Phạm nhân trốn trại cướp taxi; Vợ chồng lĩnh án khi đòi nợ; Buôn lậu 6 tấn vàng; Ổ nhóm mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo

KINH HOÀNG PHẠM NHÂN TRỐN TRẠI CƯỚP XE

Khoảng 400 cảnh sát của nhiều đơn vị cùng với lực lượng dân quân tự vệ ở Thanh Hóa đã được huy động vào khu vực rừng núi nghi phạm nhân trốn trại giam đang lẩn trốn để tìm kiếm, truy bắt.

Đến 14 giờ 30 phút ngày 3-4, lực lượng công an tại tỉnh Thanh Hóa vẫn đang truy bắt phạm nhân trốn trại Mai Văn Đệ (SN 1991, quê Hải Giang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vào chiều 2-4.

Theo một lãnh đạo Công an huyện Hà Trung, có khoảng 400 cảnh sát của 3 đơn vị cùng hàng trăm dân quân tự vệ tại nhiều xã trên địa bàn được huy động để truy tìm phạm nhân tại khu vực rừng sến Tam Quy (nơi nghi phạm nhân đang lẩn trốn).

Khu vực rừng sến Tam Quy rộng khoảng 500 ha, là rừng rậm tự nhiên, giáp ranh địa bàn nhiều xã Hà Tiến, Hà Đông, Hà Lĩnh… lại tiếp giáp với Quốc lộ 217, nơi phạm nhân Mai Văn Đệ bỏ lại chiếc taxi cướp dọc đường.

Vì thế, công an đã huy động rất nhiều lực lượng chốt chặn ở những đoạn đường đông phương tiện và ngã ba, ngã tư quanh rừng để kiểm tra, truy bắt. Ngoài ra, lực lượng công an sẽ dùng thiết bị bay không người lái (flycam) để truy tìm.

Trước đó, chiều ngày 2-4, phạm nhân Mai Văn Đệ (SN 1991, quê Hải Giang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã trốn khỏi trại giam số 5, C10 Bộ Công an. Khi bỏ trốn, đối tượng mặc áo phông màu xanh, quần đùi kẻ ô vuông.

Quá trình bỏ trốn, khi tới huyện Hà Trung, phạm nhân này đã cướp taxi, sau đó bỏ lại chiếc xe taxi tại địa bàn xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Công an huyện Hà Trung cũng đã phát đi thông báo tới người dân cảnh giác tự bảo vệ bản thân và gia đình. Đồng thời, huy động lực lượng phối hợp truy bắt.

Được biết, phạm nhân Mai Văn Đệ đã trốn khỏi Trại giam số 5 thuộc Bộ Công an (đóng trên địa bàn thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Phạm nhân Mai Văn Đệ bị phạt tù giam vì tội đánh bạc, thời gian chấp hành án 24 tháng. Mai Văn Đệ bị bắt tháng 2-2023, chấp hành án từ tháng 6-2023 và bị quản chế tại phân trại số 2.

Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 2-4, khi đang trong thời gian lao động, phạm nhân Mai Văn Đệ đã lợi dụng sơ hở, bỏ trốn khỏi trại giam.

CHỦ NỢ BIẾN THÀNH BỊ CÁO & BÀI HỌC PHÁP LÝ KHI ĐI ĐÒI TIỀN

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ án chủ nợ biến thành bị cáo do đòi nợ không đúng cách. Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo khi đòi vợ, tránh gặp rủi ro pháp lý.

Vướng lao lý khi đòi nợ

Mới đây, TAND Tp.HCM đã tuyên 3 bị cáo (gồm vợ chồng anh N.H.H và em vợ) tổng mức án là 17 năm tù vì vi phạm pháp luật trong khi đòi khoản nợ 7 triệu đồng. Đây thực sự là cái giá quá đắt, bởi nguyên nhân phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, vợ chồng bị cáo còn đang nuôi con nhỏ.

Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội cho biết, trong vụ án trên, vợ chồng bị cáo vốn là chủ nợ, sau hơn 1 năm không đòi được tiền nên rất bất xúc. Sau khi phát hiện con nợ ở quán cà phê đã lao đến hành hung rồi lấy chiếc xe máy và ví của con nợ. Hành vi đòi nợ không đúng cách dẫn đến phạm tội cướp tài sản. Đây cũng là bài học cho mỗi người cần nắm rõ quy định khi đi đòi tiền.

Theo Luật sư Kiên, các vụ án dạng này, đa phần mọi người vì tức giận do nhiều lần, thậm chí nhiều năm không đòi được nợ nên đã tự ý hoặc thuê người đến tận nhà con nợ đập phá tài sản, tự ý lấy tài sản để bán trừ nợ, thuê người đánh đập con nợ, bắt giữ con nợ để ép họ trả tiền,... dẫn đến vi phạm pháp luật.

Quan hệ vay tài sản là quan hệ dân sự hợp pháp được pháp luật thừa nhận, được điều chỉnh bởi các quy định về hợp đồng vay tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015. Việc vay mượn có thể được các bên lập thành văn bản hoặc thông qua lời nói, hành vi cụ thể được quy định Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức hợp đồng.

Trường hợp khi đã giao kết hợp đồng mà một trong các bên vi phạm nghĩa vụ dẫn đến phát sinh tranh chấp, thì nếu giải quyết tranh chấp phát sinh này sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự. Các bên sẽ xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Trường hợp người vay tài sản vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vay tài sản, nhưng có các dấu hiệu như: Chiếm đoạt tài sản đã được giao bằng thủ đoạn gian dối; không trả lại tài sản được giao khi đến hạn mặc dù có điều kiện, khả năng trả; đã sử dụng tài sản được giao vào mục đích bất hợp pháp, thì người cho vay tài sản (chủ nợ) hoàn toàn có đủ cơ sở để tố giác hành vi của người vay nợ lên cơ quan công an về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, vì không hiểu biết pháp luật, nóng lòng muốn đòi nợ mà nhiều người đã vướng lao lý như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng...

"Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo khi đi đòi nợ tránh gặp bất lợi, rủi ro pháp lý. Trước hết, cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng vay mượn, thế chấp tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay tài sản được khả thi. Ngoài ra, người vay tài sản cũng cần tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết, các quy định về lãi suất các bên cho vay cũng phải đúng theo quy định pháp luật, giải quyết tranh chấp một cách thấu tình đạt lý, tránh để xảy ra việc đòi nợ trái pháp luật dẫn tới hậu quả đáng tiếc", Luật sư Kiên khuyến cáo.

Cần chuyên nghiệp hoá thay vì cấm

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, đối với ngay các tổ chức tín dụng chuyên cho vay và đòi nợ, được pháp luật dành cho đặc quyền thu giữ tài sản bảo đảm cũng còn gặp khó khăn khi xử lý nợ xấu.

Thực tế, các chủ nợ nói chung có nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng dịch vụ đòi nợ của các công ty. Nguyên nhân, bởi việc đòi nợ rất khó khăn, do ý thức trả nợ của người vay, do sự bất cập của pháp luật, do tòa án và cơ quan thi hành án chưa hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho việc giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ.

Thực tế, việc đòi nợ đã có từ rất lâu đời, là việc rất chính đáng, cần thiết và tự nhiên, tất yếu đối với các chủ nợ nói chung cũng như các tổ chức tín dụng nói riêng.

Do đó, cần xem xét lại thay vì cấm dịch vụ đòi nợ như hiện nay bằng việc đặt ra những điều kiện chặt chẽ, để hoạt động này diễn ra một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ.

Đặc biệt, cần ấn định cụ thể trong Bộ luật Hình sự về mức lãi suất cho vay nặng lãi, thay vì quy định bắc cầu đến Bộ luật Dân sự như hiện nay.

Ngoài ra, cần sửa đổi về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự theo hướng bãi bỏ hoặc nâng lên cho phù hợp với thực tế, hoặc phải dựa theo lãi suất thị trường, tức bám sát vào lãi suất cho vay cao nhất của ngành ngân hàng.

ĐƯỜNG ĐI CỦA 6 TẤN VÀNG LẬU: BÍ ẨN VẬN CHUYỂN QUA CỬA VIP SÂN BAY

Mỗi lần mang vàng từ TPHCM ra Hà Nội, Trung đều đi qua cửa VIP kiểm soát an ninh của sân bay.

3 kiện hàng toàn vàng khối qua cửa an ninh sân bay thế nào?

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981, quê Bình Định), Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1985, quê Tây Ninh) và 22 bị can khác về tội "Buôn lậu". Phụng và Phượng được xác định là đối tượng cầm đầu 2 đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999 từ Campuchia về Việt Nam.

Số vàng lậu được tiêu thụ tại Tây Ninh, TPHCM, thậm chí còn "lên máy bay" ra Hà Nội.

Đặc biệt, trong cáo trạng có nêu trong vụ án cơ quan tố tụng xác định nhóm đối tượng "cấu kết" cùng tiếp viên hàng không mang vàng nguyên khối từ Tân Sân Nhất ra Hà Nội. Cán bộ an ninh sân bay Tân Sơn Nhất từng phát hiện "vật phẩm kim loại hình khối" nhưng không báo cáo, xử lý.

Cụ thể, trong số 24 bị can có Đặng Nam Trung (51 tuổi) thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TP.HCM để giao tiền, nhận vàng mang ra Hà Nội theo phân công của chị gái là bị can Đặng Thị Thanh Hằng (64 tuổi, chủ tiệm vàng Phúc Hằng ở Hà Nội, TP HCM).

Vnexpress dẫn theo cáo trạng cho biết, Hằng lập nhóm chat trên Telegram mang tên Quỹ Sài Gòn để điều hành việc mua bán vàng lậu với Phụng. Sau khi thỏa thuận mua vàng, Hằng sẽ giao cho Trung mang ngoại tệ có bọc nilon đen bên ngoài để đưa vào TP HCM thanh toán.

Khi làm thủ tục lên máy bay, do có quen biết với nhiều nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất, Trung thường đi thẳng qua cửa VIP kiểm soát an ninh.

Lúc mang vàng ra Hà Nội, Trung đều nhờ người làm thủ tục lên máy bay trước. Trường hợp khi Trung không trực tiếp mang vàng ra mà giao cho người có tên là Trịnh Việt Châu (con rể cũ của Hằng) hoặc gửi tiếp viên hàng không Vietnam Airlines thì Trung đều nhờ trước nhân viên an ninh trực để các đối tượng này mang vàng qua cửa an ninh nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Vietnamnet dẫn cáo trạng cho hay, qua rà soát kết quả soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ xác định được chuyến bay VN204 ngày 28/9/2022, Đặng Nam Trung bay từ TP.HCM ra Hà Nội có mang theo vàng nguyên khối.

Trong ca trực có chỉ huy Đội an ninh soi chiếu quốc nội, Ca trưởng Đội An ninh soi chiếu quốc nội và các nhân viên kiểm tra hành khách, nhân viên kiểm tra giấy tờ tùy thân, nhân viên giám sát màn hình máy soi chiếu hành lý xách tay, nhân viên kiểm tra trực quan tại máy soi chiếu hành lý xách tay.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ soi chiếu, nhân viên sân bay có quan sát màn hình và thấy có "vật phẩm kim loại dạng hình khối" nhưng không có vật phẩm nguy hiểm thuộc hàng cấm mang lên máy bay. Do vậy, nhân viên an ninh đã không thực hiện việc kiểm tra trực quan hành lý mà giải quyết cho hành khách Đặng Nam Trung hoàn tất kiểm tra an ninh cũng như không báo cáo cán bộ trực khi trong 3 kiện hàng của Trung có rất nhiều "vật phẩm kim loại".

Trong trường hợp Trung và các nhân viên tiệm vàng không trực tiếp đi được, nhóm này gửi tiếp viên hàng không Vietnnam Airlines nhờ mang vào. Khi đó, Nguyễn Duy Đức (34 tuổi, nhân viên của Hằng ở TP HCM) sẽ theo dõi chuyến bay hạ cánh, chủ động gọi cho tiếp viên để nhận tiền tại sân bay hoặc trước cổng trụ sở Đoàn tiếp viên.

Sau đó, Đức mang tiền về tiệm vàng Hát Giang ở phường 2, quận Tân Bình (gần sân bay Tân Sơn Nhất) kiểm đếm, nhắn vào nhóm Quỹ Sài Gòn báo cho Phụng là đã có đồ (ngoại tệ) để "bà trùm" giao vàng lậu đến tận nơi.

Tuy nhiên, theo cơ quan tố tụng, đây không phải vật phẩm nguy hiểm bị cấm mang lên máy bay theo quy định của hàng không nên không có căn cứ xử lý các cá nhân liên quan.

Theo quy định hiện nay của hàng không, các hãng hàng không cho phép hành khách mang vàng trang sức lên máy bay và không hạn chế vàng miếng khi đi máy bay nội địa.

Ở Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN về mang vàng khi xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan hải quan và không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu.

Một chủ tiệm vàng mua hơn 1,6 tấn vàng lậu

Trong số các bị can thuộc đường dây buôn lậu vàng có nhiều người là chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành khác.

Cáo trạng cũng nêu rõ, khách hàng lớn nhất của Phụng là chủ tiệm vàng Đặng Thị Thanh Hằng (đang bị truy nã), Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan, quận 6), Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) và một số cửa hàng mua lẻ khác.

Viện kiểm sát xác định, Đặng Thị Thanh Hằng có cửa hàng vàng ở cả TP.HCM và Hà Nội. Bị can này từng mua 294 kg vàng của Phụng với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng. Số vàng này Hằng đã bán lại 50 kg có giá trị hơn 72 tỷ đồng, số còn lại để em ruột là bị can Đặng Nam Trung cùng Trịnh Việt Châu mang ra Hà Nội.

Sau khi bị phát hiện và truy tố, bị can Hằng đã bỏ trốn ra nước ngoài, bị Bộ Công an phát lệnh truy nã.

Trong vụ án có bị can Huỳnh Minh Khánh, chủ tiệm vàng Khánh Kim Loan không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu. Nhưng để có nguồn vàng thỏi 9999 bán cho khách hàng với giá rẻ hơn trong nước, Khánh đã thỏa thuận mua vàng lậu của bà trùm Nguyễn Thị Minh Phụng.

Báo Lao động dẫn theo kết quả điều tra, trong năm 2022, Khánh đã mua tổng số vàng 1.661kg vàng, giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, Khánh đã mua của Phụng 560 kg vàng lậu, có trị giá hơn 761 tỷ đồng và của bị can Nguyễn Thị Thúy Hằng 1.100 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.289 tỷ đồng.

Bị can thừa nhận hành vi và tự nguyện khắc phục 100 triệu đồng.

Chia sẻ về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết trên báo Pháp luật & Xã hội, theo quy định, người nào buôn bán qua biên giới trái pháp luật hàng hóa, tiền tệ, ngoại tệ, kim khí quý trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị phạt hành chính, đã bị kết án về một trong các tội danh được liệt kê tại điều luật này về kinh tế mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 188, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Buôn lậu".

Với tội danh này, các đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn có thể bị phạt tiền và bị tịch thu tài sản. Đây là hình phạt bổ sung của tội "Buôn lậu" và cũng là biện pháp mạnh mẽ để xử lý đối với hành vi vi phạm về kinh tế. Ngoài ra, CQĐT sẽ làm rõ hành vi vai trò của pháp nhân thương mại đối với việc buôn lậu để xem xét xử lý hình sự theo khoản 6 Điều 188, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, có thể bị phạt tiền tới 15 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, các đối tượng, doanh nghiệp trong vụ án này còn có thể bị xử lý thêm về tội "Trốn thuế" quy định tại khoản 3 Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015.

TỤ ĐIỂM LỪA ĐẢO BẰNG TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG

Nhóm đối tượng hoạt động khắp các tỉnh thành phía Nam và đã mở hàng trăm nghìn tài khoản ngân hàng, phần lớn sử dụng cho mục đích lừa đảo.

Ngày 3/4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho biết vừa phối hợp cùng công an các tỉnh thành Phú Yên, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre… triệt phá đường dây chuyên thu thập, sử dụng thông tin cá nhân để mở hàng trăm ngàn tài khoản ngân hàng trực tuyến trái phép.

Đường dây này đồng thời thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng tại các tỉnh khu vực phía Nam.

Công an đã khám xét 12 địa điểm, bắt giữ, triệu tập 41 đối tượng và thu giữ lượng tang vật gồm: 4 con dấu, 3 giấy phép đăng ký kinh doanh, 70 điện thoại di động, 12 máy tính, hàng chục nghìn tài khoản ngân hàng trực tuyến, hàng nghìn sim điện thoại “rác” để mở tài khoản trái phép cùng nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.

Điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thị Tuyết Nhung (32 tuổi), Võ Minh Hùng (39 tuổi) cùng một số đối tượng khác đã thành lập Công ty TNHH Tư vấn tài chính Nhung Nguyễn và Công ty TNHH Tư vấn tài chính Minh Anh.

Các công ty này có hàng chục chi nhánh khắp nơi, chủ yếu là ở các khu công nghiệp và khu đông dân cư, có vỏ bọc là tư vấn vay vốn tín chấp miễn phí. Tuy nhiên, mục đích của các đối tượng là mở tài khoản trái phép, thu lợi bất chính ước tính hàng chục tỷ đồng.

Trung bình mỗi tháng, các đối tượng tạo lập trái phép và đưa ra thị trường khoảng 20.000 tài khoản các loại, trong đó chủ yếu là tài khoản ngân hàng và một số tài khoản chứng khoán...

Khi bị bắt giữ, các đối tượng khai nhận đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, lợi dụng chính sách ưu đãi của nhiều ngân hàng TMCP trong nước và kẽ hở của công tác quản lý để mở và sử dụng trái phép tài khoản ngân hàng trong một thời gian dài.

Cơ quan công an cho rằng với số lượng hàng trăm nghìn tài khoản trực tuyến mở trái phép, công ty Nhung Nguyễn và công ty Minh Anh có thể tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức lừa đảo trực tuyến và các loại tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền cùng các hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện Bộ Công an đang phối hợp cùng công an các tỉnh, thành để mở rộng điều tra.

Nguồn: Kenh14; Người Đưa Tin; Soha; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang