Phiên họp thứ 32 UBTVQH; Loạt dự án chậm tiến độ ở Hải Dương; Bất thường cao tốc 2.000 tỷ; 3.790 căn hộ tái định cư TP.HCM lại tắc

UBTVQH HỌP PHIÊN THỨ 32, CHO Ý KIẾN NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG

Tại Phiên họp thứ 32 diễn ra từ ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.

Theo dự kiến, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ chiều 15/4 đến sáng 22/4/2024, tại Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.

Vào chiều thứ 2 (15/4), sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trong đó có xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân).

Tiếp đó là xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2024.

Cho ý kiến về Tờ trình số 01 ngày 1/3/2024 của Chủ tịch nước về việc ký Hiệp ước vay giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) cho Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Cho ý kiến về Tờ trình số 04 ngày 19/02/2024 của Chính phủ về phương án xử lý nguồn tiền thực hiện Phán quyết của Trọng tài quốc tế Vụ kiện Hợp đồng dầu khí Lo 01&02, cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự.

Cùng với đó, xem xét Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023.

Xem xét báo cáo số 71 của Chính phủ về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08 ngày 23/01/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Cho ý kiến về Tờ trình số 112 ngày 28/3/2024 của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".

Kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về việc tổ chức lại Trung tâm tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước

HẢI DƯƠNG BÊU TÊN HÀNG LOẠT DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ

Tại Hải Dương, có tình trạng hàng chục dự án đang chậm tiến độ, nhiều doanh nghiệp 'ôm đất' hàng chục năm nhưng không triển khai dự án, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên, gây khó khăn cho Nhà nước về công tác quản lý đất đai, phát triển kinh tế.

UBND tỉnh Hải Dương vừa thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành rà soát các dự án ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ.

Dự án nghìn tỉ chậm tiến độ

Qua thanh tra, kiểm tra, có 78 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương đã đánh giá mức độ vi phạm để phân loại xử lý. Trong đó, có 4 dự án thuộc diện chấm dứt hoạt động, 18 dự án phải xử lý vi phạm về đầu tư trước khi xem xét điều chỉnh đầu tư, 42 dự án cho phép điều chỉnh đầu tư, 3 dự án phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản và 5 dự án giao cho cấp huyện xử lý trước khi đề xuất UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trong số 18 dự án phải xử lý vi phạm về đầu tư trước khi xem xét đầu tư, có dự án mà doanh nghiệp có vốn đầu tư cả nghìn tỉ đồng như dự án nhà máy sản xuất xi măng của Công ty xi măng Phúc Sơn (có địa chỉ dự án tại P.Phú Thứ, TX.Kinh Môn và H.Kim Thành) có vốn đầu tư là 6.095 tỉ đồng.

Dự án này được cấp phép năm 2008, nhưng đã 16 năm nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp đã chấp hành nộp phạt và đang hoàn thành thủ tục bảo đảm thực hiện dự án và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Ngoài ra, những dự án trăm tỉ đồng cũng đang trong tình trạng "treo" hoặc đầu tư "nhỏ giọt" cầm chừng, phải kể đến dự án khu liên hợp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và trang trí nội thất của Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc (địa chỉ dự án tại xã Cẩm Phúc, H.Cẩm Giàng) có vốn đầu tư 920 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng công trình tua bin Việt Nam của Công ty TNHH MTV đầu tư hạ tầng kinh doanh đô thị (dự án tại xã Kim Xuyên, H.Kim Thành) có vốn đầu tư hơn 816 tỉ đồng; dự án xây dựng khu ký túc xá công nhân khu liên hợp Hòa Phát của Công ty CP thép Hòa Phát Hải Dương có vốn đầu tư hơn 201 tỉ đồng…

Tình trạng chung của 18 dự án kể trên đều đã bị UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có doanh nghiệp đã chấp hành nộp phạt, có doanh nghiệp chưa nộp phạt, một số doanh nghiệp chính quyền đã gửi giấy mời đến lần thứ 3 nhưng không có phản hồi.

Nhận hàng chục ha đất dự án rồi bỏ hoang

Một trong những dự án bỏ hoang gây bức xúc trong dư luận được chính quyền tỉnh Hải Dương "điểm danh" là dự án nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau, củ, quả của Công ty CP Vinamit bị bỏ hoang suốt 13 năm qua.

Từ năm 2007, 35 ha đất nông nghiệp của người dân nằm giáp ranh giữa 2 phường Ái Quốc và Nam Đồng thuộc TP.Hải Dương đã được UBND tỉnh Hải Dương thu hồi để phục vụ triển khai dự án của Công ty CP Vinamit. Năm 2011, dự án này chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 284 tỉ đồng.

Dự án được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 công nhân, đồng thời tạo sinh kế thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân địa phương, góp phần mang lại giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Nhưng, sau nhiều lần gia hạn, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất rộng mênh mông bị bỏ hoang.

Một dự án khác với quy mô hàng nghìn tỉ đồng cũng đang trong tình trạng bị bỏ hoang là dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương (tại cụm công nghiệp Ba Hàng, TP.Hải Dương).

Sau khi đề xuất thực hiện dự án, đầu tháng 4.2019, Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương đã được UBND tỉnh Hải Dương quyết định chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất với diện tích gần 10 ha trong Cụm công nghiệp Ba Hàng. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 2.391 tỉ đồng. Tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, đây là dự án sản xuất trong nước có tổng vốn đầu tư lần đầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong nhiều năm.

Từng là dự án lớn được tỉnh Hải Dương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhưng sau 5 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương vẫn không được doanh nghiệp triển khai, thực hiện đầu tư. Diện tích lớn dự án chậm tiến độ để không, cỏ mọc ngang người gây bức xúc trong dư luận.

Trước đó, hồi tháng 2, UBND tỉnh Hải Dương đã có đề nghị Bộ TN-MT công khai 4 doanh nghiệp vi phạm đất đai. 4 doanh nghiệp bị đề nghị đăng công khai vi phạm đất đai gồm: Công ty CP Xuyên Á, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ An Thành, Công ty CP Delta và Công ty TNHH Gạch Thuận Thành.

Tình trạng chung của các dự án do các doanh nghiệp trên đầu tư là dù được UBND tỉnh Hải Dương giao diện tích đất lớn nhưng doanh nghiệp chậm triển khai dự án nhiều năm, phần lớn diện tích đất dự án bị bỏ trống, hoặc chỉ dùng làm kho chứa.

BẤT THƯỜNG CAO TỐC HƠN 2.000 TỶ: 8 THÁNG MỚI BÀN GIAO ĐƯỢC 4KM MẶT BẰNG

Sau 8 tháng khởi công, Đà Nẵng mới bàn giao được gần 4km mặt bằng cho dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan. Mặt bằng được bàn giao không liền mạch khiến quá trình thi công gặp khó khăn.

Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, chiều dài khoảng 11,5km, đi qua 3 xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Dự án được khởi công từ tháng 9/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Dự án có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m nhưng ở giai đoạn phân kỳ này sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, mặt đường 14m.

Tổng mức đầu tư dự án gần 2.113 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 951 tỷ đồng.

Ghi nhận của PV VietNamNet vào ngày 13/4, sau 8 tháng khởi công, dự án vẫn chưa thể thi công rầm rộ do thiếu mặt bằng sạch. Toàn tuyến thi công đứt quãng, hiện chỉ có một vài điểm đang được triển khai như đoạn nút giao đường Hoàng Văn Thái, nút giao Nguyễn Tất Thành.

Trong đó, đoạn gần nút giao Nguyễn Tất Thành có mặt bằng dài khoảng 400m được đơn vị thi công san ủi, hoạt động cầm chừng. Tại nút giao Hoàng Văn Thái, đơn vị thi công đang huy động máy múc, cần cẩu làm việc.

Ở một số vị trí khác, đơn vị thi công san ủi cây cỏ, tập kết cấu kiện đúc sẵn, chờ mặt bằng để triển khai các bước tiếp theo.

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến thời điểm này huyện Hòa Vang mới chỉ bàn giao được gần 4km của tuyến chính cao tốc. Mặt bằng được bàn giao không liền mạch, rải rác khiến quá trình thi công gặp khó khăn.

Trong tháng 5, huyện sẽ giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng?

Báo cáo của Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang cho hay, để phục vụ thi công dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan, địa phương phải giải quyết 1.141 hồ sơ, trong đó có 890 hồ sơ đất nông nghiệp và đất khác; khoảng 2.908 phần mộ phải di dời.

Đến nay huyện đã hoàn thành kiểm đếm 1.047 hồ sơ, họp pháp lý 803 hồ sơ; đã áp giá 641 hồ sơ, chi trả và bàn giao mặt bằng 531 hồ sơ; đồng thời tiến hành kiểm đếm 2.758 mộ.

Theo ông Trần Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, hiện tại địa phương còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng liên quan các vấn đề như xác định nguồn gốc sử dụng đất của người dân; mức bồi thường đối với đất nông nghiệp không có giấy tờ khá thấp so với mong muốn của người dân; quá trình di dời các ngôi mộ trên toàn tuyến gặp khó khăn.

Để giải phóng mặt bằng toàn tuyến, địa phương phải bố trí tái định cư cho 230 hộ dân (630 lô đất). Hiện nay, huyện đã gửi kế hoạch bố trí tái định cư cho Sở TN&MT, sau khi có ý kiến, Hội đồng bồi thường sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và xác định việc bố trí tái định cư cho phù hợp.

Ông Hiếu cho biết thêm, vừa qua UBND TP đã giao cho huyện một số chủ trương thuộc thẩm quyền để giải quyết vướng mắc. Theo đó, địa phương đã tiếp dân và đề xuất hỗ trợ thêm ngoài quy định, nhờ đó người dân cơ bản đồng thuận...

Ông Phan Văn Tôn – Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện đã thành lập 3 tổ công tác tại 3 xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn với thành phần gồm các ngành, mặt trận đoàn thể để tiếp dân, tập trung tháo gỡ vướng mắc và tham gia công tác vận động, tuyên truyền đảm bảo sự đồng thuận của người dân để sớm bàn giao mặt bằng.

Theo ông Tôn, huyện đã bàn giao gần 4km mặt bằng, phấn đấu đến ngày 30/4 sẽ bàn giao thêm 2km. Trong tháng 5, huyện tập trung giải phóng mặt bằng đối với đất ở và đất khác.

TP.HCM VẪN CHƯA THỂ BÁN ĐẤU GIÁ 3.790 CĂN HỘ TÁI ĐỊNH CƯ

TPHCM phải hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của 3.790 căn hộ tái định cư dự kiến kéo dài từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025. Trước tháng 10/2025, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn và thuê đơn vị thực hiện đấu giá. Thời gian tổ chức đấu giá trước tháng 11/2025.

Đấu giá trước tháng 11/2025

Sở Tài nguyên Môi trường vừa báo cáo UBND TPHCM kế hoạch bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư tại phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức.

Đây là những căn hộ thuộc các lô R1, R2, R3, R4 và R5 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, từng nằm trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư cho người dân bị giải toả tại khu đô thị này.

Theo kế hoạch được Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM trình, để phục vụ cho công tác bán đấu giá, thời gian hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của 3.790 căn hộ này dự kiến kéo dài từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025. Trước tháng 10/2025, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn và thuê đơn vị thực hiện đấu giá. Dự kiến thời gian tổ chức đấu giá trước tháng 11/2025.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường, do 3.790 căn hộ nói trên được tạo lập bằng vốn ngân sách nên để đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục và thẩm quyền bán tài sản công, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát và đề xuất các thủ tục cần hoàn chỉnh trước khi đấu giá.

Một số bước thủ tục cần thực hiện, như chuyển đổi mục tiêu từ quỹ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại; xác lập sở hữu toàn dân với các hạng mục sử dụng chung, hành lang, cầu thang, lối đi, công viên; phân cấp thẩm quyền quyết định đấu giá tài sản công; xác định giá khởi điểm.

3.790 căn hộ tái định cư này được TPHCM mang đấu giá lần đầu vào năm 2017 với giá khởi điểm 8.800 tỷ đồng. Tháng 2/2018, TPHCM đưa ra bán đấu giá lần 2, do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM (thuộc Sở Tư pháp) thực hiện, với mức giá khởi điểm hơn 9.100 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, phiên đấu giá thất bại vì không có ai mua.

Đến tháng 6/2021, TPHCM tiếp tục bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư này với giá 9.900 tỷ đồng. Khi đó, các căn hộ nói trên được chia làm 2 gói để bán đấu giá. Gói thứ nhất gồm 1.570 căn hộ thuộc lô R4 và lô R5, gói thứ hai gồm 2.220 căn thuộc các lô R1, R2 và R3. Do các gói đều có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng nên đối tượng nhắm đến là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Vì sao thất bại?

Theo Sở Xây dựng TPHCM, đa phần các căn hộ thuộc khu 3.790 căn hộ nói trên đều có diện tích lớn hơn 70 m2, không phù hợp tiêu chuẩn nhà ở xã hội. Nếu chọn phương án chuyển sang nhà ở xã hội thì phải điều chỉnh mục tiêu sử dụng của một phần 3.790 căn hộ tại các lô đất từ R1 đến R5 thành nhà ở phục vụ tái định cư và nhà ở xã hội.

Cụ thể, phải điều chỉnh 1.570 căn hộ tại các lô đất R4, R5 thành nhà ở xã hội để bố trí cho đối tượng tái định cư hoặc đối tượng nhà ở xã hội. Phần còn lại là hơn 2.200 căn căn hộ tại các lô đất R1, R2, R3 sẽ tiếp tục bán đấu giá để thu hồi vốn, hoàn trả vốn đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trên thực tế, việc TPHCM tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không thành công, nguyên nhân chủ yếu là bài toán tài chính. Điều này khiến không doanh nghiệp nào tham gia đấu giá.

Theo quy định, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm. Nếu đơn vị trúng đấu giá thì trong vòng một tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày.

Trên thực tế hiện nay, việc huy động số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng là điều không dễ với hầu hết các doanh nghiệp bất động sản.

Chưa kể, khu tái định cư này bỏ hoang lâu ngày nên có dấu hiệu xuống cấp. Nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì chủ đầu tư phải đóng thêm tiền sử dụng đất nên họ không mặn mà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị, chia một phần đấu giá cho cá nhân lẻ có nhu cầu ở thực. Theo ông Châu, nếu đấu giá hàng nghìn căn hộ tái định cư Thủ Thiêm sẽ gặp nhiều điều kiện không thuận lợi.

Đầu tiên là thanh khoản thị trường kém, sức mua yếu. Thứ hai là dòng vốn đang tắc nghẽn, các nhà đầu tư tổ chức khó sắp xếp vốn để tham gia trong khi đó nhà đầu tư cá nhân hoặc người có nhu cầu ở thật nếu mua căn hộ cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán một lần cho tài sản giá trị lớn giữa lúc lãi suất cao. Thứ ba là dự án đã bị bỏ hoang trong thời gian dài, khó tránh khỏi tình trạng xuống cấp và cần bảo trì, bảo dưỡng điều này có thể tạo rào cản tâm lý cho khách mua.

Nguồn: Người Đưa Tin; Thanh Niên; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang