
Tổng ba nhà hàng của anh Nguyễn V kinh doanh trong năm 2001 lãi chừng 100.000 DM. Kết qủa kiểm tra bất thường, tính ra lên tới 600.000 DM. Có bệnh vái tứ phương, anh phải chạy qua 3 văn phòng kế toán tư vấn khai thuế người Đức, 2 tư vấn phụ tá thuế người Việt; đơn từ qua lại chồng chất, tài khoản bị phong tỏa, tài sản bị kê biên dồn dập, cả nhà ăn không ngon ngủ không yên, luôn nơm nớp lo sợ kéo dài non 6 năm trời...
1- Lược sử
Anh Nguyễn V. khởi sự từ hồi phong trào mở nhà hàng của người Việt đang phất. Khi con số nhà hàng trong tay anh lên đỉnh điểm dăm chiếc, cũng là lúc anh kinh doanh vượt qúa tầm với, bắt đầu lỗ lã, buộc anh phải chuyển nhượng bớt cơ số. Cuối năm 2001, anh còn lại 2 nhà hàng với tổng doanh thu khai báo cả năm tới 727.656,53 DM, bình quân 60.600,- DM/tháng.
Thuế của anh cũng giống như khá đông người Việt khác, cứ nghe bạn bè mách bảo, ưng ai giao người đó khai báo. Người khai thuế anh chọn là một kế toán (Buchführung) người Đức, kết hợp với một văn phòng tư vấn thuế (Steuerberater) để đóng dấu, tiện chỗ gần nơi anh lấy hàng thực phẩm châu Á. Mọi hồ sơ, hoá đơn, chứng từ, anh tập hợp lại phó mặc cho họ giải quyết, không mảy may nghĩ rằng, Buchführung hay Steuerberater cũng là người hành nghề như mọi nghề khác, đều không thể tránh hết mọi rủi ro, chưa nói đến sự khác nhau về trình độ và trách nhiệm, ngay cả cùng một Steuerberater, có trường hợp họ giải quyết được, có trường hợp không. Hơn nữa, không phải cứ cậy nhờ đến luật sư là cãi được trắng án, có bác sỹ chữa là bệnh tất khỏi, tất cả tuỳ thuộc phần nhiều vào bản chất của sự vật và chính người trong cuộc mới là nhân tố quyết định.
2- Lệnh kiểm tra
Ngày 21.11.2002, anh nhận được công văn của Sở Tài chính, thông báo lệnh kiểm tra khoanh vùng thuế giá trị gia tăng (Anordnung einer Umsatzsteuer-Sonderprüfung). Kinh doanh đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên bị kiểm tra thuế, nên anh không khỏi chột dạ. Đọc thấy dòng chữ Sonderprüfung, dịch đúng từ điển Đức-Việt là kiểm tra đặc biệt, có nghĩa rất trầm trọng, làm anh vã mồ hôi, mặc dù thực ra đó chỉ là một thuật ngữ quen thuộc trong ngành tài chính dùng để khoanh vùng phạm vi và đối tượng kiểm tra. Anh càng lo hơn, khi thấy họ chỉ nhằm vào mỗi tháng 12 của năm trước và từ tháng 7-9 của năm nay là 3 tháng gần nhất anh vừa nộp, chắc chắn trong các kỳ khai thuế trên phải có một sai sót nào đó rất lớn. Lệnh ấn định thời gian kiểm tra đúng 9 giờ, ngày 5.12.09 tại Sở Tài chính, kèm theo một loạt yêu cầu về sổ sách, hoá đơn, chứng từ, giấy tờ đủ loại anh phải mang theo phục vụ cho kiểm tra, mà nhiều thuật ngữ bằng tiếng Đức chỉ những người trong nghề tài chính, kế toán ở Đức mới hiểu thấu đáo, còn anh thì càng đọc càng rối vì chưa nghe lần nào: Sachkonten (các tài khoản hiện vật, chi phí...), Summen- und Saldenlisten (tổng kết các tài khoản), Wareneingangsaufzeichnung, Eingangsrechnung (tập hợp chứng từ đầu vào), Warenausgangsaufzeichnung, ausgangsrechnung (chứng từ đầu ra), Fartenbücher (nhật trình chạy xe)... Hàng loạt các chứng từ khác liên quan đến giao dịch tiền mặt và ngân hàng cần phải nộp, làm anh ngớ người, vì nhiều loại đã không được lưu giữ: Bankauszüge (phiếu thu chi ngân hàng), Kassenbuch (nhật ký tiền mặt), moanatliche Kassenberichte (bông tổng kết tháng bấm từ máy tính tiền), Tagesendsummenbons, (bông cuối ngày bấm từ máy tính tiền). Anh vội vã đến người Đức đang làm kế toán cho mình. Mọi công việc kinh doanh từ đó đành phó mặc cho hàng chục nhân công tự chủ. Anh không còn tâm trí nào dành cho nó nữa, lòng đầy thấp thỏm, lo âu. Họa vô đơn chí, nhà hàng cũng bắt đầu chao đảo theo.
3- Mất bò mới lo làm chuồng
Mang lệnh kiểm tra đến nhờ người kế toán tập hợp và kiểm tra lại tất cả những gì Sở Tài chính đòi hỏi, anh mới vỡ lẽ, người khai thuế thoải mái, nhiệt tình, vui vẻ, đã báo hại anh, đưa gì khai nấy, có gì làm nấy, sắp xếp hồ sơ chứng từ cũng rất lộn xộn đúng như lúc anh mang đến. Ức mà không làm gì được họ, phần anh đang phải nhờ họ giúp, phần nữa, lỗi chính cũng tại anh đã không nộp đủ chứng từ, bây giờ biết thì đã qúa muộn. Thất vọng với người khai thuế, anh lấy lại toàn bộ hồ sơ, ôm đến văn phòng tư vấn thuế do chính người kế toán giới thiệu, trả tiếp lần tiền thứ 2 để Buchung (vào sổ sách kế toán) lại từ đầu. Tuy nhiên kết qủa cuối cùng cũng chỉ có được phần tài liệu kế toán rất sơ sài mà Sở Tài chính đòi nộp, còn tất cả chứng từ liên quan đến tiền, từ nhật ký tiền mặt đến bông bấm hàng ngày, bông tháng, chịu chết không đào đâu ra. Thay vào đó, chỉ còn là một bảng kê khai tổng số tiền thu được của từng ngày cộng lại cho cả tháng, đúng cách làm của những người bán rong phía Đông đầu thập niên trước, lúc đó vẫn được Sở Tài chính chấp nhận, lâu dần không ít người Việt thành quen với cách khai đó.
4- Bợt bạc, rệu rạo
Đúng lịch hẹn, anh mang hồ sơ đến Sở Tài chính nộp. Hai mươi ngày sau, ngày 9.12, mặt anh biến sắc, khi đọc công văn của Sở Tài chính gửi tới, hạ lệnh, mở rộng kiểm tra cho cả năm 2001 và 2002! Mười ngày sau, ngày 19.12 một công văn tiếp theo, tới tay anh, ấn định 9 giờ, ngày 7.1.2002, anh phải tới Sở Tài chính nộp toàn bộ hồ sơ thuế! Mới lo hồ sơ chỉ cho mỗi tháng 12/2001 và 3 tháng 2002, mặt anh đã bợt bạc, giờ phải lo cho cả 2 năm, khối lượng nhiều gấp 6 lần thế, trong vòng 17 ngày, anh cảm giác người không còn là của mình nữa, rệu rạo, rã rời như chực đổ!
5- Thất vọng
Một lần nữa, anh lại đến người kế toán đã khai thuế cho anh, rút toàn bộ hồ sơ thuế của 11 tháng năm 2001 và 3 qúy của năm 2002, đưa tới văn phòng tư vấn, khai lại từ đầu. Vậy là tiền công khai thuế mất toi hai lần cho cả hai năm - anh thầm rủa vận qúa đen đủi - cứ đà này, chỉ riêng tiền công khai thuế, rất có thể anh phải trả đúp không chỉ 2 năm mà có khi đến dăm bảy năm, nếu Sở Tài chính đòi kiểm tra tiếp. Kết qủa Tư vấn thuế khai lại vẫn không khắc phục được lỗi thiếu chứng từ, hoá đơn, hồ sơ gốc như lần trước, không nhật ký tiền mặt, không bấm bông hàng ngày, không lịch trình xe... Thảm hại hơn, không ít hoá đơn mua vào, cái thì không ghi tên mình (người mua), cái thì không cả tên người bán, cái chỉ là vận đơn Lieferung nhầm thành hoá đơn Rechnung, cái thì không có số, ngày, tháng, cái lại không ghi loại hàng hoá số lượng, giá đơn chiếc. Hoá đơn chỉ ghi 1 cục thành tiền, cụ thể hàng gì không rõ, kiểu bán mớ trao tay ngoài chợ. Chính anh nhìn vào cũng thấy không ổn, chưa nói đến Sở Tài chính là người kiểm tra sẽ săm soi từng vết một. Anh thất vọng, nghĩ thế là xong, hết thuốc chữa, đành phó mặc cho số phận, mang kết qủa do tư vấn thuế khai báo cùng toàn bộ chứng từ hiện có đến nộp Sở Tài chính đúng lịch hẹn.
CÒN TIẾP
Dr. Nguyễn Sỹ Phương
Tư vấn Doanh nghiệp Unternehmensberater
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá