Người Việt hải ngoại: Trả lại ví ở Nhật; Khởi nghiệp ở Mozambique; Tìm lối đi riêng; Lính Mũ nồi xanh gây tiếng vang

Hai công nhân người Việt tìm đến nhà người Nhật trả lại ví đánh rơi

(Ảnh minh họa).

Sau khi nhặt được ví có tiền và giấy tờ của chủ nhân đánh rơi, 2 công nhân Việt đã đạp xe đến nhà trả lại. Hành động đẹp này nhận được "mưa tim" trên mạng xã hội.

Trong clip, 2 người Việt nói rằng trên giấy tờ có ghi địa chỉ của người đánh rơi nên họ xem bản đồ và tìm đến. Vui mừng nhận lại được ví, chủ nhân muốn gửi tặng một ít tiền nhưng họ nhất quyết không nhận và rời đi sau đó.

Đoạn clip nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Tài khoản Việt Anh bình luận: "Bạn làm hình ảnh người Việt đẹp hơn trong mắt người Nhật. Hành động rất đẹp và ý nghĩa". Bạn Hoàng Hoa viết: "Hai bạn thật tuyệt vời, chúc 2 bạn luôn mạnh khỏe, kiếm thật nhiều tiền".

Lan tỏa điều tích cực

PV Thanh Niên liên hệ với 2 người Việt trong đoạn clip trên là anh Nguyễn Văn Tấn (39 tuổi) và anh Nguyễn Văn Ly (32 tuổi), hiện đang sống và làm việc ở Osaka, Nhật Bản. Anh Tấn cho biết, việc xảy ra cách đây khoảng 2 tuần và anh mới đăng tải lên trang cá nhân.

Anh chia sẻ, hôm đó mấy anh em đi chơi về khuya, khi đến gần công viên Daimon, đoạn giao khu tổ hợp Kamishin Plaza, mọi người có nhặt được chiếc ví. Khi cầm lên, anh thấy trong ví có chiếc thẻ giống căn cước công dân ở Việt Nam. Tra bản đồ, thấy địa chỉ gần nên họ quyết định đạp xe đến trả lại và chỉ mất khoảng 5 phút để đến nhà của người đàn ông Nhật.

"Mình đến nhà bấm chuông để gặp nhưng lần đầu bị nhầm nhà. Sau đó, người hàng xóm chỉ sang nhà bên cạnh và giúp tụi mình gọi chủ nhân ra. Anh này khá ngạc nhiên khi tụi mình đến", anh nói.

Khi gặp được chủ nhân, anh Tấn nói kiểm tra lại ví xem có bị thiếu tiền hay giấy tờ không. Do họ tin tưởng nên không xem lại ví và nhận ngay sau đó. Người đàn ông muốn gửi một khoản tiền cảm ơn nhưng anh Tấn và anh Ly đều không nhận. Vợ của chủ nhân lấy giấy bút ra ghi địa chỉ nhà của 2 người để gửi quà cảm ơn nhưng một lần nữa cả hai từ chối.

"Mình thấy vui sau khi được làm một điều tốt. Mình cũng muốn chia sẻ câu chuyện lên trang cá nhân để lan tỏa đến mọi người, đặc biệt với người Việt đang sinh sống ở nước ngoài", anh nói.

Kỷ niệm đẹp khi sống ở Nhật

Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, bên cạnh những lời bình luận tích cực, anh Tấn có đọc được một số chia sẻ với nội dung trong trường hợp nhặt được ví, mọi người nên giao lại cho cảnh sát để tránh bị vạ lây. Chia sẻ về điều này, anh Tấn cho biết: "Mình sang Nhật 6 năm nay nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp như vậy. Mình cũng hỏi những người Việt sinh sống ở đây lâu năm về việc đến nhà trả lại ví cho người đánh mất mà bị kiện ngược và cũng nhận được câu trả lời là chưa có".

Cách đây khoảng 3 năm, anh cũng trả lại tiền cho người bị mất khi rút tiền tại cây ATM. Thời điểm đó, anh chuẩn bị đút thẻ vào máy thì thấy tờ 1 man sót lại trong khe. Anh liền đuổi theo để trả lại.

Anh Tấn hiện đang làm công nhân lắp đặt giàn giáo xây dựng. Công việc vất vả, anh luôn cố gắng làm việc với hy vọng kiếm chút tiền để về quê hương lập nghiệp. Anh Ly chia sẻ, việc nhặt được ví và trả lại người đánh rơi là điều nên làm. Tuy nhiên, khi trả lại cũng nên quay clip để tránh những phiền phức không đáng có về sau.

"Mình nghĩ rằng đây chỉ là một việc làm nhỏ bé nhưng có thể để lại ấn tượng tốt đẹp với người Nhật. Sau khi trả lại ví, chủ nhân và tụi mình đều vui vẻ. Mình có thêm một kỷ niệm đẹp trong thời gian sinh sống và làm việc ở Nhật Bản", anh Ly bày tỏ.

Cơ nghiệp triệu đô của vợ chồng người Việt ở Mozambique, khởi nghiệp từ nghề "lấm lem"

Không chỉ làm giàu cho bản thân, cặp vợ chồng người Việt còn đưa cả các em, các cháu sang châu Phi, hướng dẫn và hỗ trợ kinh doanh riêng.

Lập nghiệp ở nước ngoài, với những người Việt trẻ thích trải nghiệm, thử thách dường như không còn là con đường quá xa lạ. Với họ, giới hạn phiêu lưu không chỉ gói gọn trong những quốc gia nhiều nguồn lực như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... mà ngay cả ở những vùng đang phát triển như châu Phi cũng có thể trở thành miền đất hứa.

Vợ chồng anh Ca ở, chị Ngọc (cùng sinh năm 1991) đang sống và làm việc tại thủ đô Maputo, nước Mozambique là một ví dụ. Anh Ca sống tại Mozambique hơn 10 năm, còn chị Ngọc cũng quen thân với mảnh đất này hơn 6 năm.

Nhớ về cơ duyên của mình với mảnh đất Đông Phi hiền hòa, anh Ca tâm sự: "Hồi đó mình học ngành tài chính ngân hàng, ra trường được khoảng nửa năm thì 2013 sang Mozambique làm việc. Có một người anh họ của mình đã sống ở đây từ trước, anh nói thị trường kinh doanh ở đây có tiềm năng.

Tuổi trẻ thích khám phá vùng đất mới nên mình qua thử. Hồi mới sang, mình khởi nghiệp bằng công ty văn phòng phẩm, dịch vụ đắt khách nhất là đổ mực in. Người Việt Nam mình đã quen với việc đổ mực in cho tiết kiệm, nhưng thời điểm 2013, người dân ở Mozambique còn xa lạ với dịch vụ này, mình làm ăn khá được".

Sau này, anh Ca chuyển hướng, hùn vốn cùng mấy anh em nữa mở ở công ty kinh doanh đồ uống. Rồi cộng sự về nước, nhượng lại công ty cho, anh Ca "bất đắc dĩ" trở thành ông chủ. Trải qua nhiều thăng trầm, công ty của anh kinh doanh khá thuận lợi. Ở Việt Nam, anh đầu tư thêm vào mảng công nghệ.

Vợ anh, chị Ngọc lại kinh doanh mảng cửa hàng thực phẩm và siêu thị mini. Ngọc nhớ lại, hồi định sang Mozambique lập nghiệp, cô đã nhắn tin hỏi thăm anh Ca, hy vọng với kinh nghiệm làm ăn tại đất nước này, người đồng hương sẽ có một số chỉ dẫn hữu ích cho mình.

"Mình nhắn tin hỏi, anh ơi tình hình ở đất nước Mozambique ấy thế nào, anh lại trả lời: Có đất và có nước em ạ. Lúc đó mình rất tức, thấy anh này kiêu quá nên quyết tâm khi sang sẽ gặp mặt, tìm cách khiến anh ấy phải yêu mình rồi làm cho anh khổ (cười lớn). Nói là làm, anh Ca mất rất nhiều công sức mới khiến mình chú ý, xiêu lòng, vì ban đầu mình ghét anh mà", Ngọc hóm hỉnh kể lại.

Từ khi kết hôn vào năm 2017, Ngọc đã phát triển sự nghiệp độc lập với chồng. Anh chỉ hỗ trợ, cho ý kiến khi cần, còn lại một mình Ngọc quán xuyến siêu thị mini. Ở đây, cô nhập nhiều mặt hàng thiết yếu và có một số đồ Việt Nam như xốt chấm, nước tương, nước mắm, phở khô, bánh đa đỏ, phở ăn liền, mộc nhĩ nấm hương...

Cô còn đặt hàng xoong nồi ở làng nghề Việt Nam để bán ở siêu thị. Cô khoe, khách hàng rất đón nhận sản phẩm này, ai đi ngang qua cửa hàng thấy nồi cũng thử sờ, xem chất liệu rồi khen, cũng có khách đã mua quay lại feedback rất tốt.

"Từ khi sống ở đây, mở được siêu thị mini rồi thêm cửa hàng thực phẩm, mình luôn liên tục nhấn mạnh với hàng xóm và khách hàng mình là người Việt Nam chứ không phải người nước châu Á nào khác.

Đến giờ thì mình rất hạnh phúc khi ngay cả những khách lạ đến siêu thị, nhìn thấy mình và các nhân viên đều ồ lên: 'À, đây là cô gái Việt Nam', và bảo rằng người Việt thân thiện, hiếu khách. Những người dân ở đây cũng tình cảm lắm, những ngày đầu lập nghiệp, họ góp ý cho mình khá nhiều, hướng dẫn mình nhập cái này, mua cái kia về bán" - Ngọc kể.

Sau 10 năm chăm chỉ làm việc, phát triển kinh doanh, cặp đôi 9x đã có tài sản ổn định và tích lũy được số vốn lớn, liên tục tái kinh doanh. Họ nhận định, Mozambique là một thị trường mở và tương đối tiềm năng, để đủ sống thì không đến nỗi chật vật. Còn muốn làm giàu, nhất định phải có hiểu biết về văn hóa, pháp lý, thị trường và phải tính toán rất kỹ các chi phí khi kinh doanh lớn.

Điều đặc biệt là, Ca và Ngọc không lập nghiệp một mình ở xứ người. Ngay khi vững vàng kinh tế, họ đã đón các em, các cháu trong gia đình, người quen sang Mozambique. Thời gian đầu, cặp đôi hỗ trợ, kèm cặp công việc, giúp họ thích nghi cuộc sống. Ai muốn tách ra làm độc lập, gây dựng sự nghiệp sẽ được giúp đỡ nhiệt tình.

Bài 2: Tìm lối đi riêng

(Ảnh minh họa).

Một số Việt kiều trong ngành cho rằng đầu tư vào giai đoạn thiết kế chip, trở thành nước top đầu thế giới về đất hiếm… đó là lối đi riêng, phù hợp của Việt Nam trong ngành bán dẫn.

Giai đoạn thiết kế chip

Tiến sĩ ngành thiết kế bán dẫn Lê Huy Bình, hiện đang làm việc tại công ty Monolithic Power Systems (MPS) có trụ sở tại Anh cho biết, việc phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đòi hỏi một sự đầu tư và cơ cấu hệ thống rộng lớn.

Thứ nhất, do sự phức tạp trong quá trình sản xuất chip. Bởi để tạo ra một sản phẩm chip hoàn chỉnh gồm nhiều quy trình công nghệ phức tạp. Trung bình mất từ 6 đến 12 tháng. Tùy vào độ phức tạp, để đội ngũ kỹ sư thiết kế một chip với hàng nghìn bước khác nhau. Sau đó, cần 2 tháng để đúc chip dựa trên bản vẽ thiết kế và 1 tháng cho đóng gói và kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật. Mỗi giai đoạn đều đòi hỏi mức độ khó khăn riêng.

Thứ hai, yêu cầu chi phí và đầu tư lớn. Xây dựng một nhà máy sản xuất chip đòi hỏi hàng chục tỷ USD cùng với công nghệ hiện đại và độ chính xác của sản phẩm cũng phải đạt mức cao. Phần mềm thiết kế chip có giá hàng triệu USD tiền bản quyền hàng năm (tùy vào số lượng người dùng). Đầu tư vào phòng thí nghiệm (lab) để thử nghiệm chip có thể tốn hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD.

Với nguồn tài chính lớn, nên việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam để đảm bảo dự án có đầu vào mà chưa chắc chắn đầu ra tiêu thụ như thế nào không phải là một quyết định sáng suốt. Cần xem xét mức độ cạnh tranh trong ngành và khả năng cung ứng để đảm bảo rằng Việt Nam có thể cạnh tranh và tạo ra giá trị thực sự từ việc sản xuất chip.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Huy Bình, Việt Nam có tiềm năng tham gia vào giai đoạn thiết kế chip, mà chiếm từ 70-80% giá trị tổng của sản phẩm. Cụ thể, với một con chip giá trị 1 USD, thì chi phí thiết kế chip mất khoảng 70-80 cent, chính vì thế, Việt Nam nên đầu tư vào giai đoạn thiết kế.

Tương tự, chuyên gia về chip/semiconductor tại Silicon Valley (Mỹ) Song Anh cho rằng, vì đặc thù của ngành là phải đầu tư lớn, Việt Nam chỉ nên tập trung đầu tư sâu cho trung tâm trọng điểm làm bán dẫn chứ không nên dàn trải ra nhiều cơ sở. Việt Nam nên học theo các mô hình của Nhật Bản, Đài Loan hoặc Hàn Quốc vì họ có những bước phát triển tương tự từ những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước.

Công nghệ xưởng cực tiểu (minimal fab)

GS Đặng Lương Mô cho rằng, mặc dù Việt Nam là nước có dân số lớn với nhu cầu không nhỏ về chip vi mạch, nhất là trên các sản phẩm dân dụng, nhưng nguồn cung hiện tại hầu như đã ổn định, vì thế cần thận trọng khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất lớn (Mega Fab). Ta chỉ nên làm điều đó khi đã giải quyết được vấn đề thị trường cho sản phẩm đầu ra.

Ngày nay, để nắm bắt công nghệ chế tạo chip, người ta không nhất thiết phải xây dựng nhà máy. Ví dụ Apple hay Qualcomm đều không tự sản xuất chip của mình, mà thuê TSMC thực hiện. Giáo sư Mô gợi ý, Việt Nam nên lưu ý một hướng đi mới đang được nhiều đối tác và liên minh bán dẫn tại Nhật Bản theo đuổi, đó là công nghệ Xưởng cực tiểu (minimal fab) – hứa hẹn mang lại năng lực sản xuất mà không cần xây dựng nhà máy hàng tỷ USD, cho phép các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, công ty vừa và nhỏ… hay thậm chí cá nhân cũng có thể tham gia cuộc chơi bán dẫn. Vì quy mô nhỏ nên Xưởng cực tiểu chỉ có năng lực hạn chế, cả về số lượng sản xuất và về mức độ tiên tiến của công nghệ chế tạo.

Theo GS Đặng Lương Mô, Việt Nam không nên chỉ làm lại những gì thế giới đã có mà phải đi vào chiều sâu, nghiên cứu để đột phá, sáng tạo cái mới. Việt Nam nên đi theo từng giai đoạn, từ khởi phát, qua chuyển tiếp, để sau cùng đạt tới tự mình đứng vững.

Cung ứng đất hiếm

Tiến sỹ công nghệ vật liệu bán dẫn tại Nhật Bản Huỳnh Tấn Minh Triết cho biết, hiện nay, chất bán dẫn nguyên liệu để sản xuất ra con chip đang thiếu hụt trầm trọng. Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn... Với trữ lượng đất hiếm dồi dào, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng lợi thế này trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn. Trở thành là thị trường có thể cung ứng đất hiếm top đầu thế giới.

Không chỉ dừng lại ở thị trường cung ứng đất hiếm, Việt Nam có thể tham gia trong chuỗi cung ứng các linh kiện bán dẫn trong tình hình khủng hoảng linh kiện bán dẫn hiện tại. Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, để có thể hiện thực hóa cần có sự kết hợp của nhiều ngành nghề, ban ngành và đoàn thể trong và ngoài nước cùng chung tay góp sức xây dựng và phát triển ngành công nghệ bán dẫn.

Thứ nhất, cần phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm, đi từ nguyên vật liệu thô cho đến nguyên vật liệu tinh chế.

Thứ hai, cần kết hợp với các viện nghiên cứu từ trường học cho đến doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước để nghiên cứu và phát triển các vật liệu bán dẫn mới đáp ứng cho nhu cầu điện tử hiện tại và trong tương lai xa hơn.

Theo TS Triết, nhiều thập kỷ qua, Si (silicon) luôn là vật liệu thống trị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong xu thế các linh kiện điện tử càng ngày càng nhỏ, càng nhiều tính năng hơn, vật liệu Si dần không đáp ứng được các nhu cầu của trang thiết bị điện tử hiện tại. Việc tìm ra 1 vật liệu mới thay thế Si luôn là vấn đề đau đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Silicon Carbide (SiC) và Gallium Nitride (GaN) là 2 vật liệu tiềm năng cần đầu tư và phát triển trong thời gian gần đây. SiC với khả năng chịu tải cao, chịu nhiệt cao, giá thành thấp, nên được ứng dụng nhiều trong ngành năng lượng mặt trời, xe điện… Vật liệu GaN với tính năng dễ gia công tinh vi, đáp ứng vượt trội cho các thế hệ vi chip nhỏ, xử lý nhanh và đa tính năng trong tương lai. Hiện tại, SiC thì Việt Nam mình có thể tổng hợp được.

"Đất hiếm giống là chất phụ gia để tăng các đặc tính điện của vật liệu. Giống như nồi canh muốn ngon phải có nước mắm. SiC hay GaN như là nguyên liệu cơ bản như thịt, nước, rau. Còn đất hiếm giống như là muối đường, gia vị. Nhưng trong tình hình nhu cầu tăng cao về chất lượng. Ai nắm được chìa khoá và nguồn gia vị đó sẽ có lợi thế rất lớn. Nên tới nay, mọi người vẫn đầu tư về công thức pha trộn đất hiếm - ngành thiết kế vật liệu bán dẫn", TS Minh Triết chia sẻ.

Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam gây tiếng vang quốc tế với chiến dịch bảo vệ môi trường ở Nam Sudan

Trong nắng gió châu Phi, cây Nêu của các chiến sĩ Mũ nồi Xanh Việt Nam vươn mình, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, cũng như ý chí kiên cường, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Điều ước ở Nam Sudan

"Let us live in peace and love. Let us forget the last things" (Tạm dịch: Xin cho chúng con được sống trong hòa bình và tình thương yêu. Hãy giúp chúng con quên đi những điều đã qua). Đây là những dòng chữ trên tấm bảng tại một trường học ở Bentiu, Cộng hòa Nam Sudan.

Chỉ là vài từ ngắn gọn nhưng những con chữ ấy lại chứa đựng nỗi khát khao, mong ước được sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và trong lành của trẻ em, cũng như người dân nơi đây.

Thế nhưng, trong giai đoạn 2021-2022, Nam Sudan phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là tình hình chiến sự bất ổn, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đặc biệt là thảm họa lũ lụt lớn nhất trong 60 năm qua. Nhà cửa bị phá hủy, mùa màng bị hủy hoại, người dân phải di dời trong tuyệt vọng, tìm kiếm vùng đất cao hơn để trú ẩn.

Thống kê của Tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children tháng 10/2022 cho thấy, Nam Sudan đang đứng đầu danh sách các nước châu Phi có nhiều khả năng đối mặt với "mối đe dọa kép" (đói nghèo + thảm họa khí hậu), với 87% trẻ em ở nước này bị ảnh hưởng.

Ông Arafat Jamal - Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Nam Sudan nhấn mạnh: "Người dân Nam Sudan đang chịu thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến mà họ không lựa chọn. Quốc gia này đang ở tuyến đầu của tình trạng khẩn cấp về khí hậu".

Trong bối cảnh đó, khắc phục và bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam chung tay bảo vệ môi trường

Tháng 3/2021, sau khi tiếp nhận công tác từ đơn vị đi trước tại Phân khu Unity, phái bộ UNMISS ở Bentiu (Nam Sudan) cán bộ nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam (BVDC 2.3) đã đã đặt ra nhiệm vụ phải nhanh chóng hành động để có thể hỗ trợ phái bộ, cũng như cộng đồng người dân địa phương ở Nam Sudan cải thiện môi trường sống.

Dự án "Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam Chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn đóng quân trong thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" đã được triển khai.

Dự án là một chuỗi các hoạt động tình nguyện do cán bộ và nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam tại Nam Sudan thực hiện, tập trung vào 4 mục tiêu chính:

1. Tạo ra môi trường sống và làm việc sạch sẽ, an toàn cho cả cán bộ, nhân viên LHQ và cộng đồng dân cư địa phương tại Nam Sudan.

2. Nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của chính quyền nước sở tại, cộng đồng dân cư địa phương và cán bộ, nhân viên LHQ.

3. Tạo ra sự lan tỏa năng lượng tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích từng cá nhân cũng như tập thể cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường, nhất là thế hệ trẻ, học sinh tại các trường học.

4. Quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện, yêu hòa bình, mang "văn hóa xanh, lối sống xanh" tới bè bạn quốc tế. Đồng thời, dự án cũng như coi bảo vệ môi trường là một phần trong sứ mệnh ngăn chặn xung đột và bảo vệ hòa bình cho quốc gia Nam Sudan cũng như trên toàn thế giới.

Dự án được thực hiện trong địa bàn đóng quân của UNMISS, bao gồm khuôn viên đơn vị, khuôn viên nơi ở và làm việc của nhân viên LHQ, cộng đồng dân cư, các cơ quan địa phương, trường học của bang Bentiu, các đơn vị quốc tế, LHQ tại phân khu và các phân khu khác tại Phái bộ UNMISS.

Cây Nêu 'gây sốt' ở Nam Sudan

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần (2022), hình ảnh cây Nêu Việt Nam tại UNMISS đã khiến nhiều người bất ngờ vì sự độc đáo.

Thân cây dài 10m được làm từ ăng-ten cũ, xung quanh là các dây cờ đủ sắc màu và chùm dây trang trí tái chế từ nylon. Ngọn cây được trang trí bằng một chiếc chuông gió làm từ ống trúc.

Trên đỉnh cao nhất của cây Nêu là lá cờ Tổ quốc Việt Nam kiêu hãnh tung bay giữa nắng gió châu Phi, biểu trưng cho ý chí kiên cường, cũng như quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Nhưng không dừng lại ở đó, hình ảnh cây Nêu tại UNMISS còn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường: Tái chế đồ dùng đã qua sử dụng.

Skip

Đây cũng là một trong những hoạt động chính được thúc đẩy xuyên suốt dự án "Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam Chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn đóng quân trong thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" của BVDC 2.3.

Rác thải hàng ngày được tái chế thành các sản phẩm quà tặng, đồ chơi cho học sinh, trẻ em địa phương, sử dụng các loại gỗ thừa từ các thùng đóng hàng để đóng bàn ghế học tập cho các trường học...

Những chiếc chong chóng xinh xắn sặc sỡ được tái chế từ rác thải nhựa, trang trí quanh khu vực trồng cây đã tạo niềm vui và sự hứng khởi cho các em học sinh ở Nam Sudan. Điều này giúp các em nhỏ vô cùng thích thú và có nhận thức tốt về môi trường, tự nâng cao nhận thức bảo vệ hệ sinh thái quanh mình.

Gần 1.000 cây giống phủ xanh đất cằn

Bên cạnh tái chế rác thải, hoạt động trồng cây được BVDC 2.3 triển khai thường xuyên trong dự án này, với mong muốn lan tỏa "lối sống xanh" tới bè bạn 5 châu.

Ngay từ ngày đặt chân tới địa bàn công tác, BVDC 2.3 đã tích cực thu thập hạt giống, ươm mầm xanh và trồng gần 1.000 cây giống trong và ngoài đơn vị. Cây giống từ vườn ươm của bệnh viện đã được chuyển tới nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện tại địa bàn cũng như các vùng lân cận, góp phần mang lại màu xanh và sức sống cho khu vực Bentiu.

Hoạt động trồng cây đã thu hút sự tham gia của rất nhiều người dân địa phương. Ban đầu họ tìm đến vì sự yêu mến bộ đội Việt Nam và tò mò, nhưng sau khi cùng tham gia trồng và được nghe những y bác sĩ Việt Nam nói về ý nghĩa của việc trồng cây, người dân Nam Sudan tỏ ra rất thích thú và hưởng ứng. Cuối buổi trồng cây, người dân còn chủ động xin cây giống về trồng và chăm sóc.

Bất ngờ thú vị cho đại biểu quốc tế

Tháng 12/2021, trong lần tới Bentiu để tham gia cuộc họp về tình hình lũ lụt lớn nhất trong lịch sử 60 năm tại Nam Sudan, đại biểu quốc tế đến từ các tổ chức Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), OCHA (Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ ở Juba). UNICEF (Quỹ Nhi đồng LHQ)... đều vô cùng ấn tượng khi họ bước vào gian phòng được bài trí đặc biệt.

Nhiệm vụ này do các cán bộ và nhân viên BVDC 2.3 đảm nhiệm. Đây là lần thứ 2 đơn vị được UNMISS tin tưởng giao trọng trách trang trí phòng họp chính của Phân khu Unity cùng phục vụ thức uống và đồ ăn nhẹ trong buổi đón tiếp.

Bên cạnh các món ăn đặc trưng Việt Nam, trà hoa cúc nấu cùng những trái bí đao tươi do chính tay các y bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam trồng, cách bài trí đẹp mắt với điểm nhấn là các vật dụng thủ công mỹ nghệ Việt thân thiện với môi trường, như ly, cốc, dĩa, nĩa, khay, hộp khăn giấy được làm hoàn toàn từ gỗ tre, dừa... chính là thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường mà BVDC 2.3 mang đến Phái bộ.

Trong dự án "Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam Chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn đóng quân trong thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc", hoạt động khích lệ người dân địa phương sử dụng các đồ dùng, dụng cụ thân thiện với môi trường đã được thúc đẩy mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, BVDC 2.3 đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh môi trường tại từng trường học, khu dân cư, bệnh viện, đồng thời kết hợp công tác kiểm tra phòng dịch tại phân khu với việc tuyên truyền và vận động các đơn vị quốc tế khác cùng bảo vệ môi trường sống, cũng như làm việc.

Hành trình đầy tự hào

Trong quá trình thực hiện, ngoài những khó khăn về chính trị - kinh tế - xã hội thì môi trường đa quốc gia, đa văn hóa, đa ngôn ngữ, nguồn kinh phí và nhân lực hạn hẹp... cũng là những rào cản với các cán bộ của BVDC 2.3. Tuy nhiên, với tinh thần tương thân tương ái, BVDC 2.3 vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra.

Với những kết quả đã đạt được, dự án "Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam Chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn đóng quân trong thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" đã gây được nhiều tiếng vang trong cộng đồng quốc tế, tác động một phần không nhỏ tới nhận thức về Bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ, nhất là hơn 1.000 học sinh tại 6 điểm trường đã được BVDC 2.3 thăm và giao lưu.

Nỗ lực, cũng như thành quả của dự án đã được ghi nhận tại Hạng mục dự án thuộc Thư viện sáng kiến cộng đồng, nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2023.

Đây là hạng mục giành cho những dự án cộng đồng, CSR hoặc Phát triển bền vững có những sáng kiến đột phá, tạo được tác động sâu rộng, bền vững hoặc giải quyết được những vấn đề cấp thiết của xã hội.

Với chủ đề "Dấu ấn tiên phong", giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize năm 2023 tôn vinh những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không ngần ngại dấn bước cống hiến vì cộng đồng, đặt những bước đầu tiên trên hành trình đầy thách thức, bất chấp mọi khó khăn, kiên định với giá trị nhân văn, niềm tin về sự phát triển bền vững.

Nguồn: Thanh Niên; CafeF; Thời Đại; Kenh14

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang