Người Việt hải ngoại: Cơm Việt phủ sóng New York; 3 bé sinh non được cứu ở Hàn; Hết hạn lưu trú vẫn làm chui ở Nhật

Cơm Việt phủ sóng tại Quảng trường Thời đại: Cơ hội cho các doanh nghiệp ghi dấu ấn trên bản đồ ẩm thực thế giới

(Ảnh minh họa).

Vừa qua, giữa muôn vàn biển hiệu đầy màu sắc trên Quảng trường Thời đại (New York, Mỹ), một số thương hiệu ẩm thực đến từ Việt Nam, trong đó có Cơm thố Anh Nguyễn và Cơm tấm Phúc Lộc Thọ đã gây chú ý khi xuất hiện trên bảng quảng cáo của Grab tại toà tháp Nasdaq Tower.

Đây đều là những đối tác nhà hàng của GrabFood, dịch vụ gọi đồ ăn của siêu ứng dụng Grab. Nhằm tri ân các đối tác và quảng bá sự đa dạng ẩm thực của GrabFood hướng đến người dùng là khách du lịch quốc tế, Grab đã dành cơ hội xuất hiện đặc biệt này cho những thương hiệu đang gặt hái nhiều thành công trên nền tảng. Đằng sau những thành công bước đầu ấy còn là câu chuyện về khát khao vươn mình, sự năng động của các thương hiệu Việt trong việc tận dụng cơ hội của kỷ nguyên số.

Để trở thành một thương hiệu uy tín xuất hiện trên bảng quảng cáo của Nasdaq Tower, Cơm thố Anh Nguyễn và Cơm tấm Phúc Lộc Thọ đã trải một hành trình hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm.

Câu chuyện truyền cảm hứng cho các nhà khởi nghiệp Việt

Kể về câu chuyện lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Hậu, người sáng lập Cơm thố Anh Nguyễn, coi đây là cái duyên đến với "đúng người, đúng thời điểm". Trở về nước sau nhiều năm làm việc tại Malaysia, anh Hậu chân ướt chân ráo bước vào mảng kinh doanh dịch vụ ẩm thực, nhà hàng và đồ uống (F&B). Sau một lần thưởng thức món cơm thố tại Đà Nẵng, anh ấp ủ ý định trở thành người đầu tiên mang món ăn này về chiếm lĩnh thị trường miền Bắc.

Năm 2012, anh mở cơ sở đầu tiên tại Duy Tân, Hà Nội, với vỏn vẹn 70 triệu đồng. Ngồi tại cửa hàng đầu tiên, anh Hậu hồi tưởng những ngày tháng nhiệt huyết, làm từ vị trí bảo vệ, đầu bếp cho đến thu ngân. Với nguyên liệu cơm nóng đảo cùng cà rốt, đậu Hà Lan và kết hợp với hạt giòn độc đáo, cơm thố dần dà chiếm được cảm tình và để lại ấn tượng cho nhiều thực khách.

Sau 5 năm, Cơm thố Anh Nguyễn duy trì ổn định với 5 cơ sở. Tuy nhiên, anh Hậu cho biết khó khăn thực sự giờ mới bắt đầu. Giữa những thay đổi và đào thải không ngừng của ngành F&B, Cơm thố Anh Nguyễn có bước ngoặt lớn là chuyển đổi sang mô hình nhượng quyền và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online). Mặc dù gặp khó khăn trong quy trình và quản lý, anh Hậu khẳng định đó là điều phải làm để bắt kịp xu thế. Chính nhờ quyết định đó, Cơm thố Anh Nguyễn hiện đã có gần 80 cơ sở trên khắp cả nước.

Khác với món cơm thố tiên phong tại Hà Nội, Cơm tấm Phúc Lộc Thọ xuất hiện khi thị trường ẩm thực của TP. Hồ Chí Minh đã có những thương hiệu lâu năm về cơm tấm. Nhưng với niềm tin rằng trong mỗi tế bào của người Việt luôn có "ADN cơm", chưa kể cơm tấm là món ăn gắn bó với giới bình dân lao động ở miền Nam, anh Phan Sỹ Thi, người sáng lập chuỗi Cơm tấm Phúc Lộc Thọ, kỳ vọng tạo nên một chuỗi cửa hàng thật sự nổi trội để khẳng định vị thế của món Việt trên chính quê hương mình.

Ước mơ lớn lao ấy bắt nguồn từ những khao khát rất thực tế của anh Thi, đó là kinh doanh để đỡ đần gia đình. Với tuổi thơ từng bán cơm vỉa hè cùng cha mẹ để mưu sinh, anh ước mơ mở một cửa hàng để công việc kinh doanh ổn định hơn. Với số tiền 50 triệu đồng mượn từ gia đình một người bạn, anh Thi mở quán cơm tấm sau khi tốt nghiệp. Tự tay đóng bàn ghế, bảng hiệu…, tiệm Cơm tấm Phúc Lộc Thọ đầu tiên tại đường Tô Ngọc Vân, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, thành hình trong niềm hạnh phúc.

Cái bắt tay với Grab, mở rộng cánh cửa quảng bá ẩm thực Việt

Chứng kiến thương hiệu của mình xuất hiện tại một vị trí đắc địa ở New York, anh Hậu thốt lên: "Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến cơ hội này". Anh tự hào vì những nỗ lực của Cơm thố Anh Nguyễn đã được Grab ghi nhận. Anh Phan Sỹ Thi cũng khẳng định đây là một động lực to lớn trên hành trình nâng cao vị thế của món Việt trên đất Việt và trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Hòa vào xu thế phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, sự hợp tác của Cơm thố Anh Nguyễn và Cơm tấm Phúc Lộc Thọ với GrabFood đã mở ra nhiều cơ hội giúp đôi bên cùng có lợi. GrabFood cần không ngừng cung cấp dịch vụ tối ưu cho lượng người dùng lớn và đa dạng của thương hiệu. Ngược lại, các cửa hàng cần GrabFood để mở rộng kinh doanh online và tăng cường độ nhận diện.

Anh Hậu chia sẻ: "Từ khi bắt tay với GrabFood trong giai đoạn đại dịch, doanh số của chúng tôi tăng gấp 3-4 lần nhờ những "mặt bằng ảo" từ phía Grab hỗ trợ". Anh cho biết thêm, khi cửa hàng và Grab cùng hỗ trợ những deal giảm giá, người dùng sẽ được lợi nhiều nhất. Đơn cử phải kể đến những danh mục Grab Ngon Rẻ, Bữa trưa 0 đồng mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn ăn uống tiết kiệm.

Cả hai chủ doanh nghiệp F&B này đều nhận thấy rằng, Grab luôn có những chính sách để tạo điều kiện phát triển cho các đối tác nhà hàng, góp phần quảng bá ẩm thực chất lượng và phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng. Trên ứng dụng, GrabFood hỗ trợ các nhà hàng thông qua việc tăng cường hiển thị trên đề xuất tại trang chủ cũng như qua danh mục "Grab Ngon Rẻ", "Quán ngon đặc tuyển". Nếu ví ứng dụng của Grab như một con phố, việc hỗ trợ các quán ăn hiển thị tại danh mục được đánh giá cao sẽ giống như nhà hàng thuê được mặt bằng ở vị trí đắc địa. Từ đó, các đối tác có thể tăng đơn hàng online và gia tăng độ nhận diện trong mắt khách hàng.

Không những thế, qua những tính năng đánh giá về trải nghiệm ẩm thực của người dùng được Grab phát triển, các đối tác nhà hàng sẽ có thêm góc nhìn mới, giúp thiện chất lượng của món ăn lẫn dịch vụ. Khi và chỉ khi sản phẩm cốt lõi đạt chất lượng cao, ẩm thực Việt mới có thể củng cố vị thế trên chính quê hương và vươn xa ra thế giới.

3 bé sinh non người Việt được điều trị thành công tại Hàn Quốc

Các bé cân nặng 660 gram, 550 gram và 540 gram chào đời khi thai kỳ chỉ mới 23 tuần tuổi và đã được một bệnh viện tại Hàn Quốc điều trị thành công.

Theo chuyên trang Korea Biomedical Review, Bệnh viện Bucheon thuộc Đại học Soonchunhyang (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) ngày 27.11 cho biết vừa điều trị thành công ca sinh non gồm 3 bé chỉ mới 23 tuần của một bà mẹ Việt.

Trước đó hôm 17.7, bà mẹ Việt sinh non tại bệnh viện, với 3 bé cân nặng 660 gram, 550 gram và 540 gram. Cả 3 bé đều có tỷ lệ sống sót rất thấp ở mức chỉ khoảng 20% và cần hồi sức chuyên nghiệp, bao gồm cả hỗ trợ thở thích hợp ngay sau khi sinh để có cơ hội sống sót.

Do tuổi thai còn quá non, 3 bé đối mặt hàng loạt tình trạng y tế nghiêm trọng như xuất huyết não, còn ống động mạch, bệnh võng mạc, tắc ruột, thủng ruột, nhiễm trùng huyết và bệnh phổi mãn tính.

Phối hợp với khoa sản phụ khoa, các nhân viên y tế của khoa nhi và sơ sinh đã tập trung tiến hành hồi sức, điều trị tuần tự. Các giảng viên, chuyên gia và điều dưỡng từ khoa nhi và sơ sinh đã tận tâm chăm sóc trẻ sơ sinh suốt ngày đêm.

Nhờ sự chăm sóc chu đáo của bệnh viện, bé đầu tiên nặng 2,6 kg đã xuất viện vào ngày 18.11, sau 4 tháng chào đời và đoàn tụ với cha mẹ. Bé thứ 2 và thứ 3 dự kiến được xuất viện sau phẫu thuật phục hồi hậu môn nhân tạo khi đạt được cân nặng mục tiêu.

Do 3 bé phải vượt qua nhiều tình huống nguy hiểm đến tính mạng, chi phí y tế tăng vọt và đến nay đã lên đến 400 triệu won (7,48 tỉ đồng). Cha mẹ của 3 bé là lao động nhập cư, gặp khó khăn về tài chính nên không thể trang trải những chi phí y tế này.

Đội công tác xã hội của bệnh viện đã nhanh chóng kết nối với các tổ chức tài trợ để quyên góp. Tính đến nay, nhiều tổ chức trong đó có các nhóm người di cư đã quyên góp khoảng 200 triệu won.

Bà mẹ 26 tuổi cảm ơn bác sĩ Shin Eung-jin giám đốc bệnh viện, cùng đội ngũ nhân viên y tế và các nhà tài trợ đã cho 3 đứa con của cô cơ hội được chữa trị và sống sót: "Chúng tôi sẽ nuôi dạy các con thật tốt để chúng có thể đáp lại cho xã hội tình yêu thương to lớn đã nhận được".

Giáo sư Park Ga-young tại bệnh viện cho biết 3 bé đã vượt qua một số ca phẫu thuật lớn, đồng thời bày tỏ lòng tự hào về nỗ lực thành công của bệnh viện.

"Ngay cả sau khi họ xuất viện, các bé vẫn cần được quan tâm và hỗ trợ liên tục, cần được theo dõi chặt chẽ mọi vấn đề có thể phát sinh trong tương lai thông qua chăm sóc ngoại trú", bác sĩ Park nói thêm.

2 người Nhật bị bắt vì thuê người Việt hết hạn lưu trú làm việc

(Ảnh minh họa).

Vào ngày 27/11, Sở cảnh sát Kutchan tại Hokkaido đã bắt giữ 2 nam giới người Nhật là Naoya Sato (50 tuổi)giám đốc điều hành công ty ở thành phố Kitahiroshima và Hiromitsu Konishi (55 tuổi) – nhân viên dọn dẹp ở thành phố Osaka, tỉnh Osaka, vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật kiểm soát nhập cư và công nhận người tị nạn.

Từ ngày 3/7 đến ngày 23/10 năm nay, hai người này đã thuê 5 nam nữ quốc tịch Việt Nam chưa gia hạn thời gian lưu trú hoặc thay đổi tình trạng cư trú để làm công việc dọn dẹp tại các khách sạn ở thị trấn Niseko, Hokkaido.

Theo cảnh sát, trong 2 ngày 20/10 và 24/10 năm nay, 5 trong 8 người có quốc tịch Việt Nam từng làm việc cho Sato và những người khác đã bị bắt vì nghi ngờ vi phạm Luật Quản lý xuất nhập cảnh và công nhận người tị nạn. Sato và Konishi bị bắt do đứng tên phòng cho người Việt thuê. Nghi phạm Sato và Konishi đã đưa 5 người Việt Nam đến một khách sạn ở thị trấn Niseko thông qua sự giới thiệu của Konishi. Trong thời gian họ làm việc, Sato phụ trách quản lý lao động và Konishi phụ trách tiền lương.

Trả lời cuộc điều tra, nghi phạm Sato đã thừa nhận cáo buộc và nói rằng chính mình đã cho người Việt Nam làm công việc dọn dẹp, nghi phạm Konishi thì khai rằng đã cho người nước ngoài làm việc với Sato.

Nguồn: CafeF; Thanh Niên; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang