Hết lo ùn tắc lại lo rớt đăng kiểm; Đấu thầu vàng SJC; Trên trải thảm, dưới rải đinh phát triển NƠXH; Truy tố cựu Chủ tịch tỉnh Phú Yên

ÙN TẮC CHƯA XONG LẠI LO RỚT ĐĂNG KIỂM

"Ai có đèn zin xe Honda Brio cho em thuê để đi đăng kiểm với ạ", "Xe em Fortune nhưng độ bodykit xe Lexus có đăng kiểm được không mọi người?"... Đó là những câu mà chủ xe đang hỏi nhau trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Có thể nói, chưa khi nào nỗi lo rớt đăng kiểm lại thường trực như hiện nay.

Hơn 203.000 lượt phương tiện rớt đăng kiểm

Bước qua tháng 4.2024, thời điểm được Cục Đăng kiểm VN dự báo sẽ xảy ra ùn tắc tại nhiều địa phương trên cả nước, nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại TP.HCM mặc dù nhu cầu có tăng lên nhưng chưa xảy ra ùn tắc. Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) có dấu hiệu gia tăng lượng xe gần đây là cơ sở 50-02S tại Q.11 nhưng vẫn trong khả năng công suất hoạt động.

Tại TTĐK 50-04V ở P.Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức) chuyên kiểm định cho các loại xe quá khổ, tình hình cũng thưa vắng, dòng phương tiện xếp hàng nằm gọn trong khuôn viên TTĐK chứ không kéo dài tràn ra ngoài như thời cao điểm.

Có mặt ở TTĐK 50-05V ở P.An Phú Đông (Q.12), anh Trần Khương chia sẻ: "TTĐK này chỉ có một dây chuyền hoạt động nhưng xe vắng nên đăng kiểm khá nhanh chóng, tôi đưa xe vào lúc 14 giờ 30 thì đến 16 giờ đã hoàn tất dán tem đi về".

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Bình Dương, thông tin tình hình đăng kiểm trên địa bàn tỉnh này cũng rất vắng, chưa xảy ra ùn tắc như dự báo.

Như vậy, có thể tạm yên tâm về nỗi lo quá tải TTĐK, nhưng bất an lớn nhất của các chủ xe hiện nay là bị rớt đăng kiểm. Để chuẩn bị cho việc đăng kiểm sắp tới, anh Ngô Đạt (ngụ Hải Phòng) đang chạy đôn chạy đáo hỏi mượn… đèn zin của chiếc xe Honda Brio để thay vào tạm thời. "Đèn zin theo xe thì rất tối, tôi phải thay bóng đèn khác cho sáng hơn, nhưng mà như vậy khi đăng kiểm sẽ bị rớt. Nhiều người đã bị rồi nên tôi rất lo lắng, phải hỏi mượn chỗ khác để lắp tạm vào cho qua khâu đăng kiểm", anh Đạt chia sẻ.

Anh N.H.T (ngụ TP.HCM) cũng bộc bạch: "Tôi mang xe đi đăng kiểm mấy lần đều rớt vì lỗi thay bóng đèn bi LED khác với nguyên bản. Nản quá tôi buộc phải đổi lại chóa đèn halogen zin của nhà sản xuất. Nhưng đèn zin thì ánh sáng khá yếu, nếu đi cao tốc hoặc đi đường trường vào ban đêm thì rất nguy hiểm".

Anh Nguyễn Thái, làm việc tại một văn phòng đăng ký đất đai ở Bình Dương, nhận xét: "Đi đăng kiểm bây giờ giống như thi đại học vậy. Trước khi đi đăng kiểm cho dù có kiểm tra hết ở garage thì vẫn có nguy cơ bị rớt như thường. Các xe ô tô gia đình hiện nay đa số đều thay bóng bi LED cho sáng hơn và nổi bật hơn vào ban đêm, nhưng đến khi đăng kiểm thì lại vất vả tìm phụ tùng nguyên bản để thay vào, hoặc phải tìm mua loại bóng đèn khác có chứng nhận hợp quy, có dán tem kiểm định".

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, cả nước hiện có 294 TTĐK và các chi nhánh với 546 dây chuyền kiểm định. Trong đó, có 279 trung tâm đang hoạt động với 455 dây chuyền kiểm định. Trong quý 1/2024, các TTĐK trên cả nước đã kiểm định gần 1,3 triệu lượt phương tiện; trong đó, hơn 1 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng cũng có hơn 203.000 lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn và phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại, chiếm gần 20% tổng lượt đăng kiểm trong quý.

Làm nghiêm nên phải khó

Là người thường xuyên đi đăng kiểm xe, anh Phan Chương (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) nhận xét: "Từ lúc vụ án nhận hối lộ tại các TTĐK nổ ra, việc đăng kiểm trở nên khó khăn hơn trước. Có lần tôi phải mất đến 2 ngày mới đăng kiểm xong chiếc xe, nhưng thời hạn 6 tháng trôi qua rất nhanh. Lần này cũng tại TTĐK đó, cũng y nguyên cái dây chuyền đó nhưng bây giờ họ bắt lỗi nghiêm hơn. Mua vé đăng kiểm lần đầu thì được xét lần hai, nhưng nếu bị rớt nữa thì mua thêm nửa vé (tức đóng thêm một nửa phí đăng kiểm) để được xét lần ba. Nếu để đến qua hôm sau đăng kiểm lại thì cũng chỉ được xét một lần. Đây là kinh nghiệm của tôi chia sẻ để nhiều người khác kiểm tra xe thật kỹ trước khi đăng kiểm nhằm tránh mất phí".

Theo ý kiến của nhiều chủ xe, nhiều loại xe có đèn nguyên bản rất yếu, còn nếu bật đèn pha thì sẽ gây khó cho các loại phương tiện khác. Việc sử dụng đèn chiếu sáng cường độ cao là ý thức của từng người, vì thế không nên quy định một cách cứng nhắc việc thay thế bóng đèn.

Trao đổi với Thanh Niên, giám đốc một TTĐK tại TP.HCM xác nhận: "Lỗi hệ thống phanh và đèn hiện vẫn là hai lỗi hư hỏng, khiếm khuyết khiến ô tô đăng kiểm tại đơn vị trượt kiểm định lần đầu nhiều nhất trong 3 tháng đầu năm 2024. Trước đây, theo quy định cũ, xe ô tô "độ" đèn (thay đổi cụm đèn chiếu sáng phía trước) khi đi đăng kiểm chỉ cần đưa phương tiện vào máy đo chỉ tiêu ánh sáng (màu sắc, cường độ sáng, chùm sáng…) nếu đạt theo yêu cầu sẽ đạt hạng mục kiểm tra về đèn. Tuy nhiên, với quy định mới tại Thông tư 43/2023, các trường hợp thay đổi cụm đèn chiếu sáng, chủ xe đưa phương tiện đi đăng kiểm phải xuất trình được giấy công bố hợp quy của cụm đèn này hoặc trên cụm đèn phải có tem chứng nhận hợp quy. Nếu không, lập tức xe không đạt hạng mục kiểm tra về đèn, chưa cần phải đo chỉ tiêu ánh sáng đèn bằng máy kiểm tra".

Còn đại diện Cục Đăng kiểm giải thích quy định thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn không được coi là cải tạo xe cơ giới, tưởng là "mở" nhưng thực chất lại là "siết" chất lượng, nguồn gốc của loại đèn, cụm đèn thay thế. Điều này nhằm tránh tình trạng người dùng mua các loại đèn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi lắp đặt có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện và gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện khác cùng tham gia giao thông.

Theo hướng dẫn của các TTĐK, đối với việc thay bóng đèn trong cụm đèn chiếu sáng, chủ xe cần lưu ý tuy quy định cho phép thay đèn không cùng kiểu loại như từ đèn halogen thành đèn LED nhưng công suất tiêu thụ điện của đèn LED phải thấp hơn hoặc tương đương đèn halogen, khi thay không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn, mới được đăng kiểm bình thường. Mặc dù không thể thay đèn halogen sang bi cầu (bi Halogen, bi Xenon, bi LED) bởi để lắp đặt được sẽ phải đục khoét chóa đèn nhưng chủ xe có thể thay đèn bi cầu loại này sang bi cầu loại khác (ví dụ thay bi halogen thành bi LED), không phải đục khoét, độ chế khi lắp đặt, khi đăng kiểm mới đạt hạng mục kiểm tra về đèn. Ngoài ra, cùng đời xe (cùng năm sản xuất), nếu mẫu xe bản cao có bi cầu mà bản thấp không có, chủ xe bản thấp có thể nâng cấp lên loại bi cầu tương tự bản cao cũng vẫn được đăng kiểm.

SAU 11 NĂM “THẢ NỔI”, VÀNG SJC SẼ ĐƯỢC ĐẤU THẦU

Ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước thông tin đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC trở lại để tăng nguồn cung cho thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ gửi thông báo đấu thầu trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng điền vào đơn thầu. Các đơn vị có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. 1 tiếng sau khi đóng thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.

Theo quy định, các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra sjc -bat-ngo-tang-manh-post1629023.tpo"> đấu thầu là vàng miếng SJC.

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng (tương đương 69,9 tấn vàng) trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Trong số vàng được đấu thầu, có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.

Trước đó, trả lời báo chí ngày 12/4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường và thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc. Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá thế giới.

Sáng 15/4, giá sjc -bat-ngo-tang-manh-post1629023.tpo"> vàng miếng SJC có thời điểm lên 85,5 triệu đồng/lượng, mức cao nhất lịch sử nhưng sau đó giảm về 84,9 triệu đồng/lượng vào đầu giờ chiều. Với giá bán ra hiện nay, vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới gần 14 triệu đồng/lượng.

Việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng trở lại được kỳ vọng sẽ dần kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, qua các phiên đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng, chấm dứt hiện tượng vàng hóa gây nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho biết, chỉ có một giải pháp có thể tăng cung ngay cho thị trường vàng lúc này là đấu thầu vàng.

"Ngân hàng Nhà nước có một lượng vàng khá lớn trong kho dự trữ có thể can thiệp ngay thị trường. Tháng 12/2023 Ngân hàng Nhà nước đã rà soát lại toàn bộ quy trình đấu thầu, do vậy đến nay có thể nói sau chỉ đạo của Thủ tướng thì NHNN đã trong tư thế sẵn sàng để có thể đấu thầu", ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thì giá vàng miếng SJC sẽ giảm mạnh. Chỉ cần tung ra thị trường mỗi phiên 5.000 - 10.000 lượng vàng cũng đủ hạ nhiệt thị trường. Đây là giải pháp nhanh nhất do nhập khẩu vàng nguyên liệu phải mất khoảng một tháng mới có thể thực hiện được.

Về lâu dài, ông Khánh cho rằng song song với đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cung cho thị trường thông qua việc cho các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu.

TRÁNH TÌNH TRẠNG TRÊN TRẢI THẢM, DƯỚI RẢI ĐINH KHI PHÁT TRIỂN NHÀ XÃ HỘI

Quốc hội, Chính phủ đã dành sự quan tâm lớn thúc đẩy phát triển nhà xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, hiện tồn tại nhiều vướng mắc lớn về quy định pháp lý, giải phóng mặt bằng, tâm lý e ngại của một bộ phận cán bộ chức năng...

Bài 1: Đất vàng bỏ hoang, dân khát nhà ở

Hàng loạt dự án nhà xã hội tại Hà Nội và nhiều địa phương khác nhiều năm trong tình trạng án binh bất động. Đất vàng quây tôn, cỏ mọc khắp nơi, trở thành nơi đổ rác thải...

Lãng phí rất lớn

Ngõ 52 phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội) chỉ mưa ít phút đã lầy lội. Con mương nhỏ nước đen kịt bốc mùi hôi thối dài mấy trăm mét chạy quanh dự án. Hơn 6 ha đất vàng nằm giữa khu đô thị sầm uất của quận Long Biên để hoang từ năm 2008 đến nay biến thành nơi xả rác và cỏ mọc.

Ông Vũ Trọng Thư, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh, cho biết, đây là dự án nhà ở xã hội (NƠXH) được thành phố giao cho liên danh chủ đầu tư là Cty CP Him Lam Thủ đô và Cty CP BIC Việt Nam. Dự án gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách.

“Dự án hiện còn 20 hộ dân thuộc diện tái định cư tại chỗ, tức là phải chờ xây dựng xong mới có nhà để đền bù. Trong khi đó cơ quan chức năng yêu cầu phải có mặt bằng sạch mới được giao đất và cấp phép xây dựng. Cần giao đất để chủ đầu tư triển khai dự án mới có nhà để tái định cư”, ông Thư nói.

Theo UBND phường Thượng Thanh, dự án bỏ hoang dẫn đến toàn bộ hạ tầng khu vực quanh dự án như đường giao thông, thoát nước buộc phải tạm dừng đầu tư, gây nhiều khó khăn cho người dân. Việc tuyên truyền cho người dân về giải phóng mặt bằng các dự án khác vì thế ngày càng khó khăn.

Nhiều địa phương không có dự án khởi công

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư NƠXH còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn, đáp ứng 9%; TPHCM 07 dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn, đáp ứng 43%...), hoặc một số địa phương không có dự án NƠXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...).

Tình trạng bỏ hoang đất còn diễn ra tại dự án NƠXH ở Khu đô thị Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Theo yêu cầu của TP Hà Nội, chủ đầu tư phải khởi công xây dựng NƠXH này từ quý IV/2022 để đưa vào khai thác, sử dụng từ quý IV/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được khởi công.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, dự án nằm ở ô đất rất đẹp, trong đô thị sầm uất, cạnh 2 trục đường lớn: Vành đai 3 trên cao và đường Nguyễn Xiển khoảng 500m. Đi vào từ ngõ 214 Nguyễn Xiển, xung quanh hạ tầng đã được hoàn thiện. Với vị trí đông đúc dân cư, thuận lợi nhưng đến nay dự án vẫn đang quây tôn, bên trong cỏ mọc um tùm.

Tương tự tại dự án NƠXH Rice City Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 1,59 ha gồm 711 căn hộ với tổng mức đầu tư 899 tỷ đồng. Thời gian hoàn thiện dự quý III/2022. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn đang bị hoang hóa...

Đối với dự án tại số 4-6-8 ngõ 321 đường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết, dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư vào giữa năm 2023, thời gian thực hiện từ quý II/2023 đến quý IV/2025. Tuy nhiên dự án khó đảm bảo tiến độ, do còn nhiều thủ tục liên quan. Vướng mắc lớn nhất là đất đang do doanh nghiệp thuê của Nhà nước nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ mất rất nhiều thời gian.

Tại Hà Nội, tình trạng này xảy ra ở nhiều quận, huyện.

Biển người xếp hàng mua nhà xã hội

Do nhiều khó khăn về quy định pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về đất đai ... nhiều năm qua, Hà Nội có rất ít dự án NƠXH được cấp phép xây dựng. Năm 2023 chỉ có duy nhất 1 dự án NHS Trung Văn đủ điều kiện mở bán. Cảnh bốc thăm diễn ra sáng 20/5/2023 tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy còn ám ảnh với hơn 1.500 người tham gia trong khi chỉ có 150 căn hộ mở bán. Không ít người đã chầu chực thâu đêm tại nơi bốc thăm với hy vọng may mắn có được suất mua nhà.

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2016 đến giữa năm 2023, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân lao động được thực hiện theo Luật Nhà ở và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ.

Đến nay, cả nước đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH, bao gồm 507 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375 héc-ta và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị , với diện tích đất hơn 1.983 héc-ta. Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông.

Hiện tại đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu mét vuông; còn lại 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy vậy, Bộ Xây dựng nhìn nhận, với tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông NƠXH đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (12,5 triệu mét vuông nhà ở).

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một chủ đầu tư NƠXH tại Hà Nội cho biết, dự án NƠXH của họ đã qua 10 năm kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai bởi “rừng” thủ tục. Tiến độ thành phố giao đã sắp hết nhưng dự án vẫn chỉ là bãi cỏ hoang. Theo vị đại diện, từ năm 2014 đến nay, các nghị định hướng dẫn thay đổi liên tục, trong đó có sự chồng chéo.

Theo nhiều chuyên gia về bất động sản, tình trạng chung cư sốt giá trong những tháng gần đây tại Hà Nội và TPHCM do thiếu nguồn cung, đã tiếp tục tước đi cơ hội mua nhà của nhiều người dân có thu nhập trung bình. Nếu nguồn cung không được cải thiện, tình trạng sốt giá sẽ tiếp tục kéo dài và tình trạng “biển” người bốc thăm mua nhà sẽ tái diễn.

TRUY TỐ CỰU CHỦ TỊCH TỈNH PHÚ YÊN

Ông Phạm Đình Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, bị truy tố vì có sai phạm trong việc cho doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định, gây thất thoát hơn 10 tỷ đồng.

Ngày 15/4, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Đình Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Đỗ Duy Vinh, cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên, cùng mức án 3 năm tù treo về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo cáo trạng, năm 2012-2013, bị cáo Cự và Vinh biết thửa đất thuộc ô phố A2, đường Hùng Vương (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Công ty Pymepharco để thực hiện dự án Trung tâm kinh doanh dược, mỹ phẩm và dịch vụ y tế Phú Yên nhưng công ty này không triển khai dự án.

Theo quy định, thửa đất trên thuộc trường hợp phải thu hồi đất.

Tuy nhiên các bị cáo Phạm Đình Cự, Đỗ Duy Vinh vẫn làm các thủ tục cho Công ty Pymepharco chuyển nhượng quyền sử dụng đất của thửa đất này cho một ngân hàng để xây dựng trụ sở không đúng quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Phạm Đình Cự và Đỗ Duy Vinh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Hội đồng xét xử xác định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến chính sách quản lý đất đai và hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công, nên cần xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra.

Tuy nhiên, các bị cáo đều có nhân thân tốt; quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; mặt khác vụ án xảy ra đã lâu; trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cả 2 bị cáo đã tích cực tác động Công ty Pymephaco và trực tiếp khắc phục toàn bộ số tiền thất thoát cho nhà nước. Do đó tòa tuyên mức án trên.

Nguồn: Thanh Niên; Kenh14; CafeF; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang