Người Việt hải ngoại: Tri ân thầy cô ở Ba Lan; Phạm pháp kỷ lục ở Nhật; Một người được HQ vinh danh; 11 người bị bắt ở Úc

Tri ân các thầy, cô giáo đang giảng dạy tại Trường tiếng Việt Lạc Long Quân

(Ảnh minh họa).

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023), đại diện Ban Công tác cộng đồng, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã đến thăm và chúc mừng các thầy, cô giáo đang giảng dạy tại Trường tiếng Việt Lạc Long Quân.

Trường tiếng Việt Lạc Long Quân là ngôi trường đã và đang thực hiện sứ mệnh gìn giữ tiếng Việt thông qua việc giảng dạy cho gần 200 con em kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc trên đất nước Ba Lan.

Tham dự buổi gặp mặt có ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân; ông Mai Hải Lâm, Hiệu trưởng Nhà trường cùng hơn 10 thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại trường.

Tại buổi gặp mặt, ông Mai Hải Lâm đã thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường thông tin nhanh về tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và một số kết quả nổi bật của Nhà trường trong thời gian qua.

Trường tiếng Việt Lạc Long Quân được sáng lập từ năm 1999, xuất phát từ đề xuất của một số phụ huynh và giáo viên mong muốn cho con em mình được học tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam.

Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, tính đến nay, tổng số học sinh ở các khối lớp của nhà trường đạt gần 200 học sinh mỗi năm với các lứa tuổi từ 5-14 tuổi, việc học tập và giảng dạy được duy trì ở cả hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến.

Đối với hình thức trực tiếp, địa chỉ cơ sở chính của trường là thuê phòng học của Trường Phổ thông cơ sở số 264 mang tên Gabrieli Mistra và cơ sở 2 tại Trung tâm chợ Wolka - khu chợ có đông bà con ta đang làm ăn, sinh sống tại Ba Lan.

Ngoài việc giảng dạy và học tập tiếng Việt, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác (ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, ngày Quốc tế Thiêu Nhi 1-6…) nhằm giúp con em hiểu biết thêm về thuần phong mỹ tục của Dân tộc, hướng tâm tư tình cảm của con em về với quê hương đất nước, tạo cơ hội cho con em người Việt có dịp để gần gũi, gắn bó với nhau và với cộng đồng.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, ông Nguyễn Đức Quang, Tham tán, đã bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đến thăm quan nhà trường và trực tiếp được trải nghiệm một số giờ học tại các lớp học dành cho con em kiều bào ở các trình độ khác nhau.

Đại diện Đại sứ quán vui mừng trước những thành tích, sự nỗ lực cố gắng của tập thể Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo trong nhà trường thời gian vừa qua.

Đại diện Ban công tác cộng đồng cũng thông tin đến trường một số chủ trương, chính sách trong nước về việc đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022.

Ông Quang tin tưởng rằng Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ trở thành dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới trong đó có cộng đồng người Việt tại Ba Lan, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Đại sứ quán đã trao tặng Nhà trường Lẵng hoa chúc mừng và gửi lời chúc mừng, tri ân tới các thầy cô giáo những người luôn nhiệt tình và tâm huyết đối với công tác dạy học và gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

Số lượng người Việt phạm pháp tại Nhật đã vượt người Trung Quốc

Tỷ lệ thuận với số lượng người Việt tại Nhật ngày càng tăng, số lượng tội phạm cũng tăng theo. Vậy tình trạng tội phạm người Việt hiện tại như thế nào? Đâu là giải pháp của cảnh sát Nhật để giải quyết tình trạng này? Hãy cùng LocoBee tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tình trạng tội phạm người Việt tại Nhật

Theo kết quả điều tra, trong số những người phạm pháp bị Sở Cảnh sát Tokyo bắt giữ năm nay, lượng người Việt phạm pháp đang gia tăng nhanh chóng, vượt qua người Trung Quốc, vốn là quốc gia trong nhiều năm đứng đầu danh sách này. Sở Cảnh sát Tokyo đang tăng cường cảnh giác trước sự mất tích và phạm tội của các thực tập sinh và du học sinh Việt Nam vì lo ngại các đối tượng phạm pháp có thể tập trung tại trung tâm Tokyo.

Theo Sở Cảnh sát Tokyo và các nhà điều tra, có đến 776 người trong số 2.202 người nước ngoài (người phạm tội hình sự và người vi phạm luật đặc biệt) bị Sở Cảnh sát Tokyo bắt giữ từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023 là người Việt Nam. Tiếp đó, người Trung Quốc có số lượng người đông thứ 2 với 553 người. Mặc dù người Trung Quốc từ lâu đã đứng đầu bảng xếp hạng này, nhưng rất có thể năm nay sẽ là lần đầu tiên tội phạm người Việt đông hơn người Trung Quốc.

Số lượng công dân Việt Nam phạm tội tại Nhật Bản ngày càng tăng lên hàng năm. Năm 2013, con số này chỉ là 318 người. Mặc dù có sự suy giảm tạm thời do sự lây lan của virus Corona, nhưng số tội phạm người Việt đã tăng lên 709 vào năm 2022, nhiều gấp đôi so với năm 2013.

Mặt khác, hầu hết công dân Việt Nam phạm tội trong năm nay (776 người) đều đến Nhật Bản với mục đích đào tạo kỹ thuật (thực tập sinh 406 người). Trong số này, 344 người được ghi nhận là đã mất tích/bỏ trốn hoặc ở lại quá hạn bất hợp pháp. Ngoài ra còn có 201 người ở lại trái phép để lưu trú ngắn hạn hoặc du học.

Đằng sau sự gia tăng nhanh chóng tội phạm người Việt là sự gia tăng số lượng người nhập cảnh cũng như việc dỡ bỏ các biện pháp đặc biệt để gia hạn tư cách lưu trú đối với những thực tập sinh kỹ thuật gặp khó khăn trong việc trở về nước do trước đại dịch COVID-19. Số trường hợp ở lại quá hạn bất hợp pháp ngày càng tăng. Sở Cảnh sát Tokyo đang tăng cường cảnh giác vì lo ngại những người Việt này có thể tụ tập tại các trung tâm đô thị và thành lập nhóm tội phạm riêng.

2. Sở Cảnh sát Tokyo sử dụng nhiều kênh để phổ biến thông tin

Để ngăn chặn người nước ngoài phạm tội, Sở Cảnh sát đang tăng cường nỗ lực phổ biến thông tin cho người nước ngoài. Họ đang xem xét việc mở một tài khoản Facebook chính thức để thực hiện kế hoạch này. Cảnh sát đã đăng các video có phụ đề bằng 7 ngôn ngữ trên YouTube và phổ biến thông tin trên X (trước đây là Twitter). Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng SNS được sử dụng để lấy thông tin khác nhau tùy thuộc vào quốc tịch, vì vậy họ dự định sử dụng nhiều phương tiện để phổ biến thông tin.

Theo báo cáo khảo sát của Cơ quan Dịch vụ Nhập cư về cư dân nước ngoài vào năm tài chính 2021, 80% đến 90% người Việt Nam, Philippines và Nepal sử dụng Facebook và mong muốn đó có thể là nơi họ nhận thông tin từ các tổ chức công.

Sở Cảnh sát Tokyo đã nhận thấy xu hướng này. Từ đó, họ đưa ra ý tưởng là phổ biến thông tin bằng nhiều ngôn ngữ trên Facebook để ngăn chặn các tổ chức tội phạm xâm nhập vào cộng đồng nước ngoài và cảnh báo mọi người không cung cấp các công cụ tội phạm như việc làm bất hợp pháp, công việc bán thời gian ngầm và mua bán sổ tiết kiệm.

Theo Sở Cảnh sát Tokyo, người nước ngoài có tư cách lưu trú không thuộc diện thường trú, vợ/chồng, thành viên gia đình, thường trú nhân đặc biệt, quân nhân và đang du học hoặc đào tạo kỹ thuật. Tất cả người nước ngoài không có tư cách lưu trú, chẳng hạn như những người ở quá hạn bất hợp pháp hoặc cư trú bất hợp pháp, cũng được đưa vào danh sách tội phạm người nước ngoài tại Nhật Bản.

Người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được vinh danh vì lập nghiệp thành công

(Ảnh minh họa).

Theo Korea Times, một công nhân Việt Nam đã được Chính phủ Hàn Quốc vinh danh vì những thành công nhờ kinh nghiệm thu thập được trong thời gian làm việc tại nước này.

Theo đó, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, cùng với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, đã mời 15 lao động nước ngoài trở lại Hàn Quốc để chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp thành công sau khi hoàn tất thời gian làm việc tại Hàn Quốc theo Hệ thống giấy phép việc làm (EPS).

EPS là một chương trình lao động di cư, theo đó người lao động từ 16 quốc gia châu Á: Philippines, Mông Cổ, Sri Lanka, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Uzbekistan, Pakistan, Campuchia, Trung Quốc, Bangladesh, Kyrgyzstan, Nepal, Myanmar, Đông Timor và Lào được phép làm việc tại Hàn Quốc với thị thực lao động không chuyên nghiệp (loại E-9). Cho đến nay, khoảng 940.000 lao động đã vào Hàn Quốc theo diện này.

"Những người lao động nhập cư với những câu chuyện thành công là tấm gương tốt cho những người đang làm việc tại Hàn Quốc cũng như những người đang hy vọng vào Hàn Quốc" - Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung-sik nói trong bài phát biểu chào mừng tại sự kiện vinh danh.

Trong sự kiện này, Bộ trưởng Lee Jung-sik đã trao giải thưởng cao nhất cho công nhân Việt Nam Vũ Văn Giáp, người đã làm việc trong lĩnh vực thủy sản tại Hàn Quốc từ năm 2006 đến năm 2011, và thành lập doanh nghiệp riêng sau khi trở về nước.

Trao đổi với báo chí, anh Vũ Văn Giáp cho biết, anh đã học rất chăm chỉ để vượt qua bài kiểm tra trình độ tiếng Hàn (TOPIK), và đến Hàn Quốc với tư cách là một công nhân ngư nghiệp vào năm 2006. "Đến làm việc đầu tiên, tôi đã ở trên một chiếc thuyền đánh cá để bắt bạch tuộc" - anh Giáp chia sẻ.

Sau một năm, anh Giáp được một công ty nuôi hàu thuê. Tại đây, anh phát minh ra một máy làm sạch hàu có khả năng thay thế 3 công nhân. Sau đó, anh cũng đã phát minh ra thêm một số máy móc hữu ích khác.

Sau khi về Việt Nam, anh được một công ty Hàn Quốc chuyên về máy móc công nghiệp tuyển dụng. Sau khi làm việc tại đây từ năm 2012 đến năm 2019, anh thành lập doanh nghiệp riêng chuyên sản xuất băng tải và các sản phẩm khác nhau.

Lúc đầu, công ty của anh Giáp chỉ có 5 công nhân và doanh thu hằng năm chỉ ở mức 120.000 USD. Hiện, công ty đã có 30 công nhân và doanh thu hằng năm khoảng 620.000 USD. Công ty của anh Giáp đã trở thành đối tác không chỉ với các công ty Việt Nam mà còn với các công ty hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics.

Ngoài anh Giáp, có 4 cá nhân khác được vinh danh, đến từ Indonesia, Campuchia, Sri Lanka, và đặc biệt là Avon Domalaon đến từ Philippines, người đã làm việc tại Hàn Quốc từ năm 2006 đến 2012, hiện là Phó Thị trưởng thành phố Sorsogon.

Mười một người Việt ở Úc với visa du học sinh bị bắt trong đường dây tội phạm trồng cần sa

Cơ quan chức năng tại bạng Queensland, Úc bắt giữ 11 người Việt đến nước này bằng visa du học sinh nhưng tham gia băng nhóm tội phạm trồng, sản xuất cần sa.

Mạng báo Sunshine Coast News tại Úc loan tin cho biết, hôm 7/11 vừa qua giới chức thuộc Nhóm Chống Tội phạm Nguy hiểm và Ma túy tiến hành lệnh khám xét một cơ ngơi ở Gungaloon phía bắc Thành phố Maryborough, bang Queensland và phát hiện ra trang trại chuyên canh cần sa tại đó.

Trang trại có 24 “ống vòm”, mỗi ống vòm dài 65 mét- rộng 10 mét, trong những ống vòm đó có 11.118 cây cần sa đang phát triển. Lực lượng chức năng còn thu giữ được 515 kilogram nụ cần sa khô.

Qua vụ này, lực lượng chức năng tiến hành truy quét thêm nhiều cơ ngơi khắp khu vực đông nam Bang Queensland và bắt được tổng cộng 18 người. Trong số này có 11 người Việt tại cơ ngơi ở Gungaloon và được biết tất cả đến Úc bằng visa du học sinh.

Họ bị cáo buộc tội sản xuất độc dược, sở hữu độc dược và những vật dụng được dùng hay để dùng thực hiện hành vi tội phạm.

Hiện họ đang bị giam và chờ ngày ra tòa ở Maryborough vào ngày 23/1/2024 tới đây.

Viên chức điều tra Brad Phelps của Nhóm Chống tội phạm Nguy hiểm và Ma Túy cho biết chiến dịch truy quét phá vỡ một băng nhóm tội phạm lớn đã đầu tư đáng kể cho việc hình thành đường dây tội phạm.

Trang trại chuyên canh cần sa ở Gungaloon được nói đã đi vào hoạt động được chừng 18 tháng và mỗi tuần xuất xưởng vài trăm kilogram cần sa.

Nguồn: Báo Quốc Tế; LocoBee; Hà Nội Mới; RFA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang