8 dự án NƠXH vướng tứ bề; Dân TP.HCM 'chờ' công viên; Thu hồi đất làm Vành đai 4; Ôm đất vàng ven biển Đà Nẵng rồi bất động

8 DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI VƯỚNG TỨ BỀ

Do vướng mắc liên quan đến quy hoạch, chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, pháp lý nên 8 dự án nhà ở xã hội với 25.880 căn hộ tại TP.HCM vẫn chưa thể khởi công.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo số 3135/SXD-PTN&TTBĐS gửi UBND TP.HCM về tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn trên địa bàn Thành phố.

Sau khi rà soát tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, Sở Xây dựng cho biết hiện có 8 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất xây dựng là 49,4 ha, số lượng căn hộ dự kiến là 25.880 căn.

Trong số 8 dự án thì chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội độc lập là Dự án nhà ở xã hội tại phường Hiệp Thành, Quận 12; còn 7 dự án thuộc trường hợp nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại.

Về tiến độ thực hiện, có 7 dự án đang ở bước thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; 1 dự án đăng ký đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện nay các dự án phát sinh vướng mắc liên quan đến quy hoạch, chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, rà soát pháp lý dự án.

Về quy hoạch có 4 dự án đang vướng mắc gồm: Chung cư nhà ở xã hội lô C1 Khu dân cư Long Thới – Nhơn Đức, huyện Nhà Bè; nhà ở xã hội tại phường Long Phước, TP.Thủ Đức; nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở Công ty Exim tại phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức; nhà ở xã hội tại dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận, Quận 7.

Vướng mắc về chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp có 1 dự án là Dự án nhà ở xã hội Hoàng Nam tại phường An Lạc, quận Bình Tân.

Về pháp lý có 2 dự án đang vướng gồm: Dự án nhà ở xã hội tại phường Hiệp Thành, Quận 12; nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức.

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý, sớm khởi công các dự án đảm bảo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy hoạch, pháp lý…đối với các dự án.

HẾT NHÀ NƯỚC TỚI TƯ NHÂN, DÂN TP.HCM VẪN CHỜ CÔNG VIÊN

Dù đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 tăng thêm gần 109 ha công viên nhưng đến quý 1/2024, TP.HCM chỉ phát triển thêm được khoảng 39 ha.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về tiến độ các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, đến nay một số dự án, công trình chưa đảm bảo tiến độ, nhất là việc đầu tư công viên cây xanh. Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 tăng thêm gần 109 ha công viên nhưng đến quý 1/2024 chỉ phát triển thêm được khoảng 39 ha. Báo cáo của Sở Xây dựng chỉ ra các dự án xây dựng công viên bằng nguồn vốn ngân sách và tư nhân đều chậm.

Nhóm dự án xây dựng công viên bằng nguồn vốn ngân sách có 8 dự án, tổng diện tích khoảng 23 ha, trong đó có 3 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, 3 dự án do UBND TP.Thủ Đức thực hiện, 1 dự án do UBND H.Nhà Bè thực hiện và 1 dự án chưa đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư và bố trí vốn.

Dù theo tiến độ, 7 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải hoàn thành công tác trình và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi vào cuối tháng 3.2024, nhưng thực tế vẫn chưa hoàn thiện.

Nhóm thứ 2 là các dự án phát triển hạ tầng có hạng mục công viên cây xanh gồm 2 dự án, tổng diện tích khoảng 47,7 ha. Đến nay, dự án đầu tư hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) giai đoạn 3 vẫn đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Còn dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (36 ha) đang triển khai các gói thầu xây lắp, chưa triển khai các hạng mục công viên cây xanh nên chưa có diện tích tăng thêm.

Nhóm 3 là các dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách, quy mô rộng khoảng 15,4 ha gồm 5 dự án khu đô thị quy mô lớn như khu dân cư Vinhomes, khu dân cư Vạn Phúc, khu dân cư Sala (TP.Thủ Đức), khu dân cư Phú Mỹ Hưng (Q.7) và khu dân cư Celadon (Q.Tân Phú).

Qua thống kê, diện tích công viên cây xanh tại 5 khu dân trên được quy hoạch khoảng 105,4 ha nhưng diện tích đã triển khai trên thực tế chỉ gần 50 ha, hơn 50% khối lượng còn lại chưa thực hiện. Sở Xây dựng cho biết đã làm việc với các chủ đầu tư dự án trên, đề nghị hoàn thiện hạ tầng và bàn giao cho cơ quan nhà nước trước ngày 31.12.2024.

Mục tiêu cao nhưng không có tiền thực hiện

Để phát triển hệ thống công viên cây xanh trên địa bàn, Sở Xây dựng đã xây dựng chương trình phát triển công viên cây xanh giai đoạn 2020 - 2030, trong đó đề ra chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2025 phát triển 150 ha và giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 450 ha.

Chương trình này đã được UBND TP.HCM phê duyệt và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, từng năm làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Dù đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhưng theo Sở Xây dựng, hiện ngân sách của TP.HCM để đầu tư xây dựng mới công viên công cộng còn hạn hẹp.

Do đó, TP.HCM khó có để đầu tư tất cả công viên trong các đồ án quy hoạch xây dựng, bao gồm công viên nước Sài Gòn, công viên Đại Thế Giới, công viên Safari Củ Chi, công viên 150 ha ở P.Thạnh Xuân và Thới An (Q.12), công viên văn hóa Gò Vấp... Các công viên này đang được rà soát để phân khai đầu tư theo giai đoạn và theo khả năng cân đối vốn.

SẮP CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT ĐỂ LÀM ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 HÀ NỘI

Chính quyền huyện Hoài Đức đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của một số hộ dân trên địa bàn xã Tiền Yên để thi công dự án đường Vành đai 4.

Ghi nhận của Lao Động ngày 16.4 cho thấy, UBND huyện Hoài Đức đã hoàn tất việc cưỡng chế thu hồi đất của một số hộ dân thôn Yên Thái (xã Tiền Yên) để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, phục vụ thi công dự án đường Vành đai 4 Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, dự án Vành đai 4 qua địa bàn xã Tiền Yên có tổng diện tích đất phải thu hồi 15,7ha, trong đó, 11,89ha đất nông nghiệp của 481 hộ, 0,016ha đất ở của 3 hộ và 3,794ha đất công, đất công ích do UBND xã quản lý.

Thời gian qua vẫn tồn tại 3 hộ có đất nông nghiệp là hộ bà Nguyễn Thị Đúc, bà Bùi Thị Hoa và ông Nguyễn Quang Tý, tổng diện tích 1.105,2m2 tại thôn Yên Thái, cùng 12.092,8m2 đất công do UBND xã quản lý chậm bàn giao mặt bằng.

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Đúc (67 tuổi, thôn Yên Thái, xã Tiền Yên) cho biết, gia đình bà đã dựng lán tạm, trồng cây ăn quả như ổi, mít, nhãn,... trên mảnh đất rộng 324,2m2 từ năm 1992 đến nay.

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Hà Nội đi qua địa bàn xã, gia đình bà rất đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, bà Đúc cho rằng huyện Hoài Đức chỉ thu hồi 317,5m2, như vậy là thiếu đất của gia đình bà.

Ngoài ra, bà Đúc còn cho rằng loại đất của gia đình bà là đất trồng cây ăn quả, không phải đất trồng lúa nên đơn giá đơn bù không thỏa đáng. Điều này khiến gia đình bà rất trăn trở.

Về vấn đề này, UBND huyện Hoài Đức cho biết, thửa đất số 77, tờ bản đồ số 01 của gia đình bà Đúc có diện tích 324,2m2. Tuy nhiên, diện tích thuộc chỉ giới thu hồi của dự án Vành đai 4 chỉ là 317,5m2, do đó UBND huyện chỉ thu hồi 317,5m2 là đúng quy định.

Liên quan đến việc bà Đúc cho rằng đây là diện tích đất trồng cây ăn quả, không phải đất trồng lúa, chính quyền huyện Hoài Đức cũng đã xác minh, làm rõ.

Theo báo cáo của UBND xã Tiền Yên tại văn bản số 22/BC-UBND ngày 29.1.2024 thể hiện, thửa đất của hộ bà Nguyễn Thị Đúc có nguồn gốc đất là trồng lúa, được thể hiện trong đơn đăng ký quyền sử dụng đất do bà Đúc ký ngày 27.8.1999.

Mặt khác theo thống kê, kiểm kê đất đai và quy hoạch sử dụng đất, xứ đồng Cánh Gà, thôn Yên Thái là đất trồng lúa.

Theo UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Tiền Yên đã ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại, xem xét giải quyết các quyền lợi hợp pháp theo quy định.

Các cơ quan, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhiều lần, đặc biệt đã có chính sách hỗ trợ thuê nơi ở mới cho người dân nhưng các hộ gia đình, cá nhân vẫn không phối hợp di dời tài sản, bàn giao mặt bằng.

Để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về Luật Đất đai, đồng thời, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 trên địa bàn xã Tiền Yên, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành các quyết định, phương án tổ chức cưỡng chế đối với 3 hộ gia đình, cá nhân có đất, tài sản trên đất nông nghiệp bị thu hồi, phương án bảo vệ thi công đối với phần diện tích đất công ích do UBND xã quản lý.

Quá trình huyện Hoài Đức tổ chức cưỡng chế, các quy trình, thủ tục được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, tuyệt đối an toàn về người và phương tiện tham gia cưỡng chế, giữ ổn định tình hình địa phương trước, trong và sau cưỡng chế.

ĐÀ NẴNG ĐIỂM DANH LOẠT DỰ ÁN ÔM 'ĐẤT VÀNG' VEN BIỂN RỒI BẤT ĐỘNG

Nhiều dự án nằm trên tuyến đường ven biển 5 sao ở Đà Nẵng được thành phố cấp phép đầu tư, phát triển du lịch nhưng chậm triển khai, bỏ hoang hơn chục năm nay.

Tuyến đường ven biển Đà Nẵng, từ Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (bán đảo Sơn Trà kéo dài đến TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) được ví như tuyến đường tỷ đô, 5 sao.

Nhiều dự án từng được giới thiệu là khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, quy mô lớn, nhưng sau khi ôm được “đất vàng” đến nay vẫn án binh bất động, bỏ hoang. Phía sau hàng rào dự án là bãi đất trống, cây cối mọc um tùm.

Hàng loạt dự án dừng triển khai trong nhiều năm, vừa gây lãng phí tài nguyên những khu đất có vị trí đắc địa, vừa khiến tuyến đường biển trở nên nhếch nhác, xấu xí.

Một trong những dự án bỏ hoang là Khu Du lịch dịch vụ cao cấp Sơn Trà, do Công ty Cổ phần Đà Nẵng Sơn Trà làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 14ha và hơn 20ha mặt biển, trải dài 1,3km thuộc vịnh Bãi Trẹm (Sơn Trà, Đà Nẵng).

Theo quy hoạch, dự án gồm cụm resort, biệt thự, nhà hàng, khách sạn 5 sao 18 tầng,... vốn đầu tư 20 triệu USD. Tuy nhiên, do gặp các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, dự án đã dừng triển khai nhiều năm qua. Hàng dãy dài biệt thự xây xong phần thô rồi để đó. Cỏ dại phủ kín, bao trùm các căn biệt thự khiến chúng được ví như biệt thự "ma” trên bán đảo.

Cách đó không xa là dự án Bai But Bay Resort của Công ty CP Hải Duy và Công ty CP Đầu tư và dịch vụ TP.HCM (Invesco). Dự án có diện tích trên 30ha, bao gồm 20ha đất dọc bờ biển và 10ha mặt nước biển.

Khu du lịch này được khởi công năm 2005, tổng vốn đăng ký 30 triệu USD.

Dự án bao gồm trung tâm vui chơi giải trí, khu liên hợp trò chơi dưới nước, resort, khách sạn,... hứa hẹn là thiên đường nghỉ dưỡng cho du khách. Thế nhưng, gần 20 năm trôi qua, dự án mới chỉ dừng lại ở vài căn biệt thự bỏ hoang, xuống cấp.

Đặc biệt, dọc đường ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn, nhiều dự án được chính quyền giao đất cả chục năm nay nhưng vẫn “án binh bất động”. Chủ đầu tư xây hàng rào bao quanh, xí phần rồi để đó.

Đơn cử là dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu (đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), do Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 12ha, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng, được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007.

Đến nay đã 17 năm nhưng dự án vẫn chậm triển khai xây dựng. Theo ghi nhận, bên trong công trình chỉ có cây cối, cỏ dại mọc um tùm và một vài khu nhà xây dở dang, nằm trơ trọi sát biển.

Tình trạng này kéo dài từ năm nay sang năm khác, chính quyền thành phố đã nhiều lần nhắc nhở, ra “tối hậu thư” dọa thu hồi nhưng dự án vẫn "dậm chân tại chỗ". Năm 2018, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng cùng các sở, ngành làm việc với chủ đầu tư về phương án thu hồi dự án để làm công viên, quảng trường biển.

Đến năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất thu hồi một phần diện tích phía Nam dự án (2,45ha) để triển khai bãi tắm, lối xuống biển phục vụ người dân và du khách.

Ngay bên cạnh là dự án The Song. Dự án này có tổng diện tích 12ha, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được cấp phép xây dựng từ tháng 8/2011.

Dự án gồm 37 căn biệt thự nghỉ dưỡng, quy mô 2 tầng. Ban đầu, dự án do Công ty Cổ phần đô thị du lịch Sóng Việt làm chủ đầu tư, sau đó được chuyển nhượng cho Công ty CP Phát triển đô thị du lịch Quảng An Đà Nẵng.

Quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư có nhiều sai phạm như xây không đúng quy mô, diện tích, xây dựng sai nội dung giấy phép 23 căn biệt thự, xây dựng không phép 10 biệt thự,... lấn chiếm bãi biển.

Năm 2017, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư, yêu cầu đình chỉ mọi hoạt động xây dựng công trình vi phạm. Sau đó dự án "án binh bất động".

Ghi nhận của PV, nhiều biệt thự bên trong dự án xây dựng dở dang, bỏ không trong thời gian dài. Một số hạng mục bắt đầu xuống cấp, trơ khung sắt rỉ. Toàn khu vực rộng lớn có vài bảo vệ trông coi. Theo một nhân viên tại đây, chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn nên dự án tạm dừng hoạt động mấy năm nay.

Cách đó không xa là dự án du lịch biển của Công ty TNHH I.V.C. Dự án nằm trên đường Trường Sa (phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, đoạn cuối đường Huyền Trân Công Chúa. Dự án này có diện tích khoảng 30.000m2 cũng "đắp chiếu" nhiều năm nay.

Năm 2007, ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) đã ký quyết định quy hoạch dự án và đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH I.V.C đầu tư. Theo tiến độ cam kết, dự án được triển khai từ tháng 7/2015 đến quý III/2018. Tổng vốn đầu tư đăng ký 400 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, dự án chỉ là bãi đất trống.

Dự án này liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "Nhôm". Theo quyết định của bản án liên quan vụ án Vũ “Nhôm”, Đà Nẵng sẽ tiến hành thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án Khu du lịch biển I.V.C.

Tiếp đó là dự án Khu du lịch ven biển DAP, DAP 1, DAP 2 của Công ty TNHH DAP. Dự án có diện tích "khủng" rộng hơn 30ha, nằm ở vị trí đắc địa, mặt tiền đường Trường Sa nối thẳng xuống phố cổ Hội An (Quảng Nam). Bên cạnh dự án là bãi tắm Tân Trà và khách sạn Sheraton Đà Nẵng.

Năm 2018, dự án này cũng từng bị đưa vào danh sách thu hồi với phần diện tích 50.000m2 để lấy đất phục vụ công cộng.

Theo ghi nhận, tại dự án này, hàng rào bao quanh hư hỏng, ngã đổ, không có người bảo vệ. Bên trong dự án là bãi đất cát mênh mông, hoang tàn, không có một chút động tĩnh.

Nguồn: Báo Đầu Tư; Thanh Niên; Lao Động; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang