Nhật Bản suy thoái; Bạo lực bùng phát ở Ấn; Thanh niên tìm cách rời Myanmar; Khủng hoảng đè nặng Gaza; Avdiivka nguy cấp

Người dân ngại chi tiêu, đẩy Nhật Bản vào suy thoái

Việc người dân hạn chế ăn ngoài, dừng mua quần áo và các dịch vụ không cần thiết khiến tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giảm trong nửa năm qua.

Hôm 15/2, số liệu chính thức cho thấy GDP quý IV/2023 của Nhật Bản giảm 0,1% so với quý trước đó. Đây là quý thứ hai liên tiếp quốc gia này tăng trưởng âm. Trên lý thuyết, họ đã rơi vào suy thoái. Nhật Bản cũng mất ngôi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới về tay Đức.

Tiêu dùng cá nhân - đóng góp hơn nửa GDP - giảm 0,2% trong quý IV so với quý trước đó. Giới phân tích cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản suy thoái.

Risa Shinkawa - một chuyên viên làm đẹp 32 tuổi - không hy vọng sớm được tăng lương. Thậm chí, thu nhập của cô đang bị giảm. Ngành dịch vụ tại Nhật Bản đang đi xuống, nhất là với nhóm doanh nghiệp nhỏ đóng góp tới 70% lao động tại nước này.

Shinkawa buộc giảm chi các khoản không cần thiết, như không ăn trưa tại phố mua sắm cao cấp Ginza tại Tokyo. "Lương của tôi đang giảm. Vì thế, tôi phải dừng mua quần áo và ăn ngoài để tiết kiệm tiền", Shinkawa cho biết.

Sự tằn tiện của Shinkawa và hàng triệu người khác phản ánh sự mong manh của nền kinh tế hàng đầu châu Á. Người tiêu dùng Nhật Bản, vốn đã quen với việc giá cả đứng yên suốt nhiều năm, đã gặp cú sốc khi đồng yen yếu kéo giá mọi thứ lên cao. Đồng tiền này đã mất giá gần 20% trong hai năm qua so với đôla Mỹ.

"Lạm phát cao nhưng chi tiêu không tăng tương ứng, cho thấy xu hướng tiêu dùng tại đây đang yếu đến mức nào", Hideo Kumano - nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life nhận xét.

Giới chức và các nhà phân tích chỉ ra việc giảm chi cho ăn ngoài là một trong những lý do khiến tiêu dùng sụt giảm. Bên cạnh đó, thời tiết ấm hơn dự kiến khiến doanh số quần áo mùa đông giảm sút. Nhu cầu dịch vụ từng bùng nổ hậu Covid-19 cũng hạ nhiệt dần.

Còn với bà Miho Ozaki (55 tuổi), sức ép lại đến từ giá xăng và điện tăng. "Chúng tôi đã chuyển sang dùng quạt sưởi chạy dầu và cố gắng không lái xe nhiều", bà nói.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản lại tăng vọt vài phiên qua, nhờ các tập đoàn lớn cải thiện quản trị và đồng yen yếu kéo lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu lên cao. Tuy nhiên, chính các công ty cũng lên tiếng cảnh báo về tiêu dùng yếu và tác động của lạm phát, thay vì vui mừng khi hưởng lợi từ đồng yen.

Tháng trước, đại gia bán lẻ Aeon cho biết người tiêu dùng đang dần nhạy cảm với giá cả. Công ty này nhận thấy người mua ngày càng "mệt mỏi khi đối mặt với giá cả tăng", Giám đốc Chiến lược Motoyuki Shikata cho biết.

Mảng kinh doanh quần áo của Aeon cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết ấm hơn dự kiến, nhưng doanh nghiệp này vẫn ghi nhận mức lãi tăng trong quý cuối năm 2023.

Với Ryohin Keikaku, công ty sở hữu thương hiệu hàng tiêu dùng Muji, tăng giá là việc cần cân nhắc kỹ. Người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm này đắt lên, nhưng lại không đồng ý với sản phẩm khác, Giám đốc Nobuo Domae cho biết trong buổi công bố báo cáo tài chính tháng trước.

Nhà kinh tế Kumano dự báo kinh tế Nhật Bản còn đối mặt với nhiều thách thức nữa. "GDP quý I/2024 có thể tiếp tục co lại, do ảnh hưởng từ các trận động đất hồi đầu năm", ông nhận định.

Momoka Nakano (26 tuổi) thì không cảm thấy buồn khi phải giảm chi. Vì gần đây, cô đang nghỉ sinh. "Tôi sẽ ăn ở nhà để tiết kiệm tiền và sống lành mạnh", cô nói.

Bạo lực bùng phát gây thương vong ở Đông Bắc Ấn Độ

Một số đối tượng quá khích đã đập phá trong các tòa nhà và phóng hỏa đốt cháy nhiều ôtô ở bang Manipur, buộc cảnh sát phải sử dụng đạn hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông.

Ngày 16/2, truyền thông Ấn Độ đưa tin ít nhất 2 người đã thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương trong các vụ đụng độ xảy ra ở bang Manipur, Đông Bắc nước này.

Bạo lực bùng phát từ tối 15/2 sau khi một đám đông xông vào khu phức hợp trụ sở làm việc của chính quyền ở huyện Churachandpur, cách thủ phủ Imphal khoảng 60km về phía Nam.

Một số đối tượng quá khích đã đập phá trong các tòa nhà và phóng hỏa đốt cháy nhiều ôtô. Cảnh sát đã phải sử dụng đạn hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông.

Hàng trăm người đã xuống đường phản đối việc một sỹ quan cảnh sát bị sa thải sau khi bức ảnh chụp người này và các tay súng có vũ trang lan truyền trên mạng xã hội.

Hiện cảnh sát Ấn Độ hiện chưa xác nhận thông tin về 2 người thiệt mạng.

Bất ổn gia tăng tại bang Manipur kể từ khi bạo lực sắc tộc quy mô lớn nổ ra hồi tháng 5 năm ngoái.

Đụng độ giữa nhóm sắc tộc Meitei chiếm đa số và cộng đồng thiểu số Kuki tại đây đã khiến hơn 60.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Hàng nghìn thanh niên Myanmar muốn rời đất nước sau lệnh gọi nhập ngũ

Hơn 1.000 người xếp hàng trước Đại sứ quán Thái Lan ở Yangon vào ngày 16/2, trong bối cảnh nhiều thanh niên muốn rời Myanmar sau khi chính quyền tuyên bố sẽ áp dụng nghĩa vụ quân sự.

Kể từ khi chính phủ thông báo về việc thực thi "Luật nghĩa vụ quân sự nhân dân" vào cuối tuần trước, Đại sứ quán Thái Lan tại Yangon bắt đầu xuất hiện cảnh tượng nhiều thanh niên cả nam lẫn nữ xếp hàng xin thị thực.

Ngày 16/2, nhà báo của AFP bắt gặp hàng dài khoảng 1.000-2.000 người trên các con phố gần cơ quan đại diện ngoại giao của Thái Lan ở trung tâm thành phố Yangon. Đây là mức tăng đáng kể so với ước tính chưa đến 100 người trước thông báo ngày 10/2.

Đại sứ quán Thái Lan nói rằng họ đang phát 400 số thứ tự mỗi ngày để kiểm soát dòng người xếp hàng.

Aung Phyo, một sinh viên 20 tuổi dùng bí danh, nói mình đến Đại sứ quán lúc 20h ngày 15/2, qua đêm trên ô tô rồi bắt đầu xếp hàng vào khoảng nửa đêm.

"Chúng tôi đợi 3 tiếng đồng hồ cho tới khi cảnh sát mở cổng an ninh vào khoảng 3h. Chúng tôi phải chạy đến trước cổng đại sứ quán để xí chỗ lấy số", Aung nói với AFP. "Khi chúng tôi đã nhận được số, nhiều người không may vẫn xếp hàng trước đại sứ quán vì hy vọng người ta có thể phát thêm".

Luật nghĩa vụ quân sự đã được ban hành vào năm 2010 nhưng chưa từng được kích hoạt. Hiện chưa rõ đạo luật sẽ được thực thi như thế nào.

Nhà chức trách cũng chưa đưa ra thông tin chi tiết về việc người được gọi nhập ngũ sẽ phải thực hiện hoạt động gì, nhưng nhiều thanh niên không muốn chờ đợi.

"Tôi sẽ đến Bangkok bằng visa du lịch và hy vọng sẽ ở lại đó một thời gian", Aung Phyo nói. "Tôi vẫn chưa quyết định đi làm hay đi học. Tôi chỉ muốn rời khỏi đây".

Chính quyền quân sự cho biết, họ đang thực hiện các biện pháp để vũ trang cho lực lượng dân quân thân quân đội trong cuộc chiến đấu với các nhóm nổi dậy khắp đất nước, bao gồm "Lực lượng phòng vệ nhân dân" phản đối cuộc chính biến năm 2021 và các nhóm vũ trang sắc tộc.

Người phát ngôn chính quyền quân sự Zaw Min Tun ngày 10/2 nói rằng việc kích hoạt hệ thống nghĩa vụ quân sự là cần thiết "vì tình hình đang xảy ra ở đất nước".

Gaza: Cơ chế "một cửa" và cuộc khủng hoảng đè nặng 2,2 triệu người

Liên Hợp Quốc đang nỗ lực hết mình để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hàng trăm nghìn thường dân phải di dời "qua một cửa" tại cửa khẩu Rafah, một hạn chế do Israel áp đặt.

Tình trạng của Dải Gaza

UN News: Ông vừa trở về từ Gaza và cũng đã từng đảm nhiệm vai trò này. Ông nói rằng tình hình ở đó thảm khốc giống như những năm trước. Phản ứng ban đầu của ông khi lần đầu tiên đến Gaza trong cuộc chiến này là gì?

Jamie McGoldrick: Rõ ràng là tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ lần cuối tôi đến đó. Điều khiến bạn ấn tượng nhất chính là những con số. Ngay khi bạn đến Rafah, bạn lập tức bất ngờ khi thấy lượng lớn người bị mất nhà cửa: trên mọi con phố, mọi vỉa hè,…

Họ dựng những chiếc lều tạm trên đường phố bên cạnh các tòa nhà khiến cho việc di chuyển quanh đây rất khó khăn. Nơi này thực sự chật cứng người.

Điều thứ hai mà tôi thấy, chính sự đông đúc này đã làm cho các dịch vụ hỗ trợ người ở đây bị quá tải. Số lượng lớn người đến phía Nam Gaza xảy ra quá nhanh, ước tính có khoảng 1,7 – 1,8 triệu người đổ về Rafah, vốn là nơi cư trú của khoảng 250.000 người.

Người ta sống trong bệnh viện, trong các trường học UNRWA,...và nếu bạn đến những nơi này bạn sẽ thấy điều kiện sống của họ: môi trường bẩn thỉu, đông đúc, tạm bợ.

Không ai có thời gian để lên kế hoạch cho bất cứ điều gì. Người người chạy khỏi nơi họ từng ở. Họ hầu như không có gì cả. Họ phải cố gắng tạo lập một nơi để trú ẩn trong một môi trường hỗn loạn. Thậm chí ở đó còn đang là mùa đông. Chính vì vậy mà tất cả mọi thứ đều trở nên vô cùng khó khăn.

Điều này khiến chúng tôi áy náy vì chúng tôi không có quá nhiều khả năng cho những việc như vậy, chúng tôi đã phải cố gắng mở rộng quy mô, giải quyết các nhu cầu cần thiết. Sự tuyệt vọng ngày càng sâu sắc hơn cũng như sự đau khổ của người dân ngày càng gia tăng.

Quan trọng nhất là chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để mở rộng quy mô, tiếp cận nhiều người hơn, mang tới nhiều nhu yếu phẩm hơn. Tuy nhiên đó là một nhiệm vụ khổng lồ.

UN News: Hẳn là ông cũng đã gặp những đồng nghiệp ở đó khi đảm nhận vị trí này trước đây. Họ đã chia sẻ kinh nghiệm gì với ông?

Jamie McGoldrick: Đầu tiên là về góc độ con người, họ kể cho bạn về những điều họ đã bỏ lại phía sau. Một số người nói rằng họ đã phải rời bỏ ngôi nhà bị phá hủy của mình, những người khác kể cho bạn về thân nhân không may bỏ mạng. Bạn biết đấy, cuộc sống mà họ từng có đã không còn nữa, thậm chí đã mất đi rất lâu rồi.

Người dân thấy sốc và tuyệt vọng. Tôi cũng nghĩ là không có tia hy vọng nào ở đó nữa, bởi vì họ không tìm được câu trả lời cho những gì họ sắp phải đối mặt.

Điều đáng kinh ngạc là khi đồng nghiệp của tôi vẫn kiên cường trong tình huống ấy, đó những người đã đến miền Nam chạy trốn như một người di tản, nhưng vẫn đứng lên để giúp đỡ cộng đồng.

Thật khó tin là người dân ở Gaza lại có tinh thần đó... và họ vẫn tiếp tục như vậy. Sự thật là đã có 146 nhân viên Liên Hợp Quốc bị sát hại. Có những người mất đi người thân nhưng họ vẫn làm việc.

Một con đường là không đủ

UN News: Như ông vừa nói, các tổ chức viện trợ Nhân đạo Liên Hợp Quốc đã lên tiếng về những thách thức trong việc đưa viện trợ vào Gaza. Điều đó có ý nghĩa gì đối với những người dân ở thực địa? Nhu cầu của họ được đáp ứng ở mức nào?

Jamie McGoldrick: Trước kia, mỗi ngày có khoảng 500 xe tải làm nhiệm vụ vận chuyển thương mại. Và LHQ hỗ trợ những người kém may mắn, không thể mua nổi những thứ đó. Những người hỗ trợ nhân đạo như chúng tôi cần phải có khoảng 200 xe tải mỗi ngày. Chừng đó mới đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa cứu trợ và hàng hóa thương mại cho người dân.

Hiện tại hoạt động thương mại đã dừng lại. Ai ai cũng cần được giúp đỡ. Trong tình hình hiện tại, vấn đề chính chúng ta cần là một nơi trú ẩn tốt hơn, nhiều nguồn cung cấp thực phẩm hơn, nước sinh hoạt, vệ sinh, nước thải và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Hiện có rất nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong thời điểm hiện tại: bạo lực giới, các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em bởi có rất nhiều trẻ em không có người bảo hộ đi cùng.

Với tư cách là những người cứu trợ nhân đạo, chúng tôi cần có khả năng để thực hiện những công việc đó. Điều đó nghĩa là chúng tôi cũng cần sự bảo vệ, tức là cần có hệ thống thông tin liên lạc tốt, có khả năng di chuyển một cách cơ động.

Thật không may là tình huống này không trở thành hiện thực. Có rất nhiều sự cố.

Và chúng tôi hiện đang phải đối mặt với một cuộc vật lộn khó khăn chỉ để giải quyết nhu cầu của những người mà chúng tôi có khả năng tiếp cận. Chúng tôi cần vươn xa, sâu hơn, và nhiều nơi hơn như về phía Bắc. Nhưng những xung đột đang diễn ra và các hoạt động quân sự ngăn cản chúng tôi di chuyển đến một số khu vực trung tâm. Chúng tôi bị mắc kẹt tại đây.

Chúng tôi không có khả năng làm điều đó một cách nhanh chóng. Chỉ có mỗi một con đường. Đó là con đường ven biển, bởi vì con đường trung tâm đang được quân đội điều hành. Vì vậy chúng tôi đang dồn mọi nỗ lực về phía bắc trong khi chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc cứu trợ ở miền nam. Chúng tôi phải mở rộng quy mô và phải khởi động lại các nguồn cung cấp thương mại.

UN News: Chúng tôi đã nghe một số quan chức Liên hợp quốc nói rằng cần phải đưa các chuyến hàng thương mại quay trở lại Gaza. Nhưng nếu nền kinh tế đang trong tình trạng hỗn loạn và hoạt động quân sự đang diễn ra, làm sao mọi người có thể tiếp tục buôn bán và tiếp tục cuộc sống của mình, có một nền kinh tế bình thường?

Jamie McGoldrick: Điều cuối cùng chúng tôi muốn làm là, nếu lĩnh vực thương mại hoạt động trở lại, ta thực sự có thể bắt đầu cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng phải đóng cửa vì không còn gì trong đó. Hàng hóa đã hết. Chúng ta phải bổ sung hàng hóa.

Và khi chúng ta đạt đến một quy mô nhất định, chúng ta có thể bắt đầu sử dụng thẻ, hệ thống thanh toán.

Còn rất lâu chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu đó. Chúng ta đã phải đấu tranh lâu dài để duy trì nguồn cung cấp viện trợ nhân đạo, đặc biệt là thực phẩm và vật tư y tế ở đó.

Nếu chúng ta không làm điều đó, những mặt hàng này sẽ tràn lan trên thị trường chợ đen, và xảy ra tình trạng trục lợi trong bối cảnh này. Chúng ta đã thấy điều đó xảy ra.

UN News: Một số quan chức Israel đã nói rằng điều duy nhất cản trở việc viện trợ vào Gaza là những hạn chế của Liên Hợp Quốc. Ông sẽ trả lời họ như thế nào?

Đó là một môi trường khó khăn vì chúng tôi chỉ có thể phân phối viện trợ một cách hạn chế ở Rafah, nơi có khoảng một nửa dân số đang cư trú. Công tác viện trợ ở phần còn lại của Dải Gaza đã bị dừng lại do cường độ chiến sự và những hạn chế trong việc di chuyển, ví dụ như chúng tôi chỉ có 5 trong số 24 đoàn xe chở thực phẩm và thuốc men được phép đi về phía bắc.

Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường các chiến dịch của mình. Hiện tại hoạt động của chúng tôi phần nào bị ảnh hưởng vì chính phủ Israel kiên quyết sử dụng cửa khẩu đường bộ dành cho người đi bộ ở Rafah để cho xe tải chở nhu yếu phẩm đi qua. Chúng ta không thể phụ thuộc mọi thứ của Gaza - 2.2 triệu người - vào một cửa khẩu duy nhất ấy được.

Tiến trình hòa bình ở Gaza

UN News: Người dân đã bắt đầu mất niềm tin vào tiến trình hòa bình. Vậy hiện tại có thể làm gì để khôi phục niềm hy vọng ấy và vực lại văn phòng Điều phối viên Đặc biệt [cho Tiến trình Hòa bình Trung Đông] nhằm tiến tới một thỏa thuận?

Jamie McGoldrick: Chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn và tăng cường các cuộc đàm phán về việc trả tự do cho con tin ngay lập tức. Điều đó phải xảy ra.

Chúng ta phải tăng cường hỗ trợ vào Gaza, cân nhắc tới vấn đề an ninh nội bộ của Israel, và chúng ta phải mở thêm các cửa khẩu nhân đạo để cho phép viện trợ tiến vào Gaza, chẳng hạn như Kerem Shalom. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn vào các cửa khẩu ở phía bắc.

Chúng ta phải khôi phục các dịch vụ cơ bản, y tế, viện trợ nhân đạo đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này, sau đó bắt đầu xây dựng những dịch vụ mới để tiếp tục các hoạt động cứu hộ.

Chúng ta phải cho phép những bệnh nhân bị thương được điều trị bên ngoài Gaza, bởi vì Gaza không có đầy đủ các dịch vụ cần thiết cho những người đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng này. Chúng ta phải tạo điều kiện để thêm nhiều dịch vụ vào các khu vực đó.

Cuộc chiến sẽ kết thúc ra sao và nếu kết thúc, thì làm thế nào các bên, các nhóm khác nhau của Palestine có thể tập trung lại, làm thế nào người Palestine và người Israel có thể ngồi xuống bàn đàm phán?

Tôi nghĩ sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn hàn gắn, nhiều sự thận trọng và thấu hiểu. Nhưng một lúc nào đó, chúng ta phải quay lại tiến trình hòa bình này, bằng một cách nào đó rút ra được một phương thức để mọi người có thể cùng chung sống.

UN News: Đây là câu hỏi cuối cùng dành cho ông. Làm thế nào mà sau tất cả những điều này, các bên thực sự có thể ngồi lại đàm phán? Làm thế nào chúng ta có thể giải thích điều này cho những người không biết?

Jamie McGoldrick: Tôi nghĩ hòa bình tốt hơn chiến tranh. Tôi cho rằng đó là điều cơ bản và tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều mong muốn sống trong hòa bình, có một cuộc sống bình yên. Họ muốn có một tương lai. Họ muốn có những ước mơ, họ muốn mình có khả năng biết điều gì sẽ diễn ra. Họ muốn tham gia vào một xã hội bình thường, muốn có gia đình, và bạn không thể có được điều đó trong tình huống xung đột, bất an này. Tôi nghĩ chiến tranh phải kết thúc.

Tình thế tại Avdiivka nguy cấp, Ukraine khó cầm cự trước hỏa lực dữ dội của Nga

Sau nhiều tháng giao tranh ác liệt, Nga đang cố gắng bao vây và chiếm giữ thị trấn Avdiivka tại tỉnh Donetsk, đồng thời sử dụng nơi này làm bàn đạp hướng tới mục tiêu giành toàn bộ quyền kiểm soát khu vực công nghiệp Donbass. Về phần mình, Ukraine vẫn đang tìm mọi cách để cản bước tiến của quân Nga.

Tình thế tại thành trì Avdiivka nguy cấp

Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến giành quyền kiểm soát Avdiivka đang bước vào giai đoạn quan trọng khi các lực lượng Nga nỗ lực bao vây binh sỹ Ukraine còn lại trong khu vực và cố gắng cắt đứt tuyến đường tiếp tế của đối phương. Nga đã bao vây thành trì này từ 3 phía kể từ đầu năm đến nay.

Yury Butusov – nhà báo Ukraine cho biết, đạn pháo của Nga đã gây ra “sự tàn phá trên diện rộng” ở khu vực này. Để đối phó, Ukraine điều Lữ đoàn xung kích số 3, một trong những đơn vị chiến đấu tinh nhuệ nhất tới tiếp viện cho các đơn vị tại Avdiivka. Một số binh sỹ của lữ đoàn này cho biết, tình hình tại Avdiivka giống như “địa ngục, đầy rủi ro và bất ổn”, nhưng họ đã tiến hành một cuộc đột kích chống lại các lực lượng Nga và gây thương vong nặng nề cho đối phương. “Nga đang tích cực luân chuyển quân xung quanh Avdiivka, đồng thời triển khai lực lượng và trang thiết bị mới tới thị trấn”.

Lữ đoàn xung kích số 3 từng tham gia cuộc phản công ở miền Đông Ukraine vào mùa Hè năm 2022 và từng chiến đấu tại Bakhmut, do đó có kinh nghiệm dày dặn trên chiến trường.

Avdiivka đã trở thành điểm chớp cháy trên tiền tuyến kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công quy mô nhằm vào đây kể từ tháng 10/2022, nhưng đến thời điểm hiện tại hệ thống phòng thủ của Ukraine vẫn đứng vững. Nga đã mất hàng trăm phương tiện và hàng chục nghìn binh sỹ cho các cuộc giao tranh tại thành phố này, nhưng tổn thất đối với Ukraine cũng tương đối lớn.

Ivan Stupak, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và hiện là cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia Ukraine, cho biết: “Mục tiêu chính của chúng tôi là buộc Nga phải trả cái giá đắt nhất nếu họ muốn chiếm được khu vực này. Tuy vậy, chúng tôi cũng chịu thương vong rất nặng nề”.

Andrii Kramarov, một chuyên gia quân sự và cựu sĩ quan trong lực lượng vũ trang Ukraine, nói với Newsweek: "Chiến lược của chúng tôi là gây tổn thất cho Nga ở mức độ cao hơn so với Ukraine. Nếu thương vong ở mức độ ngang bằng nhau, chúng tôi sẽ buộc phải rời khỏi Avdiivka”.

Việc cạn kiệt kho dự trữ đạn dược do sự hỗ trợ quân sự của phương Tây bị tạm dừng đã khiến binh sỹ Ukraine rơi vào tình thế khó khăn ở tiền tuyến phía Đông. Phó tư lệnh Lữ đoàn xung kích số 3 của Ukraine, ông Maksym Zhorin cho biết, các cuộc giao tranh tại Avdiivka ác liệt hơn nhiều so với các cuộc giao tranh tại Bakhmut, trong khi đó, các đơn vị Ukraine đang bị yếu thế về hỏa lực và quân số.

Ukraine gắng sức cầm cự

Những bước tiến của Nga trong 2 tuần qua, dường như là kết quả của việc Moscow thay đổi chiến lược từ tấn công bằng phương tiện cơ giới sang sử dụng lực lượng bộ binh khi họ tiếp cận phía Đông thành phố, Independent dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho biết.

Trong chuyến thăm Avdiivka trong tuần này, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine - Tướng Oleksandr Syrskyi thừa nhận “môi trường hoạt động tại đây cực kỳ phức tạp và căng thẳng”. Bất chấp những lời kêu gọi rút lực lượng ra khỏi Avdiivka – nơi các binh sỹ mô tả như “Địa ngục”, ông Syrskyi cho biết ông đã “đưa ra một số quyết định quan trọng nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của các đơn vị và ngăn chặn các hoạt động của Nga trong thành phố”.

Các quan chức Ukraine nói rằng, không còn một tòa nhà nào còn nguyên vẹn trong thành phố sau nhiều tháng giao tranh. Một khi quân đội Nga tiến sâu hơn vào thành phố, quá trình rút lui của các lực lượng Ukraine sẽ trở nên khó khăn hơn. Ông Mick Ryan, cựu tướng của quân đội Australia cho rằng: “Ukraine sẽ phải sớm đưa ra quyết định để các lực lượng còn lại có thể rút lui một cách an toàn”.

Công cụ theo dõi tình báo nguồn mở DeepState của Ukraine báo cáo rằng lực lượng Nga đã đạt được thêm nhiều bước tiến ở phía Nam nhà máy than cốc và chia cắt thành phố thành hai phần. Trong vòng 6 tuần trở lại đây, một số thông tin trên Telegram cho biết, các lực lượng Nga đã tiến vào phía Đông Bắc thành phố Avdiivka, sử dụng thiết bị tạo khói và ngụy trang để tránh máy bay không người lái. Đối với Ukraine, tình hình tại nơi này trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.

Phát biểu trên kênh truyền hình ngày 15/2, người phát ngôn của quân khu miền Nam Ukraine, ông Dmytro Lykhovy cho biết: “Ở Avdiivka, chúng tôi đang tiến hành một số hoạt động nhằm đưa các đơn vị đến những vị trí thuận lợi hơn và buộc Nga phải từ bỏ chỗ đứng. Nhưng nguồn cung cấp cho Avdiivka và việc sơ tán khỏi khu vực này còn rất nhiều khó khăn”. Hiện, quân đội Ukraine đang phải kích hoạt tuyến “huyết mạch hậu cần dự bị được chuẩn bị từ trước”. Theo giới phân tích, đây dường như là sự xác nhận chính thức đầu tiên rằng Nga đã chọc thủng tuyến đường tiếp tế chính vào thành phố.

Người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Avdiivka, ông Vitalii Barabash cảnh báo, Nga đang gây sức ép rất mạnh lên khu vực phía Đông Bắc thành phố. “Đối phương đang cố gắng cô lập nhà máy than cốc với phần còn lại của thành phố xuyên qua vùng nông thôn. Họ đang tấn công rất mạnh mẽ”.

Andrew Perpetua, một nhà phân tích chiến tranh chuyên theo dõi tổn thất về phương tiện trên tiền tuyến cho rằng, đã có sự sụt giảm đáng kể số lượng xe tăng bị phá hủy hoặc bị hư hỏng trong vài tuần qua. Đây là dấu hiệu cho thấy Nga thay đổi chiến thuật, tiến hành các cuộc tấn công do bộ binh dẫn đầu trong trận chiến”.

Nhiều chuyên gia phương Tây lưu ý, chiến dịch tấn công ồ ạt của Nga, không chỉ ở Avdiivka mà còn nhiều khu vực khác đã đặc biệt thành công trong thời gian này do kho dự trữ đạn pháo của Ukraine cạn kiệt. Federico Borsari, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) nhận định: “Ukraine không thể làm suy yếu các vị trí tiền phương của Nga vì họ đang phải hạn chế sử dụng đạn pháo do không đủ số lượng dự trữ”.

Liên minh châu Âu đã thông qua gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine vào tháng 1 vừa qua. Tuy vậy, Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất của Kiev vẫn chưa thể cung cấp gói hỗ trợ mới do cuộc tranh cãi trong Quốc hội về vấn đề nhập cư ở biên giới phía Nam. Theo ước tính, Ukraine đang ở tình thế bất lợi hơn so với Nga về mặt pháo binh, với tỷ lệ 1:5 và Avdiivka đã trở thành minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự chênh lệch này đang mang lại ưu thế cho Moscow.

Nhà báo Yuri Butusov nói rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa sự sụt giảm nguồn cung cấp đạn dược và vũ khí của phương Tây với tình hình hiện tại ở Avdiivka và “binh sỹ Ukraine ở Avdiivka đang trả giá cho sự thiếu hụt này bằng máu của họ”.

Nguồn: Vnexpress; VietnamPlus; Dân Trí; Soha; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang