở rộng chính sách tài khóa cần những hành động thiết thực hơn, tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân và DN", TS Huỳnh Thanh Điền kiến nghị.

BÍ ẨN DỰ ÁN HỒI SINH DÒNG KÊNH TRỊ GIÁ 8.200 TỶ: TOÀN BỘ NHÂN SỰ TẬP ĐOÀN THI CÔNG BIẾN MẤT

Toàn bộ nhân sự tập đoàn Thuận An rút khỏi công trường 2 gói thầu cải tạo tuyến kênh dài nhất TP.HCM.

Thuận An ngưng thi công 2 gói thầu, chủ đầu tư ra "tối hậu thư"

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) vừa có văn bản gửi Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) về việc thực hiện hợp đồng tại các gói thầu XL-05, XL-06 thuộc Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, VTC News cho hay.

Sau khi kiểm tra hiện trường và nhận báo cáo từ đơn vị tư vấn giám sát, chủ đầu tư nhận thấy rằng công ty đã dừng thi công, không có nhân viên kỹ thuật cũng như nhân công tại công trường mà không hề thông báo cho chủ đầu tư.

Chủ đầu tư yêu cầu Tập đoàn Thuận An phải gửi công văn để làm rõ khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng thi công hai gói thầu này, đồng thời cung cấp thông tin về cơ cấu tổ chức và người đại diện theo pháp luật mới của công ty.

Hạn cuối để Tập đoàn Thuận An phải phản hồi là trước ngày 25/4/2024. Nếu không nhận được phản hồi, chủ đầu tư sẽ coi đó là vi phạm hợp đồng và tiến hành xử lý theo quy định.

Báo Dân Việt cho hay, giá trị hợp đồng cho cả hai gói thầu mà Tập đoàn Thuận An đang đảm nhận tại Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là khoảng 130 tỷ đồng.

Cụ thể, gói thầu xây lắp số 5, từ cầu Tân Kỳ -Tân Quý đến cầu Bưng, trong đó công ty Thuận An phụ trách thực hiện các hạng mục liên quan đến xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật bờ phải với giá trị hơn 77,5 tỷ đồng.

Gói thầu xây lắp số 6, từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương, có giá trị hơn 458 tỷ đồng, phần công việc của Thuận An tương đương hơn 53 tỷ đồng, chiếm 11,70% tổng giá trị hợp đồng.

Dự án "hồi sinh" dòng kênh dài nhất TP.HCM

Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2) được chính thức khởi công ngày 23/2/2023, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành dự án trước ngày 30/4/2025. Đây là dự án trọng điểm thuộc đề án Chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045.

Dự án dài 32,7km chạy qua 7 quận, huyện được kỳ vọng giải quyết vấn đề tiêu thoát nước và chống ngập lụt cho diện tích 14.900ha đất nội thành, cũng như xử lý ô nhiễm, nâng cấp kết nối hạ tầng giao thông cho các khu dân cư lân cận, và tăng cường khả năng giao thông đường bộ lẫn đường thủy.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị TP.HCM, trong năm 2023, dự án đã nhận được ngân sách 2.039 tỷ đồng và đã hoàn thành giải ngân 100%, trở thành một trong những dự án nổi bật trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Công trình bao gồm xây dựng kè kênh tổng chiều dài 63,11km; nạo vét kênh với chiều dài 31,46km; đường giao thông song hành với kênh dài 63,41km; cùng với việc xây dựng cống thoát nước, 12 bến thuyền dọc theo tuyến, 3 cầu giao thông, các nút giao thông và hào kỹ thuật dọc tuyến. Đồng thời, dự án cũng bao gồm hệ thống thoát nước mưa, hệ thống chiếu sáng và việc cải tạo cảnh quan xung quanh tuyến kênh.

"Sau khi dự án hoàn thành, dòng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được hồi sinh. Ngoài hiệu quả chống ngập được nâng cao, dự án còn giải quyết vấn đề ô nhiễm, đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân. Kết hợp cùng các dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát; lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến triển khai trong thời gian tới sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng thoát nước cho khu vực phía tây và phía bắc TP", ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM nói với báo Thanh Niên.

ĐẠI DỰ ÁN DU LỊCH 2.000 TỶ ĐANG ‘CHẾT YỂU’

Sau gần 20 năm triển khai, "siêu dự án" Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng với số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng đang “chết yểu” và trở nên hoang phế, nhếch nhác bên bờ biển tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng nằm ở vị trí đắc địa ven biển Khu Kinh tế Dung Quất (thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), do Công ty TNHH Thiên Đàng làm chủ đầu tư (sau đổi thành Công ty CP Thiên Đàng và đến năm 2005 sáp nhập thành Công ty CP Đầu tư Phát triển Nam Quảng Nam).

Công trình được Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cấp phép đầu tư vào năm 2005. Dự án được giao đất vào các năm 2007 và 2008, với thời hạn 69 năm.

"Siêu dự án" này từng được kỳ vọng sẽ là cú hích trong phát triển du lịch ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, sau gần 20 năm triển khai, dự án này đã “chết yểu”, gây lãng phí và bức xúc cho dư luận.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng chẳng khác nào công trình “ma”. Dãy biệt thự hạng sang trong khu du lịch bị hư hỏng nặng, nhiều ngôi nhà không còn nguyên vẹn.

Ban đầu, dự án có diện tích hơn 286ha, sau giảm xuống còn hơn 104ha, gồm: khu Thiên Đàng bốn mùa, khu Thiên Đàng mùa xuân, khu Thiên Đàng mùa hè, khu Thiên Đàng mùa thu và khu Thiên Đàng mùa đông.

Giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai, với vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng và đưa vào khai thác khu Thiên Đàng bốn mùa, rộng khoảng 32ha.

Giai đoạn 2 của dự án thực hiện vào năm 2007 và 2008, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2009. Tuy nhiên, đến năm 2018, dự án vẫn chưa hoàn thành và tiếp tục được điều chỉnh thành 3 khu: khu Thiên Đàng 1, 2, 3.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến ngày 8/3/2021, doanh nghiệp này đã chi hơn 1.800 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Dù tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, gỡ vướng để nhà đầu tư sớm đưa dự án về đích, dự án sau đó có hoạt động nhưng khá èo uột rồi đi đến đóng cửa, trở nên hoang tàn.

Trên thực tế, từ năm 2009-2018, chủ đầu tư chỉ tiến hành xây dựng một số công trình trên diện tích hơn 74ha, phần còn lại không triển khai gì thêm như cam kết. Năm 2021, sau nhiều lần cấp phép gia hạn, Quảng Ngãi quyết định thanh tra toàn bộ dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng và phát hiện ra nhiều sai phạm.

Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ là do chủ đầu tư không có đủ năng lực tài chính để hoàn thành toàn bộ dự án; nhiều lần vi phạm quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng.

Tháng 7/2023, ông Đặng Văn Minh - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và chủ đầu tư cho ý kiến liên quan đến dự án này.

Mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi là tạo điều kiện cho chủ đầu tư sửa sai, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai hoàn thành dự án. Tuy nhiên, đến nay, công trình này vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Mặc dù công trình gần 20 năm chiếm "đất vàng" ven biển, với 9 lần gia hạn này hiện vẫn đang "đắp chiếu" và gây bức xúc dư luận, song trao đổi với VietNamNet, ông Đàm Minh Lễ - Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi thừa nhận, đến nay, vẫn chưa thể thu hồi giấy phép của dự án này.

CÓ DẤU HIỆU BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ ĐỂ XÂY DỰNG 22 BIỆT THỰ TRÊN ĐỒI

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND huyện Bảo Lâm kiểm điểm và xử lý trách nhiệm những người liên quan 22 biệt thự xây dựng trên đồi ở xã Lộc Thành.

Liên quan đến vụ 22 căn biệt thự xây dựng trên đồi ở xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), sau thời gian kiểm tra, Sở Xây dựng đã báo cáo lãnh đạo tỉnh các vấn đề quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch tại đây.

Theo đó, 22 căn nhà tại đây gồm 17 căn nhà xây kiên cố dạng biệt thự, 1 căn nhà bằng khung sắt và 4 căn đã xây móng. Tất cả không đảm bảo quy định của Luật Nhà ở và Luật xây dựng tại vị trí này.

Về đất đai, sau nhiều lần tách - nhập thửa, tại các quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của UBND huyện Bảo Lâm có nội dung: "Khi xây dựng nhà ở phải liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng tại địa phương để hướng dẫn về thủ tục, tuân thủ quy hoạch liên quan".

Sở Xây dựng cho biết báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm và UBND xã Lộc Thành cho rằng việc xây dựng các căn nhà trên diện tích đã chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, qua đối chiếu khu vực xây dựng 17 căn nhà nêu trên không đúng với quy hoạch xây dựng được phê duyệt tại khu vực (chưa được quy hoạch là điểm dân cư nông thôn), là không đảm bảo quy định của Luật Nhà ở, Luật Xây dựng.

Việc UBND xã Lộc Thành, UBND huyện Bảo Lâm chưa chấp hành nghiêm nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tạm dừng các hoạt động xây dựng vì khu vực nêu trên chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý về đất đai, xây dựng.

Bên cạnh đó, UBND xã Lộc Thành, UBND huyện Bảo Lâm chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết nên các căn biệt thự trên vẫn tiếp tục được xây dựng sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra các trường hợp vi phạm tương tự trên địa bàn huyện; chấm dứt tình trạng xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy hoạch được phê duyệt.

Đồng thời, Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng đề nghị lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục xử lý vi phạm hành chính về xây dựng các căn nhà tại khu vực nêu trên; chịu trách nhiệm giải quyết các hậu quả phát sinh theo quy định của pháp luật. Giao UBND huyện Bảo Lâm tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý trách nhiệm lãnh đạo UBND xã Lộc Thành và các tổ chức và các cá nhân có liên quan.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng tháng 5-2023, UBND xã Lộc Thành đã kiểm tra việc xây dựng tại ngọn đồi thôn 10A thì ghi nhận có 18 công trình xây dựng đã hoàn thiện phần thô nên yêu cầu tạm ngưng xây dựng. Đến tháng 10-2023, xã tiếp tục kiểm tra thì phát hiện các công trình vẫn được thi công và tăng thêm 4 công trình.

Tuy nhiên, đến tháng 3-2024, xã mới báo cáo UBND huyện Bảo Lâm. Chính quyền xã Lộc Thành lý giải do địa bàn rộng, công việc nhiều, thiếu cán bộ. Các trường hợp vi phạm dù đã bị lập biên bản, xử lý vẫn lén lút xây dựng, hoàn thiện công trình vào các ngày nghỉ, lễ tết gây khó khăn cho việc quản lý của cơ quan chức năng; người vi phạm không phải là người địa phương.

UBND huyện sau đó đã đình chỉ công tác ông Nguyễn Ngọc Cầu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thành và và ông Trần Ngọc Hoàn, công chức Địa chính, Nông nghiệp, xây dựng và Môi trường của xã này.

Nguồn: Thanh Niên; Soha; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang